Thứ năm, 08 Tháng 9 2022 15:51

Một số quan điểm về khái niệm giám sát trong hoạt động tố tụng hình sự

Trong khoa học pháp lý Việt Nam và trong luật thực định còn có cách hiểu khác nhau xoay quanh vấn đề giám sát, kiểm soát, kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, giám đốc xét xử. Để nghiên cứu làm rõ các khái niệm này cần xem xét, tiếp cận từ góc độ là các khái niệm thuộc về hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước, đảm bảo cho quyền lực nhà nước được thực hiện một cách đúng đắn, hiệu quả. So sánh, làm rõ các khái niệm này nhằm khẳng định tính khách quan của hoạt động giám sát đối với hoạt động tố tụng hình sự, mặt khác làm sáng tỏ được bản chất của hoạt động giám sát và đề xuất các giải pháp khả thi hoàn thiện nguyên tắc giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự.

Để phân biệt các khái niệm: kiểm soát, kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, giám sát, giám đốc xét xử cần xem xét về chủ thể, đối tượng, hình thức, phương thức thực hiện các hoạt động này.

Kiểm soát: theo nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt “Kiểm soát là kiểm tra xem xét ngăn ngừa những sai phạm các quy định”[1]. Khái niệm “kiểm soát” được xem xét từ góc độ hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước, đó là:

“Toàn bộ những hoạt động của các chủ thể quyền lực để xem xét, theo dõi, đánh giá những biện pháp mà thông qua đó có thể ngăn ngừa, loại bỏ những nguy cơ, những việc làm sai trái của nhà nước, cơ quan, nhân viên nhà nước trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và thực hiện đúng mục đích mong muốn và đạt được hiệu quả cao”[2].

Một nhận định rất súc tích sau của cho ta hiểu thêm nội hàm và ý nghĩa của hoạt động “kiểm soát”: “Nhà nước thì ở thời nào cũng rất cần, nhưng quyền lực của nó cần phải được kiểm soát. Đó là quy luật khách quan của sự vận động quyền lực nhà nước trong nền dân chủ hiện đại”[3].

Kiểm tra: theo định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt là “Xem xét thực chất, thực tế: kiểm tra chất lượng, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra so sánh[4]. Tiếp cận từ góc độ quản lý nhà nước, “kiểm tra” là hoạt động của chủ thể lãnh đạo quản lý và phụ trách chuyên môn xem xét, đánh giá chất lượng hoạt động của đối tượng bị kiểm tra là cơ quan, cá nhân thuộc quyền quản lý.

Thanh tra: theo nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt là “Điều tra xem xét để làm rõ sự việc”. Theo định nghĩa pháp lý, thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra ngoài nghĩa kiểm tra, còn có nghĩa là điều tra làm rõ sự việc. Đây là hoạt động kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước trong hành pháp, do đó hoạt động thanh tra hướng vào nội bộ của hệ thống hành chính từ trên xuống dưới bao gồm: các cơ quan hành chính; người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính. Chính vì vậy, thanh tra là hoạt động tự kiểm tra của quản lý Nhà nước, hoạt động hướng vào “bên trong” hệ thống hành chính. Đây là đặc điểm phân biệt với hoạt động giám sát, loại hoạt động xem xét từ “bên ngoài” đối với đối tượng giám sát.

Kiểm sát: là chức năng của Viện kiểm sát thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp. Kiểm sát “là hoạt động riêng có của cơ quan kiểm sát, một loại cơ quan hiến định. Viện Kiểm sát là một loại cơ quan quyền lực, do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Quốc hội) lập ra để kiểm sát quyền lực”[5]. Đối tượng của kiểm sát là hoạt động tư pháp, đây là hoạt động kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Giám đốc việc xét xử: là thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao, đây là cơ chế giám sát tự thân đối với các hoạt động trong hệ thống Tòa án, là hoạt động quản lý, giám sát đối với việc xét xử của Tòa án cấp dưới: “Thể hiện ở việc Tòa án nhân dân tối cao xét lại bản án hoặc quyết định của Tòa án cấp dưới thông qua các hoạt động: kiểm tra phát hiện những sai lầm, thiếu xót của Tòa án cấp dưới; giải quyết khiếu nại của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và của công dân về các bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật; tổng kết kinh nghiệm xét xử; hướng dẫn Tòa án cấp dưới áp dụng pháp luật thống nhất; kháng nghị bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc”[6].

Khái niệm giám sát: “Các khái niệm kiểm tra, thanh tra, kiểm soát, kiểm sát tuy có cùng nội dung kiểm tra, xem xét sự việc nhưng chủ thể, phương pháp tiến hành, trình tự thủ tục xử lý và hậu quả pháp lý không đồng nhất như nhau và khác với hoạt động giám sát”[7].

“Vậy thế nào là giám sát? Có thể nói rằng, sự kiểm tra nào nhằm bảo đảm cho cả hệ thống, tức là kiểm tra từ bên ngoài (không phải là chỉ bên trong từng bộ phận) thì đó là cơ chế giám sát, tức là theo dõi người khác, kiểm tra bộ phận khác hay là toàn bộ hệ thống. Đó là cơ sở phân biệt một cách tương đối khi nào là kiểm tra, khi nào là giám sát”[8].

“Giám sát dùng để chỉ hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, tòa án, các tổ chức xã hội và công dân nhằm bảo đảm sự tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật trong quản lý xã hội. Như vậy, hoạt động giám sát chủ yếu thực hiện ngoài quan hệ trực thuộc theo chiều dọc”[9].

Theo các quan điểm trên, giám sát là sự kiểm tra từ bên ngoài để bảo đảm thực hiện quyền lực nhà nước, đây là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt với các khái niệm kiểm tra, thanh tra, kiểm soát.

Tiếp cận nghiên cứu giám sát là một chức năng của Quốc hội - chủ thể giám sát quyền lực nhà nước có định nghĩa sau:

“Giám sát là quá trình theo dõi, quan sát, phân tích, nhận định về hành vi của đối tượng bị giám sát xem có vi phạm các chuẩn mực của chủ thể quyền lực hay không để có những tác động điều chỉnh đối tượng thực hiện các yêu cầu chuẩn mực mà chủ thể quyền lực đề ra”[10].

“Hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, giám sát có nội dung, tính chất, đối tượng tác động, thủ tục tiến hành khác nhau. Mỗi loại hoạt động có vai trò, tác động xã hội nhất định, chúng phối hợp tạo thành công lực để củng cố pháp chế, trật tự pháp luật” .

Như vậy, các khái niệm: kiểm soát, kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, giám sát, giám đốc xét xử đều là các khái niệm chỉ hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước của các chủ thể khác nhau thực hiện các hình thức, phương thức theo các trình tự, thủ tục được pháp luật quy định nhằm mục đích ngăn ngừa, phát hiện, loại bỏ những nguy cơ, những việc làm sai trái của đối tượng bị kiểm soát là các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Qua đó, góp phần bảo vệ trật tự pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của nhà nước, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

- Khái niệm về nguyên tắc giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng trong luật tố tụng hình sự:

Qua nghiên cứu, đến nay chưa có định nghĩa riêng về nguyên tắc giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng trong luật tố tụng hình sự, mới chỉ có các khái niệm về hoạt động giám sát được các học giả trong và ngoài nước đưa ra những định nghĩa khác nhau dựa trên cách tiếp cận không giống nhau:

Tiếp cận từ nghiên cứu chủ thể hoạt động giám sát là Quốc hội có khái niệm:

“Giám sát là việc Quốc hội thu thập thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước hữu quan và xem xét, đánh giá thông tin thu thập được. Việc xem xét, đánh giá này là cơ sở để Quốc hội có thể biểu dương hoặc phê phán các chủ thể có liên quan trong những trường hợp nhất định, bày tỏ sự tín nhiệm của mình đối với các chủ thể đó”[11].

Tiếp cận từ nghiên cứu về giám sát đối với hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước có khái niệm:

“Giám sát đối với hoạt động của các cơ quan quyền lực là việc làm sáng tỏ sự phù hợp của nội dụng, các hình thức, các phương thức, các phương pháp, các kết quả hoạt động của các cơ quan cụ thể cấu thành hệ thống các cơ quan thực thi quyền lực, của những người lãnh đạo các cơ quan đó và của những người có chức vụ, quyền hạn khác, của toàn bộ cán bộ thuộc các cơ quan quyền lực với Hiến pháp và các đòi hỏi của pháp luật”[12].

Tiếp cn từ nghiên cứu về giám sát xã hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, có khái niệm:

“Hình thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc theo dõi, quan sát, xem xét, đánh giá hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, cán bộ, công chức cơ quan tư pháp hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, giới hạn quyền lực được giao để các hoạt động tư pháp thực hiện đúng pháp luật, khách quan, khoa học, hiệu quả, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý; giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”[13].

Tiếp cận từ nghiên cứu về cơ chế pháp lý hoạt động giám sát ở Việt Nam, có khái niệm:

“Giám sát hoạt động tư pháp là việc các cơ quan dân cử, các đại biểu dân cử, Viện Kiểm sát nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và mọi công dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tung, người tiến hành tố tụng, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các cơ quan tiến hành tố tụng; đồng thời phát hiện những hành vi trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm đưa ra các kiến nghị, yêu cầu và kháng nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị yêu cầu đó theo quy định của pháp luật”.

Trong bài viết “Nguyên tắc giám sát đối với tố tụng hình sự” trên Tạp chí Amazonia Investiga, các tác giả đã tiếp cận nguyên tắc giám sát đối với tố tụng hình sự thông qua việc đảm bảo quyền xét xử công bằng (the right to fair trial). bàn về vai trò của việc giám sát quyền tư pháp, bài viết nhận định rằng:

“Giám sát việc thực hiện chức năng của nhánh quyền tư pháp là một trong những khía cạnh quan trọng và thiết yếu nhất trong việc giám sát đảm bảo việc thực thi công lý và sự sống còn của nhà nước”.

Trong công trình nghiên cứu của các tác giả Elke Devroe, Marijke Malsch, Joery Matthys và Goos Minderman về “Giám sát hệ thống tư pháp hình sự: Tóm lược” (Supervision of the criminal justice system: Summary)[14]. Nghiên cứu chỉ ra các đặc điểm của giám sát đối với hệ thống tư pháp hình sự như sau: (1) Đối tượng của giám sát luôn là hành vi của những chủ thể khác; (2) Chủ thể và đối tượng giám sát luôn phải hành động dựa trên những quy định pháp luật; (3) Giám sát không tạo ra lợi ích hay giá trị mới; (4) Không có sự giám sát sẽ dẫn đến những hành vi mờ ám.

Nghiên cứu chỉ ra ba yếu tố của giám sát: (1) thu thập thông tin; (2) khả năng đánh giá; (3) sự can thiệp.

Giám sát hiệu quả phải đáp ứng những yêu cầu sau: (1) Hành vi giám sát có thể nắm bắt được, chủ yếu thông qua văn bản; (2) Hành vi giám sát phải minh bạch; (3) Các quyết định liên quan phải nằm trong phạm vi giám sát; (4) Giám sát cần vô tư nên chủ thể giám sát và đối tương giám sát phải tách biệt; (5) Chủ thể giám sát phải có thể gây ảnh hưởng lên đối tượng giám sát.

Nghiên cứu về nguyên tắc giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng trong luật tố tụng hình sự và nghiên cứu các khái niệm về giám sát của các học giả, chúng tôi nhận thấy: Giám sát hoạt động tố tụng hình sự là một trong những nội dung của thực hiện quyền lực nhà nước nhằm xác định sự phù hợp của nội dung, hình thức, phương pháp, các kết quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng với các quy định của Hiến pháp và pháp luật nói chung và luật tố tụng hình sự nói riêng. Giám sát trong tố tụng hình sự không chỉ là phát hiện vi phạm, thiếu sót, thu thập các thông tin khác nhau trong hoạt động tố tụng hình sự để đưa ra các biện pháp, kiến nghị sửa chữa đối với cơ quan tiến hành tố tụng mà còn ở việc thông qua giám sát cải thiện trạng thái, hiệu quả hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng để chỉ ra các nguyên nhân của những sai sót vi phạm nói trên. Việc giám sát trong tố tụng hình sự được quyết định bởi các yếu tố mang tính chất chung của giám sát quyền lực nhà nước và do tính chất đặc thù của hoạt động tố tụng hình sự.

Từ các phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm nguyên tắc giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng như sau: Nguyên tắc giám sát của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử đối với hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự là tư tưởng, định hướng chi phối toàn bộ quá trình xây dựng và thực thi pháp luật tố tụng hình sự với các hình thức và phương pháp giám sát phù hợp theo qui định của pháp luật để bảo đảm hoạt động tố tụng được tiến hành đúng đắn, khách quan.

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Như Ý (chủ biên), (1998), Đại từ điển tiếng Việt, NX Văn hóa thông tin, Hà Nội.

Nguyễn Đăng Dung (2017), Kiểm soát quyền lực nhà nước, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

Nguyễn Minh Đoan - Thu Hạnh (2014), “Quan niệm về kiểm soát chế kiểm soát quyền lực nhà nước”, Tạp chí Nhà nước Pháp luật (9), tr.3-8

Đinh Xuân Thảo, Lê Như Tiến (2010), Hoạt động giám sát của Quốc hội những vấn đề lý luận và thực tiễn, NX Công an nhân dân

Vũ Thị Mỹ Hằng (2016), Thực hiện chức năng giám sát quyền lực nhà nước của Quốc hội Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ chính trị học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội

Võ Khánh Vinh (2003), “Khái niệm, các loại, các lĩnh vực, nội dung và hệ thống các cơ quan giám sát đối với tổ chức và hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân 2003, tr.15-33.

Trường Đại học kiểm sát Hà Nội, http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/119/366

Lê Văn Cảm, Nguyễn Ngọc Chí (2006), Bảo vệ quyền con người bằng pháp luật hình sự, TTHS trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, Đề tài cấp Đại học Quốc Gia, mã số QL 04.03.

Nguyễn Chí Dũng (2009), Cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp ở Việt

Nam, Luận án tiến sĩ Luật, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.22

Rahmati, M., Sheidaeian, M., MirKhalili, S., Darabi, (2018), “Principle of supervision of criminal procedure(Nguyên tắc giám sát đối với tố tụng hình sự) Tạp chí Amazonia Investiga, Vol. 7, Núm. 14: 187-196/ Mayo - Junio, pp. 187-196.

Nguyễn Ngọc Chí (2018), Giáo trình các nguyên tắc cơ bản của Luật Tố tụng hình sự, NX Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.374

Đào Trí Úc (2003), “Quan niệm về giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước và các cơ chế thực hiện giám sát”, Sách giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, Viện Nhà nước và Pháp luật, NXB Công an nhân dân, tr.5-14

Đinh Văn Mậu (2003), “Kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền hành chính nhà nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân, tr.360-369

 


[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên), (1998), Đại từ điển tiếng Việt, NX Văn hóa thông tin, Hà Nội.

[2] Nguyễn Minh Đoan - Thu Hạnh (2014), “Quan niệm về kiểm soát cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước”, Tạp chí Nhà nước Pháp luật (9), tr.3-8

[3] Nguyễn Đăng Dung (2017), Kiểm soát quyền lực nhà nước, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật

[4] Nguyễn Như Ý (chủ biên), (1998), Đại từ điển tiếng Việt, NX Văn hóa thông tin, Hà Nội

[5] Trường Đại học kiểm sát Hà Nội, http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/119/366

[6] Nguyễn Ngọc Chí (2018), Giáo trình các nguyên tắc cơ bản của Luật Tố tụng hình sự, NX Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.374

[7] Nguyễn Chí Dũng (2009), Cơ chế pháp lý giám sát hoạt động tư pháp ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tr.22

[8] Đào Trí Úc (2003), “Quan niệm về giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước và các cơ chế thực hiện giám sát”, Sách giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, Viện Nhà nước và Pháp luật, NXB Công an nhân dân, tr.11

[9] Đinh Văn Mậu (2003), “Kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền hành chính nhà nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân, tr.363

[10] Vũ Thị Mỹ Hằng (2016), Thực hiện chức năng giám sát quyền lực nhà nước của Quốc hội Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ chính trị học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.13

[11] Đinh Xuân Thảo, Lê Như Tiến (2010), Hoạt động giám sát của Quốc hội những vấn đề lý luận và thực tiễn, NX Công an nhân dân, tr.8

[12] Võ Khánh Vinh (2003), “Khái niệm, các loại, các lĩnh vực, nội dung và hệ thống các cơ quan giám sát đối với tổ chức và hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay, NX Công an nhân dân 2003, tr.19

[13]Nguyễn Huy Phượng (2013), Giám sát xã hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, Nxb Tư pháp, tr.36

[14] Rahmati, M., Sheidaeian, M., MirKhalili, S., Darabi, (2018), “Principle of supervision of criminal procedure(Nguyên tắc giám sát đối với tố tụng hình sự) Tạp chí Amazonia Investiga, Vol. 7, Núm. 14: 187-196/ Mayo - Junio, pp. 187-196

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành