Thứ hai, 26 Tháng 5 2014 00:00

Thâm dụng tri thức các ngành công nghiệp trong xu thế phát triển kinh tế toàn cầu

I. Khái niệm, đặc trưng và vai trò của các ngành công nghiệp dịch vụ chuyên sâu về tri thức và sản xuất hàng hóa công nghệ cao trong tăng trưởng kinh tế:

1. Khái niệm:        

Trong xu thế toàn cầu hoá với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông, với sự phổ biến của Internet, với sự tiến nhanh đến nền kinh tế tri thức thì vai trò và trách nhiệm của trí thức là rất lớn lao. Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước được coi là một trong những nội dung quan trọng trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Trong xã hội Việt Nam, thời phong kiến không có khái niệm “trí thức”, mà chỉ có nói tới tầng lớp sĩ phu; đến thời Pháp thuộc mới có khái niệm “trí thức”, được dịch từ chữ Intellectue (tiếng Pháp), Intellectual (tiếng Anh). Có thể hiểu, trí thức là những người lao động trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, sử dụng trí tuệ và tài năng của mình trong lao động, sáng tạo, đưa ra những ý tưởng có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội. Trí thức không nhất thiết phải là những người có bằng cấp, học vị.

Như vậy, kinh tế tri thức là biểu hiện hay xu hướng của nền kinh tế hiện đại, trong đó tri thức, lao động chất xám được phát huy khả năng sinh lợi của nó và mang lại hiệu quả kinh tế lớn lao trong tất cả các ngành kinh tế: công nghiệp, nông – lâm – ngư nghiệp và dịch vụ, phục vụ cho phát triển kinh tế. Từ đó, nền kinh tế tri thức được hiểu là nền kinh tế chủ yếu dựa trên cơ sở tri thức, khoa học; dựa trên việc tạo ra và sử dụng tri thức, phản ánh sự phát triển của lực lượng sản xuất ở trình độ cao.

2. Đặc trưng:

Kinh tế hóa tri thức nghĩa là nhân tố tri thức với chủng loại ngày càng phong phú, trình độ ngày càng cao hòa nhập vào quá trình hoạt động kinh tế và cũng chỉ ra kết quả của việc hòa nhập này. Trình độ kinh tế hóa của tri thức có thể đánh giá bằng tỷ trọng của sản nghiệp tri thức trong nền kinh tế quốc dân.

Tri thức hóa kinh tế là xu hướng tri thức của quá trình kinh tế và kết quả của nó càng tăng mạnh thì hàm lượng tri thức càng tăng cao. Trong quá trình phát triển, yếu tố tri thức không ngừng đan xen và nảy nở vào mọi lĩnh vực của đời sống. Chẳng hạn, thiết kế mẫu mã hàng hóa mang bản sắc văn hóa, trang trí, tuyên truyền quảng cáo hàng hóa là các hoạt động đưa yếu tố tri thức vào kinh doanh nói riêng và vào quá trình kinh tế nói chung.

Sản nghiệp hóa tri thức là vật chất hóa văn hoá, tinh thần, ý tưởng sáng tạo, là sự thăng hoa của nền kinh tế hàng hóa và sản nghiệp. Như vậy, sản nghiệp hóa tri thức biểu hiện nét đặc trưng quan hệ đồng nhất, thống nhất của tri thức và kinh tế. Trong tiến trình phát triển, các nhà kinh tế đều nhận định ngoài sản nghiệp thứ nhất thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; sản nghiệp thứ hai thuộc lĩnh vực công nghiệp và sản nghiệp thứ ba thuộc khu vực dịch vụ truyền thống, đã manh nha sản nghiệp mới được cấu thành bởi những yếu tố cơ bản như văn hóa, trí óc, tri thức, nhân tài, tin tức, khoa học kỹ thuật, ý tưởng sáng tạo.

Tri thức là hình thức cơ bản của vốn, yếu tố chủ yếu nhất của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi ngày càng nhanh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nhất là các ngành công nghệ cao. Tốc độ đổi mới nhanh, sản xuất công nghệ trở thành ngành sản xuất đặc biệt – sản xuất ra tư liệu sản xuất… Kinh tế tri thức được ứng dụng rộng và ngày càng sâu trong mọi lĩnh vực và dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực được đào tạo tốt và xã hội học tập.

Tri thức trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu và quyết định. Khoa học và công nghệ, gắn liền với Giáo dục và đào tạo, dựa trên nền tảng xã hội học tập, là nguồn gốc và động lực trực tiếp để phát triển kinh tế. Kinh tế tri thức lấy hoạt động dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao làm chủ đạo, dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ. Toàn cầu hóa là một trong những điều kiện tiên quyết, làm nên một trong những đặc trưng cơ bản của Kinh tế tri thức là không có biên giới. Tri thức và lao động, vốn và công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ sẽ di chuyển ngay đến những nơi cần chúng.

Sự hình thành và phát triển của kinh tế tri thức gắn liền với sự hình thành và phát triển của xã hội tri thức. Quá trình này sẽ đưa lực lượng sản xuất phát triển lên một tầm cao mới và hình thành nên quan hệ sản xuất mới, với kiến trúc thượng tầng mới. Nó tất yếu diễn ra theo quy luật từ những chuyển hóa về lượng dẫn đến những chuyển hóa về chất trong toàn bộ phương thức sản xuất, dẫn đến phương thức mới ra đời, xuất hiện một hình thái kinh tế - xã hội mới. Đó là một quá trình lịch sử tự nhiên.

3. Vai trò:

Kinh tế tri thức mang lại những cơ hội và thách thức lớn trong sự phát triển chưa từng thấy của nhân loại. Kinh tế tri thức có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển xã hội ngày nay. Phát triển kinh tế tri thức là cơ hội để rút ngắn khoảng cách lạc hậu. Từ những tri thức, công nghệ kỹ thuật mới, các tư liệu lao động mới, hệ thống máy móc thông minh, tự động hóa sẽ được tạo ra. Quá trình đó sẽ giúp phát hiện và sáng tạo ra nhiều đối tượng lao động mới, những nguyên liệu mới, năng lượng mới,…có thể trước đây chưa từng xuất hiện, tạo ra nhiều giá trị sử dụng mới, đáp ứng thỏa mãn nhu cầu xã hội ngày càng tốt hơn, giảm bớt việc khai thác các ngường tài nguyên hiện hữu.

Kinh tế tri thức là động lực thúc đẩy tiến trình xã hội hóa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, làm cho phân công lao động xã hội phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Kinh tế tri thức được hình thành, phát triển trên cơ sở các ngành sản xuất sử dụng công nghệ cao, từ đó mà tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Nó thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh thông qua các cuộc cách mạng, cách mạng xanh, cách mạng sinh học… Nó thúc đẩy công nghiệp, không ngừng ra tăng hàm lượng khoa học - kỹ thuật, công nghệ trong sản phẩm công nghiệp qua đó mà gia tăng giá trị sử dụng, giá trị trao đổi của sản phẩm công nghiệp. Nó thúc đẩy trí nghiệp phát triển ở các ngành dịch vụ, thông tin, thương mại, tiền tệ,…với nhiều hình thức phong phú.Nó thúc đẩy việc nâng cao đời sống xã hội, hướng đến một nền văn minh cao hơn.

Trong nền kinh tế tri thức, các yếu vật chất cũng như hàm lượng vật chất trong các sản phẩm ngày càng giảm, hàm lượng tri thức, lao động chất xám, lao động trí óc tăng lên, chiếm tỷ trọng ngày càng cao lớn trong giá trị sản phẩm. Trong nền kinh tế tri thức, các sản phẩm trí tuệ dựa vào nguồn lực hàng đầu là tri thức. Đây là nguồn vốn cơ bản của quá trình sản xuất và tái sản xuất của xã hội, thay vì chỉ là đất đai, tài nguyên và vốn tiền tệ như trước đây. Thông tin, kiến thức lao động có trình độ cao được sử dụng nhiều, ít sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Những trung tâm công nghệ cao được hình thành. Đặc biệt tri thức khoa học và công nghệ cùng với lao động kỹ thuật cao là thành phần quan trọng của lực lượng sản xuất, là lợi thế phát triền kinh tế. Nguồn nhân lực nhanh chóng được tri thức hóa. Sự sáng tạo đổi mới trở thành yêu cầu thường xuyên đối với mọi người.

Cơ cấu kinh tế kỹ thuật thay đổi một cách sâu sắc, theo hướng tri thức hóa, làm thay đổi phương thức tổ chức và quản lý không chỉ trong các ngành đó mà còn tác động đến các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế. Do những thay đổi trong cơ cấu kinh tế- kỹ thuật sẽ làm thay đổi về chất trong cơ cấu sản phẩm, làm thay đổi cơ cấu giá trị sản phẩm; điều này tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong cơ cấu lao động xã hội. Nếu như trước đây, lao động nông nghiệp chủ yếu bằng tay chân tay, thì sau đó lao động sản xuất công nghiệp, lao động “ cổ xanh” hầu hết là bằng máy móc.

Qui trình công nghệ trong sản xuất luôn luôn được thay đổi, làm cho năng xuất lao động ngày càng tăng, cường độ lao động ngày càng giảm, chủng loại sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cuộc sống… sự cạnh tranh được tạo điều kiện đầy đủ, sự tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, tạo ra lợi thế cho quốc gia, tác động lớn đến đời sống xã hội.

Siêu xa lộ thông tin trong hệ thống mạng toàn cầu được hình thành, có ảnh hưởng to lớn đến lĩnh vực khoa học, kinh tế và văn hóa, quan hệ quốc tế, đặc biệt giúp mở rộng thị trường cho các nước… bởi vì nó đảm bảo sự tham gia đông đảo của tất cả các quốc gia trên thế giới. Siêu xa lộ thông tin sẽ tạo ra một xã hội tri thức, xã hội thông tin mà không có biên giới. Trong nền kinh tế tri thức, khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, lựu lượng sản xuất và các hoạt động kinh tế của mỗi con người, của mỗi quốc gia đều mang tính toàn cầu.

Trong điều kiện của kinh tế tri thức, các thành tựu khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ thông tin được phổ biến và ứng dụng hết sức nhanh chóng, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Các ngành kinh tế được tri thức hóa đều phải dựa vào công nghệ mới để đổi mới và phát triển. Chỉ khi nào các ngành công nghệ cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật hiện đại, có giá trị mới do tri thức đem lại chiếm trên 2/3 tổng giá trị thì kinh tế tri thức mới được biểu hiện rõ. Tiêu chí của kinh tế tri thức là hơn 70% GDP phải được tạo ra từ các ngành sản xuất dịch vụ áp dụng công nghệ cao; hơn 70% giá trị gia tăng là do trí tuệ mang lại; hơn 70% công nhân tri thức trong cơ cấu lao động; hơn 70% cơ cấu vốn là vốn con người. Nền kinh tế và xã hội luôn luôn đổi mới, cái mới ngày càng nhiều. Đó là đặc trưng của sự phát triển, của sự tiến hóa xã hội và sự phát triển từ cái mới.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 06 Tháng 11 2014 02:26

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành