In trang này
Thứ sáu, 16 Tháng 4 2021 09:01

Vai trò của cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu

  1. 1.Đạo đức môi trường, văn hóa môi trường tiên tiến và chiến lược huy động sức mạnh cộng đồng bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững đất nước

1.1. Sự cần thiết phải xây dựng văn hóa môi trường tiên tiến

Vào khoảng những năm 70 của thế kỷ XX, nguy cơ của một cuộc khủng hoảng sinh thái nghiêm trọng đã buộc các quốc gia phải nhìn nhận lại một cách toàn diện con đường phát triển của nhân loại, mà suy cho cùng là con đường giải quyết mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, môi trường. Theo đánh giá của nhiều học giả, Hội nghị quốc tế của Liên hợp quốc “Con người và Môi trường” năm 1972 ở Stockholm, Thụy Điển, đã đánh dấu sự ra đời của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của một trong những thay đổi cơ bản của nhân loại.

Tại Hội nghị nói trên và về sau này, người ta đã tổng hợp những tư liệu, số liệu, phân tích, đánh giá và xác nhận những con số “kinh điển” của giai đoạn lịch sử phát triển không bền vững của loài người. Theo đó, khó có thể tin rằng, cùng với số lượng dân số tăng đến chóng mặt, cùng với nền văn minh nhân loại tiến bộ không ngừng, con người ngày càng hiện đại, văn minh, thì các vấn đề ảnh hưởng tới con người, tới phát triển bền vững, trong đó có vấn đề về môi trường lại ngày càng nghiêm trọng do sai lầm lịch sử của loài người trong việc đối xử với thiên nhiên, môi trường, nói cách khác là do văn hóa môi trường không bền vững. Vậy văn hóa môi trường là gì và làm thế nào để xây dựng văn hóa môi trường bền vững nói chung, cũng như trong hoàn cảnh nước ta, trong đó chú trọng phát huy đến mức cao nhất sức mạnh cộng đồng nhằm làm cho môi trường trong lành, góp phần phát triển bền vững trong thời gian tới.

  1. 1.2Phải thay đổi cách thức ứng xử với thiên nhiên

Cách thức ứng xử với thiên nhiên thuộc phạm trù văn hóa. Trong mục này sử dụng những dẫn liệu chủ yếu dựa vào phân tích, đánh giá về văn hóa môi trường của tác giả Vũ Quế Hương, người đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu “Một số vấn đề cơ bản về văn hóa môi trường nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011 -2020”[1].

Một cách tổng thể, có thể thấy văn hóa môi trường là một loại hình của văn hóa nói chung, có nguồn gốc nhận thức sâu xa từ góc độ đạo đức, được nảy sinh, tích lũy và hoàn thiện, phát triển trong xã hội mà biểu hiện cuối cùng là ở lối sống và cách ứng xử với thiên nhiên, với môi trường.

Tri thức bản địa là thuật ngữ mà các nhà môi trường sử dụng cho kho tri thức khổng lồ của nhân loại trong việc ứng xử với thiên nhiên (các bài thuốc dựa vào cây, con tự nhiên, các phương thức canh tác dựa vào đặc điểm của tự nhiên,...). Gần đây, tri thức bản địa còn được gắn với sinh thái, gọi là tri thức văn hóa sinh thái (Bio-Cultural Diversity thay vì Biodiversity). Đây như một nội dung cụ thế của văn hóa nhận thức về môi trường mà nếu được khai thác tốt, sẽ có khả năng góp phần sửa chữa những sai lầm lịch sử của con người trong ứng xử với thiên nhiên ở từng khu vực cụ thế, trong những thời gian lịch sử cụ thể.

1.3 Phải xây dựng văn hóa môi trường tiên tiến dựa trên nền tảng đạo đức môi trường hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam

Là một nội hàm của văn hóa, văn hóa môi trường cần được xây dựng để góp phần làm cho văn hóa trở thành nội lực quan trọng phục vụ đất nước trước mắt và lâu dài. Đương nhiên chúng phải tuân thủ các nguyên tắc chung của văn hóa, thấm đậm bản sắc dân tộc, đồng thời phải giải quyết thỏa đáng các nội dung đương đại liên quan về môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Dưới đây chỉ đề cập ba nội dung thực tiễn, cần phải được quan tâm trong bối cảnh hiện nay.

Đề cao vai trò đạo đức môi trường - nền tảng tư tưởng của văn hóa môi trường tiên tiến trong xã hội

Đạo đức môi trường là một phương diện của đạo đức chung, là sự thể hiện và thực hiện đạo đức của con người, của loài người trong lĩnh vực quan hệ giữa con người và tự nhiên. Thế hiện tinh thần này, tháng 6 năm 1997, Tuyên bố Seoul về đạo đức môi trường đã được công bố, đánh dấu bước tiến bộ quan trọng về nhận thức bảo vệ môi trường sau Hội nghị Thượng đỉnh RIO về môi trường và phát triển năm 1992. Tuyên bố xác nhận sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người và thiên nhiên trong một hệ thống. Tuyên bố Soul đưa ra các nguyên tắc của đạo đức môi trường, bao gồm nguyên tắc xây dựng nền văn hóa tinh thần như một đòi hỏi về sự cân bằng giữa các mục tiêu vật chất và mục tiêu tinh thần mà loài người phấn đấu cho sự sinh tồn của mình. Nguyên tắc tiếp theo là bình đẳng về môi trường giữa các quốc gia, giữa các nhóm cộng đồng, giữa mọi người và giữa các thế hệ hiện tại và tương lai. Rất nhiều thông điệp về môi trường được xây dựng trên cơ sở của nguyên tắc này, chẳng hạn, Trái đất - Ngôi nhà chung, tương lai chung; Muôn loài, một trái đất, một tương lai...

Tiếp theo, Tuyên bố Seoul đưa ra nguyên tắc thứ ba của đạo đức môi trường là xanh hóa khoa học và công nghệ. Cuối cùng, nguyên tắc quan trọng và rất cơ bản của đạo đức môi trường là chia sẻ trách nhiệm trong bảo vệ môi trường trong ứng xử với thiên nhiên và giữa các quốc gia, lĩnh vực, nhóm xã hội... Thực hiện nguyên tắc này là thước đo quan trọng hàng đầu đối với đạo đức môi trường.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” nhận định rằng, thời gian qua, việc ứng xử với thiên nhiên đã được quan tâm, đã có chuyến biến và đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong số các nguyên nhân chủ quan, thì nhận thức và tầm nhìn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa coi trọng phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, Nghị quyết số 24-NQ/TW đưa ra nhiều giải pháp chủ yếu, hàng đầu mà một trong số các giải pháp này là “Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Khẩn trương xây dựng xã hội phát triển bền vững - điều kiện bảo đảm cho văn hóa môi trường tiên tiến.

Loài người sẽ có đủ thông minh để thay đổi lối sống. Cũng không phải lần đầu họ làm được việc này. Nhưng thay đổi lối sống không bền vững, tạo lập lối sống bền vững để phát triển bền vững không phải chuyện dễ dàng, một sớm một chiều có thể thực hiện được. Hướng tới việc đưa văn hóa môi trường thành một nội dung quan trọng của văn hóa - sức mạnh nội lực, xin dẫn ra một số nguyên tắc chính mà cuốn sách “Cứu lấy trái đất” đã đề xuất nhằm xây dựng một xã hội phát triển bền vững[2].

Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống chung của cộng đồng là nguyên tắc đầu tiên để xây dựng xã hội phát triển bền vững. Đây cũng chính là nguyên tắc đạo đức đối với lối sống của con người. Nguyên tắc bảo vệ tính đa dạng sinh học của trái đất là nguyên tắc cơ bản tiếp theo để xây dựng một xã hội phát triển bền vững. Toàn bộ các hệ sinh thái trên trái đất tập hợp thành sinh quyển và các hệ thống nuôi dưỡng sự sống con người. Nguyên tắc cực kỳ quan trọng để xây dựng một xã hội phát triển bền vững là phải thay đổi thái độ và hành vi của con người. Sau cùng, cần đề cập tới nguyên tắc “Để cho cộng đồng tự quản lý môi trường của mình". Khi nào Nhân dân biết tự mình tổ chức cuộc sống bền vững trong cộng đồng của mình, họ sẽ có một sức sống mạnh mẽ cho dù cộng đồng của họ là giàu hay nghèo, thành thị hay nông thôn.

Muốn xây dựng một xã hội phát triển bền vững, Việt Nam cũng phải dựa vào các nguyên tắc cơ bản đã từng được nêu. Trên thực tế, chúng ta đã hiểu và tiếp thu chiến lược “vì một sự thay đổi" này từ khá sớm. Từ những năm 90 của thế kỷ XX Việt Nam đã có những hoạt động liên quan đến môi trường như kỷ niệm ngày môi trường thế giới hàng năm (5/6), xuất bản các tài liệu phục vụ cho Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia của Việt Nam. Sự chuyến hướng xây dựng một xã hội phát triển bền vững trong đó bao hàm sự đúng đắn về văn hóa môi trường đã được khẳng định tại Chỉ thị số 36/1998/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và tại “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam" (còn gọi là Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) được ban hành kèm theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ.

Ủng hộ các hành động, hành vi văn hóa môi trường tiên tiến đang hình thành và phát triển trong xã hội phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, rất nhiều hành vi hàm chứa đạo đức môi trường đang được các doanh nghiệp, các cộng đồng, các ngành, các địa phương áp dung trên thực tế. Phong trào “Hành trình xanh - Go Green” do hãng Toyota Motor Việt Nam (TMV) phối hợp với Tổng cục Môi trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động nhằm giáo dục nâng cao nhận thức và từ đó góp phần thay đổi hành vi đối với vấn đề môi trường. Chương trình “Cuộc sống xanh” mong muốn động viên thanh niên Việt Nam hành động vì môi trường thông qua các hoạt động thiết thực. Phong trào “Kết nối bàn tay sinh thái cùng thế hệ xanh” là hoạt động do Mạng lưới thế hệ xanh của Hà Nội phát động. Rất nhiều các hoạt động khác như: Chiến dịch “Giờ trái đất", Chiến dịch “Hành tinh chuyển động”, Chiến dịch truyền thông “Tháng hành động vì màu xanh học đường”, Chiến dịch “Mái trắng - Tường xanh”, Tuần lễ “Làm cho thế giới sạch hơn", Chiến dịch “26 độ và hơn thế nữa”, Chiến dịch “350”, Chương trình “Hải đăng xanh”,... đều dựa vào một vấn đề, một sự kiện nào đó về môi trường, về biến đổi khí hậu để đưa ra những hành động hàm chứa đạo đức môi trường áp dụng cho từng đối tượng, từng cộng đồng cụ thể. Vào lúc đang nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng 4.0 như hiện nay, những biểu hiện bền vững tương tự cũng đang xuất hiện.

Đặc biệt, vào năm 2010, nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và nhân khởi đầu của Thập niên Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) đã có sáng kiến phát động sự kiện “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam”. VACNE hiểu rằng, mặc dù bị tác động của cách hành xử không bền vững, nhưng hàng trăm, hàng ngàn cây cổ thụ vẫn tồn tại. Các cây này đã trở thành biểu tượng cho sự trường tồn, cho khả năng thích nghi tuyệt vời với môi trường biến động gay gắt, tạo cảnh quan yên bình, hài hòa giữa con người và vạn vật, giữ gìn nền nếp yêu quý thiên nhiên, môi trường. Sự kiện được các cơ quan chính quyền, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá tích cực, coi là một nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam, một biểu hiện của Văn hóa Môi trường tiên tiến mang màu sắc Việt Nam.

1.4. Cần xây dựng và thực hiện Chiến lược huy động cộng đồng tham gia quản lý tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững

Ở quy mô toàn cầu, ngay từ Hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về môi trường và con người (Hội nghị Stockholm - 1972), tiếp đến Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu về môi trường và phát triển (Hội nghị RIO-92), các nguyên tắc về cộng đồng bảo vệ môi trường đã được đề cập. Trong Tuyên ngôn RIO-92 với 27 nguyên tắc. Nguyên tắc số 10 phản ánh nội dung này: Những vấn đề môi trường được giải quyết tốt nhất với sự tham gia của cộng đồng. Sự tiếp cận thông tin, sự tham gia trong quá trình ra quyết định và sự được bảo đảm, về pháp luật của cộng đồng phải là những nguyên tắc chủ yếu trong quản lý môi trường.

Ở nước ta, vai trò cộng đồng luôn được đề cao. Chúng ta có rất nhiều những quy định, những tuyên bố nổi tiếng về sức nạnh có tính chất quyết định của cộng đồng. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chỉ thị số 36/1998/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị, và Nghị quyết Trung ương số 24/NQ-TW ngày 03/6/2013 đều nhấn mạnh chủ trương, đường lối mang tính nguyên tắc là dựa vào dân, vào cộng đồng.

Cụ thể, Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về “bảo vệ môi trường trong thời kỳ đấy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã đưa ra 7 giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp “đấy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường”. Giải pháp này đề cập các nội dung về việc xác định rõ trách nhiệm của các bên, từ Nhà nước đến cá nhân; tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách cần thiết huy động sức mạnh cộng đồng; chú trọng phát triển các phong trào quần chúng, các mô hình, điển hình tiên tiến bảo vệ môi trường...

Trước hết, nói về mục tiêu của chiến lược. Mục tiêu chung phải đạt được của chiến lược phải là tạo điều kiện huy động tối đa sức mạnh cộng đồng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý tốt tài nguyên thiên nhiên và ứng phó thành công với biến đổi khí hậu. Cộng đồng phải được chủ động trong các lĩnh vực vừa nêu, phải được trực tiếp tổ chức và tham gia vào các hoạt động cần thiết như một chủ thể chứ không phải được mời, được yêu cầu hoặc được dành cho thực hiện các hoạt động mang tính cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Phải có được tính bền vững thì mới mong muốn có được các kết quả cần thiết và hiệu quả cao.

Các nội dung chính của chiến lược cần được tiếp cận và xây dựng theo mô hình Sáng kiến tiếp cận (TAI) gồm bốn hợp phần chính như nhiều khu vực và nhiều nước trên thế giới đã và đang vận dụng. Nội dung đầu tiên là phải bảo đảm đầy đủ các thông tin môi trường cho cộng đồng. Thông tin môi trường có nhiều loại, đơn giản như chất lượng môi trường không khí, môi trường nước, đến các thông tin phức tạp hơn, tổng hợp hơn như về hiện trạng môi trường, về tác động đến môi trường của các cơ sở sản xuất, dịch vụ. Nội dung thứ hai là bảo đảm sự tham gia thực sự và chủ động của cộng đồng vào các vấn đề môi trường. Trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường gần đây có nhiều mô hình tốt phản ánh nội dung này, như sự quản lý có sự tham gia của cộng đồng, việc đánh giá nhanh hiện trạng môi trường có sự tham gia của cộng đồng, hoặc việc xây dựng các quy hoạch “từ dưới lên” bằng cách thức “hiệu ứng cánh bướm” theo quan điểm của Lorenz E.N[3]. Cần trao cho và tạo điều kiện đế cộng đồng thực sự tiến hành các hoạt động tư vấn phản biện xã hội về môi trường đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát, kiểm soát xã hội việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; chủ động tổ chức và tiến hành các sự kiện, các phong trào về bảo vệ môi trường, các mô hình tự quản, mô hình dựa vào cộng đồng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Hai nội dung trên, về hình thức, đã được phản ánh trong các văn bản đã ban hành, nhưng hai nội dung dưới đây ít được đề cập hơn. Trước hết là việc bảo đảm tiếp cận tư pháp cho cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề khó, phức tạp, là vấn đề mới đối với nước ta và nhiều nước khác. Vì thế, chiến lược phải rất chú trọng nội dung này, từ việc đơn giản như bảo đảm pháp lý cho đối thoại về môi trường với cộng đồng, khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện về môi trường của cộng đồng, khiếu kiện đòi bồi thường, tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp hoạt động gây ô nhiễm môi trường, phản đối bằng các hình thức cao hơn đối với các cơ sở sản xuất đầu độc môi trường,... Thứ hai là việc tăng cường năng lực cho cộng đồng thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Một khi cộng đồng đã có vai trò quan trọng, đã được tạo điều kiện về tiếp cận thông tin, chủ động tham gia và được bảo đảm về mặt pháp lý để bảo vệ môi trường, thì việc tăng cường năng lực cho cộng đồng phải được thực sự coi trọng.

2. Vai trò của cộng đồng dân cư

Cộng đồng dân cư là những người dân cùng sinh sống trên một địa bàn ở nông thôn và đô thị. Ở nông thôn có cộng đồng dân cư sống trên địa bàn xóm, thôn, làng, bản, ấp, buôn, bon, phum, sóc và ở đô thị có cộng đồng dân cư sinh sống trên địa bàn khu phố. Cộng đồng dân cư của nước ta giữ vai trò quan trọng trong việc triển khai, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bất kể cộng đồng dân cư nào cũng sống và lao động trong một môi trường nhất định.

Cộng đồng nào cũng có những tác động lên môi trường tự nhiên. Và ngược lại, môi trường tự nhiên tác động nhiều chiều, toàn diện lên cuộc sống, lao động, học tập của từng người dân trong cộng đồng.

Khoản 3 Điều 159 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định: Đại diện cộng đồng dân cư có quyền tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; thực hiện biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư theo quy định của pháp luật.

Nhìn chung, cộng đồng dân cư còn gặp một số khó khăn khi tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đảm bảo các quyền tiếp cận của cộng đồng dân cư. Để cộng đồng dân cư tiếp cận được với chính sách và pháp luật, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông vận động cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ứng phó với biến đối khí hậu. Phải thật sự phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bài báo Cái chìa khóa vạn năng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đăng trên báo Nhân dân ngày 25/3/1967, sau khi nêu tình hình một số đơn vị, hợp tác xã, xí nghiệp ở Quảng Bình, Hà Tây, Hà Nội gặp những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, nhưng “nhờ cách dân chủ mà việc khó hóa ra việc dễ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra kết luận: “... thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Trong mọi công việc, ngay từ khi lập kế hoạch và suốt cả thời gian thực hiện, phải mạnh dạn phát động quần chúng, làm cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể. Quần chúng thật sự có quyền dân chủ...”[4].

3. Nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân cư

3.1. Sự cần thiết phải nâng cao năng lực cho cộng đồng dân cư

Để nâng cao năng lực cho cộng đồng dân cư cần vận dụng Cơ chế đảm bảo quyền tiếp cận tư pháp và thông tin môi trường của cộng đồng dân cư (The Access Iniliative - TAI) vào nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu của người dân sinh sống trong cộng đồng dân cư. Năm 1992, Chính phủ các nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh trái đất ở Rio de Janeiro, Braxin, đã ra Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển. Trong đó, nguyên tắc 10 nêu rõ tầm quan trọng các quyền của công chúng tiếp cận tư pháp và thông tin môi trường, tham gia vào các quyết định về môi trường. Năm 2002, Chính phủ các nước trên toàn thế giới đã tái khẳng định cam kết thực hiện nguyên tắc này tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững tại Johannesburg, Nam Phi. Tại Hội nghị này, Tổ chức Hợp tác vì nguyên tắc 10 (PP10) đã được thành lập. Các chỉ thị TAI được phân chia theo bốn nhóm tiếp cận là: (i) Tiếp cận tư pháp; (ii) Tiếp cận thông tin; (iii) Sự tham gia bảo vệ môi trường của người dân; (iv) Nâng cao năng lực cho các cộng đồng và người dân có đủ điều kiện tham gia bảo vệ môi trường.

3.2. Triết lý nâng cao năng lực cho người dân

Nghiên cứu cho thấy cần vận dụng “triết lý giáo dục” của UNESCO vào công tác truyền thông, giáo dục nâng cao năng lực cho cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Triết lý đó được vận dụng như sau: (i) Học đế chung sống - tức là mọi người dân, kể cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân phải tham gia xã hội học tập, phải không ngừng học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời để có nhận thức, kiến thức, tri thức bản địa, kinh nghiệm và kỹ năng chung sống với môi trường thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu; (ii) Học để biết - tức là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân học để biết những yếu tố của môi trường, những tác nhân gây ra và nguyên nhân của biến đổi khí hậu; học để hiểu biết chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vai trò của cộng đồng dân cư và chủ trương của các đoàn thế nhân dân trong việc huy động người dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; (iii) Học để làm - tức là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân học để có kiến thức, tri thức bản địa, kinh nghiệm, kỹ năng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; biết cách vận dụng những nội dung học được vào thực hành bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; (iv) Học để tồn tại - tức là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân học để có hiểu biết, con người chỉ có thể chung sống hoặc thích ứng hoặc ứng phó với biến đổi khí hậu.

3.3. Những nội dung nâng cao năng lực cho người dân

Quyền và trách nhiệm của người dân tham gia bảo vệ môi trường:

Quyền lợi hợp pháp và nhu cầu chính đáng của cộng đồng dân cư là động cơ tư tưởng và động lực tinh thần quan trọng để công dân được quyền sống trong môi trường trong lành, đòi hỏi chính quyền và các đoàn thể nhân dân phải bảo vệ quyền lợi đó cho mình và ý thức rõ trách nhiệm cá nhân trong bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nâng cao nhận thức cho người dân:

Nhận thức của cộng đồng dân cư, đối tượng nhận truyền thông, giáo dục trải qua những bước sau: Bước 1: Hiểu biết về môi trường, tài nguyên thiên nhiên và những yếu tố gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu; Bước 2: Tiếp thu được những kiến thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Bước 3: Có ý định thay đổi thái độ để có hành vi sống thân thiện với môi trường; Bước 4: Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Bước 5: Trở thành chủ thể của hoạt động, trở thành tuyên truyền viên tích cực.

Thay đổi thái độ:

Thay đổi thái độ của người nhận truyền thông, giáo dục là mức độ nằm giữa nhận thức và hành vi. Muốn để người nhận truyền thông, giáo dục có suy nghĩ nhìn nhận về môi trường một cách đúng đắn và hành động có lợi cho môi trường phát triển bền vững thì trước hết phải nâng cao nhận thức cho họ; khi họ đã có được thái độ đúng đắn thì tiến hành xây dựng hành vi sống thân thiện với môi trường.

Xây dựng hành vi:

Xây dựng hành vi của người nhận truyền thông, giáo dục môi trường và biến đổi khí hậu tuân theo sáu bước sau: (i) Nhận biết được hành vi không có lợi đối với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; (ii) Quan tâm đến thay đổi thái độ và hành vi mới trong ứng xử; (iii) Đặt ra mục tiêu thay đổi thái độ và xây dựng hành vi mới có lợi cho môi trường; (iv) Làm thử và tự đánh giá hành vi của mình; (v) Thực hiện hành vi mới và tuyên truyền vận động người khác cùng thực hiện; (vi) Cam kết thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trang bị kiến thức và kinh nghiệm:

Qua nghiên cứu thực tế, người viết đề xuất một số giải pháp sau: (i) Các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp hoặc lồng ghép hoạt động với các đoàn thể nhân dân nhằm trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng mô hình tiêu dùng bền vững; (ii) Các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thế nhân dân nghiên cứu tổng kết và phổ biến trí thức bản địa cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở và cấp thôn; (iii) Các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể nhân dân nghiên cứu tổng kết và phố biến kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở và cấp thôn.

4. Các chính sách khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia

Từ năm 1998 đến năm 2016, Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cương lĩnh khẳng định quan điểm: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân”.

Để lãnh đạo Nhà nước và các chủ thể xã hội thực hiện sự nghiệp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, Đảng ta đã ban hành một số nghị quyết, chỉ thị như: Chỉ thị số 36/1998/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đã đề ra những giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp: “Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”; Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX)”.

Nhà nước thể chế hóa thành chính sách và pháp luật về cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Hiến pháp năm 2013 có những quy định về quyền của công dân như: “tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” (khoản 1 Điều 28); “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường” (Điều 43); “Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tổn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu” (khoản 1 Điều 63).

Quốc hội đã ban hành một số điều trong các luật có liên quan đến cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: (1) Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, sửa đổi năm 2018, 2819 và mới đây nhất Quốc hội khóa 14 đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 thay thế luật Bảo vệ môi trường năm 2014; (2) Luật Đất đai năm 2013; (3) Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; (4) Luật Đa dạng sinh học năm 2008; (5) Luật Tài nguyên nước năm 2012; (6) Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015; (7) Luật Hóa chất năm 2007; (8) Luật Thuế tài nguyên năm 2009; Luật Lâm nghiệp năm 2017...

Qua nghiên cứu thực tế, có thể thấy cần thiết phải bổ sung một số chính sách sau (i) Xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn làm công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu; (ii) Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giải quyết những vấn đề môi trường xảy ra tại địa phương như: bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống cháy rừng, phòng, chống ô nhiễm, quản lý rác thải...; (iii) Tăng cường năng lực cho cộng đồng dân cư như: tiếp cận thông tin, pháp luật, nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức, kinh nghiệm tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu; (iv) Khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ chức tự quản bảo vệ môi trường và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường; (v) Chính sách khuyến khích các đoàn thể nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu; (vi) Tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng cho cán bộ chính quyền cấp xã, cán bộ các đoàn thể nhân dân và người đại diện cho cộng đồng dân cư làm công tác vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.


[1] Vũ Quế Hương: Một số vấn đề cơ bản về văn hóa mội trường nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Báo cáo đề tài), Hà Nội, 2011.

[2] Xem Lưu Đức Hải và Nguyễn Ngọc Sinh: Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2000

[3] Edward Norton Lorenz (1917-2008): Nhà toán học và khí tượng học người Mỹ, người đã thiết lập cơ sở lý thuyết về dự báo thời tiết và khí hậu cũng như cơ sở cho vật lý khí tượng và khí tượng học

[4] : Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15