1. Khó khăn trong chứng minh các tội phạm về hối lộ
Nhìn nhận từ góc độ luật hình sự, thì các quy định hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chứng minh các hành vi cấu thành tội phạm trong vụ án, nhất là các hành vi đưa, nhận hối lộ, đặc biệt là hành vi nhận hối lộ; dẫn đến việc xử lý đúng người, đúng tội về hối lộ gặp không ít khó khăn trong thực tế; thậm chí nhiều trường hợp không đủ căn cứ chứng minh phải chuyển tội danh hoặc bế tắc. Bất cập này phần nào giải thích một trong những dư luận còn tồn tại hiện nay trong xã hội và quần chúng nhân dân, chủ trương và quyết tâm chính trị chống tham nhũng, hối lộ của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị là rất cao, trong khi cảm nhận của người dân về “nạn hối lộ” vẫn còn.
Ngoài ra, qua nghiên cứu các hoạt động vi phạm pháp luật hình sự về các tội phạm về hối lộ có thể nhận thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó khăn trong việc đánh giá lời khai, chứng cứ; xác định các tình tiết của vụ án, dấu hiệu cấu thành tội phạm, dẫn đến việc không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số đối tượng liên quan và còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định tội danh. Thực tế hiện nay, những yếu tố được coi là khó khăn, tác động trực tiếp đến việc chứng minh tội phạm thể hiện ở một số nội dung, cụ thể như: Pháp luật quy định hành vi đưa, nhận hoặc môi giới hối lộ đều bị xử lý hình sự, do đó việc chủ động tố cáo nhau hay khai báo về hành vi đưa, nhận hối lộ là rất ít; với cùng hành vi nhận lợi ích (của đưa hối lộ) nhưng đánh giá đó là nhận hối lộ hay lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, thậm chí lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong nhiều vụ án rất khó thống nhất; hối lộ là hành vi rất khó phát hiện và truy cứu trách nhiệm để xử lý. Điều này càng trở nên khó khăn khi hối lộ liên quan đến vấn đề quà tặng, vốn là hành vi ứng xử bình thường, từ lâu đã thành tập quán ở Việt Nam. Sự phân biệt rạch ròi giữa quà tặng và của đưa hối lộ gần như là không thể. Đây có thể coi là cản trở lớn nhất cho việc truy cứu trách nhiệm đối với việc đưa và nhận hối lộ. Nhiều trường hợp các đối tượng không thừa nhận hành vi đưa, nhận của hối lộ mà khẳng định đó chỉ là tặng, nhận quà. Do đó, sẽ không có cơ sở để xử lý nếu không chứng minh được đó là vụ lợi và mục đích vụ lợi để làm hay không làm một việc vì lợi ích của người đưa.
Có rất nhiều trường hợp chứng minh được có yếu tố vụ lợi nhưng lại không chứng minh được việc thỏa thuận để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Hoặc có những trường hợp chứng minh được có hành vi cố ý làm sai quy định của nhà nước nhưng lại không chứng minh được có yếu tố “vụ lợi”, do đó người có chức vụ, quyền hạn lại chỉ bị xử lý về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ với mức hình phạt thấp hơn. Vì vậy, để chứng minh tội phạm này vừa cần thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm, vừa cần phân biệt với các tội phạm khác và dẫn đến thực trạng có thể có hành vi nhưng không đủ căn cứ để xử lý hoặc xử xử lý theo tội danh khác có tính chất nhẹ hơn.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 giải thích: “Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”. Luật cũng chia thành năm nhóm chủ thể có chức vụ, quyền hạn, trong đó điển hình nhất là nhóm cán bộ, công chức, viên chức. Xuất phát từ chức vụ, quyền hạn của mình, chủ thể thực hiện hành vi hối lộ thường có quan hệ, kinh nghiệm, hiểu biết và họ có thể sử dụng thế mạnh đó để “ẩn mình”, “bọc lót”, che chắn cho việc vi phạm, thậm chí tác động ngược trở lại các công cụ chống tham nhũng để làm giảm hoặc vô hiệu hóa hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Những đặc điểm này của chủ thể hành vi tham nhũng chính là yếu tố gây khó khăn, thách thức lớn cho việc phát hiện, điều tra, xét xử hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Trong các yếu tố tác động tới thực hiện pháp luật về hối lộ thì yếu tố pháp lý đóng một vị trí hết sức quan trọng và là công cụ hữu hiệu nhất. Để yếu đạt được yêu cầu phòng, chống hối lộ thì hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia cần đạt được một số điểm cốt lõi sau thì mới chứng minh được hành vi phạm tội, không thì rất khó và tác động đến việc thực thi pháp luật gồm: Hệ thống pháp luật về phòng, chống hối lộ cần có tính hệ thống, toàn diện, phù hợp thực tiễn và mang tính khả thi; Các quy định về phòng, chống hối lộ góp phần hạn chế khả năng hình thành các hành vi hối lộ; Quy định các hành vi về hối lộ cụ thể, có tính răn đe cao; Cần có các quy định khác điều chỉnh, hạn chế các điều kiện thực hiện hành vi nhận hối lộ đối với chủ thể chính của các tội phạm về hối lộ (là người có chức vụ, quyền hạn, mà chủ yếu là cán bộ công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị).
2. Hoạt động của các cơ quan quan bảo vệ pháp luật
Hoạt động của các cơ quan thực bảo vệ pháp luật là một trong những yếu tố trực tiếp tác động đến việc thực thi pháp luật hình sự đối với các tội phạm về hối lộ. Trước tiên, hoạt động này thể hiện vai trò thiết yếu của nhà nước dưới góc độ là thiết chế trung tâm trong việc quản lý và duy trì sự ổn định của xã hội. Hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật này được thể hiện đầy đủ ở trong quá trình giải quyết các hành vi vi phạm về hối lộ mà ở đó việc vụ án hình sự thông qua các giai đoạn tố tụng từ tiếp nhận tin báo tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kiểm sát quá trình giải quyết vụ án hình sự... thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi liên quan đến hối lộ.
Hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật mang tính chất quyền lực nhà nước mà thông qua đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành phát hiện, ngăn chặn tội phạm, trừng phạt người phạm tội và phòng ngừa họ tái phạm cũng như có các biện pháp giáo dục, cải tạo, phục tiện giúp những người phạm tội tái hoà nhập với xã hội[1]. Trong hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, toà án đóng vai trò là trung tâm qua quá trình giải quyết vụ án hình sự liên quan đến tội phạm về hối lộ. Bởi lẽ, lý luận và thực tiễn áp dụng đã chứng minh thực tiễn xét xử là hoạt động mà qua đó, Tòa án trực tiếp áp dụng pháp luật hình sự để đưa ra phán quyết đối với các tội phạm về hối lộ. Thông qua việc soạn thảo các luận điểm trên cơ sở cụ thể hoá và áp dụng pháp luật, Tòa án bảo đảm pháp luật được thực thi một cách công bằng để đạt được công bằng xã hội, xử lý nghiêm minh tội phạm về hối lộ.
Bên cạnh hoạt động trung tâm của Tòa án, để bảo đảm quyền tư pháp được thực thi một cách công minh, trong quá trình phát hiện và xử lý hành vi hối lộ bằng pháp luật hình sự còn có sự tham gia của hệ thông cơ quan tiến hành tố tụng cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật khác như Thanh tra, Kiểm toán nhà nước... Các cơ quan này có mỗi quan hệ tương hỗ, chế ước lẫn nhau trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Dù các cơ quan thanh tra, kiểm toán không trực tiếp tham gia vào quá trình thực thi pháp luật hình sự về các tội phạm về hối lộ tuy nhiên thực tế cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật này lại đóng vai trò thiết yếu, là bộ phận đầu tiên tham gia vào quá trình phát hiện các sai phạm là cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các qua định của pháp luật kịp thời xử lý nghiêm minh.
Hoạt động hối lộ chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực công, một bộ phận chủ thể của nhóm tội phạm này là những người có chức vụ quyền hạn trong các cơ quan nhà nước, hành vi nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện dưới nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều trường hợp yêu cầu phải có chuyên môn, nghiệp vụ sâu và sự phối kết hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý. Việc thực thi pháp luật hình sự đối với các tội phạm về hối lộ nói riêng và tội phạm nói chung chỉ đạt được mục tiêu khi hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật được thực hiện hiệu quả. Bất kỳ một cơ quan nào không thực hiện nhiệm vụ được phân công một cách hiệu quả đều sẽ dẫn đến hệ quả khiến pháp luật hình sự không được thực thực thi. Do đó, việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi và mọi hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật khi tiến hành kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi đều bị nghiêm cấm.
3. Đội ngũ cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật
Các cơ quan bảo vệ pháp luật với trung tâm là tòa án nhân dân có vai trò trung tâm trong quá trình bảo đảm pháp luật hình sự về các tội phạm về hối lộ được thực thi, do đó, đội ngũ cán bộ trong các cơ quan này có vai trò quyết định đến hiệu quả của việc thực thi pháp luật hình sự đối với loại tội phạm này. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang hướng đến việc xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính[2], nền hành chính hiện đại, dựa trên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, có năng lực sáng tạo, phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân[3], vai trò của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật lại càng quan trọng.
Xuất phát từ đặc điểm các tội phạm về hối lộ mang tính nguy hiểm cao, gây ra những tác động tiêu cực sâu rộng đến sự ổn định cho xã hội ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các hành vi đưa, nhận và môi giới hối lộ được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau hết sức tinh vi khiến cho việc thực thi pháp luật để phát hiện và xử lý các tội phạm về hối lộ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chủ thể của các tội phạm về hối lộ chủ yếu là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Nhiều người có quan hệ rộng, có ảnh hưởng lớn trong hệ thống chính trị khiến việc xử lý loại tội phạm này phải đối mặt với nhiều áp lực vô hình. Điều này yêu cầu đội ngũ cán bộ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật phải có năng lực tốt, nắm vững nghiệp vụ chuyên môn và các quy định pháp luật, đồng thời phải có sự linh hoạt, sáng tạo trong quá trình công tác. Nếu đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan bảo vệ pháp luật không trong sạch, không có phẩm chất tốt, thiếu kiên định với công tác việc thực thi pháp luật hình sự với các tội phạm về tham nhũng sẽ bị tác động tiêu cực dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm, khiến công lý không được thực thi.
4. Hệ thống pháp luật khác về phòng, chống vi phạm pháp luật về hối lộ
Cơ sở pháp lý cho việc phòng ngừa, đấu tranh chống lại hành vi hối lộ trải dài trong nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Hệ thống pháp luật này bao gồm pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật về thanh tra, kiểm toán nhà nước, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức luật tổ chức một số cơ quan bảo vệ pháp luật. Trong đó, pháp luật hình sự đóng vai trò là trung tâm, quy định những biện pháp nghiêm khắc nhất của nhà nước trong việc phòng, chống tội phạm về hối lộ. Hệ thống các quy định này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động sâu sắc tới hiệu quả của công tác thực thi pháp luật hình sự về các tội phạm về hối lộ.
Các hành vi hối lộ được xử lý trước tiên bằng hệ thống pháp luật hành chính và một số pháp luật chuyên ngành. Cụ thể, đối với các hành vi về hối lộ nhỏ chủ thể vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức cùng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các luật chuyên ngành này. Việc ngăn chặn hiệu quả các hành vi hối lộ sẽ hạn chế kịp thời các thiệt hại cho xã hội của các vi phạm, đồng thời tác động tích cực, làm giảm tình hình tội phạm về hối lộ, góp phần giảm tải cho các cơ quan tiến hành tố tụng, làm giảm việc phải sử dụng pháp luật hình sự để xử lý trách nhiệm với người vi phạm. Trong trường hợp pháp luật chuyên ngành không đủ sức ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi về hối lộ, pháp luật hình sự sẽ can thiệp. Pháp luật hình sự quy định về các dấu hiệu cấu thành tội phạm với hành vi hối lộ và trách nhiệm hình sự đối với các chủ thể thực hiện hành vi đó.
Bên cạnh pháp luật về nội dung, hệ thống pháp luật tố tụng và pháp luật về tổ chức-bộ máy cũng tác động nhiều đến việc thực thi pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về hối lộ. Cụ thể, pháp luật tố tụng quy định cụ thể cơ quan nào có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Theo đó, các cơ quan này có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn và các biện pháp cưỡng chế theo quy định để kịp thời xử lý hành vi tham nhũng, qua đó, góp phần bảo đảm hiệu quả của việc thực thi pháp luật hình sự, xử lý trách nhiệm với các tội phạm về hối lộ. Chẳng hạn hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự chưa có những quy định để đưa cơ quan thanh tra và kiểm toán là các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động tố tụng. Chính vì vậy, nhiều trường hợp việc xử lý trách nhiệm với các tội phạm này gặp nhiều khó khăn do gặp những rào cản và dẫn đến các đối tượng dễ che giấu, tẩu tán tài sản và tiêu hủy chứng cứ, tài liệu có liên quan, làm cho việc điều tra, xử lý gặp khó khăn.
5. Tập quán, văn hóa, đạo đức “phong tục, tập quán” quà tặng biện minh thay “hối lộ” vẫn tồn tại trong xã hội
Từ xa xưa, một số phong tục truyền thống “miếng trầu là đầu câu chuyện”, đạo lý “đền ơn đáp nghĩa” dẫn tới việc quà cáp, biếu xén đối với người giúp đỡ, hỗ trợ, ban ơn cho mình đã ăn sâu bám rễ trong tư tưởng, tâm lý người dân Việt Nam ta. Với nền văn hóa mang đậm nét nông nghiệp lúa nước, sản xuất nhỏ, người nông dân tự phải lo liệu mọi việc, do đó, tâm lý và hình thành lề lối tư duy “thu vén cá nhân”, chỉ lo việc của cá nhân, không quan tâm đến những người xung quanh. Thêm vào đó, người nông dân quanh năm vất vả, lam lũ để kiếm cái ăn, cái mặc nên họ luôn quan tâm đến những lợi ích của bản thân khi có điều kiện, dù là rất nhỏ, thậm chí vì mối lợi nhỏ nhặt trước mắt mà quên đi cái lợi lớn, lâu dài. Tư lợi kiểu tiểu nông đã hình thành và ăn sâu trong đời sống xã hội.
Ngoài ra, cũng xuất phát từ đời sống văn hóa, truyền thống trên nền tảng sản xuất nông nghiệp nhỏ nên thiếu sự phân công, làm theo kế hoạch, có sự gắn kết, phối hợp trong lao động sản xuất để đạt mục tiêu, kết quả lớn; thêm vào đó là tâm lý đời sống “làng xóm”, quan hệ họ hàng, đối xử với nhau “nặng về tình cảm”, dẫn tới các quy định của pháp luật đôi khi còn bị xem nhẹ, “vị tình”, dễ dàng cho qua mọi việc để thu lợi bất chính cho bản thân mình, gia đình mình. Nhiều người đã sử dụng hối lộ, biếu xén như một hình thức “kết thân” để tạo thuận lợi cho con đường tương lai sau này, chính tình trạng này kéo dài làm xuất hiện tư tưởng gây khó dễ ở cán bộ, công chức để nhận “phong bì” từ dân mới giải quyết công việc, cho rằng có đưa và nhận hối lộ là một thủ tục tất yếu trong quá trình xử lý công việc. Bởi vậy, một số cán bộ, đảng viên khi có quyền lực đã đem quyền hành ra để “mặc cả”, và vô hình trung điều này tạo nên cách suy nghĩ, thói quen “dùng tiền để giải quyết công việc” và dần hình thành nên “văn hóa phong bì”.
Văn hóa, truyền thống của nước ta còn chứa đựng nhiều phong tục tập quán dễ bị lợi dụng để biện minh, ủng hộ cho hành vi hối lộ để giải quyết bất kỳ việc gì, nhất là những việc đến “cửa quan”, như: “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “quan phải đi với “lại”, “khôn ngoan đến cửa quan mới biết”… đã trở thành điều bình thường mà mọi người dễ dàng chấp nhận, là mảnh đất thuận lợi cho tệ hối lộ “vặt” dễ tồn tại. Tâm lý mặc nhiên thừa nhận, chấp nhận việc lo lót, “đút tiền” đối với một số cán bộ, công chức để giải quyết công việc, thậm chí còn chủ động, coi việc lo lót như là “sự trả ơn”, việc đưa hối lộ là chuyện bình thường, không hối lộ là không biết điều; chính tâm lý và thói quen này đã hình thành và nuôi dưỡng, qua đó để tệ nạn tham nhũng, hối lộ tồn tại, phát triển trong đời sống xã hội, đặc biệt trong kinh tế thị trường hiện nay.
Trong kinh doanh, người Việt ta thường dựa vào các mối quan hệ cá nhân để làm ăn cũng như giải quyết công việc, như: “nhất thân, nhì quen”, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Các doanh nghiệp đã chủ động hối lộ để giành lợi thế trong sản xuất kinh doanh, giành lợi ích và đây là cách giải quyết công việc nhanh nhất và dễ thực hiện nhất. Do đó, đi tìm những giải pháp để xử lý, phòng, chống tham nhũng, hối lộ từ góc độ văn hóa - truyền thống cũng là một trong các giải pháp căn cơ, gốc rễ cùng với các giải pháp khác mới có thể xóa bỏ tận gốc, triệt để các hành vi hối lộ. Đây cũng là yếu tố tâm lý - xã hội tác động đến việc thực thi pháp luật hình sự Việt Nam về các tội phạm về hối lộ.
[1] Trịnh Tiến Việt, Nguyễn Khắc Hải (Đồng chủ biên, 2020), Giáo trình Tội phạm học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 310
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.293.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.293.