Thứ hai, 08 Tháng 8 2022 06:03

Phân tích so sánh một số quyền cơ bản của cổ đông thiểu số

  1. Quyền nhận cổ tức

Trong công ty cổ phần, quyền được nhận cổ tức và các tài sản khác của doanh nghiệp tương xứng với tỷ lệ sở hữu trong vốn điều lệ của doanh nghiệp thông qua số cổ phần sở hữu trong doanh nghiệp. Cổ tức được hiểu là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính. Ở Việt Nam, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 114 Luật doanh nghiệp 2014 cổ đông có quyền được nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, cổ đông thiểu số cũng là cổ đông phổ thông nên cũng có quyền nhận cổ tức.

Theo Luật công ty của 4 nước Thái Lan (Điều 1200), Singapore (Điều 403), Malaysia (Điều 71, Điều 131), Philippines (Điều 6) cũng đều thừa nhận là tất cả các loại cổ đông đều được nhận cổ tức khi công ty hoạt động có lợi nhuận.

Điểm tương đồng ở các nước so sánh là cổ đông được chia cổ tức khi công ty cổ phần hoạt động có hiệu quả. Điều này có thể giải thích ở việc là xuất phát từ bản chất pháp lý khi so sánh luật công ty ở các nước đều có chung học thuyết hợp đồng, công ty là một hợp đồng, thành viên công ty sử dụng tài sản hoặc khả năng của mình vào hoạt động chung nhằm chia lợi nhuận hoặc kiếm lời có thể thu được qua hoạt động đó đồng thời cam kết cùng chịu lỗ. Vì vậy, khi công ty nói chung hay công ty cổ phần nói riêng hoạt động có hiệu quả thì việc chia lợi nhuận hay cổ tức cho các thành viên hay cổ đông là hoạt động đã được thỏa thuận trước. Ở Việt Nam, từ quy định của Luật Doanh nghiệp cho thấy việc chia cổ tức hay không chia cổ tức phụ thuộc phần lớn vào Đại hội đồng cổ đông, vì cổ đông chỉ nhận cổ tức với điều kiện: công ty làm ăn có lời và do Đại hội đông cổ đông quyết định mức chia. Như vậy, quyền nhận cổ tức của cổ đông thiểu số sẽ bị ảnh hưởng nếu các cổ đông lớn thống nhất trả cổ tức quá chậm so với quy định Việc này sẽ làm cho cổ đông thiểu số có tâm lý chán nản vì không đạt được lợi ích khi bỏ tiền ra đầu tư

Tại khoản 4 Điều 132 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội cổ đông thường niên”. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp niêm yết phần lớn thực hiện theo quy định này của Luật Doanh nghiệp, nhưng so với thông lệ tốt về quản trị công ty khu vực ASEAN quy định các doanh nghiệp niêm yết thường chi trả cổ tức trong vòng 30 ngày kể từ ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Từ đó cho thấy việc chi trả cổ tức theo quy định của pháp luật Việt Nam vẫn chưa đạt chuẩn của khu vực.

Đơn cử: Công ty Vinamilk (VNM), Đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp đã diễn ra ngày 31/3/2018 phê chuẩn mức trả cổ tức còn lại năm 2017 và sẽ thanh toán vào ngày 26/6/2018, tức là sau ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông tới gần 3 tháng. Tuy nhiên, nếu công ty trả cổ tức 6 tháng sau ngày đại hội như giới hạn Luật Doanh nghiệp quy định, thì đến cuối tháng 10/2018 trở đi cổ đông mới nhận được cổ tức. Thời gian chờ đợi lên tới 10 tháng mới nhận được lợi nhuận chốt từ cuối năm trước, như vậy quyền nhận cổ tức của cổ đông bị ảnh hưởng. Hoặc ở trường hợp khác, có trường hợp không ít doanh nghiệp chậm trả cổ tức theo luật định, thậm chí một số công ty nợ cổ tức vài năm liền. Chẳng hạn, trường hợp gần đây là công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) thông báo gia hạn thời gian thanh toán cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt từ ngày 25/1/2018 tới ngày 20/4/2018. Trong khi đó, Malaysia, Singapore thì rất tuân thủ việc trả cổ tức theo chuẩn mực của khu vực ASEAN, như Công ty TENAGA NASIONAL BHD của Malaysia, (mã chứng khoán TNB:MK)niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Bursa Malaysia có năm tài chính kết thúc 31/8/2017 và tổ chức họp Đại hội đông cổ đông vào ngày 18/12/2017. Sau Đại hội 10 ngày thì công ty trả cổ tức, trên tài liệu tham dự đại hội có nêu ngày trả cổ tức cuối kỳ là 29/12/2017 với mức trả cổ tức cuối kỳ là 44 sen/cổ phiếu (tiền xu của Malaysia)[1]. Với thực trạng điển hình trên cho thấy cổ đông Việt Nam khi hưởng quyền lợi của mình (nhận cổ tức) có thiệt hại nhiều hơn so với cổ đông khác trong khu vực.

Theo một thông lệ khác ở các nước ASEAN, cổ đông có quyền lựa chọn nhận cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu (hình thức này được gọi là script dividend). Với thời gian khoảng 2 tuần sau đại hội, cổ đông sẽ phảnhồi cho công ty về hình thức nhận cổ tức của mình và công ty sẽ trả cổ tức cho cổ đông trong vòng 60 ngày kể từ ngày tổ chức đại hội[2]. Đơn cử trường hợp công ty TA Corporation LTD của Singapore đề xuất quyền cổ đông chọn hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt cho năm 2017tại Đại hội đồng cổ đông vào ngày 27/4/2018. Nếu được Đại hội thông qua, công ty dự kiến sẽ hoàn tất việc trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt vào ngày 26/6/2018, tức là chỉ trong vòng có 60 ngày cho hình thức và thủ tục thanh toán cổ tức phức tạp và nhiều bước này[3].

Với thực trạng đã phân tích ở trên cho thấy vẫn còn khoảng cách khá xa giữa việc thực hiện của các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam trong thực hiện chi trả cổ tức so với thông lệ thực hành của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, quy định về thời hạn chi trả cổ tức được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp 2014 cũng là một sự thay đổi lớn trong việc bảo vệ cổ đông nói chung và bảo vệ cổ đông thiểu số nói riêng. Bởi vì, trước đây, Luật doanh nghiệp 2005 không ghi nhận thời hạn chi trả cổ tức, còn thời điểm chi trả được ủy quyền cho giám đốc (TGĐ) hoặc Hội đồng quản trị quyết định. Vì vậy, để có thời gian cho doanh nghiệp thích nghi, thực hiện, nâng cao hiểu quả bảo vệ quyền lợi của cổ đông Luật Doanh nghiệp 2020 vừa được Quốchội thông qua đã giữa thời hạn chi trả cổ tức theo Luật Doanh nghiệp 2014. Tuy nhiên, trong những lần sửa đổi, bổ sung lần sau, các nhà lập pháp có thể nghiên cứu, trao đổi để thay đổi thời hạn trên, qua đó thu hút đầu tư không chỉ từ các nhà đầu tư trong nước mà còn là các nhà đầu tư trong khu vực

2. Quyền ưu tiên mua cổ phần chào bán

Việc các công ty thường xuyên huy động thêm vốn để kinh doanh hoặc tăng vốn điều lệ trong quá trình hoạt động là điều cần thiết công ty cổ phần có ưu thế so với các loại hình doanh nghiệp khác trong huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu. Ở Việt Nam, theo điểm c, khoản 1, Điều 114, Luật doanh nghiệp 2014, cổ đông phổ thông được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông trong công ty.

Quyền được ưu tiên mua cổ phần khi công ty phát hành để tăng vốn điều lệ là một quyền tài sản cơ bản của cổ đông trong công ty cổ phân. Quyền ưu tiên mua cổ phần là quyền được xác định trên cơ sở tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông trong công ty, theo đó, cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần càng lớn thì càng có quyền ưu tiên mua cổ phần lớn hơn các cổ đông khác.

Đối với quyền này, các cổ đông hiện hữu được hưởng hai sự ưu tiên lớn nhất, quyết định cao đến việc sở hữu cổ phần đó là ưu tiên về giá, và ưu tiên về thứ tự mua cổ phần.

Đối với sự ưu tiên về giá, theo Điều 125 Luật Doanh nghiệp năm 2014, giá chào bán cổ phần không được thấp hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán trừ một số trường hợp, bao gồm trường hợp cổ phần chào bán cho tất cả các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ cổ phần hiện có của họ trong công ty (khoản 2 Điều 125 Luật doanh nghiệp 2014). Với quy định này cho thấy, để sở hữu một lượng cổ phần như nhau thì cổ đông hiện hữu sẽ tốn ít tiền hơn so với những nhà đầu tư khác khi được ưu tiên mua cổ phần chào bán của công ty.

Vì vậy, giá chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu có thể thấp hơngiá thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc, để sở hữu một lượng cổ phần như nhau, các cổ đông hiện hữu sẽ bỏ ra một số tiền nhỏ hơn so với những nhà đầu tư khác mua theo giá thị trường.

Đối với vấn đề ưu tiên về thứ tự mua cổ phần, theo đó cổ phần mới được chào bán sẽ phải bán cho những cổ đông hiện hữu trước, nghĩa là họ được ưu tiên mua trước, sau đó phần còn lại công ty mới có thể chào bán rộng rãi cho các nhà đầu tư khác.

Việc quy định quyền ưu tiên mua cổ phần đã góp phần lớn trong việc bảo vệ cổ đông hiện hữu, họ là những người đang trực tiếp đầu tư, góp vốn vào công ty, chịu rủi ro trực tiếp đối với công ty, cho nên khi công ty kinh doanh có hiệu quả họ đương nhiên là những người đầu tiên được hưởng lợi.

Ở Philippines (Điều 39 Luật Công ty) và Thái lan (Điều 137) cũng có quy định về việc cổ đông phổ thông được ưu tiên mua cổ phần mới, nếu các cổ đông hiện hữu không mua hoặc không mua hết thì mới có cơ sở để phân phối cho các đối tượng khác, riêng Singapore và Malaysia thì không có quy định về vấn đề này

Pháp luật Việt Nam cũng có quy định về việc phát hành và quyền ưu tiên mua cổ phần, nhưng khi thực hiện thì quyền này của cổ đông thiểu số rất dễ bị xâm hại. Chẳng hạn có trường hợp khi công ty cổ phần phát hành thêm cổ phần và bán lại cho cổ đông hiện hữu với giá ưu đãi, thì trên thực tế các cổ đông lớn thường có những cách thức để được sở hữu cổ phần mới với giá ưu đãi hơn cổ đông thiểu số như mua cổ phần với mức giá thấp hơn hoặc với 1 tỷ lệ khác mà cổ đông thiểu số không thể có được.

Ví dụ: Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu (VIPCO) khi phát hành cổ phần thì quy định cho phép cổ đông lớn mua với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, còn các cổ đông thiểu số lại phải mua với giá 40.000 đồng/cổ phiếu (cao gấp 2,67 lần so với cổ đông lớn)[4], hoặc trường hợp công ty cổ phần bê tông X.M khi phát hành cổ phiếu mới,các cổ đông hiện hữu đều được mua với giá bằng nhau 20.000 đồng/cổ phần nhưng tỷ lệ mua lại khác nhau: cổ đông sáng lập mua với tỷ lệ 1:1, cổ đông khác mua với tỷ lệ 2:1 (bằng ½ cổ đông sáng lập)[5].

Nguyên nhân của việc không công bằng này có thể là do: thứ nhất đối với cổ đông lớn: vì là cổ đông lớn nên có số biểu quyết lớn hơn; thường có người hoặc có đại diện của họ ở Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nên sẽ dễ thỏa hiệp và các quyết định nhanh chóng được thông qua; thứ hai đối với cổ đông thiểu số: phần lớn họ thường không quan tâm đến và thiếu tính đoàn kết với nhau do không biết đến quy định của pháp luật bảo vệ họ như thế nào. Ví dụ sau đây phản ánhsự đoàn kết của các cổ đông thiểu số tạo ra sức mạnh, họ đã liên kết lại với nhau tìm lại sự công bằng và lợi ích mà họ đáng được hưởng: Công ty liên doanh Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) khi giảm giá phát hành mà không thay đổi ngày chốt quyền khiến nhiều cổ đông thiểu số bị thiệt thòi. Những cổ đông này lập tức lên tiếng khiến dư luận chú ý. Cuối cùng ban lãnh đạo VFM phải hủy quyết định giảm giá[6].

Tuy nhiên, bên cạnh việc bảo vệ cổ đông thiểu số cũng cần xem xét lợi ích của các cổ đông lớn trong doanh nghiệp, đối tượng chịu nhiều tác động hơn từ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, pháp luật không nên điều chỉnh cụ thể hơn về quyền ưu tiên mua cổ phần của cổ đông lớn và cổ đông thiểu số. Các yếu tố quản trị nội bộ, uy tín doanh nghiệp có thể đặt ra để doanh nghiệp bảo vệ cổ đông thiểu số tốt hơn. Ngoài ra, quyền ưu tiên mua cổ phần với ý nghĩa quan trọng nhất là bảo vệ cổ đông hiện hữu, đã giúp cho cổ đông thiểu số có những ưu thế hơn các nhà đầu tư khác khi muốn góp vốn vào công ty.

3. Quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần

Ở Việt Nam, theo khoản 1, 2 Điều 129 Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty thì có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Như vậy chỉ có cổ đông có quyền biểu quyết mới có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần. Tuy nhiên, cổ đông có quyền biểu quyết chỉ được công ty mua lại cổ phần nếu, sau khi thanh toán hết số cổ phần được mua lại theo yêu cầu của cổ đông, công ty vẫn đảm bảo khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác Điều này có ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông vì thế Luật Doanh nghiệp cần có quy định việc bảo lưu quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần khi công ty đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định về giá mua cổ phần trong trường hợp này để tránh việc công ty ép giá khi mua lại cổ phần, gây thiệt hại cho cổ đông, nếu không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá.

Phương thức mua lại cổ phần tại các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines có quy định theo 3 phương thức khác nhau[7]: Luật pháp Thái Lan cấm công ty mua lại cổ phần, một công ty ở Thái Lan bị cấm nắm giữ hoặc nhận vật cầm cố bằng những cổ phần của công ty. Vì thế công ty không thể mua lại cổ phần của nó Trong trường hợp giảm vốn công ty thì những cổ phần được mua lại bị hủy bỏ (Điều 66) Luật pháp Singapore (Điều76) và Malaysia (Điều 22, 123, 72) cấm công ty mua lại cổ phần nhưng cho phép hoàn lại tiền đối với các cổ phần có thể hoàn trả. Phương thức này được áp dụng với mục đích ngăn ngừa công ty mua lại cổ phần nhằm làm giảm vốn của công ty, gâythiệt hại cho những chủ nợ hoặc những cổ đông hiện có Luật công ty Philippines cho phép công ty mua lại cổ phần vì mục đích giới hạn bảo vệ chủ nợ (Điều 41).

Việc yêu cầu công ty mua lại cổ phần của cổ đông thiểu số ở một số nước Đông Nam Á nêu trên cho thấy có nước thì luật cho phép công ty mua lại, có nước thì luật không cho công ty mua lại.Việc quy định như vậy của các nước trên đều có lý do riêng của nó. Vốn điều lệ được công ty thu về khi thành lập doanh nghiệp, các cổ đông góp vốn vào công ty và trở thành chủ sở hữu của công ty. Thông thường thì công ty chỉ có nghĩa vụ trả nợ chứ không có nghĩa vụ mua lại phần vốn góp của mình.

Quyền của cổ đông yêu cầu công ty mua lại vốn cũng được quy định trong Đạo Luật công ty thương mại Bang Louisiana (được sửa đổi bổ sung 2015) của Hoa Kỳ. Theo đó, pháp luật Hoa Kỳ cho phép cổ đông có quyền của người bất đồng, phản đối công ty và cho phép cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại toàn bộ số cổ phiếu cần bán tháo của mình khi phản đối những giao dịch cụ thể của công ty. Thủ tục được quy định: sau khi phê duyệt bất kỳ giao dịch nào mà cần có ý kiến thẩm tra theo quyền hạn của cổ đông, một công ty phải gửi cho cổ đông một bảng thông báo để hướng dẫn cổ đông cách thức thực hiện các quyền xem xét thẩm tra của họ. Sau đó, công ty phải thu xếp với một ngân hàng để làm vai trò đại diện giám sát đối với cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi giao dịch của công ty. Công ty được yêu cầu phải gửi hướng dẫn cho cổ đông về cách gửi giữ cổ phiếu của họ cho ngân hàng cũng như thông tin tài chính cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ việc xác định giá trị cổ phiếu của cổ đông đó. Bên cạnh đó, công ty phải cung cấp cho cổ đông một bản đề nghị (theo mẫu) về đề xuất giá cả phù hợp với giá trị cổ phiếu của họ và nộp trở lại công ty. Căn cứ vào việc nhận đề nghị trên, công ty có 30 ngày để thanh toán, trả cho cổ đông giá trị cổ phần mà bản thân công ty cho là giá trị phù hợp với cổ phiếu bị tác động bởi giao dịch công ty. Nếu cổ đông không thỏa mãn với định giá của công ty, thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày được thanh toán, cổ đông phải thông báo – xác nhận sự việc với công ty. Gánh nặng trách nhiệm lúc này thuộc về công ty với vai trò thực hiện trình tự pháp lý định giá cổ phiếu. Đạo Luật công ty thương mại Bang Louisiana cũng quy định nghiêm cấm chiết khấu, giảm giá cổ phiếu do địa vị thiểu số của cổ đông hay thiếu tính thanh khoản mua bán của thị trường[8].

Từ sự so sánh trên cho thấy pháp luật của Hoa Kỳ có nhiều ưu điểm hơn pháp luật của Việt Nam, Thai lan, Singapore, Malaysia, Philippines trong việc đề ra nguyên tắc cụ thể - gánh nặng trách nhiệm thuộc về công ty phải thực hiện trình tự pháp lý định giá cổ phiếu.

Ở Việt Nam, mặc dù pháp luật đã cho phép cổ đông yêu cầu công ty mua lại cổ phần khi họ biểu quyết phản đối quyết định của công ty trong một số trường hợp nhất định, nhưng việc mua lại cổ phần của công ty lại khá phức tạp, kéo dài thời gian và gây bất lợi cho cổ đông. Thông thường chỉ có cổ đông thiểu số mới thực hiện quyền này, vì họ là đối tượng dễ bị tác động tiêu cực nhất từ các quyết định của công ty có sự chi phối của các cổ đông lớn. Cổ đông thiểu số sở hữu số lượng cổ phần không nhiều trong công ty, nhưng pháp luật lại quy định thời hạn mà công ty phải mua lại cổ phần trong trường hợp này lên đến chín mươi (90) ngày.

Theo quy định hiện hành thì pháp luật chỉ cho phép cổ đông thực thi quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần trong hai trường hợp, cụ thể là cổ đông biểu quyết phản đối quyết định về về tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty. Với quy định như thế sẽ khó hơn trong việc bảo vệ cổ đông thiểu số ở trường hợp số lượng cổ phần của cổ đông thiểu số quá thấp không đủ tỷ lệ sở hữu cổ phần để thành lập nhóm cổ đông theo quy định mà họ muốn rút vốn ra khỏi công ty thì phải giải quyết như thế nào. Vì vậy, cổ đông cần phải có nhiều hướng giải quyết vấn đề này, trong đó, yêu cầu công ty mua lại cổ phần được coi là giải pháp cuối cùng để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Theo đó, trước khi yêu cầu công ty mua lại, cổ đông có thể chuyển nhượng cho các cổ đông khác hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư ngoài thị trường. Đây là tính linh hoạt trong công ty cổ phần, vừa bảo vệ hoạt động của công ty, vừa bảo vệ các chủ nợ và cổ đông thiểu số. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiên cứu, xem xét về vấn đề thời hạn để nâng cao hiệu quả bảo vệ cổ đông thiểu số. Vì vậy, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã không sửa đổi quy định này .

Điểm khác biệt về việc yêu cầu công ty mua lại cổ phần

Một số quy định về đảm bảo quyền cổ đông thiểu số ở Singapore, Malaysia có quy định chế tài rất cụ thể, điển hình là khi công ty bỏ tiền ra mua lại cổ phần của mình trái với quy định thì tại Điều 76 Luật công ty Singapore quy định chế tài rất rõ mỗi nhân viên của công ty sẽ phạm tội và phải chịu trách nhiệm pháp lý bị phạt tiền 20 000 USD, hoặc phạt tù với thời hạn không quá 3 năm hoặc cả hai. Ở Malaysia cũng quy định rõ chế tài về vấn đề này khi làm trái luật Điều 123 Luật công ty Malaysia là bất kỳ nhân viên nào của công ty khi vi phạm quy định đều phạm tội, khi bị kết án, sẽ bị phạt tiền không vượt quá 3 triệu Ringgit, hoặc phạt tù với thời hạn không quá 5 năm hoặc cả hai. Trong khi đó, tại Philippines, Thái Lan và Việt Nam không có quy định chế tài như hai nước trên. Đây cũng là vấn đề mà pháp luật các nước chưa có quy định chế tài nên xem xét có thể bổ sung chế tài vào trong văn bản pháp luật của nước mình để từ đó làm cho việc thực hiện pháp luật được nghiêm minh và mang tính răn đe hơn, mọi người sẽ tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc hơn.

 


[1] Minh Châu (2016), Kiểm kê thiếu hụt gần 1.000 tỷ tại Gỗ Trường Thành: Trách nhiệm của công ty kiểm toán DFK Việt Nam thế nào?,http://s.cafef.vn/ttf-194636/kiem-ke-thieu-hut-gan-1000-ty-tai-go- truong-thanh-trach-nhiem-cua-cong-ty-kiem-toan-dfk-viet-nam-the- nao.chn, (truy cập26/5/2018)

[2] Minh Châu (2016), Kiểm kê thiếu hụt gần 1.000 tỷ tại Gỗ Trường Thành: Trách nhiệm của công ty kiểm toán DFK Việt Nam thế nào?,http://s.cafef.vn/ttf-194636/kiem-ke-thieu-hut-gan-1000-ty-tai-go- truong-thanh-trach-nhiem-cua-cong-ty-kiem-toan-dfk-viet-nam-the- nao.chn, (truy cập26/5/2018)

[3] Nguyễn Thu Hiền và Dương Huyền Phương, Nhóm nghiên cứu Quản trị công ty, MSM MBA (2018), Trả cổ tức cho cổ đông bớt “tức”,http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/tra-co-tuc-cho-co-dong- bot-tuc-225837.html, (truy cập22/6/2018).

[4] Thanh niên (2007), Những phương án phát hành cổ phiếu kỳ cục,https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/chung-khoan/nhung-phuong-an-phat-hanh-co-phieu-ky-cuc-2689328.html, (truy cập ngày 20/6/2018).

[5]Bùi Xuân Hải (2011), Luật Doanh nghiệp: Bảo vệ cổ đông – pháp luật và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia HàNội, tr.207.

[6] Vneconomy (2007), Ai bảo vệ CĐTS, http://vneconomy.vn/chung- khoan/ai-bao-ve-co-dong-nho-67761.htm, (truy cập ngày20/6/2018)

[7] Viện nghiên cứu quản lý trung ương (1999), Báo cáo nghiên cứu so sánh luật công ty ở bốn quốc gia Đông Nam á: Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines, Dự án UNDPVIE/97/016, tr.44-45

[8] Ben Jumonville (2015), Minority Shareholders Receive Increased Protections under New Louisiana Corporate Law,https://lawreview.law.lsu.edu/2015/04/07/minority-shareholders-receive-increased-protections-under-new-louisiana-corporate-law/. (access22/8/2018)

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành