Thứ ba, 18 Tháng 1 2022 15:32

PHÂN TÍCH KHÁI NIỆM TẶNG CHO TÀI SẢN

  1. 1.Khái niệm tài sản và quyền sở hữu:

Trên thực tế, tài sản được coi là điều kiện để duy trì các hoạt động trong lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội. Quá trình hình thành và phát triển của chế độ sở hữu gắn liền với nền sản xuất xã hội. Ngay từ khi Nhà nước và pháp luật ra đời, quan hệ sở hữu đã được pháp luật điều chỉnh, nó củng cố và bảo vệ những người đang chiếm hữu tài sản. Dựa vào những tiêu chí khác nhau mà tài sản được phân thành những loại khác nhau như: tài sản là động sản, tài sản là bất động sản; tài sản là vật, tài sản là quyền; tài sản vô hình, tài sản hữu hình... Tài sản với tư cách là khách thể của quyền sở hữu, nó có thể là bộ phận của thế giới vật chất hoặc là kết quả của hoạt động sáng tạo như quyền sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác. “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”[1]. Người ta có thể phân loại tài sản là động sản và bất động sản như sau: “Bất động sản là các tài sản không di dời được bao gồm: Đất đai, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà ở, công trình xây dựng đó; các tài sản khác gắn liền với đất đai”[2].

Xuất phát từ Luật La Mã, pháp luật nhiều nước trên thế giới dùng khái niệm “vật” để chỉ tài sản về mặt vật chất, từ đó có khái niệm “quyền” đối với vật bao gồm quyền đối vật và quyền đối nhân; theo đó, quyền đối vật là quyền được thực hiện trên vật cụ thể và xác định; còn quyền đối nhân là quyền tương ứng với các nghĩa vụ tài sản mà người khác phải thực hiện vì lợi ích của người có quyền. Quyền quan trọng nhất trong vật quyền là quyền sở hữu, các vật quyền khác là quyền hưởng hoa lợi, quyền sử dụng, quyền địa dịch và quyền bề mặt. Tuy không phân định theo phương thức trên của Luật La Mã, nhưng pháp luật dân sự Việt Nam đã ghi nhận một số vật quyền trước hết là quyền sở hữu và các vật quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản như: quyền sử dụng đất, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề.

Thuật ngữ “quyền sở hữu" được sử dụng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các sách báo không còn xa lạ với chúng ta. Nhưng để hiểu được cặn kẽ khái niệm về quyền sở hữu lại trở nên khá phức tạp, quyền sở hữu được hiểu là “quyền chiếm giữ, sử dụng và định đoạt đối với tài sản của mình”[3]. Dưới góc độ pháp lý quyền sở hữu là “phạm trù pháp lý phản ánh các quan hệ sở hữu trong chế độ sở hữu nhất định”[4] trong đó, pháp luật xác lập khái niệm quyền sở hữu, quy định giới hạn, thừa nhận tính hợp pháp và bảo vệ quyền của chủ sở hữu đối với vật nhất định. Hay nói cách khác, khoa học pháp lý khái niệm quyền sở hữu là tập hợp các quyền của chủ sở hữu đối với vật như quyền sử dụng, hưởng dụng, chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê, thế chấp, tặng cho, tiêu hủy đối với vật.

Khái niệm rộng rãi nhất về quyền sở hữu được đưa ra trong một nghiên cứu của Giáo sư AM. Honoré theo đó: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền quản lý, quyền thu hoa lợi từ vật, quyền làm vốn, quyền bảo đảm, các quyền và các sự kiện chuyển nhượng không có thời hạn, nhiệm vụ ngăn cản thiệt hại, trách nhiệm đối với việc bắt giữ và sự kiện phân chia”[5]. Khái niệm này đưa ra cả quyền và trách nhiệm, nếu định nghĩa về sở hữu chỉ xây dựng trên cơ sở hoàn toàn là quyền thì nó sẽ làm mờ nhạt đi trách nhiệm đặc trưng gắn liền với sở hữu. Một quan điểm khác của Luật sư Hoa Kỳ Felix Salomon Cohen cho rằng: “Quyền sở hữu là quan hệ giữa người với người mà trong đó người được gọi là chủ sở hữu có thể loại trừ những người khác thực hiện những hành vì nhất định hoặc cho phép những người khác thực hiện những hành vi như vậy và cả hai trường hợp cần có sự trợ giúp của pháp luật trong việc thực hiện những quyết định đó”. Khái niệm này chỉ ra quyền loại trừ là xương sống của tập hợp các quyền và diễn đạt ý tưởng về sự độc quyền của chủ sở hữu trên bất kỳ quyền nào như quyền sử dụng, quyền chuyển nhượng, quyền thu hoa lợi... đối với tài sản[6].

Dưới góc độ pháp luật dân sự, kinh tế, quyền sở hữu là chế định quan trọng nhất trong các chế định về quyền đối với vật và là chế định cơ sở không chỉ là của pháp luật dân sự, kinh tế mà của toàn bộ hệ thống pháp luật. Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật”. Trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện nay chỉ đề cập quyền sở hữu đối với tài sản hữu hình. Vì vậy, có thể nói: “Quyền sở hữu đối với tài sản hữu hình là quyền đầy đủ nhất đối với tài sản, vì người chủ tài sản có ba quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt”[7].

Trong khoa học pháp lý quyền sở hữu được phân tích theo nhiều nghĩa khác nhau. Quyền sở hữu bao giờ cũng nhằm mục đích xác lập và bảo vệ bằng pháp luật việc chiếm giữ những tư liệu sản xuất chủ yếu trong giai cấp thống trị. Bảo vệ quan hệ sở hữu phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị, tạo điều kiện pháp lý cần thiết cho giai cấp thống trị khai thác được nhiều nhất những tư liệu sản xuất phục vụ cho sự thống trị. Quyền sở hữu theo nghĩa rộng đó chính là pháp luật về quyền sở hữu trong một hệ thống pháp luật nhất định. Quyền sở hữu là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Theo nghĩa hẹp, quyền sở hữu được hiểu là mức độ xử sự mà pháp luật cho phép một chủ thể được thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt trong những điều kiện nhất định. Theo nghĩa này, quyền sở hữu chính là quyền năng dân sự chủ quan của từng chủ sở hữu đối với một tài sản cụ thể. Ngoài ra, ở một phương diện khác, quyền sở hữu còn được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự về sở hữu.

Như vậy, có thể nghiên cứu ở ba góc độ khác nhau:

Thứ nhất, quyền sở hữu được tiếp cận dưới góc độ là quan hệ pháp luật dân sự, kinh tế, trong đó, quyền sở hữu được cấu thành bởi các bộ phận trong một quan hệ pháp luật: chủ quy thể nội dung, khách thể, căn cứ xác lập, chấm dứt ...

Thứ hai, quyền sở hữu được tiếp cận dưới góc độ là tập hợp các quy định pháp luật về sở hữu, được thực hiện thông qua hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ sở hữu, nó thể hiện chế độ sở hữu của một nền kinh tế.

Thứ ba, quyền sở hữu được hiểu là mức độ xử sự mà pháp luật cho phép chủ sở hữu thực hiện các hành vi nhất định theo ý chí của mình lên tài sản của mình và được coi là những quyền năng cơ bản của chủ thể đối với tài sản. Những quyền này làm cho chủ sở hữu khác với những quyền của người khác không phải là chủ sở hữu đối với tài sản đó.

2. Khái niệm tặng cho tài sản:

Khái niệm tặng cho tài sản có thể được luận giải dưới nhiều góc độ khác nhau như: “tặng cho là để tỏ lòng quý mến[8]”, hay “tặng cho là trao cho để khen ngợi, khuyến khích để tỏ lòng quý mến”[9]; hoặc “Tặng cho là chuyển hẳn cho người khác dùng cái của mình có mà không lấy lại cái gì”[10]. Một khái niệm tương đồng khác: “Tặng dữ (hay là cho) là một giao ước do một người (gọi là tặng chủ) tự ý lấy của mình cho người khác (gọi là thu tặng). Ai có của và có đủ khả năng đem của mình cho người mình lựa được. Tặng dữ bó buộc phải lập bằng công chứng thư khi của đem cho là một bất động sản. Việc tặng dữ đã làm thì không thể bãi bỏ được. Đã cho là cho đứt. Trường hợp bãi bỏ tặng dữ do pháp luật quy định rất là hãn hữu; người cho sinh con sau khi cho, người thụ tặng không thi hành trách vụ, người thụ tặng bội bạc”[11]. Với cách giải thích từ ngữ nêu trên, không thể xác định được đối tượng tặng cho là cái gì, mà mới chỉ nêu lên được mục đích của việc tặng cho.

Theo các “Từ điển Luật học" hiện hành, khái niệm tặng cho đều dựa vào quy định về hợp đồng tặng cho tài sản của Bộ luật dân sự: “hợp đồng tặng cho là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận (Điều 461 Bộ luật dân sự năm 1995). Đến Bộ luật dân sự năm 2015, khái niệm trên được quy định cụ thể hơn, đã chỉ rõ đối tượng của việc tặng cho phải là tài sản “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận (Điều 457 Bộ luật dân sự năm 2015). Tài sản tặng cho phải là tài sản mà người tặng cho có quyền định đoạt. Do đó, nếu tài sản tặng cho là của người khác mà bị chủ sở hữu đòi lại, thì người nhận tặng cho có quyền đòi người tặng cho phải bồi thường thiệt hại và phải thanh toán những chi phí mà người nhận tặng cho đã bỏ ra để làm tăng giá trị của vật tặng cho (Điều 457 Bộ luật Bộ luật dân sự 2015).

Pháp luật Việt Nam cũng như hầu hết pháp luật các nước đều xác định tặng cho tài sản là một loại vật quyền được thực hiện thông qua giao dịch là hợp đồng, trong đó có sự thỏa thuận giữa các bên, bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận tài sản. Theo đó, bản chất của tặng cho được thể hiện: “Để tặng cho được xác lập, lời đề nghị của người tặng cho không đủ, cần phải có sự chấp nhận của người được tặng cho. Vậy, tặng cho là một hợp đồng”[12].

3. Đặc điểm của tặng cho tài sản

Tặng cho tài sản được thực hiện thông qua hợp đồng tặng cho tài sản. Khoa học pháp lý xếp tặng cho tài sản là một loại hợp đồng thông dụng, có đặc điểm riêng biệt so với những loại hợp đồng thông dụng khác.

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận (Điều 457 Bộ luật dân sự năm 2015). Việc tặng cho tài sản còn là một loại hợp đồng thực tế, điều đó có nghĩa là việc tặng cho tài sản phải diễn ra trên thực tế, nếu hai bên chỉ lập hợp đồng thỏa thuận về đối tượng tài sản, về quyền và nghĩa vụ của bên mới coi là hứa việc tặng cho. Việc chuyển giao tài cùng quyền sở hữu phải là có thực, hợp đồng phát sinh chấm dứt cùng thời điểm chuyển giao tài tặng cho.

Song tính chất thực tế của tặng cho luôn gắn liền với đối tượng tài sản. Đối tượng của tài sản tặng cho có thể là động sản hay bất động sản. Hình thức và hiệu lực hợp đồng tặng cho phụ thuộc vào đối tượng tài tặng cho. Nếu đối tượng tài sản tặng cho là động sản thì hình thức của hợp đồng có thể bằng miệng hay bằng văn bản; hiệu lực của hợp đồng này có thể phát sinh khi bên được tặng cho nhận tài sản, hay cũng có thể chỉ phát sinh (dù cho đã nhận tài sản) khi hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu, nếu pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký, ví dụ như ô tô, xe máy. Nếu đối tượng của tặng cho tài sản là bất động sản thi hình thức của hợp đồng phải lập thành văn bản, có công chứng chứng thực; đồng thời, nếu bất động sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho đó còn phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của pháp luật. Hợp đồng chỉ được coi là có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký và làm thủ tục sang tên như tặng cho nhà, đất.

Do đó, có thể nói đối với hợp đồng tặng cho là không có sự đền bù, tuy nhiên cũng không thể khẳng định rằng hợp đồng tặng cho là hợp đồng thực tế. Lý thuyết về hợp đồng chỉ ra rằng, hợp đồng thực tế là hợp đồng chỉ phát sinh hiệu lực tại thời điểm các bên thực hiện nghĩa vụ của mình trên thực tế. Theo đó, hợp đồng có hiệu lực ngay sau khi các bên đạt được thỏa thuận nếu không có thỏa thuận về thời điểm hiệu lực của hợp đồng”. Bởi vì “Nếu tặng cho lập thành văn bản thì hợp đồng thường là hợp đồng ưng thuận. Tính chất ưng thuận của hợp đồng tặng cho bằng văn bản còn được thể hiện thông qua việc pháp luật quy định những trường hợp bên tặng cho có thể từ chối thực hiện tặng cho theo hợp đồng”[13].

Vấn đề được xem xét ở đây là nếu tặng cho bất động sản là nhà, đất phải đăng ký, thủ tục đăng ký và sang tên sở hữu đã được hoàn tất, nhưng trên thực tế người được tặng cho lại chưa nhận được tài sản, về mặt pháp lý, hợp đồng tặng cho đã được thực hiện. Pháp luật cũng không có quy định trong trường hợp này người tặng cho buộc phải giao tài sản cho người được tặng cho hay cho phép người được tặng cho có quyền buộc người tặng cho phải giao tài sản cho họ.

Hợp đồng tặng cho tài sản không phải lúc nào cũng là hợp đồng đơn vụ vì hợp đồng tặng cho khi kèm theo điều kiện sẽ trở thành hợp đồng song vụ. Điều 462 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng tặng cho có điều kiện, theo đó:

1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

Như vậy có thể thấy rằng, tính chất hợp đồng đơn vụ của tặng cho là không cố định, tùy từng trường hợp cụ thể để xác định hợp đồng tặng cho mang tính đơn vụ hay song vụ. Do đó, quan điểm này khẳng định tính chất đơn vụ của tặng cho không cố định, tùy từng trường hợp cụ thể nó có thể là đơn vụ hay song vụ. Đây cũng là yếu tố quan trọng để xác định đâu là hợp đồng tặng cho có điều kiện và đâu là hợp đồng tặng cho không cần điều kiện. Yếu tố đơn vụ có thể nói không phải thuộc tính của tặng cho tài sản, theo đó, đối với cả trường hợp tặng cho không có điều kiện, người được tặng cho được quyền nhận tài sản (trả ơn) trong quan hệ tặng cho đối với người tặng cho, thì bù lại người được tặng cho đã phải thực hiện một nghĩa vụ (giúp đỡ) trong quan hệ khác đối với người tặng cho.

Khoản 6 Điều 402 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng dân sự có điều kiện: “Hợp đồng dân sự có điều kiện là hợp đồng được giao kết hợp pháp nhưng hiệu lực của hợp đồng còn phụ thuộc vào sự kiện là điều kiện do các bên thỏa thuận và theo đó khi sự kiện phát sinh hoặc chấm dứt là điều kiện đề hợp đồng được thực hiện, được thay đổi hoặc được chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng”. Điều kiện trong hợp đồng thông thường được hiểu theo nghĩa rất rộng: “Là những sự kiện mà theo sự thỏa thuận của các bên khi nó xảy ra thì giao dịch được thực hiện hoặc phải chấm dứt. Những sự kiện đó bao gồm sự biến và hành vi, được một bên đưa ra hoặc các bên thỏa thuận; điều kiện đó phải mang tính khách quan; nếu điều kiện là công việc phải làm thì đó là công việc có thể thực hiện được, phù hợp với pháp luật và không trái đạo đức xã hội”. Về điều kiện trong hợp đồng tặng, cho tài sản, đó là thực hiện một hay nhiều nghĩa vụ; điều kiện đó có xảy ra hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người được tặng cho, nhưng thực hiện nghĩa vụ phải phù hợp với quy định của pháp luật về nghĩa vụ dân sự. So với các hợp đồng thông dụng, điều kiện mà các bên thỏa thuận phải có ý nghĩa đối với việc thực hiện hợp đồng. Còn những điều kiện “thực hiện nghĩa vụ” trong hợp đồng tặng cho không có hiệu lực ràng buộc đối với các bên. Do đó, không thể coi hợp đồng tặng cho có điều kiện là hợp đồng song vụ vì đối với tính chất của hợp đồng tặng cho thì quyền và nghĩa vụ của các bên không tương ứng với nhau, trong đó hai bên cùng có nghĩa vụ được.

Đối với việc tặng cho, bên tặng cho chuyển giao tài sản và quyền sở hữu cho bên được tặng cho và về mặt nguyên tắc bên được tặng cho không có nghĩa vụ trả lại cho bên tặng cho bất kỳ lợi ích nào. Còn với các trường hợp tặng cho có điều kiện, khi người tặng cho buộc người được tặng cho phải thực hiện một công việc nào đó, tính chất pháp lý của công việc mà người được tặng cho phải thực hiện hoàn toàn khác. Có thể nói, đây không phải là tính chất đền bù như trong giao dịch dân sự. Mặt khác, việc chuyển giao tài sản và quyền sở hữu mà có đền bù ngang bằng giá trị của tài sản thì trở thành mua bán tài sản, do đó, việc không có đền bù là thuộc tính tạo nên bản chất và đặc điểm cơ bản của tặng cho tài sản. Tính chất không có đền bù thể hiện bên được tặng cho nhận tài sản mà không phải giao lại cho bên tặng cho một lợi ích nào. Do đó, “hợp đồng không có đền bù” thường được giao kết trên cơ sở tình cảm giữa các chủ thể. Đối với hợp đồng tặng cho có điều kiện thông qua việc phải đền bù thể hiện thì, những nghĩa vụ mà người tặng tính chất không cho yêu cầu người được tặng cho thực hiện vì những nhu cầu tình cảm hay vật chất trong cuộc sống, mà không tính toàn đến giá trị tương ứng với tài sản tặng cho. Tuy nhiên trên thực tế, tính chất có đền bù tương xứng không chỉ là sự trao đổi các lợi ích vật chất, mà có khi cả về tinh thần như hợp đồng làm bảo mẫu chăm sóc trẻ; không phải chỉ có hợp đồng song vụ mới có tính đền bù, mà hợp đồng đơn vụ cũng có tính đền bù như hợp đồng vay có lãi; có nhiều hợp đồng song vụ lại không mang tính dền bù như hợp đồng gửi giữ không có thù lao.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, tặng cho tài sản được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa bên cho tài sản và bên được cho tài sản dưới hình thức hợp đồng tặng cho tài sản. Hợp đồng tặng cho tài sản được coi là một loại hợp đồng thông dụng và có những điểm riêng biệt so với các loại hợp đồng khác. Tặng cho tài sản làm phát sinh quan hệ hợp đồng và đây cũng được coi là một loại hợp đồng thực tế.

 


[1] Điều 172, Điều 181 Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1995.

[2] Điều 172, Điều 181 Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1995.

[3] Từ điển Luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 1999, tr 787.

[4] Trường Đại học Luật Hà Nội: Từ điển Luật học, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr 105-106.

[5] TS. Ngô Huy Cương: “Tổng quan về luật tài sản", Journals of Economic Law (3), 2003, http://www.vnn.edu.vn, tr. 9.

[6] TS. Ngô Huy Cương: “Tổng quan về luật tài sản”, Journals of Economic Law (3), 2003, http://www.vnn.edu.vn, tr. 10.

[7] Trường Đại học Luật Hà Nội: Từ điển thuật ngữ luật học, (Luật dân sự tố tụng dân sự hôn nhân và gia đình), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr 411

[8] Từ điển Tiếng Việt (Văn Tần, 1967), Nxb. Khoa học xã hội, tr. 920.

[9] Viện Ngôn ngữ học. Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phủ chủ biên) Nxb Đà Nẵng 1998, tr. 863.

[10] Viện Ngôn ngữ học: Từ điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 562.

[11] Trần Thúc Linh Danh từ pháp luật lược giải, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, tr. 381. 2. Từ điển Luật học, tr. 450

[12] TS. Nguyễn Ngọc Diện. Một số suy nghĩ về thừa kế trong Luậ dân sự Việt Nam. Nxb Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr.160

[13] TS. Dương Anh Sơn; Về bản chất pháp lý của hợp đồng tặng cho tài sản, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (10), 2008, tr. 51 18

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành