In trang này
Thứ năm, 23 Tháng 3 2023 00:41

Một số vấn đề về lịch sử phát triển của chế độ sở hữu theo Hiến pháp 1959

1. Cơ sở hình thành chế độ sở hữu trong Hiến pháp 1959

Các Mác cho rằng sở hữu tư liệu sản xuất là một trong ba nội dung cơ bản của quan hệ sản xuất. Những vấn đề liên quan đến sở hữu được xác định là một trong những nguyên lý trụ cột của Chủ nghĩa Mác- Lê nin.

Thực tế cho thấy, trong quá trình xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, quan điểm Mác - Lê nin thường được các đảng cộng sản vận dụng và phát triển vảo đường lối lãnh đạo của mình và các quan điểm đó cũng được thể chế hóa tại Hiến pháp và pháp luật của từng quốc gia. Đối với Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê nin đối với đường lối cách mạng và đặc biệt là trong các chính sách liên quan đến vấn đề sở hữu.

Đối với các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà nghiên cứu, các thì ở miền Bắc sau năm 1954, tồn tại hai luồng quan điểm, đó là: cải tạo xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất; phát triển kinh tế nhiều thành phần, công nhận sự tồn tại của tư hữu về tư liệu sản xuất. Những năm 1950 tại miền Bắc, chế độ dân chủ mới đã thể hiện các quan điểm về xây dựng Chủ nghĩa xã hội, theo đó có năm loại hình kinh tế gồm: kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước trong đó kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo và phát triển nhanh hơn cả. Như vậy, có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam được xác định hình theo hướng Chủ nghĩa xã hội mà không theo hướng tư bản chủ nghĩa.

Trong thời kỳ này, đã tồn tại 5 thành phần kinh tế phát triển và 4 hình thức sở hữu chính, gồm: sở hữu của nhà nước (tức của toàn dân), sở hữu của hợp tác xã (tức sở hữu tập thể của nhân dân lao động), sở hữu của người lao động riêng lẻ, tư liệu sản xuất của nhà tư bản. Có thể nói, quan điểm này được cho là phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 1959 về chế độ sở hữu thời kỳ này. Tại hội nghị Trung ương lần thứ XIV và XVI khóa II năm 1958, đã thông qua nghị quyết cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế để đi đến một nền kinh tế thuần nhất với hai thành phần kinh tế và hai hình thức sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Sở dĩ mô hình kinh tế trên phù hợp với thời kỳ này vì ở tại thời điểm đó cần tập trung tối đa mọi nguồn lực cho việc kháng chiến chống Mỹ.

Từ năm 1946 đến 1959, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ra đời và phát triển được 14 năm. Có thể nói đây là một khoảng thời gian có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, làm thay đổi tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của đất nước. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1946, chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp lại diễn ra. Sau sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Genève, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng nhưng đất nước còn tạm thời bị chia làm hai miền. Trong giai đoạn này, miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước. Từ năm 1955-1957 miền Bắc đã từng bước khôi phục lại nền kinh tế. Năm 1958, bắt đầu thực hiện kế hoạch kinh tế 3 năm nhằm phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa. Trong thời gian này, kinh tế và văn hoá, miền Bắc đã có những tiến bộ lớn. Cũng trong giai đoạn này, cải cách ruộng đất đã làm thay đổi những quan hệ giai cấp trong xã hội, giai cấp địa chủ phong kiến không còn nữa, vai trò và vị thế của liên minh công nhân- nông dân ngày càng được bồi đắp và phát triển vững mạnh[1].

Xem xét trên phương diện lịch sử và sự phát triển của đất nước, có thể thấy tại thời điểm đó Hiến pháp năm 1946 đã hoàn thành sứ mệnh, tuy nhiên trước tình hình đất nước và nhiệm vụ mới, cần phải có những bổ sung và thay đổi. Chính vì vậy, tại Kỳ họp lần thứ VI Khoá I, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1946 và thành lập Ban dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ngày 31/12/1959, Quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp sửa đổi và ngày 0101/1960, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh công bố hiến pháp. Hiến pháp năm 1959 được Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức xây dựng để thể chế hóa đường lối cách mạng trong giai đoạn mới nêu trên, vì thế nó bắt đầu mang các dấu ấn về cấu trúc và nội dung của hiến pháp các nước Xã hội chủ nghĩa và đặc biệt chịu ảnh hưởng của Hiến Pháp Liên Xô.

Ở thời kỳ này, do điều kiện và hoàn cảnh kinh tế- xã hội, Hiến pháp năm 1959 vẫn quy định hình thức chính thể của nhà nước là nhà nước Dân chủ cộng hòa và xác định quyền lực nhà nước thuộc về mọi tầng lớp nhân dân, không tập trung vào bất kỳ một giai cấp nào. Hiến pháp 1959 cũng thể hiện rõ đặc trưng của nhà nước Xã hội chủ nghĩa thông qua các quy định về cơ chế kinh tế tập trung, bao cấp kế hoạch hóa như: nhà nước lãnh đạo nền kinh tế theo kế hoạch thống nhất (Điều 10), thống nhất về tổ chức chính quyền địa phương ở tất cả các cấp (Chương VII); điều chỉnh tổ chức của hệ thống tòa án nhân dân theo đơn vị hành chính (Chương VIII); thành lập thêm hệ thống Viện kiểm sát nhân dân (cũng được coi là cơ quan tư pháp, tổ chức theo đơn vị hành chính như hệ thống tòa án) với chức năng công tố và kiểm sát chung việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước khác theo mô hình các nước xã hội chủ nghĩa (Chương VIII)[2].

Đến bản Hiến pháp năm 1959 (bản hiến pháp xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Việt Nam), có thể nhận thấy bản Hiến pháp này là một hình thức để chính thức hóa một kế hoạch xã hội rộng lớn: xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiếp tục kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Do đó, ngoài các quy định về chính quyền theo lối tập quyền XHCN, Hiến pháp còn chính thức hóa các chủ trương xây dựng XHCN trong các quy định mới (so với Hiến pháp năm 1946) về chế độ kinh tế, xã hội (Chương II)[152]. Một số quy định khác trong Hiến pháp năm 1959 cũng cho thấy sự chuyển dịch rõ ràng sang hình hiến pháp XHCN. Cụ thể, Lời nói đầu đề cập đến vai trò của Đảng Cộng sản trong việc giành độc lập cho đất nước và trong việc lãnh đạo nhà nước và xã hội (quy định này đánh dấu sự khởi đầu của việc quy định cụ thể và mạnh mẽ hơn vai trò của Đảng Cộng sản như là đảng chính trị duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội trong các Hiến pháp năm 1980,1992, 2013).

Ngoài ra, Hiến pháp năm 1959 có thêm một chế định về chế độ kinh tế (Chương II), trong đó quy định nguyên tắc nhà nước thống nhất lãnh đạo nền kinh tế (Điều 10) và xác định các hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là chủ đạo và được ưu tiên (Điều 12 và Điều 13), còn hình thức sở hữu tư nhân tuy vẫn được bảo hộ nhưng nhà nước khuyến khích chuyển sang sở hữu nhà nước và tập thể (các Điều 14, 15, 16, 18, 19). Quy định này đã thúc đẩy công việc cải tạo nông, công, thương nghiệp ở miền Bắc (bắt đầu từ năm 1958 và kết thúc vào cuối năm 1960) cơ bản đã xóa bỏ loại hình sở hữu tư nhân về ruộng đất và các dạng tư liệu sản xuất khác của nông dân, các nhà tư sản dân tộc và tiểu thương[3].

Với những đặc điểm cơ bản nêu trên, có thể thấy chức năng của Hiến pháp năm 1959 đã chuyển dần sang chức năng của hiến pháp quá độ từ chế độ dân chủ nhân dân lên CNXH.

2. Đặc điểm, nội dung kế thừa và phát triển của chế độ sở hữu trong Hiến pháp năm 1959

2.1 Đặc điểm của chế độ sở hữu trong Hiến pháp năm 1959

Với đặc điểm kinh tế - xã hội và đường hướng phát triển đất nước trong thời kỳ này, Hiến pháp 1959 đã dần chuyển chức năng từ hiến pháp quá độ từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội. Những vấn đề liên quan đến sở hữu được xác định là một trong những nguyên lý trụ cột của Chủ nghĩa Mác- Lê nin, do vậy chế độ sở hữu thời kỳ này bắt đầu mang những đặc điểm của thời kỳ quá độ sau:

Thứ nhất, ở giai đoạn này, sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể là hình thức sở hữu được tập trung phát triển. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh- một loại hình tổ chức đại diện cho sở hữu nhà nước, chiếm vai trò kinh tế chủ đạo và được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển;

Thứ hai, với sự ưu tiên định hướng phát triển đối với hình thức sở hữu nhà nước thì sự đa dạng của các hình thức sở hữu bị mất dần. Do đó, khách thể của quan hệ sở hữu cũng bị thu hẹp. Hình thức sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất hầu như không tồn tại mặc dù không có những quy định loại bỏ hoặc cấm đoán việc thực hiện hình thức sở hữu tư nhân[4].

2.2 Nội dung kế thừa của chế độ sở hữu

Có thể thấy rằng, ở giai đoạn này, phương hướng, đường lối phát triển kinh tế của Việt Nam là xây dựng nền kinh tế từ lạc hậu thành một nền kinh tế Xã hội Chủ nghĩa phát triển công nghiệp, nông nghiệp hiện đại kết hợp khoa học và kỹ thuật tiên tiến. Điều 9 Hiến pháp 1959 quy định về mục đích cơ bản của chính sách kinh tế của nhà nước là không ngừng phát triển sức sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân. Theo đó, Hiến pháp năm 1959 đã xác định chế độ sở hữu, thành phần kinh tế, nguyên tắc quản lý nền kinh tế là chính sách kinh tế của nhà nước xã hội chủ nghĩa nhưng phù hợp với điều kiện đất nước có chiến tranh. Theo đó, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất được xác lập cùng với nó là quan hệ sản xuất đặc thù xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Hiến pháp năm 1959 công nhận nhận sự tồn tại của 4 hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất, bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu hợp tác xã, sở hữu của những người lao động riêng lẻ và sở hữu của nhà tư sản dân tộc. Nhà nước thực hiện việc trưng mua, trưng dụng, trưng thu khi thấy cần thiết vì mục tiêu lợi ích chung và có bồi thường thích đáng. Trong những năm chiến tranhh chống Mỹ, nền kinh tế Việt Nam phát triển theo cơ chế bao cấp, tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng được phân phối theo kế hoạch, cho nên các giao lưu dân sự không phát triển, vì vậy cá nhân có quyền sở hữu đối với tư liệu tiêu dùng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Bên cạnh đó, để tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể trong các thành phần kinh tế khác nhau an tâm lao động sản xuất, nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu của người lao động riêng lẻ và quyền sở hữu của các nhà tư bản đối với các tư liệu sản xuất họ đang được phép sản xuất kinh doanh. Điều 11 Hiến pháp năm 1959 quy định: “Ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời kỳ quá độ, các hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất hiện nay là: hình thức sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân, hình thức sở hữu của hợp tác xã tức là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ, và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc”.

2.3 Sự phát triển của chế độ sở hữu trong Hiến pháp năm 1959

Có thể nói, so với Hiến pháp năm 1946 thì Chương II Hiến pháp 1959 là một chương hoàn toàn mới. Chương này được xây dựng theo hình của hiến pháp các nước xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, ngoài việc quy định kinh tế quốc doanh giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân, Hiến pháp năm 1959 còn quy định nhà nước lãnh đạo hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất. Cụ thể, Điều 14 Hiến pháp quy định nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và tư liệu sản xuất khác của nông dân; Điều 15 quy định về bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của người làm nghề thủ công và những người lao động riêng lẻ khác; Điều 16 quy định bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của nhà tư sản dân tộc; Điều 18 quy định về bảo hộ quyền sở hữu của công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở và các thứ vật dụng riêng khác; Điều 19 quy định về bảo hộ quyền thừa kế tài sản tư hữu của công dân. Tất cả các quy định này đều được chế định hóa thống nhất trong Chương II của Hiến pháp năm 1959.

Ở đây, khái niệm sở hữu toàn dân đã xuất hiện như một sản phẩm của ý thức hệ, sản phẩm của lý luận, của triết học và kinh tế chính trị học hơn là từ bản chất lâu đời của luật pháp. Từ khi đất nước bước vào thời kì mới, ở miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục công cuộc giải phóng nhằm thống nhất đất nước, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiếp tục thực hiện phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo hướng xã hội chủ nghĩa. Có thể nhận thấy, khái niệm về sở hữu toàn dân được chính thức đưa vào và sử dụng ở nước ta từ Hiến pháp 1959. Theo đó, Điều 11 Hiến pháp 1959 quy định: “Ở nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong thời kỳ quá độ, các hình thức sở hữu chủ yếu về liệu sản xuất hiện nay là: hình thức sở hữu của nhà nước tức là của toàn dân, hình thức sở hữu của hợp tác xã tức là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc”. Điều 11 Hiến pháp 1959 liệt kê các loại hình sở hữu và không đưa ra định nghĩa cụ thể về các loại hình sở hữu, ở đây khái niệm sở hữu của nhà nước được định nghĩa tức là của toàn dân. Ngoài ra, Điều 12 Hiến pháp năm 1959 quy định sở hữu toàn dân bao gồm: kinh tế quốc doanh, hầm mỏ, sông ngòi, rừng cây, đất hoang, tài nguyên khác pháp luật quy định của nhà nước, đều thuộc sở hữu toàn dân.

Tuy nhiên, ở Hiến pháp năm 1959 một quan điểm khác về chế độ sở hữu tư nhân hay còn gọi là chế độ tư hữu cũng đã xuất hiện. Ở thời kỳ này, quan điểm của Nhà nước Việt Nam về chế độ tư hữu được thể hiện một cách khá rõ nét trong Hiến pháp năm 1959. Cụ thể Điều 14, 15, 16 Hiến pháp 1959 đã khẳng định rõ việc nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân, các tư liệu sản xuất của những người lao động thủ công và lao động riêng lẻ, nhà nước bảo hộ tư liệu sản xuất và của cải khác của các nhà tư sản dân tộc. Bên cạnh đó, Hiến pháp 1959 cũng quy định rõ sự cẩn thiết phải thay đổi, cải tạo các thành phần kinh tế này và dần dần chuyển thành thành phần kinh tế nhà nước hoặc tập thể.

Mặt khác, đối với nông dân, thợ thủ công, những người lao động riêng lẻ thì đặc trưng kinh tế cá thể của họ được nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để thành lập hợp tác xã, hỗ trợ, khuyến khích các gia đình đưa ruộng đất và tư liệu sản xuất của mình đóng góp vào hợp tác xã để xây dựng phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là dựa trên hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động. Bên cạnh đó, đối với thành phần kinh tế tư bản, nhà nước thực hiện việc công tư hợp doanh kết hợp giữa kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân tư bản để cùng phát triển kinh tế theo con đường chủ nghĩa xã hội. Do những đặc trưng về lịch sử ở giai đoạn này, xã hội còn có nhiều thành kiến đối với những chủ thể làm ăn riêng lẻ, tuy nhiên, pháp luật vẫn bảo hộ quyền sở hữu đối với các tư liệu sản xuất và tài sản của những chủ thể này và cho phép để lại thừa kế. Tại các Điều 14, 15, 16, 18, 19 Hiến pháp năm 1959 quy định: Nhà nước Việt Nam chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu đất đai, các tư liệu sản xuất khác, của cải, thu nhập hợp pháp, quyền về thừa kế tài sản tư hữu của nông dân, người làm nghề thủ công, người lao động riêng lẻ, nhà tư sản dân tộc, công dân[5].

Sau cải cách ruộng đất, miền Bắc tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp. Theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ VI của Đảng Cộng sản, về mặt nguyên tắc ruộng đất của xã viên bắt buộc phải đưa toàn bộ vào hợp tác xã và thống nhất sử dụng, tuy nhiên, tạo điều kiện sinh hoạt riêng của xã viên và nhằm sử dụng vốn lao động của nông dân trong lúc nhàn rỗi, nhà nước để lại cho xã viên một số đất không quá 5% diện tích bình quân của mỗi người trong xã dùng sử dụng vào mục đích sinh hoạt gia đình như trồng rau, chăn nuôi[6] … Như vậy, trên thực tế và tại quy định của Hiến pháp, chế độ sở hữu đất đai ở thời kỳ này gồm các hình thức sở hữu tư nhân, sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Theo đó, Điều 14 và Điều 40 Hiến pháp năm 1959 ghi nhận: Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân và tài sản công cộng của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là thiêng liêng và không thể xâm phạm. Công dân có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản công cộng. Hiến pháp năm 1959 một lần nữa khẳng định quan điểm của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, tiếp tục thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”.

 


[1] Thái Vĩnh Thắng, Lịch sử lập hiến Việt Nam, Link tham khảo: https://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/ctv/news/Pages/nghien-cuu-trao- doi.aspx?ItemId=14

[2] Vũ Công Giao, Báo cáo nghiên cứu: khảo sát định hướng chính sách và phát triển qua các hiến pháp Việt Nam và gợi ý về các hoạt động của Viện Rosa Luxemburg tại Việt Nam trong giai đoạn 2015 – 2020.

[3] Vũ Công Giao, Báo cáo nghiên cứu: khảo sát định hướng chính sách và phát triển qua các hiến pháp Việt Nam và gợi ý về các hoạt động của Viện Rosa Luxemburg tại Việt Nam trong giai đoạn 2015 – 2020.

[4] Hoàng Ngọc Thỉnh (1999), “Sự phát triển của chế độ sở hữu tư nhân qua các bản hiến pháp của Việt Nam”, Tạp chí Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Số 6

[5] Nguyễn Minh Đoan (2011), “Chế độ sở hữu trong các Hiến pháp Việt Nam và xu hướng phát triển chế độ sở hữu ở Việt Nam hiện nay”, Hiến pháp: những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao (đồng chủ biên), Nxb. ĐHQG Hà Nội, Hà Nội

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội