Thứ sáu, 22 Tháng 10 2021 08:38

Một số vấn đề về huy động nguồn lực từ xã hội cho chính sách phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Nguồn lực từ xã hội được hiểu một cách khái quát là các nguồn lực ngoài nhà nước (đôi khi còn được hiểu bao gồm cả nguồn lực nước ngoài), nguồn lực từ các tổ chức tư nhân.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã khẳng định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là lực lượng chủ yếu trong thành phần kinh tế tư nhân. Tại các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc các thời kỳ, chủ trương của Đảng là thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân vững chắc, phù hợp với trình độ sản xuất. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đã thể chế hóa, ban hành các luật liên quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh[1].

Theo đó, số lượng của các doanh nghiệp tăng lên một cách nhanh chóng. Tính đến thời điểm 31-01-2015, toàn quốc có 488.148 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 5.533 doanh nghiệp (1,1%) so với thời điểm 31-12-2014. Tính đến ngày 20-12-2016, đã có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi doanh nghiệp, nghiệp thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 26.689 doanh tăng 43,1%[2].

Trong 4 tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 39.580 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 369.635 tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 11.545, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 20-4-2017, cả nước có khoảng 612 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động[3].

Đến cuối năm 2020 số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm là 44.096 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm 2019. Tuy nhiên, tình hình đăng kí doanh nghiệp năm 2020-2021 gặp nhiều trở ngại do những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ảnh hưởng bởi những biến động kinh tế trên thế giới. Đến cuối năm 2020 số lượng doanh nghiệp thành lập mới với 134.941 doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm 2019. Qua thống kê cho thấy, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế năm 2020 là 5.577.570 tỷ đồng (tăng 39,3% so với năm 2019), trong đó: số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 2.235.626 tỷ đồng (tăng 29,2% so với năm 2019), vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động là 3.341.944 tỷ đồng (tăng 47% so với năm 2019) với 39.476 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn[4].

Vai trò của doanh nghiệp đối với tăng trưởng xanh

Có thể thấy rằng, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Theo các nguồn số liệu thống kê, trong giai đoạn 2006 - 2015, so với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GDP cả nước, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển. Trong thời gian tới, theo dự báo của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đóng góp khoảng 30% ngân sách và khoảng 40% GDP của cả nước.

Khu vực kinh tế tư nhân tạo ra số việc làm rất ấn tượng, góp phần không nhỏ tái cấu trúc nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt tạo việc làm mới cho những đối tượng bị giảm biên chế hoặc mất việc làm do quá trình tinh giản bộ máy hành chính, cải cách doanh nghiệp nhà nước, hay dịch chuyển lao động từ khu vực nông thôn. Các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò tạo thêm 1,2 triệu việc làm mỗi năm và giúp duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp ở Việt Nam trong thời gian qua[5].

Gần đây, Nhà nước đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển. Tuy nhiên, các doanh nhân thuộc mọi loại hình công ty luôn trả lời rằng những biện pháp này chưa thực sự đi vào thực tế, thêm vào đó, năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam hiện còn yếu kém. Điều này cho thấy yêu cầu đối với việc nâng cấp doanh nghiệp trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia là cấp thiết, đồng thời, chất lượng quản lý của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của thế giới. Các nhà quản lý doanh nghiệp Việt Nam đều nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của họ là lợi nhuận, nên các mục tiêu của doanh nghiệp Việt Nam luôn mang tính ngắn hạn. Phần lớn các doanh nghiệp còn thiếu một tầm nhìn dài hạn về nâng cấp công ty và sản phẩm cũng như: nguồn nhân lực cần thiết cho đổi mới sáng tạo[6].

Để phát huy vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, các doanh nghiệp cần thực hiện 10 nguyên tắc của tổ chức Hiệp ước toàn cầu (Global Compact) về các lĩnh vực: Quyền con người, lao động, môi trường và chống tham nhũng... Ngoài ra, doanh nghiệp cần áp dụng một cách toàn diện Bộ hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế dành cho các tập đoàn xuyên quốc gia, tiêu chuẩn ISO 26000 (tiêu chuẩn hướng dẫn toàn diện nhất tính đến thời điểm hiện tại về trách nhiệm xã hội).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tiếp tục xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nghiệp, thực hiện quy định của pháp luật trong bảo vệ môi trường, không vì phát triển kinh tế mà xem nhẹ môi trường. Xây dựng mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ kỹ thuật, quản lý và thị trường dịch vụ phục vụ tăng trưởng xanh. Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi cần giảm chất thải tại nguồn bằng cách kiểm soát quá trình xả thải tốt hơn, thay đổi nguyên liệu phù hợp hơn, cải tiến thiết bị theo hướng nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần mạnh dạn hiện đại hóa công nghệ sản xuất; từ đó, thay đổi thiết kế sản phẩm, bao bì sản phẩm theo hướng hoàn thiện, tiện dụng, nhưng tiết kiệm nguyên vật liệu và tăng cường sử dụng nguồn nguyên vật liệu tái chế. Quan trọng hơn, chủ doanh nghiệp cần xác định rõ, sản xuất sạch hơn không giống như xử lý cuối đường ống (xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường), mà tạo nên những sự thay đổi ngay từ khâu thiết kế, tổ chức sản xuất, sử dụng nguyên, nhiên liệu sao cho mang lại các lợi ích kinh tế song song với giảm tải lượng chất thải ô nhiễm.

Để thực hiện thành công các định hướng phát triển kinh tế xanh, rất cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai các giải pháp kinh doanh xanh, hướng tới một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp trong tăng trưởng xanh

Tại cuộc họp bàn về chiến lược và định hướng của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2015-2020, các chuyên gia một lần nữa khẳng định cùng với những mục tiêu phát triển chung của quốc gia về tăng trưởng xanh, cộng đồng doanh nghiệp được xem là một nhân tố quan trọng, góp phần vào việc xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng xanh và bền vững ở Việt Nam.

Trước hết tăng trưởng xanh tạo ra những cơ hội để các doanh nghiệp phát triển:

Cơ hội về thể chế, chính sách: Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Trong chiến lược tăng trưởng xanh, có hợp phần về sản xuất xanh, trong đó, nhấn mạnh nhiều đến việc khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, áp dụng quy trình kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Đây thực sự là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu và đổi mới công nghệ, gắn với việc giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận trong xu hướng hội nhập hiện nay.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ hội tiếp cận với những nguồn vốn vay ưu đãi khi thực hiện các dự án biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Các chính sách tài chính hiện nay đang khuyến khích khối tư nhân bù đắp khoảng trống đầu tư trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Chương trình tín dụng xanh nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp thêm các khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh. Hiện có bốn ngân hàng đang tham gia thực hiện thí điểm chương trình là Agribank, BIDV, Sacombank và VCB. Theo đó, các ngân hàng sẽ hỗ trợ khoảng 20 - 25 phương án, dự án sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng mới/năng lượng tái tạo, xử lý/tái chế rác thải và nông nghiệp hữu cơ. Doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất thấp hơn thông thường từ 1 - 3%. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ lãi suất tối đa từ ngân sách trong ba năm là 270 tỷ đồng. Với cơ chế cho vay dài hạn, đây là cơ hội cho các dự án xanh có chi phí đầu tư lớn, giá thành sản phẩm cao và thời gian thu hồi vốn dài với ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Gần đây, một sản phẩm mới của ngân hàng Techcombank - gói giải pháp dành riêng cho các doanh nghiệp kiểm toán năng lượng, với những ưu đãi đặc biệt, đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp. Đây là những điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực tài chính cần thiết để triển khai các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Từ đó, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị thương vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đặc biệt, sử dụng gói giải pháp này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội nhận được gói hỗ trợ đặc biệt từ Quỹ môi trường xanh (GCTF) do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ tài chính không hoàn lại và bảo lãnh tín dụng để đầu tư mới hoặc thay thế các dây chuyền công nghệ mới nhằm tiết kiệm năng lượng[7].

Bên cạnh chính sách vĩ mô, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều quỹ hỗ trợ đối với lĩnh vực biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Cụ thể, Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF) khuyến khích đầu tư tư nhân vào các hệ thống sản xuất sạch hơ hơn và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cùng một khoản trợ cấp dựa trên hiệu quả hoạt động. Khi dự án thực hiện thành công doanh nghiệp có thể nhận được tiền thưởng về thanh toán nợ; nếu các công nghệ mới giúp giảm phát thải ít nhất là 30%, người vay sẽ được hưởng 15% số nợ dịch vụ được tài trợ từ Quỹ. Nếu giảm phát thải từ 30 - 50%, tỷ lệ trợ cấp sẽ là 25%. Cho đến nay, Quỹ đã hỗ trợ tại Việt Nam. on the A | cho hơn 100 doanh nghiệp

Ngoài ra, Quỹ đầu tư xanh (GIF) cũng dành một khoản bảo lãnh ngân hàng cho các khoản đầu tư vào tiết kiệm năng lượng hiệu quả của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và giải thưởng tiết kiệm năng lượng. Chương trình tín dụng tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả đã hỗ trợ các ngân hàng địa phương cho vay đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp muốn mua và đầu tư vào nhà ở và các tòa nhà tiết kiệm năng lượng. Còn nhiều quỹ khác, như: Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC), Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu KFW, Chương trình tiết kiệm năng lượng cho các dự án của các doanh nghiệp công nghiệp (VEEIEs)... đều dành những ưu đãi nhất định cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Khó khăn, thách thức

Tăng trưởng xanh tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp ứng dụng song chưa thành xu thế do tầm quan trọng của tăng trưởng xanh chưa được thực sự đề cao so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế số đông doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của tăng trưởng xanh. Đây sẽ là điểm yếu đặc biệt đổi với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn và tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài. Ngày nay, các tổ chức tài chính chuyên nghiệp đều có chỉ tiêu về tăng trưởng xanh trong đánh giả đầu tư, và dân chúng ngày càng nhạy cảm hơn đối với những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường của doanh nghiệp.

Trong thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các cơ chế chính sách về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Tuy nhiên đến nay, cơ chế, chính sách còn thiếu đồng bộ, chưa đi vào cuộc sống, chưa tạo điều kiện cho phát triển tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng, cơ chế, chính sách cần phải được thiết lập đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và phù hợp thực tiễn góp phần phát triển tín dụng xanh.

Sự hạn chế của chính doanh nghiệp về năng lực tổ chức, năng lực huy động và sử dụng vốn và các dịch vụ tài chính, năng lực vận động tài trợ, phối hợp các tổ chức trong nước và quốc tế để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong triển khai tăng trưởng xanh.

Hiện nay vẫn chưa hình thành đầy đủ môi trường thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư vào tăng trưởng xanh dưới hình thức chuyển đổi công nghệ/dự án thí điểm/nghiên cứu điển hình; tăng cường đầu tư theo mô hình hợp tác công - tư (PPP) khi nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế.

Tạo cơ chế để doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xanh Khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình phục hồi và nâng cao chất lượng tăng trưởng, nhất là tăng trưởng xanh. Vai trò này sẽ được phát huy nếu các doanh nghiệp khu vực này được quan tâm phát triển ở ba góc độ về hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh và tái cơ cấu kinh tế:

Trọng tâm trong giải quyết vấn đề nâng cao kinh tế là phải thúc đẩy sự cải thiện về quy mô cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, đảm bảo “đủ lớn để hiệu quả và giảm quy mô của kinh tế phi chính thức, thông qua các chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. hiệu quả

Trọng tâm của nâng cao năng lực cạnh tranh là đổi mới công nghệ và nâng cao năng suất lao động, chú ý khai thác lợi thế cạnh tranh của kinh tế vùng.

Cải thiện cơ cấu kinh tế thông qua ba trọng tâm tái cơ cấu: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần phải quan tâm sâu hơn nữa tới tác động đòn bẩy của nó đến khu vực kinh tế tư nhân để có định hướng tái cơ cấu một cách rõ ràng và nhất quán.

Có một số định nghĩa về cộng đồng:

Một cách khái quát, có thể hiểu đơn giản “Cộng đồng là một tập thể có tổ chức, bao gồm các cá nhân con người sống chung ở một địa bàn nhất định, có chung một đặc tính xã hội hoặc sinh học nào đó và cùng chia sẻ với nhau một lợi ích vật chất hoặc tỉnh thần nào đấy”;

Cộng đồng là tập thể người sống trong cùng một khu vực, một tỉnh hoặc một quốc gia và được xem như một khối thống nhất;

Cộng đồng là một nhóm người có cùng tín ngưỡng, chủng tộc, cùng loại hình nghề nghiệp, hoặc cùng mối quan tâm; "Cộng đồng là một tập thể cùng chia sẻ, hoặc có tài nguyên chung, hoặc có tình trạng tương tự nhau về một số khía cạnh nào đó[8].

Như vậy, có thể phân ra 2 loại cộng đồng: Cộng đồng địa lý bao gồm những người dân cư trú trong cùng một địa bàn có thể có chung các đặc điểm văn hóa, xã hội và có thể có mối quan hệ ràng buộc với nhau. Họ cùng được áp dụng chính sách chung, như cộng đồng người Hoa, người Chăm, cộng đồng dân cư tại xóm X.

Cộng đồng chức năng gồm những người có thể cư trú gần nhau hoặc không gần nhau nhưng có lợi ích chung. Họ liên kết với nhau trên cơ sở nghề nghiệp, sở thích, hợp tác hay hiệp hội có tổ chức (NGO...), như Hội đồng hương của tỉnh Quảng Ngãi; cộng đồng học sinh, sinh viên Việt Nam đang du học tại các nước; cộng đồng những công nhân nhập cư tại khu phố A.

Cộng đồng được đề cập trong cuốn sách này là nhóm người sống trong phạm vi thôn, bản, các xã, phường của khu vực nông thôn và thành thị, đặc biệt là các vùng nông thôn vùng sâu, vùng xa. Cộng đồng có những điểm giống nhau, có chung các mối quan hệ nhất định và cùng chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố tác động và là đối tượng cần được quan tâm trong sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Một cách cụ thể, nguồn lực của cộng đồng có thể huy động gồm: Nguồn nhân lực, bao gồm kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm, khả năng lao động và sức khỏe của những lao động chính trên địa bàn có ý nghĩa quyết định trong giai quyết tốt các vấn đề của cộng đồng. Các yếu tố đó giúp cho con người có thể theo đuổi những chiến lược tìm kiếm thu nhập khác nhau và đạt những mục tiêu của họ. Ở mức độ gia đình nguồn nhân lực được xem là số lượng và chất lượng nhân lực có sẵn.

Nguồn lực tự nhiên/Tài nguyên thiên nhiên: Là nguồn lực quan trọng phục vụ cho quá trình phát triển cộng đồng. Đây là một trong những tiền đề để phát triển bền vững thông qua việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên như đất đai, nguồn nước, tài nguyên sinh vật, v.v.. Hiệu quả việc sử dụng tài nguyên phụ thuộc vào kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật của cộng đồng và thể chế, chính sách của nhà nước, của địa phương

Nguồn lực vật lý/Cơ sở vật chất, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng gồm hệ thống đường sá, cầu cống, các công trình... Một số cộng đồng với sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí, vật chất của các tổ chức phát triển đã tự cải thiện được tình trạng xuống cấp và thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, điển hình như tại các địa bàn thuộc Chương trình 135 (Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg) và các huyện nghèo được hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ đã được Nhà nước và các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng hệ thống: điện trường - trạm là cơ sở để cộng đồng nghèo có thể tự vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Nguồn lực tài chính: Để cộng đồng phát triển, ngoài những nhân tố quan trọng trên đây, việc tổ chức, huy động nguồn tài chính đáng kể được lập nên từ chính người dân trong cộng đồng đó có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những ví dụ điển hình trong thực tiễn được sử dụng khá hiệu quả là các nguồn tài chính vi mô hay quỹ tín dụng của các tổ chức đoàn thể, như Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, đoàn thanh niên được huy động và thành lập trên cơ sở vốn góp của các hội viên, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế đã mang lại hiệu quả thiết thực, giảm thiểu tình trạng cho vay nặng lãi và các vấn đề tiêu cực nảy sinh.

Nguồn lực xã hội/Mối quan hệ xã hội, tức tính liên kết của cộng đồng gắn bó hay lỏng lẻo đều có ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển của cả cộng đồng. Việc chú ý phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực trong mối quan hệ xã hội tại cộng đồng là cần thiết. Khi các thành viên trong các nhóm quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nuôi dạy con cái, cùng nhau xây dựng, sử dụng và bảo quản công trình cộng đồng... thì các nguồn lực nêu trên ngày càng được củng cố, mối quan hệ cộng đồng thêm chặt chẽ và bền vững hơn. Các nguồn lực này chính là các nguồn lực quan trọng để xây dựng chiến lược sinh kế và phát triển sinh kế của các địa phương[9].

Một yếu tố quan trọng trong phát triển cộng đồng là chiến lược sinh kế. Mỗi hộ dân là một bộ phận cấu thành nên cộng đồng họ đang sống, các tài sản và nguồn lực của họ cũng là một phần tài sản và nguồn lực của cộng đồng đó, vì vậy chiến lược sinh kế của mỗi hộ đều có sự tương đồng và phù hợp với nhau cũng như phù hợp với chiến lược sinh kế của cả cộng đồng.

Chiến lược sinh kế cộng đồng cũng dựa trên năm loại nguồn lực trên nhưng mang ý nghĩa rộng hơn cho cả cộng đồng, đó là số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của cộng đồng; thể chế chính trị, phong tục, tập quán, uy tín của cả cộng đồng. Điều kiện tự nhiên của địa bàn cộng đồng sinh sống; các cơ sở hạ tầng xã hội hỗ trợ cho sinh kế như giao thông, hệ thống cấp nước, hệ thống ngăn, tiêu nước, cung cấp năng lượng, thông tin, v.v.. Cơ chế huy động nguồn lực cộng đồng:

Trong lịch sử phát triển, có hai cách tiếp cận huy động nguồn lực cộng đồng: từ trên xuống và từ dưới lên. Trước đây, cách tiếp cận từ trên xuống “Top-down” là khá phổ biến, nhưng trong giai đoạn hiện nay đang dần được thay thế hoặc phối hợp với cách tiếp cận từ dưới lên “Bottom-up”. Cách tiếp cận “Top-down” chủ yếu vận dụng kiến thức chuyên gia mà thiếu đi sự tận dụng nguồn lực cộng đồng. Kiến thức bản địa của cộng đồng, do đó, cũng không được chú trọng, nhu cầu của cộng đồng không được điều tra kỹ lưỡng và đặt ở trọng tâm can thiệp. Thay vào đó, các chuyên gia với kiến thức chuyên môn và được đào tạo bài bản sẽ tham gia những công đoạn chính như xây dựng kế hoạch, giám sát thực hiện hoạt động Tính năng động của cộng đồng do vậy không được phát huy.

Ngược lại, cách tiếp cận “Bottom-up” hiện đang được chú trọng như một xu hướng mới. Theo Angelika Kruger[10], cách tiếp cận “Bottom-up” hướng tới:

Tăng cường sức mạnh và hiệu quả của đời sống cộng đồng và xây dựng vốn xã hội;

Tăng cường điều kiện địa phương, đặc biệt với những người trong tình huống bất lợi, và vượt qua những sự loại trừ xã hội.

Tạo điều kiện cho người dân tham gia vào việc ra quyết định công khai và đạt được sự kiểm soát dài hạn lớn hơn vượt qua những phong tục của họ.

Thực tế, ở Việt Nam, cũng như tình hình chung trên thế giới, có nhiều cách tiếp cận khác nhau trong phát triển cộng đồng căn cứ vào từng tiêu chí sắp xếp. Hướng tiếp cận áp đặt của các chuyên gia (Top-down) cũng được ứng dụng nhiều trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ, phát triển nhanh chóng tăng trưởng kinh tế với tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh của nước có thu nhập trung bình thấp, các hướng tiếp cận lấy con người làm trọng tâm ngày càng có ưu thế trong công tác trợ giúp chuyên nghiệp. Do đó, hướng tiếp cận từ dưới lên ngày càng được phát huy và gần đây phát triển thành cách tiếp cận dựa vào nội lực hay tiếp cận dựa vào nhu cầu với phương pháp ABCD (Assets based for community development) với đặc trưng là trao quyền cho cộng đồng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng cũng như tính bền vững ngày càng được chú trọng thay vì cách tiếp cận cũ. Đây cũng được xem là xu hướng chủ yếu của phát triển cộng đồng trên thế giới. Để phát huy tốt phương pháp phát triển cộng đồng dựa vào nội lực, hệ giá trị cho các phương pháp tiếp cận chung phải theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Điều quan trọng nhất là Nhà nước cần tạo ra cơ chế làm để hệ giá trị ấy được phát huy tối đa[11].

Trong bất kỳ thời đại nào, quần chúng nhân dân cũng là người sáng tạo chân chính ra lịch sử. Nhưng, trình độ sáng tạo của quần chúng đến mức nào lại tùy thuộc vào sự hiểu biết của họ về tự nhiên và xã hội, về sự giác ngộ của bản thân họ, vào tính năng động và trình độ tổ chức của họ,... Đến lượt mình, tất cả những điều này lại phụ thuộc vào trình độ của phương thức sản xuất, vào chế độ xã hội. Vai trò sáng tạo lịch sử quần chú ngày càng tăng cùng với sự phát triển của xã hội - đó là một quy luật khách quan.

Trong thực tế phát triển, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức một cách sâu sắc rằng, cách mạng sự nghiệp của quần chúng, cách mạng muốn thành công phải dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Đại đoàn kết toàn dân là truyền thống quý báu của dân tộc ta, của Nhân dân ta, là một tư tưởng lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra, đồng thời là đường lối chiến lược và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đại đoàn kết toàn dân đã trở thành cội nguồn sức mạnh và động lực to lớn để chúng ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trở thành nhân tố quan trọng tạo ra sự ổn định xã hội và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Hiện nay, trong công cuộc đổi mới, nhiều chương trình phát triển được thực hiện rất thành công theo cách tiếp cận dựa vào cộng đồng như: Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, quản lý rừng dựa vào cộng đồng, phát triển y tế cộng đồng, phát triển du lịch cộng đồng, phát triển và quản lý đô thị dựa vào cộng đồng... Đặc biệt, Chương trình phát triển nông thôn mới đã rất thành công tại nhiều địa phương trên toàn quốc nhờ sự huy động hiệu quả các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài chính...) từ cộng đồng.

Tương tự như vậy, chiến lược tăng trưởng xanh, cũng chỉ thành công khi chúng ta có những cơ chế phù hợp để huy động các nguồn lực từ cộng đồng cùng tham gia.

 


[1] Phạm Thị Thu Hằng: Vai trò của khu vực tư nhân trong phục hồi và tăng trưởng ở Việt Nam, 2013. http//www/vnep.org.vn

[2] Xem baodautu.vn/ky-luc110100doanh-nghiep-thanh-lap-trong năm-2016

[3] Xem Thời báo Tài chính, thứ hai ngày 09-10-2017

[4] Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp www.dangkikinhdoanh.gov.v

[5] Xem Nguyễn Đình Luận: Vai trò của kinh tế tư nhân với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu và trao đổi, tháng 10-2015; Phạm Ngọc Long: Huy động và sử dụng nguồn vốn tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, Tạp chí Tài chính, số 8, kỳ 1-2015.

[6] Xem Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới: Báo cáo Việt Nam 2035, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016

[7] www.techcombank-com.vn/...cho...techcombank-cung-cap-goi giai-phap-tai-chinh.

[8] Trương Quang Học (Chủ biên): Sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu: Tiêu chí đánh giá và các điển hình, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016

[9] Trương Quang Học (Chủ biên): Sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu: Tiêu chí đánh giá và các điển hình, Tlđd

[10] Xem https://congtacxahoi.net/phat-trien-cong-dong-o-viet-nam

[11] Xem Trịnh Văn Tùng và Nguyễn Thu Trang: Phát triển cộng đồng ở Việt Nam: Thực trạng và định hướng các tiếp cận trong cảnh mới, 2016, <http://congtacxahoi.net/threads/phat-trien-cong dong-o-viet-nam-thuc-trang-va-dinh-huong-cac-tiep-can-trong-boi canh-moi.155/>

Sửa đổi lần cuối Thứ ba, 04 Tháng 1 2022 11:26

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành