Thứ tư, 14 Tháng 9 2022 15:57

Phương thức bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước

1. Bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước bằng phương thức bảo đảm thông qua các thủ tục pháp lý và các thiết chế hành chính, tưpháp

1.1. Bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước bằng phương thức bảo đảm thông qua quyền khiếu nại

Pháp luật hiện hành không trực tiếp định nghĩa về quyền khiếu nại. Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 2, Luật khiếu nại năm 2011quy định “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Theo đó, quyền khiếu nại trong hoạt động hành chính được hiểu là quyền của công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức được đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chínhcủa cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nướchoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Nhà nước quy định quyền khiếu nại cho công dân với tính chất là quyền bảo vệ quyền chủ thể, thực chất là trang bị cho công dân công cụ pháp luật để công dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Mặt khác, Công dân sử dụng quyền khiếu nại cũng thể hiện tính tích cực chính trị, thể hiện trách nhiệm của công dân đối với nền hành chính nhà nước. Xét ở mức độ nhất định, quyền khiếu nại hành chính cũng là biểu hiện bản chất dân chủ của thể chế hành chính. Công dân thông qua việc thực hiện quyền khiếu nại góp phần xây dựng môi trường hành chính nhà nước công khai, minh bạch. Công dân sử dụng quyền khiếu nại trong lĩnh vực hành chính nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình đồng thời chống lại sự tha hóa quyền lực từ phía các chủ thể hành chính nhà nước. Khiếu nại đúng pháp luật của công dân cũng thể hiện phản ứng tích cực khi có căn cứ cho rằng quyền, lợi ích bị xâm hại bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ thể quản lý. Quyền khiếu nại trong hoạt động hành chính có các đặc điểm cơ bản nhưsau:

Thứ nhất, chủ thể của quyền khiếu nại trong hoạt động hành chính là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Thứ hai, quyền khiếu nại hành chính là quyền bảo vệ quyền lợi, ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong hoạt động hành chính nhà nước.

Thứ ba, đối tượng khiếu nại hành chính là quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ thể quản lý, có tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức...

Thứ tư, quyền khiếu nại hành chính là quyền tự quyết của chủ thể có quyền khiếu nại và luôn được thực hiện bằng hành vi chủ động tíchcực.

Thứ năm, quyền khiếu nại hành chính phản ánh bản chất dân chủ trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân trong hoạt động hành chính.

1.2. Bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước bằng phương thức bảo đảm thông qua quyền tố cáo

Quyền tố cáo là quyền của công dân được pháp luật quy định về trình tự, thủ tục để báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Tố cáo là quyền đồng thời là trách nhiệm của công dân trước nhà nước và xã hội. Công dân sử dụng quyền tố cáo nhằm thông báo chính thức với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào họ biết hoặc có được thông tin chính xác, nên chủ thể của quyền tố cáo chỉ là cá nhân, tổ chức không phải là chủ thể của quyền tố cáo. Đối tượng của quyền tố cáo là hành vi vi phạm pháp luật nói chung. Người tố cáo không có nghĩa vụ phải chứng minh có mối liên quan về lợi ích của mình đến hành vi trái pháp luật mình tố cáo. Ngược lại sự không liên quan về quyền, lợi ích của người tố cáo với hành vi trái pháp luật bị tố cáo thể hiện trách nhiệm của người tố cáo với xã hội và cộng đồng.

Thực hiện quyền tố cáo là công dân tỏ rõ trách nhiệm của mình trong việc giám sát hoạt động quản lý của Nhà nước để xây dựng bộ máy Nhà nước, góp phần ngăn chặn, loại trừ những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động hành chính nhà nước. Nhà nước khuyến khích mọi cá nhân tích cực thực hiện quyền tố cáo, nghiêm cấm những hành vi gây khó khăn, phiền hà đối với việc thực hiện quyền tố cáo của công dân; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết tố cáo; Cản trở việc thực hiện quyền tố cáo; đe doạ, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo. Người có trách nhiệm giải quyết tố cáo không được tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo; Không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người bị tố cáo, nghiêm cấm mọi hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình giải quyết tố cáo. Mọi cá nhân không được lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo.

1.3. Bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước bằng phương thức bảo đảm thông qua phương thức khởi kiện vụ án hành chính

Hiểu theo nghĩa rộng, quyền khởi kiện còn bao gồm cả quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn, quyền phản tố của bị đơn, quyền yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đây là một quyền vô cùng quan trọng của công dân bởi việc khởi kiện sẽ đem lại kết quả là một phán quyết có hiệu lực pháp lý và giá trị thi hành bắt buộc đối với các bên chủ thể, mục đích của nó chính là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bị vi phạm, bảo đảm và bảo vệ công lý. Theo quan điểm đã được thừa nhận chung, việc bảo đảm quyền công dân[1] qua con đường tòa án chính là cách thức bảo đảm, bảo vệ công dân cao nhất, bởi việc xét xử tại tòa án thông qua các thủ tục được pháp luật quy định chặt chẽ bảo đảm được tính pháp chế và dân chủ trong cả quá trình. Việc khởi kiện có thể diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: dân sự, kinh tế, thương mại, lao động, hành chính...

Quyền khởi kiện vụ án hành chính được xem là quyền để công dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong hoạt động hành chính. Quyền khởi kiện vụ án hành chính có nhiều điểm tương đồng với quyền khiếu nại hành chính. Quyền khởi kiện hành chính cũng những quyền bảo vệ quyền chủ thể và là quyền tự quyết của chủ thể khi có căn cứ cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ thể quản lý. Vì nhiều lí do khác nhau, các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính do các chủ thể quản lý hành chính thực hiện có thể trái pháp luật, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức là đối tượng bị quản lý. Cá nhân, tổ chức là đối tượng bị tác động trực tiếp của quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể lựa chọn phương thức khiếu nại hoặc khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Nhà nước phải là người có trách nhiệm xem xét về tính hợp pháp của các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các chủ thể quản lý. Việc giải quyết các tranh chấp hành chính này bằng cách đưa ra phán quyết của Tòa án về tính hợp pháp của quyết định hành hành chính, hành vi hành chính là nhu cầu tất yếu của xã hội dân chủ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của công dân.

2. Bảo đảm quyền công dân trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thông qua phương thức kiểm tra, thanh tra, giám sát, đánh giá đối với bảo đảm quyền của cơ quan hànhchính

Cơ quan hành chính Nhà nước là chủ thể trực tiếp tạo các điều kiện, tiền đề bảo đảm cho công dân thực hiện các quyền của mình. Tuy nhiên, là người nắm giữ quyền lực song lại là người dễ vi phạm quyền nhất. Vì vậy, dù ở chế độ xã hội nào, việc xác lập và sử dụng các hình thức và cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát luôn được đặt ra là một tất yếu, bởi vì Nhà nước, về thực chất là để công khai hoá quyền lực và chống lạm dụng quyền lực. Kiểm tra, thanh tra, giám sát có thể nhìn nhận từ hai phía: Kiểm tra, thanh tra, giám sát bên trong hệ thống và kiểm tra, thanh tra, giám sát từ bên ngoài hệ thống. Trong đó, hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát bên trong hệ thống là yêu cầu tất yếu không thể thiếu cho sự vận hành của bộ máy Nhà nước. Còn sự kiểm tra, thanh tra, giám sát từ bên ngoài hệ thống tạo nên tính khách quan, cần thiết cho hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Nhằm bảo đảm thực hiện quyền lực nhà nước được thống nhất, Nhà nước đã đề ra cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát với những cấp độ và hình thức khác nhau. Trong các Nhà nước tư sản, khi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được tổ chức theo cơ chế cân bằng và đối trọng, thì hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát được thực hiện bằng chính cơ chế phân quyền giữa các cơ quan quyền lực Nhà nước tại trung ương. Còn tại địa phương, như các nước châu Âu lục địa, cơ quan “đại diện” địa phương chỉ thực hiện giám sát thông qua “những bản chỉ dẫn” của chính quyền Trung ương trongviệcquyết định các vấn đề về tài chính, thuế, chuyển dịch tài sản công, xây dựng các khu dân cư tại địa phương, tức là khi quyết định những vấn đề của địa phương phải có sự thoả thuận đồng ý, hoặc phê chuẩn của bộ, ngành tương ứng trước khi thi hành. Việc xác định thẩm quyền này thực chất nhằm hạn chế hoạt động của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là việc bảo đảm ưu tiên, bảo hộ cho những nhà tư bản tư nhân, song tựu chung vẫn là bảo đảm cho cơ quan hành chính Nhà nước không được lạm quyền và chỉ được làm những gì pháp luật quy định. Tại các Nhà nước tổ chức hình Hội đổng tự quản lại không thực hiện chức năng giám sát, chủ yếu do chính quyền Trung ương, đặc biệt là do Toà án thực hiện thông qua “giám hộ hành chính” (Pháp, Italia, Cộng hoà liên bang Đức...) đối với các hoạt động của cáccơ quan hành chính Nhà nước.

Tại các Nhà nước xã hội chủ nghĩa (Việt Nam, Trung Quốc) hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện quyền công dân của cơ quan hành chính Nhà nước xuất phát từ yêu cầu tính thống nhất về bản chất quyền lực Nhà nước (Điều 2 Hiến pháp năm 2013) và yêu cầu của việc tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước. Cơ quan “đại diện” - Quốc hội và Hội đồng nhân dân không chỉ giám sát việc thực hiện hiến pháp và pháp luật của các cơ quan hành chính, của cán bộ, công chức nhà nước và các tổ chức khác, còn giám sát việc thực hiện “các hoạt động”, “các biện pháp”, “Nghị quyết” của Hội đồng nhân dân. Còn Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thì thực hiện kiểm tra (kiểm tra của Thủ trưởng cơ quan, của Mặt trận Tổ quốc), thanh tra việc thi hành hiến pháp và pháp luật của cơ quan mình và các cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới, tổ chức và cá nhân côngdân.

Như vậy, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc bảo đảm thực hiện quyền công dân của cơ quan hành chính Nhà nước là một hoạt động rộng và đa dạng, trong đó gồm tập hợp những thành tố, hình thức, các mối quan hệ, thiết chế tổ chức mà qua đó thực hiện việc xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nướctừ trung ương tới địa phương, bảo đảm cho các hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện đúng hiến pháp và pháp luật, theo đó các quyền công dân được tôn trọng bảo đảm và bảo vệ.

Với tính cách là một thiết chế thống nhất trong hệ thống bộ máy nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát là loại hoạt động tất yếu của Nhà nước trên nguyên tắc “ở đâu có quyền lực thì ở đó cần có sự kiểm soát quyền lực” nhằm duy trì bản chất, định hướng chung cho việc thực hiện quyền lực Nhà nước, bảo đảm phát huy dân chủ (người chủ của quyền lực có thể kiểm soát được toàn bộ quá trình thực hiện quyền của mình), đồng thời bảo đảm cho quyền lực được thực hiện một cách thống nhất, khoa học và có hiệu quả, nhất là việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, xã hội càng phát triển thì cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát càng phải được mở rộng và thực hiện theo nhiều hướng khác nhau. Từ đó mới phản ánh đúng các mối quan hệ và liên hệ lẫn nhau nảy sinh giữa các bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia hiện nay, hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát có xu hướng giao cho Toà án, kể cả trong trường hợp xác định các xung đột hay vi phạm thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước ở trung ương khi can thiệp vào hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước địa phương, đặc biệt khi văn bản của chính quyền trung ương có dấu hiệu vi Hiến.

 


[1]Xem thêm bảiKhái quát về khái niệm quyền công dân và bảo đảm quyền côngdân”.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành