Thứ tư, 29 Tháng 9 2021 14:58

Phân tích định hướng phát triển nền kinh tế biển xanh ở Việt Nam

1. Xu thế toàn cầu

Đến nay, quan niệm về “Kinh tế xanh lam” (blue economy) còn rất khác nhau, nhưng tất cả dường như đều thừa nhận rằng, một nền kinh tế phồn thịnh rất cần thiết cho sự bền vững và không có tính bền vững thật sự thì không một nền kinh tế nào có thể tiếp tục hoạt động được. Đồng thời, đều thống nhất rằng: “giai pháp cho nền kinh tế bất ổn định hiện nay nằm ở sự hiểu biết và áp dụng lôgíc của các hệ sinh thái, và nếu như chúng ta phát triển kinh tế theo tự nhiên, chúng ta có thể sử dụng năng lượng và tài nguyên một cách hiệu quả và không có chất thải, đồng thời tạo ra hàng trăm triệu việc làm,... Chuyển đổi tình trạng suy thoái kinh tế hiện tại bằng cách mô phỏng lôgíc trong các hệ sinh thái cho phép chúng ta đáp ứng các nhu cầu cơ bản và thiết lập nền kinh tế xanh lam - một nền kinh tế thực sự phồn thịnh”[1].

Biển và đại dương (sau đây gọi tắt là biển) được xem là giàu tài nguyên thiên nhiên, có vị trí địa chiến lược trọng yếu, là không gian sinh tồn của loài người và cũng là nơi cạnh tranh của các nền kinh tế đứng đầu thế giới[2]. Biển và đại dương chứa đựng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng với trữ lượng khổng lồ, trong đó nhiều dạng tài nguyên không có trên đất liền hoặc rất hiếm và trở thành yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các quốc gia ven biển, quốc đảo. Cho nên, các chiến lược gia dự báo: “Biển và đại dương sẽ là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về lương thực, thực phẩm và các nguồn năng lượng, nguyên nhiên liệu”[3]. Thế giới cũng thừa nhận luận điểm: “thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương”.

Tài nguyên biển phân bố trong các hệ thống biển và ven biển (coastal and marine systems), bao gồm hệ sinh thái và cũng là các hệ tài nguyên chia sẻ (shared resources), chứa đựng các nguồn vốn tự nhiên biển (marine natural asset). Trong các vùng biển, tài nguyên biển phân bố theo không gian ba chiều: trên bề mặt biển, trong khối nước biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Trong quá trình hoạch định chiến lược và giải pháp khai thác, sử dụng các hệ tài nguyên biển này, chúng ta phải cân nhắc đến ba thuộc tính chung của hệ là: tính trội, tính đa dụng và tính liên kết[4]. Theo ước tính, nguồn vốn tự nhiên biên có tổng giá trị ít ra cũng khoảng 24.000 tỷ USD và tổng sản phẩm biển hằng năm (GMP) - tương đương tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia (GDP) - tối thiểu là 2,5 nghìn tỷ USD[5]. Trên toàn thế giới, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển và các nguồn lợi biến đóng góp cho các nền kinh tế trên 5% GDP toàn cầu”. Rõ ràng, tương lai của loài người phụ thuộc rất lớn vào biên, nhất là khi số dân toàn cầu vượt mức 7 tỷ người và các nguồn lực trên đất liền dần cạn kiệt và ô nhiễm[6].

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới chuyển đổi với các đặc trưng cơ bản: khan hiếm và khủng hoảng nguyên nhiên liệu, tác động của biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương (ocean change) ngày càng hiện hữu, an sinh xã hội bị đe dọa, cạnh tranh thị trường, tranh chấp lãnh thổ và xung đột quốc gia trên biển thường xuyên và gay gắt hơn bao giờ hết[7]. Kinh tế thế giới đang dịch chuyển theo hướng tiến mạnh ra biển xa và đại dương, các nước phát triển đang “đóng cửa biển quốc gia ra khai thác biển quốc tế” để “lấy đại dương nuôi đất liền”. Cơ cấu kinh tế biển trên thế giới đang chuyển từ tư duy khai thác sang tư duy phát triển hiệu quả và bền vững; chuyển từ ưu tiên khai thác tài nguyên tươi sống, dạng thô sang chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng và tiết kiệm tài nguyên biển; chuyển từ chú trọng khai thác tài nguyên vật chất sang khai thác các giá trị chức năng, giá trị dịch vụ và giá trị không gian của các hệ thống tài nguyên biển - ven biển[8].

Thế giới đã chú trọng đến kinh tế biển xanh, đã tổ chức nhiều diễn đàn quốc tế và khu vực để chia sẻ các vấn đề lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, tháng 12-2013, tại Washington DC (Hoa Kỳ) đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh tế đại dương hướng tới tăng trưởng xanh. Đây là diễn đàn quan trọng cho các nhà lãnh đạo cấp cao của một số quốc gia biển, một số tổ chức quốc tế để chia sẻ nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế biển và đại dương xanh ở cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia. Theo đó, hội nghị nhấn mạnh đến các chủ đề chính: (i) Lượng giá các giá trị dịch vụ của các hệ thống tài nguyên biển/đại dương, bao gồm các hệ sinh thái, (ii) Lồng ghép các dịch vụ hệ sinh thái biển vào lập kế hoạch đầu tư phát triển, nhấn mạnh đến các khu bảo tồn biển, (ii) Phát triển năng lượng biến và đại dương, năng lượng tái tạo, an ninh thực phẩm và hàng hải xanh, (iv) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biến xanh, chú trọng bảo vệ nguồn lợi biển, đường cao tốc trên biến, phát triển kinh tế dựa vào bảo tồn vốn tự nhiên biến, (v) Vai trò của công nghệ và đổi mới công nghệ biển và đại dương trong phát triển kinh tế và xử lý môi trường biển, (vi) Các thách thức kinh tế và sinh thái, nhấn mạnh đến chất thải và ô nhiễm biển, nhu cầu quy hoạch không gian biển và thách thức với tăng trưởng xanh, và (vii) Những thực hành tốt về quản trị biển và đại dương[9].

Trước một thế giới chuyển đổi như vậy, các quốc gia biển, quốc đảo, trong đó có Việt Nam phải thay đổi tư duy phát triển và đổi mới công nghệ để giải quyết những thách thức mang tầm thời đại nói trên, hướng tới một nền kinh tế biển xanh và phát triển bền vững (phát triển bền vững) biển. Liên kết quốc tế, liên kết vùng và phối hợp liên ngành phải là cách tiếp cận cơ bản và dài hạn để giải quyết các thách thức, rào cản và để tăng cường hợp tác quốc tế trên biển, để giải bài toán phát triển một nền “công nghiệp biển” (ocean industry) và bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia[10].

2. Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta

Với một vùng biển rộng, bờ biển dài (trên 3.260 km) và nhiều đảo (trên 3.000 đảo lớn, nhỏ), Việt Nam coi trọng vai trò đặc biệt của kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững với chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước[11].

Biển Đông được xem là một trong những hệ sinh thái biển lớn (large marine ecosystem - LME) của thế giới, giàu tài nguyên sinh vật và có tính đa dạng sinh học cao. Hệ sinh thái biển lớn này là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới và cung cấp 1/10 tổng sản lượng cá đánh bắt trên thế giới. Biển Đông cũng là khu vực biển có giá trị cao về mặt tài nguyên và môi trường, về bảo tồn biển và nguồn vốn tự nhiên biển. Thời gian qua, kinh tế biển Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước. Năm 2005, kinh tế biển chiếm khoảng 45% tổng GDP cả nước, trong đó kinh tế thuần biển đạt khoảng 22%[12], đến năm 2015 kinh tế biển chiếm khoảng 50,8% và thuần biển chỉ đạt 18,8%[13]. Tuy nhiên, quy mô phát triển như vậy chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn vốn tự nhiên biển đang bị bòn rút ở mức báo động. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do hành vi ứng xử tiêu cực của con người, mà hậu quả đã và sẽ tác động đến kinh tế - chính trị khu vực[14]. Chính vì vậy, để phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần hướng tới các giải pháp xanh. Đây không chỉ là nhu cầu mà còn là một lựa chọn chiến lược đúng đắn. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể trở thành quốc gia “mạnh lên từ biển và làm giàu từ biển” như mục tiêu chung của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đề ra trong Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 09-02-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

Gần đây, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững hơn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của nước ta. Đây là một cơ hội tốt để Việt Nam có thể chuyển từ nền kinh tế biển “nâu” sang kinh tế biển “xanh lam”, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chính vì thế, bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển, gìn giữ và phát triển nguồn vốn tự nhiên biển hướng tới một nền kinh tế biển xanh là một nhu cầu thực tế cấp thiết.

Phát triển kinh tế biển xanh cũng góp phần xây dựng một vùng biển hòa bình và ổn định, đồng thời góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh theo quy định tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 theo quy định tại Nghị định số 403/QĐ-TTg. Có thể nói, Chiến lược và Kế hoạch “xanh” như vậy ra đời là sự khẳng định xu thế phát triển tất yếu trong dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, chủ động chuyển dần từng bước sang một nền kinh tế xanh lam để đạt được các lợi ích cơ bản: góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì và tiến tới tăng cường nguồn vốn tự nhiên biển, cải thiện nguồn vốn văn hóa biển và hướng tới phát triển bền vững biển, đảo.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh yêu cầu: “tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế”. Triển khai tinh thần của chiến lược xanh, kế hoạch hành động “xanh” nhấn mạnh vào 4 lĩnh vực/chủ đề ưu tiên, 12 nhóm hoạt động và 66 hành động cụ thể.

Phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta cũng còn gặp không ít thách thức, khó khăn:

Một là, nhận thức và hiểu biết về kinh tế biển xanh và vai trò của nó đối với nền kinh tế quốc dân của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân ven biển còn hạn chế và rất khác nhau.

Hai là, năng lực khoa học - công nghệ biển và nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển xanh còn hạn chế, yếu kém. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở các vùng biển, ven biển và hải đảo còn lạc hậu, thiếu đồng bộ nên chưa phát huy được vai trò “giá đỡ” cho kinh tế biển xanh.

Ba là, tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, thiếu/không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nảy sinh các xung đột không gian trong sử dụng đa ngành ở các vùng ven biển, biển và đảo. Còn nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên biến ở dạng vật chất, không tái tạo, xuất khẩu sản phẩm thô, không tạo ra giá trị gia tăng của sản phẩm nên không tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên biển. Các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng.

Bốn là, môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu, ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các hoạt động phát triển trên lưu vực sông và vùng ven biển đổ trực tiếp ra biển trong khi năng lực giám sát và kiểm soát môi trường biển còn yếu. Ví dụ như sự cố môi trường biển do Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa xả thải ra vùng biển Vũng Áng đã hủy hoại môi trường biển, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nghề cá, hoạt động du lịch cũng như gây ra các tác động xã hội cho 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là bài học đắt giá vừa qua.

Năm là, đa dạng sinh học biển, các hệ sinh thái và nguồn lợi thủy hải sản giảm sút. Rừng ngập mặn mất khoảng 15.000 ha/năm, chỉ có 20% rạn san hô ở tình trạng tốt, khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Trữ lượng hải sản khu vực biển cụm đảo Trường Sa và phía Tây biển Đông thuộc Việt Nam giảm khoảng 16% so với trước năm 2010[15]. Việc Trung Quốc lấn mở rộng khoảng 1.500 hécta “đảo nhân tạo” từ các bãi cạn ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam đã phá hủy nhiều ngàn hécta rạn san hô, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển nông khác để lấy làm vật liệu tôn tạo thành các “đảo nhân tạo” như vậy. Hành động này của Trung Quốc đã hủy hoại vĩnh viễn môi trường biển ở đây [16]và gây thiệt hại nghiêm trọng với số tiền ước tính khoảng 4 tỷ đôla/năm[17]. Giáo sư John W. McManus - khoa sinh học và sinh thái biển Đại học Miami - Hoa Kỳ cảnh báo “Chúng ta đang chứng kiến ngành thủy sản tiến tới sự đổ vỡ lớn và thảm họa môi trường này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Đã đến lúc phải hành động ngay bây giờ”[18].

Sáu là, đến nay biển, đảo và vùng ven biển nước ta vẫn chủ yếu được quản lý theo cách tiếp cận đơn ngành, thiếu các cơ chế phối hợp quản lý liên ngành, liên vùng và liên cơ quan. Điều này dẫn đến không chỉ sự chồng chéo về quản lý giữa khoảng 15 bộ ngành về biển, mà còn tác động đến mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh.

Bảy là, ngoài thiên tai biển xảy ra thường xuyên, Việt Nam còn là một trong số ít nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trước hết là vùng ven biển và các đảo nhỏ.

3. Các nỗ lực hướng tới kinh tế biển xanh ở nước ta

Hiện nay, các ngành và các địa phương ven biển đang triển khai thực hiện Kế hoạch hành động xanh giai đoạn 2014-2020, nhưng chưa có những kết quả và mô hình cụ thể. Mặc dù vậy, ở nước ta đến nay cũng đã có không ít hành động và thực tiễn tốt đóng góp ở mức độ khác nhau cho phát triển kinh tế biển xanh cần được nghiên cứu để nhân rộng.

Khu bảo tồn biển được xem là một công cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn nguồn vốn tự nhiên và tính bền vững của các vùng biển, duy trì và phát triển các ngành kinh tế biển dựa vào bảo tồn thiên nhiên, như nghề cá, du lịch và các dịch vụ đi kèm. Quản lý tốt các khu bảo tồn biển thì sau 3 năm nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn biển này sẽ phục hồi và sau đó sẽ xuất hiện hiệu ứng phát tán (chất dinh dưỡng và nguồn giống thủy sản) ra vùng biển chung quanh. Chính vì thế, sau hơn 10 năm tiến hành quy hoạch, ngày 26-5-2010 tại Quyết định số 742/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 với danh mục 16 khu bảo tồn biển phân bố đại diện cho toàn vùng biển. Hệ thống các khu bảo tổn biển này chiếm diện tích khoảng 270.271 hécta, bằng khoảng 0,3% diện tích vùng biển Việt Nam. Khoảng 70.000 ha rạn san hô, 20.000 ha thảm cỏ biển và một phân rừng ngập mặn, phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế, gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp được quản lý trong phạm vi các khu bảo tồn biển đến năm 2020. Tuy nhiên, việc đưa các khu bảo tồn biển đã thiết lập này vào quản lý đã kéo dài, đến nay mới có khu bảo tồn biển được quản lý[19].

Trong khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - một trong 16 khu bảo tồn biển của hệ thống quốc gia, đã giữ được vùng lõi ở khu vực Hòn Mun và cũng tại đây các nhà đầu tư nước ngoài đã tổ chức hoạt động du lịch lặn (diving tourism). Như vậy, thay vì đánh bắt cá đi bán như trước đây, người ta đã khai thác các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái rạn san hô, thu lời cao hơn nhiều lần đánh cá đi bán trong khi cá vẫn “còn nguyên”. Tuy nhiên, cần lưu ý thị trường du lịch lặn chỉ duy trì và mở rộng khi các nguồn vốn tự nhiên được gìn giữ, đặc biệt là rạn san hô. Một ví dụ khác, tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam, cộng đồng dân cư ở đây đã nói “không” với túi ni lông từ năm 2009, vì chất thải trên Cù Lao Chàm cũng như trên các đảo khác đã trở thành vấn nạn môi trường trên đảo, không có điều kiện xử lý nên đều thải xuống vùng biển xung quanh. Bên cạnh đó, Ban Quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm áp dụng “đồng quản lý” tài nguyên biển - đảo, trước hết là đối với cua Đá - một loài đặc sản bản địa, là nguồn sinh kế của cộng đồng người dân địa phương. Kết quả thực tế là: (i) Cộng đồng người dân Cù Lao Chàm, sau khi vận động và áp dụng “dán nhãn sinh thái”, đã chung tay bảo tồn thức được nâng cao, “quyền hưởng dụng tài nguyên biển” của cộng đồng; (ii) Về ve kinh tế, lợi ích từ của Đá gắn với lợi ích du lịch, và cộng đồng ở đây đã bảo vệ được 75% số lượng cua Đá và khi nó được dán nhãn thì cua Đá là sản phẩm du lịch tại Cù Lao Chàm, để du khách hiểu được cách ứng xử của người dân địa phương đối với con cua Đá; (iii) Tổ Cộng đồng Bảo vệ và Khai thác bền vững cua Đá đã được thành lập theo Quyết định số 72/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân xã Tân Hiệp thành phố Hội An đã tạo ra tác động chính sách, bảo đảm tính bền vững của các kết quả đạt được. Thực tiễn tốt này đang được các khu bảo tồn biển trong hệ thống như: Cồn Cỏ, Lý Sơn và Phú Quốc học hỏi nhân rộng[20].

Dừa nước là loại cây ngập mặn chiếm ưu thế tuyệt đối tại hạ lưu sông Thu Bồn, tập trung chủ yếu tại xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Rừng dừa nước tạo nên đa dạng sinh học của các loài thủy sinh ở Cửa Đại và là nguồn sinh kế của người dân Cẩm Thanh. Đây cũng là “cái bẫy” phù sa để bảo vệ khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm ở phía ngoài biển lân cận. Tuy nhiên, những năm gần đây rừng dừa nước này đã bị khai thác không hợp lý do nhận thức không đầy đủ giá trị chiến lược của nó. Kéo theo là sự giảm dần nguồn sinh kế của người dân phụ thuộc vào khai thác thủy sản trong rừng dừa nước. Trước tình hình đó, Chương trình dự án nhỏ của UNDP (GEF SGP) đã hỗ trợ dự án “Phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước xã Cẩm Thanh (thành phố Hội An) phục vụ du lịch sinh thái và phát triển bền vững” (2010 2013), người dân Cẩm Thanh đã trồng và phục hồi, bảo vệ được khoảng 84 hécta dừa nước; thành lập khu bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh trong mạng lưới khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, khu bảo tồn rạn san hô Tam Hải - Núi Thành; khoảng 20% các hộ gia đình tại Cẩm Thanh sử dụng lá cây dừa nước phục vụ cho hoạt động sinh kế và tăng thu nhập (như làm phên, tấm lợp,..); huy động được nhiều người dân tham gia bảo tồn rừng dừa nước và phát triển du lịch sinh thái (khoảng 50 hộ tham gia dịch vụ nhà lưu trú homestay trong rừng dừa nước với thu nhập 9-12 triệu đồng/tháng. Các dịch vụ khác liên quan đến sản phẩm dừa nước như: chở thuyền thúng, nghề tranh tre,... cũng cho thu nhập gia tăng với thị trường ổn định[21].

Vùng biển Hạ Long - Cát Bà nổi tiếng là một thực thể đảo đá vôi rộng lớn, độc nhất vô nhị trên thế giới với khoảng 2.400 đảo đá vôi lớn nhỏ, được quản lý bởi hai chủ thể là thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh. Vùng biển này bao gồm các vịnh Bái Tử Long và Hạ Long (Quảng Ninh); các vùng biển quần đảo Cát Bà, quần đảo Long Châu (Hải Phòng). Trong vùng biển - đảo này có khoảng 58 loài sinh vật biển đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Ngoài ra, có 22 loài sống trên các đảo đá vôi và trong hang động cácxtơ ở đây được đưa vào Sách Đo Việt Nam và Danh mục Đỏ IUCN. Đặc biệt, loài Voọc đầu trắng (Presbytis francoisis poliocephalus) được xem là loài đặc hữu trên đảo đá vôi Cát Bà và được chọn làm biểu tượng của Vườn quốc gia cùng tên. Vùng biển này cũng nổi tiếng với các loài đặc hải sản quý hiếm, như: bảo ngư, hàu, tu hài, vẹm xanh, ghẹ, trai ngọc và tôm hùm, cũng như là ngôi nhà chung của một số loài rùa biển. Tu hài phân bố trong 18 bãi (khoảng 64 tấn), bào ngư (10 tấn) và công nghiệp nuôi trai ngọc (khoảng 5 triệu cá thể trong một bè nuôi). Hằng năm, đánh bắt từ vùng biển này được 18.000 tấn cá, 1.000 tấn mực các loại và 50 tấn hàu.

Độ phủ trung bình của san hô dưới đáy biển là 48% (5 70%), lớp phủ rừng trên các đảo là 60-80%. Có khoảng 50 hang động cácxtơ trên đảo và ngầm, 57 vùng biển (tùng áng) rộng khoảng 0,7-28 ha, 62 hồ nước mặn cácxtơ[22], hơn 50 bãi cát biển (rộng 20-200 m) cấu thành bởi cát vụn san hô, khoảng 1.000 ha rừng ngập mặn và 120 ha bãi triều lầy. Trong vùng biển này có khoảng 3.000 ha rạn san hô với các bãi đặc hải sản nổi tiếng như các bãi tu hài, vẹm xanh và hải sâm, ... Nơi đây còn có mặt nhiều kiểu loại habitat và sinh cảnh đối với đời sống của các loài khác nhau (chimbiển), các bãi giống của các loài sinh vật quý hiếm và cá biển. Đáng kể là các cảnh quan của vùng đảo đá vôi cácxtơ, hang động cácxtơ nổi và ngầm, các bãi cát vụn san hô, các tùng, ảng, hồ nước mặn cácxtơ, rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và đới gian triều. Đây là những nơi cư trú và phục hồi các loài bị đe dọa, có nguy cơ tiệt chủng. Tuy nhiên, các hệ sinh thái, sinh cảnh và môi trường sống trong vùng biển này cũng là những đối tượng rất dễ bị tổn thương, nhạy cảm và chậm phục hồi dưới tác động của con người (đánh bắt hủy diệt, đục hóa, ngọt hóa, ...) và thiên tai, bao gồm biến đổi khí hậu.

Trong vùng biển này có một kiểu hệ sinh thái độc đáo là đảo đá vôi nhỏ và tính đa dạng của các hệ sinh thái biển và trên đảo như: rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, hang động cácxtơ nổi và ngầm, các bãi cát vụn san hô, các tùng, áng, hồ nước mặn cácxtơ, đáy mềm, đáy cứng và đới gian triều, các phễu, giếng, thung lũng cácxtơ, lạch sâu và vùng biển nông gần bờ. Tính đa dạng về loài trong vùng biển này khá cao: tổng số có khoảng 2.500 loài, bao gồm 230 loài thực vật phù du (phytoplankton), 120 loài động vật phù du (zooplankton), 4 loài cỏ biển, 110 loài rong biển, 19 loài thực vật ngập mặn, 200 loài thân mềm, 36 loài giáp xác, 106 loài san hô, 68 loài cá biển, 22 loài bò sát, 7 loài rắn, 4 loài rùa, 1 loài động vật biển, 60 loài giun đốt, 32 loài cầu gai.

Xu hướng tăng các hoạt động du lịch và đô thị hóa, đặc biệt đối với thành phố Hải Phòng và thành phố Hạ Long - nơi thải ra biển trên 50% tổng lượng chất thải các loại. Ngoài ra, còn chịu tác động của các hoạt động đánh cá, nuôi trồng thủy sản mặn - lợ (cả nuôi lồng bè), hoạt động khai thác than ven biển.... Các hoạt động này tác động đến tính tự nhiên nguyên khai của vùng rất lớn, diện tích các hệ sinh thái và môi trường sống của các loài bị thu hẹp, đôi khi bị hủy diệt và s thoái nghiêm trọng. Đối chiếu với 7 tiêu chí của EBSA, thị suy vùng biển này có 5/7 tiêu chí đạt mức cao và 2 tiêu chí đạt mức vừa (trung bình). Chính vì thế, cuối năm 2015, vùng biển thuộc quần thể đảo đá vôi Hạ Long - Cát Bà đã được đưa vào danh sách 1 trong 35 vùng biển Đông về sinh thái và sinh học toàn cầu (EBSA), cần được ưu tiên bảo vệ theo Công ước Đa dạng sinh học (CBD) với mã số bản do Map code 4010[23].

Các hệ sinh thái được xem là cơ sở hạ tầng tự nhiên (natural infrastructure) ở vùng bờ để chống đỡ thiên tại thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cho nên, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, sau chuyến đi đánh giá thiệt hại và hỗ trợ các nạn nhân trong vụ thảm họa sóng thần ở 6 quốc gia Nam Á năm 2004 đã khẳng định trước diễn đàn của Liên hợp quốc rằng: Đầu tư cho hệ sinh thái vùng bờ là đầu tư cho tương lai. Đây là một thông điệp mang tầm chiến lược và là căn cứ để đưa ra “Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai” (Mangroves For the Future - MFF) thực hiện từ năm 2006 ở 6 quốc gia chịu tác động của sóng thẩn với sự tài trợ của Quỹ Bill Clinton và các nhà tài trợ quốc tế khác. Năm 2010, Việt Nam được mời gia nhập MFF và đến nay thông qua tài trợ của sáng kiến này, hàng chục dự án vừa và nhỏ đã được thực hiện ở cấp cộng đồng ven biển từ Bắc vào Nam. Các dự án đều hướng vào cải thiện sức chống chịu của vùng ven biển trước biến đổi khí hậu; cải thiện sinh kế của người dân ven biển, trên đảo; tăng khả năng thu và giữ CO2,... thông qua trồng và bảo tồn các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, nâng cao nhận hức, phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn và các khu bảo tồn biển.

 


[1] Gunter Pauli: The Blue Economy: 10 Years, 100 Innovations. 100 Million Jobs, 2009. Bản dịch tiếng Việt của Phạm Hải Hồ, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sách Phương Nam, 2014, tr.51-52

[2] Nguyễn Chu Hồi: Môi trường Biển Đông và nhu cầu giải pháp xanh - Tuyển tập Nghiên cứu biển, Nxb. Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội, 2016, tập 22, tr.163-171

[3] Nguyễn Chu Hổi: Cơ sở tài nguyên và môi trường biển, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2005.

[4] Nguyễn Chu Hồi: Vai trò của quy hoạch không gian biển trong tăng trưởng xanh lam ở Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia lẫn thứ III “Môi trường và Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu", Nxb. Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội, 2015, tr.394-405

[5] Hoegh-Guldberg, O. et al: Reviving the Ocean Economy: the Case for Action. WWF International, Gland, Switzerland, Geneva, 60 pp, 2015

[6] Oceans, http://www.un.org/en/sustainablefuture/oceans.shtml. 4. Global Agenda Councils - The Future of our Oceans, http://www.weforum.org/community/global-agenda-councils/future of-our-oceans

[7] . Đỗ Hoài Nam: Chiến lược biển và tầm nhìn phát triển mới. Báo cáo đề dẫn, trong Kỷ yếu hội thảo quốc gia “Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển ngành thủy sản”, Hà Nội, 2007

[8] Trần Đình Thiên: Chiến lược biển và tầm nhìn công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới, trong Kỷ yếu hội thảo quốc gia “Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển ngành thủy sản”, Hà Nội, 2007.

[9] Nguyễn Chu Hồi: Kinh tế biển xanh: Vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam, Tạp chí Lý luận chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, số 10-2014, tr.33-3

[10] Nguyễn Chu Hồi: Kinh tế biện Việt Nam nhìn từ góc độ tài nguyên và môi trường, Tạp chí Lý luận chính trị, Hà Nội, số 5-2013, tr30-41

[11] Nguyen Chu Hoi, Hoang Ngoc Gioa: Chapter 16: Vietnam Marine Policy. In “National and Regional Ocean Polices”, Co-editors: Biliana Cicin-Sainl David L.VanderZwaag and Mirian C. Balgos. Routledge Handbook Publisher, New York, 678 pages, 2015.

[12] Bùi Tất Thắng: Chiến lược kinh tế biển: Cách tiếp cận và các nội dung chính, Kỷ yếu hội thảo quốc gia “Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển ngành thủy sản”, Hà Nội, 2007

[13] Viện Chiến lược phát triển: Báo cáo khoa học Quý III năm 2016: Tổng quan kinh tế biển thế giới và định hướng phát triển cho Việt Nam, Thông tin lưu trữ, 2015

[14] Nguyễn Chu Hồi: Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về môi trường ở Biển Đông Hồi chuông đã gióng? Thế giới toàn cảnh - Chuyên de của Tạp chí Khoa học và Chiến lược, Bộ Công an, Hà Nội, 2016

[15] Nguyễn Quang Hùng và Vũ Việt Hà: Nguồn lợi hải sản biển Việt Nam và một số ảnh hưởng đến khả năng tái tạo nguồn lợi. Báo cáo tại Hội thảo khoa học "Biển Đông và ứng xử của con người”, thành phố Hải Phòng, 2015

[16] Permanent Court of Arbitration: Press release of the South China Sea arbitration, 2016

[17] Marie Antonette Juinio-Meñez and Edgardo D. Gomez: Rock Island-Reef: the high stakes in the South China Sea. Paper presented in 2nd International Seminar on Envirommental and Maritime Security for a Blue SCS. Haiphong, Vietnam (11-12 Oct. 2016).

[18] John W. McManus: Offshore Coral Reef Damage, Overfishing, and Paths to Peace in the South China Sea. Paper presented in 2nd International Seminar on Envirommental and Maritime Security for a Blue SCS. Haiphong, Vietnam (11-12 Oct. 2016).

[19] . Nguyễn Chu Hồi: Thực trạng và quản lý hệ thống khu bảo tồn biển ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Hà Nội, số 4S (2012)

[20] GEF SGP: Bảo tồn đa dạng sinh học và đất ngập nước Kinh nghiệm từ một số dự án nhỏ GEF. UNDP Hà Nội, 2018

[21] GEF SGP: Bảo tồn đa dạng sinh học và đất ngập nước Kinh nghiệm từ một số dự án nhỏ GEF. UNDP Hà Nội, 2018

[22] Cácxtơ là hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn. Sự xói mòn không phải do cơ chế lực cơ học, mà chủ yếu là do khí điôxít cácbon (CO,) trong không khí hòa tan vào nước, cộng với các ion dương của hydrô (H+) tạo thành axit cácbonnic. Axít cácbonnic là thủ phạm chính trong quá trình ăn mòn đá vôi. Sản phẩm tự nhiên của quá trình phong hóa cácxtơ là các hang động với các nhũ đá, mặng đá, sông suối ngầm,...

[23] Nguyễn Chu Hồi Hạ Long - Cát Bà: Vùng biển quan trọng về sinh thái và sinh học toàn cầu, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hà Nội, số 5-2016 (686), ISSN 1859–4794,

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành