Thứ ba, 18 Tháng 1 2022 15:39

LÝ LUẬN VỀ QUYỀN ĐƯỢC CHĂM SÓC SỨC KHỎE

1. Khái niệm quyền được chăm sóc sức khỏe

Quyền con người là một quyền cơ bản nhất của mỗi cá nhân, đó là quyền tư nhiên mà khi sinh ra vốn dĩ ai cũng đã có. Hệ thống về các quyền con người có ba nhóm quyền cơ bản bao gồm Quyền dân sự, Quyền chính trị và Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Trong đó, các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa là một trong những quyền chính cấu thành nên các quyền và tự do cá nhân cơ bản của con người. Các quyền này bao gồm: Quyền được hưởng và duy trì tiêu chuẩn sống thích đáng; Quyền lao động; Quyền được hưởng an sinh xã hội; Quyền được hỗ trợ về gia đình; Quyền được hưởng sức khỏe về thể chất và tinh thần; Quyền giáo dục; Quyền được tham gia vào đời sống văn hóa và được hưởng các thành tựu của khoa học. Mỗi quyền trong nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đều là quyền cơ bản mà mỗi người đều được hưởng. Tuy nhiên, trong số các quyền con người nói chung, quyền về sức khỏe có lẽ là quyền đặc biệt hơn cả. Quyền này được coi là quyền cơ bản nhất của con người. Bởi một khi quyền về sức khỏe bị vi phạm thì nó sẽ kéo theo sự vi phạm các quyền khác. Vì sức khỏe là vốn quý nhất của con người nên nếu quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe không được đảm bảo trong thực tiễn thì các nhóm quyền khác trong hệ thống quyền con người cũng rất khó được bảo đảm thực thi một cách toàn diện. Do đó, có thể thấy chăm sóc sức khỏe là một quyền căn bản của con người, quyền này không thể thiếu trên thực tế để thực hiện các quyền con người khác. Tất cả mọi người đều có cơ hội được hưởng tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cao nhất mà không có sự phân biệt đối xử, phù hợp với các nguyên tắc của quyền con người. Vì thế, ngay từ khi được thành lập vào năm 1946, thông qua Bản Hiến chương của mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhấn mạnh:

“Health is a state of complete physical, mental and social well-being and not merely the absence of disease or infirmity. The enjoyment of the highest attainable standard of health is one of the fundamental rights of every human being without distinction of race, religion, political belief, economic or social condition”, tạm dịch: Sức khỏe là một trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội và không chỉ đơn thuần là không có triệu chứng bệnh lý hay có bệnh. Việc hưởng thụ tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất là một trong những quyền cơ bản của mỗi con người mà không có sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, niềm tin chính trị, điều kiện kinh tế hay xã hội.

Từ nhận định này có thể nhận thấy rằng quyền được chăm sóc sức khỏe không đơn thuần chỉ là việc một người được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt, được khám và điều trị bởi các bác sĩ có tay nghề trình độ cao hay được cung cấp cơ sở vật chất hiện đại từ các cơ sở khám chữa bệnh nếu như số tiền họ chi trả tương ứng với dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà họ nhận được. Mà trên hết, cần phải hiểu rằng quyền được chăm sóc sức khỏe là một trong những quyền căn bản nhất của mỗi cá nhân được nằm trong hệ thống của các quyền con người. Do đó, đây là quyền mà tất cả mọi người ở các tầng lớp xã hội khác nhau không kể giàu có, bần cùng hay nghèo khó đều nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe như nhau theo nhu cầu và theo đặc điểm, điều kiện của mỗi quốc gia. Đặc biệt, quyền được chăm sóc sức khỏe mà mỗi cá nhân được hưởng còn thể hiện nguyên tắc cốt lõi của quyền con người là bình đẳng, không phân biệt đối xử; những người nghèo hơn, sống ở vùng khó khăn hơn thì nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước nhiều hơn.

Bên cạnh nhận định trên, trong Bản Hiến chương năm 1946, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng tiếp tục khẳng định “The extension to all peoples of the benefits of medical, psychological and related knowledge is essential to the fullest attainment of health” , tạm dịch “Sự mở rộng về lợi ích của y tế, tâm lý và những kiến thức có liên quan cho tất cả mọi người là rất cần thiết để đạt được sức khỏe đầy đủ nhất”. Điều này cho thấy vấn đề liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe cho con người đối với mỗi quốc gia không chỉ dừng lại ở việc chú trọng đến tính phổ thông, phổ quát cho mọi đối tượng, không có sự phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị, nguồn gốc xuất thân hoặc địa vị xã hội, tài sản, hoặc tình trạng khác như khuyết tật, tuổi tác, khuynh hướng tình dục và bản dạng giới, tình trạng sức khỏe, nơi cư trú, tình hình kinh tế và xã hội... Mà quan trọng hơn, quyền được chăm sóc sức khỏe còn được hiểu rằng đó là quyền được cung cấp đầy đủ cơ sở, hàng hóa, dịch vụ y tế thiết yếu; được tiếp cận với thông tin y tế, tình hình dịch bệnh; được đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm trong khám và điều trị. Như vậy, trong hoạt động chăm sóc sức khỏe, người dân được coi là trung tâm, có quyền được hưởng và tiếp cận các chương trình chăm sóc sức khỏe phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng đối tượng khác nhau và phù hợp với các tiêu chuẩn, điều kiện kinh tế, xã hôi, văn hóa của mỗi quốc gia.

Trong hệ thống các quyền con người, quyền được chăm sóc sức khỏe là một trong những quyền căn bản và phổ biến nhất bởi ngoài việc thể hiện bản chất của quyền là việc người dân được chăm lo, quan tâm, chú trọng về sức khỏe thì đây còn là quyền có liên quan mật thiết đến các quyền con người khác. Chỉ khi quyền được chăm sóc sức khỏe được đảm bảo, con người mới có thể thụ hưởng và thực hiện được các quyền cơ bản khác như quyền có lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục, nhân phẩm, có cuộc sống riêng tư, tiếp cận thông tin, các quyền tự do lập hội, họp và di chuyển… Vì vậy, do nhận thức được tầm quan trọng của quyền này, nhiều văn kiện quốc tế khi ra đời đã ghi nhận như sau: Điều 25.1 của Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người (UDHR) khẳng định “Everyone has the right to a standard of living adequate for the health and well-being of himself and of his family, including food, clothing, housing and medical care and necessary social services”, tạm dịch “Mọi người đều có quyền được hưởng mức sống đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, về các mặt ăn, mặc, ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết khác”. Mặc dù trong Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người (UDHR) quyền được chăm sóc sức khỏe chưa được quy định như một điều khoản độc lập mà chỉ nằm trong nội hàm của quyền được có mức sống thích đáng nhưng Điều 25.1 của Tuyên ngôn này cũng có thể được coi như một tiền đề vô cùng quan trọng để cho ra đời hàng loạt các công ước quốc tế, Nghị định thư, Hiến chương ghi nhận về quyền được chăm sóc sức khỏe, ví dụ như tại Điều 7, 11, 12 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) năm 1966 [12], tại Điều 5(e)(iv) Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CEDR) năm 1965 [11], tại Điều 11.1(f) và Điều 10, 12,14 của Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1979 [13], tại Điều 24 của Công ước về Quyền trẻ em (CRC) năm 1989 [14]. Ngoài ra, quyền được chăm sóc sức khỏe còn được đề cập tại một số văn kiện khu vực về quyền con người, chẳng hạn như Điều 11 của Hiến chương xã hội châu Âu năm 1961 sửa đổi [33], tại Điều 16 của Hiến chương châu Phi về Quyền con người và Quyền của các dân tộc năm 1981 [17], tại Điều 10 của Nghị định thư Bổ sung của công ước châu Mỹ về quyền con người trong lĩnh vực các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1988 [32], Tuyên bố Viên và Chương trình Hành động thông qua tại Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ hai năm 1993 [30] và nhiều văn kiện quốc tế khác. Đặc biệt, trong số đó phải kể đến Điều 12.1 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR) năm 1966 [12], đây được coi là điều khoản toàn diện nhất về quyền được chăm sóc sức khỏe vì đã khẳng định “The States Parties to the present Covenant recognize the right of everyone to the enjoyment of the highest attainable standard of physical and mental health”, tạm dịch “Các quốc gia thành viên Công ước thừa nhận quyền của mọi người được hưởng một tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức cao nhất có thể được”. Theo Bình luận chung số 14 thông qua tại phiên họp lần thứ 22 năm 2000 của Ủy ban về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, định nghĩa về quyền chăm sóc sức khỏe được mở rộng hơn nhiều so với định nghĩa về sức khỏe được nêu ra trong lời nói đầu của Bản Hiến chương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1946, đồng thời định nghĩa này còn vượt ra ngoài phạm vi về quyền nói chung khi chỉ ra rằng quyền được chăm sóc sức khỏe không chỉ là quyền của con người được khỏe mạnh mà còn bao hàm ý nghĩa (1) tự do về thân thể lẫn sức khỏe, (2) quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể được dựa trên sự bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa tất cả các tầng lớp khác nhau trong xã hội [34, tr.142].

Bên cạnh ý nghĩa nêu trên, định nghĩa về quyền được chăm sóc sức khỏe còn đem đến thách thức cho các Quốc gia để duy trì và đảm bảo thực hiện quyền một cách kịp thời, đầy đủ và toàn diện nhất có thể. Tùy vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn khóa khác nhau, mỗi Quốc gia sẽ xây dựng một hệ thống sức khỏe khác nhau phù hợp với tiềm lực của Quốc gia đó. Tuy nhiên, ngoài những yếu tố như cơ sở vật chất, hàng hóa, dịch vụ và các điều kiện y tế đáp ứng nhu cầu về việc được chăm sóc sức khỏe được cung cấp, hỗ trợ từ Nhà nước thì tình trạng thể chất của con người, khả năng chống chọi với bệnh tật cũng như nhận thức, hiểu biết của người dân về kiến thức sức khỏe bao gồm bệnh tật, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, các bệnh truyền nhiễm… cũng tác động đến việc đảm bảo nghĩa vụ chăm sóc sức khỏe cho con người của các Quốc gia. Một khi Nhà nước không đảm bảo tốt các quyền như được tiếp cận nước sạch, nước uống, vệ sinh đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm việc an toàn và lành mạnh, môi trường sống an toàn và trong lành, … thì rất có thể điều đó sẽ tác động xấu đến sức khỏe con người, nhìn rộng hơn là ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe. Vì khi các tiêu chuẩn chất lượng về môi trường, nước, lương thực, nhà ở, dinh dưỡng không được chú trọng, con người sống tại những nơi có điều kiện không tốt có thể gặp những vấn đề về sức khỏe từ nhẹ đến vô cùng nghiêm trọng. Vì trên hết, quyền được chăm sóc sức khỏe có quan hệ mật thiết với các quyền cơ bản khác. Do đó, quyền được chăm sóc sức khỏe còn được hiểu là quyền được thụ hưởng các quyền con người cơ bản khác mà những quyền này có tác động qua lại lẫn nhau nhằm đảm bảo tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất có thể đạt được.

Như vậy, theo những phân tích tại Bình luận chung số 14 về định nghĩa quyền được chăm sóc sức khỏe được nêu ra trong Điều 12.1 (ICESCR, 1966) [34, tr.142], có thể nhận thấy rằng quyền được chăm sóc sức khỏe là (1) quyền được làm chủ về thân thể và sức khỏe, không bị can thiệp nếu như chưa được sự đồng ý, (2) quyền được bình đẳng về cơ hội trong việc hưởng sự chăm sóc, khám, điều trị, sử dụng các dịch vụ y tế như tất cả mọi người trong xã hội, không có sự phân biệt đối xử, (3) đòi hỏi cần phải có một sự kết hợp đầy đủ và thích hợp giữa việc được chăm sóc sức khỏe với việc có cơ hội được tiếp cận nước sạch, nước uống, điều kiện vệ sinh đủ tiêu chuẩn, cung cấp đủ lương thực an toàn, dinh dưỡng và nhà ở, điều kiện môi trường và lao động lành mạnh. Đây là những yếu tố cần thiết để đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe của con người tuy nhiên để đạt được điều đó cần có sự nỗ lực, tham gia rất lớn từ phía cá nhân, cộng đồng, tổ chức, quốc gia, quốc tế.

Quyền được chăm sóc sức khỏe là một quyền căn bản nằm trong quyền con người. Quyền này có phạm vi rộng và bao trùm trên nhiều lĩnh vực khác nhau được thể hiện thông qua các biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh, giải quyết những hậu quả của bệnh gây ra. Do đó, quyền này được ghi nhận và quy định trong nhiều luật như an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ và chăm sóc và giáo dục trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, lao động, phòng chống các bệnh truyền nhiễm… Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu của Luận văn này, tác giả chỉ đề cập đến quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân khi phát sinh bệnh và được Nhà nước đảm bảo thông qua các biện pháp pháp lý.

Vì vậy, các quy định pháp luật được nghiên cứu trong Luận văn chỉ xoay quanh các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh bao gồm: Luật chăm sóc sức khỏe nhận dân năm 1989, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2008 sửa đổi năm 2014, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

2. Đặc điểm quyền được chăm sóc sức khỏe

Quyền được chăm sóc sức khỏe nằm trong quyền con người. Vì vậy nó cũng có những đặc điểm của quyền con người nói chung.

Thứ nhất, quyền được chăm sóc sức khỏe là một quyền cơ bản của con người. Đây là quyền không thể thiếu vì nó gián tiếp ảnh hưởng đến việc thực thi các quyền khác trên thực tế. Cụ thể, quyền được chăm sóc sức khỏe có liên quan đến quyền sống, quyền về lương thực, nhà ở, việc làm, giáo dục, nhân phẩm, bình đẳng, không phân biệt đối xử, cấm tra tấn, bảo vệ đời tư, tiếp cận thông tin, và các quyền tự do lập hội, hội họp, đi lại…Nếu trong trường hợp quyền được chăm sóc sức khỏe bị vi phạm thì những quyền nêu trên cũng rất dễ bị vi phạm trong những tình huống cụ thể.

Thứ hai, quyền được chăm sóc sức khỏe có đặc điểm là một quyền của con người được hưởng điều kiện tốt về thể chất và tinh thần mà không chịu sự chi phối, can thiệp hay ép buộc nào làm tổn hại đến trạng thái bình ổn tự nhiên về thể chất và tinh thần đó dù trong hoàn cảnh bệnh tật hay ổn định.

Thứ ba, quyền được chăm sóc sức khoẻ không chỉ như là quyền được khoẻ mạnh mà nó còn là quyền của mỗi cá nhân được bảo vệ và chăm sóc một cách đương nhiên, vốn có về sức khỏe ngay từ khi sinh ra mà không cần có sự đồng ý hay cho phép để được hưởng trọn vẹn quyền đó. Hay nói cách khác, quyền được chăm sóc sức khỏe là con người có quyền được bình đẳng, không bị phân biệt đối xử về cơ hội trong việc được chăm sóc sóc, bảo vệ sức khỏe với các dịch vụ y tế cơ bản đồng thời được hưởng và tiếp cận các dịch vụ đó một cách tự nguyện và đầy đủ.

Thứ tư, ngoài những yếu tố như cơ sở vật chất, hàng hóa, dịch vụ và các điều kiện y tế đáp ứng nhu cầu về việc được chăm sóc sức khỏe được cung cấp, hỗ trợ từ Nhà nước thì tình trạng thể chất của con người, khả năng chống chọi với bệnh tật cũng như nhận thức, hiểu biết của người dân về kiến thức sức khỏe bao gồm bệnh tật, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, các bệnh truyền nhiễm … cũng tác động đến việc đảm bảo nghĩa vụ chăm sóc sức khỏe cho con người của các Quốc gia. Vì vây, quyền được chăm sóc sức khoẻ còn được hiểu là quyền được hưởng những tiện ích từ những cơ sở vật chất, được cung ứng hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực y tế cũng như được hưởng thụ những tiêu chuẩn và điều kiện cơ bản cần thiết về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.

Thứ năm, việc đảm bảo quyền được chăm sóc sức khoẻ còn dựa trên trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi Quốc gia trong việc đảm bảo cung cấp đến người dân các cơ sở vật chất y tế sẵn có, đi liền với đó là những dịch vụ hàng hóa cùng các chương trình chăm sóc sức khỏe được xây dựng và lên kế hoạch cụ thể cũng như được triển khai trên phạm vi sâu rộng.

Thứ sáu, với đặc điểm như các quyền con người nói chung, quyền được chăm sóc sức khoẻ cũng đặt ra nghĩa vụ của các quốc gia thành viên đưa ra các biện pháp trong việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân trên thực tế.

3. Ý nghĩa của quyền được chăm sóc sức khỏe

Quyền được chăm sóc sức khỏe là một trong những cơ bản trong hệ thống các quyền con người và không thể thiếu được để thực hiện các quyền khác. Việc đảm bảo các quyền con người, đặc biệt là quyền được chăm sóc sức khỏe trong phạm vi Luận văn đề cập đến là khi người dân có bệnh sẽ tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế.

Quyền này được thực hiện dựa trên các biện pháp về tài chính, biện pháp về xã hội, biện pháp về pháp lý được thực hiện bởi cộng đồng, xã hội, Nhà nước, cá nhân, tổ chức, tập thể … nhằm bảo đảm quyền được thực thi trong thực tế. Ngoài ra, với nghĩa vụ của Quốc gia trong đưa ra các biện pháp pháp lý nhằm bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe, những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ tránh khỏi những rủi ro về mặt tài chính khi gặp phải những rủi ro về ốm đau, tai nạn thông qua bảo hiểm y tế.

Ý nghĩa của quyền được chăm sóc sức khỏe khi có bệnh cần tiếp cận với các dịch vụ y tế đó là việc tất cả người dân ở mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội đều có cơ hội được hưởng quyền chăm sóc sức khỏe mà không có bất kỳ một sự phân biệt đối xử nào về giới tính, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân hoặc địa vị xã hội, tài sản, hoặc tình trạng khác như khuyết tật, tuổi tác, khuynh hướng tình dục và bản dạng giới, tình trạng sức khỏe, nơi cư trú, tình hình kinh tế và xã hội, … đồng thời được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế một cách công bằng và bình đẳng như nhau. Quyền được chăm sóc sức khỏe nếu được đảm bảo sẽ đem đến sự công bằng về chế độ chăm sóc y tế cho mọi người, cùng nhau chia sẻ rủi ro ốm đau, bệnh tật, đem lại điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho cộng đồng, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.

Đối với mỗi người dân, quyền được chăm sóc sức khỏe còn là quyền nhận được sự bảo vệ của cộng đồng, xã hội, Nhà nước, cá nhân, tổ chức, tập thể thông qua các biện pháp cụ thể theo từng cấp độ khác nhau trước những rủi ro về ốm đau, bệnh tật, tai nạn làm giảm hoặc mất thu nhập ảnh hưởng đến cuộc sống ổn định của họ.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành