Thứ năm, 14 Tháng 7 2022 15:16

Phân tích một số vấn đề lý luận về tình trạng khẩn cấp theo pháp luật quốc tế - kinh nghiệm cho Việt Nam

Tình trạng khẩn cấp là tình trạng đặc biệt với mức độ khẩn cấp trong các tình huống liên quan đến y tế, thiên tai, quốc phòng..v.v…được pháp luật của nhiều quốc gia quy định trong Hiến pháp. Khi những tình huống này xảy ra, hành pháp sẽ thay lập pháp ban bằng những sắc lệnh tuyên bố tình trạng báo động, giới nghiêm hay khẩn cấp trên một phần hay toàn lãnh thổ quốc gia. Đây là đặc quyền giúp chính phủ có thể hành động nhanh chóng để xử lý tình hình trong bối cảnh cấp thiết, song cũng hàm chứa những rủi ro về sự lạm quyền mà có thể để lại những hậu quả lâu dài về chính trị, xã hội cho một quốc gia. Kể từ sau Thế chiến thứ hai, vấn đề tình trạng khẩn cấp vẫn được coi trọng và được đưa lên thành một khái niệm có tính chất hiến định trong Hiến pháp của nhiều nước. Điều này thể hiện sự quan tâm to lớn của các quốc gia đối với vấn đề quan trọng này. Trong khuôn khổ chuyên đề này, xin khái quát một số vấn đề lý luận cơ bản về tình trạng khẩn cấp ở góc độ đan xen giữa khoa học chính trị và khoa học pháp lý nhằm làm rõ ý nghĩa việc xây dựng, và thi hành pháp luật về tình trạng khẩn cấp của quốc gia.

1. KHÁI NIỆM TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP

Xét về nguồn gốc, khái niệm "tình trạng khẩn cấp" (state of emerentylstate of public emergency), được hình thành từ quy định về “justitium” trong luật La Mã – chỉ một trạng thái xã hội mà cho phép Viện Nguyên lão của nhà nước La Mã cổ đại có thể đưa ra một quyết định (senatus consultum ultimum) nhanh chóng mà không bị khiếu nại[1].Tuy nhiên, khái niệm “tình trạng khẩn cấp" theo nghĩa phổ biến hiện nay chỉ xuất hiện vào khoảng thế kỉ 19 ở Tây Âu, trên cơ sở chia tách giữa các chuẩn mực (norm) và tình thế ngoại lệ (exception), nhằm mục tiêu đạt được sự cân bằng lợi ích giữa các mục tiêu công cộng với các quyền cá nhân[2].Tùy thuộc và[3]o nhận thức và đánh giá về tình trạng khẩn cấp mà các nước phân biệt và quy định trong từng bối cảnh cụ thể liên quan đến thảm họa tự nhiên, khủng hoảng kinh tế, tấn công khủng bố hoặc xung đột vũ trang với nước ngoài trong hệ thống pháp luật của họ. Đây cũng là một trong những thách thức của các Chính phủ và các nhà làm luật.

Về bản chất, tình trạng khẩn cấp thường kèm theo nguy cơ xâm phạm đến quyền con người nên khái niệm về tình trạng khẩn cấp thường được đề cập trong luật pháp quốc tế liên quan đến nhân quyền. Trong đó, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 trực tiếp đề cập đến khái niệm “tình trạng khẩn cấp công cộng đe doạ vận mệnh quốc gia" (public emergency status threatens the life of the nation)[4]. Bộ nguyên tắc Siracusa về các điều khoản giới hạn và tạm đình chỉ quyền con người trong ICCPR được đề cập để giải thích về tình trạng khẩn cấp công cộng đe dọa vận mệnh quốc gia, trong đó nhấn mạnh tình trạng mà một quốc gia phải đối mặt với các mối nguy hiểm, đang hoặc sẽ xảy ra đe dọa đến sự sống còn của quốc gia đó. Mức độ đe dọa được xác định bằng đánh giá sự ảnh hưởng tới toàn bộ dân chúng hoặc tới toàn bộ hoặc một phần lãnh thổ quốc gia, gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn của dân cư, độc lập chính trị hoặc sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia hoặc việc duy trì các chức năng cơ bản của các thiết chế vốn thiết yếu để bảo đảm và bảo vệ các quyền con người được luật quốc tế ghi nhận[5], tình trạng khẩn cấp là những tình thế khó khăn kinh tế đơn thuần, xung đột nội bộ hoặc tình trạng hỗn loạn mà không ảnh hưởng nghiêm trọng và cấp bách tới vận mệnh quốc gia[6].

Đối với nhữnghiện tượng thiên nhiên (bão lụt, hỏa hoạn, động đất, song thần, dịch bệnh...), hoặc do con người thực hiện (bạo loạn có vũ trạng, lật đổ chính quyền, ...) gây nên, hoặc đe dọa gây nên những thảm họa, thiệt hại về tính mạng, tài sản của cá nhân, tổ chức, nhà nước, xã hội sẽ không mặc nhiên dẫn tới việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Điều kiện xác định là tình trạng khẩn cấp khi những sự kiện này xảy ra trên thực tế và đã làm thay đổi trạng thái bình thường của con người, Nhà nước, xã hội, tạo nên những tình huống đặc biệt đòi hỏi Chính phủ phải có biện pháp ứng khó đặc biệt để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục hậu quả, để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhà nước, xã hội, cá nhân, tổ chức, môi trường trong những khu vực xảy ra các sự kiện kể trên) thì mới gọi là tình trạng khẩn cấp.

Như vậy, tình trạng khẩn cấp được hiểu là do những tác động của các sự kiện tự nhiên hoặc nhân tạo mà Nhà nước có thể đưa ra một tuyên bố đặt một khu vực, vùng, hoặc toàn bộ lãnh thổ quốc gia vào tình thế pháp lý đặc biệt cảnh báo hay yêu cầu công dân của mình thay đổi các hành vi bình thường, cũng như ra lệnh cho các cơ quan của chính quyền tạm ngừng một số chức năng bình thường của chính quyền và thi hành các kế hoạch hành động để đối phó với tình trạng khẩn cấp.

Nói cách khác, tình trạng khẩn cấp là tình huống đặc biệt ở một quốc gia, trong đó Nhà nước, đặc biệt là cơ quan hành pháp được trao quyền thực hiện các hành động hoặc áp dụng các biện pháp mà theo quy định của Hiến pháp sẽ không được phép thực hiện trong điều kiện bình thường.

2. ĐẶC ĐIỂM CỦA TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP

Xét về bản chất, chính quyền chỉ có thể tiến hành những hành động nhanh, mạnh trong các tình huống phức tạp và nguy hiểm khi quyền lực đặc biệt của Nhà nước được thực hiện để tình trạng khẩn cấp được ban bố tình trạng khẩn cấp. Để tránh tạo ra những hệ luỵ tiêu cực với nhiều chủ thể trong xã hội khi ban bố tình trạng khẩn cấp, đòi hỏi cần phải có những quy trình, thủ tục chặt chẽ để tránh sự lạm dụng quyền lực, đồng thời phải có những biện pháp mạnh mẽ mà chính quyền nêu ra được thực thi, không vấp phải những phản ứng từ cộng đồng.

Việc ban bố tình trạng khẩn cấp cần xác định những đặc điểm cụ thể tránh tình trạng lạm quyền và khách quan, công khai, minh bạch đối với các biện pháp mà chính quyền áp dụng trong bối cảnh cụ thể.

Thứ nhất, tình trạng khẩn cấp có thể xuất hiện ở bất kì nơi nào, bất kì thời điểm nào nhưng không thể dự báo trước và gắn liền với thẩm quyền đặc biệt của nhà nước. Nhà nước chỉ có thể dự liệu về khả năng xảy ra dựa trên các nguyên nhân để đưa ra những biện pháp ứng phó với tình trạng khẩn cấp nhằm giảm thiểu những thiệt hại ở mức thấp nhất.

Chính bởi đặc điểm này, Carl Schmit cho rằng tình trạng khẩn cấp đòi hỏi phải cho phép chính quyền thực thi quyền lực tuyệt đối, theo nguyên tắc “chủ nghĩa tự do sẽ luôn phải tuân theo sự cai trị độc đoán"[7]. Còn Giorgio Agamben, trong cuốn "State of Exception" (Tình trạng Ngoại lệ) thì nhận định, tình trạng khẩn cấp đã trở thành “mô hình thống trị của chính phủ trong nền chính trị đương đại”, và cũng cho rằng tình trạng khẩn cấp cần cho phép chính phủ hành động ngoài luật pháp và trật tự pháp lý[8].

Theo Bruce Ackermann, cần xây dựng các “quy tắc hiến pháp khẩn cấp" và xem đó là cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro làm lung lay nền móng dân chủ và phá hoại các quyền tự do dân sự cơ bản trong một xã hội khi xuất hiện tình trạng khẩn cấp[9]. Đây cũng là quan điểm của nhiều học giả về quyền lực Nhà nước phải bị giới hạn theo quy định của Hiến pháp, kể cả tình trạng khẩn cấp.

Thứ hai, tình trạng khẩn cấp thường dẫn tới khả năng hạn chế hành vi và các quyền của con người như hạn chế tự do cá nhân, cụ thể như hạn chế tự do đi lại, tự do kinh doanh và tự do hội họp... nhằm ứng phó với các thảm họa thiên nhiên như động đất, hạn hán, chiến tranh.v.v... Trong một số trường hợp, chính quyền có thể trưng dụng những tài sản hay dịch vụ cần thiết để giải quyết tình hình. Luật của các quốc gia thường quy định cụ thể các biện pháp áp dụng, tuy nhiên sẽ có những khác biệt nhất định giữa các quốc gia nhưng đều dựa trên các tiêu chuẩn về Luật nhân quyền quốc tế. Tại khoản 1 Điều 4 ICCPR, quy định "trong thời gian có tình trạng khẩn cấp xảy ra đe dọa sự sống còn của quốc gia và đã được chính thức công bố, các quốc gia thành tiên có thể có những biện pháp tạm đình chỉ thực hiện các quyền nêu ra trong công ước này, trong chừng mực để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của tình hình, với điều kiện những biện pháp này không trái với những nghĩa vụ khác của quốc gia đó xuất phát từ luật pháp quốc tế và không chứa đựng bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội".

Việc hạn chế hành vi và một số quyền con người trong tình trạng khẩn cấp có thể được hiểu là việc cho phép nhà nước tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm quyền (hay tạm đình chỉ thực hiện quyền - derogation from rights). Theo cách tiếp cận của ICCPR, việc tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm được quy định chung ở Điều 4, với hầu hết các quyền dân sự, chính trị, trừ một số quyền tuyệt đối không bị hạn chế trong mọi hoàn cảnh mà được liệt kê trực tiếp ở khoản 2 Điều 4. Trong khi đó, đối với nhómquyền kinh tế, xã hội và văn hoá, chỉ có quyền đình công và quyền làm việc là có thể bị tạm đình chỉ[10].

So sánh hai công ước cơ bản về nhân quyền là ICCPR và Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (ICESCR), 1966, có thể thấy rằng việc tạm đình chỉ một số quyền dân sự, chính trị trong tình trạng khẩn cấp là chính đáng và cần thiết, nhưng tạm đình chỉ các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội thì thường ít được chấp nhận hơn. Theo Manisuli Ssenyonjo, cách thức quy định ở ICESCR "hàm ý rằng Công ước này nói chung vẫn có hiệu lực trong các tình huống xung đột vũ trang, chiến tranh hay các tình trạng khẩn cấp khác, và ít nhất là các nhà nước không được tạm dừng các nghĩa vụ bảo đảm những quyển kinh tế, xã hội, văn hoá cốt lõi theo Công ước này”[11].

Từkinh nghiệm thế giới cho thấy nhiều quốc gia thường giới hạn cả các quyền xét xử công bằng trong tình trạng khẩn cấp, điều này không phù hợp với quy định tại Điều 4 ICCPR[12]. Đối với tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh[13], một số quốc gia đã tạm đình chỉ thực hiện hàng loạt quyền cá nhân cơ bản khác, bao gồm cả các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá – điều mà không phù hợp với ICESCR[14].Như vậy, tình trạng khẩn cấp ở nhiều quốc gia thường được sử dụng như là bình phong cho các hành vi xâm phạm nhân quyền[15].

Thứ ba, tình trạng khẩn cấp đòi hỏi những ứng phó chỉ mang tính tạm thời bởi với bất kỳ biện pháp ứng phó nào trong tình trạng khẩn cấp đều là mới, chưa có tiền lệ nên khó đảm bảo rằng các biện pháp áp dụng của chính quyền đều phát huy hiệu quả trong thời gian dài. Do đó, các biện pháp ứng phó được các quốc gia áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, bao gồm cả việc hạn chế, tạm ngừng bảo đảm một số quyền con người, đều cần mang tính chất tạm thời bởi tình trạng khẩn cấp luôn mang yếu tố bất thường. Chính vì vậy, việc áp dụng các biện pháp trong tình trạng khẩn cấp cần được đặc biệt chú ý nhằm tránh nguy cơ chuyển các biện pháp đó từ mang tính chấttạm thời thành kéo dài vô thời hạn – vì việc này có thể giúp một cá nhân hay nhóm cá nhân nắm giữ quyền lực nhà nước một cách toàn diện và lâu dài, song sẽ làm mất đi nền tảng dân chủ của xã hội.

Tại Điều 27(1) Công ước nhân quyền châu Mĩ (ACHR) nêu rằng, “việc tạm ngừng nghĩa vụ bảo đảm của quốc gia đối với các quyền con người trong tình trạng khẩn cấp chỉ có giá trị trong thời hạn nghiêm ngặt theo yêu cầu của tình hình” nên có thể thấy tính tạm thời chủ yếu thể hiện qua thời gian áp dụng các biện pháp khẩn cấp. Việc đình chỉthực hiện quyền trong khoảng thời gian không giới hạn, cũng như việc duy trì các biện pháp đó một khi các hoàn cảnh thúc đẩy chúng (nguyên nhân dẫn đến tình trạng khẩn cấp) đã kết thúc, sẽ cấu thành hành vi vi phạm Công ước[16]. Để phòng ngừa vi phạm yêu cầu về tính tạm thời, Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ cho rằng: việc chấm dứt biện pháp tạm đình chỉ quyền là không đủ, thay vào đó, chính phủ phải có hành động chủ động khôi phục việc hưởng thụ các quyền cho những người bị ảnh hưởng thông qua các biện pháp thích hợp, bao gồm cả việc bởi thường thỏa đáng với những ai bị thiệt hại do áp dụng tình trạng khẩn cấp[17].

Thứ tư, Hiến pháp và pháp luật các quốc gia thường không quy định vềcác loại tình trạng khẩn cấp và các biện pháp ứng phó cụ thể do tính chất khó dự đoán của nó. Tình trạng khẩn cấp thường chỉ được nêu khái quát trong hiến pháp của các quốc gia như “các mối đe dọa tới trật tự hiến pháp", "các mối đe dọa nghiêm trọng và trực tiếp tới trị an (public order)" hay “mối đe dọa tới toàn vẹn lãnh thổ và độc lập...

Thứ năm, tình trạng khẩn cấp tiềm ẩn những rủi ro lạm quyền của cơ quan hành pháp.Vai trò của các cơ quan hành pháp trở nên nổi bật hơn hẳn so với các cơ quan lập pháp và tư pháp trong tình trạng khẩn cấp xẩy ra vì cơ quan hành pháp có chức năng chính trong việc duy trì trật tự, an ninh của xã hội trong bối cảnh cấp thiết. Điều này dễ dẫn tới sự lạm quyền của cơ quan hành pháp, đòi hỏi phải có cơ chế phù hợp nhằm hạn chế khả năng lạm quyền của hành pháp trong bối cảnh khẩn cấp.

3. CÁC ĐIỀU KIỆN TUYÊN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP

Nguồn pháp luật về tình trạng khẩn cấp ở các quốc gia có thể được quy định trong hiến pháp, các luật và thậm chí cả trong các văn bản dưới luật, nhằm quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong việc xác định, ban bố và thực thi các biện pháp đối phó với tình trạng khẩn cấp.Các biện pháp đặc biệt được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, việc hủy bỏ tình trạng khẩn cấp và một số nội dung có liên quan khác được quy định chặt chẽ về thẩm quyền và thủ tục tuyên bố tình trạng khẩn cấp.Thông thường, tình trạng khẩn cấp được ban bố khi có các điều kiện nhất định về chủ thế, khách thể và nguyên nhân, cụ thể như sau:

Về chủ thể: Theo quy định của pháp luật quốc tế thì “quốc gia thành viên" là chủ thể có tư cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp, mà không chỉ đích danh cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền đưa ra tuyên bố đó. Như vậy, chủ thể nắm giữ vai trò đại diện của quốc gia sẽ có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp. Thực tế ở hầu hết quốc gia, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp là do người đứng đầu cơ quan hành pháp (mà không phải lúc nào cũng là đại diện của nhà nước). Ở một số nước, việc này phải do nghị viện phê chuẩn.

Xét từ nguyên tắc phân quyền: Các cơ quan hành pháp nắm giữ quyền ban bố tình trạng khẩn cấp.Để hạn chế sự tùy tiện của các cơ quan hành pháp, pháp luật quốc tế khuyến nghị dành thẩm quyền này cho các cơ quan lập pháp. Trong trường hợp không thể được triệu tập kịp thời, cơ quan lập pháp có thể uỷ quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho chính phủ, hay xem xét, phê chuẩn tuyên bố của chính phủ sau khi tình trạng khẩn cấp được công bố.

Nghị quyết năm 1968 của Ủy ban nhân quyền Liên Mỹ (LACHR) đã chỉ ra rằng: tuyên bố về tình trạng khẩn cấp không được dẫn tới bất kì hạn chế nào đối với nền pháp quyền, với các điều khoản của hiến pháp hay tạo ra bất kì sự thay đổi nào trong các nhánh quyền lực[18]. Quy định tương tự cũng được Ủy ban Venice thuộc Hội đồng châu Âu (Council of Europe) nêu ra trong các kiến nghị liên quan tới quy định hiến pháp về quyền hạn tuyên bố tình trạng khẩn cấp mà được ban hành sau sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô-Đông Âu cũ (sau năm 1989) với mục đích trách tình trạng lạm dụng tình trạng khẩn cấp để thay đổi chế độ dân chủ.

Về khách thể, cần nghiên cứu và xác định những vấn đề sẽ bị ảnh hưởng khi ban bố tình trạng khẩn cấp, vì khi xác định được các khách thể quan trọng thì việc lựa chọn và áp dụng các biện phápứng phó với tình trạng khẩn cấp mới có hiệu quả. Trong những trường hợp khẩn cấp khác nhau thì khách thể chịu tác động khác nhau. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp tuyên bố tình trạng khẩn cấp đều ảnh hưởng tới các quyền con người. Nhìn từ góc độ của luật quốc tế, các quốc gia không thể tự do tạm đình chỉ các quyền con người trong tình trạng khẩn cấp vì trong các công ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, như ICCPR, Công ước châu Âu về Nhân quyền (ECHR), và Công ước châu Mỹ về Nhân quyền, đều liệt kê một loạt các quyền được gọi là các quyền con người không thể bị hạn chế (non-derogable human rights). Những quyền về con người không thể bị giới hạn hay tạm đình chỉ thực hiện trong bất kì trường hợp nào, cả trong tình trạng khẩn cấp hoặc trong thời chiến. Danh mục các quyền không thể bị hạn chế trong các công ước nêu trên có sự khác nhất định, nhưng đều bao gồm quyền được sống, quyền không bị bắt làm nô lệ hay nô dịch, quyền được bảo vệ không bị tra tấn hoặc đối xử hay trừng phạt dã man, vô nhân đạo hay đê hèn, cũng như nguyên tắc không hồi tố của luật hình sự (không có tội nếu không có luật). Ngoài ra, theo Ủy ban Venice, việc duy trì một số quyền khác trong tình trạng khẩn cấp cũng rất quan trọng, đặc biệt là cơ chế bảo vệ tối thiểu chống lại việc giam giữ tùy tiện, quyền được xét xử công bằng và quyền khiếu nại tới tòa án để chống lại các đạo luật và hành động lạm dụng của chính quyền trong tình trạng khẩn cấp[19].

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng khẩn cấp được xác định là do hoàn cảnh thực tế bắt buộc các nhà nước phải tạm thời rời bỏ một số nghĩa vụ về đảm bảo quyền con người để đối phó với tình huống xảy ra. Các nguyên nhân được xác định là tình trạng khẩn cấp thường là chiến tranh, hiếm họa với cộng đồng hoặc những tình trạng cấp thiết khác mà đe dọa tới sự độc lập và an ninh của quốc gia". Tuy nhiên, không phải bất cứ khủng hoảng hoặc khó khăn nào cũng có thể dẫn tới tình trạng khẩn cấp, ít nhất phải thỏa mãn được các điều kiện sau:

Thứ nhất, đó phải là một sự kiện đang xảy ra hoặc sắp xảy ra đe dọa tới sự độc lập và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cần loại trừ những nguy cơ mang tính tiềm ẩn, suy đoán thuần túy.

Trong báo cáo thường niênnăm 1980-81, Ủy ban nhân quyền Liên Mỹ (IACHR) đã nêu lên quan ngại về thực trạng lạm dụng tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong những tình huống không thực sự cần thiết ở một số nước khu vực châu Mỹ, bao gồm Bolivia (khi chính quyền giành được quyền lực từ 12/07/1980 và sau đó đặt toàn bộ lãnh thổ nước này trong tình trạng thiết quân luật); Colombia (tình trạng khẩn cấp được ban bố từ năm 1948 cho tới năm 1980, và chỉ được gỡ bỏ trong vài khoảng thời gian ngắn). Các quốc gia đều đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp chỉ để phục vụ cho mục đích duy trì, bảo vệ quyền lực của chính phủ. Theo quy định của Luật pháp quốc tế "những biện pháp khẩn cấp chỉ được xem là chính đáng khi được dùng để đối phó các mối đe dọa thực sự tới trật tự công cộng và an ninh quốc gia”[20].

Thứ hai, tình trạng khẩn cấp phải có tính chất nghiêm trọng đặc biệt "đe dọa tới sự độc lập hoặc an ninh của quốc gia”. Trường hợp có chiến tranh xảy ra nhưng không cấu thành mối đe dọa nghiêm trọng với độc lập hoặc an ninh của quốc gia hoặc cuộc chiến tranh đó chỉ xảy ra ở một phần lãnh thổ và không thực sự có ảnh hưởng lớn tới đời sống thường nhật của cư dân ở quốc gia đó thì không được xem là tình trạng khẩn cấp.

Thứ ba, tình trạng khẩn cấp phải ảnh hưởng tới khả năng tồn tại liên tục của một cộng đồng. Trường hợp tình huống chỉ đe dọa tới sự tồn tại của chính thể thì không thể là nguyên nhân chính đáng cho việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp, vì các tình huống mang tính hòa bình như bầu cử cũng có thể làm chấm dứt sự tồn tại liên tục của một chính thể. Chính quyền của một quốc gia cũng chính là tác nhân đe dọa tới đời sống có tổ chức của đất nước, ví dụ như chính quyền Somaza ở Nicaragua[21], hay chính quyền Khơ-me đỏ ở Cam-pu-chia trước đây.

4. BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN TRONG TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP

Tình trạng khẩn cấp có thể xem là căn cứ hợp pháp để giảm thiểu việc thụ hưởng một số quyền con người so với trong điều kiện thông thường. Pháp luật về tình trạng khẩn cấp luôn làm giới hạn nhiều quyền hiến định một cách tạm thời với mức độ khắc nghiệt. Trong tình trạng khẩn cấp, đặc biệt trong hoàn cảnh chiến tranh hay dịch bệnh nghiêm trọng, nhiều quốc gia xuất hiện nhu cầu giới hạn các quyền hiến định để xử lý tình huống cấp thiết. Trong trường hợp đó, nhà nước tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm một số quyền (hay còn gọi là tạm đình chỉ quyền)[22]. Việc tạm đình chỉ quyền là việc phápluật quy định cho phép tạm thời thu hẹp nghĩa vụ của nhà nước đối với việc bảo đảm một số quyền cá nhân nhất định trong những hoàn cảnh đặc biệt như tình trạng khủng hoảng xã hội nghiêm trọng hay chiến tranh[23]. Nói cách khác, tình trạng khẩn cấp có thể xem là căn cứ hợp pháp để giảm thiểu việc thụ hưởng một số quyền con người so với trong điều kiện thông thường[24].

Mặc dù tạm đình chỉ quyền chỉ được chấp nhận trong tình trạng khẩn cấp với thời gian ngắn, nhưng có khả năng tác động đến hàng loạt quyền con người cơ bản. Tạm đình chỉ quyền thường được áp dụng trên diện rộng với nhiều quyền hơn và có tính chất khắc nghiệt hơn so việc giới hạn quyền trong bối cảnh thông thường. Việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp là rất cần thiết.

Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát việc tạm dừng nghĩa vụ của Nhà nước về bảo đảm quyền con người trong tình trạng khẩn cấp bằng việc đưa ra danh mục các quyền không thể bị tạm đình chỉ và khuyến nghị áp dụng nguyên tắc tương xứng khi áp dụng các biện pháp đình chỉ thực hiện quyền theo quy định của Luật nhân quyền quốc tế. Việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp có thể được xem xét dưới hai góc độ: Một là, bảo đảm đối với các quyền con người, quyền công dân thuộc phạm vi có thể bị tạm đình chỉ (derogable rights); hai là, bảo đảm đối với các quyền con người, quyền công dân không thuộc phạm vi tạm đình chỉ (non-derogable rights).

4.1. Bảo đảm các quyền có thể bị tạm đình chỉ trong tình trạng khẩn cấp

Luật nhân quyền quốc tế chỉ có thể đặt ra những điều kiện nhằm bảo đảm việc tạm dừng nghĩa vụ của quốc gia không bị lạm dụng quá mức cần thiết, mặc dù tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm quyền con người của Nhà nước trong tình trạng khẩn cấp là không thể tránh khỏi. Việc áp dụng tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm quyền con người của các quốc gia cần phải căn cứ vào điều kiện và tình hình cụ thể.

Thứ nhất, việc tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm quyền chỉ mang tính tạm thời và trong một thời hạn nhất định. Chỉ trong trường hợp đặc biệt, các quốc gia với được áp dụng việc tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm liên quan đến quyền con người. Các biện pháp giới hạn quyền con người nói chung có thể được áp dụng liên tục trong thời gian dài, thậm chí không xác định thời gian kết thúc tồn tại trong đời sống xã hội như giới hạn quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, quyền tự do đi lại thông qua chế độ thị thực nhập cảnh….

Thứ hai, pháp luật quốc gia cần quy định và giải thích các quyền không thể bị tạm đình chỉ (non derogable rights).

Theo quy định của luật pháp quốc tế, một số quyền có một số quyền mà các quốc gia không được tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm (non-derogable rights), với các quyền này các quốc gia luôn phải bảo đảm và không có lý do chính đáng nào cho phép giới hạn hay tạm đình chỉ thực hiện các quyền này, kể cả trong tình trạng khẩn cấp như: quyền sống; quyền không bị bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm; không bị bắt làm nô lệ, nô dịch; không bị bỏ tù chỉ vì lý do không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng; một số quyền trong nhóm quyền xét xử công bằng quyền được công nhận là thế nhân trước pháp luật; quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo[25].

Theo Công ước nhân quyền châu Mỹ (ACHR), danh mục các quyền không thể bị đình chỉ còn bao gồm: các quyền về gia đình (điều 17), quyền có họ tên (điều 18), các quyền của trẻ em (điều 19), quyền có quốc tịch (điều 20) và quyền được tham gia vào chính phủ (điều 23). Ngoài ra, trong điều ước quốc tế về nhân quyền cũng liệt kê các quyền cụ thể mà trong đó các cơ quan có chức năng giải thích các văn kiện quốc tế về nhân quyền không thể bị đình chỉ trong tình trạng khẩn cấp như các quyền về dân sự và chính trị.v.v… Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các quyền không thể bị đình chỉnh không hoàn toàn là những quyền không thể bị giới hạn. Giữa hai khái niệm này có sự giao thoa với nhau về phạm vi. Ở đây cần xem xét đến khái niệm các quyền tuyệt đối (absolute rights) có nghĩa là không bị giới hạn trong bất kỳ tình huống nào và đó cũng là các quyền không thể bị giới hạn, mặt khác có những quyền tuyệt đối nhưng vẫn được xem là quyền không bị tạm đình chỉ trong trường hợp khẩn cấp.

Thứ ba, nguyên tắc tương xứng cần được áp dụng trong việc tạm đình chỉ quyền khi có tình trạng khẩn cấp.

Luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của nhiều quốc gia,nguyên tắc tương xứng được quy định trong luật về tình trạng khẩn cấp, bởi đây là là nguyên tắc chung cho việc giới hạn quyền con người. Nguyên tắc tương xứng được coi là một thành tố quan trọng của học thuyết trình tự pháp lý công bằng (due process of lau). Tuy nhiên, khái niệm tương xứng vẫn khá mơ hồ khi áp dụng trong thực tế, nên việc cụ thể hóa nội dung của nguyên tắc này là cần thiết và hữu ích cho các tổ chức, cá nhân muốn cân nhắc xem việc giới hạn quyền có là tương xứng với yêu cầu đặt ra từ hoàn cảnh hay không cần căn cứ vào các yếu tố như sự chính đáng, tính phù hợp, sự cần thiết và tính công bằng[26].

Sự chính đáng hướng tới việc giải thích về mục đích của việc tạm đình chỉ quyền. Các yếu tố được đưa ra để biện minh cho việc tạm đình chỉ quyền đó là chính đáng, nó được mô tả về sự tồn tại của nền dân chủ, an ninh quốc gia, trật tự công cộng phòng ngừa tội phạm, bảo vệ trẻ em, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tính chất khoan dung, nhân văn, các nguyên tắc pháp quyền một cách rõ ràng hoặc được suy ra từ các nguyên tắc hiến pháp.

Tính phù hợp được đặt ra để đánh giá mối quan hệ giữa phương tiện và mụcđích của việc tạm đình chỉ quyền là mối quan hệ hợp lý trên cơ sở các nguyên tắc theo quy định của pháp luật.

Sự cần thiết thể hiện đối với biện pháp lựa chọn tạm đình chỉ quyền là sự lựa chọn tốt nhất và không có phương án thay thế.

Tính cân bằng là trạng thái cần thiết phải cân nhắc giữa lợi ích thu được phải cao hơn thiệthại khi áp dụng biện pháp tạm đình chỉ quyền.

4.2. Bảo đảm các quyền không thuộc phạm vi tạm đình chỉ trong tình trạng khẩn cấp

Theo luật nhân quyền quốc tế, việc bảo đảm các quyền tuyệt đối không được giảm bớt so với thời điểm chưa xuất hiện tình trạng khẩn cấp, và việc này không khó đánh giá bởi các quyền không bị đình chỉ trong tình trạng khẩn cấp hiển nhiên bao gồm các quyền tuyệt đối. Tuy nhiên, trong tình trạng khẩn cấp có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, nhưng hầu như chưa có tình huống nào dẫn tới việc các quốc gia sẽ phải tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm (tạm đình chỉ) đối với tất cả các quyền con người không phải là các quyền tuyệt đối.

Trên thực tế, khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, dù không phải là các quyền con người tuyệt đối mà không thể bị hạn chế như đã phân tích, vẫn có những quyền con người khác không bị tạm đình chỉnhư quyền về sự riêng tư, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền được xác định giới tính... Có thể nêu ra một trường hợp đã diễn ra trong đợt Covid-19 thứ hai ở Việt Nam (chính thức được công bố tại Đà Nẵng từ ngày 25/7/2020), một số cơ quan truyền thông đã công khai thông tin về những bệnh nền của một số bệnh nhân nhiễm Covid-19. Điều này dường như đã được chấp nhận một cách dễ dãi bởi công chúng cũng như các cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, xét về góc độ pháp luật quyền con người thì đây thực chất đã vi phạm quyền được bảo mật về tình trạng bệnh tật, là một trong các yếu tố thuộc về quyền riêng tư của các bệnh nhân, được pháp luật bảo hộ và không bị tạm đình chỉ trong bối cảnh ở Việt Nam vào thời điểm đó. Ở đây, phần thông tin về bệnh nền của các bệnh nhân (đặc biệt là các ca tử vong) hiển nhiên không giống như thông tin về lịch trình di chuyển của các ca bệnh, do đó không có ý nghĩa trực tiếp trong công tác ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.Như vậy, ở góc độ quản lý Nhà nước (cơ quan hành pháp) và góc độ lập pháp,vấn đề nằm ở chỗ những quyền đã nêu dường như ít được quan tâm trong những bối cảnh như tình trạng khẩn cấp, điều mà khiển cho nhu cầu bảo đảm các quyền này trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp càng trở nên thiết thực hơn.Thực tế, cho thấy cơ chế phổ biến là trao quyền cho các cơ quan hành pháp khi xảy ra một tình trạng khẩn cấp, vai trò của các cơ quan lập pháp và tư pháp trở nên mở nhạt hơn trong việc xử lí các vấn đề trực tiếp của tình trạng khẩn cấp. Nhìn từ góc độ khác, điều đó lại là cơ hội để các nhánh quyền lực này có điều kiện chú trọng hơn vào hoạt động kiểm tra, giám sát việc bảo đảm các quyền con người trong tình trạng khẩn cấp.

Đối với cơ quan lập pháp, có nhiều phương thức để kiểm soát cơ quan hành pháp nhằm bảo đảm các quyền con người không bị tạm đình chỉ trong tình trạng khẩn cấp, nhưng phương thức điển hình vẫn là thực hiện thẩm quyền đình chỉ hành động của cơ quan hành pháp hoặc yêu cầu một cuộc giải trình về hành vi lạm quyền hay thiếu chặt chẽ của chủ thể hành pháp đối với việc bảo đảm một quyền con người không thuộc phạmvi bị tạm đình chỉ. Phương thức này tuy có ưu điểm là tiết kiệm thời gian và sớm ngăn chặn khả năng tái diễn sự vi phạm, nhưng cơ bản không giúp những chủ thể đã chịu tổn hại về quyền được bồi hoàn những thiệt hại đã mất và cũng cần xem xét đến vai trò của các cơ quan tư pháp trong vấn đề này. Mặc dù có nhược điểm là hành động tốn thời gian hơn so với cơ quan lập pháp, nhưng bù lại, việc xem xét của các cơ quan tư pháp có thể gây tác động mạnh hơn với chủ thể hành pháp so với những hậu quả có tính chính trị khi đối mặt với các cơ quan lập pháp.

Trong lịch sử lập hiến của Pháp, Hội đồng Bảo hiến đã tích cực giám sát các biện pháp cưỡng chế trong tình trạng khẩn cấp để bảo đảm không vi phạm quyền con người, bằng cách công bố rằng biện pháp thu thập dữ liệu kĩ thuật số trên các phương tiện thông tin của Chính phủ là trái với Điều 2 của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789, cũng như vi phạm Hiến pháp Cộng hoà Pháp. Với tuyên bố này, các chủ thể đã chịu thiệt hại có cơ sở pháp lí để truy đòi những khoản bồi thường vật chất thực tế. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng trong tình trạng khẩn cấp, các cơ quan tư pháp thường đặt yêu cầu bảo vệ lợi ích công, tức tính mạng, sức khoẻ của cộng đồng, cao hơn so với yêu cầu về kiểm soát quyền lực trong bối cảnh thông thường

Như vậy, tình trạng khẩn cấp được xác định trong những bối cảnh tự nhiên, bất thường, có thể diễn ra ở tất cả các quốc gia, đòi hỏi các nhà nước phải có biện pháp xử lý. Việc đối phó với những tình trạng khẩn cấp là trách nhiệm của các nhà nước, nằmtrong trách nhiệm chung là duy trì trật tự, bảo đảm an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sốngcủa người dân nên việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp và thực thi các biện pháp để xử lý các vấn đề phát sinh trong tình trạng khẩn cấp là việc làm đương nhiên của các nhà nước. Tính hiệu lực, hiệu quả của nhà nước được thể hiện một cách rõ nét trong việc đối phó với tình trạng khẩn cấp nên quyền hạn của cơ quan hành pháp trong trường hợp này được dành nhiều hơn và thường đòi hỏi tạm đình chỉ nhiều quyền con người hiếnđịnh.Chính vì vậy, hệ thống pháp luật quốc gia cần có những những quy định rõ ràng về thẩm quyền, phạm vi và các biện pháp giám sát, kiềm chế hành động của cơ quan nhà nước được giao thẩm quyền tuyên bố và xử lý tình trạng khẩn cấp để bảo đảm khả năng đối phí hiệu quả của Nhà nước mà không làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền dân chủ và nhân quyền.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Amnesty International, Responses to Covid-19 and States' Human Rights Obligations: Preliminary Ohserotions, năm 2020).

2 Ackerman, Bruce (2004). "The Emergency Constitution" Yale Law Journal Vol.113 Vol. 113:1029.

3. Aharon Barak, Proportionality: Constitutional Rights and Their Limitations, Cambridge University Press, 2012, trang 102. 4. Bertrand G. Ramcharan, The Fundamentals of International Human Rights Treaty Law

5. Cons, const., 19 févr. 2016, n° 2016-536 QPC, perquisitions et saisies administratives dans le cadre de l'état d'urgence.

6. Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), 1966

7. Công ước Châu Âu về nhân quyền

8. Công ước Châu Mỹ về nhân quyền

9. Dominique Rousseau, "L'état d'urgence - un état vide de droit", viêt 01/02/2006, truy cập 19/5/2020, https://www.revue-projet.com/articles/2006-2-1-etat-d-urgence-un-etat-vide-de-droit-s/ 10. Bùi Tiến Đạt, Học thuyết trình tự công bằng và việc bảo vệ quyền con người: Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 11, năm 2015

11. Müller, Limitations to and Derogations from Economic, Social and Cultural Rights

12. Manisult Ssenyonjo, Economic, Social and Cultural Rights: An Examination of State Obligations trong sách: Sarah Joseph và Adam McBeth (chủ biên), Research Handbook on International Human Rights Law, Edward Elgar, năm 2010

13. Neal Andrew W. (2006). "Foucault in Guantánamo: Towards an Archaeology of the Exception"Security Dialogue, 37:1

14. Geneva Centre for the Democratic Control of Armed Forces, Securing Democracy? A ComparativeAnalysis of Emergency Powers in Europe, Policy Paper-só 30

15, Gross, Oren (2003). "Chaos and Rules: Should Responses to Violent Crises Always beConstitutional?" Yale Law Journal, No. 112

16. Gross và Aolain, Law in Times of Crisis: Emergency powers in theory and practice,

17. Grossman, Claudio. A Framework for the Examination of States of Emergency Under the American Convention on Human Rights. American University International Law Review 1, no. 1 (1986):

18. Johns, Fleur (2005). "Guantánamo Bay and the Annihilation of the Exception" The European Journal of International Law 16:4;

19. Prozorov, Sergel (2005). "X/Xs: Toward a General Theory of the Exception" Alternatives: Global, Local, Political20. Sarah Joseph, Human Rights Committee: General Comment 29, Human Rights Law Review, so2 năm 2002

21. Siracusa Principles on the Limitation and Derogation of Provisions in the InternationalCovenant on Civil and Political Rights. Annex, UN Doc E/CN.4/1984/4 (1984), tại https:// www.uio.no/studier/emner/jus/humanrights/HUMR5503/h09/undervisningsmateriale/ Siracusa Principles.pdf

22. Scott P. Sheeran (2013), Reconceptualizing States of Emergency under International Human RightsLaw: Theory Legal Doctrine, and Polities, Tạp chí Luật quốc tế ĐH Michigan, tập 34, số 3

23. State of emergency, Annual Report of the Inter-American Commission on Human Rights 1980-81, OBA/Ser.L/V/L54, Doc. 9 rev. 1, 16 October 1981

24. Oren Gross và Fionnuala N's Aolain, Law in Times of Crisis: Emergency powers in theory and practice, Cambridge University Press, năm 2006

25. Ovunda VC. Okene, Derogations and Restrictions on The Right to Strike under International Law:The Case of Nigeria International Journal of Human Rights, só 13, năm 2009

26. Rossiter Clinton (1948 [2002]) Constitutional Dictatorship: Crisis Government in Modern Democracies Princeton University Press

27. Venice Commission European Commission for Democracy through Law (1995). "Emergency powers" by Ergun Ozbudun and Mehmet Turhan, in the series Science andtechnique of democracy No. 12 CDL-STD(1995) 012, Strasburg htinh trangp://www.venice.coe.int/docs/1995/CDL-STD(1995)012-e.asp,Recommendations".

28. William E. Scheuerman (2017), States of Emergency, trong The Oxford Handbook of Carl Schmitt,Edited by Jens Meierhenrich and Oliver Simons. The Oxford University Press.

29. http://www.academia.edu/21038017/Stages_of_the_Principle of Proportionalit,

30. http://www.academia.edu/21038017/Stages_of_the_Principle_of_Proportionality

31. https://www.lexico.com/definition/justitium

 


[1]https://www.lexico.com/definition/justitium

[2]Scott P. Sheeran (2013), Reconceptualizing States of Emergency under International Human Rights Law; Theory, Legal Doctrine and Polities, Tạp chí Luật quốc tế ĐH Michigan, tập 4, số 3, B12

 

[4]Geneva Centre for the Democratic Control of Armed Forces, Securing Democracy? A Comparative Analysis of Emergency Powers in Europe, Policy Paper-so 30, tr.10

[5]Điều 4(1) ICCPR. Công ước Châu Âu về nhân quyền và Công ước Châu Mỹ về nhân quyền cũng có cách diễn đạt tương tự

[6]Các đoạn 39-41 trong Các nguyên tắc Siracusa về các điều khoản giới hạn và tạm đình chỉ quyền trong ICCPR. Xem: Siracusa Principles on the Limitation and Derogation of Provisions in the International Covenant on Civil and Political Rights. Annex, UN Doc E/CN.4/1984/4 (1984), tại https://www.uio.no/studier/emner/jus/humanrights/HUMR5503/h09/undervisningsmateriale/ Siracusa Principles.pdf

[7]William E. Scheuerman (2017), States of Emergency, trong The Oxford Handbook of Carl Schmitt,Edited by Jens Meierhenrich and Oliver Simons. The Oxford University Press

[8]Nguyên văn: The state of exception necessarily implies operating outside of the laws and the legal order Trích từr Scheuerman (2006), op cit. Xem them Johns, Fleur (2005). "Guantánamo Bay and the Annihilation of the Exception" The European Journal of International Law 16:4; Neal Andrew W.(2006). "Foucault in Guantánamo: Towards an Archaeology of the Exception" Security Dialogue, 37:1, pp.31-46; Prozorov, Sergel (2005). "X/Xs: Toward a General Theory of the Exception" Alternatives: Global, Local, Political, pp. 81-112.

[9]Ackerman, Bruce (2004). "The Emergency Constitution" Yale Law Journal Vol.113 Vol. 113:1029 pp.1029-1091. Gross, Oren (2003). "Chaos and Rules: Should Responses to Violent Crises Always be Constitutional?" Yale Law Journal, No. 112, pp. 1011-1134

[10]Müller, Limitations to and Derogations from Economic, Social and Cultural Rights, tr. 601

[11]Manisuli Ssenyonjo, Economic, Social and Cultural Rights: An Examination of State Obligations trong sách: Sarah Joseph và Adam McBeth (chủ biên), Research Handbook on International Human Rights Law, Edward Elgar, năm 2010, tr. 38

[12]Gross và Aolain, Law in Times of Crisis: Emergency powers in theory and practice, tr. 267

[13]Như đại dịch toàn cầu Covid-19

[14]Như quyền riêng tư, quyền tự do đi lại, quyền về sức khỏe, quyền không bị phân biệt đối xử, quyền làm việc, vắc xin bắt buộc v.v... Xem: Annety International, Responses to Couid-19 and States' Human Rights Obligations: Preliminary Observations, năm 2020).

[15]Sarah Joseph, Human Rights Committee: General Comment 29, Human Rights Law Review, so 2, năm 2002, tr. 98

[16]Grossman, Claudio. A Framework for the Examination of States of Emergency Under the American Convention on Human Rights. American University International Law Review 1, no. 1 (1986): p.51.

[17]Grossman, Claudio. A Framework for the Examination of States of Emergency Under the American Convention on Human Rights. American University International Law Review 1, no. 1 (1986): p.51.

[18]Xem thêm tại: Bertrand G. Ramcharan, The Fundamentals of International Human Rights Treaty Law, tr143

[19]Venice Commission-European Commission for Democracy through Law (1995). "Emergency powers" by Ergun Özbudun and Mehmet Turhan, in the series Science and technique of democracy No. 12 CDL-STD(1995)012, Strasburg. htinh trangp://www.venice.coe.int/docs/1995/ CDL-STD(1995)012-e.asp, "Recommendations".

[20]State of emergency, Annual Report of the Inter-American Commission on Human Rights 1980-81, OEA/Ser.L/V/II.54, Doc. 9 rev. 1, 16 October 1981

[21]Như trên

[22]Bảo cáo của IACHR về Nicaragua năm 1978, phần Kết luận (URL: http//wwwadh.org/4 countryrep/Nicaragua?Beng/TOC.htm) “Derogation from rights" có thể được dịch là “tạm dừng nghĩa vụ bảo đảm quyền" nhằm nêu bản chất của vấn đề. Cách dịch "tạm đình chỉ quyền" ở một số tài liệu ở Việt Nam cũng có thể được dùng thay thế. Còn cách dịch "hạn chế quyền" ở một số tài liệu là không chính xác và gây nhằm lẫn với "limitation of rights.

[23]Oren Gross và Fionnuala N'1 Aolain, Law in Times of Crisis: Emergency powers in theory and practice, Cambridge University Press, năm 2006, tr. 257

[24]Xem phân tích về tạm đình chỉ quyền đình công trong Ovunda VC. Okene, Derogutions and Restrictions on The Right to Strike under International Law: The Case of Nigeria International Journal of Human Rights, số 13, năm 2009, t 558.

[25]Các quyền quy định trong điều 6, 7, 8 (các khoản 1 và 2), 11, 15, 16 và 18 (theo khoản 2 Điều 4 ICCPR).

[26]http://www.academia.edu/21088017/Stages_of_the_Principle of Proportionality

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành