Thứ sáu, 23 Tháng 6 2023 23:53

KINH NGHIỆM BẮT KỊP VÀ NHẢY VỌT CỦA NỀN KINH TẾ HÀN QUỐC

Về nguồn gốc lịch sử của quá trình bắt kịp ở Đông Á, đặc biệt là Hàn Quốc, trong quá trình phát triển kinh tế, vai trò của các điều kiện ban đầu đối với sự lựa chọn chính sách luôn là vấn đề quan trọng được đặt ra. Liên quan đến sự tăng trưởng nhanh chóng của “những con hổ” Đông Á, có ý kiến cho rằng liệu thành công của các nền kinh tế này có phải là do một chiến lược thúc đẩy xuất khẩu (hướng ngoại) tốt hơn so với chiến lược thay thế nhập khẩu (hướng nổi) mà các nền kinh tế Mỹ Latinh đã áp dụng hay không, hay nói cách khác, là do những điều kiện ban đầu của các nước Đông Á tốt hơn như: năng lực và quyền tự chủ của nhà nước, nguồn lực con người, cơ cấu giai cấp bình đẳng...

Có quan điểm cho rằng, các yếu tố, điều kiện ban đầu của các nước Đông Á tốt hơn. Do quan điểm định hưởng lựa chọn chính sách sẽ không thể giải thích được tại sao chiến lược định hướng xuất khẩu lại được lựa chọn và hoạt động tốt ở của các nước Đông Á (Lee và Lee 1992). Trong số các yếu tố, điều kiện ban đầu, năng lực của nhà nước và quyền tự chủ là một trong những điều kiện quan trọng nhất, và đây cũng chính là vấn đề quan trọng.

Vì vậy, việc xác định các điều kiện chung ban đầu gồm truyền thống của nhà nước Nho giáo bảo thủ ở Đông Á là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Các quốc gia Đông Á là các quốc gia của Nho giáo với đầy đủ các tầng lớp tinh hoa được kính trọng, những người độc lập khỏi các lợi ích đảng phái ở trong và ngoài nước. Giới lãnh đạo chính trị coi phát triển kinh tế là mệnh lệnh của quốc gia và yêu cầu các thành viên trong xã hội tập trung theo định hướng một nền kinh tế hiện đại, mạnh mẽ, qua đó mang lại lợi ích cho mọi thành viên trong xã hội, mặc dù trên thực tế, sự hy sinh của nhiều người có thể không tạo ra các cơ hội công bằng cho một số ít người. Về năng lực và quyền tự chủ, chế độ toàn trị ở Hàn Quốc đủ khó để áp đặt sự phản đối của các đảng phái trong xã hội, thuyết phục người dân vì lợi ích tăng trưởng kinh tế. Các cơ quan nhà nước được hỗ trợ bởi những “tầng lớp xuất sắc nhất” trong xã hội, có khả năng huy động các nguồn lực tư nhân, thúc đẩy mọi người tham gia và thực hiện các chính sách công nghiệp.

Sự ổn định chính trị cũng góp phần kéo dài thời gian hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện cho việc xây dựng kế hoạch và đầu tư dài hạn.

Ngoài phương thức lãnh đạo chính trị bảo thủ, sự cam kết tăng trưởng và sự đồng thuận chung về các mục tiêu chiến lược, kết quả của nghiên cứu đã xác định 03 yếu tố cấu thành quan trọng của mô hình bắt kịp ở Hàn Quốc. Thứ nhất, nhà nước theo chủ nghĩa tích cực trong chế độ toàn trị của Hàn Quốc không chỉ dựa trên quyền lực chính trị, mà còn dựa trên quyền lực kinh tế của nhà nước, bắt nguồn từ quyền sở hữu nhà nước đối với các ngân hàng hoặc các quỹ tài chính, cụ thể, nhà nước kiểm soát tài chính, kiểm soát chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp lớn một cách linh hoạt, điều này không tồn tại ở nhiều quốc gia. Thứ hai, các doanh nghiệp phải thực hiện cơ chế kỷ luật kép, cụ thể là cơ chế kỷ luật thị trường, đặc biệt đối với thị trường thế giới và cơ chế kỷ luật hệ thống dựa trên mối quan hệ lâu dài, gắn kết giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Thứ ba, nhà nước theo chủ nghĩa tích cực đóng vai trò trong các lĩnh vực chiến lược nhằm đạt được mục tiêu đối với các doanh nghiệp lớn, nhà nước không định hướng các hoạt động kinh doanh nhỏ trong khu vực tư nhân, đặc biệt nhà nước sẽ không định hướng hoặc định hướng không rõ ràng tại ranh giới giữa khu vực công và khu vực tư nhân. Ba yếu tố trên là nền tảng chính trong mô hình bắt kịp của nền kinh tế Hàn Quốc. Mô hình này sẽ dựa trên hoạt động của thị trường và quyền sở hữu tư nhân đối với các doanh nghiệp (ngoại trừ quyền sở hữu nhà nước đối với các ngân hàng và một số doanh nghiệp độc quyền tự nhiên hoặc một số ngành chiến lược) và được điều hành bởi một mạng lưới các công chức nhà nước và các doanh nhân tài năng “đầy khát vọng" với định hướng quốc tế mạnh mẽ. Rõ ràng, hệ thống này không phải là nền kinh tế thị trường tự do của các nước tư bản chủ nghĩa, cũng không phải là nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa; điều này cũng khác với quan điểm của Lange (1937) về chủ nghĩa xã hội thị trường.

Đối với vấn đề “quan điểm dựa trên năng lực", theo kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quá trình bắt kịp để phát triển kinh tế, đây được coi là một “phần mở rộng của quan điểm dựa trên công nghệ”, tạo khoảng cách giữa Chính phủ và thị trường để phát triển nền tảng kinh tế vi mô. Đây là bài học từ các thành tựu của Hàn Quốc không phải hoàn toàn xuất phát từ vai trò của Chính phủ trong phát triển kinh tế, mà thực tế là, Chính phủ đã xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp, nhờ đó Hàn Quốc đạt được tăng trưởng bền vững trong vài thập kỷ. Như vậy, đây là điều không dễ dàng, và trong nhiều trường hợp, việc cải cách vĩ mô mang lại sự phục hồi ngay lập tức cho nền kinh tế nhưng không duy trì được lâu dài, và cuối cùng nền kinh tế rơi vào một đợt khủng hoảng mới. Yếu tố cơ bản nhất để phát triển bền vững là xây dựng được năng lực trong nước. Nếu không có một số năng lực cốt lõi, mô hình tăng trưởng dựa trên mức thu nhập thấp hoặc năng lực cạnh tranh về giá sẽ là xu hướng tồn tại trong thời gian ngắn hoặc không được duy trì.

Có quan điểm cho rằng, nền kinh tế Hàn Quốc đã tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi từ một quốc gia có thu nhập trung bình sang quốc gia có thu nhập cao dựa trên năng lực công nghệ kể từ giữa những năm 1980. Giữa những năm 1980, tỷ lệ R&D/GDP vượt qua 1%, tỷ trọng R&D khu vực tư vượt quá một nửa, đạt khoảng 70% và tỷ lệ bằng sáng chế của doanh nghiệp lớn hơn tỷ lệ sáng chế của các nhà phát minh cá nhân. Trên cơ sở đó, Hàn Quốc đã thực hiện chuyển đổi từ một quốc gia có thu nhập trên trung bình sang một quốc gia có thu nhập cao; GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc năm 1980 là khoảng 1.673 USD và 3.223 USD nếu tính theo tỷ giá đôla năm 2000, và con số đó đã tăng lên 10.890 USD năm 2000 (Lee và Kim 2009: Bảng 1). Tỷ lệ nhập học của các trường đại học đã tăng từ khoảng 10% năm 1980 lên cao hơn 30% năm 1985 và cuối cùng cao hơn 70% năm 2000 (Lee 2006: Bảng 5). Tỷ lệ R&D/GDP vào khoảng 0,7% năm 1980, tăng lên 1,5% năm 1985 và gần 2% năm 2000. Ngược lại, tỷ lệ thương mại/GDP ở mức cao, 70% năm 1980 và vẫn ở mức đó năm 2000. Những số liệu này chỉ ra rõ ràng rằng không phải mở nhiều trường đại học hơn mới quan trọng, việc xây dựng năng lực gắn với giáo dục đại học và R&D khu vực tư mới là yếu tố quyết định giúp thực hiện quá trình chuyển đổi của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, khả năng chuyển giao của mô hình Hàn Quốc, chủ yếu tập trung vào vai trò của Chính phủ, hiệu quả của nhà nước theo chủ nghĩa tích cực trong Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization - WTO) và vai trò của các doanh nghiệp địa phương.

Về vai trò của hệ thống quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình bắt kịp công nghệ của Hàn Quốc xét về tổng quan chi tiết thì sự phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ của Hàn Quốc đã cho thấy Hàn Quốc có quan điểm linh hoạt về chính sách quyền sở hữu trí tuệ. Trong giai đoạn đầu, quyền sở hữu trí tuệ được cấp ngay cả cho những phát minh hoặc cải tiến nhỏ của người dân địa phương, trong khi đó, ít yêu cầu sự công nhận trong nước đối với quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài. Tuy nhiên, trong giai đoạn sau, với sự phát triển của năng lực công nghệ, nhu cầu chuyển giao công nghệ quốc tế và thị trường công nghệ trong nước ngày càng tăng. Do đó, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cả trong nước và nước ngoài đã được tăng cường.

Từ cuối những năm 1980, Hàn Quốc đã tăng đáng kể mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và mở rộng phạm vi các đối tượng được cấp bằng sáng chế. Hàn Quốc hiện đã đạt được trình độ phát triển cao nhất về phạm vi bảo hộ, bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ mới nhất, các phát minh công nghệ sinh học và phát minh phương pháp kinh doanh. Khi các doanh nghiệp lớn đã đạt được sự phát triển mạnh về công nghệ, trọng tâm của các chính sách của Chính phủ đã chuyển sang các vấn đề như: khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa sở hữu được nhiều quyền sở hữu trí tuệ hơn, quan tâm đến thương mại hóa/sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ nhiều hơn là xây dựng quyền sở hữu trí tuệ, khai thác năng lực R&D và vai trò của các trường đại học.

Xét về xu hướng thay đổi của quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình bắt kịp ở Hàn Quốc có một số điểm nổi bật:

Thứ nhất, ở những năm đầu của giai đoạn bắt kịp, người Hàn Quốc chủ yếu nộp bằng sáng chế petit (giải pháp hữu ích) và một số bằng sáng chế thông thường (phát minh). Chỉ ở những giai đoạn sau, tỷ lệ bằng sáng chế phát minh mới tăng lên vượt quá tỷ lệ bằng sáng chế petit.

Thứ hai, trong những giai đoạn đầu, chỉ có các nhà phát minh cá nhân nộp bằng sáng chế. Các tập đoàn chiếm một tỷ trọng nộp bằng sáng chế rất thấp. Sau đó, tỷ lệ nộp bằng sáng chế trong doanh nghiệp đã tăng lên vượt quá tỷ lệ của các nhà phát minh cá nhân.

Thứ ba, tỷ lệ tương đối giữa các bằng sáng chế trong nước và nước ngoài ở Hàn Quốc cho thấy các mô hình năng động hơn. Trong những giai đoạn đầu, người nước ngoài không quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ của Hàn Quốc và do đó không nộp bằng sáng chế, dẫn đến sự thống trị của các bằng sáng chế trong nước. Điều này đã bị đảo ngược vào một thời điểm nhất định khi người nước ngoài nộp số lượng bằng sáng chế cao nhất. Tuy nhiên, cuối cùng với sự phát triển về năng lực của các nhà phát minh trong nước (thường là các doanh nghiệp), tỷ lệ các nhà phát minh trong nước tăng lên với số lượng bằng sáng chế đăng ký lớn hơn so với các bằng sáng chế của người nước ngoài. Từ đó cho thấy tầm quan trọng của bằng sáng chế và quyền sở hữu trí tuệ đã không được các doanh nghiệp Hàn Quốc công nhận một cách nghiêm túc cho đến giữa những năm 1980. Trước đó, Hàn Quốc đã tích lũy năng lực hấp thụ công nghệ, tập trung vào các bằng sáng chế giải pháp hữu ích. Sau đó, chỉ bắt đầu từ giữa những năm 1980, Hàn Quốc bắt đầu mạnh tay đầu tư vào R&D, dẫn đến việc phát triển nhanh chóng các năng lực R&D trong nước.

Hệ thống quyền sở hữu trí tuệ ở Hàn Quốc tương tự như hệ thống của Nhật Bản. Mặc dù việc bảo vệ chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ trong giai đoạn đầu của tăng trưởng kinh tế có thể có tác động tiêu cực đến sự phát triển công nghệ, nhưng một số đặc điểm của cả hệ thống của Nhật Bản và Hàn Quốc đã giải quyết được tình trạng khó xử này. Thứ nhất, cả hai quốc gia đều có xu hướng cấp quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà phát minh có lĩnh vực công nghệ được xác định (Rahn 1983). Thứ hai, quyền sở hữu trí tuệ từng được cấp cho các “phát minh nhỏ” ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm theo. Nhật Bản có một hệ thống giải pháp hữu ích trao quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà phát minh ra các sáng chế nhỏ không đủ điều kiện cấp bằng sáng chế và có liên quan đến các thiết bị ít phức tạp hơn phục vụ cho mục đích thực tế (Viện Sở hữu trí tuệ 2000).

Đề cập về diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 và những cải cách sau khủng hoàng và tác động của nó cho thấy, cuộc khủng hoảng đã thúc đẩy Chính phủ Hàn Quốc thực hiện một số cải cách về tài chính, quản trị doanh nghiệp và thị trường lao động. Cần phân tích động lực của quá trình cải cách và đánh giá kết quả của quá trình cải cách, nhằm giới thiệu mô hình kinh tế Anglo-Saxon. Các lập luận cho rằng, kết quả cải cách phụ thuộc vào sự tác động lẫn nhau của các điều kiện cụ thể của địa phương và sự quan tâm của chính trị; các cải cách nhằm mục đích thiết lập một nền kinh tế định hướng thị trường hơn là thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Về quan điểm kinh tế vĩ mô theo chủ nghĩa hệ thống (structuralist macroeconomics) được đưa ra để giải thích hai cuộc khủng hoảng tài chính gần đây ở Hàn Quốc, và một khung khổ chính sách mới và các biện pháp cải cách được đề xuất để xây dựng một hệ thống tài chính vĩ mô có khả năng chống chọi với khủng hoảng ở Hàn Quốc. Việc nghiên cứu tập trung vào chu kỳ “Frenkel-Nefter" (Taylor 1998) và hai loại chênh lệch là chênh lệch lãi suất và chênh lệch lãi vốn, vốn ban đầu thúc đẩy đầu tư tài chính nước ngoài vào các nền kinh tế mới nổi là rất cần thiết. Có thể thấy, để thiết lập một hệ thống tài chính vĩ mô có khả năng chống chọi với khủng hoảng, một khung khổ chính sách vì mô mới được gọi là “một hệ thống trung gian” được đề xuất, với vốn lưu động nhưng với các phương thức lựa chọn rõ ràng để kiểm soát vốn với biên độ và thu thập thông tin linh hoạt, hệ thống tỷ giá hối đoái theo chế độ tỷ giá BBC (Basket, Band, and Crawl, BBC)[1] linh hoạt và tính độc lập tương đối trong hoạch định chính sách tiền tệ với sự cân bằng mới giữa lãi suất và mục tiêu tỷ giá hối đoái. Hệ thống trung gian đề xuất được đưa ra vì không dễ để ngăn chặn “hai loại chênh lệch" xảy ra đồng thời trong một khung khổ chính sách kinh tế vĩ mô mở (chính thống), với lập luận rằng Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên có thể đạt được một nền kinh tế bắt kịp sau nhiều thập kỷ kinh tế bị cô lập và trì trệ nếu Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cố gắng thúc đẩy mở cửa kinh tế (nhảy vọt) tập trung vào ngoại thương và đầu tư một cách bền vững. Một trường hợp tương tự đã được thực hiện với trường hợp của tỉnh Phúc Kiến ở Trung Quốc, nơi đã đạt được thành tựu bắt kịp về kinh tế, chủ yếu là nhờ các khoản đầu tư của Đài Loan. Để hiện thực hóa tiềm năng, có ý kiến cho rằng Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên nên coi đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment - FDI) từ Hàn Quốc là đầu tư nội Hàn. Có quan điểm về các phương thức tham gia đa dạng với vốn nước ngoài có sẵn cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên khi xem xét khả năng nội tại (khả năng hấp thụ hoặc quản lý), sự cạnh tranh có thể có giữa các nhà đầu tư nước ngoài, tác động đến cấu trúc thị trường (độc quyền hoặc cạnh tranh hơn), bản chất của mục tiêu công nghệ hoặc cơ sở vật chất, cơ hội học hỏi và chuyển giao cùng với các điều kiện tiên quyết về kinh tế và chính trị để bắt kịp nền kinh tế của Hàn Quốc phát triển như hiện nay.

Về các mô hình bắt kịp kinh tế, không thể đưa ra câu trả lời cho câu hỏi liệu nhà nước có thể được dựa vào để làm điều "đúng" và tránh làm điều “sai” hay không. Trường hợp của Hàn Quốc là một trường hợp rõ ràng về hoạt động tích cực của nhà nước. Các kinh nghiệm cho thấy rằng tồn tại một cơ chế hoạt động nhất định của nhà nước trong nền kinh tế, cơ chế này có hiệu quả vì mục tiêu phát triển bắt kịp kinh tế và cơ chế hiệu quả khác nhau ở mỗi quốc gia tùy theo điều kiện khác nhau. Với hoạt động nhà nước theo mô hình trung bình của Hàn Quốc ở Đông Á, các cơ chế khác với các cơ chế được tìm thấy ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa theo mô hình tối đa hoặc các quốc gia không can thiệp theo mô hình tối thiểu.

Ngoài sự tồn tại của đội ngũ lãnh đạo chính trị cứng rắn cam kết tăng trưởng và sự đồng thuận của quốc gia về các mục tiêu, nghiên cứu của tác giả đã xác định ba yếu tố cấu thành quan trọng của cơ chế này. Thứ nhất, hoạt động tích cực của nhà nước ở Hàn Quốc không chỉ dựa hoàn toàn vào quyền lực chính trị của nhà nước, mà quan trọng hơn là dựa trên sức mạnh kinh tế thực sự của họ, vốn có được từ quyền sở hữu nhà nước đối với các ngân hàng hoặc quỹ cho vay, nơi mà quyền kiểm soát tài chính của nhà nước đối với các doanh nghiệp lớn hoạt động như một công cụ kiểm soát rất linh hoạt và khác biệt về chất lượng mà không có sẵn ở các quốc gia theo mô hình tối thiểu. Thứ hai, các doanh nghiệp tư nhân phải chịu một cơ chế kỷ luật kép - cụ thể là kỷ luật thị trường, đặc biệt là đối với thị trường thế giới ngoại sinh và kỳ luật hệ thống tuân thủ thị trường dựa trên mối quan hệ lâu dài mật thiết giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Thứ ba, xu hướng tích cực của nhà nước đóng vai trò nào đó, không phải trong khu vực tư nhân định hướng kinh doanh nhỏ, mà chỉ trong các lĩnh vực chiến lược để đạt được mục tiêu và các doanh nghiệp lớn, nơi ranh giới công – tư còn mơ hồ hoặc không tồn tại.

Ba yếu tố trên có thể là nền tảng chính của các mô hình bắt kịp nền kinh tế. Mô hình này sẽ dựa trên hoạt động của thị trường và quyền sở hữu tư nhân đối với các doanh nghiệp (ngoại trừ sở hữu nhà nước đối với các ngân hàng, một số doanh nghiệp độc quyền tự nhiên hoặc các ngành công nghiệp chiến lược) và sẽ được điều hành bởi một hệ thống các quan chức có năng lực và các doanh nhân tài năng “đầy khát vọng" với định hướng hướng ngoại mạnh mẽ. Rõ ràng, hệ thống này không phải là nền kinh tế thị trường tự do của mô hình tối thiểu cũng không phải là nền kinh tế kế hoạch của quốc gia xã hội chủ nghĩa theo mô hình tối đa; nó cũng khác với bức tranh thông thường về chủ nghĩa xã hội thị trường của Lange (1937).

Tất nhiên, hiệu quả hoạt động của hệ thống này còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, thể hiện qua kinh nghiệm quá khứ của các nền kinh tế Đông Á. Ở Hàn Quốc, một điều kiện quan trọng ban đầu là nhà nước Nho giáo được kế thừa trong lịch sử[2]. Chế độ toàn trị đủ mạnh để chống lại áp lực đảng phái từ các lực lượng xã hội, thuyết phục dân chúng về bản chất công ích của tăng trưởng kinh tế, và thực hiện các chính sách công nghiệp, đồng thời, các chế độ có thể tận dụng các sáng kiến cá nhân, và sự ổn định chính trị của họ đã kéo dài vòng đời hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân. Do đó, mô hình có thể được định nghĩa là xây dựng quốc gia tư bản đi sau, dựa trên truyền thống của Nho giáo và chủ nghĩa dân tộc, được dẫn dắt bởi bộ máy quan liêu “bảo thủ” thông qua chính sách công nghiệp đầy đủ thông tin bao gồm bảo vệ có chọn lọc và hướng ra bên ngoài.

 


[1] Chế độ tỷ giá với biên độ dao động rộng được điều chỉnh định kỳ. gọi tắt là chế độ tỷ giá BBC (BT).

[2] Tất nhiên, một số giá trị của Nho giáo rõ ràng là trái ngược với đạo đức tư bản. Đúng như vậy, một số đặc điểm của Nho giáo được một số học giả cho là nguyên nhân khiến Đông Á trước đây không thể phát triển kinh tế.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành