Thứ hai, 24 Tháng 3 2014 00:00

Thực trạng công tác kiểm soát chi đầu tư XDCB từ NSNN qua KBNN ở Việt Nam (Phần 1)

1. Chức năng, nhiệm vụ của KBNN trong kiểm soát chi đầu tư XDCB từ NSNN

1.1. Quá trình hình thành và phát triển của KBNN

Ngày 1/4/1990, hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính được thành lập, được giao nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quỹ NSNN, các quỹ tài chính của Nhà nước, huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển và là đầu mối duy nhất thực hiện nhiệm vụ tổ chức công tác kế toán NSNN.

Qua 20 năm, một chặng đường không phải là dài nhưng cũng là quãng thời gian mang mốc son đã được ghi nhận mà hệ thống KBNN đã nỗ lực tạo dựng trong việc hoàn thiện, phát triển chức năng nhiệm vụ của mình nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Tài chính- Ngân sách góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

Sau 20 năm thành lập và phát triển, KBNN đã vượt qua nhiều khó khăn, từng bước ổn định và phát triển, cùng với toàn Ngành Tài chính đạt được nhiều kết quả trong xây dựng chính sách, quản lý phân phối nguồn lực của đất nước, góp phần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Có thể khẳng định rằng, hệ thống KBNN đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới và lành mạnh hoá nền tài chính Quốc gia thông qua việc tập trung nhanh, đầy đủ nguồn thu cho NSNN, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của Chính phủ; huy động một lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; kế toán và cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thu, chi ngân sách phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng quản lý, hiệu quả sử dụng NSNN.

1.2. Tổ chức bộ máy.

KBNN là đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính được tổ chức theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương, theo đơn vị hành chính, bao gồm cơ quan KBNN ở Trung ương và cơ quan KBNN ở địa phương.

Cơ quan KBNN ở Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tập trung thống nhất toàn hệ thống, trực tiếp quản lý ngân sách Trung ương, KBNN có văn phòng và các vụ, đơn vị sự nghiệp giúp việc tổng Giám đốc.

Cơ quan KBNN ở địa phương có trách nhiệm chỉ đạo các KBNN huyện, trực tiếp quản lý ngân sách tỉnh. Giúp việc Giám đốc KBNN tỉnh có văn phòng và các Phòng nghiệp vụ

KBNN huyện trực tiếp quản lý ngân sách huyện.

1.3. Nhiệm vụ của KBNN trong kiểm soát chi đầu tư XDCB từ NSNN.

    Thực hiện Nghị định số 145/1999/NĐ-CP ngày 20/9/1999 của Chính Phủ về việc tổ chức lại Tổng cục Đầu tư phát triển trực thuộc Bộ Tài chính, kể từ ngày 01/01/2000 cơ quan Kho bạc Nhà nước được giao nhiệm vụ kiểm soát thanh toán, kế toán, quyết toán vốn đầu tư, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước các cấp.

      Mô hình của hệ thống Kho bạc Nhà nước là một tổ chức thống nhất từ Trung ương xuống địa phương vừa xây dựng chế độ văn bản hướng dẫn công tác kiểm soát chi đầu tư đảm bảo kịp thời, thông suốt, không để ách tắc, đồng thời tổng hợp thông tin báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo KBNN và Lãnh đạo Bộ Tài chính. Trong những năm qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đã khẳng định được vai trò, vị trí của người kiểm soát chi trong lĩnh vực kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư tư xây dựng cơ bản thuộc NSNN các cấp.

      Theo các Quyết định của Chính phủ và Bộ Tài chính thì tại 3 cấp của KBNN đều có các đơn vị thực hiện công tác kiểm soát chi đầu tư; về nhân sự cho đến nay toàn hệ thống có khoảng gần 2000 cán bộ trực tiếp theo dõi, quản lý và kiểm soát thanh toán.

        Về quyền hạn và trách nhiệmcủa Kho bạc Nhà nước trong việc kiểm soát chi đầu tư được quy định tại tiết II, điểm 11, Thông tư số 130/2007/TT-BTC ngày 2/11/2007 của Bộ Tài chính cụ thể là:

      - Ban hành Quy trình thanh toán vốn đầu tư để thực hiện thống nhất trong cả nước.

      - Hướng dẫn chủ đầu tư mở tài khoản để tạm ứng và thanh toán vốn.

      - Kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời, đầy đủ cho dự án khi đã có đủ điều kiện và đúng thời gian quy định.

      - Có ý kiến rõ ràng bằng văn bản cho chủ đầu tư đối với những khoản giảm thanh toán hoặc từ chối thanh toán, trả lời các thắc mắc của chủ đầu tư trong việc thanh toán vốn.

      - KBNN chỉ kiểm soát thanh toán trên cơ sở các tài liệu do chủ đầu tư cung cấp và theo nguyên tắc thanh toán đã quy định, không chịu trách nhiệm về tính chính xác của khối lượng, định mức, đơn giá chất lượng công trình. Trường hợp phát hiện quyết định của các cấp có thẩm quyền trái với quy định hiện hành, phải có văn bản đề nghị xem xét lại và nêu rõ ý kiến đề xuất. Nếu quá thời gian quy định mà không được trả lời thì được quyền giải quyết theo đề xuất của mình; nếu được trả lời mà xét thấy không thoả đáng thì vẫn giải quyết theo ý kiến của cấp có thẩm quyền, đồng thời phải báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn và báo cáo cơ quan Tài chính để xem xét, xử lý.

      - Đôn đốc chủ đầu tư thanh toán dứt điểm công nợ khi dự án đã quyết toán và tất toán tài khoản.

      - Thực hiện chế độ thông tin báo cáo và quyết toán sử dụng vốn đầu tư và vốn sự  nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

      - Được quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin theo chế độ quy định để phục vụ cho công tác kiểm soát thanh toán vốn.

      - Định kỳ và đột xuất kiểm tra các chủ đầu tư về tình hình thực hiện dự án, việc chấp hành chế độ, chính sách tài chính đầu tư phát triển, tình hình quản lý, sử dụng vốn đầu tư; Được phép tạm ngừng thanh toán vốn hoặc thu hồi số vốn mà chủ đầu tư sử dụng sai mục đích, sai đối tượng hoặc trái với chế độ quản lý tài chính của Nhà nước, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính để xử lý.

      - Không tham gia vào các Hội đồng nghiệm thu ở các công trình, dự án.

      - Tổ chức công tác kiểm soát, thanh toán vốn theo quy trình nghiệp vụ thống nhất, đơn giản thủ tục hành chính nhưng đảm bảo quản lý vốn chặt chẽ, thanh toán kịp thời, đầy đủ, thuận tiện cho chủ đầu tư.

      - Hết năm kế hoạch, xác nhận số thanh toán trong năm, luỹ kế số thanh toán từ khởi công đến hết niên độ ngân sách nhà nước cho từng dự án, nhận xét về việc chấp hành chế độ quản lý, chấp hành định mức đơn giá, các chế  độ chính sách theo quy định.

      - Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính và pháp luật của Nhà nước về việc nhận, sử dụng vốn ngân sách nhà nước và thanh toán trong đầu tư xây dựng.

Như vậy trước đây nhiệm vụ kiểm soát chi đầu tư XDCB chỉ được kiểm soát chi ở cấp tỉnh và một số ít dự án liên tuyến, liên tỉnh được kiểm soát, thanh toán trực tiếp tại Trung ương, đến nay KBNN đã tổ chức triển khai phân cấp quản lý, kiểm soát chi ở 3 cấp đó là: Trung ương, tỉnh, huyện cho tất cả các nguồn vốn đầu tư thuộc NSNN phù hợp với trình độ quản lý, quy mô của dự án đầu tư.

1.4. Vai trò của KBNN trong kiểm soát chi đầu tư XDCB từ NSNN.

      Quá trình thực hiện dự án đầu tư XDCB gồm rất nhiều khâu, nhiều bước phức tạp, tính chất của mỗi khâu lại không giống nhau, nội dung chi cho thực hiện dự án, công trình là khoản chi rất khó xác định chính xác, mặt khác trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư đều cần có vốn để thực hiện và vì những đặc điểm riêng đó nên chi đầu tư XDCB rất dễ bị thất thoát, lãng phí. Vì thế Nhà nước cần giao cho một cơ quan có thẩm quyền thống nhất thực hiện chức năng kiểm soát chi đầu tư từ NSNN cho các chương trình, dự án đầu tư XDCB. Ngày 20/9/1999 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 145/1999/NĐ-CP về việc tổ chức lại hệ thống Tổng cục Đầu tư phát triển, theo đó từ ngày 01/01/2000 hệ thống KBNN thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thanh toán, kế toán, quyết toán vốn đầu tư, vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn NSNN các cấp. Vì vậy KBNN thay mặt Bộ Tài chính giữ vai trò kiểm soát, thanh toán vốn cho các đơn vị thụ hưởng để thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng hợp đồng đã ký kết.

Quản lý cấp phát và thanh toán các khoản chi NSNN là trách nhiệm của các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc quản lý và sử dụng NSNN, từ khâu lập dự toán, phân bổ, cấp phát, thanh toán đến quyết toán chi NSNN, trong đó hệ thống KBNN giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Tại điều 56 Luật NSNN (sửa đổi) đã quy định: “Căn cứ vào dự toán NSNN được giao và yêu cầu nhiệm vụ, thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định chi gửi KBNN, KBNN kiểm tra tính hợp pháp của các tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật và thực hiện chi ngân sách khi có đủ các điều kiện quy định”; Đồng thời tại điểm 1, điều 55 Nghị định 60/2003/NĐ-CP cũng quy định “Các đơn vị sử dụng ngân sách và các tổ chức được ngân sách hỗ trợ thường xuyên phải mở tài khoản tại KBNN, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Tài chính và KBNN trong quá trình thanh toán, sử dụng kinh phí”.

Như vậy, KBNN đóng vai trò là trạm canh gác, kiểm soát cuối cùng, được Nhà nước giao nhiệm vụ kiểm soát trước khi đồng vốn của Nhà nước ra khỏi quỹ NSNN.

Với vai trò kế toán công, sau khi thực hiện nghiệp vụ kiểm soát, KBNN thực hiện thanh toán, chi trả các khoản chi NSNN cho các đơn vị sử dụng ngân sách. Như vậy bên cạnh việc kiểm tra việc sử dụng kinh phí NSNN cho các đơn vị, tổ chức kinh tế, đảm bảo đúng mục đích, đúng chế độ, định mức chi tiêu của Nhà nước, việc KBNN thực hiện thanh toán với đối tượng thụ hưởng cũng là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện các chủ trương chính sách lớn trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, như đảm bảo thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo ổn định lưu thông tiền tệ, hiện đại công nghệ thanh toán, công khai, minh bạch thông tin.

KBNN có trách nhiệm kiểm soát chi đầu tư XDCB theo Luật định và Quyết định của cấp có thẩm quyền; hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo đúng chế độ quy định; thông tin đầy đủ cho các cấp điều hành ngân sách; tham mưu đầy đủ cho cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc quản lý chỉ đạo hoạt động liên quan đến đầu tư XDCB. Thực hiện các tác nghiệp chủ yếu như cấp phát, tạm ứng, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản…; chuyển vốn, hạch toán kế toán, quyết toán đúng chế độ kế toán NSNN; đối chiếu, xác nhận, nhận xét các số liệu và quản lý sử dụng vốn của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, công trình.

Việc phân định quản lý vốn đầu tư XDCB từ NSNN trong hệ thống được phân công theo nguyên tắc tập trung thống nhất thành hệ thống từ Trung ương đến địa phương theo đơn vị hành chính, theo địa bàn hoạt động có tính tới phân cấp, uỷ quyền và phối hợp có hiệu quả trong hệ thống và phù hợp với mô hình quản lý hành chính Nhà nước hiện hành cụ thể là:

- KBNN Trung ương quản lý chỉ đạo điều hành toàn bộ hệ thống quản lý, kiểm soát chi đầu tư ngân sách cấp Trung ương, những dự án lớn quốc gia, liên tỉnh, quan trọng do Bộ quyết định.

       - KBNN cấp tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương quản lý kiểm soát chi đầu tư NSNN Trung ương trên địa bàn và một phần lớn của ngân sách tỉnh.

Về phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi đầu tư XDCB: trước đây chỉ tập trung kiểm soát chi ở cấp tỉnh và một số ít dự án liên tuyến, liên tỉnh được kiểm soát, thanh toán trực tiếp tại trung ương, đến nay KBNN đã tổ chức triển khai phân cấp quản lý, kiểm soát chi ở 3 cấp đó là: Trung ương, tỉnh, huyện cho tất cả các nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước phù hợp trình độ quản lý, quy mô của các dự án đầu tư và theo yêu cầu của nhà tài trợ đối với từng dự án ODA.

2. Kiểm soát chi đầu tư XDCB từ NSNN qua KBNN.

2.1. Quy định chung.

2.1.1. Căn cứ pháp lý

- Luật NSNN (sửa đối) đã được ban hành vào năm 2002, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2004.

- Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN; Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính Phủ.

- Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KBNN trực thuộc Bộ Tài chính.

- Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/04/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, chi đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN.

- Thông tư số 130/2007/TT-BTC ngày 02/11/2007 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, chi đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN.

- Thông tư số 107/2007/TT-BTC ngày 7/9/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý thanh toán, quyết toán vốn đầu tư dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư sử dụng vốn NSNN.

- Thông tư số 88/2009/TT-BTC ngày 29/4/2009 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 và thông tư số 130/2007/TT-BTC ngày 02/11/2007 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về quản lý, chi đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN.

- Quyết định số 686/QĐ-KBNN ngày 18/8/2009 của Tổng Giám đốc KBNN về việc ban hành Quy trình kiểm soát chi đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư trong nước qua hệ thống KBNN.

2.1.2. Đối tượng và phạm vi áp dụng.

a) Đối tượng áp dụng.

Các khoản chi NSNN từ nguồn vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN cho các dự án đầu tư.

b) Phạm vi áp dụng.

Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN (gọi chung là dự án) do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Tổ chức chính trị, Tổ chức chính trị xã hội, Tổ chức xã hội nghề nghiệp, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước (sau đây gọi chung là Bộ), các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) và các quận, huyện, thị xã, Thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) quản lý.

Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư phát triển hoặc bằng nguồn vốn chi sự nghiệp trong dự toán NSNN; các dự án đầu tư sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau trong đó có tách riêng nguồn vốn NSNN đầu tư cho các hạng mục, công việc hoặc các dự án đầu tư sử dụng nhiều nguồn vốn nhưng không thể tách riêng được vốn NSNN mà nguồn vốn đầu tư từ NSNN có tỷ trọng lớn nhất trong tổng mức vốn đầu tư của dự án phải có đủ thủ tục đầu tư và xây dựng, được bố trí vào kế hoạch đầu tư và kế hoạch chi sự nghiệp hằng năm của Nhà nước và thực hiện kiểm soát, chi tại KBNN. Quy trình kiểm soát chi đầu tư XDCB không áp dụng cho các dự án thuộc ngân sách cấp xã; các dự án đầu tư của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; dự án mua sở hữu bản quyền. Tình hình chi NSNN và chi đầu tư XDCB giai đoạn 2000-2010 cụ thể như sau:


Bảng 2.1. Tổng hợp chi NSNN giai đoạn 2000-2010

Đơn vị: Tỷ đồng

m

2000

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

TỔNG CHI

108.961

129.773

148.208

181.183

214.176

262.697

308.058

399.402

398.980

491.300

582.200

Trong đó

                     

Chi đầu tư phát triển

29.624

40.236

45218

59.629

66.115

79.199

88.341

112.160

99.730

112.800

125.500

Trong đó: Chi XDCB

26.211

36.139

40.740

54.430

61.746

72.842

81.078

107.440

97.270

109.320

120.100

Tỷ lệ (%)

27,2%

31%

31%

33%

31%

31%

29%

28%

25%

25%

21,5%

( Nguồn số liệu: Theo báo cáo quyết toán chi NSNN các năm 2000-2010 của Bộ Tài Chính)


2.1.3. Thủ tục mở tài khoản.

Để thực hiện kiểm soát chi NSNN, các đơn vị phải thực hiện thủ tục mở tài khoản tại KBNN; Thủ tục này được quy định theo văn bản hướng dẫn chế độ kế toán, bao gồm cả chế độ kế toán NSNN và nghiệp vụ KBNN và Kế toán Nhà nước áp dụng cho hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc.

Cụ thể các bước như sau:

a) Chuẩn bị hồ sơ.

- Đối với các khoản chi đầu tư do chủ đầu tư chuẩn bị tài liệu để mở tài khoản gồm: Quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư (trường hợp trong quyết định đầu tư không nêu); Quyết định thành lập Ban quản lý dự án; Quyết định bổ nhiệm chức vụ của chủ tài khoản (thủ trưởng đơn vị), Kế toán trưởng (hoặc người phụ trách kế toán); Giấy đề nghị mở tài khoản; bản đăng ký mẫu dấu, chữ ký.

b) Tiếp nhận xử lý của KBNN

- Sau khi cán bộ KBNN tiếp nhận hồ sơ đăng ký mở tài khoản, kiểm tra hồ sơ; dự kiến cấp mã các tài khoản theo chế độ quy định và trình lãnh đạo phòng, lãnh đạo KBNN xét duyệt.

- Tiến hành cấp và thông báo mã tài khoản cho đơn vị đăng ký.

2.1.4. Điều kiện chi đầu tư XDCB

Để đảm bảo cho công tác xây dựng cơ bản tiến hành đúng trình tự, đảm bảo các nguyên tắc chi đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án đầu tư thuộc đối tượng chi của NSNN muốn được chi đầu tư XDCB phải có đủ điều kiện sau:

Thứ nhất: Phải có đủ thủ tục đầu tư và xây dựng.

Thủ tục đầu tư xây dựng là những Quyết định, văn bản… của cấp có thẩm quyền cho phép được đầu tư dự án theo chương trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nó là kết quả của các bước chấp hành trình tự đầu tư và xây dựng. Chỉ khi nào hoàn tất các thủ tục đầu tư và xây dựng như quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi và quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền, thiết kế dự toán đựơc duyệt…thì dự án mới được phép ghi vào kế hoạch đầu tư XDCB và mới được phép cấp phát vốn theo kế hoạch, thiết kế dự toán được duyệt.

Thứ hai: Công trình đầu tư phải được ghi vào kế hoạch vốn đầu tư XDCB năm.

Khi công trình được ghi vào kế hoạch đầu tư nghĩa là dự án đã được tính toán về hiệu quả kinh tế mang lại cho nền kinh tế quốc dân, tính toán về phương án đầu tư, về nguồn vốn đầu tư và đã cân đối được khả năng cung cấp nguyên vật liệu, khả năng thi công dự án. Chỉ khi nào dự án được ghi trong kế hoạch đầu tư XDCB mới đảm bảo về mặt thủ tục đầu tư, xây dựng và mới có nguồn vốn của NSNN đảm bảo cho việc cấp phát vốn đầu tư XDCB được thực hiện.

Thứ ba: Phải có Ban quản lý công trình đuợc thành lập theo Quyết định của cấp có thẩm quyền.

Các công trình đầu tư cần thiết phải có bộ phận quản lý dự án để thực hiện các thủ tục đầu tư và xây dựng; để quản lý, sử dụng và quyết toán vốn đầu tư của dự án, để kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư xây dựng dự án, đảm bảo sử dụng vốn đúng kế hoạch và có hiệu quả. Vì vậy chỉ khi có Ban quản lý dự án được thành lập thì các quan hệ về phân cấp thanh toán mới được thực hiện, nên đảm bảo đúng chế độ Nhà nước quy định.

Thứ tư: Đã tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn mua sắm vật tư, thiết bị, xây lắp theo quy định của chế độ đấu thầu (trừ những trường hợp được phép chỉ định thầu).

Để thực hiện dự án đầu tư, các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải tuyển chọn thầu để thực thi công xây lắp, mua sắm vật tư thiết bị theo yêu cầu đầu tư của dự án. Trong cơ chế thị trường việc đấu thầu để tuyển chọn thầu là hết sức cần thiết. Mục đích của việc tổ chức đấu thầu là để chọn được những đơn vị thi công xây lắp có trình độ quản lý tốt, tổ chức thi công nhanh hợp lý, đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý. Sau khi đã chọn thầu các đơn vị chủ đầu tư phải ký kết hợp đồng thi công về mua sắm máy móc thiết bị; các chủ đầu tư theo dõi quản lý và tổ chức thanh toán cho các đơn vị nhận thầu theo những điều đã ký kết trong hợp đồng. Vì vậy nếu không có đấu thầu để chọn thầu thi công thì việc xây dựng dự án không thể được thực hiện và việc cấp vốn đầu tư không thể có.

Thứ năm: Các công trình đầu tư chỉ được cấp phát khi có khối lượng cơ bản hoàn thảnh đủ điều kiện được cấp vốn thanh toán hoặc đủ điều kiện được cấp vốn tạm ứng.Sản phẩm XDCB do các đơn vị thi công xây lắp (đơn vị trúng thầu hoặc chỉ định thầu) thực hiện thông qua quá trình sản xuất kinh doanh của DN xây lắp theo hợp đồng đặt hàng của các chủ đầu tư (chủ công trình). Chính vì vậy khi nào có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành (sản phẩm xây dựng hoàn thành- bộ công trình, hạng mục công trình, công trình hoàn thành của đơn vị xây lắp bàn giao theo đúng những điều đã ghi trong hợp đồng (đã được nghiệm thu- có trong kế hoạch thiết kế, dự toán) thì chủ đầu tư mới được thanh toán cho khối lượng hoàn thành đó.

Đối với việc mua sắm máy móc thiết bị và đối với phần thi công xây lắp đấu thầu, để đảm bảo nhu cầu vốn cho việc mua sắm thiết bị, dự trữ vật tư… thì các đơn vị mua sắm thi công được tạm ứng trước (cấp phát tạm ứng) nhưng phải đảm bảo các điều kiện của tạm ứng đã quy định để đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả.

2.2. Thực trạng công tác kiểm soát chi đầu tư XDCB từ NSNN qua KBNN.

2.2.1. Nội dung kiểm soát chi đầu tư XDCB từ NSNN qua KBNN

Thứ nhất: Kiểm soát chi các khoản chi vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn NSNN. Nội dung kiểm soát chi như sau:

- Kiểm tra tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ dự án, chứng từ thanh toán.

- Kiểm tra việc chấp hành trình tự đầu tư và xây dựng, định mức, đơn giá và các chế độ chính sách do Nhà nước quy định.

- Cấp phát vốn đầu tư bằng lệnh chi tiền.

- Cấp phát bằng mức vốn đầu tư.

- Cấp phát theo dự toán.

- Cấp phát bằng hình thức ghi thu, ghi chi vốn đầu tư.

Thứ hai: Kế toán quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước: Là quá trình KBNN thực hiện ghi chép, hạch toán chính xác, kịp thời các khoản chi theo chế độ quy định, thực hiện hạch toán theo tài khoản thanh toán tập trung và kế toán dồn tích.

Thứ ba: Tổ chức bộ máy kiểm soát chi đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn NSNN qua hệ thống KBNN.

KBNN tổ chức các bộ phận có liên quan để thực hiện nhiệm vụ quản lý và kiểm soát các khoản chi vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn NSNN. Đảm bảo cấp phát, thanh toán hiệu quả, đúng tiến độ thực hiện dự án công trình.

2.2.2. Về thực hiện Quy trình kiểm soát chi đầu tư XDCB từ NSNN.

Nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm được giao, thời gian qua hệ thống KBNN đã có rất nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong kiểm soát chi đầu tư XDCB, nhằm mục tiêu vừa đảm bảo an toàn tiền vốn Nhà nước vừa đơn giản hồ sơ, thủ tục tạo điều kiện tốt nhất trong quá trình giải ngân cho các dự án đầu tư.

Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình được ban hành và đây là cái mốc quan trọng khởi đầu cho công tác đổi mới việc kiểm soát chi phí đầu tư XDCB.

Ngay sau khi Nghị định ra đời, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 130/2007/TT-BTC sửa đổi bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, chi đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN.

Căn cứ nội dung các văn bản trên, KBNN đã ban hành quyết định số 297/QĐ-KBNN ngày 18/5/2007 về Quy trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, Quy trình số 686/QĐ-KBNN ngày 18/8/2009 sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Quyết định số 297 ngày 18/5/2007.

Từ đó công tác kiểm soát chi đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN đã có những nội dung thay đổi cơ bản so với trước đây trên tất cả các lĩnh vực, tạo bước đột phá lớn nhất từ trước đến nay trong công tác kiểm soát chi đầu tư cụ thể như sau:

- Theo quy định của Chính phủ, KBNN không chịu trách nhiệm về chất lượng, khối lượng các dự án, không chịu trách nhiệm kiểm tra việc áp dụng đơn giá, định mức mà thanh toán theo nội dung hợp đồng, trách nhiệm đó thuộc các chủ đầu tư xây dựng công trình.

- Từ đó, tài liệu lưu trữ tại KBNN cũng có nhiều thay đổi, không nhận những loại hồ sơ chứng từ không thuộc trách nhiệm quả lý của ngành, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, không phù hợp với quy định chung như các hồ sơ liên quan đến yếu tố kỹ thuật, bản vẽ kỹ thuật, biên bản nghiệm thu…mà trước đây cán bộ kiểm soát chi vẫn phải tiếp nhận, quản lý, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Mẫu biểu chứng từ thanh toán đã có cải cách tối đa. Trước đây, các chủ đầu tư phải lập nhiều loại chứng từ cho các nội dung chi có tính chất khác nhau như: Chi xây dựng, chi ban quản lý dự án, chi đền bù, chi cho công tác mua sắm thiết bị…

- Mỗi nội dung chi phải sử dụng một loại chứng từ khác nhau như: phiếu giá thanh toán, bảng kê thanh toán, giấy đề nghị thanh toán, giấy đề nghị tạm ứng…thì nay nội dung chứng từ được sửa đổi cho phù hợp với các nội dung chi mà chủ đầu tư chỉ cần sử dụng một loại chứng từ là giấy đề nghị thanh toán.

Như vậy việc cải tiến nội dung chứng từ thanh toán của hệ thống KBNN đã tạo điều kiện cho cán bộ dễ dàng hơn trong việc hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát trước khi thực hiện thanh toán cho các dự án. Về phía khách hàng cũng tránh được tình trạng sai sót do trước đây phải lập nhiều loại chứng từ thanh toán khác nhau.

Do quy định cán bộ kiểm soát chi không chịu trách nhiệm kiểm tra việc áp dụng đơn giá, định mức các dự án, vấn đề này đã tránh được việc quản lý, trách nhiệm chồng chéo giữa các cơ quan cùng tham gia quản lý dự án xây dựng công trình, phân định rõ ràng hơn vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân trong quá trình quản lý dự án đầu tư xây dựng nói chung.

Chính vì vậy phạm vi kiểm soát, nội dung kiểm soát của ngành đã thay đổi, đặc biệt áp dụng phương thức thanh toán trước, kiểm soát sau đối với các món chứng từ tạm ứng, các dự án thanh toán nhiều lần mà chưa phải lần thanh toán cuối cùng.

Qua đó thời gian kiểm soát chứng từ thanh toán tại KBNN đã được rút ngắn so với trước đây từ 7 ngày làm việc xuống còn 4 ngày, tiến độ giải ngân đã được đẩy nhanh đáp ứng nhu cầu vốn thi công cho dự án.

KBNN đã ban hành thống nhất thực hiện Quy trình giao dịch “một cửa” trong kiểm soát chi NSNN. Trong quá trình giao dịch “một cửa” đã thu được những kết quả nhất định. Tạo điều kiện cho khách hàng khi đến giao dịch. Đây cũng là một hình thức nhằm công khai, minh bạch quy trình nghiệp vụ trong kiểm soát chi ngân sách để khách hàng nắm giữ quy trình nghiệp vụ KBNN và thực hiện đúng quy định. Cũng thông qua việc giao dịch “một cửa” đã tạo ra cơ chế tự kiểm soát lẫn nhau giữa cán bộ giao dịch một cửa với cán bộ trực tiếp thanh toán, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc xảy ra phiền hà, sách nhiễu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh toán.

Cùng với việc thực hiện cải cách hành chính của Chính phủ, KBNN thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, nghiên cứu cải cách thủ tục trong lĩnh vực kiểm soát chi NSNN, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.

2.2.3. Tiết kiệm chi cho NSNN.

       Thông qua công tác kiểm soát chi đầu tư chống thất thoát, lãng phí, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước. Trong những năm qua, KBNN luôn quan tâm chỉ đạo công tác kiểm soát chi đầu tư, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành để đề ra các chương trình công tác trong từng thời kỳ, thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hội thảo chuyên đề gắn với công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ kiểm soát chi đầu tư. Đến nay KBNN đã có đội ngũ cán bộ đủ mạnh đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ. Kết quả hơn 10 năm nhận nhiệm vụ kiểm soát chi đầu tư KBNN đã tiến hành chi đầu tư khoảng 805.993 tỷ đồng trong đó từ chối thanh toán hàng nghìn khoản chi do áp dụng sai định mức, đơn giá do cộng sai số học, do không có khối lượng thực hiện, do không có trong dự toán được duyệt với giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Thông qua đó đã tiết kiệm chi cho NSNN khoảng 4.065 tỷ đồng. cụ thể như sau:

Bảng 2.2. Tình hình từ chối chi đầu tư XDCB từ NSNN qua KBNN giai đoạn 2000-2010

STT

Năm

Vốn Thanh toán

(tỷ đồng)

Từ chối TT

(tỷ đồng)

Tỷ lệ % số vốn từ chối thanh toán

1

2000

21.349

338,9

1,59%

2

2001

36.941

342,6

0,93%

3

2002

42.088

436,6

1,037%

4

2003

45.724

354,9

0,78%

5

2004

54.184

481

0,89%

6

2005

66.450

554

0,83%

7

2006

69.682

551

0,79%

8

2007

81.747

465

0,57%

9

2008

93.667

241

0,26%

10

2009

128.699

165

0,13%

11

2010

165.462

97

0,06%

Tổng

805.993

2554

 

(Nguồn: Theo báo cáo tình hình chi đầu tư XDCB hàng năm của KBNN).

Nhìn vào số liệu bảng 2.2 ta thấy: Số vốn thanh toán từ năm 2000-2010 ngày càng tăng qua các năm, năm sau cao hơn so với năm trước. Trong khi đó số từ chối thanh toán không ổn định qua các năm. Từ giai đoạn 2005 đến nay số từ chối thanh toán có xu hướng giảm dần.

Các khoản bị KBNN từ chối thanh toán chi NSNN xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do sai, sót trong quá trình lập dự toán, không đúng định mức, đơn giá XDCB, không có trong kế hoạch vốn hàng năm, không có khối lượng hoàn thành. Bên cạnh đó việc bố trí dàn trải, nhỏ giọt, mang tính dàn đều, bình quân chủ nghĩa, bố trí vốn không đúng quy định và thẩm quyền; xây dựng kế hoạch vốn hằng năm không phù hợp với điểm dừng kỹ thuật của các dự án đầu tư XDCB…cũng là những lý do khiến số từ chối thanh toán của KBNN trong giai đoạn qua là rất lớn.

Nhìn vào bảng trên ta thấy giai đoạn 2000-2005 số từ chối thanh toán tăng tỷ lệ thuận với số chi qua kiểm soát. Trong đó năm 2005 số từ chối thanh toán lớn nhất là 554 tỷ đồng. Sở dĩ như vậy vì năm 2005 là năm đầu tiên Luật đầu tư và xây dựng có hiệu lực, cơ chế kiểm soát có sự thay đổi lớn.

Từ năm 2006 trở đi số từ chối thanh toán chi giảm dần theo từng năm. Do cơ chế đã có sự thay đổi cơ bản. Những năm 2005 trở về trước, khi các đơn vị đến chi đầu tư, KBNN tiến hành kiểm soát cả dự toán và khối lượng thanh toán, nếu sai dự toán KBNN được phép từ chối thanh toán các khoản chi đó.

Nhưng từ năm 2006 trở đi KBNN không kiểm tra các dự toán của các đơn vị mà tập trung kiểm tra chặt chẽ khi thanh toán. Nội dung kiểm soát tại khâu thanh toán là đi sâu vào việc kiểm tra, đối chiếu khối lượng thực hiện trên bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành do chủ đầu tư gửi đến với khối lượng quy định trong hợp đồng hoặc dự toán chi phí được duyệt, kiểm tra việc áp dụng định mức, đơn giá cho khối lượng thanh toán với đơn giá quy định trong hợp đồng và dự toán được duyệt. Kiểm tra phần khối lượng phát sinh, đảm bảo việc thanh toán, xác định đơn giá cho khối lượng phát sinh theo đúng nguyên tắc, chế độ quy định và quy định của hợp đồng, đó là nếu khối lượng phát sinh nhỏ hơn 20% khối lượng tương ứng trong hợp đồng thì áp dụng đơn giá ghi trong hợp đồng, nếu khối lượng phát sinh từ 20% trở lên tương ứng với khối lượng trong hợp đồng hoặc khối lượng phát sinh chưa định mức, đơn giá thì chủ đầu tư cùng nhà thầu và tư vấn tự xác định định mức đơn giá và phê duyệt làm cơ sở thanh toán. Do đó số tiền từ chối thanh toán cũng giảm đi.

Đặc biệt từ năm 2007 theo quy định của Nghị định số 99/2007/CP-NĐ thì chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm hoàn toàn về đơn giá, định mức cũng như mọi hoạt động thực hiện dự án. Nhà nước chỉ quản lý và công bố các định mức XDCB để chủ đầu tư vận dụng, áp dụng cụ thể vào từng dự án, công trình. Đơn giá có thể do địa phương ban hành cho phù hợp với tình hình khu vực mình, cũng có thể do bộ chủ quản ban hành. Dựa vào đó các bên sẽ đưa ra đơn giá riêng cho hợp đồng, KBNN chỉ phải đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ cũng như đảm bảo chi không quá kế hoạch vốn và hồ sơ thanh toán, không áp dụng định mức đơn giá trong hợp đồng. Do đó cũng góp phấn làm số từ chối thanh toán giảm đi.

KBNN đã tổ chức các buổi tọa đàm về giải ngân vốn đầu tư XDCB với các chủ đầu tư, cơ quan chủ đầu tư để đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư, những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân ảnh hưởng tới quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư để có những giải pháp hữu hiệu đẩy nhanh tiến độ thanh toán dự án.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành