Thứ ba, 27 Tháng 5 2014 00:00

Đổi mới vai trò, vị trí doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường

I. Đổi mới vai trò và vị trí của Nhà nước và kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta:

Vấn đề đổi mới thể chế kinh tế đặt ra từ nhiều năm và hiện nay đang được xem như một khâu đột phá chiến lược, nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn. Vấn đề ở chỗ là thiếu cách nhìn hệ thống trong mô hình công nghiệp hóa đất nước của Việt Nam; thiếu một triết lý phát triển rõ ràng để là cơ sở cho việc định hình hệ thống thể chế phù hợp, mà hệ quả thấy rõ nhất là tuổi thọ luật pháp Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế rất ngắn ngủi.

Kết quả công nghiệp hóa chưa được bao nhiêu:

Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011 đã xác định:“Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…”.  Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu hơn 6 năm nữa, nước ta “cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại”, vậy để đến với “một nước công nghiệp”, thì còn khoảng cách còn bao xa. Đến bao giờ thì chúng ta không sử dụng từ “cơ bản” nữa. Đây là bài toán lớn đặt ra cho Đại hội XII của Đảng sắp tới, vì nước ta đang có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, mà thực tiễn đang cho thấy điều đó.

Trong gần 23 năm thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, tính từ năm 1991 đến nay, nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng cao nhất là trong 5 năm đầu 1991 - 1995 - riêng năm 1995, GDP tăng 9,5% mức cao nhất cho đến nay và kéo dài đến hết năm 1996 GDP tăng 9,3%, trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính khu vực 1997-1999. Có thể nói giai đoạn này là thời kỳ nền kinh tế có sức bật mạnh nhất, nhờ động lực đổi mới thể chế kinh tế chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế mới. Nhưng thời gian tăng trưởng chỉ được 4 năm 1992-1996, cuộc khủng hoảng tài chính khu vực đã kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 1997 đến năm 2000, mà năm 1999 được xem là đáy của suy giảm GDP tăng 4,8%.

Bước qua giai đoạn 2001-2005, tình hình kinh tế khu vực và thế giới diễn biến thuận lợi, cùng với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp năm 2000, nền kinh tế nước ta như có một luồng sinh khí mới để phục hồi tốc độ tăng trưởng, nhưng chưa lấy lại được tốc độ của giai đoạn 1992-1996. Năm 2005, tốc độ tăng GDP đạt mức cao nhất của thời kỳ này cũng chỉ 8,4% và bắt đầu suy giảm dần từ 2006 (tăng 8,2%) cho đến chạm đáy vào năm 2009 5,32% do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Như vậy, trong 4 kế hoạch 5 năm từ 1991 đến 2010, thì trong 5 năm đầu 1991-1995, nhờ vào cải cách đột phá về thể chế chuyển sang thể chế thị trường nền kinh tế đã tự vượt qua cuộc khủng hoảng từ bên trong 1986-1988, nhất là vượt qua sự hụt hẫng do mất chỗ dựa từ khối xã hội chủ nghĩa; trong 5 năm tiếp theo 1996-2000 do động lực tạo ra sức bật giảm dần cùng với khủng hoảng tài chính khu vực, nền kinh tế trở nên trì trệ; trong 5 năm kế tiếp 2001-2005 nhờ vào sự tiếp tục cải cách thể chế nổi bật là Luật Doanh nghiệp năm 2000 và Luật Đất đai năm 2003, sự phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân trong nước tốc tộ tăng trưởng của khu vực tư nhân cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, cũng chính giai đoạn này nền công nghiệp gia công phát triển mạnh mẽ, tỷ trọng giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất (VA/GO) trong các ngành công nghiệp giảm sút; thị trường tiêu thụ hàng ngoại nhập thành phẩm và bán thành phẩm tăng mạnh; tính chất tiêu thụ của một nền kinh tế hiện ra rõ nét. Bên cạnh đó, do sự yếu kém về thể chế luật pháp, quản trị công, tiêu cực trong quản lý nhà nước... đã tạo ra bong bóng của 2 thị trường: chứng khoán và bất động sản, mà sự bùng nổ của nó diễn ra trong 2 năm 2006-2007.

Suốt trong năm 2006 cho đến quý 1/2007, cơn sốt chứng khoán đã làm đảo lộn mọi hoạt động kinh tế, khi chỉ số VN-INDEX lên đến gần 1200 điểm vào tháng 3/2007; giá đất đô thị tăng đến 4-5 lần cá biệt có nơi tăng 7-8 lần chỉ trong 6 tháng cuối năm 2007. Hậu quả của 2 bóng bóng này là nguyên nhân chủ yếu gây nên cuộc tiểu khủng hoảng vào giữa năm 2008, khi bắt đầu có dấu hiệu của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Do đó, từ năm 2008 đến 2013, hầu hết các chính sách kinh tế là nhằm đối phó với tình hình bất ổn vĩ mô, nên ít quan tâm đến các mục tiêu dài hạn.

Như vậy, trong 23 năm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa 1991-2010, thì mất hơn 10  năm tập trung sức để đối phó với tác động từ bên ngoài và khắc phục sự bất ổn từ bên trong của nền kinh tế, nên những kết quả đạt được phần nhiều là những thành công ngắn hạn.

Nội hàm và vai trò của kinh tế nhà nước:

Nội hàm của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam có đặc trưng: phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày trở thành nền tảng vững chắc.

- Những khuyết tật của thị trường

Về thuộc tính của kinh tế thị trường, cho đến nay vẫn bộc lộ 3 khuyết tật lớn:

+ Luôn luôn có nguy cơ mất cân đối cung - cầu tạo ra các cuộc khủng hoảng thừa hoặc khủng hoảng thiếu.

+ Vì mục tiêu lợi nhuận và cạnh tranh, doanh nghiệp ít quan tâm đến lợi ích toàn cục, lợi ích cộng đồng gây ô nhiễm, phá hoại môi trường, trốn tránh luật pháp gian lận thương mại… là những điển hình.

+ Kinh tế thị trường về bản chất là mô hình làm giàu cho thiểu số; tự nó không thể làm giàu cho mọi người.

- Nhà nước sử dụng 5 hệ thống công cụ:

Đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta, trong suốt quá trình hơn 30 năm đổi mới đã sử dụng 5 hệ thống công cụ chủ yếu để quản lý nền kinh tế:

+ Hệ thống pháp luật nhằm tạo ra luật chơi cho các chủ thể tham gia vào các quan hệ kinh tế.

+ Công tác kế hoạch và quy hoạch, nhằm hoạch định các mục tiêu và xác lập các phương tiện để đạt các mục tiêu đề ra.

+ Các chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô, đặc biệt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

+ Sử dụng lực lượng vật chất của Nhà nước để bổ khuyết thị trường trong đó quan trọng nhất là các loại dự trữ quốc gia.

+ Cung cấp dịch vụ và hàng hoá công cộng; hành chính công; sử dụng các công cụ hỗ trợ như thông tin, xúc tiến thương mại, cung cấp các dịch vụ sản xuất…

Hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế thị trường định hướng của nước ta cũng chính là sự hoàn thiện 5 nhóm công cụ quản lý nêu trên, nhằm tạo ra cơ chế vận hành tốt nhất cho các chủ thể tham gia vào thị trường.

- Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước:

Hiến pháp năm 2013 đã chế định tại Điều 51, khoản 1 rằng: “…kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Vấn đề đã hiến định thì không thể làm khác. Tuy nhiên, ở đây có 2 vấn đề cần làm rõ: (1) Nội hàm kinh tế nhà nước là gì? (2) Hiểu thế nào là vai trò chủ đạo?

+ Nếu hiểu kinh tế nhà nước bao gồm: tất cả các nguồn lực vật chất của Nhà nước, như: tài nguyên ngân sách; các nguồn lợi Nhà nước thu được hàng năm, dự trử  ngoại hối, dự trữ lương thực; nguyên nhiên liệu chiến lược; cơ sở vật chất hạ tầng do Nhà nước đầu tư; các tổ chức kinh tế của Nhà nước…, thì đây chính là lực lượng vật chất, mà Nhà nước sử dụng cho mục tiêu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh, tức là thực hiện chức năng của Nhà nước, chứ nó không liên quan gì đến khái niệm cạnh tranh của các chủ thể kinh tế trên thị trường cả, nên cũng hoàn toàn khác với vai trò của doanh nghiệp nhà nước.

+ Nếu hiểu vai trò chủ đạo là vai trò dẫn dắt thị trường, khắc phục những khuyết tật cố hữu của thị trường, thì nó lại liên quan đến cách sử dụng kinh tế nhà nước như thế nào và sự phối hợp trong việc sử dụng cả hệ thống công cụ của Nhà nước trong đó có công cụ về thể chế, chứ không đơn thuần chỉ là lực lượng vật chất nằm trong tay Nhà nước.

Cho đến nay, dường như khi nhấn mạnh đến vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, nhiều người nghĩ ngay đến việc duy trì lực lượng doanh nghiệp nhà nước, thậm chí nó phải độc quyền, nên đã vô hình chung đi ngược bản chất của thị trường.

Từ đổi mới nhận thức đến đổi mới thể chế:

- Nhà nước cần sử dụng hiệu quả các công cụ thị trường

Hiện đang có 3 vấn đề vướng mắc trong tư duy và hành động để có thể hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là:

+ Cần đổi mới tư duy và hành động trong việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong điều kiện vận hành của thị trường. Đây là vấn đề khá khó khăn và phức tạp của quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường.

+ Nền kinh tế thị trường của Việt Nam đi sau, nên hoàn toàn có thể vận dụng những công cụ vận hành của thị trường, mà lịch sử phát triển của nó ở nhiều nước cho thấy là đúng đắn và phù hợp. Thị trường là công cụ, là cơ chế chuyển tải mục tiêu phát triển của một quốc gia; chứ tự nó không phải là mục tiêu. Do đó, sử dụng các công cụ kinh tế thị trường không mâu thuẫn với tính chất định hướng xã hội chủ nghĩa trong mô hình kinh tế của nước ta.

+ Do thuộc tính của kinh tế thị trường, nên thường xuyên xuất hiện sự xung đột và mâu thuẫn lợi ích giữa các chủ thể khác nhau của thị trường.

Để khắc phục được các khuyết tật của thị trường, Nhà nước cần sử dụng các công cụ để định hướng sự vận động của các chủ thể kinh tế phục vụ cho mục tiêu xã hội và bảo vệ môi trường. Biểu hiện rõ nét của xu hướng này là Nhà nước không làm thay thị trường, mà chỉ tập trung giải quyết và xử lý những thất bại của thị trường. Nhà nước không bao cấp rủi ro trong kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng cũng không tạo ra những rủi ro cho doanh nghiệp bằng các quyết định hành chính của mình.

Hiện nay, hệ thống pháp luật của nước ta trong quản lý kinh tế thị trường, tuy chưa hoàn thiện, nhưng cũng đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực. Thực tế hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế chưa cao là do sự can thiệp của Nhà nước, ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, không phù hợp với sự vận động của thị trường. Mặt khác, Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ luật chơi.

- Hoàn thiện 5 loại thị trường cụ thể:

Về mặt lý thuyết, nền kinh tế thị trường được vận hành trên 3 chân, tức là sự cấu thành của 3 loại thị trường chính: hàng hóa; vốn và dịch vụ. Ba thị trường này có quan hệ hữu cơ với nhau và luôn luôn phản ánh trình độ phát triển của một nền kinh tế. Từ 3 thị trường cơ bản trên, từ Đại hội Đảng lần thứ IX đã cụ thể hóa 5 loại thị trường ở nước ta và đặt ra yêu cầu hoàn thiện. Tuy nhiên, vấn đề hoàn thiện các loại thị trường ở nước ta cần xác định trên 2 nguyên tắc:

+ Bảo đảm tính đồng bộ trong mối quan hệ kinh tế giữa các thị trường với nhau. Bởi vì, không có một loại thị trường nào phát triển riêng rẽ, mà luôn luôn là nguyên nhân và kết quả của thị trường kia.

+ Sự phát triển các loại thị trường phải thông qua các chính sách của Nhà nước, được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật có liên quan, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho từng giai đoạn của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 06 Tháng 11 2014 02:54

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành