Thứ tư, 28 Tháng 5 2014 00:00

Tổng quan về áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của tòa án nhân dân

1. Khái niệm áp dụng pháp luật

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, pháp luật xã hội chủ nghĩa là tổng hợp các quy tắc xử sự chung thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, được cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền ban hành theo một trình tự nhất định với các hình thức nhất định nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hình thức thể hiện của pháp luật xã hội chủ nghĩa chính là các quy phạm pháp luật được các chủ thể có thẩm quyền ban hành với các loại văn bản có tên gọi và hiệu lực pháp lý khác nhau. Nhà nước xã hội chủ nghĩa căn cứ vào các quy phạm pháp luật để quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng... Tổ chức và hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa và các nhân viên nhà nước có thẩm quyền cũng dựa trên cơ sở của các quy phạm pháp luật. Các quy phạm pháp luật là cơ sở pháp lý của việc tôn trọng và thực thi các quyền tự do, dân chủ của công dân và là "thước đo" chung để xem xét, đánh giá một hành vi hợp pháp luật hay vi phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật tác động lên ý thức, tư tưởng của con người qua công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và qua tiếp xúc với pháp luật. Các quy phạm pháp luật đòi hỏi phải được tôn trọng, tuân thủ và thi hành trong đời sống xã hội. Hay nói cách khác, các quy tắc xử sự chung được Nhà nước xã hội chủ nghĩa ban hành dưới dạng các quy phạm pháp luật phải trở thành những quy tắc xử sự của mọi cá nhân và tổ chức trong đời sống xã hội. Đó cũng là mục đích quan trọng của Nhà nước xã hội chủ nghĩa mong muốn khi ban hành các văn bản có chứa đựng quy phạm pháp luật. Một văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng tốt phải là một văn bản quy phạm pháp luật có khả năng đi vào cuộc sống xã hội và trở thành những quy tắc ứng xử, những khuôn mẫu trong xử sự giữa người với người trong đời sống xã hội hàng ngày. Các quy phạm pháp luật sau khi ban hành phải được "thẩm thấu" trong đời sống xã hội thường ngày qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực hiện pháp luật. Khi các quy phạm pháp luật được các thành viên trong xã hội nhận thức và tự giác thực hiện một cách nghiêm chỉnh sẽ tạo nên sức mạnh của một nền pháp chế: sống có kỷ cương và tuân thủ "phép nước". Bàn về vấn đề này, X.X. A-lếch-xây-ép đã viết:

Sức mạnh hiện thực của pháp luật không chỉ phụ thuộc vào bản thân "pháp luật" (thí dụ, nó phụ thuộc vào tính hoàn thiện của các quy phạm pháp luật) và không chỉ phụ thuộc vào hiệu quả của thực tiễn pháp luật, mà chính ở mức rất lớn phụ thuộc vào trạng thái ý thức pháp luật, vào trình độ văn hóa pháp lý chung của toàn dân.

Các quy phạm pháp luật xã hội chủ nghĩa phải thực sự "sống" trong đời sống xã hội, thu hút mọi thành viên trong xã hội tôn trọng và thực hiện, phải định hướng cho sự phát triển của các mối quan hệ xã hội theo ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nếu các quy phạm pháp luật được ban hành chỉ để có pháp luật "lấp đầy" những chỗ trống trong hệ thống pháp luật mà không có tính khả thi, không được cuộc sống chấp nhận thì sẽ tạo ra những hậu quả tai hại cho nền pháp chế xã hội chủ nghĩa: pháp luật không được thực hiện; ý thức coi thường pháp luật sẽ trở thành tình trạng phổ biến; trật tự, kỷ cương, phép nước bị đảo lộn và tình trạng tự do vô chính phủ sẽ có cơ hội phát triển. Do đó, văn bản quy phạm pháp luật phải thực sự xuất phát từ nhu cầu quản lý của Nhà nước và đòi hỏi của cuộc sống xã hội và phù hợp với thực tiễn thì mới có khả năng đi vào cuộc sống sau khi được ban hành.

Thực hiện pháp luật là những hoạt động, những phương cách, những quá trình làm cho những quy tắc xử sự chung chứa đựng trong các quy phạm pháp luật trở thành hành vi, cách xử sự thực tế của các chủ thể pháp luật. Khi các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội thì các quan hệ xã hội trở thành các quan hệ pháp luật với các chủ thể mang quyền và nghĩa vụ pháp lý tương ứng. Khi các chủ thể quan hệ pháp luật thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình sẽ làm phát sinh hành vi pháp luật, hay nói cách khác, thực hiện pháp luật làm "hiện thực hóa" các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể pháp luật trong đời sống xã hội. Nói chung, các hình thức thực hiện pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ và khăng khít với nhau tạo thành những "mắt xích" liên kết thống nhất nhằm biến các quy phạm pháp luật "tĩnh lặng" trên giấy thành các quy tắc xử sự chung và thống nhất, "sống động" trong đời sống xã hội. Làm thế nào để pháp luật đi vào cuộc sống, làm thế nào để pháp luật được thực hiện một cách có hiệu quả nhất... đó là những đòi hỏi luôn đặt ra trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở nước ta hiện nay. Căn cứ vào tính chất của việc thực hiện pháp luật, khoa học pháp lý đã phân chia thực hiện pháp luật thành những hình thức cụ thể như: Tuân thủ pháp luật; thi hành pháp luật; sử dụng pháp luật; áp dụng pháp luật.

- Tuân thủ pháp luật, còn gọi là tuân theo pháp luật, là hình thức các chủ thể quan hệ pháp luật không thực hiện những hành vi mà pháp luật đã ngăn cấm. Đây là hình thức các chủ thể pháp luật không thực hiện những điều mà pháp luật không cho phép làm. Thông qua hình thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể quan hệ pháp luật, các quy phạm pháp luật ngăn cấm được tôn trọng và thực hiện trên thực tế. Ví dụ: việc tuân thủ các quy phạm nghiêm cấm trong Bộ luật hình sự như: không được trộm cắp, không được lừa đảo chiếm đoạt tài sản; không được xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người v.v... Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật Đất đai như: lấn chiếm đất đai; hủy hoại đất; không sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng mục đích v.v... chủ thể thực hiện hình thức tuân thủ pháp luật là tất cả các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, các tổ chức, cá nhân và mọi công dân trong xã hội.

- Thi hành pháp luật, còn gọi là chấp hành pháp luật là hình thức các chủ thể quan hệ pháp luật phải thực hiện những hành vi mà pháp luật quy định được thực hiện trong những hoàn cảnh, những quan hệ pháp luật mà pháp luật đã dự liệu cụ thể. Đây là hình thức thực hiện pháp luật chủ động và tích cực bằng các hành vi cụ thể của các chủ thể quan hệ pháp luật. Ví dụ, việc thực hiện các quy phạm pháp luật hôn nhân gia đình về nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái của cha mẹ; việc thực hiện các quy định về sinh đẻ có kế hoạch, xây dựng gia đình ít con, ấm no, hạnh phúc của vợ chồng v.v... Chủ thể thực hiện hình thức thi hành pháp luật này là tất cả các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, các cá nhân, tổ chức và mọi công dân trong xã hội...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 06 Tháng 11 2014 06:09

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành