Thứ năm, 18 Tháng 8 2022 16:07

Khái quát nội dung của pháp luật về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng

Pháp luật về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụngnội dung tương đối rộng, trong bài viết này nội dung pháp luật về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng được xem xét dựa trên các quan hệ xã hội đặc thù phát sinh từ hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng. Theo đó, nội dung pháp luật về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng thể được phân chia thành các qui định như sau: Các qui định về chủ thể thực hiện hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng; Các qui định về trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng; Các qui định về hợp đồng mua, bán nợ của tổ chức tín dụng; Các qui định về xử lý tài sản bảo đảm trong hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng; Các qui định về giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng.

1. Chủ thể thực hiện hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng

Bản chất của hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng là việc mua, bán quyền đòi nợ. Quyền đòi nợ là một trong những quyền tài sản mà theo đó nó có thể trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự. Về nguyên tắc, khi thực hiện hoạt động mua, bán nợ, bên bán nợ sẽ chuyển giao quyền đòi nợ cùng các quyền khác có liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ sẽ trở thành chủ nợ mới của khoản nợ được mua bán.

Mỗi quốc gia khác nhau, tùy thuộc vào cơ chế quản lý kinh tế và nguyên nhân dẫn đến nợ xấu mà sự tham gia của các chủ thể vào hoạt động mua, bán nợ cũng không đồng nhất. Chẳng hạn như Trung Quốc, nguyên nhân của nợ xấu bắt nguồn từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện cho vay theo chỉ định đối với các doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp Nhà nước lại hoạt động không hiệu quả, kết quả kinh doanh thua lỗ kéo dài, dẫn đến tình trạng các ngân hàng thương mại cho vay không thu hồi được vốn. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm và các khoản nợ này khó xử lý. Vì thế quá trình xử lý nợ xấu ở Trung Quốc gắn trực tiếp với các biện pháp cải cách được thực hiện bởi Chính phủ nhằm chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường cũng như quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nướchệ thống tài chính. Do vậy, Trung Quốc đã thành lập các công ty quản lý tài sản được nhà nước tài trợ (các AMC) và trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2003 có 4 AMC được thành lập, mỗi công ty tương ứng với một trong số 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn. Theo đó, các khoản nợ xấu được chuyển giao tại mức giá trị sổ sách trực tiếp từ 4 ngân hàng thương mại cho 4 AMC tương ứng. Các AMC này huy động vốn từ các nguồn khác nhau như: Ngân sách nhà nước; Khoản vay đặc biệt từ ngân hàng trung ương Trung Quốc; Phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Bộ Tài chính; Vay thương mại từ các định chế tài chính khác. Tuy nhiên, trên thực tế để mua lại nợ xấu, các AMC đã phải vay tới 40% từ ngân hàng trung ương Trung Quốc, 60% còn lại được tài trợ bằng trái phiếu của AMC phát hành cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước.

Khác với Trung Quốc, ở Nhật Bản chủ thể chủ yếu tham gia vào hoạt động mua, bán nợ của các tổ chức tín dụng ở Nhật Bản chính là 2 tổ chức: Công ty mua, bán nợ RCC (Resolution and Collection Corporation) và quan tái thiết công nghiệp IRCJ (Industrial revitalization Corporation of Japan). Ngoài ra còn có sự tham gia của AMC trực thuộc các ngân hàng, song hoạt động của các AMC này được đánh giá là không thực sự hiệu quả. Sự ra đời của các chủ thể này xuất phát từ yêu cầu giải quyết hệ quả của cuộc khủng hoảng của Nhật Bản trong thập niên 90 bắt nguồn từ sự đầu cơ ồ ạt vào thị trường chứng khoán và bất động sản trong giai đoạn trước đó tạo nên một “bong bóng” của nền kinh tế. Do vậy khi nền kinh tế bị tăng trưởng quá nóng và hậu quả là “bong bóng” bất động sản và thị trường chứng khoán vỡ, các doanh nghiệp bị thua lỗ hàng loạt, nợ quá hạn và nợ khó đòi tăng   cao gây ra cuộc khủng hoảng tín dụng trong hệ thống ngân hàng. Trước tình hình đó, Nhật Bản đã thi hành chính sách kinh tế khẩn cấp thông qua việc hoàn thiện chức năng công ty mua, bán nợ RCC (Resolution and Collection Corporation), và thành lập công ty được Chính phủ hỗ trợ vốn để giúp các công ty đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn tái cấu trúc tình hình tài chính, nhân sự, khoa học – Industrial revitalization Corporation of Japan (IRCJ).

Ở Việt Nam, trong hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, bên bán nợ là các tổ chức tín dụng còn bên mua nợ là các tổ chức, cá nhân theo qui định của pháp luật. Như vậy, có thể thấy trong mối quan hệ giữa bên bán nợ và bên mua nợ thì chủ thể là bên bán nợ hạn chế hơn so với bên mua nợ. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng trên thị trường mặc dù khối lượng nợ của tổ chức tín dụng nói chung và nợ xấu nói riêng khá lớn nhưng số lượng doanh nghiệp chuyên trong hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng vẫn còn hạn chế. Các chủ thể là bên mua nợ có tính chuyên nghiệp bao gồm: Công ty TNHH mua, bán nợ Việt Nam (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính; Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trực thuộc ngân hàng Nhà nước và khoảng gần 30 doanh nghiệp mua bán nợ (AMC) trực thuộc các ngân hàng thương mại. Ngoài những chủ thể mua nợ nêu trên thì sự tham gia của cá nhân hay các tổ chức khác vào thị trường mua, bán nợ còn rất hạn chế.

2. Các qui định về trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng

Trình tự, thủ tục được hiểu là những việc cụ thể phải làm theo một trật tự qui định để tiến hành một công việc. Như vậy, theo nghiên cứu sinh, trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng có thể được hiểu là các công việc cần thực hiện theo một trật tự qui định trong quá trình thực hiện hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng.

Để đảm bảo cho hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng được thực hiện một cách có hiệu quả trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, các bên tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong khuôn khổ của pháp luật thì trên thực tế, hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng cũng được thực hiện theo những qui trình, thủ tục nhất định. Tính chất nhất định đó còn tùy thuộc vào hoạt động mua, bán nợ được thực hiện bởi những chủ thể nào và phương thức mua, bán nợ được các chủ thể tham gia mua, bán nợ quyết định lựa chọn là phương thức thỏa thuận hay đấu giá. Hay nói cách khác, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng sẽ có những điểm đặc thù.

3. Các qui định về hợp đồng mua, bán nợ của tổ chức tín dụng

Hợp đồng mua, bán nợ của tổ chức tín dụng là sự thỏa thuận giữa bên bán nợ (tổ chức tín dụng) và bên mua nợ, theo đó bên bán nợ chuyển quyền sở hữu đối với quyền đòi nợ (và tài sản bảo đảm của khoản nợ nếu có) cho bên mua nợ, còn bên mua nợ có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán nợ.

Hợp đồng mua, bán nợ chính là cơ sở làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động mua, bán nợ và cũng là cơ sở để giải quyết tranh chấp có thể sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Pháp luật liên quan đến hợp đồng mua, bán nợ của tổ chức tín dụng bao gồm các qui định sau:

Về hình thức hợp đồng mua, bán nợ của tổ chức tín dụng

Hình thức của hợp đồng là phương tiện để ghi nhận nội dung mà các chủ thể đã xác định. Hình thức của hợp đồng ngoài ý nghĩa là cơ sở ghi nhận các thỏa thuận liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên còn là cơ sở để xem xét nghĩa vụ của các bên khi có sự vi phạm hợp đồng. Giao dịch dân sự nói chung tùy thuộc vào giá trị đối tượng của giao dịch; sự ảnh hưởng và tác động của phong tục, tập quán, thói quen, mức độ tin cậy giữa các bên tham gia giao dịch; qui định của pháp luật… mà nó được thể hiện dưới một trong ba hình thức: lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Đây cũng chính là điểm chung trong pháp luật về hợp đồng của một số các quốc gia trên thế giới. Chẳng hạn:

Cộng hòa Pháp, pháp luật của quốc gia này qui định hợp đồng mua bán có thể được lập dưới hình thức công chứng thư hoặc tư chứng thư.

Tại Hoa Kỳ, pháp luật qui định hợp đồng có thể tồn tại dưới hình thức văn bản, bằng lời nói hoặc thông qua hành vi của các bên. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định (05 trường hợp), hợp đồng phải tồn tại bằng văn bản nếu không sẽ không được Tòa án thừa nhận hiệu lực pháp lý. Trong số 05 trường hợp, có hợp đồng mua bán hàng hóa có giá trị từ 500 USD trở lên (Điều 2-201 của UCC – Uniform Commercial Code).

Cộng hòa Liên bang Đức, về hình thức hợp đồng, pháp luật qui định hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói hoặc hành vi, có thể được thể hiện dưới hình thức điện tử trừ một số trường hợp bắt buộc hình thức hợp đồng phải được lập thành văn bản, hợp đồng phải chữ tay hoặc chữ tắt được công chứng.

Khác với các quốc gia nêu trên, pháp luật của Úc không yêu cầu thủ tục hay qui định bất biến một hình thức hợp đồng nhất định. Hợp đồng bằng miệng hay hợp đồng bằng văn bản đều được chấp nhận bởi Tòa án nếu có đầy đủ yếu tố tạo nên hợp đồng. Như vậy, hợp đồng mua, bán nợ ở Úc không bắt buộc phải giao kết bằng hình thức văn bản. Tuy nhiên, trên thực tế cũng hiếm thấy một hợp đồng thương mại ở Úc không kèm theo một chứng cứ giấy tờ nhất định.

Về hình thức của hợp đồng nói chung, pháp luật Việt Nam có sự tương đồng với pháp luật của Pháp, Hoa kỳ và Đức. Theo đó, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo qui định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi giao dịch bằng văn bản. Trường hợp luật qui định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng kí thì phải tuân theo qui định đó. Trên cơ sở đó, đối với hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng ở Việt Nam, hợp đồng mua, bán nợ là một trong số những giao dịch bắt buộc phải được thể hiện dưới dạng văn bản mà các bên chủ thể của hợp đồng mua, bán nợ không được quyền lựa chọn hình thức bằng lời nói hay hành vi cụ thể. Theo đó, mua, bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh….

Lý giải về vấn đề này, nghiên cứu sinh cho rằng, xuất phát từ thực tiễn cũng như đặc thù của đối tượng giao dịch là quyền tài sản, thường có giá trị lớn do vậy nhằm nâng cao độ xác thực về những nội dung đã cam kết thì buộc các bên phải ghi nhận lại những nội dung đó bằng một văn bản. Căn cứ vào văn bản hợp đồng các bên dễ dàng thực hiện quyền của mình. Không những vậy, nếu có tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể thì hợp đồng mua, bán nợ được giao kết bằng hình thức văn bản tạo ra chứng cứ pháp lý chắc chắn hơn so với các hình thức khác. Đây cũng chính là một trong những điều kiện để hợp đồng mua, bán nợ đã được giao kết có hiệu lực pháp luật.

Về nội dung của hợp đồng mua, bán nợ của tổ chức tín dụng

Nội dung của hợp đồng mua, bán nợ là tổng hợp những điều khoản mà bên mua nợ và bên bán nợ đã thỏa thuận. Các điều khoản đó xác định những quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên trong hợp đồng. Nội dung của hợp đồng mua, bán nợ có thể bao gồm các loại điều khoản sau đây:

Một là, những điều khoản cơ bản

Đây là những điều khoản xác định nội dung chủ yếu của hợp đồng và là những điều khoản không thể thiếu được trong hợp đồng mua, bán nợ như: Thời gian ký kết hợp đồng mua bán nợ; Tên, địa chỉ của các bên tham gia kí kết hợp đồng mua, bán nợ; Tên, chức danh người đại diện của các bên tham gia kí kết hợp đồng mua, bán nợ; Tên, địa chỉ của bên nợ và các bên có liên quan (nếu có) tới khoản nợ được mua, bán; Chi tiết khoản nợ mua, bán như số tiền vay, thời hạn vay, mục đích, giá trị ghi sổ của khoản nợ đến thời điểm thực hiện mua, bán nợ;

Các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của bên nợ đối với khoản nợ được mua, bán (nếu có); Giá bán nợ, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán; Thời điểm, phương thức và thủ tục chuyển giao hồ sơ, chứng từ khoản nợ, bao gồm cả hồ sơ, tài liệu về tài sản bảo đảm của khoản nợ (nếu có); Thời điểm bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ đối với khoản nợ của bên bán nợ;

Quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ, bên mua nợ; Trách nhiệm của các bên do vi phạm hợp đồng; Giải quyết tranh chấp phát sinh.

Hai là, những điều khoản thông thường (thường lệ)

Đây là những điều khoản được pháp luật qui định và nếu khi giao kết hợp đồng mua, bán nợ mà bên mua nợ và bên bán nợ không thỏa thuận những điều khoản này thì hai bên thực hiện như pháp luật đã qui định. Chẳng hạn như qui định về đồng tiền thu hồi nợ là đồng tiền của khoản nợ hoặc đồng tiền khác theo thỏa thuận giữa bên mua nợ và bên bán nợ. Nhưng nếu trong hợp đồng mua, bán nợ các bên không thỏa thuận về vấn đề này thì được thực hiện theo qui định của pháp luật; còn nếu có thỏa thuận trong hợp đồng mà thỏa thuận đó không trái với qui định của luật thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên.

Ba là, những điều khoản tùy nghi

Đây những điều khoản các bên tham gia giao kết hợp đồng mua, bán nợ tự ý lựa chọn thỏa thuận với nhau để xác định các quyền nghĩa vụ đối với nhau. Theo đó, ngoài những điều khoản chủ yếu, cơ bản các bên thể thỏa thuận các nội dung khác trong hợp đồng mua, bán nợ không trái với qui định của pháp luật.

Tóm lại, hợp đồng mua, bán nợ của tổ chức tín dụng chính là cơ sở pháp lý quan trọng để bên mua nợ và bên bán nợ thực hiện được các mục đích của mình. Do đó, để đảm bảo an toàn cho hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng hạn chế tranh chấp phát sinh từ hoạt động này đòi hỏi các chủ thể phải đặc biệt chú trọng đến các nội dung của hợp đồng mua, bán nợ ngay từ khi xác lập hợp đồng.

Về hiệu lực của hợp đồng mua, bán nợ

Liên quan đến hiệu lực của hợp đồng mua, bán nợ của tổ chức tín dụng thì có hai vấn đề cần đề cập đó là: Các điều kiện để hợp đồng mua, bán nợ của tổ chức tín dụng có hiệu lực và Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng này. Theo đó:

Một là, về các điều kiện để hợp đồng mua, bán nợ của tổ chức tín dụng có hiệu lực

Pháp luật của Pháp cũng chỉ ra các điều kiện chủ yếu để hợp đồng có hiệu lực. Theo đó, hợp đồng chỉ có hiệu lực khi thỏa mãn 4 điều kiện chủ yếu sau đây: Các bên giao kết hoàn toàn tự nguyện; Các bên giao kết có năng lực giao kết hợp đồng; Đối tượng của hợp đồng phải xác định; Căn cứ của hợp đồng phải hợp pháp.

Ở Việt Nam, hợp đồng mua, nợ của tổ chức tín dụng được hình thành theo sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của các bên chủ thể. Song, hợp đồng này chỉ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của chủ thể tham gia giao dịch khi nó đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng mua, bán nợ nói riêng. Đó chính là các điều kiện về: chủ thể tham gia giao kết hợp đồng; tính hợp pháp đối với mục đích và nội dung của giao dịch mua, bán nợ; tính tự nguyện của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng; và hình thức của hợp đồng mua bán nợ (phải bằng văn bản).

Hai là, về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua, bán nợ của tổ chức tín dụng

Việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua, bán nợ là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập, giao kết và thực hiện hợp đồng. Khi hợp đồng có hiệu lực đồng nghĩa với việc các bên tham gia hợp đồng chính thức bị ràng buộc bởi các thỏa thuận của mình trong hợp đồng. Hay nói cách khác, lúc này các bên phải thực hiện các nghĩa vụ đã được xác lập từ hợp đồng đó.

Chẳng hạn, pháp luật Việt Nam có qui định hợp đồng mua, bán nợ của tổ chức tín dụng phải được lập thành văn bản. Tuy nhiên, pháp luật ngân hàng không đưa ra qui định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua, bán nợ. Do đó, trên cơ sở qui định của Bộ luật Dân sự 2015 và tùy vào từng trường hợp cụ thể, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua, bán nợ của tổ chức tín dụng được xác định như sau:

Trường hợp 1: Các bên thỏa thuận không yêu cầu công chứng, chứng nhận vào hợp đồng thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có thể là: thời điểm bên sau cùng kí vào văn bản hợp đồng mua, bán nợ (nếu các bên không có thỏa thuận nào khác về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng này); hoặc thời điểm khác mà các bên đã tự thỏa thuận với nhau (nếu các bên có thỏa thuận khác về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua, bán nợ).

Trường hợp 2: Các bên thỏa thuận về việc yêu cầu công chứng, chứng nhận vào hợp đồng thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua, bán nợ là thời điểm công chứng viên ký và có đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

Trường hợp 3: Khi khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua, bán nợ có thể được xác định là ngày phát hành trái phiếu đặc biệt hoặc thời điểm khác do các bên thỏa thuận.

4. Các qui định về xử lý tài sản bảo đảm trong hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng

Trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng thường yêu cầu khách hàng phải áp dụng một trong số các biện pháp bảo đảm để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết thì tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản bảo đảm đó để thu hồi vốn. Do đó, áp dụng biện pháp bảo đảm trong hoạt động cấp tín dụng là cần thiết để nhằm hạn chế các rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, việc xử lý các tài sản bảo đảm gắn liền với các khoản vay cũng như qui chế pháp lý trong lĩnh vực này vẫn đang là vấn đề chưa tìm được một giải pháp thực sự có hiệu quả. Chẳng hạn như các qui định có liên quan đến quyền xử lý tài sản bảo đảm; phương thức xử lý tài sản bảo đảm; quyền thu giữ tài sản bảo đảm…

5. Các qui định về giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng

Đây là nhóm qui định không thể thiếu bởi lẽ bất kì một quan hệ xã hội nào đều có nguy cơ phát sinh tranh chấp giữa các chủ thể tham gia quan hệ đó và hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng cũng không phải là ngoại lệ. Hay nói cách khác, mâu thuẫn, bất đồng vẫn luôn có thể xảy ra sau khi các bên trong quan hệ mua, bán nợ đã thỏa thuận xác lập, thực hiện hợp đồng mua, bán nợ. Do đó, việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng là cần thiết vì nó sẽ góp phần lành mạnh hóa hoạt động này. Mặc dù, pháp luật của nhiều quốc gia như Hoa kỳ, Đức, Úc, Hàn Quốc, Malaysia, Nga và một số quốc gia khác trong đó có Việt Nam đều thừa nhận có những phương thức khác nhau để giải quyết một tranh chấp kinh doanh thương mại như thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại, Tòa án và việc lựa chọn phương thức nào do các bên tranh chấp thỏa thuận quyết định. Song, cơ chế để giải quyết các tranh chấp khi có phát sinh cũng còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có qui định riêng hay cơ chế đặc thù để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng mà vẫn đang vận dụng các qui phạm pháp luật về hợp đồng, pháp luật về tố tụng chung (tố tụng trọng tài, tố tụng tòa án…) để giải quyết. Và về cơ bản loại tranh chấp này nếu có phát sinh thì chủ yếu được giải quyết bằng con đường thương lượng, hòa giải tuy nhiên số lượng cũng rất ít và việc đưa ra các cơ quan tài phán chỉ trong các trường hợp đặc biệt. Riêng đối với nợ xấu của tổ chức tín dụng thì những tranh chấp phát sinh liên quan đến tài sản bảo đảm cụ thể 02 loại tranh chấp: tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nếu có phát sinh được giải quyết bằng con đường Tòa án thì Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý tài sản bảo đảm; Giao dịch bảo đảm hoặc biện pháp bảo đảm đã được đăng kí theo qui định của pháp luật; và Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự giải trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản. Như vậy, Nghị quyết số 42/2017/QH14 mặc dù đã có qui định riêng về giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng song về cơ bản không có gì khác biệt so với các khoản nợ khác.

Như vậy, có thể nói nội dung pháp luật về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng khá đa dạng và phức tạp. Do vậy, đòi hỏi phải đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các qui phạm pháp luật với nhau. Đáp ứng được yêu cầu đó sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng từ đó giúp cho các bên khi tham gia vào hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng đạt được mục tiêu của mình đồng thời tạo đà phát triển cho nền kinh tế nói chung.


Tài liệu tham khảo:

  1. 1.Nguyễn Hồng Sơn (2015), “Kinh nghiệm các quốc gia trong xử lý nợ xấu và vai trò của Bảo hiểm tiền gửi”, Kỷ yếu hội thảo Đánh giá tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu,tr.8-17
  2. Ngân hàng nhà nước (2015), Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17 tháng 7 năm 2015 qui định về hoạt động mua, bán nợ của Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, HàNội.
  3. Ủy ban kinh tế Quốc hội (2016), Thể chế pháp luật kinh tế một số quốc gia trên thế giới, Nxb tài chính, HàNội.
  4. 4.Quốc hội (2015), Bộ luật dân sự, HàNội
  5. 5.Quốc hội (2017), Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, HàNội
  6. 6.Basel Committee
  7. Code Civil 1804(France).

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành