Thứ năm, 08 Tháng 9 2022 14:01

Phân tích chính sách trong việc xây dựng nguyên tắc giám sát trong hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan dân cử

1. Cơ sở xây dựng nguyên tắc giám sát trong hoạt động tố tụng hình sự

Nguyên tắc giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự phải được thực hiện trong toàn bộ quá trình tố tụng theo trình tự, thủ tục luật định. Chính vì vậy, việc xây dựng và hoàn thiện nguyên tắc giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng đối với các vụ án hình sự cần được nghiên cứu hoàn thiện một đầy đủ, toàn diện trong hệ thống pháp luật tố tụng hình sự phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự nhằm đảm bảo đạt được mục đích của tố tụng hình sự.

Thứ nhất, kiểm soát quyền lực nhà nước trong lĩnh vực tố tụng hình sự là một yêu cầu mang tính tất yếu, khách quan để đảm bảo uy tín, hiệu quả hoạt động của nhà nước

Nhà nước là tổ chức đặc biệt của quyền lực xã hội. Nó thực hiện chức năng quản lý xã hội mọi mặt trong đó có nhiệm vụ phát hiện xử lý tội phạm nhằm bảo đảm trật tự xã hội. Để làm được việc đó, nhà nước có quyền sử dụng các công cụ quyền lực như quân đội, cảnh sát, nhà tù, Tòa án và được sử dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước trong đó có cưỡng chế trong tố tụng hình sự. Cũng từ đó, nảy sinh sự lo ngại về sự xuất hiện của việc lạm quyền mà ở đó, nhân viên nhà nước vì lý do chủ quan hay khách quan không chấp hành pháp luật, xâm phạm đến quyền, tự do, lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức mà nhà nước có trách nhiệm bảo vệ. Chính vì vậy, kiểm soát quyền lực nhà nước trong đó có kiểm soát quyền lực nhà nước trong lĩnh vực tố tụng hình sự là một yêu cầu mang tính tất yếu, khách quan để đảm bảo cho uy tín, hiệu quả hoạt động của nhà nước:

“Việc kiềm chế sử dụng quyền lực nhà nước là thách thức đối với bất kỳ nhà nước nào, nhất là khi việc này không được làm cho các cơ quan nhà nước mất đi tính mềm dẻo cần phải có để tiến hành công việc của mình. Việc sử dụng không đúng quyền lực nhà nước gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho uy tín của nhà nước trước nhân dân”[1].

Thứ hai, hoạt động giám sát đối với các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để thực hiện nguyên lý chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân.

Nguồn gốc của Nguyên tắc giám sát của cơ quan dân cử,đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng bắt nguồn từ nguyên lý chủ quyền nhân dân, nguy cơ lạm quyền của quyền lực nhà nước và nhu cầu bảo vệ quyền con người nói chung và quyền con người trong tố tụng hình sự nói riêng. Bởi lẽ, tố tụng hình sự là một lĩnh vực mà ở đó, tính quyền lực nhà nước thể hiện rõ nhất nên việc giám sát hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải được đặt ra trên cơ sở quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và yêu cầu tránh lạm quyền xâm phạm đến tự do con người đồng thời bảo vệ xã hội chống lại tội phạm.

Chủ quyền nhân dân là nền tảng của kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và giám sát trong tố tụng hình sự nói riêng. Trong các nhà nước chiếm hữu nô lệ, nhà nước phong kiến khi quyền lực nhà nước nằm toàn bộ trong tay nhà vua cũng đặt ra vấn đề giám sát quyền lực nhà nước nhưng là sự giám sát trong nội bộ của cơ quan nhà nước và nhằm mục đích bảo đảm cho quyền lực nhà nước nằm trong tay vua chúa, bảo đảm mục đích của tố tụng hình sự trong kiểu nhà nước đó. Trong nhà nước pháp quyền, việc kiểm soát quyền lực nhà nước xuất phát từ bản chất của quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân và mục đích của nó cũng là để quyền lực nhà nước đi đúng quỹ đạo là phục vụ nhân dân. Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhưng để duy trì sự thống nhất về bản chất cũng như sự thống nhất về mục tiêu, định hướng của quyền lực nhà nước, giữ vững tính nhân dân của quyền lực nhà nước thì phải luôn đảm bảo cho quyền lực nhà nước trong quỹ đạo nhất định:

“Muốn vậy, phải có giám sát, thiếu giám sát sẽ có nguy cơ quyền lực nhà nước nước đi chệch quỹ đạo về bản chất giai cấp” và “Ở đâu có quyền lực nhà nước thì ở đó cần có giám sát”[2] [Đào Trí Úc, 2003, tr.7].

Chính vì vậy, trong nhà nước pháp quyền, khi mà quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì mọi hoạt động của các thiết chế quyền lực trong đó có các cơ quan tiến hành tố tụng, mọi cá nhân có phận sự trong đó có những người tiến hành tố tụng phải được đặt dưới sự giám sát của nhân dân bằng cơ chế khác nhau và được thể chế hóa trong Hiến pháp, pháp luật. Cũng như vậy, khi và chỉ khi quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân thì việc kiểm soát quyền lực nhà nước và giám sáttrong tố tụng hình sự mới có điều kiện thực hiện một cách thực chất và hiệu quả.

Ở Việt Nam, trong các bản Hiến pháp đều long trọng khẳng định Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, để đảm bảo cho quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thì việc kiểm soát quyền lực nhà nước luôn luôn được đặt ra. Tố tụng hình sự là lĩnh vực hoạt động đặc biệt của nhà nước, chính vì vậy việc kiểm soát quyền lực nhà nước phải được cụ thể hóa trong lĩnh vực này bằng chủ thể, nội dung, phương pháp kiểm soát vừa mang nguyên lý chung của kiểm soát quyền lực nhà nước vừa thể hiện tính đặc thù của hoạt động tố tụng hình sự.

Thứ ba, giám sát trong hoạt động tố tụng hình sự là để hạn chế sự lạm quyền trong khi thực thi quyền lực nhà nước

Kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và giám sát trong tố tụng hình sự nói riêng còn xuất phát từ lý do sự lo ngại về lạm quyền trong việc thực thi quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước là một loại quyền lực xã hội đặc biệt. Nó xuất phát từ xã hội và lại có xu hướng áp đặt ý chí của mình lên toàn xã hội và đặc biệt luôn có xu hướng lạm quyền. Bởi lẽ “Quyền lực có khuynh hướng bị lạm dụng, quyền lực tuyệt đối sẽ bị lạm dụng một cách tuyệt đối”[3]. Mặt khác, khi ủy quyền cho Nhà nước, quyền lực nhà nước lại thường vận động theo xu hướng   tự phủ định mình, trở thành đối lập với chính mình lúc ban đầu (từ của nhân dân là số đông chuyển sang số ít của một nhóm người hoặc của một người). C.Mác gọi hiện tượng này là sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước là của nhân dân giao cho các cơ quan nhà nước suy cho cùng là giao cho những con người cụ thể thực thi. Trong khi đó, “hành động của con người thì luôn luôn chịu sự tác động của các loại tình cảm và dục vọng khiến cho lý tính đôi khi bị chìm khuất”[4]. Chính vì vậy:“Ưu thế của nhà nước đối với phần còn lại của xã hội có thể gây ra sự lạm dụng quyền lực nhà nước, nếu không có biện pháp nào sửa chữa. Bíquyết của giải pháp là phải kiểm soát quyền lực không phải từ bên ngoài, mà phải từ bên trong làm cho nhà nước không thể làm hại người dân. Việc kiềm chế tiềm năng sử dụng và lạm quyền lực nhà nước là một thách thức đối với bất cứ nhà nước nào”[5].

Một khi quyền lực nhà nước bị lạm dụng, bị thao túng bởi những nhóm người vì lợi ích riêng của mình thì xã hội sẽ không thể vận hành bình thường, các giá trị đạo đức xã hội sẽ bị chà đạp. Chủ quyền nhân dân, quyền con người, quyền công dân bị xâm phạm. Quyền lực nhà nước bị lạm dụng, bị thao túng sẽ dẫn đến chuyên quyền, độc quyền. Lạm quyền luôn gắn với bản chất của con người quyền lực. Mặt khác, xã hội càng phát triển vai trò của nhà nước ngày càng quan trọng thì nguy cơ lạm quyền từ phía nhà nước càng lớn và nhu cầu cần kiểm soát quyền lực nhà nước càng cao. Tố tụng hình sự là một lĩnh vực đặc biệt, ở đó, nhà nước, đại diện là các cơ quan tiến hành tố tụng đóng vai trò chủ động phát hiện xử lý tội phạm, nhất là mô hình tố tụng xét hỏi Việt Nam.

Cũng trong lĩnh vực này, nguy cơ lạm quyền từ phía nhà nước là rất lớn. Vì lý do khách quan như trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của những người tiến hành tố tụng dễ dẫn đến sự lạm quyền, làm trái pháp luật, chẳng những không phát hiện, xử lý được tội phạm mà còn xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân. Chính vì vậy, cũng như những lĩnh vực khác của quyền lực nhà nước, lĩnh vực tố tụng hình sự cũng cần có sự giám sát bằng cơ chế riêng để ngăn ngừa hậu quả của sự lạm quyền.

Thứ tư, giám sát trong tố tụng hình sự để bảo vệ quyền con người

Nguồn gốc của Nguyên tắc giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng còn xuất phát từ yêu cầu bảo vệ quyền con người trong nhà nước pháp quyền. Trong tổ chức và hoạt động của mình, Nhà nước, cơ quan nhà nước, công chức nhà nước không được vi phạm quyền con người, quyền công dân. Mặt khác, trong mối quan hệ Nhà nước - con người, công dân, Nhà nước với sức mạnh to lớn của mình luôn tiềm ẩn khả năng xâm hại quyền con người, quyền công dân. Trong những trường hợp quyền lực bị lũng đoạn, bị lạm dụng, độc quyền, chuyên quyền thì quyền con người, quyền công dân càng dễ bị xâm hại. Vì vậy, quyền lực nhà nước phải bị giới hạn bởi pháp luật, bởi quyền con người. Quyền lực nhà nước cần được kiểm soát để bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Phát hiện, xử lý tội phạm là công việc của bất kỳ nhà nước nào nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, của xã hội, của cá nhân trong xã hội đó. Từ chỗquyền con người trong đó có tính mạng, sức khỏe, phẩm giá của con người bị chà đạp trong các phiên tòa man rợ, phi nhân tính thời trung cổ, phong kiến, phiên tòa “giàn thiêu” giáo hội…cho đến kiểu tố tụng văn minh, nhân đạo trong nhà nước pháp quyền chứng minh thuyết phục cho giá trị của quyền con người trong tố tụng hình sự. Chúng ta có thể tìm thấy trong các văn kiện quốc tế về quyền con người trong tố tụng hình sự như: Tuyên ngôn nhân quyền thế giới năm 1948 (UHDR); Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 (ICCPR); Những nguyên tắc cơ bản trong việc đối xử với tù nhân; Công ước chống tra tấn, đối xử vô nhân đạo và hạ nhục con người năm 1985.

Tố tụng hình sự là nơi quyền lực nhà nước thể hiện mạnh mẽ nhất, đồng thời quan hệ tố tụng hình sự là nơi thể hiện sự bất bình bình đẳng rõ nhất giữa một bên là nhà nước đại diện là cơ quan tiến hành tố tụng được phép sử dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự có tính chất hạn chế quyền con người. Pháp luật tố tụng hình sự của bất kỳ quốc gia nào cũng có quy định về những biện pháp cưỡng chế tố tụng, các hành vi, quyết định tố tụng đụng chạm đến quyền, lợi ích của công dân. Hay nói cách khác, khả năng ảnh hưởng của hoạt động tố tụng hình sự tới các quyền con người của người bị tình nghi phạm tội là tất yếu. Do đó, hoạt động tố tụng hình sựtrong mọi quốc gia đều được xếp vào nhóm “nguy cơ cao” khi người ta nói đến vấn đề bảo vệ quyền con người. Trong lĩnh vực này, quyền con người của những người bị tình nghi phạm tội dễ bị xâm phạm, dễ bị tổn thương và hậu quả để lại cũng đặc biệt nghiêm trọng khi nó động chạm đến những quyền con người cơ bản như quyền sống; quyền được bảo vệ không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo; quyền không bị bắt, giam giữ tùy tiện...Cho nên khi đánh giá, xem xét tình trạng vi phạm quyền con người của một quốc gia, người ta thường bắt đầu từ lĩnh vực tố tụng hình sự.

Các quyền con người cần được bảo vệ trong tố tụng hình sựlà các các quyền như quyền bất khả xâm phạm về danh dự, tính mạng, sức khỏe, tài sản; các quyền tố tụng hình sự như quyền bào chữa chữa, quyền được xét xử nhanh chóng, quyền suy đoán vô tội, quyền không buộc phải đưa ra chứng cứ chống lại chính mình. Các quyền này không chỉ đòi hỏi được ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật tố tụng hình sựmà còn đòi hỏi thực thi trên thực tế và muốn vậy không thể thiếu cơ chế giám sát để hoạt động tố tụng hình sựđi đúng hướng, đạt được mục đích bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự.

Thứ năm, giám sát trong hoạt động tố tụng hình sự có nguồn gốc từ đòi hỏi pháp luật trong đó có pháp luật tố tụng hình sựphải được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh.

Quyền lực nhà nước không chỉ là quyền lực xã hội và quyền lực chính trị mà còn là thứ quyền lực có tính pháp lý. Để bảo đảm sự vận hành và hoạt động, quyền lực nhà nước đòi hỏi phải có những cơ chế để thực hiện nó. Đó là hệ thống các định chế nhà nước, các thiết chế tổ chức và bộ máy, hệ thống các thủ tục, thẩm quyền, nghĩa vụ. Những nội dung đó được xác định cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Tính hợp pháp của quyền lực nhà nước thể hiện thông qua hình thức và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước. Quyền lực nhà nước phải được áp dụng trên cơ sở pháp luật, phù hợp với các chuẩn giá trị của nhân loại. Muốn đảm bảo tính hợp pháp của quyền lực nhà nước nảy sinh nhu cầu tất yếu cần kiểm soát quyền quyền lực nhà nước. Chính vì vậy, Nguyên tắc giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng có nguồn gốc từ đòi hỏi pháp luật trong đó có pháp luật tố tụng hình sựphải được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh. Yêu cầu này trước hết đặt ra đối với nhà nước với tư cách người ban hành pháp luật và bảo vệ pháp luật, nhất là trong bối cảnh nhà nước pháp quyền mà ở đó, nhà nước không được đứng trên pháp luật và bị ràng buộc bới pháp luật.

Tố tụng hình sự là toàn bộ các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để xác định sự thật của vụ án và đảm bảo yêu cầu phát hiện xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Các hoạt động tố tụng đó không thể thực hiện một cách tùy tiện mà phải tuân theo hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh trong đó nền tảng là Hiến pháp và pháp luật tố tụng hình sự. Hiến pháp và hệ thống pháp luật tố tụng hình sự quy định mục đích, nhiệm vụ của tố tụng hình sự, các nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự, địa vị pháp lý của các chủ thể tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng hình sự, trình thủ tục thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự. Khi và chỉ khi thực hiện hiện đúng các quy định này thì mục đích của tố tụng hình sự là phát hiện tội phạm, không làm oan người vô tội mới được đảm bảo.

Tuy nhiên, trên thực tế luôn tiềm ẩn nguy cơ nhất là từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng lạm quyền, không làm, làm không đầy đủ, làm không đúng các quy định của pháp luật dẫn tới chẳng những không phát hiện xử lý tội phạm mà còn làm oan người vôtội. Chính vì thế, nhu cầu tất yếu cần có cơ chế giám sát tuân thủ pháp luật trong tố tụng hình sự để ngăn ngừa vi phạm pháp luật từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong việc giám sát này pháp luật vừa là mục đích, vừa là tiêu chuẩn để thực hiện việc giám sát trong tố tụng hình sự.

2. Ý nghĩa việc quy định nguyên tắc giám sát đối với hoạt động tố tụng hình sự

Tố tụng hình sự cần phải được giám sát bằng các cơ chế giám sát khác nhau trong đó có giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử. Ý nghĩa của Nguyên tắc giám sát của cơ quan, tổ chức đại biểu dân cử trong tố tụng hình sự có vai trò và ý nghĩa sau đây:

Thứ nhất, nguyên tắc giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm thực hiện quyền lực nhân dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự

Ghi nhận và thể hiện đầy đủ nguyên tắc trong pháp luật và thực hiện nghiêm túc nội dung, yêu cầu của nguyên tắc nhằm bảo đảm cho cơ quan dân cử, đại biểu dân cử thực sự là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo cho nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Hiến pháp 2013 đã khẳng định: Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nhân thực hiện quyền lực của mình thông qua cơ quan đại diện là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Những cơ quan này thực hiện quyền nhà nước trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, trong cơ chế thực hiện quyền lực: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền hành đặc biệt là hoạt động xét xử được giao cho cơ quan khác nhau thực hiện. Đặc biệt thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự được giao cho Tòa án đảm nhiệm với yêu cầu đảm bảo độc lập xét xử. Chính vì vậy, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân là phương pháp thực hiện nguyên tắc quyền lực nhà thuộc về nhân dân và Quốc hội là cơ quan được nhân dân ủy quyền trực tiếp.

Thứ hai, nguyên tắc giám sát của cơ quan dân cử đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Nguyên tắc này có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu quả hoạt động tố tụng hình sự trong việc đảm bảo mục đích của tố tụng hình sự là không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Yêu cầu đối với hoạt động tố tụng hình sự là phải tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật. Yêu cầu đó có thể thực hiện được khi và chỉ khi có sự giám sát bằng nhiều cơ chế khác nhau trong đó có cơ chế giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, của các tổ chức đoàn thể. Do đó, giám sát có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tố tụng hình sự.

Giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động tố tụng hình sự là một trong những phương diện đảm bảo cho mọi hoạt động tố tụng hình sự được chính xác, khách quan, kịp thời đúng pháp luật. ên cạnh đó, thông qua hoạt động giám sát, các chủ thể giám sát kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng để yêu cầu họ phải khắc phục, đòi hỏi họ tuân thủ pháp luật trong quá trình tiến hành tố tụng, từ đó mà Hiến pháp, pháp luật được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh trên thực tế. Qua giám sát có các giải pháp, kiến nghị điều chỉnh hoặc bổ sung nguồn lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao hiệu quả phối kết hợp, hỗ trợ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước.

Thứ ba, thông qua hoạt động giám sát để phát hiện các vi phạm, yêu kém của các chủ thể tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự

Giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động tố tụng hình sự có vai trò quan trọng trong việc phát hiện những hạn chế, yếu kém của các chủ thể tiến hành tố tụng nhằm xây dựng cơ quan tiến hành tố tụng trong sạch, vững mạnh, đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ của tố tụng hình sự. Thông qua hoạt động giám sát, các chủ thể giám sát phát hiện kịp thời những yếu kém, khuyết điểm trong hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, từ đó kiến nghị, yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục, sửa chữa. Đồng thời, thông qua đó, làm trong sạch bộ máy cơ quan tiến hành tố tụng để các cơ quan này thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. ên cạnh đó, giám sát của của Cơ quan, đại biểu dân cử đối với hoạt động tố tụng hình sự góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan Điều tra, cơ quanThi hành án hình sự. Các hoạt động giám sát sẽ buộc cán bộ tư pháp luôn đặt mình dưới sự giám sát của nhân dân, tăng cường trách nhiệm trong công tác. Cũng thông qua hoạt động giám sát, sẽ đưa ra những biện pháp khắc phục những bất cập của pháp luật, gợi ý cách thức, biện pháp để các đối tượng bị giám sát làm tốt hơn nhiệm vụ, chức năng của mình. Ngoài ra, thông qua giám sát, các quyết định của cơ quan dân cử có thêm những luận cứ khoa học vững chắc, phù hợp với yêu cầu thực tế địa phương, bảo đảm tính khả thi của các quyết định, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Thứ tư, giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động tố tụng hình sự góp phần bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Hoạt động tố tụng hình sự có tác động mạnh mẽ đến quyền con người, quyền công dân ở khía cạnh hạn chế các quyền này nhằm mục đích phát hiện, xử lý tội phạm. Đồng thời, trong hoạt động tố tụng hình sự cũng không tránh khỏi những sai sót có nguyên nhân chủ quan hay khách quan. ởi lẽ đi tìm chân lý khách quan trong tố tụng hình sự không phải là việc đơn giản. Nhiều trường hợp rất khó chứng minh tội phạm và người phạm tội từ đó dẫn đến nguy cơ xảy ra oan, sai trong tố tụng hình sự. Hoạt động giám sát trong tố tụng hình sự kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục những sai sót đó sẽ góp phần bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong tố tụng hình sự.

Thứ năm, giám sát góp phần thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp

Giám sát trong tố tụng hình sự góp phần thực hiện các mục tiêu của cải cách tư pháp trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh. Các giải pháp nhằm cải cách tư pháp chỉ có thể thực hiện được khi việc giám sát tư pháp nói chung và giám sát tư pháp hình sự nói riêng được tăng cường và nâng cao hiệu quả. Giám sát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hoạt động áp dụng pháp luật, đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật. Như vậy, hoạt động giám sát của cơ quan, đại biểu dân cử là một mục tiêu, làđộng lực của cải cách tư pháp, đồng thời là một trong những chức năng quan trọng của các cơ quan dân cử. Kết quả giám sát sẽ làm căn cứ, cơ sở để Đảng và Nhà nước vạch ra các chiến lược, kế hoạch tiếp theo trong công cuộc cải cách tư pháp. Đồng thời thời kết quả giám sát cũng là căn cứ đánh giá hiệu quả cải cách cách tư pháp trong thời gian tới.

 


[1]Nguyễn Đăng Dung (2010), Hạn chế sự tùy tiện của cơ quan nhà nước, NXBTư pháp, Hà Nội, tr.34

[2]Đào Trí Úc (2003), “Quan niệm về giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước và các cơ chế thực hiện giám sát”, Sách giám sát và cơ chế giám sátviệc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, Viện Nhà nước vàPhápluật, NX Công an nhân dân, tr.7

[3]J. Rufus Fears (1985), Selected Writings of Lord Acton: Essays in the studyand writing of history, Liberty Classics, tr.383

[4]JonMills (2005), Luận về tự do, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.131

[5]Nguyễn Đăng Dung (2005), Sự hạn chế quyền lực nhà nước, NX Đại họcQuốc gia Hà Nội.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành