Thứ sáu, 15 Tháng 9 2023 01:40

Đánh giá tác động của hệ thống pháp luật đến phát triển kinh tế thị trường và so sánh với một số nước Đông Âu

Hệ thống pháp luật là một trong 6 chỉ số trụ cột đánh giá mức độ phát triển thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhóm chỉ số liên quan đến hệ thống pháp luật gồm có: tư pháp độc lập, tòa án công minh, thực thì hợp đồng, bảo vệ quyền tài sản, và mức độ cảm nhận tham nhũng.

Hệ thống pháp luật đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, khuyến khích đầu tư - kinh doanh (khi quyền tài sản được bảo vệ), và phát triển bền vững nền kinh tế.

1. Tư pháp độc lập

Mức độ độc lập của tư pháp rất cần thiết trong hệ thống pháp luật của nền kinh tế thị trường. Tư pháp độc lập sẽ tạo điều kiện để các phán quyết của tòa án mang tính công bằng hơn. Nếu điểm số phản ánh tư pháp độc lập càng lớn - thể hiện theo quan điểm của người dân - cơ quan tư pháp càng có sự độc lập với các tổ chức chính trị, hoặc các nhóm lợi ích, do quá trình xét xử của cơ quan tư pháp sẽ càng mang tính khách quan và có tính công bằng hơn.

Đồ thị: Tư pháp độc lập

Đồ thị tư pháp độc lập so sánh hệ thống tư pháp của các nước. Một điểm dễ nhận thấy là các nước được đánh giá chuyển đổi không thành công (như Bungari, Nga) có hệ thống tư pháp thiếu tính độc lập. Trong khi đó các nước chuyển đổi thành công như Séc, Ba Lan, Trung Quốc có hệ thống tư pháp độc lập hơn rất nhiều. So với nhóm các quốc gia chuyển đổi chưa thành công, Việt Nam có hệ thống tư pháp chỉ trên Nga và Bungari.

2. Tòa án công minh

Chỉ số này giúp đánh giá sự rõ ràng trong pháp luật để giúp tư nhân giải quyết các tranh chấp của họ, đồng thời đánh giá khả năng tham gia của tư nhân trong quá trình đối chất pháp luật và các hành động của nhà nước. Nếu điểm của chỉ số này. càng lớn thể hiện các quy định của pháp luật càng rõ ràng. Cụ thể, có được sự đổi chất cao của khu vực tư nhân đối với khu vực công thể hiện khả năng pháp luật cao của nhà nước.

Điểm đáng lưu ý là Trung Quốc và Việt Nam có điểm số thể hiện tòa án công minh cao hơn so với các nước khác trong nhóm. Nhóm nước có điểm số phản ánh tòa án công minh thấp bao gồm cả những nước chuyển đổi thành công (như Hungari) và các nước chuyển đổi chưa thành công (như Bungari).

Đồ thị Tòa án công minh

Quay trở lại cách thức lập nên chỉ số tòa án công minh báo cáo cạnh tranh toàn cầu đặt câu hỏi “các khung khổ pháp luật ở nước bạn để khu vực tư nhân giải quyết các tranh chấp đồng thời đối chất về tính hợp pháp trong các hành động và/hoặc quy định của chính phủ là không hiệu quả và bị thao túng (=1); là hiệu quả và tuân theo một quy trình rõ ràng, trung tính (=7). Việc Việt Nam và Trung Quốc có điểm số phản ánh tòa án công minh cao trong những năm qua là tin hiệu tích cực.

3. Thực thi hợp đồng

Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới đo lường chi phí thời gian, tiền bạc và số bước để giải quyết một vụ kiện thương mại điển hình giữa hai doanh nghiệp trong nước tại tòa án sơ thẩm. Tranh chấp này liên quan đến sự vi phạm hợp đồng mua bán trị giá 200% thu nhập bình quân đầu người của nước đó với giả định người mua cho rằng hàng hóa không đủ chất lượng. Viện Fraser sẽ chuyển các thông số về chi phí thực thi hợp đồng (tính theo ngày và giá trị của khoản nợ) sang thang điểm 0 (nhanh chóng và chi phí thấp) và 10 (rất lâu và chi phí cao).

Hiệu quả thực thi hợp đồng tốt thể hiện khả năng pháp luật cao của nhà nước. Pháp luật rõ ràng, quy trình nhanh gọn quyền lực của nhà nước cũng đủ mạnh để các cá nhân tuân thủ hợp đồng trong thời gian ngắn, chi phí tiền bạc và các bước thực hiện giảm xuống. Điều này cũng đóng vai trò quan trọng đối với nhà nước trong quá trình tạo môi trường kinh doanh thân thiện.

Đồ thị chỉ số thực thi hợp đồng[1]

Trong nhóm các nước có chỉ số thực thi hợp đồng thấp (nhanh chóng và chi phí thấp) và nhóm các nước có chỉ số thực thi hợp đông cao (rất lâu và chi phí cao) có hỗn hợp các nước được đánh giá chuyển đổi thành công và chưa thành công. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là những nước được đánh giá chuyển đổi chưa thành công có chỉ số thực thi hợp đồng cao hơn rất nhiều so với các nước chuyển đổi thành công. Mặc dù Trung Quốc và ở mức độ nào đó là Việt Nam được đánh giá là những nước chuyển đổi thành công nhưng chỉ số thực thì hợp đồng ở mức cao, nằm cùng nhóm với Nga.

Một điểm lưu ý là Trung Quốc và Việt Nam có thể chế chính trị tương đối giống nhau, trong khi đó các nước thuộc khối Đông Âu đã chuyển từ các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sang các nước tư bản chủ nghĩa. Bộ máy hành chính của Trung Quốc và Việt Nam được đánh giá còn cồng kềnh và quan liêu. Vì thế, cho dù đã chuyển đổi khá tốt về mặt kinh tế so với các nước như Nga, Bungari, Rumani nhưng bộ máy hành chính liên quan đến việc thực thi hợp đồng còn thiếu hiệu quả. Điều này có ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của nền kinh tế thị trường bởi vì trong nền kinh tế thị trường hợp đồng giữa các bên đóng vai trò quan trọng trong quan hệ mua bán, trao đổi; do đó chỉ số thực thi hợp đồng cao sẽ làm cho chi phí giao dịch của nền kinh tế cao, cản trở các doanh nghiệp và các tác nhân trong nền kinh tế tham gia và tiến hành hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Giáo sư Douglas North - nhận Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1993 vì có công trong phát triển một nhánh của kinh tế học là kinh tế học thể chế mới - cho rằng vai trò của thể chế kinh tế thị trường là nhằm giảm chi phí giao dịch (transaction cost). Một nền kinh tế phát triển sẽ có chỉ phí giao dịch thấp, trong khi đó một nền kinh tế chậm phát triển thường có chỉ phí giao dịch ở mức cao. Do đó, chi phí thực thi hợp đồng lớn sẽ là rào cản cho sự phát triển của nền kinh tế và phản ánh thể chế kinh tế thị trường còn thiếu hiệu quả.

4. Bảo vệ quyền tài sản

Bảo vệ quyền tài sản là vai trò tối quan trọng của nhà nước (Acemoglu và Zalibott, 2001; Acemoglu and Dell, 2010). Quyền tài sản, bao gồm tài sản hữu hình và vô hình được bảo vệ sẽ tạo động lực cho các tác nhân trong nền kinh tế đầu tư, kinh doanh và sản xuất; từ đó thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế thị trường. Nếu chỉ số bảo vệ quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ càng cao chứng tỏ nhà nước đã tạo khung pháp lý và thực hiện các quy định bảo vệ tài sản của người dân tốt.

Đồ thị Bảo vệ quyền tài sản, thể hiện diễn biến chỉ số phản ánh thực trạng bảo vệ quyền tài sản của người dân từ năm 2003 cho tới năm 2014.

Đồ thị bảo vệ quyền tài sản[2]

Đồ thị cho thấy đã có sự cải thiện của hầu hết các nước trong bảo vệ quyền tài sản. Nếu so sánh giữa các nước, chỉ số bảo vệ quyền tài sản của Việt Nam nằm trong nhóm các nước được đánh giá chuyển đổi chưa thành công như Nga. Bungari và Rumani. Quyền tài sản (gồm cả tài sản hữu hình và vô hình như sở hữu trí tuệ) chưa được xác định rõ ràng và chưa được pháp luật bảo vệ tốt của nước ta làm giảm động lực sáng tạo, giảm khả năng ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển sản phẩm. Theo nhận định của Mallon (2015), Việt Nam “mới chỉ đạt được tiến bộ ở mức rất hạn chế trong việc phát triển các thể chế cho việc thực thi quyền sở hữu tài sản. Rất ít công ty sử dụng hay tin tưởng vào hệ thống tòa án. Chi phí (chính thức và không chính thức), thời gian để giải quyết các vụ việc, và những khó khăn trong việc thực thi các quyết định của Tòa án đang hạn chế việc sử dụng Tòa án”.

Ngược lại, các nước được đánh giá chuyển đổi thành công như Trung Quốc, Séc, Ba Lan có điểm số về bảo vệ quyền tài sản - gồm có việc xác lập rõ ràng quyền tài sản và bảo vệ quyền tài sản – cao hơn so với các nước được đánh giá chuyển đổi chưa thành công.

5. Mức độ cảm nhận tham nhũng

Nhận thức của người dân về mức độ tham nhũng phản ánh quan điểm của người dân về sự công minh của một quốc gia trong vấn đề kiểm soát các lợi ích nhóm và bảo đảm sự công bằng cho các thành viên trong nền kinh tế, phản ánh khả năng quản trị của nhà nước.

Chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index) đánh giá về mức độ nhận thức tham nhũng của người dân đối với khu vực công trong thang điểm 0 (mức độ tham nhung cao) – 100 (không có tham nhũng). Chỉ số quản trị toàn cầu (World Governor Indicator) đưa ra chỉ số kiểm soát tham nhũng phản ánh mức độ nhận thức rằng quyền lực công được lạm dụng để tư lợi cá nhân (%). Chỉ số này được tổng hợp dựa trên các chỉ số cảm nhận tham nhũng của các tổ chức khác nhau bằng công cụ thống kê UCM (unobserved component model - mô hình các thành tố không quan sát được) (Kaufmann và cộng sự, 2010).

Đồ thị chỉ số cảm nhận tham nhũng[3]

Đồ thị chỉ số cảm nhận tham nhũng, thể hiện diễn biến chỉ số cảm nhận tham những từ năm 1998 cho đến năm 2016. Chỉ số cảm nhận tham nhũng có sự tăng mạnh kể từ năm 2012 cho hầu hết các nước. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng trong tham nhũng của các nước trong nhóm so sánh đã giảm rất nhiều hay nổi cách khác kiểm soát tham nhũng đã được cải thiện tại 8 nước so sánh.

Chỉ số cảm nhận tham nhũng càng thấp thì mức độ tham nhũng càng cao, ngược lại chỉ số cảm nhận tham nhũng càng cao thì mức độ tham nhũng càng thấp.

Việt Nam và Nga là hai nước có chỉ số cảm nhận tham nhưng thấp nhất trong những năm cuối của giai đoạn nghiên cứu. Trong khi đó, các nước chuyển đổi thành công như Ba Lan, Séc và Hunggari có chỉ số cảm nhận tham nhũng cao cho thấy kiểm soát tham nhũng ở các nước này rất tốt. Mặc dù Trung Quốc được đánh giá chuyển đổi thành công với nhiều thành tựu kinh tế đạt được nhưng chỉ số cảm nhận tham nhũng nằm trong nhóm các quốc gia chuyển đổi chưa thành công như Bungari, Nga và Rumani.

Ngân hàng Thế giới đã từng vi tham nhũng như những hạt cát ném vào guồng máy kinh tế. Có nghĩa, tham nhũng sẽ làm cản trở hoạt động của nền kinh tế. Mặc dù tham nhũng được đánh giá có tác động tiêu cực đến tăng trưởng và phát triển kinh tế nhưng tham nhũng cũng có thể tác động tích cực như là chất dầu bôi trơn để guồng máy kinh tế hoạt động tron tru hon.

So sánh giữa các nước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường cho thấy tham nhũng thường là “hạt cát" hơn là chất bôi trơn” trong cỗ máy kinh tế hoạt động. Trường hợp của Trung Quốc tương đối đặc biệt bởi vì nước này vừa có mức độ tham nhũng nghiêm trọng lại vừa có tăng trưởng kinh tế cao trong thời kỳ dài. Có lẽ quy mô của nền kinh tế và tiềm năng kinh tế (nguồn nhân lực chất lượng cao, mạng lưới Hoa kiều ở khắp nơi trên thế giới tạo thành mạng lưới thương mại, cung cấp vốn cho Trung Quốc, kết cấu hạ tầng tương đối tốt...) đã lấn át các tác động tiêu cực của tham nhũng.

Nghiên cứu của Tanzi và Davoodi (1997) chỉ ra rằng, tham nhũng có thể làm cho chi tiêu giáo dục và y tế thấp và các dự án đầu tư công thường lớn nhưng rất thiếu hiệu quả. Tham nhũng không phải là thành tố của thể chế kinh tế nhưng nó phản ánh mức độ phát triển của thể chế kinh tế và trong nhiều nghiên cứu định lượng, chỉ số tham nhũng thường được lấy như biến đại diện cho biến thể chế (xem Mauro, 1997; Wei, 1998).

Phần này đã thể hiện các chỉ số liên quan đến hệ thống pháp luật. Đây được coi là thành phần quan trọng để đánh giá sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Mặc dù chưa thể dựa ra kết luận rõ ràng cho các quốc gia trong nhóm so sánh vì các chỉ số thành phần không phải bao giờ cũng được phân chia rõ ràng cho nhóm các nước chuyển đổi thành công và chưa thành công; thế nhưng có những chỉ số như thực thi hợp đồng, bảo vệ quyền tài sản và mức độ cảm nhận tham nhũng lại phân tách tương đối rõ ràng giữa hai nhóm nước. Trong 3 chỉ số sau cùng này, Việt Nam luôn nằm trong nhóm các nước chuyển đổi chưa thành công.

Như vậy, thành tựu kinh tế đạt được sau hơn 30 năm đổi mới có thể là kết quả của mở cửa nền kinh tế, cởi trói cho các nguồn lực sản xuất phát triển và phân bổ hiệu quả, tuy nhiên, nếu không xây dựng được thành công một nhà nước pháp quyền với các khía cạnh như tư pháp độc lập, tòa án công minh, thực thì hợp đồng hiệu quả, bảo vệ tốt quyền tài sản và kiểm soát tốt tham nhũng thì đây có thể là rào cản cản trở sự phát triển của nước ta trong thời gian tới. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần được xây dựng dựa trên sự hoàn thiện của một nhà nước pháp quyền có bộ máy hành chính thanh liêm, minh bạch, và hiệu quả.

 


[1] Nguồn: Ngân hàng Thế giới và Viện Fraser

[2] Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Viện Fraser

[3] Nguồn: Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Minh bạch Quốc tế

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành