Thứ năm, 18 Tháng 8 2022 23:30

Xu hướng chuyển hóa pháp luật nước ngoài vào hệ thống pháp luật quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa

1. Cơ sở xác định tính khả thi của chuyển hóa pháp luật

Trong lý luận pháp luật hiện đại, quá trình tương tác ảnh hưởng và tiếp nhận lẫn nhau giữa các hệ thống pháp luật được gọi là quá trình chuyển hóa pháp luật (legal transplant). Một số khái niệm đồng nghĩa cũng được sử dụng với một vài sự khác nhau không lớn, gồm các từ ngữ như “du nhập pháp luật”, “cấy ghép pháp luật”, “tham khảo luật nước ngoài” v.v… Có thể nói một cách khái quát nhất rằng chuyển hóa pháp luật là quá trình chuyển hóa một chính sách pháp luật, hay một khái niệm, ý tưởng pháp luật, quy phạm pháp luật, chế định pháp luật cũng như các giải pháp lập pháp hay áp dụng pháp luật từ một hệ thống pháp lý này sang một hệ thống pháp lý khác.

Trên thế giới, chuyển hóa pháp luật diễn ra theo hai “chuyển hóa pháp luật áp đặt” và “chuyển hóa pháp luật tự nguyện”. Về chuyển hóa pháp luật áp đặtđược các nhà nghiên cứuphương Tây thống kê về sự áp đặt pháp luật của người Norman ở Anh bắt đầu từ thời trị vì của Hoàng đế người Norman William Đệ Nhất (1066-1087) với sự hình thành hệ thống Thông luật Common Law[1]. Đối với trường hợp tiếp nhận Bộ luật Dân sự Pháp năm 1804 ở một vùng rộng lớn các quốc gia châu Âu trong suốt thế kỷ XIX cũng được gắn với cuộc chinh phục của quân đội Napoleon[2] về phía Đông châu Âu như Bỉ, Luxemburg, Hà Lan, phần tả sông Rhein của nước Đức, một số vùng đất của Italia[3]. Bộ luật dân sự ở Việt Nam ra đời vào những năm 20-30 của thế kỷ XX cũng nằm trong quỹ đạo của quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp tại Việt Nam nên sự áp đặt pháp luật đã diễn ra như các cuộc chinh phục, quá trình thực dân hóa và chiếm đóng lãnh thổ. Sự chuyển hóa có tính áp đặt xuất phát từ mục đích và lợi ích của bên thực hiện chuyển đổi, cho dù quá trình tiếp theo sau đó có thể đã diễn ra trong sự cọ xát giữa các nền văn hóa và tập quán khác nhau.

Chuyển hóa pháp luật tự nguyện, như tên gọi của nó, là sự “trao” và “nhận” các yếu tố của hệ thống pháp luật một cách tự nguyện, trước hết là sự tự nguyện của nền tài phán nhận, theo đó, nền tài phán “chuyển” đã chứng tỏ được uy tín và những tính chất vượt trội hoặc đại diện cho những nền kinh tế, chính trị, xã hội mà “bên nhận” cho là đáng học hỏi. Nhà nghiên cứu Norbert Reich - giáo sư trường Đại học Luật Breman, Cộng hòa Liên bang Đức, đưa ra nhận xét “chuyển hóa pháp luật là một phạm trù của sự học hỏi và thay đổi”[4] xuất phát từ nhu cầu của bên nhận trong việc cải cách, sửa đổi pháp luật nhằm thúc đẩy những chuyển biến về kinh tế, xã hội, tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề trong nước. Sự chuyển hóa pháp luật thành công và mang lại hiệu quả cao về kinh tế, chính trị,văn hóa, xã hội là quá trình hình thành và phát triển không gian pháp luật của Liên minh châu Âu là một minh chứng điển hình. Đây được xem là quá trình tích hợp hai hướng chuyển hóa pháp luật: chuyển hóa giữa các hệ thống pháp luật của các quốc gia thành viên với nhau và chuyển hóa pháp luật của Liên minh đến từng quốc gia thành viên. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, EU là một liên minh của 28 quốc gia thành viên đa dạng về văn hóa, về hệ thống pháp luật, ngôn ngữ (trong đó có ngôn ngữ pháp lý), tư duy pháp lý. Những trường hợp thành công này chứng tỏ tính hữu dụng của việc chuyển hóa pháp luật trong quá trình cải cách pháp luật.

Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu pháp luật vẫn tồn tại hai luồng quan điểm khác biệt nhau về tính khả thi của chuyển hóa pháp luật. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, chuyển hóa pháp luật là điều hoàn toàn cần thiết và khả thi, còn loại ý kiến thứ hai lại cho rằng đó là điều không thể và thậm chí là vô nghĩa độc hại.

Những người đưa ra quan điểm thứ nhất về tính không khả thi của chuyển hóa pháp luật không ai khác chính là nhà tư tưởng Pháp thế kỷ XVIII - Montesquieu khi ông cho rằng “pháp luật chỉ nên được coi là sản phẩm đặc thù của một cộng đồng người và nếu pháp luật của một nước lại có thể phù hợp với nhu cầu của nước khác thì điều đó cần được coi là điều ngẫu nhiên mà thôi!”. Tuy nhiên, Montesquieu đã không phủ nhận hoàn toàn khả năng vay mượn, tiếp nhận pháp luật[5]. Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu luật so sánh đã phản đối khả năng chuyển đổi pháp luật từ một quốc gia này sang một quốc gia khác.Nhà nghiên cứu luật so sánh người PhápPierre Legrandcho rằng, chuyển hóa pháp luật không có một chút hữu ích nào bởi các đạo luật được làm ra để vận hành trong một môi trường pháp luật, văn hóa và xã hội của một nước và nó không thể vận hành tương tự ở một môi trường khác. Theo Pierre Legrandngôn từ pháp lý có thể nhập khẩu nhưng ý nghĩa đích thực của ngôn từ ấy lại không thể dịch chuyển nổi vì các ngôn từ đã gắn kết với cả một nền văn hóa pháp lý - điều có ý nghĩa quan trọng nhất. Pierre Legrand cũng cho rằng, mỗi quy định pháp luật cũng chỉ là một thành tố, một mắt xích trong hệthống pháp luật và truyền thống pháp lý, văn hóa pháp lý của mỗi nước mà nội dung của quy định pháp luật này do chính nền văn hóa ấy quyết định. Từ đó Pierre Legrandkết luận rằng, quy định pháp luật một quốc gia nhận được từ quốc gia khác chỉ là cái vỏ ngôn ngữ mà thôi, còn ý nghĩa và hiệu lực thực sự của quy định đó thì quốc gia đó không thể thu nhận được[6].

Nhà nghiên cứupháp luật O.Kaln - Freund cho rằng, pháp luật nước ngoài du nhập vào để giải quyết các vấn đề nội tại không phải là giải pháp hiệu quả bởi các quy định của pháp luật nước ngoài luôn chịu sự rủi ro từ chính hệ thống pháp luật bản địa. Bên cạnh đó, A.Seidman và R.Seidman đã từng tham gia giúp một số quốc gia đang phát triển trong tiến trình cải cách pháp luật cũng cho rằng việc du nhập pháp luật nước ngoài một cách máy móc sẽ có nguy cơ gây tổn hại cho nước tiếp nhận, bởi hành vi của con người là sản phẩm của nhiều yếu tố cùng tác động và pháp luật cũng chỉ là một trong số đó. Một quy phạm pháp luật giống nhau nhưng ở hai quốc gia khác nhau sẽ mang lại kết quả hoàn toàn khác nhau[7].

Tuy nhiên, những ý kiến bi quan và cực đoan như trên là không phổ biến trong giới nghiên cứu luật học so sánh. Ngược lại với quan điểm đó là quan điểm khẳng định rằng, chuyển hóa pháp luật là điều “đặc biệt phổ biến” cả trong lịch sử và cả trong thời đại ngày nay. Theo nhà nghiên cứu lịch sử pháp luật và luật so sánh Alan Watsonthì “vay mượn, cấy ghép pháp luật nước ngoài là nguồn chủ yếu nhất của sự phát triển pháp luật” và “những thay đổi chủ yếu nhất của các hệ thống pháp luật đều là sản phẩm của sự vay mượn pháp luật[8]. Theo A.Watson thì “cho dù là nguồn gốc lịch sử của các quy định, chế định pháp luật ấy có như thế nào thì nhiều quy định có thể tồn tại mà không cần có bất kỳ một sự liên hệ gần gũi mang tính dân tộc nào, một thời gian hay địa điểm nào”.

Đứng giữa hai luồng quan điểm về chuyển hóa pháp luật - một bên tuyệt đối hóa tính bất khả thi và một bên là tuyệt đối hóa khả năng chuyển hóa - là quan điểm cho rằng, sự cần thiết và tính hữu dụng, tính phổ biến của việc chuyển hóa pháp luậtlà điều chắc chắn, nhưng hiệu quả thật sự là sự gắn kết với các điều kiệnkháchquan và chủ quan của nước nhập ngoại pháp luật. Chính Montesquieukhi đưa ra luận thuyết về sự thiếu khả thi trong vay mượn pháp luật cũng đã chỉ rõđiều kiện cho hiệu ứng của pháp luật ngoại lai là sự phù hợp với “khí hậu của mỗiquốc gia, chất lượng đất, vị trí và quy mô lãnh thổ, lối sống của người bản địa, liênquan đến mức độ của sự tự do mà Hiến pháp ghi nhận, tôn giáo của cư dân, sởthích, sự giàu có, chỉ số hoạt động thương mại, phong tục và tập quán”[9].

Thực tiễn của nhiều quốc gia trong việc tiếp nhận pháp luật nước ngoài đã cho thấy trường hợp thành công và những trường hợp thất bại cũng như những khó khăn và thách thức trong việc tiếp nhận pháp luật nước ngoài đều liên quan đến mức độ và khả năng gắn kết với các điều kiện đặc thù của nước tiếp nhận. Xin nêu ra 2 ví dụ mô phỏng trong trường hợp thành công và thất bại theo các lý thuyết đã phân tích ở trên:

Ví dụ Nhật Bản vào các thế kỷ XIX và XX việc tiếp nhận pháp luật phương Tây đã diễn ra cùng với quá trình tân tự do, công nghiệp hóa và hiện đại hóa xã hội. Các nhà nghiên cứu luật học Nhật Bản cho rằng, quá trình tiếp nhận pháp luật phương Tây đã tỏ ra rất thành công ở đất nước này nhờ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nằm ngay trong pháp luật bản địa tồn tại trước đó vốn đã phản ánh những giá trị truyền thống của Nhật Bản “làm nền” cho pháp luật du nhập có điều kiện được hấp thụ một cách thuận lợi[10].

Ví dụ thứ hai liên quan đến các quốc gia thuộc Liên xô cũ và các nước XHCN trước dây ở Đông Âu. Quá trình cải cách pháp luật ở các quốc gia chuyển đổi này diễn ra dưới ảnh hưởng của cả hai hệ thống pháp luật lớn vốn tồn tại ở các nước Tây Âu và Mỹ. Pháp luật, nhất là pháp luật dân sự của các quốc gia XHCN trước đây vốn gần gũi hơn với truyền thống pháp lý châu Âu lục địa và ít gần với hệ thống Thông luật. Do vậy, mặc dù có sự hỗ trợ bởi EU và bởi cơ quan phát triển của Mỹ nhưng việc chuyển hóa trong các lĩnh vực pháp luật về hợp đồng thương mại, giao dịch bảo đảm đối với động sản, luật công ty, các dịch vụ tài chính - những gì nằm trong tổ hợp pháp luật về thị trường - đã khôngphát huy được hiệu quả trên thực tế ở các quốc gia này trong một thời gian dài sau khi tiếp nhận. Lý do ở đây không liên quan đến pháp luật được tiếp nhận mà là ở chỗ, các thể chế pháp lý sở tại như Tòa án, Trọng tài, Luật sư v.v… đã chưa sẵn sàng cho sự tiếp nhận và áp dụng pháp luật và vận hành những thể chế được tiếp nhận từ các quốc gia theo hệ thống Thông luật. Bằng chứng hiện hữu trên thực tế của các nước thuộc Liên xô cũ và Đông Âu là sự chuyển đổi khá hỗn loạn sang kinh tế thị trường vào những năm 90 của thế kỷ XX do sự va chạm giữa những quy tắc mới với thói quen và thực tiễn pháp luật cũ, khả năng “tiêu hóa” những cái mới[11].

Nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia pháp luật cho rằng không chỉ sự tương đồng mà kể cả sự khác biệt của các hệ thống pháp luật cũng là động lực quan trọng cho việc tìm kiếm và vay mượn pháp luật. Thậm chí họ còn khẳng định rằng, chỉ có khác biệt mới giúp có được những bài học và dễ truyền cảm hứng học hỏi[12]. Giáo sư Alan Watson cho rằng, “có thể vay mượn mọi thứ từ bất cứ đâu”[13]. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra không phải là sự tương đồng hay khác biệt giữa các hệ thống pháp luật mà là tính hữu dụng của quy phạm hay chế định được chuyển đổi và tiếp nhận, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa khi nhiều vấn đề mới nảy sinh, chưa có tiền lệ đang đòi hỏi nhiều quốc gia tìm kiếm kịp thời những quy tắc pháp lý.

Hệ thống pháp luật của các quốc gia có thể có những điểm khác nhau, thậm chí là xung đột nhau nhưng mục đích hướng tới để cùng xử lý một vấn đề. Ví dụ về khái niệm “rửa tiền” do Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu đưa ra bởi khái niệm đó liên quan đến những hành vi rửa tiền phổ biến ở nhiều quốc gia và đã được các quốc gia tham khảo và tiếp nhận nội hàm[14].

2. Những yếu tố của hệ thống pháp luật có thể chuyển hóa

Từ những cách tiếp cận trên đây có thể nhận thấy rằng, xuất phát từ nhu cầu điều chỉnh pháp luật và đánh giá đúng khả năng áp dụng, bất kỳ thành tố, cấu trúc nào của một hệ thống pháp luật cũng có thể là đối tượng của việc chuyển hóa và tiếp nhận, vay mượn pháp luật.

Chuyển hóa, tiếp nhận các thuật ngữ, khái niệm pháp lý là hình thức chuyểnhóa pháp luật thường thấy trong hoạt động lập pháp và áp dụng pháp luật của các nước.

Nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu đã sử dụng khái niệm rửa tiền trong hệ thống pháp luật của họ và về sau được Liên hợp quốc sử dụng và bổ sung trên cơ sở kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong đấu tranh với các tội phạm tổ chức vào những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, kế đó là quy định trong Luật Yêu nước (Patriot Act 2001) trừng trị các tội tài trợ khủng bố, các quốc gia G7 đã lập ra lực lượng thực thi nhiệm vụ tài chính về chống rửa tiền, khái niệm rửa tiền (Money laundering) đã ra đời từ đó. Nhiều văn kiện của Liên HợpQuốc sau đó đã sử dụng khái niệm rửa tiền, chẳng hạn như Chương trình toàn cầu về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố của cơ quan chống ma túy và rửa tiền Liên HợpQuốc. Kể từ năm 2002, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã ban hành pháp luật chống rửa tiền. Khái niệm hành vi thương mại không công bằng vốn là sản phẩm của Mỹ được xác định trong một văn bản của Ủy ban Thương mại Liên bang vào năm 2002 đã được Liên minh châu Âu tiếp nhận.

Chuyển hóa và tiếp nhận các chế định pháp luật có thể đạt được mức độ cao hơn về các khái niệm pháp lý, điểm hình như chế định bảo vệ người tiêu dùng của Ấn độ trước năm 1986. Tại thời điểm đó, những vụ việc liên quan tới quyền loại người tiêu dùng đã được các thẩm phán Ấn độ chỉ dựa vào khái niệm cung về công lý, công bằng và lương tâm (Justice, equity and good conscience), nhưng trong nhiều trường hợp thì điều đó không đủ để giải quyết những tranh chấp phức tạp ngày một tăng ở Ấn Độ nhất là các tranh chấp của người tiêu dùng bình dân[15]. Trước sức ép của người tiêu dùng đã trở thành một phong trào rộng lớn, Quốc hội Ấn độ đã ban hành Luật bảo vệ người tiêu dùng vào năm 1986 dựa trên việc tiếp nhận chế định này từ pháp luật của Liên minh châu Âu và vay mượn một số khái niệm từ mô hình bảo vệ người tiêu dùng của Mỹ, nhằm khắc phục những thiếu hụt do áp dụng thông luật[16].

Các thiết chế tài phán thường hay sử dụng chuyển hóa, tiếp thu kinh nghiệm trong cách giải thích pháp luật, kinh nghiệm xét xử , đây cũng là cách chuyển hóa pháp luật thực tế nhất khi chưa cần đến chuyển hóa các quy phạm hay các chế định pháp luật cụ thể. Theo Thẩm phán Tòaán tối cao Mỹ O.W.Homes được GS. Reich trích dẫn rằng “sự sống của pháp luật không phải là logic mà là kinh nghiệm”[17]. Kinh nghiệm ở đây được hiểu là đời sống trong hiện thực của một quy định hay chế định pháp luật hoặc rộng hơn nữa là một giải pháp pháp lý hay được áp dụng cho những tình huống của cuộc sống.

Quá trình chuyển hóa pháp luật trong mối tương tác giữa hệ thống pháp luật của một quốc gia với hệ thống pháp luật khác đã và đang diễn ra không đơn thuần chỉ là giữa quốc gia với quốc gia. Một số quốc gia đã chuyển hóa pháp luật của Mỹ vào hệ thống pháp luật quốc gia (Nga hay Trung Quốc), trong sự tương tác của những cách nhìn vốn là khác nhau trước đây về pháp luật, thực tiễn pháp luật, đào tạo pháp luật. Chính vì vậy, nhiều quốc gia châu Âu vốn thuộc hệ thống luật thành văn đã trở nên coi trọng án lệ của Tòa án, tiếp nhận nhiều chế định pháp luật và chế định tư pháp có nguồn gốc từ hệ thống Thông luật như chế định mặc cả thú tội (plea bargaining), chế định bồi thẩm đoàn; Các cuộc cải cách hệ thống tố tụng hình sự của các nước châu Âu như Italia, Tây Ban Nha, Đức và nhiều quốc gia khác trên thế giới, kể cả các quốc gia chuyển đổi như LB Nga, Ba Lan, Hungary v.v… đã được thực hiện theo hướng chuyển một cách căn bản từ tố tụng thẩm vấn (Inquisitorial Criminal Procedure) sang mô hình tố tụng tranh tụng (Adversarial Criminal Procedure)[18].

3. Áp dụng cách thức phổ biến của toàn cầu hóa pháp luật

Chuyển hóa pháp luật thông qua các hình thức đã nêu và phân tích trên đây là những kênh chuyển hóa chính thức của Nhà nước thông qua các hoạt động lập pháp và áp dụng pháp luật.

Trong khi đó, trong thực tiễn hoạt động thương mại, đầu tư diễn ra hàng ngày, hàng giờ thì sự thừa nhận, tiếp nhận pháp luật của một nước khác lại diễn ra thường xuyên hơn và thực tế hơn với chủ thể là các thể nhân và pháp nhân pháp luật tư. Thực tế đó đã chứng minh nhận định của Giáo sư Alan Watson rằng, nhiều quy định của luật tư có thể chuyển hóa vào nhau mà không cần có bất kỳ sự liên hệ gần gũi nào về mặt quốc gia, thời điểm hay địa điểm nào, bởi luật tư là thứ tương tựnhau ở nhiều nơi[19]. Việc áp dụng pháp luật của quốc gia khác trong các giao dịch thương mại và trong giải quyết tranh chấp thương mại được thực hiện thông qua một chế định quan trọng của tư pháp quốc tế là áp dụng quy phạm pháp luật xung đột (the Conflict of Laws) trong các giao dịch tư pháp quốc tế liên quan đến nhiều nền tài phán khác nhau giữa các thể nhân và pháp nhân thuộc nhiều quốc gia khác nhau cũng như trong việc giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể đó, được thể hiện bằng các hình thức: thông qua quy tắc về quyền lựa chọn của các bên hợp đồng hoặc của cơ quan tài phán (Tòa án, Trọng tài) về luật áp dụng; thông qua việc lựa chọn luật áp dụng đối với các nghĩa vụ và trong trường hợp thay đổi các bên giao dịch v.v…[20] .

Đối với quy phạm pháp luật có nội dung xung đột sẽ tìm luật của một quốc gia để áp dụng cho việc điều chỉnh các giao dịch thương mại quốc tế. Đây là phương pháp áp dụng quy phạm gián tiếp dẫn chiếu tới luật quốc gia được áp dụng. Phần lớn các công ước quốc tế đã được ban hành làm cơ sở cho các bên lựa chọn luật áp dụng như Công ước Rome 1980 về luật áp dụng cho nghĩa vụ hợp đồng (The Convention of the Law Applicable to Contractual Obligations), Quy tắc Rome năm 2009 (The Rome I Regulation on Cross-Border Contract Liability), Công ước La Haye năm 1986 về luật áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (The Hague Convention on Law Appliable to Contractual Obligations) v.v…

Nguyên tắc chủ đạo của Tư pháp quốc tế cho phép phép áp dụng luật của một quốc gia cho việc giải quyết tranh chấp thuộc quan hệ luật tư. Nguyên tắc về quyền của các bên tự do lựa chọn luật áp dụng được ghi nhận trong pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới và cũng là nguyên tắc nền tảng của các công ước quốc tế (Điều 3 Công ước Rome 1980 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ hợp đồng, phần 11 của Quy tắc Rome I thay thế cho Công ước Rome năm 1980 về luật áp dụng đối với các nghĩa vụ hợp đồng, Điều 7 Công ước La Hay năm 1986 về luật áp dụng đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa, Điều 4 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 11 Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam…)

 


[1]KiralfyA.R.(1984),TheEnglishLegalSystem,7thed,London:SweetandMaxwell, p.3

[2]Amos(1928),TheCodeNapoleonandtheModernWorld10J.Comp.leg.222

[3]Norbert Reich (2016), “Theoretical Issues on Legal Transplant: Theories, Phenomena, Trends and Relevant Factors”, in Challenges and Practices of Legal Transplants in Vietnam: Sharing European Experience, Hong Duc Publishing House, Hanoi,pp.47-57.

[4]Norbert Reich (2016), “Một số vấn đề lý luận về chuyển hóa pháp luật”, trong sách: Thực tiễn và thách thức trong chuyển hoá pháp luật tại Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm của Liên minh châu Âu,tr.44.

[5]Ginsburg T.& al (2014), Classics in Comparative Law, Vol.1,Metodology

[6]Norbert Reich (2016), “Theoretical Issues on Legal Transplant: Theories, Phenomena, Trends and Relevant Factors”, in Challenges and Practices of Legal Transplants in Vietnam: Sharing European Experience, Hong Duc Publishing House, Hanoi,p.77.

[7]A. Seidman and R.Seidman (1994), State and Law in the Developing Process: Problem Solving and Institutional Change in the Developing World, Macmilan Publishers,UK, p.p.44-46

[8]A. Seidman and R.Seidman (1994), State and Law in the Developing Process: Problem Solving and Institutional Change in the Developing World, Macmilan Publishers,UK, p.p.47.

[9]Anne M.Cohler, Basia Carolyn Miller, and Harold Samuel Stone (eds.) (1989), Montesquieu: Spirit of the Laws, in the History of political thought, Cambridge, Cambridge UniversityPress, p.808

[10]Hiaoshi Oda (2011), Japanese Law, 3rd ed, Oxford UniversityPress; Kaneko Y. (2012), Accompanying Legal Transformation: Japanese Involvement in Legal and Judicial Reforms in Asia, InternationalCongress, p. 563

[11]GlemH.P.(2007),LegalTraditionoftheWorld,3rdedition,OxfordUniversityPress

[12]JWF Allison (1996), A Continental Distinction in the Common Law: A Historical and Comparative Perspective on English Public Law, Clarendon Press,Oxford, p.16

[13]AlanWatson(1976),LegalTransplantsandLegalReform,92(1976)LQR79

[14]C.J.P. van Laer (2002), “Comparative Concepts and Connective Integration”, Fifth Benelux - Scandinavian Conference on Legal Theory: European Legal Integration and Analytical Legal Theory, Maastrich, pp.28-29

[15]Ấn Độ - nước theo truyền thống Thông luật của Anh.

[16]Singh A. (2005), Law of Consumer Protection in India, NewDeli, p.187

[17]Reich, N (1966), Sociological Jurisprudence and Legal Realism in American Law, pp.45

[18]Richard Vogler (2005), A World View of Criminal Justice,Ashgate; Phillip L. Reichel (2001), Comparative Criminal Justice, B.I.I.C.L Publisher, London; Tomlinson E. (2007), “Comparative Criminal Justice in the UnitedStates,Germany, England, France”, Maryland School of Law Review, No.42, pp.15-33.

[19]Alan Watson (1993), Legal Transplants: An Approach to Comparative Law, 2nd ed, Athens, GA: University of GeorgiaPress, p.2

[20]Briggs, Andrian (2008), The Conflict of Laws (Second ed.), Oxford: Oxford UniversityPress

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành