Việc xác định các chủ thể của quyền tác giả nói chung và quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh nói riêng có ý nghĩa trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ cũng như góp phần tạo cơ sở pháp lí cần thiết để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm, lành mạnh hóa môi trường bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khuyến khích các hoạt động sáng tạo ngày càng phát triển.
Theo Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Như vậy, chủ thể của quyền tác giả có thể là chính tác giả (đồng tác giả), hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
1. Tác giả
Theo quy định của pháp luật, tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Mặt khác, những người chỉ hỗ trợ, cho ý kiến hoặc cung cấp thông tin, tư liệu cho người khác sáng tác ra tác phẩm không được coi là tác giả. Tác giả của các tác phẩm nghệ thuật chỉ là những con người cụ thể, bằng lao động trí tuệ của mình trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm bằng việc sử dụng các cách thức biểu hiện khác nhau thông qua dấu hiệu, đường nét, hình khối, màu sắc, âm thanh, hình ảnh… được bố cục, sắp xếp, trình bày dưới một hình thức thể hiện nhất định mà khán giả có thể cảm nhận được một cách trực tiếp bằng giác quan tự nhiên của con người hoặc cảm nhận một cách gián tiếp qua sự trợ giúp của các thiết bị, phương tiện hiện có hoặc sẽ phát triển trong tương lai, mang đậm nét dấu ấn cá nhân của người sáng tạo, mang tính chất độc đáo, riêng có, nguyên thủy, độc lập, mới có của sáng tạo, không sao chép từ những sáng tạo hiện có. Như vậy, tác giả của tác phẩm mang tính phái sinh là tác giả sáng tác ra các tác phẩm dựa trên một hoặc một số tác phẩm khác nhưng có sự sáng tạo khác về hình thức thể hiện, hình thức trình bày tác phẩm phái sinh so với tác phẩm ban đầu.
Theo nguyên tắc chung, phạm vi tác giả được bảo hộ theo Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam được xác định theo 03 tiêu chí:
Tiêu chí quốc tịch: Cá nhân có quốc tịch Việt Nam sáng tạo ra tác phẩm trên lãnh thổ Việt Nam hoặc nước ngoài đều được bảo hộ quyền tác giả.
Tiêu chí nơi thực hiện hành vi: Cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và được định hình tại Việt Nam hoặc có tác phẩm được công bố tại Việt Nam đều được bảo hộ quyền tác giả.
Tiêu chí về Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia làm thành viên: theo đó, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế về các quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.
Dựa vào số lượng người sáng tạo ra tác phẩm, có thể phân loại tác giả thành tác giả đơn nhất và đồng tác giả.
Tác giả đơn nhất là một cá nhân duy nhất sáng tạo ra toàn bộ tác phẩm và được hưởng toàn bộ quyền tác giả tác phẩm do họ sáng tạo ra.
Đồng tác giả là từ hai tác giả trở lên cùng hợp tác để trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Các đồng tác giả có chung các quyền đối với tác phẩm họ sáng tạo ra. Đồng tác giả có thể phân chia làm hai loại:
Thứ nhất, những người cùng sáng tạo ra tác phẩm thống nhất mà phần sáng tác của mỗi người không thể tách ra làm sử dụng riêng, vì nó sẽ làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác. Ví dụ, trong một tác phẩm điện ảnh thống nhất có các đồng tác giả là các diễn viên, đạo diễn, người quay phim,… Các đồng tác giả thuộc loại này thường xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu
Thứ hai, những người cùng sáng tạo ra tác phẩm thống nhất mà phần sáng tác của mỗi người có thể tách ra để sử dụng riêng mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác. Ví dụ như một bài hát được phổ nhạc có hai đồng tác giả cùng nhau sáng tạo nên: tác giả phần thơ và tác giả phần nhạc. Trong trường hợp này, họ sẽ có các quyền tại điều 19 và 20 Luật sở hữu trí tuệ 2005 với phần riêng biệt đó.
Chủ sở hữu quyền tác giả
Theo điều 36 Luật sở hữu trí tuệ 2005, chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ quyền tài sản thuộc quyền tác giả. Chủ sở hữu quyền tác giả có thể đồng thời là tác giả hoặc không đồng thời là tác giả.
Chủ sở hữu đồng thời là tác giả
Chủ sở hữu đồng thời là tác giả khi họ sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất- kỹ thuật để tạo ra tác phẩm (điều 37 luật sở hữu trí tuệ 2005). Theo nguyên tắc chung, người sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu của tác phẩm trừ trường hợp có sự thỏa thuận hay cam kết khác. Tác giả sáng tạo ra tác phẩm, từ việc sử dụng thời gian, vật chất, tài chính và các điều kiện vật chất khác của mình khi đó tác giả là chủ sở hữu của tác phẩm. Trường hợp này họ vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là nhà đầu tư tài chính để tạo ra tác phẩm. Điều 15 của Công ước quy định một cá nhân hay tổ chức có ghi tên trên tác phẩm theo thông lệ được xem như tác giả trừ khi có bằng chứng ngược lại (trong trường hợp này tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả là một). Theo quy định này một người sáng tạo ra tác phẩm đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm đó. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ nhất định để tác giả và chủ sở hữu là hai chủ thể độc lập và tách biệt. Công ước quy định dành cho pháp luật của các nước thành viên quyết định ai là tác giả của tác phẩm hay là chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả
Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, có thể chia ra một số trường hợp mà trong đó chủ sở hữu quyền tác giả không đồng thời là tác giả tác phẩm như sau:
Tác phẩm được tạo ra theo nhiệm vụ được giao;
Tác phẩm được tạo ra theo một hợp đồng thuê sáng tạo hay hợp đồng dịch vụ;
Tác phẩm được tác giả chuyển giao quyền tác giả cho người khác;
Tác phẩm được tạo ra theo nhiệm vụ được giao: Khi giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả tồn tại mối quan hệ thông qua hợp đồng lao động được ký kết. Việc giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm phải được thể hiện bằng một văn bản cụ thể. Đó có thể là hợp đồng lao động đã được kí kết và trong đó đã chỉ rõ công việc lao động được trả lương chính là công việc tạo ra những sản phẩm cụ thể - được gọi là tác phẩm. Công việc tạo ra tác phẩm nằm trong nhiệm vụ được giao, và tác phẩm được tác giả tạo ra trong thời gian hợp đồng lao động. Cơ sở vật chất kĩ thuật, tài chính hay các điều kiện vật chất khác có thể do bên sử dụng lao động cung cấp hoặc có thể do chính người lao động phải tự trang bị. Điều này tuỳ thuộc vào sự thoả thuận của các bên. Như vậy, một tác phẩm được tạo ra theo nhiệm vụ được giao thì người sáng tạo ra tác phẩm đó vẫn được công nhận là tác giả nhưng chủ sở hữu quyền tác giả lại là cá nhân, cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo cho tác giả.
Tác phẩm được tạo ra thông qua hợp đồng thuê sáng tạo: Theo hợp đồng thuê sáng tạo, tác giả sẽ tạo ra tác phẩm theo yêu cầu của chủ thể phía bên kia và được nhận một khoản tiền thù lao theo mức các bên thoả thuận. Nếu hợp đồng được lập dưới hình thức bằng văn bản và trong đó thoả thuận rõ ai sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả thì sẽ không có gì cần tranh cãi nhưng nếu các bên không có thoả thuận cụ thể về điều này thì ai sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được tạo ra. Thực tế chỉ ra rằng mỗi hệ thống pháp luật khác nhau có cách giải quyết khác nhau. Theo hệ thống pháp luật của Mĩ, một tác phẩm được tạo ra theo hợp đồng thuê sáng tạo và tác phẩm được tạo ra trong phạm vi khuôn khổ của công việc làm thuê thì quyền ưu tiên sẽ dành cho bên thuê sáng tạo. Hay nói cách khác, trong trường hợp này chủ sở hữu quyền tác giả là bên thuê sáng tạo. Theo hệ thống pháp luật của Anh và Pháp thì ngược lại, sự ưu tiên lại thuộc về chính bản thân tác giả. Hệ thống pháp luật Việt nam thừa nhận nguyên tắc người tạo ra tác phẩm trong hợp đồng thuê sáng tạo được ghi nhận là tác giả, còn các quyền tài sản sẽ thuộc về bên thuê sáng tạo hay bên giao việc nếu không có thoả thuận khác.
Tác phẩm được tác giả chuyển giao quyền tác giả. Một trong những quyền của chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm là khai thác tác phẩm theo các cách thức khác nhau. Việc chuyển giao quyền tác giả của chủ sở hữu quyền tác giả thường được tiến hành theo cách thức chuyển nhượng quyền tác giả và chuyển quyền sử dụng quyền tác giả.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả là hợp đồng chuyển giao toàn bộ hay một phần quyền tác giả từ chủ thể này sang chủ thể khác. Quyền tác giả có đặc điểm là quyền tổng hợp. Các quyền này có thể chia thành các phần độc lập theo mục đích chuyển giao quyền tác giả. Chủ sở hữu một tác phẩm văn học dưới dạng tiểu thuyết có thể chuyển giao quyền xuất bản cuốn sách cho một nhà xuất bản hay chuyển giao quyền dịch cuốn sách hoặc chuyển giao quyền chuyển thể tác phẩm sang kịch bản phim điện ảnh… Bên nhận chuyển nhượng quyền tác giả sẽ trở thành chủ sở hữu mới đối với quyền tác giả và toàn quyền khai thác tác phẩm theo sự định đoạt của mình trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.
Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả: đó là việc chủ sở hữu quyền tác giả cho phép người khác được quyền khai thác, sử dụng tác phẩm của mình trong một quãng thời gian nhất định (hay còn gọi là hợp đồng licence quyền tác giả). Nếu bất kì hành vi sử dụng tác phẩm nào mà không có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả đều là các hành vi xâm phạm quyền. Trong thời hạn chuyển quyền sử dụng quyền tác giả bên nhận chuyển quyền không được chuyển quyền lại các quyền tác giả đó cho chủ thể khác nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả.
Hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả độc quyền (có hay không có xác định thời hạn) khác với hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả ở chỗ: Trong hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả bên nhận chuyển nhượng có tư cách là chủ sở hữu quyền tác giả và có quyền chuyển nhượng tiếp các quyền tác giả đối với tác phẩm đó cho bất cứ ai. Trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả thì bên nhận chuyển giao chỉ có tư cách là người có quyền sử dụng tác phẩm và không có quyền chuyển giao lại các quyền tác giả đã nhận cho bất cứ ai, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả.
Ngoài các chủ thể nêu trên còn có một chủ thể đặc biệt nữa của quyền tác giả là Nhà nước. Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả trong những trường hợp tác phẩm khuyết danh, trường hợp tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản hoặc trường hợp tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước.
3. Nội dung của quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh
Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân (Moral rights) và quyền tài sản (Economic rights) (Điều 6 Bis Công ước Berne). Các quyền tài sản cho phép tác giả kiểm soát việc sử dụng tác phẩm của mình theo nhiều cách khác nhau và giả thu lợi bằng cách khai thác trực tiếp hoặc gián tiếp tác phẩm. Pháp luật về quyền tác giả cũng trao cho tác giả “quyền nhân thân” nhằm bảo vệ danh tiếng của tác giả và sự toàn vẹn của tác phẩm. Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, tác phẩm phái sinh cũng được bảo hộ quyền tác giả như tác phẩm gốc, nghĩa là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cũng được hưởng quyền tài sản và quyền nhân thân nhưng với mức độ và phạm vi không giống nhau. Quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh có những điểm đặc thù khi đặt trong mối quan hệ với tác phẩm gốc.
3.1 Quyền nhân thân
Quyền nhân thân là quyền gắn với tên tuổi, uy tín, danh dự của tác giả và mang đến những lợi ích tinh thần cho tác giả. Quyền nhân thân là những quyền mang yếu tố tinh thần phi vật chất, luôn gắn liền với tác giả và không thể chuyển giao được, kể cả khi tác giả đã chết thì quyền này vẫn gắn bó vĩnh viễn với tác giả. Mặc dù, tác phẩm phái sinh được tạo thành dựa trên cơ sở các tác phẩm đã có nhưng nó vẫn thực sự là sự sáng tạo của người tạo ra nó, cho nên tác giả tác phẩm phái sinh vẫn được hưởng các quyền nhân thân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên do nguồn gốc hình thành khác biệt nên quyền nhân thân đối với tác phẩm phái sinh cũng có những khác biệt. Quyền nhân thân được quy định tại Điều 19 Luật sở hữu trí tuệ 2005 bao gồm:
Quyền đặt tên cho tác phẩm: Đối với một tác phẩm nghệ thuật, tên gọi chính là yếu tố dùng để cá thể hóa, giúp công chúng phân biệt giữa tác phẩm này và tác phẩm khác. Ngoài ra tên gọi của tác phẩm còn thể hiện khái quát về chủ đề của tác phẩm, thể hiện dấu ấn cá nhân của tác giả, truyền tải một phần giá trị của tác phẩm tới công chúng. Do đó quyền được đặt tên cho tác phẩm là một quyền nhân thân quan trọng, gắn liền với tác giả. Quyền đặt tên cho tác phẩm được các nhà lập pháp dành cho các chủ thể tác giả (cho dù đồng thời hay không đồng thời là chủ thể chủ sở hữu quyền tác giả). Các quyền này ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự của tác giả, tồn tại một cách độc lập đối với quyền tài sản, gắn liền với tác giả kể cả khi quyền sử dụng định đoạt tác phẩm đã được chuyển giao. Các quyền nhân thân không gắn với tài sản được bảo hộ vô thời hạn, khác với quyền khác được bảo hộ có thời hạn. Tuy nhiên theo điều 20 Nghị định số 22/2018/ NĐ-CP, thì quyền đặt tên cho tác phẩm không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Việc chuyển sang ngôn ngữ, hệ thống ký hiệu khác không có nghĩa là được đặt lại tên tác phẩm gốc. Bởi như đã nói ở trên, tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác là một loại hình tác phẩm phái sinh. Mà một trong số các điều kiện để một tác phẩm được coi là tác phẩm phái sinh đó là không làm phương hại đến tác phẩm gốc. Quy định này của pháp luật là hoàn toàn phù hợp, nhằm mục đích bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc.
Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng (Khoản 2 điều 19 Luật sở hữu trí tuệ 2005). Việc ghi tên trên tác phẩm đã được công bố, không phải là căn cứ làm phát sinh quyền tác giả nhưng có ý nghĩa quan trọng trọng việc xác định chủ thể được hưởng sự bảo hộ quyền tác giả và được khởi kiện những người vi phạm tác phẩm của mình trước Toà án (khoản 1 điều 15 Công ước Berne). Quyền đứng tên tác giả độc lập với quyền tài sản và tác giả cũng có quyền được đòi thừa nhận mình là tác giả của tác phẩm kể cả khi các quyền tài sản đã được chuyển giao (Điều 6 bis Công ước Berne). Trong Công ước toàn cầu về bản quyền (UCC) quy định “tên gọi nguyên tác và tên tác giả của tác phẩm phải được in tại mọi bản của bản dịch được công bố (điều V2.e Công ước UCC).
Quyền công bố tác phẩm hoặc cho người khác công bố tác phẩm:
Công bố tác phẩm không bao gồm việc biểu diễn một tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm tạo hình; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc” (Khoản 2 điều 20 nghị định 22/2018/NĐ-CP). Quy định của pháp luật Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 3 điều 3 Công ước Berne về “tác phẩm đã công bố”.
Theo đó “tác phẩm đã công bố” nếu đáp ứng được 2 điều kiện cần và đủ sau:
- Tác phẩm được phát hành bản sao do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc được sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tácgiả.
- Số lượng bản sao đáp ứng được nhu cầu hợp lý của công chúng tùy theo bản chất của tácphẩm.
Công bố tác phẩm không bao gồm việc trình diễn một tác phẩm sân khấu, nhạc kịch hay hoà tấu, trình chiếu tác phẩm điện ảnh, đọc công khai trước công chúng một tác phẩm văn học, giới thiệu hay đọc trên sóng phát thanh hay công chiếu trên sóng truyền hình một tác phẩm văn học hay nghệ thuật, thực hiện việc tổ chức triển lãm một tác phẩm nghệ thuật hoặc thực hiện việc xây dựng một tác phẩm kiến trúc xây dựng. Vì các hành vi này mang tính chất công bố, phổ biến, truyền đạt tác phẩm không kèm theo bản sao tác phẩm, quy định này phù hợp với quy phạm chuẩn mực quốc tế trong Công ước Berne, Hiệp định TRIPS và các hiệp định của WIPO.
Việc công bố tác phẩm không phải là căn cứ xác lập quyền của tác giả đối với tác phẩm của mình nhưng là tiền đề quan trọng để tác giả, chủ sở hữu thực hiện được các quyền tài sản đối với tác phẩm, làm thay đổi chế độ pháp lý của tác phẩm từ tác phẩm chưa công bố sang tác phẩm đã công bố. Công bố tác phẩm cũng có ý nghĩa xác định thời điểm công bố tác phẩm đó. Thời điểm công bố tác phẩm làm căn cứ tính thời hạn bảo hộ của tác phẩm đối với một số tác phẩm nhất định như: tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh... Hơn nữa, việc công bố quyền tác giả góp phần xác định giới hạn lãnh thổ mà quyền tác giả được bảo hộ bởi phạm vi bảo hộ quyền tác giả mang tính lãnh thổ.
Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là quyền bảo hộ giá trị tổng thể của tác phẩm, theo đó quyền này không cho phép người khác ngoài tác giả sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào xâm hại đến danh dự, uy tín của tác giả. Quyền này xuất phát từ quyền con người. Theo điều Tuyên ngôn nhân quyền Quốc tế 1948, mọi người đều có quyền được bảo vệ các quyền lợi vật chất và tinh thần phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học hay nghệ thuật nào mà người đó là tác giả. Quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm cho phép tác giả ngăn cấm bất kỳ sự can thiệp nào vào tinh thần của tác phẩm, chỉ liên quan đến nội dung tác phẩm chứ không nhắc đến phương thức thể hiện tác phẩm. Tóm lại, nếu người khác sửa đổi bất kỳ một vấn đề gì của tác phẩm mà không có sự đồng ý của chính tác giả làm cho chủ đề, giá trị văn hóa, nghệ thuật, cấu trúc của tác phẩm bị thay đổi so với ý đồ của tác giả thì bị coi là có hành vi xâm phạm quyền tác giả, thiệt hại thực tế của tác giả không phải là yếu tố bắt buộc để xác định sự vi phạm quyền. Tác giả bị xâm phạm quyền tác giả có quyền yêu cầu người đó phải chấm dứt hành vi này và phải bồi thường thiệt hại.
3.2 Quyền tài sản
Bên cạnh quyền nhân thân, chủ thể của quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh cũng được hưởng các quyền tài sản như các tác phẩm khác. Bảo hộ quyền tài sản của tác giả cũng có ý nghĩa rất quan trọng, vì nó đảm bảo cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được những lợi ích kinh tế nhất định, khi tác phẩm được công bố, phổ biến, sử dụng, và bù đắp lại công sức lao động sáng tạo, trí tuệ của tác giả và chống lại những hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Quyền tài sản là độc quyền khai thác hoặc cho người khác khai thác tác phẩm của chủ sở hữu quyền tác giả. Nếu quyền nhân thân đem đến cho tác giả các lợi ích tinh thần thì quyền tài sản mang lại cho tác giả các lợi ích vật chất.
Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ 2005 chủ sở hữu quyền tác giả có các quyền tài sản như: Quyền làm tác phẩm phái sinh; Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Quyền sao chép tác phẩm; Quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; Quyền cho thuê các bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.