Thứ tư, 25 Tháng 8 2021 10:26

Chính sách xanh hóa tiêu dùng trong xây dựng nền kinh tế xanh ở Việt Nam

Hiện nay, xanh hóa tiêu dùng đang được xem như là xu hướng tiêu dùng của thế kỷ mới khi vấn đề môi trường đang ngày một nóng lên và trở thành mối quan tâm của toàn nhân loại. Xanh hóa tiêu dùng có thể được hiểu là quá trình thúc đẩy các hoạt động tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây nguy hại cho sức khỏe con người và không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên. Việc tiêu dùng theo xu hướng này là cách tiếp cận về cầu, tập trung vào sự lựa chọn của khách hàng đối với các hàng hóa và dịch vụ như thực phẩm, quần áo, phương tiện di chuyển, sản phẩm công nghệ để thỏa mãn nhu cầu cơ bản và cải thiện chất lượng cuộc sống một cách hiệu quả và hiệu suất, giảm thiểu tối đa hậu quả tiêu cực tới môi trường, kinh tế và xã hội trên cơ sở sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào như nguyên liệu, năng lượng... Xanh hóa tiêu dùng không đồng nghĩa với việc sẽ tiêu dùng ít đi mà là tiêu dùng một cách có hiệu quả hơn, thông minh hơn, tiêu tốn ít tài nguyên và năng lượng hơn. Mục đích cuối cùng của việc tiêu dùng theo hướng này là để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người tiêu dùng thế hệ hôm nay và cả thế hệ mai sau, đồng thời giảm thiểu tác động tới môi trường nhằm góp phần phục hồi và bảo tồn môi trường tự nhiên và các hệ sinh thái.

Đứng trước vấn đề trong phát triển kinh tế ở Việt Nam đó là sự sụt giảm mạnh mẽ của tài nguyên thiên nhiên và gia tăng ô nhiễm môi trường, tiêu dùng xanh được Chính phủ đề cập lần đầu tiên trong Chiến lược về tăng trưởng xanh vào tháng 9-2012 (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh). Ba mục tiêu cụ thể được xác định trong chiến lược này, trong đó mục tiêu thứ ba là nâng cao đời sống của Nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh. Để đạt được các mục tiêu của chiến lược, một trong ba nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện gồm có xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang xây dựng Chương trình phát triển sản phẩm xanh tầm nhìn đến năm 2020. Việt Nam cũng đang triển khai một số hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh đã bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... Mặc dù xanh hóa tiêu dùng ở Việt Nam chưa được đưa vào một khung chương trình quốc gia nào, tuy nhiên nó lại được thể hiện qua nhiều chiến lược, chính sách phát triển của đất nước, trong đó bao gồm: Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 07-3-2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 với 10 nhiệm vụ cấp bách được đề xuất thực hiện, trong đó có nhiệm vụ số 8: Bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó có hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu với rất nhiều các chương trình/đề án được đưa ra để thực hiện. Bộ Công Thương được giao thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng xanh; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03-6-2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đã xác định “Phát triển ngành kinh tế môi trường trên cơ sở ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ bảo vệ môi trường và tái chế chất thải. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững”[1] trong nhiệm vụ cụ thể thứ 3 về bảo vệ môi trường và trong Định hướng kinh tế ưu tiên nhằm phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 trong Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020 (ban hành theo Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12-4-2012) và Nhiệm vụ chủ yếu thứ 5 trong Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững (được ban hành tại Quyết định số 160/QĐ-TTg ngày 15-01-2013), mới đây là Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10-5-2017 về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã chỉ rõ thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững được xem là một trong những ưu tiên quan trọng cần được triển khai, lồng ghép vào trong các chương trình/kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các ngành. Các mục tiêu và nhiệm vụ được đặt ra bao gồm: (i) Giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường thông qua khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo. Phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường tỷ lệ các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp xử lý chất thải rắn hoặc nước thải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia vào năm 2020 là 70%; (ii) Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là loại tài nguyên không thể tái tạo; xây dựng lối sống thân thiện môi trường, sản xuất và tiêu dùng bền vững; công nghệ hiện đại, sạch và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất nhằm làm giảm tiêu hao năng lượng/đơn vị GDP sản xuất đạt 2,5–3% vào năm 2020. Đóng góp của năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thu là 5% vào năm 2020.

Để đạt được các mục tiêu này, các hành động được đề xuất gồm: Đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, năng lượng, nước, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường, sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên. Từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh. Phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Áp dụng các chính sách điều chỉnh hành vi tiêu dùng đối với những hành vi không hợp lý.

Trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05-9-2012 và Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21-01-2014, đã chỉ ra bảo vệ môi trường là bộ phận cấu thành không tách rời của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích phát triển kinh tế ít chất thải, cácbon thấp, hướng tới nền kinh tế xanh, ưu tiên phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm.

Bên cạnh đó, kế hoạch này xác định được mục tiêu coi trọng tính hiệu quả, bền vững trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên với tỷ lệ chất thải rắn được tái sử dụng, tái chế hoặc thu hồi năng lượng, ….

Để đạt được các mục tiêu này, một số nhiệm vụ đã được chỉ ra, bao gồm: Từng bước xây dựng, hình thành thói quen tiểu dùng thân thiện với môi trường, mở rộng tiếp tục thực hiện hoạt động dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm, dịch vụ; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; thúc đẩy việc sản xuất cũng như khuyến khích sử dụng các sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, các sản phẩm tái chế, năng lượng từ chất thải…

Chiến lược này xác định ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam phải gắn liền với phát triển bền vững, trong đó nền kinh tế cácbon thấp, tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, với tỷ lệ các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tăng trưởng tiết kiệm năng lượng, nguyên, nhiên vật liệu đạt mức 90% vào năm 2020, tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn đô thị đạt mức 85% vào năm 2020; đảm bảo an ninh năng lượng; phát triển và nhân rộng lối sống, mẫu hình tiêu thụ thân thiện, hệ thống khí hậu với chỉ tiêu phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng thương mại lên tới 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.

Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP) (Kèm theo Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành), theo đó, mục tiêu của Kế hoạc này nhằm “giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch”. Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra là xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về biến đổi khí hậu, xây dựng luật về biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần thiết xây dựng mới quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở của biến đổi khí hậu có đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt đối với các ngành, nghề, lĩnh vực và vùng bị tác động do biến đổi khí hậu. Lồng ghép các chính sách về thích ứng biến đổi khí hậu vào hệ thống các quy định, chiến lược, quy hoạch thông qua hệ thống các văn bản pháp quy. Thực hiện việc nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chính sách về phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới trong thích ứng biến đổi khí hậu. Một trong các hoạt động quan trọng khác đó là thực hiện việc giám sát và đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu… Hơn nữa, tăng cường việc thực hiện nghĩa vụ tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.

Dự thảo Chiến lược quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra các mục tiêu hư giảm cường độ xả thải khí, thực hiện xanh hóa các ngành kinh tế, nâng cao năng lực chống chịu trong quá trình chuyển đổi xanh, tích cực thực hiện xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Ngoài ra, dự thảo chiến lược mở rộng và bổ sung thêm các nội dung so với Chiến lược giai đoạn 2011-2020 về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, văn hóa, y tế, bình đẳng, đổi mới sáng tạo…nhằm bảo đảm thực hiện tốt tăng trưởng kinh tế và bảo đảm, thống nhất thực hiện tăng trưởng xanh.

Ở Việt Nam, hoạt động mua sắm trong khu vực công là một trong những nhiệm vụ quan trọng và chiếm một phần lớn trong tổng chi ngân sách của Nhà nước. Mua sắm công thường chiếm tới 20% chỉ tiêu của Chính phủ. Trong những năm qua, hệ thống pháp luật quản lý hoạt động mua sắm công đã không ngừng hoàn thiện, giúp việc kiểm soát mua sắm công được chặt chẽ hơn. Theo Viện Phát triển bền vững quốc tế (IISD)[2], hiện nay trên thế giới, các hoạt động trong lĩnh vực công là rất lớn và đa dạng. Riêng việc mua sắm đầu tư công thường chiếm tới 45-65% ngân sách. Khoản này chiếm tới 13-20% GDP của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển Kinh tế (OECD) và còn hơn nữa ở các nước đang phát triển và chuyển đổi kinh tế như: 35% GDP của Nam Phi 43% của Ấn Độ và 47% GDP của Braxin.

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật quản lý hoạt động mua sắm công đã không ngừng hoàn thiện như Luật ngân sách nhà nước, Luật đấu thầu, Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18-7-2006 về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước (Quyết định này được thay thế bởi Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg ngày 17-11-2015), đã giúp việc kiểm soát mua sắm công được chặt chẽ hơn. Đối với các quy định mua sắm công xanh, hiện tại chưa có những chính sách, quy định cụ thể về việc tích hợp các yếu tố bảo vệ môi trường và công bằng xã hội trong mua sắm. Tuy nhiên, trong quy trình mua sắm công, một số sáng kiến nhằm cải thiện quy trình này đã thực hiện ở các cơ quan chính phủ như Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26-11-2007 về ban hành quy chế tổ chức mua sắm tài sản hàng hóa từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung, hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26-02-2016, Quyết định số 68/2011/QĐ-TTg ngày 12-12-2011 về việc ban hành Danh mục phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng được trang bị, mua sắm đối với cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, từ ngày 01-01-2013, các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước khi mua sắm các phương tiện, thiết bị thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này phải mua sắm các phương tiện, thiết bị được dán nhãn năng lượng. Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 thực hiện mua sắm xanh. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành một nền kinh tế xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 cũng đã đề cập tới chế định mua sắm xanh (Điều 146, Luật Bảo vệ môi trường số 17/2020/QH14), theo đó, mua sắm xanh được định nghĩa là hoạt động mua sắm các sản phẩm, dịch vụ mang tính thân thiện với môi trường, được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được công nhân theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, đối với các dự án đầu tư, các nhiệm vụ có nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Nhà nước thì phải ưu tiên thực hiện mua sắm xanh.

Như vậy, việc thực hiện mua sắm xanh là một yêu cầu cần thiết nhằm đảm bảo việc thực hiện chính sách tiêu dùng xanh. Tuy nhiên để thực hiện được điều này, cần thiết phải xây dựng ban hành khung chính sách về mua sắm xanh đặc biệt đối với việc mua sắm công. Song song với đó, xây dựng chương trình, chiến lược sản xuất và tiêu dùng bền vững, cũng như việc nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thực hiện đồng thời việc “dán nhãn sinh thái” kết hợp với “mua sắm xanh”.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có yêu cầu đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải mua sắm các phương tiện, thiết bị được dán nhãn năng lượng như Đèn huỳnh quang compact đèn huỳnh quang ống thẳng; chấn lưu dùng cho đèn huỳnh quang (chấn lưu điện từ, chấn lưu điện tử); quạt điện; máy điều hòa nhiệt độ; tủ lạnh; máy biến áp phân phối; thiết bị chiếu sáng công cộng; thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời; máy thu hình; màn hình máy tính; máy in; máy photocopy. Đây là bước đi cần thiết, thể hiện quyết tâm của Chính phủ thực hiện mua sắm xanh trong khu vực công.

Xanh hóa trong tiêu dùng của hộ gia đình là nội dung quan trọng cần phải hướng đến. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tiêu dùng xanh của các hộ gia đình còn chưa được quan tâm. Thói quen tiêu dùng vẫn bị chi phối bởi phong tục, tập quán và khả năng kinh tế. Phần lớn các hoạt động được triển khai mới tập trung vào nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi nilon sinh thái, việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải (3R) mới còn là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, chưa có tính phổ biến và tính bền vững.

Như đã đề cập ở trên, Việt Nam hiện vẫn chưa có một chính sách quy định cụ thể về tiêu dùng xanh mà mới chỉ dừng lại ở các văn bản mang tính định hướng hoặc các văn bản quy phạm pháp luật có tác dụng thúc đẩy gián tiếp đến tiêu dùng xanh. Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 tuy có đề cập tới mua sắm xanh nhưng chưa có những quy định cụ thể về vấn đề này. Trên thực tế, chúng ta đã có chính sách về nhãn xanh, đã có chính sách về tiết kiệm năng lượng, chính sách về ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường,... tuy nhiên, để đẩy mạnh xanh hóa tiêu dùng hay thúc đẩy hoạt động tiêu dùng xanh thực sự đi vào cuộc sống thì cần thiết phải có một chế tài đủ mạnh thể hiện qua các công cụ pháp lý tác động trực tiếp, quy định rõ hơn để thúc đẩy tiêu dùng xanh. Như vậy, thiếu hụt về chính sách thúc đẩy tiêu dùng xanh đang là một hạn chế cần được tháo gỡ trong thời gian tới.

Công nghệ đang là rào cản đối với mục tiêu hướng tới nền kinh tế xanh, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nói chung và xu hướng tiêu dùng xanh nói riêng. Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tại Hội thảo ngày 25-8-2015 thì một vòng đời công nghệ vào khoảng 10 năm, nghĩa là sau khoảng một thập niên sẽ có một thế hệ công nghệ mới ra đời. Với tốc độ phát triển này của công nghệ, Việt Nam đang lạc hậu từ 2-3 thế hệ công nghệ so với thế giới. Như vậy, có thể nói, công nghệ đang chính là một hạn chế kìm hãm việc thực hiện tiêu dùng xanh tại Việt Nam. Với công nghệ hiện tại thì khó có thể đòi hỏi tất cả các doanh nghiệp có thể đáp ứng được các tiêu chí về sản xuất các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường.

Việc áp dụng các công cụ kinh tế trong việc thúc đẩy tiêu dùng xanh ở Việt Nam hiện nay vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Các công cụ kinh tế mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ để thúc đẩy việc phát triển, sản xuất các sản phẩm dịch vụ thân thiện môi trường chứ chưa có công cụ điều chỉnh đủ mạnh để điều chỉnh các hành vi tiêu dùng các sản phẩm “chưa xanh”, chưa thân thiện với môi trường. Đây cũng chính là một trong những hạn chế cần được khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh nói chung cũng như thúc đẩy tiêu dùng xanh Việt Nam nói riêng.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức thay đổi hành vì người tiêu dùng đã bước đầu được thực hiện, tuy nhiên, hiệu quả của nó vẫn chưa được như mong muốn. Phần lớn người tiểu dùng vẫn hướng đến mua sắm, sử dụng các sản phẩm với tiêu chí lựa chọn chưa bao hàm tính xanh, thân thiện môi trường của sản phẩm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân căn bản kìm hãm việc thực hiện tiêu dùng xanh ở Việt Nam hiện nay.

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2013, tr.82

[2] IISD, Sustainable Public Procurement Prepareness assessment in Vietnam, A reference to the timber industry, 2009.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành