Thứ ba, 12 Tháng 7 2022 15:11

Phân tích khái niệm tội phạm về môi trường

Hiện nay, có nhiều cách tiếp cận khác nhau về môi trường được nêu ra, nên khi đề cập đến khái niệm “môi trường” cần phải nghiên cứu khái niệm “tội phạm về môi trường”.Tại Hội nghị Stockholm về môi trường ngày 16/9/1972 xác định:“Môi trường, hiểu một cách chung nhất là tổng hợp các yếu tố, điều kiện bên ngoài có ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của một sự vật hoặc một hiện tượng. Những yếu tố, điều kiện bên ngoài đó bao gồm các yếu tố tự nhiên, kinh tế, xã hội, không gian và thời gian”[1] và Tuyên ngôn của UNESCO năm 1981, xác định “môi trường là toàn bộ các hệ thống tự nhiên và các hệ thống do con người tạo ra xung quanh mình, trong đó con người sinh sống và bằng lao động của mình đã khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc nhân tạo nhằm thỏa mãn các nhu cầu của con người”. Theo các khái niệm này, môi trường được hình thành bởi các yếu tố tự nhiên và các yếu tố xã hội; hay yếu tố nhân tạo do con người tạo ra, được biểu hiện dưới dạng vật chất nhất định[2].

Theo cách tiếp cận hệ thống vốn đặt môi trường trong mối quan hệ với con người, môi trường được hiểu “là tập hợp các phần tử nằm ngoài hệ thống được xem xét và có tương tác với hệ thống được xem xét”[3] hay được hiểu”là tổng thể các thành tố sinh thái tự nhiên, xã hội - nhân văn và các điều kiện tác động trực tiếp hay gián tiếp lên phát triển, lên đời sống và hoạt động của con người trong thời gian bất kỳ"[4], hoặc được hiểu "bao gồm yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo có quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên”[5]. Thực tế, các nhà sinh thái học đã chỉ ra rằng toàn bộ môi trường sống của chúng ta (không khí, nước, đất đai) và tất cả các loài sinh vật có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, có mối liên quan mật thiết với nhau. Khi có bất kỳ một thành tố nào của môi trường bị tổn hại sẽ dẫn tới việc ảnh hưởng đến các thành tố khác và kéo theo là ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của con người. Do đó, “môi trường” cần được nhìn nhận theonghĩarộngnhấtmớicóthểđánhgiáđượcsựtácđộngcủamôitrườngvớiconngười, nó bao hàm bất kỳ nhân tố nào của môi trường thiên nhiên và cả những vấn đề về quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng, phát triển và công nghiệp hóa bởi nó gắn với sự tồn tại, phát triển của con người.

Như vậy, có thể hiểu: môi trường là toàn bộ những yếu tố cấu thành từ tự nhiên cũng như nhân tạo, có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động tới sự tồn tại và phát triển của con người, các loài sinh vật cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của đời sống, kinh tế, xã hội. Môi trường, vì vậy là khái niệm chỉ tổng thể các yếu tố tạo thành hệ sinh thái giúp con người, động, thực vật sinh sống, phát triển. Vì là một hệ sinh thái nên các yếu tố bên trong nó sẽ có tác động qua lại lẫn nhau: con người tác động đến sự tồn tại, sinh trưởng của thiên nhiên (bao gồm động, thực vật và các yếu tố giúp con người tồn tại và phát triển như không khí, nước, đất, …) và ngược lại, thiên nhiên tác động trực tiếp hoặc gián tiếp một cách mạnh mẽ đối với sự sống của con người. Do đó, tất cả các hành vi xâm phạm đến môi trường dù là tự phát hay chủ động cũng đều phải được ngăn chặn và xử lý. Hành vi xâm phạm môi trường ở nhiều mức độ khác nhau trong đó nguy hiểm nhất là tội phạm môi trường. Các hành vi đó có thể đến từ chính những hoạt động khai thác làm hủy hoại các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm biến mất hoặc xâm hại đến các loài động thực vật quý hiếm, làm ô nhiễm các yếu tố trong hệ sinh thái, các hành vi liên quan đến vấn đề chất thải nguy hại, xả thải, vận chuyển rác thải,…

Xét về mặt lịch sử, khái niệm “Tội phạm về môi trường” xuất hiện từsau các cuộc cách mạng công nghiệp, tuy nhiên các biểu hiện chưa rõ ràng, cho đến khi xuất hiện những vụ kiện của nạn nhân chất độc màu da cam từ thuốc diệt cỏ sau cuộc chiến ở Việt Nam kéo theo sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về sự ảnh hưởng lâu dài, lây lan của nó và các hóa chất không phân hủy tương tự, làm cho vấn đề môi trường trở thành vấn đề trọng tâm của các Chính phủ. Nhờ đó, các cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) được thành lập, cùng với các quy định pháp luật hình sự, pháp luật dân sự chặt chẽ hơn dành cho tội phạm môi trường[6]. Từ đó trở đi, việc nghiên cứu khái niệm Tội phạm về môi trường” mới nhận được sự quan tâm rộng rãi của các nhà nghiên cứu, các nhà lập pháp cũng như cả cộng đồng. Với các cách tiếp cận khác nhau, khái niệm tội phạm môi trường cũng được nhận thức và diễn đạt theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, với cách tiếp cận từ dấu hiệu hành vi gây thiệt hại đến môi trường, Interpol và UNEP xácđịnh:

Tội phạm môi trường là thuật ngữ chung mô tả các hoạt động bất hợp pháp gây hại cho việc phục hồi môi trường và nhằm mục đích mang lại lợi ích cho các cá nhân hoặc nhóm/hoặc các công ty từ khai thác, gây thiệt hại, thương mại hóa hay khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, bao gồm, nhưng không giới hạn ở mức tội phạm nghiêm trọng và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia[7]”.

Trong khái niệm này Interpol và UNEP chỉ ra ba đặc trưng của tội phạm môi trường mang tính hiện đại, đó là: (i) là các hoạt động bất hợp pháp; (ii) những hành vi này gây hại cho môi trường, mang lại lợi ích bất hợp pháp cho cá nhân, tổ chức nhất định; (iii) là loại tội phạm nghiêm trọng và có tổ chức xuyên quốc gia. Dù vậy, việc diễn đạt “các hoạt động bất hợp pháp gây hại cho việc phục hồi môi trường” dẫn đến chưa bao quát được phạm vi những hành vi đe dọa gây thiệt hại cho môi trường bị coi là tội phạm. Bên cạnh đó, sự tác động của hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực môi trường là lâu dài và khó biểu hiện rõ ràng, cho nên các hoạt động “phục hồi môi trường” chỉ phản ánh được một khía cạnh của vấn đề, tức là tội phạm đã hoàn thành, có thiệt hại xảy ra được xác định rõ ràng và đang trong tiến trình khắc phục những thiệt hại đó. Chính vì vậy đây chỉ được coi là khái niệm dưới giác độ thi hành phápluật.

Cùng với cách tiếp cận đó, hành vi xâm hại môi trường và đối tượng tác động của tội phạm, EIA đưa ra định nghĩa:“tội phạm môi trường là hành vi bất hợp pháp gây hại trực tiếp đến môi trường bao gồm: buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, buôn bán chất làm suy giảm tầng ozone (ODS); buôn bán bất hợp pháp chất thải nguy hại; đánh bắt bất hợp pháp và không được kiểm soát, buôn lậu gỗ”[8]. Định nghĩa này mang tính chất liệt kê, trong đó nêu lên 5 nhóm tội phạm môi trường được cho là phổ biến, không mang tính học thuật cao vì không chỉ ra được những đặc điểm của tội phạm môi trường để phân biệt với các vi phạm khác trong lĩnh vực môi trường. Yếu tố “hành vi bất hợp pháp gây hại trực tiếp đến môi trường” cũng chỉ phản ánh được một khía cạnh của tội phạm môi trường đó là có “gây hại trực tiếp”, còn những hành vi tội phạm “gây hại gián tiếp” thì không được khái niệm đề cập đến. Khái niệm này cũng không giúp phân biệt được hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường là tội phạm với hành vi vi phạm tương tự nhưng chỉ nằm trong phạm vi trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính cũng như trách nhiệm cộng đồngkhác.

Từ góc độ cá nhân, Lynch và Nancy Frank (hai nhà nghiên cứu về tội phạm học) lần đầu tiên đưa ra khái niệm tội phạm môi trường bằng một thuật ngữ riêng, đó là “tội phạmxanh”. Theo các tác giả nói trên “tội phạm xanh” là những tội phạm gây hại trực tiếp đến môi trường hoặc gây thiệt hại và hủy hoại môi trường một cách gián tiếp. Do đó tội phạm môi trường là loại tội phạm không có ranh giới quốc gia, bao gồm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, phá rừng, suy giảm loài động vật hoang dã và đổ chất thải nguy hại[9]. Đó là năm nhóm hành vi xâm phạm môi trường phổ biến. Khái niệm này đã được chính thức nêu lên trong Hội nghị của Hiệp hội Tội phạm châu Âu tại Slovenia và được nhiều nghiên cứu khác sử dụng trong lĩnh vực tội phạm môi trường xuyên quốc gia hay phân tích mặt trái của toàn cầu hóa tác động tới môi trường. Như vậy, giữa khái niệm “tội phạm xanh” của Lynch và Nancy Frank với khái niệm “tội phạm môi trường” do UNEP và Interpol đưa ra, có điểm tương đồng ở chỗ chỉ ra 05 nhóm hành vi và đối tượng tác động cụ thể của loại tội phạm này, trong đó, các hành vi có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp gây thiệt hại cho môi trường. Tuy nhiên, khái niệm “tội phạm xanh” mang ý nghĩa chung hơn nhưng lại được tiếp cận dưới góc độ tội phạm học.

Khái niệm tội phạm môi trường còn được tiếp cận nghiên cứu dưới góc độ pháp luật hình sự. Chẳng hạn, theo tác giả Zhevlakov thì “Đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái quy định của pháp luật hình sự, có lỗi, xâm phạm đến các lợi ích của cộng đồng, nhằm bảo vệ chất lượng môi trường tự nhiên, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên và đảm bảo môi trường sống an toàn của người dân[10]. Như vậy, trong khái niệm này, tác giả Zhevlakov đã chỉ ra các đặc điểm của tội phạm môi trường, trong đó nhấn mạnh khía cạnh xâm phạm đến lợi ích chung của cộng đồng liên quan đến môi trường sống. Tuy nhiên, khái niệm này chưa phản ánh được hết các dấu hiệu cần thiết để nhận biết cáctội phạm môi trường.

Ở Việt Nam, các tội phạm môi trường cũng bắt đầu được quan tâm nghiên cứu từ cuối thế kỷ XX, với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ. Dù vậy, khái niệm các tội phạm môi trường cũng chỉ mới được nêu ra trong các công trình nghiên cứu khoa học, chưa được luật hoá vào Bộ luật hình sự. Trong khoa học luật hình sự Việt Nam, khái niệm các tội phạm môi trường cũng được nhận thức và diễn đạt theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, có quan điểm cho rằng:“Các tội phạm môi trường là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định, xâm hại đến các quan hệ xã hội liên quan đến việc bảo vệ môi trường tự nhiên thuận lợi, có chất lượng, sự bền vững và ổn định của môi trường đến việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và việc đảm bảo an ninh sinh thái đến dân cư”[11]. Khái niệm này được đưa ra trên quan điểm cần làm sáng tỏ các đặc điểm của tội phạm môi trường là tính môi trường (hay tính sinh thái) nhằm đưa tội phạm này hay tội phạm khácvàonhóm các tội phạm môi trường. Tuy nhiên, dù đã nhấn mạnh, chỉ ra những hành vi xâm hại đến môi trường là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, song có thể gây sự hiểu nhầm giữa đối tượng của các tội phạm môi trường và khách thể của chúng. Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được pháp luật hình sự ghi nhận, bảo vệ nhưng bị tội phạm xâm hại, còn đối tượng của tội phạm là một bộ phận của khách thể mà hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Trên cơ sở phân tích này, có thể khẳng định “sự bền vững và ổn định của môi trường” là đối tượng chung của các tội phạm môi trường và việc đưa đối tượng này vào khái niệm là không hoàn toàn xác đáng vì có thể dẫn tới đồng nhất giữa đối tượng của tội phạm môi trường với khách thể của các tội phạm môi trường là “các quan hệ xã hội về quản lý và bảo vệ môi trường”.

Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng, tội phạm môi trường được hiểu “là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do những người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường; xâm hại đến các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường, gây ra những hậu quả xấu đối với môi trường sinh thái”[12]; "Các tội phạm môi trường là các hành vi nguy hiểm cho xã hội vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, qua đó gây thiệt hại cho môi trường"[13].

Các khái niệm vừa đề cập trên đây cũng dễ dàng gây ra sự nhầm lẫn giữa đối tượng tác động của tội phạm môi trường (sự bền vững và ổn định của môi trường) và khách thể của tội phạm về môi trường (các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường) khi chúng đều được thể hiện trong khái niệm. Bên cạnh đó, các khái niệm trên chưa chỉ ra đặc trưng hết sức quan trọng của tội phạm nói chung, tội phạm môi trường nói riêng đã được tất cả các nhà luật học công nhận: "tội phạm là hành vi vi phạm pháp luật hình sự", chưa chỉ ra dấu hiệu lỗi thuộc mặt chủ quan của tội phạm và dấu hiệu trái với pháp luật hình sự hay nói cách khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm nên dễ dẫn đến nhầm lẫn trong việc phân biệt hành vi vi phạm pháp luậttội phạm môi trường với vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực môi trường. Đồng thời, việc các nhà nghiên cứu đưa dấu hiệu “thiệt hại cho môi trường” là dấu hiệu hậu quả của việc phạm tội vào trong khái niệm tội phạm môi trường có thể dẫn tới sự hiểu lầm là các tội phạm môi trường đều có cấu thành vật chất. Trong khi đó, không phải lúc nào hậu quả của các hành vi xâm hại môi trường cũng buộc phải là dấu hiệu định tội hay nói cách khác trong nhóm các tội phạm môi trường vẫn có thể có những tội phạm có cấu thành hìnhthức.

Nhìn từ góc độ khác, có quan điểm cho rằng, “Các tội phạm môi trường là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có nănglực trách nhiệm hình sự thực hiện xâm phạm vào những quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường[14]. Nhìn trên các phương diện cần thiết của khái niệm đối với các tội phạm môi trường, có thể thấy đây là khái niệm khá đầy đủ vì nêu lên được các đặc trưng của tội phạm môi trường: i) là hành vi nguy hiểm cho xã hội; ii) hành vi đó bị luật hình sự cấm hay nói cách khác là được quy định trong pháp luật hình sự; iii) chủ thể là người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, (iv) hành vi đó xâm hại đến các quan hệ xã hội trong lĩnh vực môi trường. Hiện nay, một khái niệm khác có tính kế thừa và phát triển thêm nhiều đặc điểm mới đối với các tội phạm môi trườngđược xác định“Tội phạm về môi trường là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, bị luật hình sự cấm, do thể nhân (tức là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sựhoặc pháp nhân đã để cho người đại diện của mình thực hiện một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý) xâm phạm an toàn sinh thái của xã hội và gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho môi trường thiên nhiên xung quanh và sức khỏe của con người, cũng như cho các lợi ích khác của trật tự pháp luật môi trường đã được quy định[15].

Phân tích nội hàm của hai khái niệm trên đây dễ dàng nhận thấy chúng có nhiều nét tương đồng ở chỗ nêu được phần lớn những đặc trưng của các tội phạm môi trường (i) là hành vi nguy hiểm cho xã hội; ii) hành vi đó bị luật hình sự cấm hay nói cách khác là được quy định trong pháp luật hình sự; ii) chủ thể là người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện; iii) được thực hiện hành vi với lỗi cố ý hoặc vô ý. Như vậy, ngay từ khái niệm đã đưa ra dấu hiệu lỗi “cố ý hoặc vô ý” của người thực hiện hành vi mà các nghiên cứu trên chưa đề cập đến hoặc có nhưng gián tiếp đề cập đến dấu hiệu này “người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện”[16]. Bên cạnh đó, quan điểm tiếp cận mới và phù hợp với pháp luật hình sự sau này đối với tội phạm môi trường. Theo đó, có ba vấn đề chính được đề cập trong khái niệm nêu trên:

Một là, coi pháp nhân là chủ thể trực tiếp phải gánh chịu trách nhiệm hình sự do hành vi xâm hại đến môi trường, chứ không chỉ là người đại diện của pháp nhân đó trong pháp luật hình sự Việt Nam. Đây là điểm đặc biệt trong nghiên cứu của tác giả mà thực tiễn đã chứng minh, trong Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành đã ghi nhận. Tức là, với hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực môi trường, đã chỉ ra hai chủ thể cùng phải gánh chịu trách nhiệm hình sự với trách nhiệm riêng biệt, cụ thể người đại diện của pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về môi trường (như chỉ đạo, ra quyết định, hoặc trực tiếp thực hiện hành vi) và chính bản thân pháp nhân là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vixâm hại môi trường của người đại diện gây ra vì lợi ích của pháp nhân đó. Tác giả cũng khẳng định, pháp nhân phải chịu trách nhiệm pháp lý là phù hợp với quy định của pháp luật khác như hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại,… phù hợp với pháp luật quốc tế và tương thích với pháp luật của nhiều quốc gia phát triển.

Hai là, khách thể cần được bảo vệ đối với các tội phạm môi trường“tính tự nhiên của môi trường” hay “những quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường”. Phần lớn các nghiên cứu trong nước đưa quy định quản hành chính của Nhà nước đối với việc bảo vệ môi trườngkhách thể được bảo vệ, còn tính tự nhiên vốn của môi trường khách thể được luật hình sự bảo vệ chưa được đề cập đến hoặc đề cập đến nhưng không trực tiếp gián tiếp, coi khách thể của tội phạm môi trường (khác với đối tượng của nó - an toàn sinh thái và trật tự pháp luật môi trường) chính là các nguồn lợi vật chất của thiên nhiên - các công trình thiên nhiên, môi trường thiên nhiên xung quanh chúng ta nói chung[17]. Những quan điểm này dần tiếp cận với quan điểm chung của thế giới quan niệm thiên nhiên môi trường là một thực thể độc lập, có lợi ích riêng so với lợi ích của con người để bảo vệ. Tức là, một hành vi gây thiệt hại cho thiên nhiên môi trường có thể bị xử lý hình sự mà không cần xét đến hành vi đó có gây thiệt hại hay tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho con người hay không. Từ đó đặt ra những đánh giá, phân tích nhằm sửa đổi chính sách pháp luật liên quan đến môi trường.

Ba là, ở nghiên cứu này, tác giả cũng không nêu dấu hiệu hậu quả là dấu hiệu tiên quyết và bắt buộc, bởi lẽ tội phạm có thể “gây ra hậu quả” và có thể chỉ là “đe dọa sẽ gây ra” hoặc “sẽ có hậu quả xảy ra” và không dễ nhận biết ngay được. Thực tiễn cho thấy, đối với nhóm tội phạm môi trườnggây ra hậu quả cho xã hội và con người là rất nghiêm trọng, khó có thể nhận biết trong khoảng thời gian ngắn, nên việc đưa dấu hiệu hậu quả vào trong cấu thành tội phạm sẽ dẫn đến biện pháp phòng ngừa đấu tranh, chống tội phạm môi trường có nguy cơ ngày càng thách thứchơn.

Có thể nhận biết, hầu hết các khái niệm đã được xây dựng trước khi Bộ luật hình sự năm 2015 được ban hành đã thể hiện sự tương thích với pháp luật thực định thời điểm đó về chủ thể của tội phạm nói chung và chủ thể của tội phạm môi trường nói riêng, chỉ là người phạm tội vốn không còn phù hợp với pháp luật hình sự của nước ta hiện nay. Sau khi Bộ luật hình sự năm 2015 được thông qua và có hiệu lực, có rất ít công trình nghiên cứu đề cập đến khái niệm các tội phạm môi trường, chỉ có số ít các nhà khoa học bước đầu nêu khái niệm này trong nghiên cứu của mình. Chẳng hạn trong cuốn Bình luận khoa học Bộluật hình sựnăm 2015 do tác giả Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên đã đưa ra quan niệm “tội phạm môi trường là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các quan hệ xã hội liên quan đến các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên”[18]. Nghiên cứu trên đã phần nào thể hiện được thành tựu của Bộ luật hình sự năm 2015 xây dựng dựa trên cơ sở khoa học môi trường, khoa học pháp lý, kinh nghiệm thực tiễn trong và ngoài nước nhằm xử lý các hành vi làm tổn hại trực tiếp đến sự trong sạch, tính tự nhiên của môi trường sống có ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người, sự phát triển của các loài sinhvật.

Từ những phân tích khái quát trên đây, có thể thấy, các khái niệm đối với các tội phạm môi trường được nêu ra trong khoa học luật hình sự Việt Nam có tính bao quát, nhấn mạnh đến các dấu hiệu của các yếu tố cấu thành tội phạm của các tội phạm môi trường, còn các khái niệm của các tổ chức quốc tế thường chỉ nêu lên các hành vi được coi là tội phạm môi trường chứ không nhấn mạnh vào các dấu hiệu của các yếu tố cấu thành tội phạm. Các thuật ngữ được sử dụng trong các khái niệm như “tội ác chống lại môi trường”, “tội phạm xanh”, “tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” hay “tội phạm môi trường” đều có thể coi là đồng nghĩa. Ngoài ra, các khái niệm kể trên hầu hết chưa chỉ rõ khách thể bị xâm hại của các tội phạm môi trường, các khái niệm đó khiến cho người đọc hiểu nhầm rằng tội phạm môi trường bao gồm cả những hành vi vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực môi trường khi chưa nêu được dấu hiệu “vi phạm pháp luật hình sự”. Mặt khác, khái niệm này đã đồng nhất “sự bền vững và ổn định của môi trường” (với tư cách là đối tượng của tội phạm) với “các quan hệ xã hội về quản lý và bảo vệ môi trường” (với tư cách là khách thể củatội phạm môi trường).

 


[1]EIA, Crimes Environmental,London

[2]UNEP - INTERPOL (2016), The rise of Encironmetal Crimes: A growing threat to natural peace, developmetn ansecurity.

[3]Vũ Cao Đàm (2002), Xã hội học môi trường, Nxb Khoa học Xã hội, HàNội, tr.72

[4]Trường Đại học Luật Hà Nội (1999), Từ điển giải thích thuật ngữ luật học (Phần luật hình sự), Nxb Công an nhân dân, HàNội

[5]Quốc hội (2014, SĐ/2018), Luật BVMT, HàNội

[6]EPA,USEPA, Environmental protection and environmental crimes, America, p.12

[7]UNEP - INTERPOL (2016), The rise of Encironmetal Crimes: A growing threat to natural peace, developmetn ansecurity, p.2

[8]EIA (2015),EnvironmetnaCrime:Athreattoourfuture,LondonN1ony,UK, p.2

[9]Lynch et al (2017), Green Criminology, Amazon Digital Services LLC,USA, p.9

[10]Zhevlakov EN (1991), Environmental crime: concepts, types, responsibility issues, Russian NationalLibray, p.197

[11]Phạm Văn Lợi (chủ biên) (2004), TPMT - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, sách tham khảo, Nxb Chính trị quốcgia, tr.95

[12]Viện nghiên cứu khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp (1999), Bình luận khoa học BLHS: Phần các tội phạm, Nxb Chính trị Quốc gia, HàNội, tr.457

[13]Trường Đại học Luật Hà Nội (2015), Giáo trình luật hình sự Việt Nam, tập II, Nxb Công an nhân dân, HàNội, tr.133

[14]Lê Cảm (chủ biên) (2003), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, phần các tội phạm, Nxb Đại học Quốc gia HàNội, tr. 422-423

[15]Lê Văn Cảm (2009), “Toàn cầu hóa và việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành liên quan đến các TPMT”, Tạp chí Tòa án (11), tr. 22-27 và (12), tr.12

[16]Viện nghiên cứu khoa học Pháp lý – Bộ Tư pháp (1999), Bình luận khoa học BLHS: Phần các tội phạm, Nxb Chính trị Quốc gia, HàNội

[17]Lê Văn Cảm (2009), “Toàn cầu hóa và việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành liên quan đến các TPMT”, Tạp chí Tòa án (11), tr. 22-27 và (12), tr.12

[18]Nguyễn Ngọc Hòa (2017), Bình luận khoa học BLHS phần các tộiphạm,Nxb Tư pháp, tr.583

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành