Thứ tư, 28 Tháng 5 2014 00:00

Giải pháp hoàn thiện vốn khả dụng trong chính sách tiền tệ của ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới

1. ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Cùng với xu thế hội nhập quốc tế, các nước trên thế giới và Việt Nam phải từng bước thay đổi, thích ứng để tồn tại và phát triển trong vòng xoay của nền kinh tế thế giới. Với áp lực của việc gia nhập AFTA năm 1995, APEC năm 1998 và WTO năm 2006 đã làm thay đổi căn bản về quan điểm xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việc tham gia vào tiến trình chung của nền kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam phải chấp nhận sự cạnh tranh quốc tế ở tất cả các lĩnh vực mà vẫn đảm bảo được lợi ích quốc gia, mở cửa nền kinh tế theo đúng lịch trình cam kết. Để thực hiện được điều này, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 được xác định rõ ràng và nhất quán trong Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI về mục tiêu tổng quát Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau. Từ mục tiêu tổng quát, Nghị quyết đề cập tới việc Thực hiện hệ thống cơ chế và chính sách phù hợp, đặc biệt là cơ chế, chính sách tài chính, tiền tệ nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của nền kinh tế.

Áp lực thay đổi để thích ứng với sự chuyển mình của cả nền kinh tế đặt các Bộ ngành và NHNN Việt Nam, các cơ quan quản lý vĩ mô phải nhìn lại và đánh giá thực trạng hoạt động để khẳng định vai trò tích cực trong việc góp phần tăng cường tiềm lực kinh tế và sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và có hiệu quả.

Trên cơ sở Nghị quyết đại hội, NHNN tiếp tục thực hiện và triển khai thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển NHNN trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2020. Trước đó, NHNN đã trình Chính phủ và được phê duyệt Đề án phát triển ngành TCTD Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 kèm theo quyết định số 112/2006/QĐ-TTG ngày 24/5/2006. Về cơ bản, những nội dung trong Đề án vẫn tiếp tục cụ thể hóa yêu cầu của Nghị quyết đại hội “Tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ. Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa.”, đảm bảo cho Chính sách tiền tệ phải chủ động và linh hoạt thúc đẩy tăng trưởng bền vững, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng.

Các mục tiêu cơ bản phát triển NHNN Việt Nam được đề cập như sau

- Đổi mới tổ chức và hoạt động của NHNN để hình thành bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, có đủ nguồn lực, năng lực xây dựng và thực thi CSTT theo nguyên tắc thị trường dựa trên cơ sở công nghệ tiên tiến, thực hiện các thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động NHTƯ, hội nhập với cộng đồng tài chính quốc tế, thực hiện hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ và hoạt động TCTD đồng thời tạo nền tảng đến sau năm 2010 phát triển NHNN VN trở thành NHTƯ hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của các NHTƯ trong khu vực Châu Á.

- Xây dựng và thực thi có hiệu quả CSTT nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều hành tiền tệ, lãi suất và tỷ giá hối đoái theo nguyên tắc thị trường thông qua sử dụng linh hoạt có hiệu quả các công cụ CSTT. Ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng nhanh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán qua ngân hàng. Đổi mới chính sách quản lý ngoại hối và vàng; từng bước mở rộng phạm vi các giao dịch vốn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tiến tới xóa bỏ tình trạng sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam. Chính sách tiền tệ tạo điều kiện huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực tài chính. Kết hợp chặt chẽ CSTT với CSTK để định hướng và khuyến khích công chúng tiết kiệm, đầu tư và sản xuất kinh doanh. Kiện toàn công tác thanh tra, giám sát hoạt động tài chính, tiền tệ.

2. ĐỊNH HƯỚNG ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ VÀ QUẢN LÍ VỐN KHẢ DỤNG TRONG ĐIỀU HÀNH CSTT CỦA NHNN VIỆT NAM

Trên cơ sở Nghị quyết ĐH Đảng XI, tại kì họp thứ hai Quốc hội XIII Quốc hội đã ban hành nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 08/11/2011 về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011- 2015 với mục tiêu tổng quát là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lí gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Các mục tiêu cụ thể: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm tăng khoảng 6,5%-7%; Tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm 2011-2015 khoảng 33,5%-35% GDP; Giảm dần nhập siêu từ năm 2012 và phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015; Bội chi ngân sách nhà nước đạt dưới 4,5% vào năm 2015 (tính cả trái phiếu Chính phủ); Giảm tiêu tốn năng lượng tính trên GDP từ 2,5% đến 3%/năm; Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 30% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; tỷ lệ đổi mới công nghệ đạt 13%/năm; Năng suất lao động xã hội đến năm 2015 tăng 29%-32% so với năm 2010; Tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách không quá 22%-23% GDP/năm; Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP; Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%-7% vào năm 2015.

Kiềm chế lạm phát dưới 10%; Tăng trưởng GDP khoảng 6 – 6,5%; Bội chi ngân sách nhà ước bằng 4,8%GDP; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 13%; nhập siêu 11 – 12% tổng kim ngạch xuất khẩu; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 33.5% GDP.

 Với các mục tiêu chung của kinh tế vĩ mô kết hợp với thực trạng điều hành CSTT năm trước, NHNN xác định định hướng, mục tiêu điều hành Chính sách tiền tệ theo hướng tiếp tục kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền. Thực hiện chính sách tiền tệ với mục tiêu hàng đầu là ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát để bảo đảm tương thích giữa tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng dư nợ tín dụng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng. Giảm dần tỷ lệ huy động vốn đầu tư từ tín dụng ngân hàng, đẩy mạnh kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán và các định chế tài chính khác.

Ðối với chính sách tài khóa, thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách một cách có hiệu quả, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác lập dự toán ngân sách nhà nước. Rà soát, điều chỉnh phân cấp quản lý đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Nghiên cứu các phương án để điều chỉnh giảm dần mức thuế thu nhập doanh nghiệp; đổi mới chính sách thu từ đất đai, thu kinh doanh bất động sản, tăng mức thu thuế tài nguyên.

Bên cạnh đó còn có cách chính sách tiền tệ cụ thể trong thời gian tới như: (i) Tiếp tục điều hành CSTT chặt chẽ và linh hoạt để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp; Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô; Hoạt động hệ thống TCTD an toàn, tuân thủ theo quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; (ii) Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14 – 16%, tín dụng tăng khoảng 15 – 17%; lãi suất và tỷ giá được điều hành ở mức hợp lí phù hợp vớ các cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Trong đó, NHNN đề cập tới quản lý VKD và các biện pháp quản lý VKD thông qua công cụ CSTT như sau:

- Điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ của CSTT, đảm bảo kiếm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu kiểm soát tổng phương tiện thanh toán 14–16% và tín dụng tăng trưởng 15 – 17%. Trong đó, điều hành linh hoạt nghiệp vụ TTM với khối lượng và lãi suất hợp lí, phù hợp với tình hình VKD của NHTM, lãi suất TT LNH và mục tiêu của CSTT

- Đối với thông tin, số liệu phục vụ hoạt động dự báo và điều hành CSTT: (1) Tổ chức hệ thống thu thập thông tin, số liệu hiệu quả đảm bảo việc thu thập, tổng hợp số liệu chính xác và kịp thời hơn. Phối hợp với các Bộ, ngành để nâng cao chất lượng lập, phân tích, dự báo cán cân thanh toán quốc tế phục vụ cho điều hành CSTT, tỷ giá; (2) Theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính tiền tệ trong nước và quốc tế để cập nhật kịp thời các dự báo về kinh tế vĩ mô, diễn biến các chỉ tiêu tiền tệ phục vụ cho việc đề xuất kịp thời các giải pháp điều hành CSTT và hoạt động NH; (3) Chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD thực hiện đúng chế độ hạch toán kế toán, báo cáo thống kê; giám sát chặt chẽ diễn biến các chỉ tiêu tiền tệ của từng TCTD để phát hiện kịp thời các vi phạm về hạch tián kế toán, báo cáo thống kê lách các quy định quản lý hành chính của NHNN, từng bước để các chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng phản ánh đúng bản chất hoạt động NH, hỗ trợ cho việc phân tích tiền tệ và tham mưu điều hành CSTT.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 06 Tháng 11 2014 03:37

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành