Thứ sáu, 04 Tháng 8 2023 03:16

Khái quát về pháp luật bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất hiện nay

1. Khái niệm về pháp luật bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất

Nhà nước thực hiện quyền đại diện sở hữu thông qua việc định đoạt đất đai. Hiến pháp năm 2013 là cơ sở để có cách hiểu chính xác hơn về thu hồi đất: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, cũng như tiếp thu có chọn lọc các ý kiến, quan điểm, khái niệm thu hồi đất được Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau: “Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai”. Hậu quả của thu hồi đất xét về mặt pháp lý cũng giống như việc thu hồi các loại đất khác, nó làm chấm dứt quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng mảnh đất. Như đã phân tích vai trò của đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất, là nguồn sống, là truyền thống của người dân, hệ quả của việc thu hồi đất là rất lớn, đặc biệt là những tác động ảnh hưởng tới đời sống của người nông dân.

Chất lượng pháp luật của một quốc gia luôn phải được đánh giá song hành với việc đảm bảo nguyên tắc an toàn pháp lý, nguyên tắc này cho phép công dân có được dữ liệu tin cậy về tác động pháp lý đặt ra đối với cách hành xử của chủ thể này. Cũng vậy, an toàn pháp lý là một trạng thái phải có của hệ thống pháp luật, vốn luôn cần những thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với sự tiến triển của xã hội, nhằm tạo điều kiện cần thiết cho mỗi cá nhân có thể phát triển trong môi trường pháp lý chắc chắn, yên ổn [48]. Nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất.

Từ những phân tích lí luận trên, có thể đưa ra khái niệm pháp luật về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất như sau: Pháp luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất là tổng hợp các quy phạm pháp luật về điều kiện, trình tự, thủ tục do Nhà nước ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh quá trình Nhà nước bồi thường về đất, tài sản, chi phí đầu tư trên đất khi Nhà nước thu hồi đất nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi.

2. Đặc điểm của pháp luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất

Đặc điểm của pháp luật bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất đất gồm có:

Thứ nhất, Pháp luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất đất chịu sự ảnh hưởng, chi phối bởi hình thức sở hữu toàn dân về đất đai và điều này được minh chứng như sau: (i) Nhà nước có quyền phân bổ, điều chỉnh đất đai cho các mục tiêu kinh tế, xã hội; (ii) cũng chính với vai trò là chủ sở hữu đại diện duy nhất đối với đất đai, nên để tránh sự lạm quyền, độc quyền, tùy tiện trong thu hồi và bồi thường khi thu hồi đất.

Thứ hai, các quy định về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất được ban hành phù hợp với thực tiễn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân thì được họ đồng tình ủng hộ. Các quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đất không phù hợp với thực tế thì sẽ không nhận được sự đồng tình của người dân và phát sinh các tranh chấp và khiếu kiện kéo dài tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội. Bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất không chỉ dựa trên những thiệt hại vật chất thực tế mà không tính đến hậu quả lâu dài mà người dân phải gánh chịu. Điều đó gây ra tình trạng gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng.

Thứ ba, pháp luật về bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất, đây là một hình thức thực hiện pháp luật mà trong đó các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình, thực hiện những hành vi mà pháp luật cho phép. Hình thức này khác với hình thức tuân thủ pháp luật và thi hành pháp luật ở chỗ: Chủ thể có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền được pháp luật cho phép, không bị ép buộc thực hiện. Ví dụ: Người bị thu hồi đất có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền được khiếu nại, tố cáo của mình trong quá trình bồi thường thiệt hại theo quy định của luật.

Thứ tư, pháp luật quy định các trình tự, thủ tục thu hồi và phương thức giải quyết hậu quả do việc thu hồi đất gây ra. Để bảo đảm hạn chế thấp nhất việc khiếu kiện, gây khó khăn khi Nhà nước thu hồi đất.

3. Các trường hợp phải bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất

Theo pháp luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thì khi tiến hành thu hồi đất, mà gây thiệt hại cho người sở hữu tài sản gắn liền với đất và quyền sử dụng đất hợp pháp thì sẽ phải thực hiện việc bồi thường. Theo đó, những trường hợp thu hồi đất này bao gồm:

Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh

Đối với trường hợp này, Nhà nước thu hồi đất để phục vụ cho việc: làm nơi đóng quân, trụ sở làm việc; Xây dựng căn cứ quân sự; Xây dựng công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh; Xây dựng ga, cảng quân sự; Xây dựng công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh; Xây dựng kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân.

Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước sẽ thực hiện việc thu hồi đất nhằm thực hiện các dự án như: Dự án xây dựng khu công nghiệp, chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); Dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương; trụ sở của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp quốc gia, cấp địa phương; Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin liên lạc, chiếu sáng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải; …

4. Nội dung pháp luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất

Hệ thống các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất gồm: Luật đất đai và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất Đai; Các Nghị định về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất; Các thông tư của Bộ Tài nguyên, Bộ tài chính, thông tư liên Bộ... về hướng dẫn chi tiết trình tự bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất. Có thể kể đến các văn bản như:

- Luật Đất Đai được Quốc hội thông qua năm 2013

- Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước THĐ cụ thể hóa chính sách bồi thường, hỗ trợ trên cơ sở Luật Đất đai 2013

- Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất Đai 2013

- Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về giá đất

- Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền sử dụng đất Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước

- Nghị định số 148/ NĐ-CP ngày 18/12/2020 có hiệu lực thi hành 18/12/2021 về sửa đổi bố sung một số điều của nghị đinh hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013.

- Nghị quyết số 43/NQ-CP của chính phủ ban hành ngày 06/06/2014 quy định về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh.

Trên cơ sở đó Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành một số văn bản như: Thông tư số 37/TT-BTNMT và Thông tư số 36/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và phương pháp xác định giá đất; Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/05/2014 quy định về bản đồ địa chính; Thông tư số 20/2014/TT-BTNMT ngày 02/06/2014 quy định về hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

Bộ Tài chính cũng có các văn bản: Thông tư số 76/2014/TT-BTC ngày 16/06/2014 quy định về việc hướng dẫn một số điều của nghị định số 45/2014/NĐ- CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ quy định về thu tiền sử dụng đất; Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16/06/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn một số điều của nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Các nội dung cơ bản của pháp luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất được khái quát như sau:

Thứ nhất, bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất

- Khi Nhà nước thu hồi đất, nếu người sử dụng đất đủ điều kiện được bồi thường về đất theo quy định của Luật đất đai thì phải được bồi thường. Theo đó, Điều 75 Luật Đất đai 2013 đã quy định chi tiết, cụ thể các điều kiện để được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

- Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp không được bồi thường về đất bao gồm: đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức pháp luật quy định; đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất; đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê, trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn; đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

- Việc bồi thường được căn cứ vào giá thị trường. Điều này là cơ sở để bảo đảm lợi ích cho người có đất bị thu hồi, để họ thấy việc bồi thường là thỏa đáng và tự nguyện trả lại đất được giao. Đối với trường hợp bồi thường về đất, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất” (Khoản 2 Điều 74). Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 cũng quy định: “Chi phí đầu tư vào đất còn lại được tính phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất”.

- Nhà nước phải đảm bảo thực hiện việc bồi thường một cách công khai, minh bạch, dân chủ, kịp thời và đúng quy định pháp luật. Đây là nguyên tắc cơ bản để thực hiện tốt việc áp dụng, nâng cao hiệu quả thực thi của pháp luật. Chính vì vậy, Luật Đất đai năm 2013 đã khẳng định lại nguyên tắc này cả ở hai Điều luật về nguyên tắc bồi thường về đất và nguyên tắc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất: “Việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước THĐ phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật” (Khoản 3 Điều 75); “Việc hỗ trợ phải bảo đảm khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật” (Điểm b, Khoản 1 Điều 83).

- Đối với chính sách bồi thường về đất thì phải ưu tiên thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với đất thu hồi. Trong trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

- Ngoài bồi thường về đất thu hồi, còn được bồi thường các chi phí đã đầu tư vào đất.

Thứ hai, bồi thường về nhà, công trình trên khi Nhà nước thu hồi đất

Hiện nay, quy định về bồi thường nhà ở khi nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo các quy định pháp luật, cụ thể như sau:

Theo Điều 89 Luật Đất đai năm 2013, khi Nhà nước thu hồi đất, tiền bồi thường về nhà ở và công trình khác gắn liền với đất được tính theo từng trường hợp cụ thể:

- Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ toàn bộ hoặc một phần mà phần còn lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương. Trường hợp phần còn lại của nhà ở, công trình vẫn bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì bồi thường theo thiệt hại thực tế.

- Đối với công nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất không thuộc trường hợp trên thì được quy định tại Điều 9 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014. Theo đó, mức bồi thường nhà, công trình bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình đó.

- Đối với nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần mà phần còn lại không còn sử dụng được thì bồi thường cho toàn bộ nhà, công trình (phần còn lại không sử dụng được có thể do diện tích nhỏ quá hoặc không phù hợp với thực tế sử dụng). Trường hợp nhà, công trình xây dựng khác bị phá dỡ một phần, nhưng vẫn tồn tại và sử dụng được phần còn lại thì bồi thường phần giá trị công trình bị phá dỡ và chi phí để sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương của nhà, công trình trước khi bị phá dỡ.

- Đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành ban hành thì UBND cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Thứ ba, bồi thường về cây trồng, vật nuôi khi nhà nước thu hồi đất

- Đối với bồi thường về cây trồng

Theo khoản 1 Điều 90 Luật Đất đai năm 2013 khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường được tính như sau:

+ Cây trồng hàng năm: Mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Theo đó, giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất.

+ Cây trồng lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất;

+ Cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến nơi khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại;

+ Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây.

- Đối với bồi thường về vật nuôi là thủy sản

Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản thì việc bồi thường được tính như sau:

+ Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không được bồi thường

+ Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra; mức bồi thường cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Thứ tư, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất

Bên cạnh quy định về bồi thường thì quy định về hỗ trợ của Nhà nước khi di chuyển đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở phải di chuyển đến nơi ở mới (khu tái định cư) thì được hỗ trợ về tiền để di chuyển đồ dùng gia đình, hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm trong thời gian xây nhà mới tại khu tái định cư; Quy định hỗ trợ ổn định đời sống; Quy định chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với trường hợp nhà nước thu hồi đất, đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất nuôi trồng thuỷ sản thì áp dụng các hình thức chuyển nghề như: đào tạo nghề, hỗ trợ bằng đất sản xuất kinh doanh như xây kiốt để bán hàng, hỗ trợ bằng đất ở kết hợp với sản xuất kinh doanh; Quy định hỗ trợ đối với đất công ích của xã, phường, thị trấn; quy định về hỗ trợ tiền đất tái định cư đối với trường hợp người bị thu hồi đất không đủ tài chính để lựa chọn đất tại khu tái định cư; Quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự tìm đất tái định cư (không vào khu tái định cư tập trung do nhà nước xây dựng).

Điểm rất cần lưu ý trong phần nội dung hỗ trợ là quy định về "Hỗ trợ khác". Tức là ngoài những quy định hỗ trợ kể trên, căn cứ tình hình thực tế chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định "hỗ trợ khác" cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Nội dung này được coi là điểm nút để tháo gỡ ách tắc trong công tác bồi thường hỗ trợ nhằm ổn định đời sống và sản xuất cho người dân bị thu hồi đất.

Thứ năm, thực hiện công tác tái định cư

Đối với các trường hợp lấy đất nhiều, diện tích lớn, ảnh hưởng đến số đông người dân, Nhà nước cần tiến hành thực hiện tái định cư.

Để xây dựng các khu tái định cư, phải được lập dự án theo trình tự về đầu tư xây dựng. Khi bố trí tái định cư phải đảm bảo ưu tiên những hộ gia đình tình nguyện chấp hành, hộ gia đình chính sách và phải được thực hiện công khai, dân chủ đối với người bị thu hồi đất và có được tham gia, lựa chọn, nghiêm cấm áp đặt tái định cư theo ý chí chủ quan. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi.

Điều kiện bắt buộc khi xây khu tái định cư là phải đa dạng về diện tích và kích thước cũng như đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Dự án tái định cư được lập và phê duyệt độc lập với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng phải bảo đảm có đất ở, nhà ở tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất. Khu tái định cư được lập cho một hoặc nhiều dự án; nhà ở, đất ở trong khu tái định cư được bố trí theo nhiều cấp nhà, nhiều mức diện tích khác nhau phù hợp với các mức bồi thường và khả năng chi trả của người được tái định cư. Đối với dự án khu tái định cư tập trung có phân kỳ xây dựng theo các dự án thành phần thì tiến độ thu hồi đất và hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư được thực hiện theo tiến độ của từng dự án thành phần nhưng các công trình cơ sở hạ tầng của từng dự án thành phần trong khu tái định cư phải bảo đảm kết nối theo đúng quy hoạch chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra cần lưu ý, đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình (cố tình xây dựng, cây trồng,vật nuôi trên đất...) thì không được bồi thường tài sản gắn liền với đất. Người sử dụng đất được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất mà chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật thì khi tính bồi thường phải trừ đi khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính để hoàn trả ngân sách nhà nước

Thứ sáu, bồi thường thiệt hại tài sản, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất

Nhà nước phải bồi thường khi thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản. Ngoài các bồi thường về đất, hỗ trợ tái định cư, Nhà nước còn phải bồi thường thêm các thiệt hại mà hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, có thể thấy rằng, Luật Đất đai nói chung và các quy định về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất nói riêng đã có một quá trình hình thành và phát triển. Theo đó, các quy định về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất đã không ngừng được xây dựng, phát triển và hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Mặc dù Luật Đất đai 2013 từ khi có hiệu lực thi hành đã cho thấy được sự hoàn thiện và có tính áp dụng thực tế cao hơn so với Luật Đất đai 2003 và đang đáp ứng rất tốt các yêu cầu của thực tế khách quan. Tuy nhiên, các quan hệ xã hội hiện nay không ngừng vận động và thay đổi một cách nhanh chóng, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước đổi mới như hiện nay thì việc tiếp tục xây dựng, đổi mới các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực này phải thường xuyên được tiến hành, nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể giúp cho đội ngũ thi hành áp dụng một cách hiệu quả.

Sửa đổi lần cuối Thứ sáu, 15 Tháng 9 2023 08:52

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành