Thứ tư, 09 Tháng 8 2023 02:14

Phân tích khái quát về xu hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

1. Về các giai đoạn đổi mới hệ thống pháp luật Việt Nam

Vào dịp tổng kết 30 năm đổi mới ở Việt Nam (1986-2016), Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xuất bản cuốn sách: “Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016)”. Tại văn kiện này, một nhiệm vụ đã đặt ra là tiến hành đánh giá kết quả thực hiện hai nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị năm 2005 là Nghị quyết số 48 “Về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020” và Nghị quyết số 49 “Về Chiến lược cải cách tư pháp”, trên cơ sở đó xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng chiến lược và các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới.

Như vậy là, để có thể đề ra những giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam thì việc làm rõ đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của hệ thống pháp luật cũng như những đặc điểm cơ bản, quan trọng nhất của thời kỳ phát triển tiếp theo là rất cần thiết nhằm trả lời cho câu hỏi: hệ thống pháp luật Việt Nam đang đứng ở đâu?

Có một sự thừa nhận chung rằng, Hiến pháp là đạo luật cơ bản và nền tảng pháp lý chi phối toàn bộ hệ thống pháp luật. Do đó, sự điều chỉnh của Hiến pháp, sự thay đổi của Hiến pháp kéo theo sự thay đổi và đặc điểm điều chỉnh của pháp luật. Nếu xét trong khuôn khổ tiến trình đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, sự phát triển của Hiến pháp đã đi theo lộ trình như sau: Hiến pháp năm 1992 ghi nhận và thể hiện đường lối đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội mà Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 đã vạch ra. Tương ứng với đó, một hệ thống pháp luật mang tên Đổi mới đã ra đời, tạo cơ sở pháp lý cho việc phá dỡ cơ chế hành chính tập trung, bao cấp và chuyển các quan hệ xã hội lên đường ray đầu tiên của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước và theo định hướng XHCN (Điều 15 Hiến pháp năm 1992). Hiến pháp được sửa đổi vào năm 2001 ghi nhận những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới đất nước. Đó là những thay đổi về chất trong các quan hệ xã hội với những hợp phần chủ yếu mà trước đó chưa thể có được là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với đặc trưng mới trong tổ chức quyền lực nhà nước dựa trên nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2 Hiến pháp); với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Điều 15 Hiến pháp). Sự thay đổi đó của Hiến pháp tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển của hệ thống pháp luật theo hướng tiếp cận sâu hơn với các chuẩn mực pháp lý quốc tế phù hợp với đường lối đối ngoại rộng mở, tiếp nhận các giá trị nhân văn và tiến bộ của thời đại. Sự thay đổi đó của hệ thống pháp luật đã góp phần tạo cho đất nước có một vị thế mới trong quan hệ quốc tế, theo đó Việt Nam là quốc gia “là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” (Điều 12 Hiến pháp).

Như vậy, kể từ khi tiến hành đổi mới cho đến khi Hiến pháp ghi nhận lần  đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2001 Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có thể được coi là giai đoạn đổi mới lần thứ nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam. Theo đó, hệ thống pháp luật này đã đóng vai trò là hệ thống pháp luật của thời kỳ đầu đổi mới: mà sứ mệnh là tạo cơ sở pháp lý mới từng bước thay thế cho cơ chế pháp lý của thời kỳ tập trung, quan liêu bao cấp, bước đầu hội nhập quốc tế trên những điểm quan trọng nhất như thừa nhận chế độ pháp quyền, xác lập cơ chế tương thích của hệ thống pháp luật Việt Nam với các chuẩn mực pháp lý quốc tế và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật của các quốc gia khác để đổi mới hệ thống pháp luật nước nhà. 

Giai đoạn từ năm 2001 đến trước năm 2013 có thể được coi là giai đoạn thứ hai, giai đoạn đổi mới sâu, rộng hơn, có tính cải cách rõ rệt: thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, hội nhập ngày càng đầy đủ hơn vào nền kinh tế toàn cầu và vào cộng đồng khu vực ASEAN. Việc Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2006 là minh chứng cho điều đó. Ở giai đoạn này, một khung pháp luật cho các quan hệ kinh tế thị trường đã được xác lập khá hoàn chỉnh và đồng bộ, sự tương thích của nó với các chuẩn mực pháp lý quốc tế ngày càng đầy đủ hơn trên cả ba mức độ của nó như thừa nhận tính trội của điều ước quốc tế so với quy phạm pháp luật trong nước; áp dụng các thông lệ quốc tế và khả năng áp dụng pháp luật theo lựa chọn trong các quan hệ luật tư; mức độ chuyển hóa pháp luật nước ngoài thông qua cơ chế tiếp nhận các quy phạm và chế định pháp luật nước ngoài v.v… Kết quả của quá trình đổi mới pháp luật này hoàn toàn phù hợp với những thành tựu của đường lối đổi mới về đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta và trên thực tế đã góp phần quan trọng vào những thành tựu chung, tạo ra những quan hệ, những chuẩn mực pháp lý phổ biến ở mức độ  rộng hơn, đầy đủ hơn về lượng, cao hơn và rõ nét hơn về chất mà Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận.

Giai đoạn phát triển thứ ba của hệ thống pháp luật Việt Nam được xác định từ khi ban hành hiến pháp năm 2013 với tính cách là nền tảng, là định hướng chủ đạo của hệ thống pháp luật thời đại mới - thời đại toàn cầu hóa. Trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 có thể thấy rõ những đặc trưng cơ bản mà hệ thống pháp luật hiện đại cần phải có ở giai đoạn này. Theo đó, hệ thống pháp luật cần phản ánh trong mình nó các giá trị tư tưởng pháp quyền, đề cao và bảo vệ có hiệu quả công lý, quyền con người, quyền công dân; tạo dựng nền tảng pháp lý an toàn cho phát triển và hội nhập sâu, rộng, đầy đủ vào đời sống quốc tế về kinh tế, chính trị, xã  hội, văn hóa.

Việc xác định đúng đặc trưng của giai đoạn phát triển hệ thống pháp luật là tiền đề cần thiết cho việc đề ra quan điểm lý luận về tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

 2. Xây dựng quan điểm lý luận về đổi mới hệ thống pháp luật

Khi nói đến quan điểm lý luận về đổi mới hệ thống pháp luật trong sách báo pháp lý Việt Nam hiện nay có khá nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và nền tảng lý luận của nó - khoa học pháp lý Việt Nam vốn lâu nay chịu ảnh hưởng nặng nề của luật học Xô Viết. Chẳng hạn, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng pháp luật Xô Viết trong nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng của nó vẫn còn tiếp tục cho đến ngày hôm nay (trong mô thức tổ chức quyền lực, vấn đề  sở hữu v.v…) [25, tr.3]. PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa cho rằng, trong một nhà nước do một Đảng Cộng sản lãnh đạo theo mô hình Xô Viết, cần lưu ý đến tính lai tạp hay hỗn hợp được ban hành bởi các cơ quan nhà nước và các quy định mang tính định hướng của Đảng [61, tr.173]. GS.TS. Phạm Hồng Thái và Ths. Nguyễn Anh Đức khẳng định: “Những tri thức về pháp luật Xô Viết không chỉ ảnh hưởng đến khoa học pháp lý, mà còn ảnh hưởng đến pháp luật Việt Nam, mà trước hết là các văn bản Hiến pháp Việt Nam, bắt đầu từ Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) và cả Hiến pháp năm 2013 vẫn chịu ảnh hưởng của khoa học luật Xô Viết về Hiến pháp. Kế đó, hai tác giả này nêu các minh chứng như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp và cấu trúc hình thức của Hiến pháp; tổ chức quyền lực nhà nước là tập quyền (tập trung quyền lực vào Quốc hội, HĐND các cấp, không có tự quản địa phương) [80, tr.264-265].

Đi xa hơn, có ý kiến còn cho rằng, trong nghiên cứu khoa học pháp lý ở Việt Nam chưa có một chủ thuyết hay theo đuổi một trường phái pháp luật nào thật sự rõ nét. PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ là người nêu ý kiến đó và cho rằng, “trước thời kỳ đổi mới, khoa học pháp lý cũng như tư duy pháp luật Việt Nam, gần như hoàn toàn chịu ảnh hưởng của trường phái pháp luật Xô Viết”“Khi mô hình thể chế kiểu Xô Viết sụp đổ, và sau đó là sự du nhập của các trường phái pháp luật mới đến từ các khu vực kinh tế thịnh vượng hơn, có bề dày xây dựng nhà nước pháp quyền thì nghiên cứu lý luận pháp luật, khoa học pháp lý của Việt Nam trong hơn 30 năm qua có thể nói là gần như thiếu một chủ thuyết”“Trong xây dựng pháp luật, cũng có thể nói là trong hơn ba thập kỷ qua chúng ta cũng không đi theo một trường phái pháp luật nào thật sự rõ ràng … có sự pha tạp của nhiều tư duy pháp lý, tư tưởng chính sách đến cấu trúc của nhiều hệ thống trường phái pháp luật khác nhau” v.v… Cuối cùng, tác giả này rút ra kết luận cho rằng, “đã đến lúc chúng ta cần đi theo mô hình nào hay cần xây dựng một mô hình, một trường phái riêng cho chúng ta” [78].

Qua những ý kiến trên đây có thể thấy các nhà nghiên cứu đã đặt ra ba vấn đề:

Một là, khoa học pháp lý Việt Nam và cả hệ thống pháp luật Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng pháp lý, khoa học pháp lý và pháp luật Xô Viết trước đây và điều đó được hiểu như là thứ di sản cần được khắc phục.

Hai là, sự hình thành và phát triển của pháp luật và của hệ thống pháp luật Việt Nam được hình dung như là một sự sao chép pha tạp, không có chủ thuyết.

Ba là, Việt Nam chưa xây dựng cho mình một mô hình của hệ thống pháp luật, chưa có chủ thuyết phát triển hệ thống pháp luật và vì vậy, quá trình tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đòi hỏi xác lập một chủ thuyết khoa học pháp lý, một mô hình của hệ thống pháp luật.

Về vấn đề thứ nhất, cần nêu và trả lời cho một câu hỏi: Liệu có đúng là khoa học pháp lý Việt Nam, hệ thống pháp luật Việt Nam đã rập khuôn và chịu ảnh hưởng nặng nề của khoa học pháp lý và hệ thống pháp luật Xô Viết trước đây? Nếu xét từ góc độ lý luận về chuyển hóa pháp luật thì sự giống nhau trên những nét chủ yếu nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam so với pháp luật Xô Viết trước đây không phải là hệ quả của sự sao chép, rập khuôn, “học theo” mà là hệ quả của sự gần gũi của các quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi pháp luật. Đến lượt chúng, các quan hệ xã hội đó đã nảy sinh trên những nền tảng tương đồng về chế độ kinh tế, chế độ chính trị, tư tưởng, quan điểm phát triển xã hội v.v... Vì vậy, có thể nói về sự tương đồng của các quan điểm khoa học pháp lý, tư tưởng pháp lý và của cả hệ thống pháp luật mà không thể dễ dãi cho rằng, có sự ảnh  hưởng nào đó hoặc sự rập khuôn máy móc. Bằng chứng là quá trình đổi mới ở nước ta về kinh tế, về chính trị và xã hội đã dẫn đến những sự thay đổi căn bản các quan hệ xã hội và từ đó dẫn đến sự thay đổi căn bản trong pháp luật và hệ thống pháp luật. Đây không phải là hệ quả của việc hệ thống pháp luật Việt Nam đã không còn chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Xô Viết nữa. Sự ảnh hưởng, dấu ấn của luật học Xô Viết, từ tư duy lý luận đến hoạt động lập pháp, các thiết chế tư pháp v.v… đến đào tạo pháp luật là rất rõ ràng, trên nhiều mặt vẫn còn giá trị cho đến nay, và không chỉ đối với Việt Nam. 

Có quan điểm cho rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam của thời kỳ 30 năm đổi mới đã qua có tính pha tạp cả về tư duy pháp lý, tư tưởng chính sách, cả về cấu trúc: có pháp luật Xô Viết, có hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, có dấu ấn của Common Law, và không chỉ là ở tầm hệ thống mà cả trong nội dung và cấu trúc của một văn bản pháp luật, mà còn là khiếm khuyết của hệ thống pháp luật. 

Lịch sử hình thành các hệ thống pháp luật lớn trên thế giới cho thấy rằng, các hệ thống pháp luật đó đã ra đời và phát triển trên cơ sở những đặc điểm lịch sử về kinh tế, thể chế nhà nước, truyền thống văn hóa, trong đó có văn hóa chính trị và văn hóa pháp luật của từng khu vực trên thế giới. Mỗi hệ thống lớn đó mang trong mình những đặc trưng chủ đạo, cái được coi là nòng cốt làm nền tảng riêng có của cả hệ thống. Nhưng cùng với lịch sử, sự giao thoa giữa các hệ thống đó đã diễn ra theo các nguyên lý của quá trình chuyển hóa pháp luật. Sự chuyển đổi, tiếp nhận lẫn nhau không chỉ xảy ra giữa các hệ thống pháp luật lớn mà mỗi một hệ thống pháp luật quốc gia cũng luôn luôn chủ động tiếp nhận các học thuyết, các quy phạm hoặc chế định pháp luật của một quốc gia thuộc hệ thống khác. Chẳng hạn, pháp luật Ấn Độ vốn là thuộc hệ thống luật của Anh đã tiếp nhận chế định pháp luật bảo vệ lợi ích người tiêu dùng của Cộng hòa Pháp, còn các Tòa án Ấn Độ ngoài việc áp dụng luật công bằng của Anh còn phải “nhập cảng” các án lệ và giải thích của Tòa án Công lý Châu Âu. Từ đó có thể thấy rằng, việc một hệ thống pháp luật tiếp nhận các yếu tố pháp luật từ các hệ thống pháp luật khác là điều hoàn toàn tự nhiên. Đối với Việt Nam của hơn ba thập niên đổi mới, việc chủ động thích ứng, mở cửa và hội nhập, với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa (Điều 12 Hiến pháp năm 2013) thì sự hiện diện trong tư tưởng pháp lý, trong lý luận pháp luật, trong hệ thống pháp luật nói chung các yếu tố đa dạng của nhiều hệ thống pháp luật không thể được coi là một khiếm khuyết mà ngược lại, là điều cần thiết. Vấn đề là ở chất lượng của quá trình hội nhập pháp luật.

Về xây dựng chủ thuyết khoa học pháp lý và mô hình phát triển hệ thống pháp luật. Một câu hỏi được đặt ra là: có phải ở nước ta đang thiếu một chủ thuyết khoa học pháp lý, còn hệ thống pháp luật thì cần một mô hình cấu trúc và phát triển nào đó? Với quan điểm có phần bi quan đó, tác giả Đinh Dũng Sỹ đã tự đưa ra câu trả lời cho rằng, “chúng ta cần đi theo một mô hình nào đó hoặc cần xây dựng một mô hình, một trường phái riêng cho chúng ta”.

Trong ý kiến của tác giả Đinh Dũng Sỹ có ít nhất ba vấn đề: trường phái khoa học, chủ thuyết phát triển và mô hình phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam.

Về trường phái khoa học. Trong lịch sử khoa học pháp lý thế giới, các trường phái khoa học đã lần lượt ra đời và phát triển. Ban đầu là phát kiến của một hoặc một số nhà nghiên cứu, về sau được bổ sung, hoàn chỉnh và phát triển bởi những lối rẽ mới, phát kiến mới nhưng vẫn trên một trục chính của tư tưởng ban đầu. Trường phái khoa học luôn là một hệ thống tri thức mở và có xu hướng, có khả năng phát triển, không bao giờ là nhất thành bất biến (Vì thế các trường phái thường mang tên tác giả đầu tiên của nó). Tuy nhiên, những tri thức đó luôn luôn là sự đúc kết thành công tư duy và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều thế hệ con người và có sức lan tỏa rộng lớn, trên phạm vi quốc gia và quốc tế, cho dù đó là những trường phái khoa học pháp lý nói chung (chẳng hạn như trường phái pháp luật thực chứng và trường phái pháp luật tự nhiên), hoặc trong các chuyên ngành (chẳng hạn như trường phái nhất nguyên hoặc nhị nguyên trong lý giải về mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia, hoặc trường phái tâm - sinh lý học và trường phái xã hội học trong Tội phạm học khi lý giải về nguyên nhân của tội phạm v.v…). Rõ ràng là trường phái khoa học nào cũng có nguồn gốc ra đời, quá trình phát triển lâu dài được thừa nhận hoặc phủ nhận xuất phát từ quan điểm của người đánh giá nó, mức độ phổ biến các điểm của từng trường phái khoa học phụ thuộc vào tính hữu dụng của quan điểm đó đối với mục đích của người sử dụng. 

Trong khoa học xã hội và khoa học pháp lý thì những quan điểm có mức độ phổ biến rộng rãi thường trở thành những nguyên lý mặc định, giống như những định lý của khoa học tự nhiên. Việc đề xuất để các nhà nghiên cứu khoa học pháp lý Việt Nam “có cho mình” một trường phái khoa học nào đó trong thời đại toàn cầu hóa sẽ giống như cách nói của ngạn ngữ Anh là “sáng chế lại cái xe đạp” (reinventing the wheel) khi mà điều đó người ta đã làm từ lâu rồi!

Về vấn đề chủ thuyết phát triển hệ thống pháp luật thì khái niệm chủ thuyết bao hàm lý thuyết chủ đạo, hoặc nói cách khác, là quan điểm định hướng cho sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam. Có ý kiến cho rằng trong hơn ba thập niên đổi mới, Việt Nam chưa có một chủ thuyết trong nghiên cứu khoa học pháp lý và trong xây dựng pháp luật là thiếu căn cứ. Bởi vì, quan điểm (chủ thuyết) xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã được chính thức xác định trong nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị.

Những tư tưởng, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp có tính chiến lược được đề ra trong Nghị quyết 48 năm 2005 của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vừa là sự tổng kết thành quả 20 năm đổi mới pháp luật trước đó, lại vừa có tính định hướng cho quá trình đổi mới từ thời điểm đó đến nay. Tính khách quan, khoa học và tầm chiến lược của Nghị quyết đó đã nhận được sự thừa nhận chung, đã thúc đẩy quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước. Theo đó, Nghị quyết 48 đã coi công lý, quyền con người, quyền công dân là giá trị cốt lõi và có tính xuyên suốt cho quá trình đổi mới và hoàn thiện pháp luật. Qua đó, Nghị quyết đã vạch rõ được những quan điểm, giải pháp, nhiệm vụ thực sự mang tầm chiến lược và vì vậy, những quan điểm, giải pháp đó vẫn còn nguyên giá trị. Bằng chứng là Hiến pháp năm 2013 đã hiến định một cách nhất quán các quan điểm và giá trị đó.

Tuy nhiên, mọi quan điểm và tư tưởng chỉ đạo đều xuất phát từ tình hình và đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của đất nước. Do vậy, trên cơ sở xác định đặc điểm của giai đoạn phát triển tiếp theo của hệ thống pháp luật Việt Nam như đã phân tích ở trên, thiết nghĩ rằng, việc xác định cơ sở lý luận, quan điểm (chủ thuyết) và các giải pháp tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam là rất cần thiết. Chính vì vậy, việc các cơ quan hữu quan như Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, các nhà nghiên cứu đề xuất, kiến nghị xây dựng một Chiến lược mới là hoàn toàn có cơ sở. Và chiến lược đó tiếp tục đổi mới và phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam trong giai đoạn mới, một mặt cần kế thừa các quan điểm và giá trị nền tảng được hiến định năm 2013, mặt khác, chiến lược mới cần định hướng phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp hơn và tương tác uyển chuyển hơn với các yếu tố của pháp luật toàn cầu. Như vậy, có thể thấy các mối liên hệ với pháp luật toàn cầu gồm:

Thứ nhất, xác lập đầy đủ hơn mối liên hệ của hệ thống pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc tế, trong đó không chỉ có các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên mà còn bao gồm các nguyên tắc phổ biến của luật quốc tế, các quy phạm phổ biến của pháp luật quốc tế, các tập quán quốc tế, án lệ và giải thích của các cơ quan tài phán quốc tế v.v…

Thứ hai, định hướng các cơ quan, thiết chế tổ chức, đặc biệt là các tổ chức luật sư, tư vấn pháp luật, doanh nghiệp và cá nhân công dân tìm hiểu và áp dụng rộng rãi các quy định của những quy chuẩn pháp lý có tính xuyên quốc gia - những quy tắc được xác lập như là những chuẩn mực cho “luật chơi” chung của thế giới không nằm trong pháp luật quốc tế hoặc pháp luật của các quốc gia. Xây dựng năng lực của các doanh nghiệp, cá nhân công dân, các thiết chế tư pháp và trọng tài trong áp dụng các quy phạm luật xung đột (chọn luật áp dụng) cho giao dịch thương mại và cho việc xử lý tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

- Xây dựng và nâng cao năng lực của các thiết chế tư pháp trong việc bảo hộ và bảo vệ công dân Việt Nam trong các quan hệ di trú, lao động, giao dịch kinh doanh, hành chính và hình sự trong khuôn khổ vận hành các cơ chế của ASEAN và Cộng đồng kinh tế ASEAN, thông qua việc nâng cao khả năng tiếp cận và hiểu biết đầy đủ các cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN; nâng cao năng lực giải thích của các Tòa án trong nước về các hiệp định và của WTO, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các hiệp định và thỏa thuận của ASEAN.

Như vậy, xu hướng tiếp tục đổi mới và hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa cần một quan điểm mở để hệ thống đó có thể tiếp tục chủ động tiếp thu những giá trị tư tưởng pháp lý tiến bộ, nhất là trong thời đại công nghiệp lần thứ tư, những tư duy và kinh nghiệm tốt trong điều chỉnh pháp luật, trong thực tiễn pháp luật của thế giới trên cơ sở các nguyên tắc và quy trình khoa học của quá trình chuyển hóa và tiếp nhận pháp luật.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành