Thứ sáu, 04 Tháng 11 2022 16:03

Phân tích một số yếu tố thuộc chế định trưng cầu dân ý

Ở các quốc gia chế định trưng cầu dân ýđược quy định trong Hiến pháp, hoặc ở một đạo luật chung, mang tính lâu dài, ổn định hoặc là được quy định trong các văn bản luật cụ thể. Như vậy, trưng cầu dân ý được quy định trong một đạo luật cụ thể hoặc trở thành điều khoản hiến định trong Hiến pháp sẽ làm tăng tính minh bạch và tầm kiểm soát công chúng rộng hơn, nâng cao tính chính đáng dân chủ trong những cuộc trưng cầu dân ý do các nhà cầm quyền chính trị khởi xướng. Theo đó, công dân có quyền tham gia đóng góp ý kiến vào tiến trình chính trị và có thể làm chủ một phần nào đó những chính sách quản lý của nhà nước. Tuy vậy, việc quy định trong Hiến pháp hay trong các đạo luật cũng làm cho trưng cầu dân ý bắt buộc giảm đi tính linh hoạt do phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản có sẵn, đặc biệt trong trường hợp nội dung các quy định đó quá chi tiết và nghiêm cấm trưng cầu dân ý không bắt buộc. Ngược lại trưng cầu dân ý không bắt buộc lại có lợi thế do không được quy định trong Hiến pháp hay các đạo luật lâu dài nên hình thức này giúp cho nhà cầm quyền linh động hơn trong việc sử dụng nhằm vào các mục đích chiến thuật khác nhau vì lợi ích giai cấp mình hoặc gây ảnh hưởng đến kết quả trưng cầu bằng việc quyết định các vấn đề cần biểu quyết, thời gian bỏ phiếu, từ ngữ trong câu hỏi trên phiếu bầu, tỉ lệ đồng thuận[1] v.v … Đây cũng là một trong những vấn đề cần được chú trọng trong việc xây dựng các quy định và khung pháp lý cho chế định, làm thế nào để cân bằng giữa một bên là hiệu quả và sự ổn định chính trị với một bên là đảm bảo tính chính đáng của dânchủ.

Tổng hợp lại, nội hàm của chế định trưng cầu dân ý đều xoay quanh những yếu tố cơ bản như chủ thể tham gia, các nội dung cần trưng cầu dân ý, những nội dung không tổ chức trưng cầu dân ý, các nguyên tắc cơ bản, quy trình thủ tục, xác nhận kết quả trưng cầu dân ý và tổ chức thực thi trưng cầu dân ý.

1. Về chủ thể tham gia vào quá trình trưng cầu dân ý

Hầu hết các quốc gia đều quy định các chủ thể tham gia hoạt động trưng cầu dân ý được phân chia thành các nhóm, mỗi nhóm có thẩm quyền, nhiệm vụ, chịu trách nhiệm khác nhau đối với hoạt động trưng cầu dân ý.

Thứ nhất,đối với các chủ thể có quyền đề xuất trưng cầu dân ý hay còn gọi là chủ thể có quyền trình sáng kiến trưng cầu dân ý, hầu hết các quốc gia đều phân chia thành hai nhóm chính: (1) cơ quan công quyền và (2) công dân.

Thứ hai, đối vớichủ thể có thẩm quyền quyết định việc trưng cầu dân ý, các quy định về trưng cầu dân ý các nước trao quyền cho nhiều đối tượng khác nhau nhưng nhìn chung cũng tập trung vào một số chủ thể nhất địnhnhư:Tổngthống; Cơ quan lập pháp: Thượng viện hoặc Hạ viện; Một nhóm thượng nghị sĩ hoặc đại biểu Quốc hội với một tỷ lệ nhấtđịnh; Tỷ lệ người dân nhất định với minh chứng là số lượng chữ ký đề xuất trưng cầu thu thập đủ theo quy định phápluật

Thứ ba, đối với cácchủ thể chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện trưng cầu dân ý, đa số pháp luật các nước quy định Chính phủ hoặc Hội đồng bầu cử quốcgia thực hiện việc này.

Thứ tư, ở hầu hết các nước, Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc Tòa án Hiến pháp hoặc Tòa hành chính hoặc các tòa án các cấp nói chung đều được giao việc chịu trách nhiệm kiểm tra, thẩm tra, giám sát trưng cầu dân ý, giải quyết các tranh cấp, mâu thuẫn về kết quả trưng cầu; xử lý các khiếu nại, tố cáo liên quan đến trưng cầu dân ý, thẩm quyền này thường các nước giao cho Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc Tòa án Hiến pháp hoặc Tòa án hành chính hay tòa án các cấp nói chung

Thứ năm, đối vớichủ thể có quyền khiếu nại, khiếu kiện về mọi vấn đề liên quan đến hoạt động trưng cầu, pháp luật các quốc gia quy định khá đa dạng về nhóm chủ thể này có thể là toàn thể cử tri hoặc một nhóm cử tri (từ 100 đến 150 người trở lên), các chủ thể có quyền đề xuất trưng cầu dân ý, đại diện chính phủ, Tổng thống hoặc một nhóm (tỷ lệ từ 1/5 đến 1/3) thành viên Nghị viện, chính phủ hoặc Tòa án, đại diện các đảng chính trị, Trưởng công tố, thanh tra Nghịviện.

Thứ sáu, các đối tượng trực tiếp tham gia bỏ phiếu trưng cầu bao gồm tất cả cử tri đạt điều kiện theo luật định về độ tuổi (thường đủ 18 tuổi trở lên) và là công dân mang quốc tịch của quốc gia đó. Về tư cách công dân chỉ cần chứng minh được bản thân mình mang quốc tịch của quốc gia đang tổ chức trưng cầu là được quyền bỏ phiếu. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay không phân biệt công dân đó đang sinh sống trên lãnh thổ hay ở ngoài lãnh thổ mình miễn là có quốc tịch đều có thể tham gia bỏ phiếu trưng cầu, tổ chức nhiều hình thức linh động để người dân tham gia trưng cầu (cơ chế bỏ phiếu từ nướcngoài).

2. Nội dung của trưng cầu dân ý

Các nội dung, vấn đề được đưa ra trưng cầu dân ý và các vấn đề không tổ chức trưng cầu thông thường được quy định trong Hiến pháp hoặc có luật điều chỉnh riêng tùy vào cách thức thiết kế thể chế của quốc gia đó. Thông thường những vấn đề được đưa ra để nhân dân bỏ phiếu được quy định thành hai nhóm tương ứng với hai hình thức trưng cầu bắt buộc và tùynghi

Đối với trưng cầu dân ý bắt buộc, pháp luật các nước đều quy định phải tổ chức khi liên quan đến một số vấn đề nhất định đã được Hiến pháp hoặc luật xác định rõ ràng, mang ý nghĩa chính trị quan trọng, cụ thể như là:một, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hoặc thông qua Hiến pháp mới; hai, phê chuẩn các hiệp ước hoặc gia nhập các tổ chức quốc tế hoặc khu vực; ba, các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia hoặc quyền tự quyết dân tộc; bốn, nhằm giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp giữa Tổng thống và cơ quan lập pháp[2]; năm, chuyển giao các thẩm quyền và quyền của quốc gia cho các tổ chức quốc tế hoặc siêu quốc gia; sáuk được tổ chức theo yêu cầu Hiến pháp về các vấn đề liên quan đến phạm trù đạo đức như chấp nhận phá thai, hôn nhân đồng giới, ly hôn, thực hiện cái chết không đau đớn, hiệu lực pháp luật về quyền con người, các vi phạm nhân quyền trong quá khứ và hiện tại v.v...

Đối với hình thức trưng cầu dân ý không bắt buộc (hay còn gọi là trưng cầu dân ý tùy nghi) thì nội dung của phạm trù này khá đa dạng, có thể trưng cầu dân ý bất cứ vấn đề nào là đối tượng của pháp luật mà không bị hạn chế từ việc cần tham vấn cho một quyết định chính trị đặc biệt quan trọng khi được đệ trình hay thông qua dự luật mà nội dung đề cập đến việc tổ chức các cơ quan công quyền hoặc cải cách liên quan đến chính sách kinh tế, xã hội của quốc gia và các dịch vụ công liên quan.].

Tựu trung lại, đa số các quốc gia xây dựng các quy định pháp luật có tính chất “mở” đối với các cuộc trưng cầu dân ý không bắt buộc, điều này dẫn tới việc trưng cầu dân ý có thể là một công cụ dành cho nhiều mục đích khác nhau, có lúc là phương tiện hòa giải giữa các phe phái cạnh tranh trong liên minh hoặc để tránh việc chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền có thể dẫn đến một cuộc bầu cử không như mong đợi hoặc có thể sử dụng trưng cầu dân ý nhằm thúc đẩy tiến trình ban hành chính sách mà nếu thông qua một quy trình lập pháp thông thường có thể chính sách đó không được ban hành. Đăc biệt có quốc gia khởi xướng trưng cầu dân ý để thể hiện sự ủng hộ của người dân đối với bản thân Tổng thống hay chính phủ đương nhiệm hoặc một quyết định chính trị cụ thể. Trường hợp này quy định về trưng cầu dân ý sẽ được xem là giải pháp “hai mặt”, có thể thành công như ở Pháp nhưng cũng có thất như ở một số quốc gia như Chile, Nga... Đối với một số quốc gia khác, các quy định về trưng cầu dân ý còn được xem là cách để bảo vệ quyền lợi của thiểu số trong cơ quan lập pháp, dựa trêncácquyđịnhnày,nhómcóthểyêucầumộtcuộctrưngcầudân ýđốivớimột quyết định của phe đa số trong cơ quan lập pháp, lý do không nằm ngoài việc đảm bảo bình đẳng và công bằng trong việc đưa ra quyết định giữa các bên liên quan [29,54].

3. Các nội dung dung không đưa ra trưng cầu dân ý

Mặc dù đối với trưng cầu dân ý tùy nghi nội dung các vấn đề được đưa ra trưng cầu rất đa dạng, phong phú và dàn trải nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, do phần lớn các cuộc trưng cầu dân ý hiện nay vẫn thuộc về trưng cầu bắt buộc nhiều hơn nên dẫn đến thực trạng hiện nay là pháp luật các quốc gia cùng với việc ban hành các quy định về những vấn đề được trưng cầu dân ý cũng đồng thời đưa ra một số nội dung, vấn đề không đưa ra trưng cầu dân ý. Đa số những vấn đề không đưa ra trưng cầu thường liên quan đến một số nội dung nổi bật như các chủ trương, chính sách thì cần xem xét sự phù hợp so với các quy định đã có trong Hiến pháp hay pháp luật quốc tế; các vấn đề đưa ra trưng cầu không được hạn chế, vi phạm hay làm ảnh hưởng đến giá trị chung, phổ quát của quyền con người. Trong một xã hội dân chủ thực sự không thể tồn tại tình trạng vi phạm quyền con người, quyền công dân, dân chủ là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các quyền cơ bản của công dân, quyền con người được thực thi nên bắt buộc trong quy định pháp luật của các nước về trưng cầu dân ý sẽ luôn có các điều khoản ngăn chặn, phòng ngừa, không cho phép tổ chức hoạt động hỏi ý kiến người dân về các nội dung vi phạm, hạn chế hay cản trở nhân quyền. Quốc gia nào để xảy ra tình trạng này sẽ bị kết luận là mất dân chủ, vi phạm các nguyên tắc phổ quát chung trong tuyên ngôn quốc tế về quyền con người, bị các thế giới lên án, thậm chí trừng phạt hay gánh chịu các hậu quả bấtlợi.

Bên cạnh đó, đa số các vấn đề liên quan đến ngân sách, thuế và chi tiêu công thường không được chính phủ các nước đưa ra trưng cầu dân ý. Hầu hết các quốc gia đánh giá đây là những vấn đề “nhạy cảm”, liên quan mật thiết đến sự phát triển theo chiều hướng tăng trưởng hoặc thoái trào của một quốc gia. Ngoài ra để bỏ phiếu về những nội dung này đòi hỏi cử tri tham gia phải có trình độ chuyên môn, am hiểu nhất định trong lĩnh vực này mới có thể đưa ra quyết định chính xác. Nếu không đa số quần chúng nhân dân khi được hỏi ý kiến liên quan đến kinh tế, đặc biệt đụng chạm đến lợi ích thiết thân của cử tri thì sự lựa chọn hầu hết sẽ nghiêng về “không đồng ý” hoặc “phảnđối”.

Mặt khác, các vấn đề đã trưng cầu dân ý trước đó sẽ không tiến hành trưng cầu lại nếu muốn tiếp tục trưng cầu dân ý thì bắt buộc phải để lại qua một khoảng thời gian nhất định mới xem xét tới việc thực hiện trưng cầu dân ý. Như vậy, quy định này nhằm đảm bảo tính nghiêm túc của hoạt động trưng cầu dân ý, thể hiện sự tôn trọng của chính quyền đối với kết quả trưng cầu cũng chính là quyết định cuối cùng của người dân. Bên cạnh đó, việc không tiến hành trưng cầu trong thời gian nhất định sau khi đã tổ chức trưng cầu còn nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân khi bỏ phiếu lựa chọn, không tùy tiện, cảm tính trong việc ra quyết định. Mặt khác, quy định không tổ chức trưng cầu nhiều lần cũng giúp chính phủ tiết kiệm hơn ngân sách tổchức.

Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến nhạy cảm chính trị như: can thiệp vào chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; đưa lực lượng quân sự vào lãnh thổ quốc gia khác; nghĩa vụ thực thi điều ước quốc tế đã ký kết; các nội dung liên quan đến tái thiết quốc gia sau chiến tranh hoặc sát nhập, phân chia. Các quy định này được xây dựng xuất phát từ nguyên tắc cơ bản và nhất quán, không thể thay đổi “chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm”. Do vậy việc đề ra chính sách chia cắt, gây chia rẽ, thay đổi về chủ quyền hay đưa bất kỳ lực lượng nào can thiệp vào sự toàn vẹn lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào cũng đều là vi phạm pháp luật quốctế.

Việc quy định giới hạn các nội dung nêu trên nhằm mục đích chính là chính phủ các quốc gia này hướng đến đó là: thứ nhất thiết lập ranh giới của dân chủ và tự do, phải trong khuôn khổ quy định pháp luật, không vượt quá khung pháp lý chung đã được xây dựng nên; thứ hai một số vấn đề liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ đòi hỏi phải có trình độ kiến thức, am hiểu chuyên sâu mới có thể thấu hiểu và phân tích nên nếu đem biểu quyết đại trà sẽ dẫn đến chủ quan, duy ý chí; thứ ba những vấn đề này nếu đưa ra trưng cầu xét thấy không mang lại lợi ích cho hoạt động lãnh đạo, quản lý của chính phủ hiện tại; thứ tư một số vấn đề nếu đem ra trưng cầu có khả năng gây mâu thuẫn, chia rẽ, đẩy đất nước và người dân vào tình trạng xung đột, mất ổn định; thứ năm ngăn chặn việc lợi dụng trưng cầu dân ý nhằm mang lại “lợi ích nhóm” cho một số đối tượng nhấtđịnh.

4. Một số nguyên tắc và các hình thức trưng cầu dân ý nhất định

Các chế định trưng cầu dân ý của các quốc gia trên thế giới có sự kế thừa, học hỏi và vận dụng những quan điểm tư tưởng khác nhau trong quá trình xây dựng do đó đã tập hợp các nguyên tắc là nền tảng, cơ sở cho mọi chủ thể tham gia phải tuân thủ trong quá trình thực thi trưng cầu dân ý.

Mặc dù có sự khác biệt về quan điểm, tư tưởng, chế độ chính trị, đặc điểm kinh tế - xã hội và tình hình thực tiễn nhưng nhìn chung qua quá trình thực hiện trong thực tế và từng bước hoàn thiện các quy định pháp luật, các quốc gia trên thế giới hiện này đều thừa nhận một số nguyên tắc chung, chủ yếu chi phối hoạt động trưng cầu dân ý. Đầu tiên và quan trọng nhất cần khẳng định việc trưng cầu dân ý phải thiết lập cơ chế bảo đảm để người dân trực tiếp thực hiện quyền lực của chính mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia, dân tộc, hướng đến việc tạo lập được sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn xãhội.

Việc soạn thảo và ban hành chế định về trưng cầu dân ý bên cạnh những nội dung nhằm “thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, tư tưởng của đảng cầm quyền về dân chủ và chủ quyền của nhân dân” thì cần phải có thêm quy định về cơ chế đảm bảo cho người dân thực thi tốt quyền lực của chính mình với tinh thần “tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia rộng rãi, trực tiếp vào những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”[3]. Cơ chế đảm bảo này cần có sự phối hợp đầy đủ của tất cả các bên từ hệ thống pháp luật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, lực lượng công chức trực tiếp thực thi, ngân sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết .

Bên cạnh đóviệc tiến hành trưng cầu dân ý phải đảm bảo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín khi trưng cầu dân ý tương tự như chế định bầu cử.

Đa số các cuộc trưng cầu dân ý đều được tổ chức thông qua hình thức bỏ phiếu kín, lựa chọn một trong hai phương án là “Có/Không” hoặc “tán thành” hay “không tán thành”. Phổ thông (hay còn gọi là phổ thông đầu phiếu) là nguyên tắc nhằm đảm bảo tính công khai, dân chủ và sự rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, thành phần dân cư trong xã hội tham gia bầu cử. Một nguyên tắc quan trọng trong hoạt động bầu cử đó là bình đẳng, theo đó trong hoạt độngphải đảm bảo tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bỏ phiếu, nghiêm cấm phân biệt đối xử dưới mọi hình thức.Ngoài ra, nguyên tắc bình đẳng còn được thể hiện như: mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú; mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu.

Mặt khác,trưng cầu dân ý phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục do Hiến pháp và các đạo luật quyđịnh.

Tất cả các quốc gia đã từng tổ chức trưng cầu dân ý đều ghi nhận về vấn đề này trong Hiến pháp, đa số đều ban hành Luật hay các điều khoản khác nhau về trưng cầu làm cơ sở pháp lý cho việc thực thi trong thực tế. Mọi vấn đề liên quan đến trưng cầu dân ý từ đề xuất đến quyết định, quy trình thực hiện, công bố kết quả, cách thức tiến hành v.v…đều phải tuân theo trình tự, thủ tục đã được quy định từ trước. Không được ghi nhận trong Hiến pháp, sẽ làm mất đi giá trị là một trong những quyền hiến định cơ bản của con người mà mỗi quốc gia cần đảm bảo thực hiện. Không soạn thảo và ban hành chế định về trưng cầu dân ý nói chung và văn bản pháp luật cụ thể về trưng cầu sẽ không có hành lang pháp lý, nền tảng vững chắc cho mọi công việc và giai đoạn liên quan đến trưng cầu được tiến hành đảm bảo đúng luật, tuân thủ trình tự, thủ tục và các yêu cầu mà Nhà nước đặtra.

Về hình thức trưng cầu dân ý hiện nay hầu hết pháp luật các quốc gia trên thế giới thường ít có quy định cụ thể, chi tiết về hình thức văn bản đưa ra trưng cầu dân ý mà chỉ đưa ra yêu cầu thống nhất về hình thức, nội dung và trật tự pháp lý của văn bảntrưng cầu dân ý. Một số quốc gia như Áo, Tây Ban Nha… nếu là trưng cầu dân ý bắt buộc thì phải đưa ra bản thảo chi tiết còn nếu chỉ là trưng cầu tùy nghi thì chỉ cần câu hỏi mang tính nguyên tắc. Một số quốc gia như Đan Mạch, Pháp, Ailen, Hà Lan… chỉ quy định về hình thức phiếu đối với bản thảo chi tiết, một số quốc gia như Hy Lạp, Anbani…quy định cả hai vừa bản thảo vừa câu hỏi nguyên tắc, những quốc gia như Hungari, Thụy Sĩ… bổ sung thêm hình thức đề xuấtchung[4].

Các câu hỏi đưa ra trưng cầu nội dung cần phải thật đơn giản để người dân có thể hiểu và quyết định được phương án lựa chọn. Điều quan trọng, trong nội dung câu hỏi không được có các phần trái ngược nhau và không được trái với quy định của Hiến pháp. Câu hỏi ở đây phải mang tính khách quan, rõ ràng, cụ thể, không mơ hồ, đa nghĩa hoặc dễ gây nhầm lẫn. Nội dung câu hỏi cần trung lập, không được mang tính định hướng hay gợi ý, tránh việc diễn đạt quá tích cực, tiêu cực. Số lượng câu hỏi cần hợp lý, không quá nhiều dễ gây nhầm lẫn và lộn xộn trong việc đưa ra quyết định. Trong trường hợp trưng cầu các đạo luật yêu cầu đặt ra là các quy định trong nội dung bộ luật cũng không được trái với Hiến pháp. Chính vì vậy, việc quy định trong chế định trưng cầu dân ý về cơ quan chịu trách nhiệm đối với hình thức văn bản đưa ra trưng cầu và cơ quan giám sát việc xây dựng những văn bản đó đóng vai trò hết sức quan trọng và không thể bỏ sót.

3. Đối với phạm vi trưng cầu dân ý

Thông thường đa số chế định trưng cầu dân ý ở nhiều quốc gia xác định phạm vi trưng cầu gồm hai nhóm:

Một là ở cấp độ quốc gia: cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành trên phạm vi lãnh thổ toàn quốc để bỏ phiếu về những chính sách quan trọng của quốc gia với sự tham dự của toàn thể cử tri trong cảnước

Hai là ở cấp địa phương: cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành trong một phạm vi lãnh thổ của một đơn vị hành chính hoặc một số đơn vị hành chính của quốc gia để bỏ phiếu về các chính sách quan trọng của địa phương với sự tham gia của cử tri trong địa phương đó.

Trên thực thế, các quốc gia đã ban hành luật về trưng cầu dân ý đều thừa nhận và quy định phạm vi trưng cầu dân ý cấp quốc gia trong khi trưng cầu cấp địa phương thì tùy vào từng quốc gia, từng vùng lãnh thổ, các cấp chính quyền (bang, tiểu bang, vùng,địa phương) có thể xem xét trao quyền tổ chức. Một số quốc gia châu Âu như Bungari, Croatia, Hungari, Thụy Điển, Ba Lan, Pháp, Bồ Đào Nha…. trao quyền cho các cấp chính quyền địa phương (vùng, cấp dưới) được tổ chức trưng cầu dân ý trong khi các quốc gia khác như ia, Sec, Estonia, Phần Lan, Ailen, Macedonia… chỉ chính quyền cấp tỉnh mới có thẩm quyền này. Các quốc gia liên bang như Nga, Thụy Sĩ, Áo giao quyền cho chính quyền tiểu bang, chính quyền tự trị, vùng và chính quyền địa phương; các nước đơn nhất như Italia, Ba Lan… chỉ giao cho chính quyền tự trị, vùng và địa phương[5]. Quá trình trưng cầu dân ý tại địa phương chính quyền Trung ương có thể đóng vai trò giám sát tính hợp hiến và hợp pháp của cuộc trưng cầu.

Nội dung các cuộc trưng cầu dân ý cấp địa phương cũng cần được quy định giới hạn giống như trưng cầu cấp quốc gia, có thể giới hạn theo cấp đơn vị hành chính (cấp nào thì được tổ chức bỏ phiếu về vấn đề gì) hoặc giới hạn theo vấn đề (nội dung nào được phép tổ chức trưng cầu ở địa phương và nội dung nào không tổ chức). Bên cạnh đó, cũng giống như cấp trung ương trưng cầu dân ý cấp địa phương bao gồm hai loại: trưng cầu dân ý bắt buộc (được quy định trong Hiến pháp và luật) và trưng cầu dân ýtùy thuộc (theo đề xuất của chính quyền hay công dân).

 


[1]IDEA quốc tế (2014), Dân chủ trực tiếp: Sổ tay IDEA quốc tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, HàNội

[2]IDEA quốc tế (2014), Dân chủ trực tiếp: Sổ tay IDEA quốc tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, HàNội

[3]Hội Luật gia Việt Nam (2015), Tờ trình số 114/TTr – HLGVN ngày 26/3/2105 về dự án Luật trưng cầu ýdân

[4]Đặng Minh Tuấn (2015), Lý luận và thực tiễn về trưng cầu ý dân trên thế giới và Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, HàNội

[5]Raul Cordenillo (2018), Voting is no longer enough, IDEAhttps://www.idea.int/news-media/news/voting-no-longer-enough

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành