Thứ ba, 20 Tháng 4 2021 09:22

Kỹ năng xây dựng chính sách

Quá trình xây dựng chính sách (còn gọi là quá trình hoạch định chính sách) là quá trình chuẩn bị, hình thành, mở rộng và phát triển ý tưởng, soạn thảo các phương án/kịch bản chính sách, hoàn thiện chúng, quyết định lựa chọn phương án chính sách chính thức và ban hành, giới thiệu chính sách đó tới toàn bộ các chủ thể liên quan. Quá trình chuẩn bị và xây dựng chính sách thường tốn nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi có sự tham gia của nhiều chủ thể, đặc biệt là những chủ thể chịu tác động, kể cả các chủ thể được hưởng lợi từ chính sách. Kết quả của giai đoạn này là có được những văn bản thế hiện những nội dung của chính sách cần ban hành và chúng được ban hành tới đầy đủ các chủ thể có liên quan theo yêu cầu thực hiện các hoạt động trong chu kỳ chính sách.

Năm 2008, Obi và cộng sự đã phân biệt 3 lý thuyết cơ bản được dùng làm cơ sở lý luận cho việc hoạch định chính sách, đó là lý thuyết hệ thống, lý thuyết phân tầng xã hội và lý thuyết nhóm xã hội. Lý thuyết hệ thống cho rằng, chính sách phản ánh sự tương tác giữa các thành tố cấu thành xã hội; do đó, hoạch định chính sách là quá trình khách quan, đòi hỏi phải phân tích tổng thể các quan hệ kinh tế - xã hội - chính trị... có liên quan tới việc giải quyết vấn đề bằng chính sách. Lý thuyết hệ thống hiện được áp dụng một cách rộng rãi trong việc hoạch định và phân tích, đánh giá chính sách. Lý thuyết phân tầng xã hội dựa trên sự phân chia xã hội thành 2 “giới": “giới tinh hoa" và “giới thường dân", trong đó ứng xử của “giới tinh hoa" sẽ được khái quát hóa thành chính sách đế xã hội tuân thủ. Lý thuyết nhóm xã hội cho rằng, xã hội được cấu thành từ những nhóm cá nhân, trong đó mỗi nhóm có những đặc điểm nhất định và có những ứng xử, hành vi xã hội nhất định. Để điều hòa những khác biệt này khi giải quyết mỗi vấn đề, cần có chính sách có thể đáp ứng được yêu cầu của họ ở một mức độ nhất định.

Quá trình xây dựng chính sách thường bao gồm những bước công việc và những nội dung chủ yếu sau đây[1]:

1. Xây dựng phương án tổ chức thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề

Việc xây dựng phương án tổ chức thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề được thực hiện theo các yêu cầu cụ thể như sau:

Thứ nhất, cách tiếp cận vấn đề. Với mỗi vấn đề, những cách tiếp cận khác nhau sẽ dẫn tới cách giải quyết khác nhau, cách lựa chọn công nghệ khác nhau, từ đó sẽ có những giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện tương ứng. Chẳng hạn, để xóa đói, giảm nghèo cho dân cư nông thôn ở một tỉnh, có thể chọn cách tiếp cận hỗ trợ trực tiếp ngay đế họ thoát nghèo tức thì, nhưng cũng có thể để họ tự gia tăng, đẩy mạnh sản xuất để tăng thu nhập, từ đó thoát nghèo; hoặc thu hút đầu tư từ bên ngoài để cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô, từ đó tạo việc làm, khai thác nguồn vốn tại chỗ để người dân địa phương đẩy mạnh sản xuất, cung cấp dịch vụ, nâng cao thu nhập để thoát nghèo; hoặc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giới thiệu cho người dân những hướng sản xuất kinh doanh mới có thu nhập cao hơn, hướng dẫn họ chuyển dịch cơ cấu kinh tế để nâng cao thu nhập, từ đó thoát nghèo.

Mỗi cách tiếp cận như vậy sẽ gắn với những giải pháp cụ thể,với cách thức tổ chức cụ thể mà chính sách sẽ được xây dựng phải bao quát, quán triệt. Sự lựa chọn cách tiếp cận sẽ tác động tới toàn bộ các nội dung của các bước tiếp theo.

Thứ hai, hướng công nghệ (và những công nghệ cụ thể, ít nhất là một số công nghệ chủ yếu hoặc một số công nghệ được sử dụng một cách phổ biến) giải quyết vấn đề được lựa chọn. Đây thực sự là việc lựa chọn những hướng, những cách thức và chiến lược để giải quyết vấn đề mà chính sách hướng tới. Nó là sự cụ thể hóa cách tiếp cận đã lựa chọn ở bước trước đó. Nếu cách tiếp cận đã chọn mà không cụ thể hóa được, tức là không chọn được công nghệ, cách thức thích hợp để thực hiện thì buộc phải xem xét, phân tích những “điểm nghẽn" để chỉnh sửa hoặc lựa chọn cách tiếp cận khác, khả thi hơn hoặc phù hợp hơn.

Thứ ba, các giải pháp cần triển khai thực hiện. Với những chính sách về những nội dung phức tạp và được triển khai trên phạm vi rộng, có liên quan tới nhiều đối tượng, người ta có thế đề cập tới những nhóm giải pháp cần triển khai như:

- Yêu cầu đặt ra với việc lựa chọn các giải pháp là phải bảo đảm tính toàn diện và đồng bộ của các giải pháp, bảo đảm chúng không đem lại những tác động trái ngược khiến kết quả và tác động của giải pháp nàytriệt tiêu kết quả, tác động của (những) giải pháp khác.

- Yêu cầu về tính toàn diện và đồng bộ của các giải pháp đòi hỏi các giải pháp hoặc nhóm giải pháp phải bao quát toàn bộ các khía cạnh, lĩnh vực, đối tượng có liên quan tới vấn đề cần giải quyết trong suốt thời kỳ chính sách (hoặc trong vòng đời của chính sách, hoặc trong toàn bộ chu kỳ biến đổi của hiện tượng/chủ thể mà chính sách cần tác động). Các nội dung được đề cập trong chính sách cần bao quát toàn bộ các khía cạnh liên quan tới từng giải pháp mà chính sách đề cập tới, bao gồm cả mục tiêu của nó, các nội dung chuyên môn của giải pháp (các hoạt động hoặc nhóm hoạt động cần thực hiện), các chủ thể có liên quan (chủ thể thực hiện, chủ thể hỗ trợ/phục vụ, chủ thể kiểm tra, giám sát, chủthế chịu tác động/được thụ hưởng hoặc hưởng lợi, chủ thể xử lý các tranh chấp, mâu thuẫn, bất đồng có thể xảy ra, các nguồn lực cần bảo đảm và nguồn cung cấp, các kênh và cách thức bảo đảm các nguồn lực thực hiện giải pháp, cách thức xử lý những rủi ro trong quá trình cung cấp, sử dụng nguồn lực, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các chủ thể liên quan tới mỗi giải pháp).

Trong quá trình xây dựng chính sách, cần liệt kê những nội dung trên theo từng giải pháp, nhưng sau đó, có thế sắp xếp chúng lại theo những chủ đề/tiêu chí khác, tùy thuộc yêu cầu kỹ thuật và pháp lý của văn bản thể hiện chính sách, theo lôgíc nội tại của vấn đề (và từng bộ phận cấu thành) cũng như tập quán pháp lý, phong cách riêng của chủ thể có quyền quyết định và ban hành chính sách. Trong việc tìm kiếm các giải pháp giải quyết vấn đề, các chuyên gia kỹ thuật có hiểu biết sâu rộng về kinh tế - kỹ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, rất cần có sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm về mặt kinh tế - xã hội, bởi trong hầu hết các trường hợp, việc giải quyết một vấn đề thường tạo ra những lợi ích trái ngược, xung đột với nhau. Việc dung hòa lợi ích cần có kiến thức chuyên môn kỹ thuật, nhưng cũng cần tìm kiếm để tạo ra những thỏa hiệp mà các bên liên quan có thể chấp nhận được.

- Thứ tự, trình tự thực hiện những giải pháp đã lựa chọn,...

Về mặt kỹ thuật và tổ chức, đây là những nội dung không thể thiếu, bảo đảm tính khả thi về mặt không gian, thời gian của các giải pháp. Chúng có thể được tổng hợp thành một mục riêng trong các văn bản công bố chính sách, nhưng cũng có thể được quy định một cách phân tán ở từng mục tương ứng với mỗi giải pháp. Trong hầu hết các quy định pháp lý của Việt Nam hiện nay đều có một mục về tổ chức thực hiện. Những nội dung này thực ra chỉ xác định một cách tổng hợp những cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu tham gia thực hiện chính sách và trách nhiệm, nhiệm vụ của họ.

- Thí điểm, thử nghiệm chính sách. Thực ra, đây là một loại giải pháp đặc biệt, có thể kể tới trong điểm thứ ba của nội dung này (các giải pháp giải quyết vấn đề mà chính sách muốn giải quyết). Tuy nhiên, nó có đặc thù riêng là bao quát tất cả các giải pháp kỹ thuật hoặc những giải pháp kỹ thuật chủ yếu, quan trọng và có ảnh hưởng lớn hoặc tới đông đảo các đối tượng chịu tác động của chính sách.

Do hầu hết các chính sách đều có tính toàn diện và tổng thể cao, tác động tới một số lượng lớn các chủ thể xã hội trên phạmvi rộng nên việc ban hành, triển khai thực hiện cần rất thận trọng. Bởi vậy, ngoài yêu cầu phải thận trọng, chu đáo trongviệc xây dựng chính sách, việc thí điểm, thử nghiệm các giải pháp chính sách trên một phạm vi có thể kiểm soát được, với một quy mô và nhóm đối tượng ở mức độ vừa phải (mà tác động tiêu cực nếu có, sẽ không quá lớn) thường được tiến hành. Mục tiêu của việc thí điểm, thử nghiệm thường là kiểm tra tính hợp lý, hiệu quả của các giải pháp chính sách (nội dung chính sách), đánh giá tác động thực sự của chính sách, hoàn thiện công tác tổ chức, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách hoặc phát hiện những khó khăn, bất cập khi triển khai thực hiện chính sách, thậm chí kiểm tra cả tính khả thi của toàn bộ chính sách cũng như của từng giải pháp chính sách.

Việc thí điểm, thử nghiệm một chính sách thường được thực hiện bằng cách triển khai thực hiện một phần các nội dung của chính sách hoặc thực hiện toàn bộ các nội dung của chính sách đối với một hoặc một số nhóm đối tượng tác động của chính sách, hoặc thực hiện chính sách ở một quy mô nhỏ, trên một số địa bàn có những đặc thù nhất định. Hiện nay, do công nghệ thông tin phát triển, người ta đã xây dựng và sử dụng các phần mềm giả định, cho phép kiểm định các giả thiết về chính sách mà không nhất thiết phải thử nghiệm trên thực tế, hoặc ít nhất cũng không cần thực nghiệm tất cả các nội dung chính sách.

2. Lựa chọn cấu trúc của chính sách

Một chính sách có thể được thể hiện dưới nhiều dạng văn bản, tài liệu khác nhau, trong đó mỗi loại lại có giá trị pháp lý khác nhau. Quá trình xây dựng phương án tổ chức thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề các nội dung của chính sách đã được hoạch định. Vấn đề ở bước này là th hiện chúng dưới hình thức nào cho phù hợp. Những nội dung cụ thể cần quyết định ở bước này là:

- Những hình thức văn bản pháp lý được sử dụng để thểhiện các nội dung của chính sách. Cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc xây dựng một chính sách có trách nhiệm quyết định nội dung này. Về cơ bản, họ có thể tham vấn ý kiến của (i) Các chuyên gia/cơ quan chuyên môn - kỹ thuật về vấn đề màchính sách muốn giải quyết và (ii) các chuyên gia/cơ quan chuyên môn về pháp lý. Ngoài ra, các cán bộ quản lý hành chính cũng có thể tham gia quá trình này để bảo đảm rằng, các quy định phù hợp và tuân thủ đúng các quy định về hành chính, về thẩm quyền của các cấp trong các hệ thống quản lý có liên quan. Trong việc lựa chọn hình thức văn bản pháp lý để công bố các nội dung cụ thể của một chính sách, cần xem xét giá trị và hiệu lực của loại văn bản cũng như phạm vi, đối tượng điều chỉnh chủ yếu của loại văn bản được chọn và thẩm quyền của chủ thể ban hành văn bản chứa đựng nội dung của chính sách.

Trong trường hợp đặc biệt, một số nội dung của chính sách có thể không được hoặc không cần được công bố dưới hình thức văn bản. Tuy nhiên, sau khi các quyết định phi văn bản được công bố, chúng cần được văn bản hóa theo các quy định có giá trị pháp lý.

Những nội dung cụ thể cần được đưa vào từng hình thức văn bản pháp lý, cơ quan chịu trách nhiệm và thời gian công bốcác văn bản pháp lý. Trong thực tiễn, hầu hết các văn bản pháp lý đều chứa đựng những nội dung liên quan tới nhiều chính sách. Do đó, vẫn có những trường hợp ngay trong một văn bản pháp lý về một lĩnh vực, có những quy định chứa đựng những nội dung khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Đây là hậu quả của việc chưa phân tích thấu đáo mối quan hệ toàn diện giữa vấn đề cần giải quyết với các vấn đề liên quan khác, hoặc chưa phân tích đầy đủ mối quan hệ giữa các giải pháp dự kiến sẽ thực hiện với các vấn đề khác cũng như những tác động mà nó có thể gây ra. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng khó tránh do tính phức tạp của các vấn đề kinh tế - xã hội và mối quan hệ đa dạng, tác động đa chiều của các quá trình, các hoạt động kinh tế -xã hội. Để tránh trường hợp này, cần có sự rà soát kỹ lưỡng nội dung của các văn bản pháp lý trước khi ban hành và tìm ra phương án dung hòa những khác biệt giữa các chính sách.

Ngoài ra, thời điểm ban hành một văn bản pháp lý nhiều khi không phù hợp với yêu cầu về mặt thời gian mà một chính sách đòi hỏi phải công bố.

- Cách thức công bố, chuyển tải các thông tin về chính sách tới các cơ quan/tổ chức/nhóm xã hội liên quan tới từng nội dung của chính sách. Đây là một bước trong tổng thể quá trình xây dựng chính sách, bảo đảm cho chính sách “đến" được với những đối tượng mà nó hướng tới cũng như những đối tượng có liên quan khác. Ở Việt Nam, cũng như nhiều nước khác, những hoạt động này được triển khai sau khi chính sách đã được xây dựng, thuộc phạm trù “tuyên truyền, phổ biến pháp luật". Để những hoạt động này có thể được triển khai một cách thuận tiện, câncó sựchuẩn bị ngay từ giai đoạn xây dựng chính sách.

3. Phân công thực hiện

Phân công các cơ quan/tổ chức/cá nhân xây dựng tài liệu mô tả các nội dung chính sách. Nội dung này dựa trên những quyết định đầu tiên của bước kế trước nó: Khi đã lựa chọn (các) hình thức văn bản pháp lý để thể hiện nội dung chính sách,theo quy trình xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý của từng nước, thực ra, các cơ quan có trách nhiệm xây dựng tài liệu mô tả, trình bày những nội dung cụ thể của chính sách đã được quyết định. Bởi lẽ, theo quy định về quy trình lập pháp và trìnhtự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, mỗi loại văn bảnpháp luật đều phải được soạn thảo và ban hành theo một quy trình nhất định, trong đó có xác định rõ cơ quan, tố chức nào phải tham gia vào khâu/những khâu nào, dưới những hình thức nào, vào thời điểm/giai đoạn nào trong toàn bộ quy trình. Thậm chí trong các quy định để định cụ thể những việc gì phải do thủ trưởng cơ quan, tổ chức đích thân thực hiện, những công việc gì có thể ủy quyền và ủy quyền cho ai.

4. Tham vấn các tổ chức liên quan và ra quyết định

Giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát hiện, xác định và làm rõ những xung đột lợi ích, những mâu thuẫn nội tại củamột chính sách và cách thức, phương thức dung hòa những lợiích bị xung đột, khắc phục những điểm không nhất quán, còn bất nhất, mâu thuẫn với nhau trong nội bộ một chính sách.

Việc tham vấn các tổ chức liên quan có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức: tổ chức các hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt khoa học, công bố công khai để lấy ý kiến cộng đồng, mời phản biện từ các chuyên gia, khảo sát - điều tra đối với các đối tượng có liên quan,... Mức độ, nội dung, tần suất tham vấn đối với những đối tượng cụ thể do cơ quan chủ trì việc xây dựng chính sách quyết định căn cứ vào tính chất, phạm vi, mức độ tác động, điều kiện tổ chức, nguồn lực có thể huy động và năng lực của chính cơ quan này. Những hoạt động tham vấn này có thể được lặp lại bởi những cơ quan, tố chức độc lập khác theo quyết định của cơ quan quyết định chính sách.

Việc quyết định một chính sách hoặc những bộ phận khác nhau của một chính sách cụ thể thuộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền được quy định bởi pháp luật (kế cả đối với các chính sách của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức kinh doanh,...). Trình tự, thủ tục quyết định chính sách và các hồ sơ liên quan cũng được quy định bởi các văn bản pháp luật liên quan và/hoặc các điều lệ, quy chế tổ chức của cơ quan có thẩm quyền quyết định chính sách.

5. Công bố các chính sách tới các chủ thể liên quan

Đây không đơn thuần là vấn đề có tính thủ tục, mà là để nội dungcác chính sách được phổ biến đúng, rõ ràng, đầy đủ tới những đối tượng có liên quan. Yêu cầu đặt ra là tất cả các chủ thể liên quan tới một chính sách phải biết rõ về chính sách này.

Việc xây dựng chính sách thường được thực hiện theo phương pháp suy luận, cụ thể hóa. Theo đó, từ nhu cầu giải quyết vấn đề, người ta xác định các mục tiêu khả thi và quyết định mục tiêu mà chính sách cần theo đuổi và đạt được cũng như mức độ cần đạt được của các chỉ số thể hiện hoặc phản ánh mục tiêu. Trên cơ sở các mục tiêu này của chính sách, có thể xác định những sản phẩm, dịch vụ, quá trình hoặc những trạng thái cần có, tức là những sản phẩm mà chính sách cần tạo ra đểcó thể thực hiện được mục tiêu. Những sản phẩm này phải có thể lượng hóa, có thể kiểm tra, có thể giám sát được hoặc có thể mô tả được bằng các phương tiện, công cụ, phương pháp hiện hữu hoặc có thế tạo ra, tìm kiếm và sử dụng được trong quá trình thực hiện chính sách. Chúng thường do các hoạt động hoặc các chương trình hành động trong khung khổ chính sách tạo ra nên cũng được gọi là các đầu ra, tương tự như trong cácdự án.

Sự cụ thể hóa tiếp theo là bước chuyển hóa các kết quả cn đạt được thành các hoạt động hoặc nhóm hoạt động cụ thể cânđược điều chỉnh bởi chính sách. Một khi những hoạt động (hoặc một số hoạt động) trong khung khổ chính sách được liên kết với nhau, có quan hệ chặt chẽ với nhau (về mặt kỹ thuật, về mặt tổ chức, gắn với một hoặc một nhóm chủ thể,...) thì chúng thường được tập hợp lại thành các chương trình. Trong xây dựng và thực hiện các chính sách, những chương trình như thế thường phải theo đuổi, phải đạt được một hoặc một smục tiêu nhất định và người ta gọi chúng là những chương trình mục tiêu. Những chương trình mục tiêu bao gồm cnhững can thiệp của các chủ thể bên ngoài, của các cơ quan quản lý nhà nước và những hành động, hoạt động của các chủ th bên trong của chính sách, kể cả hoạt động của các đổi tượng chịu tác động, các đối tượng thụ hưởng chính sách. Do tiến bộ và khoa học công nghệ, nên càng ngày càng có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhiều phương pháp và nhiều công nghệ khác nhau để tạo ra một sản phẩm, dịch vụ, quy trình cụ th (tức là tạo ra một kết quả cụ thể của một chính sách). Mi cách tiếp cận, phương pháp và công nghệ như vậy sẽ bảo đảm tạo ra kết quả kỳ vọng với những chi phí khác nhau về cả chủng loại và số lượng, tức là đem lại hiệu quả khác nhau. Bởi vậy, khi xác định các hoạt động và những can thiệp trong một chính sách, cần lựa chọn cách tiếp cận, công nghệ và phương pháp thích hợp với bối cảnh chung, đem lại hiệu quả tổng hợp lớn nhất và lợi ích của các chủ thể liên quan được bảo đảm một cách hài hòa nhất.

Hầu hết các quốc gia đều có những quy định riêng về quytrình xây dựng các chính sách công. Các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cũng có những quy định riêng về việc xây dựng, điều chỉnh chính sách của mình. Vấn đề cần lưu ý là: Ở nhiều nước, quy trình xây dựng chính sách được hiểu đồng nghĩa với việc xây dựng các văn bản thể hiện chính sách. Ở các nước khác nhau, với các tổ chức khác nhau, quy trình này cũng khác nhau. Ngay với quy trình xây dựng các văn bản pháp luật (thể hiện chính sách công) của các nước cũng khác nhau[2].

Nếu như việc xây dựng một văn bản luật cũng như dựng một văn bản pháp quy bất kỳ nào khác luôn diễn ra trong một thời gian nhất định, thường là dài hơn người ta có thể hình dung (và kỳ vọng), thì việc hình thành một chính sách thường cũng mất nhiều thời gian, trong đó những ý tưởng thiết kế ban đầu sẽ được cụ thể hóa và bổ sung, đồng thời được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế để khắc phục những bất cập xuất phát từ sai lệch do những dự báo ban đầu (khi đánh giá sựcần thiết và hình thành những ý tưởng đầu tiên của chính sách) không chính xác hoặc không còn chính xác nữa.

Quá trình xây dựng chính sách đồng thời cũng là quá trình mà cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân (đơn lẻ hay đại diện cho một tổ chức) đề xuất chính sách triển khai các hoạt động vận động, thuyết phục các chủ thể có liên quan, đặc biệt là những nhóm cá nhân, tổ chức trong hệ thống lập pháp và trong các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định pháp lý, ủng hộ việc ban hành và thực hiện chính sách do mình đề xuất hoặc ban hành các chính sách theo hướng mà mình mong muốn. Đây chính là công tác “vận động hành lang" mà nhiều tác giả trong và ngoài nước đã đề cập tới. Ở nhiều nước, hoạt động “vận động hành lang" được những cơ quan hoặc những nhóm cá nhân thực hiện để lôi kéo các cá nhân, tổ chức có liên quan, đặc biệt là những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền thông qua, quyết định chính sách mà họ đề xuất. Hoạt động “vận động hành lang" này, ở nhiều nước như Anh, Mỹ,... thậm chí đã được đẩy lên thành một loại hoạt động có tính chuyên nghiệp cao. Mặc dù chúng chưa được thừa nhận chính thức ở Việt Nam nhưng đã diễn ra trong thực tế dưới nhiều hình thức và ở những mức độ khác nhau, đã đem lại những kết quả và tác động khác nhau ở một số chính sách.

Sau khi các nội dung của chính sách được xác định, chúng cần được chuyển hóa thành các quy định pháp luật để chuyn sang giai đoạn tiếp theo - giai đoạn thực hiện chính sách. Theo đó, sau khi đã quyết định các mục tiêu, các giải pháp, phương pháp, công cụ, đối tượng chịu tác động cũng như phạm vi triển khai, các điều kiện cần bảo đảm để thực hiện chính sách, chúng được rà soát để xem có liên quan tới những quy định nào trong các văn bản pháp lý nào, có những nội dung nào còn phù hợp, những nội dung nào cần điều chỉnh/thay đổi và cần điều chỉnh/thay đổi như thế nào? Trên cơ sở này, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định (bao gồm cả việc tham vấn các tổ chức, các nhóm xã hội có liên quan) đđiều chỉnh/sửa đổi các văn bản này theo hướng đã được xác định và kết quả tham vấn các cơ quan, tổ chức và nhóm xã hội liên quan. Cơ quan quản lý chính sách có trách nhiệm theo dõi, giám sát, đôn đốc và đánh giá để bảo đảm cho các nội dung của chính sách được tổ chức thực hiện một cách kịp thời.

Tài liệu tham khảo

1. Emeka Anthony Obi, ChidiLambert Nwachukvu, Arinze Charles Obiora: “Public policy analysis anddecision making", 2008.

2. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

 


[1] Xem Emeka Anthony Obi, Chidi Lambert Nwachukvu, Arinze Charles Obiora: “Public policy analysis anddecision making", 2008.

[2] Ở Việt Nam, năm 2015, Quốc hội ban hành Luật Ban hành vănbản quy phạm pháp luật. Bộ Luật này không chỉ quy định quy trình, màcòn xác định trách nhiệm của các chủ thể liên quan tới việc xây dựng vàđiều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật.

        

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành