Thứ sáu, 25 Tháng 3 2022 00:31

PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN KHÁM CHỮA BỆNH VÀ LỰA CHỌN NƠI KHÁM, CHỮA BỆNH

Luật khám bệnh, chữa bệnh đã góp phần đa dạng hoá các loại hình cơ sở, tăng số lượng cơ sở, giường bệnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân.

Nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân, quyền được khám bệnh chữa bệnh đã được nêu ra trong Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 để quy định rõ về điều này. Điển hình, quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế (Điều 7 – Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009). Cụ thể, tại Khoản 1 của Điều này thì người bệnh có quyền được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh. Ngoài ra, trong điều 23 Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989 có chỉ ra rằng mọi công dân khi ốm đau, bệnh tật được quyền tới khám tại các cơ sở khám chữa bệnh, được chọn bác sĩ và nơi khám chữa bệnh cũng như được ra nước ngoài để chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh phải tiếp nhận và xử lý các trường hợp cấp cứu. Đồng thời, để bảo đảm rằng bất cứ người dân nào khi gặp rủi ro về ốm đau, bệnh tật, trong Luật Bảo hiểm y tế đã quy định rõ 6 nhóm được bảo vệ thông qua bảo hiểm y tế bao gồm: nhóm do người lao động và ngưởi sử dụng lao động (NSDLĐ) đóng, nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng, nhóm do ngân sách Nhà nước đóng, nhóm do Ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, nhóm do người sử dụng lao động đóng, nhóm tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình.

Đối với nhóm do người lao động và người sử dụng người lao động đóng, cụ thể là người lao động có hợp đồng lao động không hoặc có xác định thời hạn hoặc có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên. Ngoài ra, đối tượng trong nhóm này còn có người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Đối với nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng, người tham gia BHYT bao gồm hưu trí; người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng vì bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ; người nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh; cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; người nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Sau hơn 11 năm thực hiện, hiện nay cả nước có gần 51.814 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) (trong đó có 306 bệnh viện tư nhân; 1.118 phòng khám đa khoa; 24.621 phòng khám chuyên khoa; 155 phòng khám chuyên khoa bác sỹ gia đình; 6.521 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 78 nhà hộ sinh; 711 cơ sở chẩn đoán hình ảnh; 3.724 cơ sở dịch vụ y tế; 167 y tế cơ quan đơn vị; 255 loại hình cơ sở khác.... với hơn 80.000 bác sỹ đang làm việc, đạt tỷ lệ 8,2 bác sỹ/10.000 dân, cao hơn một số nước trong khu vực; số giường bệnh/vạn dân đạt mức 26,5; 100% số xã có trạm y tế, 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Trong nhóm do Ngân sách Nhà nước đóng, có các đối tượng sau: Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước; người hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động; người có công; cựu chiến binh; trẻ dưới 6 tuổi; Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo; dân tộc thiểu số tại nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; người đang sống tại nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; người sống tại xã đảo, huyện đảo. Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú có mức lương trung bình 1 tháng thấp hơn mức lương cơ sở; thân nhân người có công cách mạng; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; người phục vụ người có công với cách mạng; than nhân của người công tác trong quân đội; người nước ngoài học tại Việt Nam được học bổng từ ngân sách nhà nước; người hiến bộ phận cơ thể; người đủ 80 tuổi trở lên.

Đối với nhóm được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, các đối tượng tham gia BHYT bao gồm người hộ gia đình cận nghèo; học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, các đối tượng sau nằm trong thành phần tham gia BHYT: người có tên trong sổ hộ khẩu (không thuộc diện trong các nhóm đối tượng tham gia BHYT khác); người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/NĐ-CP; Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội trừ đối tượng quy định tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/NĐ-CP mà không được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Còn về nhóm do người sử dụng lao động đóng, có các đối tượng sau: thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội; thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân; thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu. Để bảo đảm quyền khám chữa bệnh cho người dân được thực thi trên thực tế. Các đối tượng được phân chia và được quy định mức hưởng khác nhau theo khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014, khi khám BHYT đúng tuyến, bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh; hưu trí, người mất sức lao động, người thuộc hộ cận nghèo mức hưởng là 95%; các đối tượng khác hưởng 80% chi phí khám, chữa bệnh.

Tại khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia BHYT được hưởng 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện nếu khám, chữa bệnh không đúng tuyến.

Từ ngày 1/1/2016 thì luật bảo hiểm y tế sữa đổi bổ sung năm 2014 bắt đầu có hiệu lực. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 11 Thông tư 40/2015/TT-BYT thì:

Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.

Với quy định này, quyền khám bệnh chữa bệnh được bảo đảm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám trong cùng một địa bàn.

Quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh và được từ chối rời khỏi nơi chữa bệnh theo Điều 10, Điều 12 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.

Cụ thể, người bệnh có quyền “được cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả, rủi ro có thể xảy ra để lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị” (khoản 1, Điều 10). Ngoài ra, người bệnh được lựa chọn việc có hay không đồng ý tham gia vào các nghiên cứu y sinh học về khám bệnh, chữa bệnh, bên cạnh đó trong trường hợp để bảo vệ quyền, nghĩa vụ của mình trong khám chữa bệnh, người bệnh lựa chọn người đại diện cho mình (theo khoản 2-3, Điều 10). Hơn nữa, theo Điều 12 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, người bệnh có quyền từ chối nhưng phải có cam kết tự chịu trách nhiệm về việc từ chối xét nghiệm, sử dụng thuốc, áp dụng thủ thuật hoặc phương pháp điều trị, riêng bệnh truyền nhiễm nhóm A và bệnh tâm thần thì người bệnh không được phép từ chối.

Bên cạnh đó, người bệnh được tự mình rời khỏi cơ sở khám chữa bệnh dù chưa xong quá trình điều trị tuy nhiên phải có cam kết bằng văn bản thể hiện sự tự chịu trách nhiệm của người bệnh.

Từ thực tiễn cho thấy, quyền khám chữa bệnh và lựa chọn nơi khám bệnh, chữa bệnh còn nhiều tồn tại và hạn chế nhất định.

Thứ bảy, quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh và từ chối khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh theo Điều 10, Điều 12 – Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được.

Bởi với thực trạng quá tải ở các bệnh viện như hiện nay, đặc biệt là tại các bệnh viện trung ương, tuyến cuối thì bác sĩ có rất ít thời gian thăm khám cho bệnh nhân. Như vậy, đôi khi người bệnh sẽ không thể hiểu được cặn kẽ bệnh tình của mình. Đồng thời với điều kiện cơ sở vật chất tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa đồng bộ, tương thích với nhau hoặc còn thiếu trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, người bệnh cũng không có cơ hội lựa chọn được các phương pháp, cách thức điều trị hiệu quả mà chỉ được chấp nhận phương pháp điều trị phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở khám chữa bệnh đó. Vì vậy, quyền được lựa chọn trong KCB của người bệnh còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế nên điều này sẽ ảnh hưởng đến việc đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe ở nước ta. Ngoài ra, thật không dễ để người bệnh được chuyển lên tuyến trên để điều trị khi tuyến dưới không đủ điều kiện về chuyên môn của bác sĩ cũng như cơ sở trang thiết bị, thuốc men. Cụ thể, ở tuyến dưới cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế không đồng đều. Theo số liệu được ghi nhận, cả nước hiện còn khoảng 35% số trạm y tế xã cần được đầu tư, đặc biệt là vùng sâu vùng xa và miền núi đi lại khó khăn chiếm tỷ lệ khoảng 31%. Trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh không được trang bị cùng một lúc nên không tránh khỏi sự chênh lệch về kỹ thuật, tính tương thích, đồng bộ. Còn chuyên môn bác sỹ ở tuyến dưới còn yếu, chưa đem đến sự tin tưởng của người dân nên khi đi khám bệnh người bệnh không muốn được tiếp tục điều trị ở tuyến dưới nên đề nghị được chuyển lên KCB ở tuyến trên. Tuy nhiên, thực tế không phải cứ có văn bản cam kết chịu trách nhiệm thì người bệnh có quyền rời khỏi cơ sở KCB khi chưa kết thúc việc điều trị. Trong nhiều trường hợp, phải đến khi bệnh tình của người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm mới được bệnh viện cho lên tuyến trên còn như thông thường thì sẽ rất khó để chuyển tuyến. Ngoài ra, việc chuyển từ bệnh viện tuyến trung ương này sang bệnh viện cùng tuyến khác của bệnh nhân có BHYT cũng không phải lúc nào cũng thực hiện được. Vì chi phí chuyển tuyến thường rất cao trong khi số tiền mà BHYT chi trả còn rất ít. Do đó, quyền được rời khỏi cơ sở khám chữa bệnh của bệnh nhân trên thực tế vẫn chưa được đảm bảo. Điều này sẽ đem đến những bất lợi trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân ở nước ta khi mà quyền này còn bị hạn chế và bất cập khi được thực hiện.

Vậy giải pháp được đưa ra đó là cần mở rộng thêm quyền cho người bệnh, ví dụ như quyền lựa chọn bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh phù hợp với bệnh tật và điều kiện kinh tế của người bệnh để họ có thể tham khảo, quyết định áp dụng phương hướng điều trị theo giải thích, tư vấn của bác sĩ, cơ sở khám chữa bệnh mà họ đã tự mình lựa chọn. Việc có thêm quyền này sẽ giúp người bệnh có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tương ứng đồng thời đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân thì cần phải có những chính sách khuyến khích, cơ chế tài chính phù hợp cho đội ngũ những người hành nghề trong lĩnh vực y tế nhằm đảm bảo được đời sống cho họ để những người này yên tâm làm việc. Nếu làm tốt vấn đề này, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ở nước ta sẽ đạt được hiệu quả cao, đảm bảo được quyền của người dân trong lĩnh vực sức khỏe y tế. Hơn nữa, nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân, Chính phủ nên tăng cường các biện pháp nhằm triển khai có hiệu quả sổ khám sức khỏe điện tử đến từng người dân, đảm bảo hệ thống thiết bị điện tử được vận hành thông suốt tránh tình trạng có nhưng không sử dụng được gây phiền hà cho người dân. Đồng thời, với sự phát triển của sổ sức khỏe điện tử, người bệnh có thể nắm bắt được thông tin, chỉ số sức khỏe của bản thân nhờ đó có thể kiểm soát được bệnh tật. Còn đối với phía bác sĩ, sổ khám sức khỏe điện tử giúp bác sĩ có thể theo dõi, được tình hình bệnh tật của người bệnh để đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả. Ngoài ra, sổ khám sức khỏe cần tích hợp thêm thẻ BHYT để tạo thuận lợi cho cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan BHXH để chi trả các khoản chi phí cho người bệnh. Vì thế, cần luật hóa trong các nội dung này vào quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh.

Cần thiết đổi mới quy định về phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong Luật khám bệnh, chữa bệnh nhằm đảm bảo quyền khám bệnh, chữa bệnh của người dân cần rà soát và phân các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành 03 cấp chuyên môn trên cơ sở sắp xếp lại các cơ sở thuộc 04 tuyến hành chính hiện nay, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân, được chia thành 03 cấp như sau:

- Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu bao gồm các cơ sở khám bệnh thuộc tuyến xã và tuyến huyện hiện nay. Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu có chức năng chính sau đây: quản lý sức khỏe người dân; cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thiết yếu, phù hợp với mô hình bệnh tật của từng địa phương;

- Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản bao gồm tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có điều trị nội trú thuộc hạng I đến hạng IV. Cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản có chức năng chính sau đây: cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh về ngoại trú và nội trú tổng quát; thực hiện đào tạo liên tục, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật;

- Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu gồm một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa đầu ngành hạng đặc biệt ở tuyến Trung ương hiện nay. Cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu có chức năng chính sau đây: cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh về ngoại trú và nội trú chuyên sâu; thực hiện đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật.

Thứ hai, việc phân cấp chuyên môn phải bảo đảm nguyên tắc liên tục, toàn diện, lồng ghép trong việc cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và quản lý sức khỏe, kế thừa hệ thống phân tuyến hiện nay, bảo đảm tính ổn định, không xáo trộn trong hệ thống và bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2025.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành