Thứ tư, 12 Tháng 4 2023 17:17

Khái quát về chủ nghĩa hiến pháp trong thực tiễn đời sống chính trị và pháp lý

Theo tác giả Nguyễn Đăng Dung, chủ nghĩa hiến pháp là thuật ngữ chưa quen thuộc, thậm chí xa lạ trong đời sống chính trị-pháp lý Việt Nam. Nó chưa từng xuất hiện trong các tuyên ngôn hay văn kiện của Đảng cũng như của Nhà nước. Trong khi đó, các thuật ngữ hiến pháp, nhà nước pháp quyền, dân chủ, nhân quyền, kiểm soát quyền lực,… đã dần trở nên quen thuộc, dù nhận thức về các chủ đề này nhiều khi còn chưa rõ ràng, thống nhất.

Trong thực tế, nhiều dẫn chứng cho thấy, xã hội Việt Nam chưa có nhận thức đầy đủ và chính xác về pháp quyền và chủ nghĩa hiến pháp, như câu khẩu hiệu: “Toàn Đảng, toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật” được phổ biến từ trước đến nay, hay việc coi Hiến pháp là “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”. Cuộc khảo sát Chỉ số công lý năm 2012 thực hiện ở 21 tỉnh thành lựa chọn ngẫu nhiên (gồm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc, cho thấy nhận thức và ý thức về các vấn đề  hiến pháp của người dân nước ta tương đối hạn chế, đặc biệt ở nhóm nghèo, học vấn thấp và không có vị thế xã hội. Trong thời điểm Quốc hội đang bàn thảo về sửa đổi hiến pháp, có 42,4% người được phỏng vấn “không từng nghe” hoặc “không biết” về hiến pháp. Trong số những người nhận là có biết về hiến pháp, có 23% không biết về quá trình dự thảo sửa đổi hiến pháp đang diễn ra. Có 88,6% số người được hỏi cho rằng người dân có quyền tham gia góp ý vào sửa đổi hiến pháp, 74,2% cho là người dân nên có quyền phúc quyết đối với hiến pháp sửa đổi. Các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Trà Vinh, số người không từng nghe/biết về hiến pháp là từ 62% đến 71%. Cuộc khảo sát Chỉ số công lý năm 2015 thực hiện trên cả nước cho kết quả không có nhiều thay đổi với cùng câu hỏi “hiểu biết về hiến pháp” (tỷ lệ các năm 2015 và 2021): “biết rõ” (6% và 3%); “có biết đôi chút” (53% và 55%); “không biết” (41% và 42%). Có đến 80% số người được hỏi trả lời sai về năm sửa đổi hiến pháp gần nhất; trong 20% số người trả lời đúng, tỷ lệ số người trả lời đúng trên tổng số người tham gia khảo sát (gồm cả người biết và không biết về hiến pháp) là 12%.

Ở một góc độ khác, về bản chất, hiến pháp chính là sự phản ánh thành văn các tư tưởng lập hiến ở một quốc gia trong một giai đoạn lịch sử nhất định (dù không phải lúc nào cũng đầy đủ và xác thực), trong đó có tư tưởng về chủ nghĩa hiến pháp, dù xã hội hay các nhà lập hiến có nhận thức được điều này hay không. Tuy nhiên, như đã khẳng định, chủ nghĩa hiến pháp không đồng nghĩa với bản văn hiến pháp. Một bản hiến pháp biểu hiện đầy đủ các yêu cầu của chủ nghĩa hiến pháp nhưng có thể không được thực thi hoặc thực thi không đầy đủ trên thực tế. Ngược lại, các quy tắc giá trị chung được cộng đồng thừa nhận nhiều khi không nhất thiết phải thể hiện thành các nguyên tắc thành văn (hiến pháp bất thành văn). Theo hướng này, việc nghiên cứu nhận thức về chủ nghĩa hiến pháp trong đời sống chính trị-pháp lý ở Việt Nam cần được tiến hành theo hai phương diện: Thứ nhất, sự phản ánh trong quá trình xây dựng và ban hành hiến pháp, cũng như tinh thần và nội dung của hiến pháp. Thứ hai, nhận thức và thực tiễn xã hội trong việc thực thi các nội dung của hiến pháp.

Từ phương diện thứ nhất, quá trình soạn thảo bản hiến pháp đầu tiên của Việt Nam diễn ra như sau: nhiệm vụ lập hiến và tổng tuyển cử được đề ra trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, cụ thể hóa trong Sắc lệnh 14/SL ngày 8/9/1945. Sắc lệnh 34/SL ngày 20/9/1945 thành lập Ủy ban dự thảo hiến pháp gồm 7 thành viên. Bản dự thảo đầu tiên được thảo luận tại phiên họp Chính phủ lâm thời ngày 24/10/1945, và công bố trên báo Cứu quốc ngày 10/11/1945 để lấy ý kiến nhân dân. Ngày 6/1/1946 diễn ra cuộc tổng tuyển cử. Ngày 2/3/1946, phiên họp Quốc hội đầu tiên được triệu tập,  mở rộng thêm 70 đại biểu hải ngoại. Tiểu ban hiến pháp được thành lập gồm 11 người hoàn toàn mới, đại diện cho đa dạng các tư tưởng và thành phần trong xã hội, có nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu Dự án hiến pháp. Trong phiên họp Quốc hội ngày 29/10/1946, Tiểu ban mở rộng thêm 10 người. Tiểu ban căn cứ vào dự thảo do Ủy ban khởi thảo, đối chiếu với dự thảo khác của Ủy ban kiến quốc, tập hợp kiến nghị của nhân dân và tham khảo kinh nghiệm hiến pháp nước ngoài, trình Quốc hội bản Dự thảo hiến pháp hoàn chỉnh ngày 2/11/1946 để thảo luận. Các thảo luận đã được tiến hành cho đến chiều ngày 8/11/1946. Một Tiểu ban thẩm sát hiến pháp được bầu ra với 6 đại biểu đã tiến hành xem xét Dự án hiến pháp, hoàn tất trong 24 tiếng. Ngày 9/11/1946, Quốc hội thông qua Hiến pháp với 240/242 đại biểu tham dự (tỉ lệ 60% trên tổng số 403 đại biểu). Như vậy, thời gian từ lúc khởi thảo đến khi Hiến pháp được thông qua là gần 1 năm 2 tháng. Nhìn chung, quy trình soạn thảo và nội dung Hiến pháp năm 1946 được đánh giá đã phản ánh tinh thần của chủ nghĩa hiến pháp, mặc dù không có trưng cầu ý dân và chưa được công bố, thi hành. Quốc hội quyết định ủy nhiệm cho Chính phủ [mới] và Ban thường trực Quốc hội thi hành hiến pháp; trong thời kỳ chưa thi hành được, Chính phủ sẽ dựa vào các nguyên tắc đã định trong hiến pháp để ban hành các đạo luật.

Các bản Hiến pháp sau của Việt Nam thường trải qua quá trình soạn thảo dài hơn (Hiến pháp năm 1959 là gần 3 năm; Hiến pháp năm 1980 gần 4,5 năm; Hiến pháp năm 1992 gần 3 năm; Hiến pháp năm 2013 gần 2,5 năm), đều được Chủ tịch nước công bố (trừ hai lần sửa đổi Hiến pháp năm 1980 vào năm 1988 và 1989). Quy trình soạn thảo, ban hành hiến pháp thường bao gồm ba bước: Thứ nhất, Quốc hội xem xét đề nghị sửa đổi hiến pháp và bầu ra Ban soạn thảo; Thứ hai, Ban soạn thảo hoàn thành dự thảo và tiến hành trưng cầu ý kiến của các cơ quan, đoàn thể của nhà nước và xã hội, tiến hành chỉnh lý, công bố để toàn dân thảo luận, góp ý, hoàn chỉnh dự thảo trình Quốc hội; Thứ ba, Quốc hội thảo luận dự thảo, Ban dự thảo chỉnh lý lại lần nữa trên cơ sở các góp ý, sau đó Quốc hội biểu quyết thông qua hiến pháp và Chủ tịch nước ký công bố. Trên thực tế, Hiến pháp năm 1959 là hiến pháp đầu tiên được chính thức công bố và thi hành. Quốc hội [lập hiến] khóa I kết thúc nhiệm vụ sau kỳ họp thứ 12 ngày 15/4/1960. Ngày 8/5/1960, tổng tuyển cử diễn ra ở miền Bắc để bầu Quốc hội khóa II, tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 1959. Đây cũng là bản hiến pháp đầu tiên phản ánh rõ quan niệm và tinh thần của truyền thống hiến pháp chủ nghĩa xã hội.

Hiến pháp năm 1946 đã kết hợp, vận dụng sáng tạo các lý thuyết, mô hình quyền lực nhà nước đương đại để thiết kế nên chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, phản ánh nhiều giá trị hợp hiến như: khẳng định chủ quyền nhân dân, chính quyền dân chủ, ghi nhận và bảo đảm các quyền tự do cá nhân, phân quyền ở mức độ nhất định, tư pháp độc lập,… Tuy nhiên, hiến pháp chưa thiết lập cơ chế hiện thực hóa các nội dung của hiến pháp - cơ chế tài phán hiến pháp. Trên thực tế, do cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra ngay sau khi được Quốc hội lập hiến thông qua, Hiến pháp năm 1946 không có trưng cầu ý dân và chưa được chính thức công bố thi  hành, mặc dù một số nguyên tắc của hiến pháp đã được coi là cơ sở cho việc thực thi quyền lực nhà nước và ban hành pháp luật. Có quan điểm cho rằng, Hiến pháp năm 1946 chỉ là giải pháp tình thế, “sách lược mang tính giai đoạn”. Ngoài ra, dù được coi là nguồn tham khảo cho việc xây dựng các bản hiến pháp tiếp theo, nhiều nội dung, điểm đặc biệt của Hiến pháp năm 1946 không còn tìm thấy trong các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013.

Trong thời kỳ Hiến pháp chưa thi hành (1946-1960), Quốc hội lập hiến tự chuyển thành Quốc hội khóa I, tiếp tục hoạt động, thực hiện quyền lập hiến và lập pháp. Trong thời kỳ 1946-1956, hai thiết chế chính thực hiện quyền lực nhà nước là Ban thường trực Quốc hội và Chính phủ. Ban thường trực được thành lập ở kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I (ngày 2/3/1946) với quyền hạn: Thứ nhất, góp ý kiến với Chính phủ. Thứ hai, phê bình Chính phủ, khi Chính phủ đi ngược lại quyền lợi quốc dân thì có quyền hiệu triệu quốc dân. Thứ ba, triệu tập Quốc hội trong trường hợp cần thiết. Thứ tư, cho ý kiến về việc tuyên chiến hay đình chiến (khi tuyên chiến hay đình chiến, bắt buộc phải hỏi ý kiến Ban thường trực Quốc hội). Thứ năm, triệu tập Quốc hội để chuẩn y việc ký hiệp ước với nước ngoài. Ở kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I (từ ngày 28/10 đến 9/11/1946), Ban thường trực được giao nhiệm vụ: liên lạc với Chính phủ để giúp ý kiến và phê bình Chính phủ; cùng Chính phủ quy định việc thi hành hiến pháp; liên lạc với đại biểu Quốc hội và triệu tập Quốc hội khi cần thiết; cùng Chính phủ quyết định tuyên chiến, đình chiến hoặc ký hiệp ước với nước ngoài. Trong một buổi họp cuối tháng 12/1946, Ban thường trực quyết định: trong thời kỳ kháng chiến sẽ chỉ có Trưởng Ban thường trực ở cùng Chính phủ để giúp và theo dõi đường lối chính trị, cùng Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Từ tháng 12/1946 đến 7/1954, dựa vào Hiến pháp, thực tiễn kháng chiến, cùng sự thỏa thuận và góp ý của Trưởng Ban thường trực, Chính phủ ban hành khoảng 400 sắc lệnh và nhiều nghị định, thông tư để điều hành kháng chiến. Quốc hội khóa I mới chỉ thông qua hai dự án: Luật lao động (tháng 11/1946) và Luật cải cách ruộng đất (tháng 12/1953).

Ở kỳ họp thứ sáu từ ngày 29/12/1956 đến 25/1/1957, Quốc hội quyết định: các chính sách lớn của nhà nước về mặt pháp lý phải được quy định bằng những đạo luật do Quốc hội biểu quyết. Khi Quốc hội chưa họp thì phải được quy định bằng những sắc luật do Chính phủ đề nghị và Ban thường trực biểu quyết. Các sắc luật đó phải được Quốc hội thông qua trong kỳ họp gần nhất. Ban thường trực được giao các nhiệm vụ và quyền hạn: Thứ nhất, triệu tập Quốc hội và giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội. Thứ hai, biểu quyết sắc luật do Chính phủ đề ra. Những sắc luật đó đều đem trình Quốc hội vào kỳ họp gần nhất. Những sắc luật được Quốc hội chuẩn y trở thành những đạo luật của nhà nước. Thứ ba, xét và đề ra để Chính phủ sửa đổi hoặc hủy bỏ những sắc lệnh, nghị định không phù hợp với những đạo luật, sắc luật. Thứ tư, thỏa thuận với Chính phủ về cử người thay thế hoặc bổ sung các Bộ trưởng. Danh sách những Bộ trưởng được cử sẽ đệ trình Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. Thứ năm, thỏa thuận với Chính phủ về việc thi hành những hiệp ước ký với nước ngoài. Những hiệp ước này phải đưa trình Quốc hội trong kỳ họp gần nhất. Như vậy, nếu thẩm quyền của [Quốc hội và] Ban thường trực trước đây chỉ là “góp ý”, “thỏa thuận” với Chính phủ, thì từ kỳ họp thứ sáu xác lập nguyên tắc: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan thường vụ là Ban thường trực, có quyền giám sát việc thi hành Hiến pháp và pháp  luật của Chính phủ. Các sắc luật phải được Ban thường trực biểu quyết và/hoặc Quốc hội biểu quyết thông qua; các sắc luật, nghị định không phù  hợp sẽ phải bị sửa đổi hoặc hủy bỏ.

Nguyên tắc tập quyền, tập trung quyền lực vào Quốc hội (tối cao) tiếp tục được khẳng định và thể hiện trong tất cả các hiến pháp tiếp theo của Việt Nam. Theo đó, quyền lực nhà nước tập trung vào thiết chế đại diện cao nhất do nhân dân trực tiếp bầu ra là Quốc hội. Các thiết chế nhà nước khác ở trung ương do Quốc hội thành lập, chịu trách nhiệm và chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội. Trong các Hiến pháp năm 1959 (Điều 50), Hiến pháp năm 1980 (Điều 82), Hiến pháp năm 1992 (Điều 82), Quốc hội là chủ thể duy nhất thực hiện cả quyền lập hiến và lập pháp, không có quy định về quyền phúc quyết hay trưng cầu ý dân về hiến pháp, cho nên có thể nói, chủ quyền nhân dân thuộc về Quốc hội lập pháp chứ không phải thuộc về nhân dân. Hiến pháp năm 2013 không còn giữ “độc quyền” làm hiến pháp cho Quốc hội với các quy định: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp…” (Lời nói đầu); “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến” (Điều 69), “Làm hiến pháp và sửa đổi hiến pháp” (Điều 70), “trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định” (Điều 120). Tuy nhiên, với những quy định này thì ý chí của Quốc hội vẫn là yếu tố quyết định, chủ quyền nhân dân vẫn thuộc về Quốc hội. Rõ ràng là một Quốc hội thực hiện cả quyền lập hiến và lập pháp đương nhiên sẽ không chịu sự giới hạn của hiến pháp và không có cách nào để hạn chế quyền hạn của Quốc hội.

Các sửa đổi trong Hiến pháp năm 2013 cho thấy sự tiếp nhận trở lại các yếu tố của chủ nghĩa hiến pháp như: thể chế hóa định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thừa nhận ba bộ phận cơ bản của quyền lực nhà nước gồm lập pháp-hành pháp-tư pháp, yêu cầu sự phân công, phối hợp (từ lần sửa đổi năm 2001 của Hiến pháp năm 1992), và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhà nước; xác định rõ Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, Tòa án thực hiện quyền tư pháp; quy định thêm một số công cụ kiểm soát quyền lực như quyền bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội, quyền phúc nghị của Chủ tịch nước đối với pháp lệnh. Nhìn chung, những gì diễn ra trong tiến trình lập hiến đầu thế kỷ 21, đặc biệt là trong Hiến pháp năm 2013, cho thấy khuynh hướng tiếp nhận trở lại một cách linh hoạt các yếu tố của chủ nghĩa hiến pháp phương Tây.

Cũng xuất phát từ cách thức tổ chức quyền lực nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập quyền vào Quốc hội tối cao, các hiến pháp của Việt Nam (trừ Hiến pháp năm 1946) hình thành mô hình bảo hiến Nghị viện, trao quyền bảo hiến cho cơ quan lập pháp (Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội) thông qua: chức năng giám sát tối cao việc thi hành và tuân thủ Hiến pháp; quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật; quyền sửa đổi, bãi bỏ văn bản trái với Hiến pháp hoặc văn bản sai trái có giá trị pháp lý thấp hơn. Hiến pháp mới năm 2013 để ngỏ khả năng thiết lập cơ chế bảo hiến theo một đạo luật của Quốc hội. Trên lý thuyết, mô hình bảo hiến Nghị viện tập trung vào bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước (phù hợp với ý chí của Quốc hội) và tính thống nhất của trật tự pháp lý (pháp chế xã hội chủ nghĩa) hơn là ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực, xâm phạm tới các quyền và tự do cá nhân. Trên thực tế, Quốc hội và Ủy ban thường vụ chưa bao giờ tuyên bố về tính bất hợp hiến của một đạo luật hay văn bản pháp luật nào, dù hiến pháp được tuyên bố là có giá trị pháp lý cao nhất và đã có không ít trường hợp vi hiến xảy ra (như: Luật cải cách ruộng đất 1953, Luật công ty 1990). Cho đến nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện quyền giải thích luật rất hạn chế (một số lần), và chưa bao giờ thực hiện việc giải thích hiến pháp.

Nhìn chung, mô hình bảo hiến Nghị viện có nhiều hạn chế như: Thứ nhất, Quốc hội vừa ban hành các đạo luật, lại vừa kiểm tra các đạo luật sẽ không bảo đảm tính độc lập, khách quan, và thực tế lịch sử đã chứng minh Quốc hội không thực hiện được hiệu quả chức năng bảo vệ hiến pháp. Thứ hai, Quốc hội là một cơ quan chính trị nên không có trình tự, thủ tục phù hợp để tiến hành phán xét tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật. Thứ ba, Quốc hội không có khả năng phát hiện tốt những vi phạm hiến pháp, điều thường chỉ tìm ra trong quá trình áp dụng pháp luật và giải quyết các tranh chấp. Ngày nay, nhiều quốc gia đã từ bỏ mô hình bảo hiến Nghị viện do những hạn chế của nó và chuyển đổi sang mô hình thiết chế bảo hiến độc lập (như: Hội đồng hiến pháp ở Pháp, Tòa án hiến pháp ở Thái Lan, Toà án hiến pháp ở Hàn Quốc,…), bởi mô hình bảo hiến độc lập được coi là có khả năng bảo vệ tốt hơn tính tối cao của hiến pháp với các đặc điểm như: tính độc lập, công bằng, chuyên nghiệp và hiệu quả.

Có thể nói, cơ chế bảo hiến là thành tố thiết yếu của chủ nghĩa hiến pháp - cơ chế hiện thực hóa những nội dung của chủ nghĩa hiến pháp. Nếu không có cơ chế bảo hiến hữu hiệu thì tính tối cao của hiến pháp, các nội dung về nhân quyền, phân quyền trong hiến pháp khó bảo đảm sẽ được tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ. Trên phương diện pháp lý, đây là một quan niệm hợp lý và hầu như không có tranh luận. Tuy nhiên, trên phương diện chính trị, vấn đề bảo hiến lại đối diện với những khó khăn sau: Thứ nhất, trong một chế độ dân chủ, các đạo luật do Quốc hội lập pháp làm ra, tượng trưng cho ý chí của quốc gia, do đó, kiểm soát tính hợp hiến của các đạo luật tức là kiểm soát Quốc hội. Hơn nữa, kiểm soát tính hợp hiến của một đạo luật thường đặt ra khi có liên hệ đến quyền và tự do cá nhân, khiến nó trở thành phương tiện bảo đảm quyền của cá nhân chống lại Quốc hội mà được xác định là đại diện của nhân dân. Thứ hai, kiểm soát tính hợp hiến của các đạo luật thực ra là so sánh đạo luật đó với “ý nghĩ về Hiến pháp” của cơ quan bảo hiến. Do đó, một đạo luật có trái với hiến pháp hay không là tùy thuộc quan niệm của cơ quan bảo hiến khi họ giải thích về hiến pháp. Điều này dẫn đến nguy cơ xuất hiện “chính phủ của những quan tòa” (trường hợp ở Hoa Kỳ từ năm 1880 đến 1940). Nói cách khác, bảo hiến là một vấn đề vừa có tính pháp lý, vừa có những yếu tố chính trị đan xen.

Nếu trao quyền bảo hiến cho một cơ quan chính trị như Quốc hội hay một cơ quan của Quốc hội, thì vấn đề bảo hiến trở thành việc một cơ quan chính trị kiểm soát một cơ quan chính trị, do đó tránh được khó khăn thứ nhất nêu trên. Tuy nhiên, cơ quan chính trị thường có xu hướng xem xét vấn đề trên khía cạnh chính trị hơn là pháp lý, khiến cho việc bảo hiến dễ bị sai lạc bởi cơ quan này thường quan tâm nhiều đến vấn đề lợi ích, hay tính cách hợp thời cũng như giá trị thực tiễn của đạo luật hơn là kiểm soát tính cách hợp hiến của nó. Hơn nữa, cơ quan chính trị thường khó giữ được tính độc lập với chính quyền. Do đó, để việc bảo hiến phù hợp với nguyên tắc trọng pháp (pháp quyền/thượng tôn pháp luật), hình thức thường được áp dụng là trao quyền bảo hiến cho một cơ quan có tính tài phán.

Trong các văn kiện Đảng, vấn đề bảo hiến từng được đề cập trong Nghị quyết 48-NQ/TW (2005): “Hoàn thiện pháp luật về… cơ chế bảo vệ luật và Hiến pháp” (Mục 1.3 Phần II). Đại hội Đảng khóa X (2006) xác định chủ trương: “Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”; “Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp” (Mục 2 Phần XI). Quốc hội đã tổ chức nhiều hội thảo về chủ đề này, thậm chí Tiểu ban nghiên cứu việc thành lập chế độ tài phán hiến pháp đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập đầu năm 2008. Trong quá trình thảo luận sửa đổi, xây dựng Hiến pháp năm 2013, nhiều nghiên cứu và kiến nghị về sự cần thiết phải thành lập cơ chế bảo hiến đã được đưa ra. Phương án khả dĩ Hội đồng hiến pháp từng được đưa vào Dự thảo Hiến pháp năm 2013, nhưng đến phút cuối cùng đã không được chấp nhận.

Từ phương diện thứ hai, quá trình sửa đổi hiến pháp nêu trên cho thấy, nhận thức của các nhà lập hiến và nhiều chủ thể trong xã hội về hiến pháp, pháp quyền, quyền lực nhân dân, quyền lực nhà nước,… đã có những thay đổi rõ rệt, phản ánh sự thay đổi của văn hóa chính trị ở Việt Nam. Trong giai đoạn tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Hiến pháp năm 2013, thông điệp chính quyền đưa ra là: “không có vùng cấm trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp”; “không có điều gì cấm kỵ khi nhân dân góp ý sửa Hiến pháp”. Trên cơ sở đó, một nhóm trí thức đã cùng ký tên vào một bản kiến nghị với 7 điểm và gửi kèm một dự thảo hiến pháp (Kiến nghị 72), nội dung bao gồm: lập hiến phải dựa trên nguyên tắc chủ quyền nhân dân, thực hiện dân chủ đa đảng; ghi nhận quyền con người theo đúng tinh thần của Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế năm 1948 và các công ước nhân quyền của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã tham gia, và thành lập Ủy ban nhân quyền quốc gia; thừa nhận đa sở hữu về đất đai; phân quyền, tư pháp độc lập, và thành lập tòa án hiến pháp; quy định lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và Nhân dân; phải có trưng cầu ý dân để phúc quyết đối với Hiến pháp; gia hạn thời gian góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp.

Trên không gian mạng (Internet), trang Cùng viết Hiến pháp (hienphap.net hoặc https://cungviethienphap.wordpress.com) ra đời ngày 1/2/2013 nhằm mục đích tạo ra một không gian đối thoại dân chủ về việc sửa đổi hiến pháp. Cùng viết Hiến pháp đăng nhiều bài viết, nghiên cứu liên quan đến chủ đề hiến pháp của đa dạng các tác giả khác nhau ở trong và ngoài nước (học giả, luật sư, chính trị gia, nhà báo, công chức, thường dân,…), và từ nhiều nguồn khác nhau, được chia thành bảy nhóm vấn đề gồm: Vấn đề đảng lãnh đạo; Quyền con người, quyền công dân; Phân quyền và giám sát quyền lực; Sở hữu đất đai và kinh tế nhà nước; Xây dựng hiến pháp và trưng cầu dân ý; Bảo hiến; Các vấn đề khác. Mục tiêu của Cùng viết Hiến pháp là phổ biến các quan điểm và góc nhìn khác nhau về những vấn đề hiến pháp còn gây tranh luận. Qua các thảo luận và khảo sát online, nhóm Cùng viết Hiến pháp đã soạn thảo một bản đề xuất các sửa đổi mang tính xây dựng gửi tới Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, Uỷ ban đã không có phản hồi chính thức đối với các đề xuất, và chúng cũng không được chấp nhận trong bản Hiến pháp năm 2013 mới.

Nhiều tổ chức xã hội đã tạo ra đa dạng các phương thức đối thoại để kết nối với nhau và kết nối với công chúng như: tổ chức hội thảo, tham gia góp ý hiến pháp, thực hiện và tham gia các phỏng vấn, thực hiện khảo sát thu thập ý kiến xã hội, tạo các diễn đàn online để công chúng tham gia thảo luận các vấn đề hiến pháp, thu thập chữ ký ủng hộ online,… Sự tham gia của các tổ chức xã hội, theo một cách nào đó, đã mở rộng chương trình nghị sự về các sửa đổi hiến pháp. Các vấn đề nghị sự (chính thức) không được đề cập đến như: hệ thống đa đảng, phân chia quyền lực, trưng cầu ý dân về hiến pháp, sở hữu tư nhân về đất, quân đội trung thành với hiến pháp. Các phương tiện thông tin đại chúng nhà nước cũng thường xuyên đưa tin, thảo luận về những vấn đề của hiến pháp với sự xuất hiện của các lãnh đạo chính trị, các đại diện từ phía chính quyền. Nhìn chung, cuộc sửa đổi hiến pháp giống như một diễn đàn cho giới lãnh đạo chính trị, chính quyền và nhân dân thỏa hiệp, dàn xếp các vấn  đề hiến pháp. Mặc dù Hiến pháp năm 2013 không có những sửa đổi mang  tính căn bản, nhưng một số vấn đề đã được chấp nhận như: khả năng trưng cầu ý dân về hiến pháp, thành lập cơ chế bảo hiến trong tương lai, Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, cam kết bảo đảm tốt hơn các quyền con người.

Qua những phân tích ở trên có thể thấy, tư duy lập hiến, nhận thức về vai trò của hiến pháp, chủ nghĩa hiến pháp và pháp quyền trong đời sống chính trị-pháp lý ở Việt Nam đã có đổi mới nhưng còn hạn chế. Cuộc sinh hoạt chính trị sửa đổi hiến pháp năm 2013 đã tạo ra không gian cho những thảo luận về hiến pháp của các chủ thể trong xã hội, và mức độ tương tác và cởi mở của nhà nước cho thấy phần nào sự thay đổi của văn hóa chính trị ở Việt Nam. Mặc dù chưa tạo ra được những thay đổi mang tính bước ngoặt, nhưng vai trò giáo dục hiến pháp và tinh thần hiến pháp của các hoạt động xã hội trong cuộc sinh hoạt chính trị này rõ ràng có ý nghĩa đối với sự phát triển nhận thức về chủ nghĩa hiến pháp ở Việt Nam, và có thể sẽ đưa đến những thay đổi trong tương lai. Cần nhớ rằng, những thay đổi căn bản không thể diễn ra ngay chỉ sau một đêm, mà cần phải có quá trình và có thể là rất dài.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành