Thứ năm, 10 Tháng 8 2023 02:11

Phân tích giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và liên kết khu vực ASEAN

1. Hoàn thiện các quy định pháp luật dân sự - thương mại về thương mại điện tử theo hướng hội nhập pháp luật

Trên thế giới, chỉ tính riêng trong năm 2018 giá trị giao dịch qua thương mại điện tử là 2.842 tỉ USD với 1,8 tỉ người tham gia mua hàng trên mạng internet. Tại các nước ASEAN, con số đó là 240 tỉ ước tính vào năm 2025. Việt Nam là nước có quy mô giá trị của thương mại điện tử xếp thứ 6 trên thế giới với tổng giá trị giao dịch là 2,26 tỉ USD bao gồm 35,4 triệu người dùng vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 40 triệu người dùng vào năm 2021.

Sự phổ cập của Internet, mạng 3G, 4G và 5G và các thiết bị di động là điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cuộc cạnh tranh thị phần thương mại điện tử với nhiều chiến lược kinh doanh mới, trong đó kinh doanh trên ứng dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội là rất phát triển. Bằng chứng là Google hiện nay đã trở thành thành viên của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Amazon và Rakuten, một số doang nghiệp Thái Lan, Hàn Quốc đang xúc tiến thiết lập quan hệ đối tác, mua cổ phần tại các hãng thương mại điện tử Việt Nam. Trong nước, một số công ty đã nổi lên như Vật giá, VC Corp, Chợ điện tử (Peacesoft), Mekongcom v.v... Việt Nam đã thực hiện sự hợp tác đa phương trong phát triển thương mại điện tử trong khuôn khổ APEC, ASEAN và với Ủy ban của LHQ về Luật Thương mại Quốc tế UNCTTRAL. Năm 2008 Trung tâm phát triển Thương mại điện tử Việt Nam (Ecom Viet) đã trở thành thành viên chính thức của Liên minh các tổ chức cấp chứng nhận website thương mại điện tử uy tín châu Á - Thái Bình Dương - ATA.

Nếu như việc ban hành Luật Giao dịch điện từ đã đưa vấn đề giao dịch điện tử lên mức độ điều chỉnh cao thì lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam cho đến nay vẫn đang được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật: Nghị định số 52/NĐ-Cp ngày 16/05/2013 về Thương mại điện tử và các thông tư của Bộ Công thương như Thông tư số 47/2014 – TT-BCT ngày 5/12/2014 về quản lý website thương mại điện tử và Thông tư số 21/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 47 nêu trên. Các văn bản pháp luật này đã lần lượt xác định nội hàm một số khái niệm pháp lý quan trọng mà trước hết là khái niệm “thương mại điện tử”, “chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại”, “hệ thống thông tin tự động”, “người khởi tạo chứng từ điện tử”, “người nhận chứng từ điện tử”, “sàn giao dịch thương mại điện tử”, “website thương mại điện tử”, v.v… Qua đó, thấy rõ một nhu cầu ban hành Luật về thương mại điện tử nhằm điều chỉnh một cách nhất quán và ở mức độ cao hơn các vấn đề hoạt động thương mại điện tử. Việc ban hành văn bản pháp luật như vậy hoàn toàn tương xứng với mức độ phát triển của một lĩnh vực đã trở nên phổ biến trong đời sống xã hội nước ta khi mà các con số đã cho thấy rõ hình hài một lĩnh vực kinh tế được gọi là “kinh tế số” hoặc “kinh tế điện tử”. Về tính chất, nền kinh tế điện tử, thương mại điện tử bản thân nó là phi biên giới. Bởi vậy mà người ta còn gọi đó là thương mại từ xa (distancing trade). Do đó, các quy định pháp luật nhất thiết phải bảo đảm phù hợp tối đa với các quy chuẩn pháp lý quốc tế. Chính vì vậy, ngoài việc bảo đảm phù hợp với Hiệp định của ASEAN năm 2018 về thương mại điện tử (The ASEAN Agreement on E-Commerce), việc gia nhập Công ước của LHQ năm 2007 về sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch quốc tế (United Nation Convention on the Use of Electronic Communication in International Contracts) là hết sức cần thiết. Việc gia nhập Công ước này cũng nhằm bảo đảm thống nhất sử dụng pháp luật trong các giao dịch, tránh được những khó khăn, rào cản khi ký kết, thực hiện và giải quyết tranh chấp trong các hợp đồng thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài bởi phải sử dụng quy phạm pháp luật xung đột và án lệ của nước ngoài vốn là điều nan giải cho cá nhân, tổ chức và cơ quan trong nước. Điều này trước hết liên quan đến sự điều chỉnh pháp luật thống nhất và áp dụng nhất quán các quy chuẩn pháp luật quốc tế và khu vực đối với các vấn đề như hệ thống thống nhất xác nhận chữ ký điện tử; áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với các giao dịch điện tử quốc tế v.v…

Thực tiễn điều chỉnh pháp luật, nhất là trong lĩnh vực pháp luật tư, đã cho thấy vai trò không chỉ của các văn bản pháp luật mà cả vai trò không thể thiếu của các quy tắc mẫu. Trong thương mại điện tử thì đây là vấn đề về bộ quy tắc cho các bên trong quan hệ pháp luật về thương mại điện tử: người khởi tạo, người nhận chứng từ điện tử, các tổ chức cung cấp nền tảng công nghệ cho các giao dịch điện tử, thương nhân hoặc tổ chức có website thương mại điện tử và cung cấp các giao dịch như sàn giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ khuyến mãi trực tuyến, dịch vụ đấu giá trực tuyến. Kinh nghiệm của EU trong việc sử dụng các luật mẫu như vậy cho thấy rằng, luật mẫu, so với quy định của văn bản pháp luật của Nhà nước, dễ dàng và nhanh chóng phù hợp với sự thay đổi rất nhanh chóng của các phương tiện công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay và phương pháp điều chỉnh pháp luật “từ dưới lên” kiểu này là hoàn toàn cần thiết.

2. Hoàn thiện pháp luật về an ninh con người, về lao động, việc làm

Trong một chương trình đặc biệt về phát triển của Liên hợp quốc mang tên “Toàn cầu hóa với gương mặt con người” đã có nhận định như sau:

Trong thiên niên kỷ mới thách thức của toàn cầu hóa không phải là ở việc làm thế nào để ngăn chặn các thị trường toàn cầu mà thách thức nằm ở chỗ, làm thế nào để tìm cho được các quy tắc và các định chế quản lý một cách có hiệu quả hơn trên phạm vi địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm bảo đảm các khả năng vượt trội của các thị trường toàn cầu, đồng thời tạo ra được một không gian cấu thành để ở đó các nguồn lực con người, nguồn lực của cộng đồng và nguồn lực tự nhiên được sử dụng không chỉ vì lợi nhuận mà cả vì con người.

Các lĩnh vực pháp luật về lao động, việc làm, về an sinh xã hội, về giáo dục, y tế cũng đang đòi hỏi tiếp tục đổi mới theo hướng bảo đảm sự tiếp cận và sử dụng công bằng những thành quả của phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong lĩnh vực lao động, việc làm, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động thuộc các loại hình lao động khác nhau đang được đặt ra một cách bức xúc bởi thị trường lao động đang ngày càng đa dạng và phức tạp, không thuần nhất như trước đây. Tổ chức lao động thế giới (ILO) đã đưa ra khái niệm về “lao động phi truyền thống” (“Non - standard employment”) trong đó bao gồm lao động tạm thời (temporary employment), lao động tự do phụ thuộc (dependent self-employment), lao động trá hình - “lao động chui” (disguised employment), lao động theo dự án hoặc theo công việc nhất thời (project or task based work), lao động mùa vụ (seasonal work) và lao động thuê việc nhất định (casual work). Rõ ràng là những loại hình lao động đó đều cần được sự bảo vệ của pháp luật bình đẳng như nhau vì họ đều là những người lao động, tuy nhiên, đa số trong các loại hình lao động này vẫn đang nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật về lao động và việc làm, nằm ngoài phạm vi những yêu cầu về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thời gian và trả công lao động, chưa kể đến việc giải quyết tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động. Trong phạm vi rộng hơn, quá trình toàn cầu hóa còn được đặc trưng bởi hiện tượng di chuyển lao động quốc tế khu vực và toàn cầu với tất cả các dạng thức lao động như vừa nêu ở trên. Ở Việt Nam, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại thời điểm giữa năm 2018 đang có khoảng 500 ngàn người Việt Nam lao động tại 40 quốc gia, có 345 doanh nghiệp Việt Nam chuyên về xuất khẩu lao động. Cùng với con số đó là con số về người bị thiệt mạng trong quá trình lao động ở nước ngoài. Chẳng hạn, chỉ tính riêng tại Malaysia trong một thời gian trước đây, từ tháng 4/2002 đến đầu năm 2008 đã có hơn 300 người lao động Việt Nam chết khi lao động ở đó. Tại nhiều nước, lao động Việt Nam bị bóc lột thậm tệ, rơi vào cảnh “nô lệ lao động”. Bên cạnh những người đi xuất khẩu lao động theo con đường “chính ngạch”, tức là theo diện quản lý của Nhà nước, còn có một số lượng rất lớn đi theo hình thức “tự đi” hay còn gọi là lao động “chui”. Khu vực châu Âu hàng năm có khoảng 18 ngàn lao động bất hợp pháp này từ Việt Nam thông qua các đường dây đưa người trái phép. Vụ việc 39 người Việt bị thiệt mạng tại Vương quốc Anh tháng 10/2019 là một ví dụ.

Tình hình đó đã đặt ra những vấn đề mới đối với pháp luật về lao động, bởi Bộ luật Lao động hiện hành và các văn bản dưới luật còn bỏ ngỏ những vấn đề ngày càng bức xúc này. Chằng hạn, Điều 8 của Bộ luật Lao động năm 2015 xác định về “các hành vi bị nghiêm cấm” thì trong số 8 hành vi được nêu đã không có các hành vi như thực tế vừa xảy ra ở trên. Cả Bộ luật chỉ có một điều duy nhất (Điều 168) nói về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và hết sức chung chung.

Về vấn đề về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 của Tổ chức Lao động thế giới ngày 05/7/2019, Việt Nam là quốc gia thành viên thứ 167 của Công ước này. Việc tham gia Công ước là một biểu hiện rõ rệt nhất của sự hội nhập quốc tế về pháp luật trong thời đại toàn cầu hóa. Tuy nhiên, bảo đảm sự phù hợp giữa những cam kết quốc tế này với Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, cũng như sự chuyển biến trong nhận thức và thực tiễn là vấn đề tiếp theo bởi đối với Việt Nam, Công ước 98 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 05/7/2020.

Ba hợp phần cơ bản trong nội dung của Công ước 98 sẽ là ba điểm mấu chốt cần cho việc bổ sung, sửa đổi hai đạo luật nêu trên, đó là: i) bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn; ii) bảo vệ công đoàn không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động; iii) những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện. Mặt khác, bản thân khái niệm thương lượng tập thể cũng chưa được xác định rõ trong Bộ luật Lao động hiện hành: về đối tượng (nội dung) thương lượng tập thể; chủ thể (các bên tham gia) thương lượng tập thể; mục đích của thương lượng tập thể, các nguyên tắc thương lượng tập thể. Quy định của Bộ luật Lao động hiện hành (mục 2, chương V Bộ luật Lao động) xác định mục đích thương lượng tập thể là để “xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, phòng ngừa tranh chấp lao động, đình công” là chưa phù hợp với yêu cầu cơ bản của Công ước 98 và của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bởi theo các văn kiện này, thương lượng tập thể được hiểu là tất cả các cuộc đàm phán diễn ra giữa một bên là người sử dụng lao động, một nhóm người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động với một bên là một hay nhiều tổ chức của người lao động nhằm: a) xác lập các điều kiện lao động và điều khoản sử dụng lao động; b) điều chỉnh mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động; c) điều chỉnh mối quan hệ giữa người sử dụng lao động hoặc tổ chức của họ với một tổ chức của người lao động hay nhiều tổ chức của người lao động.

Gắn liền với Công ước 98 của Tổ chức Lao động thế giới là Công ước số 87 của tổ chức này. Đây là công ước về quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được tổ chức (Freedom of Association and Protection of Rights to Organise Convention). Việc gia nhập công ước này đã được xác định trong kế hoạch lập pháp của Nhà nước Việt Nam. Sự liên quan của hai Công ước 87 và 98 bắt nguồn từ chỗ nội dung của các công ước đó là hai hợp phần không thể tách rời của Tuyên bố của ILO năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động như đã nêu ở trên. Bản thân nội dung cơ bản của tuyên bố này cũng đã được đưa vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và là nền tảng bảo đảm toàn cầu hóa công bằng.

Công ước 87 của ILO bao hàm một loạt nội dung mà việc gia nhập công ước sẽ đặt ra đối với việc sửa đổi Luật Công đoàn, cũng như tổ chức hệ thống các công đoàn ở Việt Nam một cách căn bản. Nội dung đó bao gồm một hệ thống các vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau như: xác định lại chủ thể quyền hiệp hội, nội dung của quyền lập hội: cá nhân, tổ chức, liên kết, tính đa dạng, tự do chuyển đổi từ tổ chức này sang tổ chức khác; quyền không bị phân biệt đối xử vì lý do gia nhập công đoàn hay thay đổi tổ chức; quyền được bảo vệ khỏi sự can thiệp; các hành vi can thiệp.

Như vậy, lĩnh vực lao động và công đoàn, việc tham gia các Công ước 98 và 87, và trên cơ sở đó, bổ sung, sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn đang là vấn đề có tầm ảnh hưởng quan trọng đến việc bảo vệ người lao động trước thách thức của hội nhập và toàn cầu hóa. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đang đặt ra định hướng để Việt Nam ký kết, gia nhập Công ước 87 năm 1948 của ILO “Về quyền tự do hiệp hội và bảo vệ quyền tổ chức”. Thành lập, bảo đảm hoạt động và phát triển các tổ chức công đoàn đại diện cho tập thể người lao động không chỉ trong việc chăm lo đời sống người lao động mà trên hết là trong việc đại diện cho các lợi ích kinh tế, xã hội của người lao động, có vị trí độc lập trong việc đối thoại với giới chủ và với Nhà nước đang là những vấn đề chính của quá trình hoàn thiện pháp luật lao động hiện nay ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, y tế, cuộc đấu tranh chống tệ nạn bằng cấp giả, thuốc giả, thực phẩm không an toàn, lạm dụng niềm tin tôn giáo v.v… cần được bảo đảm bằng pháp luật nhằm duy trì công bằng và đạo đức xã hội như là yếu tố không thể thiếu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Những vụ việc gian lận điểm thi xẩy ra ở một số địa phương cho thấy rằng, yêu cầu về công bằng xã hội luôn có nguy cơ bị coi thường và xâm phạm bởi những học sinh được nâng điểm một cách gian dối đã loại trừ hằng trăm học sinh khác ra khỏi cơ hội học tập. Tương tự như vậy, tình trạng gian dối trong việc lập danh sách để hưởng chính sách người có công, được tặng thưởng huân chương, công nhận gia đình liệt sĩ, công nhận thương binh, nạn nhân chất độc da cam v.v… không chỉ là những hiện tượng cần bị lên án mà trước hết là cần phải được ngăn chặn bằng các giải pháp điều chỉnh pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật kịp thời bảo đảm công bằng xã hội.

3. Các lĩnh vực luật hiến pháp, luật hành chính - công vụ

Từ sự khẳng định, công bằng, công lý và quyền con người là những giá trị có tính toàn cầu cũng như của Cộng đồng ASEAN, những giá trị cần được bảo đảm và bảo vệ trước tác động của toàn cầu hóa, vì vậy, những giá trị này sẽ vẫn tiếp tục là mục tiêu hướng tới của các chế định và quy phạm pháp luật thuộc các ngành luật quan trọng như luật hiến pháp, luật hành chính, pháp luật về quản lý và sử dụng các nguồn lực quốc gia.

Trước hết, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới luật bầu cử nhằm khẳng định trên thực tế tư tưởng về chủ quyền nhân dân, cũng như tư tưởng về công bằng xã hội, các quyền tự do đã được hiến định.

Bầu cử luôn luôn là chế định dân chủ quan trọng và cốt lõi đối với việc bảo đảm công bằng lợi ích và đồng thuận xã hội. Ý nghĩa của bầu cử tự do và công bằng trong tư tưởng pháp quyền là ở chỗ các cơ quan do nhân dân bầu ra phải đại diện cho lợi ích, ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Thông qua bầu cử, các lợi ích xã hội, các khuynh hướng và quan điểm chính trị được bộc lộ và cọ xát lẫn nhau, được phản ánh và tiếp nhận vào trong các chính sách và pháp luật do cơ quan đại diện của nhân dân làm ra và thực hiện.

Nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc trụ cột của chế độ bầu cử ở Việt Nam. Bởi lẽ, sự tham gia đông đảo, tính phổ quát (phổ thông) của bầu cử chưa thể hiện hết được tính dân chủ của chế độ bầu cử. Ở nghĩa rộng, bình đẳng trong bầu cử là sự bảo đảm những điều kiện như nhau cho quá trình bầu cử, chẳng hạn như các điều kiện của cử tri, các đảng chính trị, của các phương tiện tuyên truyền, vận động tranh cử, tài trợ cho vận động bầu cử... Ở nghĩa hẹp, bình đẳng trong bầu cử là nội dung của quyền bình đẳng của các cử tri. Quyền này bao gồm hai nội dung. Nội dung thứ nhất thể hiện nguyên lý: một cử tri có một lá phiếu và không lá phiếu nào có giá trị vượt trội về định tính và định lượng so với các lá phiếu khác. Nội dung thứ hai là yêu cầu về “sức nặng” của tính đại diện: người được bầu làm đại diện phải đại diện cho một số lượng cử tri như nhau, tức là sự bình đẳng trong tỷ lệ đại diện trên số cử tri.

Ở nghĩa đó, chế độ bầu cử theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hiện hành theo đơn vị bầu cử cần được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi.

Nguyên tắc tự do trong bầu cử ở Việt Nam đã từng được hiến định trong Hiến pháp năm 1946 (Điều thứ 17). Nguyên tắc này có mục đích làm cho ý chí của cử tri được phản ánh xác thực, trực tiếp tác động đến kết quả của sự lựa chọn đại biểu. Theo hướng này, cơ chế bầu cử hiện hành thông qua chế độ hiệp thương, bên cạnh những ưu điểm của nó là bảo đảm hài hòa lợi ích vùng miền, cơ cấu thành phần đại diện ... cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, cần được đổi mới.

Vì vậy, pháp luật về bầu cử cần được đổi mới theo hướng trở lại với nguyên tắc tự do của Hiến pháp năm 1946 (Điều 17) trong việc lựa chọn đại biểu cho nhân dân, khắc phục bất cập và thiếu bình đẳng trong việc thiết kế các đơn vị bầu cử của lá phiếu cử tri, khắc phục sự bất cập của cơ chế hiệp thương “nặng về khâu cử, nhẹ về khâu bầu” theo hướng coi trọng khả năng bầu cử trực tiếp của cử tri. Những thay đổi này là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia dân chủ trên thế giới đề cao khả năng tham gia của người dân vào quản trị đất nước. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 đã ghi rõ: “mọi người đều có quyền và cơ hội tham gia điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp và gián tiếp” (Điều 25). Hiến chương châu Âu năm 1985 về tự quản địa phương, khi xác định nội hàm của chế độ tự quản địa phương đã coi tiêu chí dân chủ trực tiếp này là tiêu chí bắt buộc, theo đó, quyền quản trị địa phương “được thực hiện bởi các Hội đồng hoặc Hội nghị được xác lập thông qua bầu cử phổ thông tự do, bỏ phiếu kín, trực tiếp và bình đẳng” (Điều 3 Hiến chương).

Cũng như đối với chế định bầu cử, các chế định trưng cầu ý dân, bãi nhiệm đại biểu dân cử là những chế định về các quyền và tự do về chính trị đã có những bước tiến mới trong thời gian qua. Cụ thể là, sau 5 lần được hiến định (Điều thứ 21 Hiến pháp năm 1946, Điều 53 Hiến pháp năm 1959, Điều 100 Hiến pháp năm 1980, Điều 91 Hiến pháp năm 1992, Điều 29 và Điều 74 Hiến pháp năm 2013) lần đầu tiên vào năm 2015 Luật Trưng cầu ý dân đã được ban hành. Mặc dù vậy, có hai vấn đề nổi lên ở đây, trong đó có vấn đề về thực hiện luật và một vấn đề về phạm vi điều chỉnh của pháp luật. Thứ nhất, nhiều năm qua chưa có một cuộc trưng cầu ý dân nào được tổ chức trên thực tế. Điều đó phải chăng là chưa có nhu cầu thực tế ở nước ta trong việc bảo đảm để nhân dân trực tiếp quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Thứ hai, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 chỉ quy định một phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân là tổ chức trong phạm vi cả nước (Điều 7 Luật Trưng cầu ý dân), trong khi đó, phải chăng những vấn đề quan trọng và bức xúc về phát triển kinh tế - xã hội không tồn tại ở các địa phương? Một vấn đề khác cần được chú ý ở đây là, trong khi Hiến pháp năm 2013 không hạn chế mức độ của tầm quan trọng của vấn đề trưng cầu ý dân, thì Luật Trưng cầu ý dân chỉ hạn chế việc tổ chức trưng cầu về những vấn đề “đặc biệt quan trọng” (Điều 6) và bản thân Điều 6 này cũng mâu thuẫn với chính quy định tại Điều 3 của Luật này khi điều này giải thích về khái niệm trưng cầu ý dân. Có ý kiến cho rằng sự thu hẹp khả năng tổ chức trưng cầu ý dân theo các Điều 6 và 7 của Luật Trưng cầu ý dân năm 2015 là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

Trong lĩnh vực hành chính và công vụ thì bảo đảm quyền tiếp cận công vụ là điều kiện cần thiết đối với việc bảo đảm công bằng và quyền chính trị quan trọng của công dân, thực hiện yêu cầu về quản trị tốt. Hiến pháp quy định “công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội” (Điều 28). Từ nội dung của quyền công dân quan trọng này, nền công vụ của nước ta phải tạo ra những kênh bình đẳng, minh bạch để thu hút các nhà quản trị thực sự là công bộc của dân; mặt khác, phải có những khả năng để liên kết với xã hội, người dân, doanh nghiệp nhằm tiếp nhận và xử lý yêu cầu, đòi hỏi, xử lý nhanh chóng các bức xúc của xã hội. Những sự cố môi trường như thảm họa do công ty thép Formosa gây ra ở Hà Tĩnh, các sự cố gần đây nhất gây ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho thành phố Hà Nội của công ty nước sạch Sông Đà, vụ cháy tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông, sự cố “bức tử” Sông Hậu năm 2016 do hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty Giấy Lee Man Việt Nam gây ra, v.v… cũng như những vấn đề về quản lý xuất khẩu lao động tự do là những minh chứng cho thấy sự yếu kém của bộ máy công vụ và của đội ngũ công chức mà chắc chắn rằng, một trong những nguyên nhân của nó là sự thiếu công bằng và minh bạch trong các quy định pháp luật về tiếp cận công vụ, trong thực hiện pháp luật về công vụ, công chức. Vì lẽ đó, các chế định pháp luật về công vụ hành chính ở nước ta cần được nghiên cứu để đổi mới theo những hướng như: thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình (giải trình trực tiếp với nhân dân, trước cơ quan dân cử; giải trình trong chính hệ thống công vụ theo các kênh như thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm toán; giải trình trong sử dụng ngân sách vốn và tài sản nhà nước; giải trình theo chiều dọc giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và chính quyền địa phương v.v…); quy định mối quan hệ bình đẳng về pháp lý giữa chính quyền hành chính các cấp theo chức năng và nhiệm vụ được Hiến pháp và luật quy định đồng thời với quy định khả năng áp dụng cơ chế tư pháp trong giải quyết tranh chấp công vụ, trong xử phạt hành chính, hoàn thiện thủ tục tố tụng hành chính hiện nay.

Cần hoàn thiện pháp luật, bảo đảm công bằng và hiệu quả trong tiếp cận và  sử dụng các nguồn lực của đất nước. Tư tưởng công bằng của chế độ pháp quyền đặt ra trong bối cảnh hiện nay ở nước ta sẽ có giá trị và ý nghĩa cho việc bảo đảm sự công bằng trong việc tiếp cận và sử dụng các nguồn lực của quốc gia. Theo những con số của 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm hơn 500 vụ khiếu kiện kéo dài về tranh chấp đất đai, trong số đó có khiếu kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng, dự án thu hồi đất có 250 vụ chiếm 50%, tranh chấp đất đai hơn 150 vụ, đòi lại đất cũ có gần 100 vụ, khiếu kiện về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi giấy phép có hơn 30 vụ. Có những vụ việc kéo dài 20 năm, đã qua nhiều cấp, nhiều bộ, ban, ngành của Đảng và Nhà nước. Các khiếu nại, tố cáo chủ yếu là về các quyết định hành chính về thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất, cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Những con số và tình hình về quản lý và sử dụng đất đai với tính cách là nguồn lực quan trọng hàng đầu của đất nước cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm tính công bằng, minh bạch của pháp luật quản lý nguồn tài nguyên đất đai. Tình hình tương tự cũng có thể thấy trong các lĩnh vực khác, thuộc phạm vi của quản lý nhà nước, chẳng hạn như trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, một lĩnh vực có nhiều bất cập hiện nay ở nước ta liên quan đến việc phê duyệt chủ trương đầu tư, nguồn vốn, thẩm định các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch, đánh giá hiệu quả đầu tư. Thiếu cân đối giữa các lĩnh vực, các khu vực, tính dàn trải, sự lãng phí, tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong các khâu phê duyệt và nghiệm thu dự án đầu tư v.v… đã và đang gây bức xúc trong xã hội và có những hệ lụy tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, việc đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp hiện nay ngày một tăng với quy mô lớn trong khi Luật Đầu tư không quy định việc đăng ký đầu tư cho những trường hợp này và vì vậy, trong một số trường hợp, do còn những lỗ hổng pháp luật mà chính sách khuyến khích đầu tư đã bị lạm dụng. Biểu hiện phổ biến nhất là hành vi đầu tư kiểu “núp bóng”, đầu tư chui. Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng như Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 cũng chưa có quy định về hoạt động chuyển giá, các hoạt động giao dịch xuyên biên giới, các biện pháp chống suy thoái nguồn thu. Đây chính là lỗ hổng dẫn đến việc trốn thuế và che giấu phần vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Theo các nhà nghiên cứu trên thế giới, toàn cầu hóa là hiện tượng chủ yếu của thời đại ngày nay, trong đó đã và đang diễn ra quá trình toàn cầu hóa pháp luật mà nhiệm vụ của nó là bảo đảm sự thích ứng của sự phát triển xã hội trước thách thức và tác động của toàn cầu hóa, bảo đảm quyền và lợi ích của mọi người, trong đó, quyền, tự do, công bằng, công lý là những đòi hỏi bức thiết nhất. Toàn cầu hóa đã thể hiện sự lan tỏa một cách có hiệu quả và bền vững các giá trị tiến bộ và nhân đạo của thời đại, trong đó có các giá trị tư tưởng pháp lý về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, tư tưởng công bằng, công lý, tư tưởng pháp quyền, chủ nghĩa Hiến pháp, bảo vệ môi trường sống và an ninh con người v.v… Những giá trị đó là những giá trị cốt lõi làm mục tiêu và động lực phát triển của hệ thống pháp luật các quốc gia trong thời đại ngày nay.

Toàn cầu hóa pháp luật đã làm xuất hiện các yếu tố của một hệ thống pháp luật toàn cầu, chi phối các hoạt động và hành vi của con người trong phạm vi toàn cầu. Theo đó, nổi lên vai trò chi phối của pháp luật quốc tế, trong đó có vai trò của các điều ước quốc tế, pháp luật của các tổ chức liên kết khu vực; các án lệ và giải thích pháp luật của các cơ quan tài phán quốc tế và khu vực; làm xuất hiện các chuẩn mực pháp lý có tính xuyên quốc gia với vai trò nổi bật của các thiết chế toàn cầu trong việc tạo ra những luật chơi chung, với các quy tắc thương mại và tài chính toàn cầu. Toàn cầu hóa đẩy nhanh sự xích lại gần nhau giữa các hệ thống pháp luật; đặt ra các cách thức chuyển hóa, tiếp nhận pháp luật hiệu quả hơn trên phạm vi toàn thế giới. Trong tổng thể, quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa về pháp luật đã tạo ra một nền tảng điều chỉnh pháp luật hướng tới việc sử dụng có hiệu quả vì con người các thành quả của toàn cầu hóa cũng như ngăn ngừa những yếu tố tiêu cực của nó đến đời sống của cộng đồng và của con người.

Đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, những sự thay đổi to lớn của hệ thống pháp luật đã diễn ra trong quá trình hội nhập quốc tế và khu vực theo đúng các quy luật của hội nhập và được thực hiện dưới những hình thức phổ biến. Nếu như đổi mới và hoàn thiện pháp luật theo Chiến lược năm 2005 là bước đã bảo đảm nền tảng pháp luật cho thời kỳ đầu của tiến trình hội nhập quốc tế thì có thể coi bước tiếp theo của quá trình đổi mới và hoàn thiện pháp luật Việt Nam là việc tăng cường năng lực lập pháp, năng lực thực tiễn thực hiện pháp luật trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập khu vực ASEAN. Sự phát triển trong giai đoạn mới của hệ thống pháp luật cần được đặt trên một hướng phát triển chiến lược. Trong chiến lược đó, quan điểm nhất quán là các giá trị như quyền con người, quyền công dân, công bằng, công lý là những giá trị cốt lõi của cả hệ thống pháp luật. Chiến lược đó cần lấy quan điểm chủ đạo là quan điểm về một hệ thống pháp luật mở để hệ thống đó có thể tiếp tục chủ động tiếp thu những giá trị tư tưởng pháp lý tiến bộ, nhất là trong thời đại công nghiệp lần thứ tư, những tư duy và kinh nghiệm tốt trong điều chỉnh pháp luật, trong thực tiễn pháp luật của thế giới trên cơ sở các nguyên tắc và quy trình khoa học của quá trình chuyển hóa và tiếp nhận pháp luật. Từ đó, đổi mới căn bản nhận thức về pháp luật, đổi mới cấu trúc về hệ thống của pháp luật về nội dung và phương thức điều chỉnh pháp luật, tăng cường năng lực hội nhập của các thiết chế áp dụng pháp luật và của cá nhân công dân, các doanh nghiệp; đổi mới đào tạo pháp luật là những đòi hỏi chủ đạo.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành