Thứ sáu, 18 Tháng 8 2023 02:10

Phân tích chỉ số đánh giá mức độ cạnh tranh của thị trường

Việc phân tích mà cơ quan cạnh tranh thực hiện thường bao gồm các bước sau(mặc dù thuật ngữ có thể khác nhau ở các khu vực tài phán khác nhau:

1. Xác định phạm vi thị trường liên quan

Ranh giới của thị trường đối với một sản phẩm nhất định được xác định bằng cách người tiêu dùng có thể chuyển sang tìm hàng hóa hoặc dịch vụ khác nếu một nhà độc quyền tăng giá của sản phẩm lên trên mức cạnh tranh. Quá trình này được gọi là kiểm tra SSNIP (viết tắt của “mức tăng giá nhỏ nhưng đáng kể không nhất thời - small but significant non-transitory increase in price”). Việc định nghĩa thị trường này liên quan đến việc tính toán độ co dãn thay thế giữa sản phẩm được đề cập và các sản phẩm “lân cận”.

Đánh giá mức độ cạnh tranh của thị trường

Một cách để bắt đầu điều này là xem xét thị phần của các công ty lớn nhất, và sự thay đổi của chúng theo thời gian; một số trường hợp có một ngưỡng quy tắc may rủi (a rule of thumb threshold), chẳng hạn như tỷ trọng trên 25%, được đánh giá là có khả năng nguy hại. Một nguyên tắc may rủi khác là xem xét Chỉ số Herfindahl-Hirschman Index (HHI). HHI đó lường mức độ tập trung bằng cách tính tổng bình phương thị phần của N công ty trong ngành, được tiêu chuẩn hóa thành phạm vi 0 đến 1 (đôi khi vì lý do thực tế trong một cuộc điều tra chỉ đưa vào 50 công ty lớn nhất):

HHI = HHI= 1 khi N = 1

Trong đó , là phần doanh thu của doanh nghiệp

Một lần nữa, quy tắc may rủi được sử dụng để quyết định mức độ liên quan: trên 0,25 sẽ được coi là dấu hiệu của một thị trường rất tập trung.

Đánh giá mức độ có cạnh tranh hay độc quyền đầu tiên là dựa trên những loại quy tắc. Sau đó, một cuộc điều tra sáp nhập hoặc điều tra thị trường sẽ xem xét chi tiết hơn cách các doanh nghiệp và khảo sát hành vi của người tiêu dùng, bao gồm, ví dụ như xem xét các giấy tờ của hội đồng quản trị và các tài khoản quản lý, thực hiện các cuộc khảo sát tiêu dùng, xem xét lịch sử doanh nghiệp gia nhập và ra khỏi thị trường, khảo sát hoạt động thực tế tại các doanh nghiệp, thực hiện kinh tế lượng để ước tính các điều kiện cung và cầu, xem xét lợi nhuận của các doanh nghiệp theo thời gian và lấy bằng chứng bằng văn bản và bằng miệng từ tất cả các bên quan tâm.

Đánh giá các rào cản gia nhập

Hoạt động này nhằm tạo điều kiện để các công ty mới gia nhập thị trường có khả năng cạnh tranh và thu hút được một nhóm khách hàng nhất định. Điều này đã trở nên đặc biệt quan trọng trong một số thị trường kỹ thuật số, một hoặc một số rất ít công ty có thể thống trị thị trường, nhưng danh tính của công ty thống lĩnh thay đổi theo thời gian. Điều này được gọi là cạnh tranh để giành thị trường hoặc khả năng cạnh tranh hơn là cạnh tranh trên thị trường. Ví dụ, MySpace từng là nền tảng truyền thông xã hội thống trị cho đến khi Facebook đánh bật nó khỏi vị trí đó; Facebook và Google giờ đây tuyên bố rằng họ dễ bị tổn thương trước các công ty có công nghệ tốt hơn giành được thị trường của họ, mặc dù nhiều chuyên gia cạnh tranh tỏ ra nghị ngờ về tuyên bố này. Các rào cản gia nhập có thể bao gồm, ví dụ, lợi thế theo quy mô (và do đó cần phải có nhiều tài trợ cho việc gia nhập), lao động có kỹ năng khan hiếm, sức ì của người tiêu dùng, lợi thế công nghệ hoặc sự tồn tại của các quy định nặng nề và tốn kém làm tăng thêm rào cản về quy mô hoặc yêu cầu, bí quyết đặc biệt hoặc sự chấp thuận của cơ quan quản lý khác.

Tìm ra điều ngược lại nếu việc sáp nhập không được tiến hành có thể là phần khó nhất của một cuộc điều tra cạnh tranh. Điều gì sẽ xảy ra nếu không xảy ra việc sáp nhập dưới sự giám sát chặt chẽ. Triển vọng thay thế có thể có cho thị trường là gì. Liệu công ty bị tiếp quản sẽ ngừng hoạt động kinh doanh, trong trường hợp đó việc sáp nhập sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào đối với kết quả. Ngoài ra, liệu một công ty mới tiềm năng có thể cạnh tranh nếu không có sự hợp nhất tạo ra đối thủ quá mạnh không thể đối đầu?

Điều quan trọng ở đây là việc ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Giá cả sẽ cao hơn hay vụ đổi mới và đầu tư giả. Ví dụ về trường hợp một tập đoàn lớn về kỹ thuật số có độc quyền gần như hoàn toàn nhưng đang cung cấp một dịch vụ miễn phí cho người tiêu dùng, thì sức mạnh thị trường có quan trọng không. Các công ty hợp nhất thường tuyên bố rằng hiệu quả, sức mạnh tổng hợp hoặc lợi nhuận quy mô mà họ có thể đạt được sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là động cơ của họ là gì để chuyển lợi ích cho người tiêu dùng trong trường hợp không có sự cạnh tranh mạnh hơn.

Nếu cơ quan quản lý cạnh tranh quyết định có hành vi cạnh tranh (“làm giảm đáng kể cạnh tranh” theo thuật ngữ của Anh và Hoa Kỳ hoặc “lạm dụng vị trí thống trị” ở EU), họ thường có một loạt các biện pháp xử lý có thể áp đặt. Các biện pháp này là:

- Phạt tiền;

- Chặn việc sáp nhập hoặc (nếu đã hoàn thành) yêu cầu không được thực hiện; Các biện pháp khắc phục “cơ cấu’, chẳng hạn như thoái vốn một phần của doanh nghiệp;

- Các biện pháp “hành vi”, ví dụ, đối xử với khách hàng theo một cách cụ thể - chẳng hạn như cung cấp cho họ thêm thông tin hoặc tạo điều kiện để họ chuyển sang đối thủ cạnh tranh.

- Cácten[1], nếu được chứng minh, thường là một hành vi phạm tội và có thể dẫn đến đi tù.

2. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến cạnh tranh

Mặc dù cạnh tranh thường được coi là để tăng phúc lợi kinh tế, nhưng đôi khi các chính sách kinh tế cố tình hạn chế cạnh tranh. Các chính sách hạn chế cạnh tranh thường được xem xét như sau:

Sức mạnh thị trường
Xứng đáng Không xứng đáng
Nhượng bộ Đấu giá được thiết kế tốt và cạnh tranh (ví dụ: đấu giá phổ tần, giấy phép khoan dầu) Không trả tiền và độc quyền hợp pháp (ví dụ: thuế nông nghiệp)
Sở hữu trí tuệ Sự đổi mới quan trọng (ví dụ: bằng sáng chế) Sự đổi mới rõ ràng, không mới lạ (ví dụ: bản quyền 70 năm sau khi tác giả qua đời)
Quy định về dịch vụ tiện ích Đầu tư vào kết cấu hạ tầng mới Chi phí may rủi và các điều kiện về nhu cầu

Các lý do hợp lệ để hạn chế cạnh tranh (nói cách khác, đó là các lý do hợp lệ để nâng cao phúc lợi kinh tế) là:

- Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với độc quyền tạm thời dưới dạng bằng sáng chế hoặc bản quyền;

- Nhượng quyền hoặc giấy phép khi có độc quyền tự nhiên, tốt hơn là được trao bằng một cuộc đấu giá cạnh tranh được thiết kế tốt (ví dụ: để thăm dò dầu khí, nhượng quyền thương mại đường sắt hoặc tiếp cận phổ vô tuyến). Một cuộc đấu giá giống như một cuộc cạnh tranh trên thị trường

- Quy định về dịch vụ tiện ích, như một sự khuyến khích/ phần thưởng cho đầu tư và cung cấp dịch vụ phổ thông trong trường hợp các lĩnh vực độc quyền tự nhiên thiết yếu, chẳng hạn như điện.

Tuy nhiên, có nhiều ví dụ về những hạn chế chính phủ trao quyền cạnh tranh mà không nâng cao phúc lợi kinh tế:

- Các độc quyền hợp pháp không bị trả giá, nhưng được trao như một phần thưởng cho sự thân hữu (chẳng hạn như thuế nông nghiệp) phổ biến trong lịch sử nhưng hiện nay rất hiếm ở các nền kinh tế giàu có;

- Bằng sáng chế hoặc bản quyền được trao cho những cải tiến rõ ràng, không mới là hoặc tồn tại trong một thời gian dài (xem Hộp 1);

- Chi phí may rủi hoặc các điều kiện về cầu (ví dụ: nhượng quyền thương mại đường sắt được hưởng lợi từ nhu cầu cao bất ngờ).

Hộp 1. Bảo vệ bản quyền

Vào năm 1998, Hoa Kỳ mở rộng bảo hộ bản quyền (trong Đạo luật Sonny Bono) từ 50 năm đến 70 năm sau cái chết của tác giả - và kéo dài hơn đối với bản quyền “công ty” - nhờ vào sự vận động của các tập đoàn như Disney. Trong một số trường hợp, việc bảo vệ bản quyền ở Hoa Kỳ có thể kéo dài 95 năm kể từ khi xuất bản hoặc 120 năm kể từ khi được tạo ra. Nhiều quốc gia khác cũng theo Hoa Kỳ trong việc kéo dài thời hạn bản quyền của tác giả lên 70 năm sau khi họ mất. Nhưng sẽ không có tác giả nào được khuyến khích viết các tác phẩm mới vượt quá giới mộ điệu, trong khi đối với các công ty bảo hộ cho các tác phẩm có bản quyền của họ hàng thế kỷ dường như không tạo được sự cân bằng tốt giữa một mặt là khuyến khích đầu tư cho mục đích kinh tế và mặt khác là tối đa hóa sự yêu thích của công chúng đối với các tác phẩm sáng tạo, hoặc khả năng của người khác để kết hợp các ý tưởng hiện có cho mục đích riêng của họ, như những người sáng tạo đã luôn làm.

Mức độ cạnh tranh trong nền kinh tế cũng phụ thuộc vào các vùng chính sách khác. Vấn đề ở đây là các công ty không thành công có được phép ngừng kinh doanh hay không. Các chính phủ thường không muốn cho phép điều này xảy ra bởi vì các chính trị gia ghét những vấn đề về mất việc làm và sẽ dẫn đến trợ cấp mặc dù các hãng đang thất bại. Điều này đã xảy ra thưởng xuyên trong quá khứ với sự hỗ trợ cho các “nhà vô địch quốc gia”, những người rất cách biệt với sự cạnh tranh trên thị trường nội địa có xu hướng khiến họ hoạt động kém hiệu quả. Các hãng hàng không là một ví dụ điển hình, vì cho đến gần đây, nhiều quốc gia giàu cảm thấy điều quan trọng là phải tồn tại được hãng vận chuyển quốc gia. Điều này thể hiện một sự kiên định bảo vệ sản xuất, dịch vụ nội tại của các quốc gia. Chính quyền Obama đã đứng ra bảo lãnh các nhà sản xuất ôtô lớn sau cuộc khủng hoảng tài chính bằng chương trình Giảm giá Trị cấp Xe hơi - the Car Allowance Rebate (Cash for Clunkers). Tại Pháp, một nhà sản xuất ôtô và xuất khẩu lớn khác, cũng đã đứng ra bảo lãnh cho Renault và PSA Peugeot Citroën vào năm 2009, qua việc cung cấp các khoản vay giá rẻ.

Vấn đề phổ biến khác, là nền kinh tế được điều tiết chặt chẽ như thế nào. Tất cả các thị trường đều được kiểm soát ở một mức độ nào đó, và nếu không có quy định thì không thị trường nào có thể hoạt động chẳng hạn, người tiêu dùng cần tin tưởng vào các tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, càng có nhiều quy định thì càng khó cho những người mới tham gia vào thị trường và phát triển. Ngay cả việc thành lập một quán cà phê địa phương cũng có thể liên quan đến nhiều rào cản của quy định (Hộp 2), mặc dù xét riêng lẻ thì tất cả chúng đều có vẻ rất hợp lý.

Hộp 2. Các quy định về quán cà phê và nhà hàng ở Vương quốc Anh

Đăng ký với chính quyền địa phương trước 28 ngày;

Giấy phép cho một số hoạt động (ví dụ: đồ ăn nóng sau 11 giờ đêm, rượu bia, quầy hàng rong);

Các quy định về mặt bằng, bao gồm bốn rửa riêng cho thực phẩm và con người;

Các quy định về an toàn thực phẩm;

Quy định vệ sinh;

Nhiệt độ tối thiểu và tối đa cho thực phẩm Các quy định về sức khỏe và an toàn cho người sử dụng lao động;

Các quy định về xử lý thực phẩm;

Hồ sơ bằng văn bản cho tất cả nguồn cung cấp thực phẩm, bao gồm cả số lô, sử dụng trước ngày nào và sử dụng tốt nhất trước ngày nào;

Đăng ký thuế giá trị gia tăng VAT;

Công khai giá và thuế giá trị gia tăng VAT; Công khai 14 chất gây dị ứng thực phẩm trên thực đơn;

Ghi nhãn thực phẩm GMO;

Lập hồ sơ tài chính;

Thuế của người sử dụng lao động, đóng góp lương hưu, tiền thai sản.

Sự cân bằng giữa cạnh tranh và quy định khó có thể đạt được, đặc biệt đối với các thị trưởng có một hoặc cả hai thất bại thị trường tăng lợi nhuận theo quy mô và thông tin không cần xứng

3. Chính sách về cạnh tranh

Tất cả các doanh nghiệp đều phàn nàn các quy định mà chính phủ buộc họ phải thực hiện. Các chính phủ cũng sử dụng các quy định về kinh doanh như một phương tiện để thực hiện một loạt các chính sách xã hội, chẳng hạn như tiền lương ốm đau và tiền thai sản hoặc tiền lương tối thiểu.

Tất cả các quy định có xu hướng làm giảm cạnh tranh. Quy định ngăn cản sự gia nhập thị trường mới bằng cách làm cho việc thành lập và điều hành một doanh nghiệp trở nên tốn kém hơn và mất nhiều thời gian hơn. Gánh nặng về quy định làm hạn chế tăng trưởng kinh tế (Hộp 3). Một số quy định có thể không cần thiết: cạnh tranh thường đủ để đảm bảo người tiêu dùng nhận được sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt với mức giá tốt nhất có thể. Giảm số lượng quy định bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn bằng cách tăng cạnh tranh khi dễ dàng giám sát chất lượng và khi doanh nghiệp muốn giành được khách hàng thường xuyên. Trong những trường hợp này, cạnh tranh làm cho một số quy định (chẳng hạn như tiêu chuẩn an toàn hoặc quy tắc về trọng lượng và biện pháp) trở nên ít cần thiết hoặc ít có lợi. Nhiều doanh nghiệp rơi vào loại này.

Nếu một thương hiệu hàng tiêu dùng luôn gây được tiếng vang lớn, thì việc truyền miệng và truyền thông sẽ sớm làm cho thương hiệu đó được biết đến. Đây là một lĩnh vực khác (giống như xử lý ngoại tác), nơi các tòa án có thể giải quyết việc bảo vệ người tiêu dùng. Đây là cơ sở của Luật về vi phạm trách nhiệm dân sự (Tort Law), cơ quan luật dân sự của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh cho phép mọi người được khác phục lỗi do sơ suất. Mặt khác, không hợp lý khi mong đợi các cá nhân thực hiện hành động pháp lý chống lại một doanh nghiệp ngoại trừ các trường hợp nghiêm trọng trong đó nhiều khách hàng bị vi phạm có thể hợp tác trong một vụ kiện tập thể: rất dễ dàng yêu cầu các chính trị gia “làm điều gì đó” về một vụ bê bối, do đó, các quy tắc có xu hướng kế thừa.

Hộp 3. Quy định và sự gia nhập mới

Trong khi một số quy định là cần thiết, các quốc gia có sự khác nhau rất nhiều về mức độ điều chỉnh nền kinh tế. Một nghiên cứu về mối liên hệ giữa gánh nặng pháp lý và hoạt động kinh doanh ở 9 quốc gia thành viên của OECD đã phát hiện ra tác động tiêu cực của chính sách đối với sự gia nhập mới vào thị trường khu vực sản xuất và dịch vụ. Nghiên cứu cho thấy gánh nặng hành chính, quy định về sản phẩm hoặc dịch vụ đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ, và các hạn chế trong việc tuyển dụng và sa thải nhân viên đều góp phần đặc biệt mạnh mẽ vào những tác động tiêu cực đến năng suất và tăng trưởng của ngành. Ở những quốc gia mà việc sa thải nhân viên tốn kém, thì ngay từ đầu các công ty đã có yêu cầu thuê nhân công. Các quốc gia như vậy, bao gồm cả Pháp và Tây Ban Nha, đặc biệt có xu hướng tỷ lệ người trẻ thất nghiệp cao, vì những người trẻ tuổi chưa được kiểm tra trên thị trường lao động và nhà tuyển dụng không muốn mạo hiểm tiếp nhận một người thiếu kinh nghiệm mà họ khó có thể sa thải. Ở Pháp, nhiều quy định áp dụng đối với các công ty có từ 50 nhân viên trở lên, chẳng hạn như yêu cầu tổ chức và tài trợ cho các hội đồng việc làm, bảo cáo thống kê chi tiết hơn cho Chính phủ và đối mặt với nhiều rào cản hơn trong việc sa thải hoặc sa thải công nhân. Một nghiên cứu khác cho thầy Pháp có sự gia tăng đột biến về số lượng các công ty đặc biệt hiệu quả với 48 hoặc 49 nhân viên; các tác giả ước tính rằng gánh nặng về quy định khiến họ không thể tăng lên đến 50 nhân viên và hơn nữa sẽ dẫn đến chi phí phúc lợi xã hội tương đương 3,4% GDP.

Có vô số ví dụ về quy định của chính phủ đối với hoạt động kinh tế. Dưới đây chỉ là một số ví dụ:

  • Sự cho phép các ngân hàng và các công ty dịch vụ tài chính khác;
  • Quy tắc và chứng nhận vệ sinh thực phẩm cho quán cà phê và nhà hàng;
  • Bình chữa cháy bắt buộc trong khách sạn và nhà hàng;
  • Kiểm tra lý lịch tư pháp bắt buộc của nhân viên;
  • Bảo hành tối thiểu các sản phẩm điện tử và sản phẩm sản xuất khác;
  • Quy tắc xuất xứ của các sản phẩm thực phẩm;
  • Kiểm soát về giá cả hoặc tiền thuê;
  • Giấy phép cho nhiều ngành nghề chuyên môn;
  • Các tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm hoặc công trình; v.v…

Về mặt riêng biệt, mỗi quy định có vẻ hợp lý, nhưng phạm vi ứng dụng của các quy định tăng đều đặn. Ví dụ, các quy tắc an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh chính thức dần được áp đặt cho các hoạt động tự nguyện, chẳng hạn như gây quỹ cho các nơi thờ tự hoặc nơi dành cho trẻ em bán nước chanh tự làm trong công viên mà không có giấy phép kinh doanh trên đường phố. Các cơ quan quản lý điều chỉnh và thông thường ít khi hạn chế quy mô và phạm vi áp dụng. Đối với bản thân các cá nhân tổ chức khi đưa ra quy định mới thường khó có thể bãi bỏ nó vì họ sợ phải chịu trách nhiệm nếu sau này xảy ra sự cố.

Trong một số trường hợp, nhiều hàng hóa không để dàng có thể như vậy, đặc biệt khi nền kinh tế ngày càng trở nên phức tạp và dựa vào dịch vụ hơn là hàng hóa vật chất. Mặc dù vậy, ngay cả trong những trường hợp này, không phải lúc nào quy định bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả. Lấy ví dụ về sản phẩm dịch vụ tài chính, dịch vụ tài chính chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý sau cuộc khủng hoảng 2008-2009. Tuy nhiên trên thực tế khách hàng của ngân hàng được bảo vệ tốt hơn do nhiều quy định hơn hay do sự cạnh tranh mới. Rõ ràng là người tiêu dùng bình thường không bao giờ được thông báo đầy đủ về rủi ro và lợi nhuận của các sản phẩm đầu tư khi các chuyên gia tiếp thị chúng, vì vậy việc quy định về thông tin được cung cấp hoặc những gì nhà cung cấp tài chính có thể làm với tiền của khách hàng đường như không thể tránh khỏi, đặc biệt là sau năm 2008, khi rất nhiều hành vi phi đạo đức của ngành tài chính bị lộ ra. Đối với các tài khoản vãng lai hoặc tài khoản séc thì ở đây cũng có những lỗ hổng thông tin, do các ngân hàng tạo ra không thông báo cho khách hàng về các khoản phí mà họ sẽ phải trả nếu họ thấu chỉ hoặc rút tiền mặt ở nước ngoài, cũng như không cho khách hàng biết họ có thể kiếm được gì nếu họ chuyển tiền của mình sang các khoản tiết kiệm. Thông tin này có thể được tìm ra, nhưng nó phức tạp và ít người muốn dành nhiều thời gian để suy nghĩ về các thỏa thuận ngân hàng của họ. Hoạt động ngân hàng hằng ngày càng trở nên có quy định hơn trong những năm qua, cố gắng khuyến khích chuyển đổi theo hướng vì khách hàng hơn và do đó cạnh tranh hiệu quả hơn. Khủng hoảng tài chính cũng đã dẫn đến giới hạn cao hơn về bảo lãnh tiền gửi ở nhiều quốc gia, với các chương trình bảo lãnh được thanh toán bằng thuế ngân hàng.

Sự rắc rối về quy định có ý nghĩa khiến các đối thủ cạnh tranh mới khó tham gia thị trường hơn. Công nghệ đang tạo ra một làn sóng khởi nghiệp “fintech” cung cấp các dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Việc thách thức các ngân hàng tên tuổi lớn hiện tại sẽ càng khó khăn hơn nếu họ phải tuân thủ các quy định mở rộng và tốn kém (Hộp 4).

Những doanh nghiệp đang tồn tại trong nhiều lĩnh vực có thể phàn nàn về làn ranh đỏ, nhưng họ cảm kích cách các quy định có thể bảo vệ họ bằng việc tạo ra rào cản gia nhập. Thông thường, trong các lĩnh vực như viễn thông hoặc điện tử, các doanh nghiệp lớn thuê luật sư và chuyên gia chính sách để tham gia thảo luận liên tục với các cơ quan quản lý và các chính trị gia - những cơ quan chức năng này rất dễ bị bắt tuân theo quy định (regulatory capture). Thuật ngữ này đề cập đến cách các cơ quan điều chỉnh một ngành vì lợi ích của công chúng, cuối cùng lại phục vụ lợi ích của ngành mà họ đang điều tiết. Một mối quan tâm cụ thể là cánh cửa quay vòng, theo đó mọi người chuyển đổi công việc giữa cơ quan giám sát và các công ty được quản lý. Các công ty lớn thường thuê các chuyên gia tư vấn các vấn đề công để trình bày trường hợp của họ với cơ quan quản lý. Trong một thị trường phức tạp, phần lớn chuyên môn và kiến thức về những gì đang xảy ra nằm ở các công ty - có một số thông tin không cân xứng không thể vượt qua.

Hộp 4. Hỗ trợ cạnh tranh trong các dịch vụ tài chính tại Vương quốc Anh

Nhận thức rõ ràng về sự đánh đổi giữa sự cạnh tranh và quy định, FCA có một nhóm đổi mới chuyên giúp các công ty khởi nghiệp thành công mà không có những quy định quá khắt khe, trong “Khung thể chế thử nghiệm” (Regulatory Sandbox)[2]. Các công ty khởi nghiệp có thể đăng ký tham gia vào khung thể chế thử nghiệm để thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ mà không phải chịu toàn bộ gánh nặng pháp lý. Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường của Vương quốc Anh hy vọng việc bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn “ngân hàng mở” cũng sẽ tạo điều kiện cho các công ty công nghệ khởi nghiệp tham gia vào thị trường[3] . Các ngân hàng lớn và hiệp hội xây dựng (như tiết kiệm và cho vay) được yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo định dạng tiêu chuẩn hóa cho các bên thứ ba, nếu khách hàng yêu cầu. Những doanh nghiệp mới tham gia thị trường có thể khai thác API (giao diện lập trình ứng dụng, cho phép bên thứ ba tạo ứng dụng) để cung cấp các dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, vẫn cần xem xét liệu những doanh nghiệp mới tham gia có thể thâm nhập vào sức mạnh thị trường của một số ít các ngân hàng lớn hay không vì việc thử nghiệm đang ở những ngày đầu.

Sự lựa chọn chính trị về việc lựa chọn điểm nào trong sự đánh đổi không thể tránh khỏi giữa dựa vào cạnh tranh và dựa vào quy định đã thay đổi theo thời gian. Sự quay lưng lại chính trị với nhà nước và hướng tới “thị trường tự do” vào khoảng năm 1980, đã nhấn mạnh hơn nhiều vào việc dựa vào cạnh tranh. Các chính phủ thường nói về việc giảm bớt lằn ranh đỏ, và điều này đặc biệt đúng trong thời đại tư nhân hóa, thường đi kèm với việc bãi bỏ quy định đối với những ngành đó và những ngành khác như tài chính. Theo một nghiên cứu của OECD, việc giảm phạm vi điều tiết thị trường sản phẩm rất rõ rệt từ năm 1998 đến năm 2008, và phổ biến nhất ở các nước thành viên khác ngoài Hoa Kỳ và Vương quốc Anh (bắt đầu với điều tiết tương đối nhẹ, so với, việc dựa nhiều hơn vào luật dân sự).

Tuy nhiên, sự điều tiết có lẽ đã tăng đều đặn trong các ngành dịch vụ, hiện chiếm 75 - 80% ở hầu hết các nền kinh tế phương Tây, và một số lĩnh vực điều tiết đã được mở rộng, chẳng hạn như môi trường. Một hình thức điều tiết chính trong các dịch vụ là quy định việc thực hiện (conduct regulation), quy định ai có thể cung cấp dịch vụ và cái gì có thể phải/không thể làm. Nhiều ngành nghề cũng điều tiết việc gia nhập thị trường bằng cấp phép hành nghề (occupational licensing). Thông tin thực tế về mức độ của yêu cầu này ở Hoa Kỳ cho thấy đã lan rộng đến khoảng 30% lực lượng lao động, tăng từ mức chỉ 5% trong những năm 1950. Báo cáo Kinh tế năm 2015 cho Tổng thống, đã đánh giá vấn đề này, nêu rõ: “Có thể có sự không kết nối giữa tính nghiêm ngặt của các quy định cấp phép và tác hại tiềm ẩn đối với sự an toàn của người tiêu dùng. Ví dụ: Michigan yêu cầu giáo dục và đào tạo trong 1.460 ngày để trở thành một huấn luyện viên thể thao, nhưng chỉ 26 ngày để trở thành một kỹ thuật viên y tế khẩn cấp (EMT). Trên thực tế, trên tất cả các tiểu bang, thiết kế nội thất, thợ cắt tóc, bác sĩ thẩm mỹ và thợ làm móng đều phải đối mặt với các yêu cầu cấp phép trung bình cao hơn so với làm EMTs”. Một loạt các ngành nghề, bao gồm bán đấu giá, thợ tái chế kim loại phế liệu, thợ làm móng, thợ cắt tóc và hướng dẫn viên du lịch đều yêu cầu phải có giấy phép của bang, và báo cáo cho thấy có khoảng cách chênh lệch giá lên đến 15% giữa các dịch vụ các bang yêu cầu và không yêu cầu giấy phép; và không có bằng chứng về cải thiện chất lượng.

Các chính trị gia mong muốn một cơ chế chính trị tự nhiên có xu hướng tăng số lượng quy định nhằm mục đích làm gì đó khi một vấn đề xảy ra trên tin tức. Những người đương nhiệm trong ngành đôi khi ủng hộ những động thái này. Họ cũng muốn được coi là người phản ứng nhanh với các vấn đề và hơn thế nữa, họ nhận thức rõ rằng các đối thủ cạnh tranh càng khó tham gia vào ngành trong tương lai thì điều đó càng tốt cho họ. Vì vậy, một xu hướng tăng lên trong quy định và giảm sự cạnh tranh, theo thời gian không phải là điều đáng ngạc nhiên. Có đánh giá thực nghiệm các quy định mới được đề xuất. Một hành động có ý chí chính trị được bà Thatcher và ông Reagan thể hiện để kìm hãm đà phát triển.

Tuy nhiên, có một cơ chế khác có thể khôi phục sự cạnh tranh; sự gián đoạn công nghệ. Đây chính là những gì đang xảy ra trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế hiện nay, từ tài chính đến dịch vụ du lịch và taxi. Một số nhà kinh tế lập luận theo một cách hơi miệt thị rằng, những người mới tham gia vào các thị trường kỹ thuật số này dang tham gia vào hoạt động chênh lệch giả hợp pháp (regulatory arbitrage), nói cách khác, cụ thể là chọn những thị trường có quy định chặt chẽ. Hàm ý là những kẻ gây rối mới đang cố gắng trốn tránh các quy định có chủ đích. Cách nhìn khác là họ đã phát hiện ra những cơ hội rõ ràng nhất để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn bởi vì gánh nặng quy định có lợi cho các nhà sản xuất đương nhiệm ít nhất cũng như những người tiêu dùng mà họ được cho là đang bảo vệ[4].

Vì vậy, các lựa chọn chính trị có thể thay đổi sự phụ thuộc vào quy định để mang lại hiệu quả cải thiện phúc lợi. Công nghệ có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn trong việc đưa nền kinh tế đến một điểm đánh đổi ít được điều tiết hơn, cạnh tranh hơn, và hiện nay đang tạo ra sự cạnh tranh mới ở một số thị trường.

 


[1] Các ten (cartel) là thoả thuận hợp tác chính thức về giá cả, sản lượng và những điều kiện khác giữa các doanh nghiệp trong thị trường

[2] https://www.fca.org.uk/firms/regulatory-sandbox.

[3] https://www.openbanking.org.uk/wp-content/uploads/What-Is-Open-Banking- Guide.pdf.

[4]Nguồn: CEA, 2015 https://obamawhitehouse.archives.gov/sites/docs/ licensing_report_final_nonembargo.pdf.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành