Thứ sáu, 25 Tháng 3 2022 00:25

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT HIỆN, THU HỒI TIỀN VÀ TÀI SẢN THAM NHŨNG

Xây dựng quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của cấp ủy và ủy ban kiểm tra trong việc phát hiện tiền, tài sản tham nhũng qua công tác kiểm tra của Đảng

Công tác phòng, chống tham nhũng đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó không thể thiếu được vai trò của Đảng cầm quyền và cơ quan chuyên trách của Đảng là ủy ban kiểm tra các cấp.

Tổ chức đảng là “tế bào”, là “hạt nhân” lãnh đạo của Đảng, có vai trò trực tiếp trong việc giáo dục, rèn luyện đảng viên nên cũng có vai trò hết sức quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Đảng ta coi tham ô, tham nhũng là tội ác, là giặc nội xâm trong nội bộ Đảng. Trước tình hình diễn biến ngày càng nghiêm trọng của tệ nạn tham nhũng, nếu chúng ta không có quyết tâm và hành động, chiến lược, hiệu quả để phòng, chống tham nhũng thì Đảng có thể sẽ mất đi sự ủng hộ của nhân dân và nền tảng của Đảng sẽ bị suy thoái.

Chính vì thế, cần ban hành quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của cấp ủy, ủy ban kiểm tra trong việc phát hiện tiền, tài sản tham nhũng qua công tác kiểm tra của Đảng. Ngày 10/8/2015, Ban Bí thư đã có Kết luận số 115-KL/TW về thực hiện thu hồi, xử lý, quản lý, sử dụng tiền vi phạm qua kiểm tra của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp. Trong đó, giao Văn phòng Trung ương Đảng:

“- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan có liên quan tham mưu, giúp Ban Bí thư ban hành quy định:

+ Về thẩm quyền của cấp ủy, ủy ban kiểm tra trong việc quyết định thu hồi tiền vi phạm.

+ Về trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đựng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong việc chấp hành kết luận của tổ chức đảng có thẩm quyền về thu hồi tiền vi phạm và hình thức, biện pháp xử lý những tập thể, cá nhân không chấp hành kết luận kiếm tra về thu hồi tiền vi phạm.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan liên quan hướng dẫn việc thực hiện thu hồi, xử lý, quản lý và sử dụng tiền vi phạm qua kiểm tra; bổ sung, sửa đổi hướng dẫn tiêu chuẩn, định mức về sử dụng tiền, tài sản của Đảng”.

Đây là vấn đề hết sức quan trọng cần phải thực hiện trong thời gian tới để phòng, chống tham nhũng trong Đảng.

Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng nêu rõ: “Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của ủy ban kiểm tra đảng các cấp trong phòng, chống tham nhũng”.

Thời gian tới, cần xây dựng Quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong phòng, chống tham nhũng. Nghiên cứu mô hình cơ quan chống tham nhũng chuyên trách tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Về tổ chức bộ máy, cần thành lập Cục Giám sát trực thuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương để tham mưu cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên.

Về thẩm quyền, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đặt bộ phận giám sát thường xuyên ở các tập đoàn và tổng công ty nhà nước để theo dõi, giám sát tình trạng chấp hành việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong sản xuất, kinh doanh. Quy định rõ trách nhiệm của Tổ giám sát nếu để xảy ra tham nhũng mà không phát hiện ra. Bài học tham ô, tham nhũng ở một số tập đoàn lớn ở nước ta trong những năm qua đã cho thấy có nguyên nhân từ sự thoát ly khỏi sự giám sát của Đảng.

Nâng cao việc phát hiện tiền, tài sản tham nhũng của các cơ quan bảo vệ pháp luật

Trong những năm tới, cần có các biện pháp để nâng cao hơn nữa việc phát hiện tài sản tham ô, tham nhũng thông qua việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng. Cần tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán một số lĩnh vực trọng điểm như đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu - chỉ ngân sách, quản lý tài sản cộng và hệ thống ngân hàng thương mại. Thành lập đoàn công tác lien ngành bao gồm cán bộ các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, công an, viện kiểm sát để phía hợp xử lý vụ việc tham nhũng nghiêm trọng Công khai hoá kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kết quả xử lý các vụ việc tham nhũng. Người đứng đầu cơ quan thanh tra, điều tra, kiểm toán phải xây dựng cơ chế kiểm soát nội bởi phải bị xử lý trách nhiệm nếu để cấp dưới ra kết luận thanh tra, điều tra, kiểm toán không khách quan, thiếu trung thực hoặc bao che cho đối tượng sai phạm. Gắn kết quả kiểm toán, thanh tra, điều tra vụ việc, vụ án tham nhũng với kết luận về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng.

Đối với cơ quan thanh tra, theo quy định của Luật thanh tra, trong tổ chức và hoạt động, cơ quan này gần như lệ thuộc hoàn toàn vào thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Điều này đã bắt đầu bộc lộ những ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra. Đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật thanh tra theo hướng tăng cường tính hệ thống của ngành thanh tra (trong việc bổ nhiệm chánh thanh tra, thanh tra viên, trong sự chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra tập trung, thống nhất). Đồng thời, cân quy định các cơ quan thanh tra nhà nước có quyền khởi tố đối với những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm tham nhũng. Điều này hết sức quan trọng, bởi vì thực tế cho thấy các cơ quan thanh tra đóng vai trò rất quan trọng trọng phát hiện tham nhũng.

Kiện toàn cơ quan thanh tra, điều tra thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong toàn xã hội nói chung, trong lực lượng vũ trang nói riêng.

Nghiên cứu tổ chức các cơ quan phòng, chống tham nhũng theo hướng bảo đảm sự độc lập cần thiết với các cơ quan quản lý nhà nước theo lãnh thổ và bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương. Tăng cường cán bộ cho các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, viện kiểm sát, toà án, kiểm tra đảng; đồng thời, xây dựng cơ chế và tăng cường kiểm soát hoạt động của các cơ quan này nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng nói chung, hành vi chạy án nói riêng.

Tạo cơ chế kết hợp công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra của các cơ quan thanh tra nhà nước theo hướng gọn nhẹ về tổ chức, tránh trùng lặp trong hoạt động, phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý.

Khi phát hiện đảng viên thuộc diện cấp ủy quản lý có dấu hiệu tham nhũng thì các cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, đồng thời báo cho cấp ủy đảng biết.

Xây dựng và hoàn thiện bộ máy của Đảng và của các cơ quan tư pháp trong việc phát hiện tiền, tài sản tham nhũng

Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và cơ quan nhà nước cấp trên đối với tổ chức đảng và cơ quan nhà nước cấp dưới, nhất là việc kiểm tra, giám sát hoạt động của người đứng đầu và các chức danh chủ chốt.

Hiện nay, công tác kiểm tra của Đảng và của ủy ban kiểm tra các cấp chủ yếu dựa trên phương pháp công tác đảng, công khai, dân chủ, giáo dục, thuyết phục, dựa trên tự phê bình và phê bình là chính chỉ phù hợp với những vi phạm thông thường của đảng viên nhưng lại không phù hợp với hành vi vi phạm đặc thù là tham nhũng trong xã hội hiện nay.

Bên cạnh đó, cần nâng cao tính hệ thống để bảo đảm sự độc lập trong hoạt động của các cơ quan tư pháp. Các cơ quan, điều tra, kiểm sát, kiểm toán hiện nay đã được tổ chức khá chặt chẽ và tương đối độc lập trong hoạt động của mình.

Ngoài ra, tiếp tục kiện toàn tổ chức đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong cơ quan công an và viện kiểm sát nhân dân. Đơn vị chống tham nhũng trong cơ quan điều tra phải được tổ chức theo hệ thống dọc, có sự lãnh đạo thống nhất từ Trung ương để bảo đảm tính độc lập và tránh sự can thiệp trái pháp luật trong quá trình xem xét vụ việc tham nhũng. Bởi vì, hoạt động điều tra là hoạt động đấu tranh trực diện với tham nhũng nên sẽ gặp sự chống đối quyết liệt của kẻ vi phạm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khoá X đã nhấn mạnh: “Nghiên cứu tổ chức các cơ quan phòng, chống tham nhũng theo hướng bảo đảm sự độc lập cần thiết với các cơ quan quản lý nhà nướctheo lãnh thổ và chịu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương”[1]. Các cơ quan này hoạt động dưới sự chỉ đạo thốngnhất, độc lập theo ngành dọc; đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các đơn vị chuyên trách gắn với trách nhiệm cá nhân của Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tăng cường cán bộ có bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, quy định nghĩa vụ phải công khai tài sản, thu nhập; đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí thích đáng; đồng thời phải đặc biệt quan tâm việc kiểm soát hoạt động của các đơn vị này và xử lý nghiêm khắc mọi hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần tập trung vào chỉ đạo việc phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng nói chung, đặc biệt là hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp trong đấu tranh chống tham nhũng. Nghị quyết của Đảng cũng đã đề cao vai trò của Ban Chỉ đạo trong việc tham mưu, đề xuất về chính sách, trực tiếp chỉ đạo, phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Việc nghiên cứu thừa nhận tố cáo nặc danh trong Luật phòng, chống tham nhũng là căn cứ pháp lý để có thể bảo vệ an toàn cho những người cung cấp tin tố cáo tham nhũng; là cơ sở buộc người đứng đầu phải xử lý những hành vi tham nhũng có thật xảy ra tại cơ quan, đơn vị mình và phải chịu trách nhiệm đã để xảy ra tình trạng đó; qua đó ngăn ngừa được những hiện tượng bao che của cấp trên cho cấp dưới. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những mặt trái của việc tố cáo nặc danh trên thực tế nên cần phải quy định chặt chẽ. Vì vậy, để kiểm soát và giải quyết các loại đơn, thư nặc danh thì cần phải quy định cụ thể về vấn đề này trong luật. Nếu có chứng cứ cụ thể, đáng tin cậy thì cần tiến hành điều tra, làm rõ và có những cơ sở pháp lý để bảo vệ cho người tố cáo. Ngược lại, trường hợp đơn, thư nặc danh không đúng sự thực, có dụng ý xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức hay xã hội thì cần điều tra làm rõ để giải toả thắc mắc.

Người bị tố cáo sẽ được thanh minh, đồng thời có những thông tin rõ ràng để giải tỏa dư luận. Việc thừa nhận tố cáo nặc danh, trách nhiệm của cán bộ, công chức và các cơ quan chức năng trong xem xét, xử lý tố cáo cũng sẽ được nâng lên, bởi họ không thể lấy lý do đơn, thư nặc danh không có cơ sở để tiến hành điều tra. Hơn nữa, việc thừa nhận tố cáo nặc danh còn là một cách thức bảo vệ người tố cáo nói chung và bảo vệ nhân chứng nói riêng hữu hiệu nhất trong điều kiện cơ chế bảo vệ người tố cáo ở nước ta chưa được hoàn thiện và các quy định hiện hành thì chưa phát huy hiệu quả, luật pháp về bảo vệ nhân chứng ở nước ta cũng chưa được quy định rõ ràng và chưa có một đạo luật riêng về vấn đề này.

Xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện tiền, tài sản tham nhũng

Sự tham gia của quần chúng quyết định sự thành công của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí. Quần chúng tham gia tích cực, đông đảo thì cuộc đấu tranh càng mang lại hiệu quả cao. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng”[2].

Trong các biện pháp phòng, chống tham nhũng, cần đặc biệt chú trọng biện pháp phát động tư tưởng của quần chúng, theo Bác, cần phải làm cho quân chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liệu còn chỗ ẩn nấp. Như vậy, chúng ta cần nhận thức rõ hơn nữa vai trò của quần chúng là lực lượng chính của cách mạng, sự tham gia tích cực của quần chúng quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quần chúng nhân dân giám sát cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời phát hiện sai phạm, phê bình, lên án các biểu hiện tiêu cực của cán bộ. Sự giám sát chặt chẽ của quần chúng nhân dân đối với cán bộ, công chức nhà nước thông qua các hình thức khác nhau là một cơ chế ngăn ngừa tham ô, lãng phí hữu hiệu. Đồng thời, sự giám sát và các phản ánh, kiến nghị kịp thời của nhân dân sẽ giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm phát hiện các hành vi tham nhũng, từ đó có các biện pháp xử lý phù hợp.

Vấn đề quan trọng là tạo ra cơ chế thích hợp để các tổ chức xã hội, cộng đồng các doanh nghiệp, báo chí, các hiệp hội ngành nghề tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, cụ thể là:

Động viên và tạo điều kiện để các tổ chức đoàn thể xã hội và mọi công dân giám sát hoạt động của cơ quan công quyền phát hiện các biểu hiện tham nhũngvà tố giác hoặc báo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét; hoàn thiện và bảo đảm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng luật giám sát của nhân dân.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật để công dân và các tổ chức doanh nghiệp nắm vững được quyền và nghĩa vụ của mình; từ đó có cơ sở đấu tranh với những biểu hiện sách nhiễu, đòi hối lộ của cán bộ, công chức, viên chức thoái hoá, biến chất.

Phối hợp với các hiệp hội ngành nghề xây dựng quy tắc ứng xử trong kinh doanh để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn hoá kinh doanh phi tham nhũng.

Tạo điều kiện để cơ quan báo chí và phóng viên thực hiện tốt chức trách nghề nghiệp của mình trong việc tham gia đưa tin về các vụ việc, vụ án tham nhũng và xây dựng quy chế trả lời của cơ quan tổ chức đối với báo chí.

Tạo dư luận phê phán tệ tham nhũng; biểu dương những công dân dũng cảm tố cáo tham nhũng, những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm đã có nhiều thành tích trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, phải có cơ chế bảo vệ hữu hiệu người đã dũng cảm tố cáo tham nhũng, tạo cho người dân an tâm trước sự sự ủng hộ của Nhà nước và xã hội, của luật pháp và công luận khi tố cáo các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Nghiên cứu chế độ khen thưởng thích đáng đối với người có công phát hiện tham nhũng hoặc góp phần thu hồi tài sản tham nhũng. Vấn đề này cần tham khảo kinh nghiệm của các nước. Trung Quốc đã quy định nhiều hình thức khen thưởng chung của cả nước và từng vùng, từng địa phương để động viên, cổ vũ người dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng (căn cứ vào số tài sản tham nhũng được phát hiện hoặc thu hồi, căn cứ vào hình phạt mà đối tượng tham nhũng bị áp dụng...).

Khuyến khích báo chí phản ánh khách quan, trung thực, kịp thời về vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời khắc phục tình trạng thông tin một chiều, đưa tin có tính chất kích động, gây hoang mang hoặc có tính chất quy kết, định hướng dư luận về tội danh, mức án trước khi có phán xét của toà án. Khen thưởng, động viên kịp thời, có chế độ bảo vệ và đãi ngộ những phóng viên tích cực, dũng cảm phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình đưa tin sai lệch, bịa đặt hoặc lợi dụng chống tham nhũng để vụ lợi.

Nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của các nhà báo. Sớm ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nhà báo theo quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường công tác giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng; chú ý công tác kiểm tra, thanh tra việc sử dụng các quỹ từ thiện, nhân đạo do các tổ chức quần chúng lập ra và quản lý.

Gắn kết hoạt động giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với việc đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm huy động và bảo đảm sự tham gia có tổ chức của quần chúng nhân dân vào công tác này. Qua đó, hình thành cơ chế giám sát nội bộ, bao gồm cả việc thực hiện các quy tắc ứng xử trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực công để ngăn chặn phát sinh tham nhũng tại chỗ.

Thanh tra nhân dân là mạng lưới rộng khắp ở địa phương và cơ sở là hình thức thực hiện quyền giám sát của nhân dân. Chính vì vậy, cần chú trọng kiện toàn thanh tra nhân dân nhằm nâng cao hiệu qủa, khắc phục bệnh hình thức.

Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo ra cơ chế thông tin thuận lợi với xã hội để phát huy tính tích cực của xã hội trong đấu tranh chống tham nhũng. Các cơ quan, tổ chức, đơnvị phải chủ động thông tin, nhất là những vấn đề mà dư luận quan tâm có liên quan đến tham nhũng, lãng phi. Cần khẩn trương nghiên cứu thiết lập hệ thống dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng để chủ động thông tin và làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, thể chế về phòng, chống tham nhũng.

 


[1]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sửa 1.65, tr.531.

[2]Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011 t.7, tr.362.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành