Thứ năm, 28 Tháng 4 2022 15:38

GIỚI HẠN QUYỀN HIẾN ĐỊNH TRONG TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP Ở VIỆT NAM

1. Khái quát về giới hạn các quyền hiến định trong tình trạng khẩn cấp

Tình trạng khẩn cấp: Sự cần thiết giới hạn các quyền hiến định một cách đặc biệt

Quyền con người theo luật pháp quốc tế không bị giới hạn tuyệt đối[1], tuy nhiên, việc giới hạn đối với một quyền con người nào đó thường được hiểu là việc Nhà nước không cho phép các chủ thể thụ hưởng quyền thực hiện quyền đó ở mức độ tuyệt đối. Việc thực hiện quyền hiến định luôn hướng tới mức độ thực hiện lớn nhất có thể[2], được nhận thức và áp dụng tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh nhất định, trong thực tế mức độ bảo vệ các quyền hiến định thường bị giới hạn. Bất cứ Nhà nước nào cũng không đặt ra quy phạm dưới hiến pháp để giới hạn phạm vi áp dụng một quyền hiến định cụ thể nào đó, mà chủ thể thụ hưởng có thể thực hiện quyền đó một cách tuyệt đối, hay nói cách khác quyền đó không bị hạn chế.

Phần lớn các quyền hiến định không mang tính tuyệt đối, thường các quyền này luôn bao hàm chuẩn mực lý tưởng và để áp dụng vào đời sống xã hội luôn cần những văn bản quy phạm pháp luật để đặt ra một giới hạn nhất định cho việc thực hiện các quyền đó. Nhà nước dân chủ quản lý và điều hành trong điều kiện bình thường luôn giới hạn quyền hiến định ở mức độ nhất định nên các văn bản quy phạm pháp luật dưới hiến pháp thường đặt ra các giới hạn quyền tương đối một cách ổn định và lâu dài[3].

Trong tình trạng khẩn cấp như chiến tranh hay dịch bệnh nghiêm trọng…, nhiều quốc gia có nhu cầu giới hạn các quyền hiến định một cách đặc biệt, khiến cho nhà nước phải tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm một số quyền (hay còn gọi là tạm đình chỉ quyền)[4] để bảo đảm sự sinh tồn của quốc gia. Việc“tạm đình chỉ quyền là thẩm quyền của nhà nước do pháp luật quy định cho phép tạm dừng một số quyền cá nhân nhất định trong hoàn cảnh đặc biệt như tình trạng khẩn cấp hay chiến tranh”[5].

Các điều ước quốc tế về nhân quyền thường có quy định về tình trạng khẩn cấp. Trong đó, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) đưa ra một khái niệm “tình trạng khẩn cấp công cộng đe dọa vận mệnh quốc gia”[6]là tình trạng mà một quốc gia phải đối mặt các mối hiểm nguy đặc biệt, đang diễn ra hoặc sắp xảy ra, mà chúng đe doạ sự sống còn của quốc gia. Sự đe dọa này ảnh hưởng tới toàn bộ dân chúng, hoặc tới toàn bộ hay một phần lãnh thổ quốc gia, và gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn của dân cư, độc lập chính trị hoặc sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia hoặc sự duy trì các chức năng cơ bản của các thiết chế để bảo đảm và bảo vệ các quyền được Công ước ghi nhận. Những trường hợp xung đột nội bộ, náo loạn mà không ảnh hưởng nghiêm trọng và cấp báchtới vận mệnh quốc gia, hoặc nhữngkhó khăn kinh tế đơn thuần sẽ không đáp ứng tiêu chuẩn để tạm đình chỉ quyền[7].

Tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm quyềnđược xem làmột hình thức giới hạn quyền tạm thời, hạn hữu, nhưng khắc nghiệt trong tình trạng khẩn cấp.Tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm quyền hay tạm đình chỉ quyền (derogation from nghts) là một trường hợp đặc biệt của giới hạn quyền (limitation of rights). Theo luật nhân quyền quốc tế, tạm đình chỉ quyền gắn với tình trạng khẩn cấp của một quốc gia[8]. Theo cách tiếp cận của ICCPR, tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm quyền là các biện pháp mang tính hạn hữu và tạm thời trong tình trạng khẩn cấp[9]. Các biện pháp giới hạn quyền trong tình trạng khẩn cấp nói chung thường được áp dụng trong bất kỳ thời điểm nào, tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm quyền một hình thức giới hạn quyền hạn hữu và tạm thời trong tình trạng khẩn cấp[10].

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) dành riêng Điều 4 quy định về tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá 1966 (ICESCR) lồng ghép vấn đề tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm quyền vào quy định về giới hạn quyền nói chung[11]. Các quyền dân sự, chính trị có phạm vi khá lớn trong khi các quyền dân sự, chính trị có thể bị tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm.Thông thường, trong nhóm các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, chỉ có quyền đình công và quyền làm việc thường được coi là có thể bị tạm đình chỉ[12]. Khi so sánh ICCPR và ICESCR về quyền con người có thể thấy tạm đình chỉ một số quyền dân sự, chính trị trong tình trạng khẩn cấp là chính đáng và cần thiết, nhưng tạm đình chỉ các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội ngay cả trong tình trạng khẩn cấp thường ít được chấp nhận hơn. Theo Manisuli Ssenyonjo, "sự thiếu vắng một mệnh đề cho phép tạm dừng thực hiện nghĩa vụ trong tình trạng khẩn cấp công quyền ở ICESCR hàm ý rằng Công ước nói chung vẫn có hiệu lực trong xung đột vũ trang, chiến tranh hay các tình trạng khẩn cấp khác, và ít nhất các nhà nước không thể được tạm dùng các nghĩa vụ bảo đảm quyền cốt lỗi theo Công ước"[13]. "Sự thiếu vắng này được giải thích vì các lý do liên quan đến bản chất của các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội; và Điều 4 ICESCR đã chứa đựng mệnh đề chung vềgiới hạn quyền; Điều 2(1) ICESCR cho phép các nhà nước thực hiện nghĩa vụ khá linh hoạt[14].

2. Kiểm soát việc tạm dừng nghĩa vụ của Nhà nước bảo đảm quyền con người trong tình trạng khẩn cấp

Luật pháp quốc tế quy định tạm đình chỉ quyền chỉ được chấp nhận trong tình trạng khẩn cấp với thời gian ngắn, nhưng nó lại có khả năng tác động đến hàng loạt quyền cơ bản. Tạm đình chỉ quyền thường mang tính áp dụng diện rộng và khắc nghiệt hơn giới hạn quyền thông thường[15] vàcó khả năng giới hạn nhiều quyền hơn so với một đạo luật khác. Trong một đạo luật bình thường chỉ một vài quyền tương đối bị giới hạn, còn đạo luật về tình trạng khẩn cấp lại thường giới hạn nhiều quyền tương đối một cách khắc nghiệt trên diện rộng. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy các nhà nước thường giới hạn các quyền xét xử công bằng trong tình trạng khẩn cấp[16], tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh[17] Covid-19 còn dẫn tới hàng loạt các quyền cá nhân cơ bản bị tạm đình chỉ[18]. Thời gian qua, nhiều quốc gia đã xảy ra tình trạng khẩn cấp có thể là bình phong cho các hành vi xâm phạm nhân quyền.Vì vậy luật nhân quyền quốc tế đặt ra nhiều rào cản cho việc tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm quyền của các quốc gia. Trong trường hợp đặc biệt Nhà nước sẽ áp dụngviệc tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm quyềnn hưng chỉ mang tính hữu hạn và tạm thời, trong khi các biện pháp giới hạn quyền nói chung thường được áp dụng lâu dài hoặc thậm chí không xác định thời gian kết thúc. Nhiều biện pháp giới hạn quyền luôn tồn tại với cuộc sống bình thường của xã hội, và khi đó việc không áp dụng biện pháp đó mới là ngoại lệ[19].

Thứ hai, luật nhân quyền quốc tế và pháp luật quốc gia quy định và giải thích nhiều quyền không thể bị đình chỉ (non-derogable rights), cụ thể ICCPR cũng đã liệt kê một số quyền mà các quốc gia không được tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm nhưquyền sống, quyền không bị bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm; không bị bắt làm nô lệ, nô dịch; không bị bỏ tù chỉ vì lý do không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng; một số quyền trong nhóm quyền xét xử công bằng; quyền được công nhận là thế nhân trước pháp luật; quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo[20]. Ngoài danh sách do ICCPR liệt kê, Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng như Tòa án Nhân quyền Châu  cũng mở rộng thêm phạm vi các quyền dân sự và chính trị không thể bị đình chỉ, đây lànhững phần cốt lõi của quyền (core of the right) mà không được tạm đình chỉ trong tình trạng khẩn cấp. Khái niệm quyền không thể bịđình chỉ có sự giao thoa so với khái niệm quyền tuyệt đối (quyền không thể bị giới hạn). Sự khác nhau giữa hai khái niệm là phạm vi các quyền không thể bị đình chỉ có xu hướng rộng hơn phạm vi các quyền tuyệt đối. Việc tạm đình chỉ quyền sẽ khó khăn hơn giới hạn quyền thông thường vi phạm vi các quyền không được đình chỉ lớn hơn phạm vi các quyền tuyệt đối không bị giới hạn.

Thứ ba, nguyên tắc tương xứng cần được áp dụng trong việc tạm đình chỉ quyền hiến định trong tình trạng khẩn cấp[21]. Nguyên tắc tương xứng là nguyên tắc chung của giới hạn quyền nên khi xây dựng pháp luật trong tình trạng khẩn cấp nhiều quốc gia vẫn quy định quyền hiến định trong các đạo luật.Đây là thành tố quan trọng của học thuyết trình tự pháp lý công bằng[22]. Việc giới hạn quyền trong đạo luật về tình trạng khẩn cấp phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về nhu cầu giới hạn quyền phải mang tính cấp thiết đặc biệt. Nhiều quyền hiến định sẽ rất khó bị giới hạn trong hoàn cảnh thông thường, nhưng việc giới hạn sẽ được coi là chính đáng, cần thiết trong tình trạng khẩn cấp. Đồng thời, việc giới hạn quyền trong tình trạng khẩn cấp phải trên cơ sở các quy định pháp luật rõ ràng (thường là đạo luật về tình trạng khẩn cấp, hay đạo luật về thảm họa quốc gia) và việc áp dụng pháp luật về tình trạng khẩn cấp phải căn cứ vào một tuyên bố chính thức của nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Tình trạng khẩn cấp của một quốc gia phải được thông báo tới các quốc gia thành viên ICCPR thông qua Liên hợp quốc[23].

3. Một số kiến nghị về phương hướng xây dựng pháp luật trong tình trạng khẩn cấp

Căn cứ vào quy định của Hiến pháp, lập pháp và giải thích pháp luật về nhân quyền quốc tế để xây dựngcác quy địnhpháp luật về tình trạng khẩn cấp nhằm bảo vệ quyền con người.

Nền tảng hiến pháp: Hiến pháp 2013 đã đạt những nền tảng quan trọng cho việc giới hạn quyền hiền định khi xây dựng pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Theo Hiến pháp Việt Nam năm 2013, Quốc hội có thẩm quyền quy định về tình trạng khẩn cấp[24]. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp[25]. Chủ tịch nước có thẩm quyền “căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thưởng vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương"[26]. Chính phủ có thẩm quyền “thi hành lệnh động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng tài sản của Nhân dân[27]. Như vậy, Hiến pháp Việt Nam chỉ quy định về thẩm quyền ban bố, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp. Các vấn đề cụ thể sẽ do các văn bản dưới Hiến pháp quy định.

Ngoài ra, nguyên tắc giới hạn quyền con người đã được ghi nhận tại khoản 2 Điều 14, Hiến pháp2013, đặt nền móng cho việc kiểm soát giới hạn quyền nói chung và tạm đình chỉ quyền trong tình trạng khẩn cấp nói riêng. Ngoài những quy định liên quan đến quyền con người, trong tình trạng khẩn cấp, Hiến pháp cũng quy định về giới hạn đối với quyền sở hữu. Theo đó, Nhà nước có thể trung mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản (trong đó có cả quyền sử dụng đất) của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường" trong "trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai[28]. Như vậy, Hiến pháp quy định việc giới hạn quyền sở hữu như trưng mua, trưng dụng trong tình trạng khẩn cấp phải có lý do “thật cần thiết”.

Nền tảng lập pháp

Năm 2000 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp[29]. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong trường hợp có thảm họalớn, dịch bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, còn có Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định về tình trạng khẩn cấp về dịch[30]; và Luật Quốc phòng 2018 quy định về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng[31]. Như vậy, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp năm 2000 là luật chung về tình trạng khẩn cấp, còn Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 là luật chuyên ngành tình trạng khẩn cấp về dịch. Nhìn về tổng thể Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng lập pháp về tình trạng khẩn cấp, tuy nhiên để phù hợp với tình hình thực tiễn chống dịch Covid -19 thời gian qua cần xây dựng nền tảng lập pháp theo hướng hoàn thiện pháp luật về tình trạng khẩn cấp theo các tiêu chuẩn của luật nhân quyền quốc tế và kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, trên cơ sở đó cần nâng cấp Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp 2000 thành Luật, qua đó giải quyết những điểm không thống nhất giữa các quy định pháp luật rải rác liên quan đến tình trạng khẩn cấp.

Nền tảng giải thích pháp luật

Khung pháp lý giải thích pháp luật thường trực tiếp gắn với các án lệ, phát quyết, giải thích và hướng dẫn các Công ước quốc tế về nhân quyền[32]. Với nguồn án lệ đồ sộ, đa dạng, các quốc gia thành viên của Công ước Châu Âu về nhân quyền hay Công ước châu Mỹ về nhân quyền có thêm một khung pháp lý quan trọng bổ sung cho các nền tảng hiến định, lập pháp và công ước quốc tế. Để phù hợp với tình hình thực tiễn, Việt Nam là thành viên của ICCPR và ICESCR, các giải thích của các thiết chế Liên Hiệp Quốc (như Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc)[33] có ý nghĩa quan trọng, mặc dù chủ yếu mang tính khuyến nghị.

Cần nghiên cứuáp dụng nguyên tắc tương xứng về giới hạn quyền khi xây dựng pháp luật về tình trạng khẩn cấp

Trong Bình luận chung số 29 về Điều 4ICCPR (tình trạng khẩn cấp), Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhận định rằng, mặc dù tạm đình chỉ quyền trong tình trạng khẩn cấp khác với giới hạn quyền trong hoàn cảnh thông thường, hai loại biện pháp này cần được xây dựng tuân theo nguyên tắc tương xứng (principle of proportionality)[34], vì chúng đều có xuất phát từ các nguyên lý giới hạn quyền con người. Các Công ước chủ đạo về nhân quyền[35] đều nhấn mạnh vai trò của nguyên tắc tương xứng trong tạm đình chỉ quyền. Ủy ban Liên Mỹ về nhân quyền (Inter-American Commission on Human Rights) lưu ý các yêu cầu cơ bản của nguyên tắc tương xứng theo đó “sự giới hạn quyền phải cần thiết vì an ninh chung, tuân theo nhu cầu đúng đắn của một xã hội dân chủ và phải là biện pháp tương xứng với các mục tiêu chính đáng"[36].

Theo ICCPR tạm đình chỉ quyền cần đáp ứng các tiêu chí khó khăn so với giới hạn quyền thông thường như: tình trạng khẩn cấp xảy ra đe doạ sự sống còn của quốc gia; Nhà nước phải chính thức công bố tình trạng khẩn cấp; tạm đình chỉ quyền phải xuất phát nhu cầu khẩn cấp của tỉnh hình; các biện pháp tạm đình chỉ quyền không trái với những nghĩa vụ khác của quốc gia đó xuất phát từ luật pháp quốc tế; các biện pháp tạm đình chỉ quyền không mang tính phân biệt đối xử[37].

Để xác định sự giới hạn quyền có cân xứng hợp hiến hay không cần được đánh giá qua 4 bước cơ bản sau đây, và việc không đáp ứng tiêu chuẩn ở bất kỳ bước nào đều khiến biện pháp đó trở nên vi hiến vì đã xâm phạm quá mức đến quyền hiến định.

Bước 1: Biện pháp giới hạn quyền phải có lý do chính đáng

Để bảo vệ quyền con người và bảo vệ lợi ích công[38] xuất phát từ các giá trị dân chủ thông qua việc bảo vệ quyền của người khác, nên việc giới hạn quyền không thể tùy tiện, vì bảo vệ quyền con người luôn mang tính chính đáng[39], tuy nhiên không phải lợi ích công nào cũng mang tính chính đáng. Lợi ích công chỉ được coi là chính đáng khi đạt được các “mục tiêu xã hội quan trọng”, và đạt được “nền tảng xã hội trong đó công nhận tầm quan trọng hiến định và nhu cầu bảo vệ quyền con người". Các yếu tố cấu thành lợi ích công gồm: sự tồn tại của nhà nước dân chủ, an ninh quốc gia, trật tự công cộng phòng ngừa tội phạm, bảo vệ trẻ em, sức khỏe cộng đồng, sự khoan dung, bảo vệ tình cảm con người, các nguyên tắc của hiến pháp và các lợi ích khác không gắn với phạm trù quyền con người[40]. Việc giới hạn quyền bị coi là vi hiến khi không có mục đích, lý do chính đáng nếu vi phạm nguyên tắc tương xứng.

Hiến pháp 2013 quy định tại Khoản 2, Điều 14 về nguyên tắc hiến định cho cả giới hạn quyền nói chung và tạm đình chỉ quyền trong tình trạng khẩn cấp nói riêng, trong đó chỉ cho phép giới hạn quyền sở hữu trong tình trạng khẩn cấp trong tình trạng “thật cần thiết"[41].Quy định này hàm ý đặt ra tiêu chuẩn cao hơn về lý do chính đáng khi Nhà nước muốn giới hạn các quyền hiến định trong tình trạng khẩn cấp.

Các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tình trạng khẩn cấp thường không khó khăn vượt qua tiêu chuẩn của bước thứ nhất này vì tiêu chuẩn về lý do chính đáng được quy định trong Hiến pháp là cao nhất, Nhà nước khi muốn giới hạn các quyền hiến định trong tình trạng khẩn cấp phải căn cứ vào lý do “thật cần thiết” như trước các vấn đề “đe doạ vận mệnh quốc gia", các biện pháp tạm đình chỉ một số quyền hiến định là rất cần thiết, rất chính đáng. Tuy nhiên, cần xem xét cụ thể những quyền nào bị giới hạn là chính đáng. Trong nguyên tắc Siracusa nhấn mạnh, việc các biện pháp giới hạn quyền nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng phải trực tiếp hướng tới ngăn chặn dịch bệnh hoặc chăm sóc người bệnh[42].

Bước 2: Biện pháp giới hạn quyền phải có mối liên hệ đúng đắn với mục đích cần đạt được và sẽ bị coi là vi hiến nếu không có mối liên hệ phù hợp với mụcđích thực hiện các biện pháp giới hạn quyền. Từ thực tiễn chống dịch Covid-19 thời gian qua cho thấy, việc giới hạn quyền tự do đi lại được coi là phù hợp; nhưng các biện pháp giới hạn quyền tiếp cận thông tin có thể bị coi là không có mối liên hệ đúng đắn với mục đích kiểm soát dịch. Chính vì vậy, Ủy ban về các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã giải thích rằng việc đảm bảo giáo dục và tiếp cận thông tin về các vấn đề sức khỏe cho cộng đồng được coi là nghĩa vụ ưu tiên, cốt lõi của quyền về sức khỏe[43].

Bước 3: Biện pháp giới hạn quyền phải là giải pháp tốt nhất trong các phương án được đặt ra để đạt được mục đích. Phương án được lựa chọn được cho là cần thiết khi nó giới hạn quyền ở mức độ thấp nhất so với các phương ăn mà vẫn đạt được mục tiêu[44]. Phương án lựa chọn sẽ bị coi là vi hiến khi hạn chế quyền nhưng không đạtđược mục đích đặt ra do phương án lựa chọn không phải là giải pháp tốt nhất.Theo tiêu chuẩn của bước ba này, cần lựa chọn biện pháp nào giới hạn quyền tự do đi lại ở mức độ thấp nhất mà vẫn đạt được mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh.

Bước 4: Sự cân bằng giữa lợi ích thu được và thiệt hại từ việc hạn chế quyền. Đây là bước quan trọng nhất vì nhiều biện pháp giới hạn quyền có thể đáp ứngđược 3 bước trên nhưng lại không đáp ứng được sự cân bằng giữa lợi ích thu được và thiệt hạn phải gánh chịu từ việc hạn chế quyền. Tính tương xứng trong việc lựa chọn giải pháp hạn chế quyền trong tình trạng khẩn cấp phải được cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại do hạn chế quyền gây ra[45]. Việc giới hạn quá mức (không tương xứng) các quyền có thể hiệu quả để đạt được mục đích đề ra nhưng thiệt hại gây ra từ việc giới hạn quyền lại lớn hơn lợi ích thu được[46].

Như vậy, pháp luật về tình trạng khẩn cấp luôn gắn liền với các quyền hiến định. Luật nhân quyền quốc tế quy định các quyền không thể bị tạm đình chỉ và khuyến nghị áp dụng nguyên tắc tương xứng nhằm bảo đảm quyền khi Nhà nước tạm dừng nghĩa vụ đối với công dân. Từ tình hình thực tiễn chống bệnh dịch Covid-19 thời gian qua cho thấy, pháp luật về tình trạng khẩn cấp của Việt Nam cần phải nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện dưa trên nền tảng bảo vệ quyền con người hiến định, lập pháp và giải thích pháp luật, đồng thời xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp bảo đảm nguyên tắc tương xứng về giới hạn quyền trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013.

 


[1]Aharon Barak, Proportionality: Constitutional Rights and Their Limitations, Cambridge University Press, năm 2012, tr.10

[2]Robert Alexy, A Theory of Constitutional Rights, Clarendon Press, Oxford, năm 2002 (Julian Rivers dịch), tr. 47-49. Ở Việt Nam, một số quyền thường hay được xem xét như nguyên tắc (vi quy đoán vô tội - xem: Đào Thị Úc, Nguyên tắc suy đoán vô tội – nguyên tắc dụ, quyền giả định hiến định quan trọng trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam năm 2015, Tạp chí Kiếm sát, số 2, năm 2017, tr. 3

[3]Chẳng hạn, sẽ là rất bình thường khi một nhà nước đặt ra độ tuổi kết hôn (giới hạn quyền kết hôn) hay cấp thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài (giới hạn quyền tự do đi lại).

[4]Derogation from rights" có thể được dịch là "tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm quyền" nhằm nêu bản chất của vấn đề. Cách dịch “tạm đình chỉ quyền" ở một số tài liệu ở Việt Nam cũng có thể được dùng thay thế. Còn cách dịch “hạn chế quyền" ở một số tài liệu là không chính xác và gây nhầm lẫn với “limitation of rights.

[5]Oren Gross và Fionnuala N'1 Aolain, Law in Times of Crisis: Emergency powers in theory and practice, Cambridge University Press, năm 2006, tr. 257.

[6]Điều 4(1) ICCPR. Công ước Châu Âu về nhân quyền và Công ước Châu Mỹ về nhân quyền cũng có cách diễn đạt tương tự.

[7] Các đoạn 39-41, Các nguyên tắc Siracusa về các điều khoản giới hạn và tạm đình chỉ quyền trong ICCPR.

[8]Xem: Điều 4 ICCPR; United Nations Human Rights Committee, General Comment No. 29: States of Emergency (Article 4), 2001)

[9]"Trong thời gian có tình trạng khẩn cấp xảy ra đe doạ sự sống còn của quốc gia và đã được chính thức công bố, các quốc gia thành viên có thể áp dụng những biện pháp tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm các quyền nếu ra trong Công ước này, trong chừng mực do nhu cầu khẩn cấp của tình hình, với điều kiện những biện pháp này không trái với những nghĩa vụ khác của quốc gia đó xuất phát từ luật pháp quốc tế và không chứa dựng bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội" (khoản 1 Điều 4 ICCPR).

[10]Amrei Müller, Limitations to and Derogations from Economic, Social and Cultural Rights, Human Rights Law Review, so 9, năm 2009, tr. 600.

[11]“Không được giới hạn hoặc tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm bất kỳ quyền cơ bản nào của con người ở bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước này mà đã được công nhận hay tồn tại ở các nước đó dưới hình thức luật, công ước, các quy tắc hoặc tập quán, với lý do là Công ước này không công nhận các quyền đó hoặc công nhận chúng ở mức thấp hơn" (khoản 2 Điều 5 ICESCR).

[12]Müller, Limitations to and Derogations from Economic, Social and Cultural Rights, tr. 601.

[13]Manisuli Ssenyonjo, Economic, Social and Cultural Rights: An Examination of State Obligations trong sách: Sarah Joseph và Adam McBeth (chủ biên), Research Handbook on International Human Rights Law, Edward Elgar, năm 2010, tr. 38.

[14]2Nt, tr. 66; P Alston và G Quinn, The Nature and Scope of States Parties' Obligations under the International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights, Human Rights Quarterly,năm 1987, tr. 217.

[15]Xem phân tích về tạm đình chỉ quyền đình công trong: Ovunda VC. Okene, Derogations and Restrictions on The Right to Strike under International Law: The Case of Nigeria International Journal of Human Rights, só 13, năm 2009, tr. 558. Gross và Aolain, Law in Times of Crisis: Emergency powers in theory and practice, tr. 267.

[16]Như đại dịch toàn cầu Covid-19

[17]Như quyền riêng tư, quyền tự do đi lại, quyền về sức khỏe, quyền không bị phân biệt đối xử, quyền làm việc, vắc xin bắt buộc vv... Xem: Amnesty International, Responses to Covid-19 and States' Human Rights Obligations: Preliminary Observations, năm 2020).

[18]Sarah Joseph, Human Rights Committee: General Comment 29, Human Rights Law Review, so 2, năm 2002, tr. 98.

[19]Ví dụ: việc giới hạn quyền tự do đi lại thông qua chế độ thị thực nhập cảnh.

[20]Các quyền quy định trong điều 6, 7, 8 (các khoản 1 và 2), 11, 15, 16 và 18 (theo khoản 2 Điều 4 ICCPR).

[21]Thường thông qua các đạo luật của Quốc hội.

[22]Bài Tiến Đạt, Học thuyết trình tự công bằng và việc bảo vệ quyền con người Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11, năm 2015, tr. 68, 71

[23]Khoản 3, Điều 4 ICCPR.

[24]Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia" (khoản 13 Điều 20 Hiến pháp năm 2013).

[25]Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương" (khoản 10 Điều 74 Hiến pháp năm 2013).

[26]Khoản 5 Điều 88 Hiến pháp năm 2013. + Khoản 3 Điều 96 Hiến pháp năm 2013.

[27]Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, xức khỏe của cộng đồng -Xem thêm phân tích ở Bài Tiến Đạt Hiến pháp hóa nguyên tắc giới hạn quyền con người cần nhưng chưa đủ, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 6, năm 2015.

[28]Khoản 3 Điều 32vàKhoản 4 Điều 54 Hiến pháp năm 2013

[29]4. Pháp lệnh này được coi là tài liệu mật. Xem Bộ Công an, Báo cáo đánh giá tác động và thủ tục hành chính của dự thảo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước (http://duthoorluve.quochoi.vn/ DuThao/Lists/DT DUTHAO LUAT/View Detail.aspx?ItemID-717&Tablndex-24 TaiLieuILA, 2925, truy cập ngày 16 5212)

[30]Theo Luật này, "Uy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo để nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể hợp ngày được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp" (khoản 2 Điều 22 Luật Phòng thông bình truyền nhiễm 2007).

[31]Theo Điều IêN Luật này, thẩm quyền ban bố, công bố, bài bỏ tương tự như quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007.

[32]Ví dụ: Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc giải thích ICCPR và ICESCR; Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHHR) giải thích Công ước Châu Âu về nhân quyền (ECHR), Tòa án Nhân quyền Liên Châu Mỹ (IACHHR) giải thích Công ước châu Mỹ về nhân quyền (ACHR).

[33]Ví dụ: United Nations Human Rights Committee, General Comment No. 29: States of Emergency (Article 4); Office of High Commissioner for Human Rights, CESCR General Comment No. 14: The Right to the Highest Attainable Standard of Health (Art. 12) 2000).

[34]United Nations Human Rights Committee, General Comment No. 29. States of Emergency (Article 4), đoạn số 4.

[35] ICCPR, Công ước Châu Âu về quyền con người (ECHR), Công ước châu Mỹ về Nhân quyền (ACHR).

[36]Inter-American Commission Report, OEA/Ser L/V/I1116, đoạn số 55.

[37]Khoản 1, Điều 4 ICCPR.

[38]Xem: Barak, Proportionality: Constitutional Rights and Their Limitations, tr. 251.

[39]Xem ý kiến của thẩm phán Barak (Tòa án Tối cao Israel) trong vụ án: CA 682193 United Mizrahi Bank Ltd. v Migdal Cooperative Village [1995] IsrLR 1.

[40]Barak, Proportionality: Constitutional Rights and Their Limitations, tr. 254, 266, 269,276.

[41]Khoản 3 Điều 32, khoản 4 Điều 54 Hiến pháp năm 2013.

[42]United Nations Economic and Social Council, Siracusa Principles on the Limitation and Derogation Provisions in the International Covenant on Civil and Political Rights, 1985), doan 8.25.

[43]Office of High Commissioner for Human Rights, CESCR General Comment No. 14: The Right to the

Highest Attainable Standard of Health (Art. 12), doan so 44

[44]Barak, Proportionality: Constitutional Rights and Their Limitations, tr. 317

[45] Nt, tr 340

[46]Trong đại dịch toàn cầu Covid-19, nhiều học giả cảnh báo các quốc gia cần cân nhắc kỹ lưỡng bài toán lợi ích thiệt hại này khi áp dụng các biện pháp ảnh hưởng đến quyền của người dán (Ví dụ: Ahmed Mushfiq Mobarak, Zachary Barnett-Howell, Poor)Countries Need to Think Twice About Social Distancing, năm 2020 - https://foreignpolicy.com/2020/04/10/poor-countries social-distanding-coronavirus, truy cập 16/6/2020).

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành