Thứ năm, 19 Tháng 10 2023 03:04

Thực trạng phát triển thương mại điện tử ở các quốc gia vùng Vịnh

1. Xu hướng phát triển thương mại điện tử ở các quốc gia Arập vùng Vịnh hiện nay

Các quốc gia vùng Vịnh (gọi tắt là GCC - Gulf Cooperation Council) gồm 6 nước là Arập Xêút, Côoét, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Cata, Baren và Ôman. Thị trường này trước nay vẫn được biết đến là nơi thương mại điện tử không phổ biến. Tuy nhiên, đầu năm 2018, khu vực này bắt đầu được chú ý khi Amazon mua Souq.com - trang bán hàng ở UAE. Một số trang thương mại điện tử mới cũng sắp ra mắt. Các quốc gia Trung Đông nằm trong nhóm có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới. Tuy nhiên, thương mại điện tử tại đây chưa phát triển. Theo hãng nghiên cứu và tư vấn Gartner, thương mại số chỉ chiếm ít hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực năm 2016. Theo ông Gene Alvarez, Phó Chủ tịch Gartner dự đoán: Chỉ có 15% doanh nghiệp tại đây có trang web và 90% mua sắm trực tuyến đều từ bên ngoài khu vực. Tuy nhiên, với sự thâm nhập của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới cũng như hỗ trợ của chính phủ, trong vài năm tới Trung Đông sẽ cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thương mại số.

Người tiêu dùng ngày càng tiếp cận thông tin về sản phẩm cũng như tiến hành mua bán sản phẩm thông qua các kênh thương mại điện tử hoặc kênh bán hàng trên truyền hình thay vì trực tiếp tìm mua sản phẩm tại các gian hàng trưng bày, siêu thị,... Xu hướng này diễn ra trên toàn thế giới và các quốc gia Arập vùng Vịnh. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng này có thể kể đến:

Sự đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hoàn thiện hệ thống quản lý phương tiện truyền thông hiện đại ở các quốc gia Arập vùng Vịnh.

Sự phổ cập internet và các thiết bị kỹ thuật như: tivi, điện thoại thông minh, máy tính bảng, tham gia vào hầu hết các hoạt động từ giải trí tới công việc của con người khiến thời gian con người sử dụng các thiết bị này ngày càng nhiều và hoạt động thương mại cũng ứng dụng những phương tiện này để tiếp cận gần hơn so với người tiêu dùng.

Các trang thương mại điện tử, bán hàng trên truyền hình ngày càng được cá nhân hóa, doanh nghiệp có thể nắm bắt và đáp ứng nhu cầu của từng khách hàng. Đối với người tiêu dùng, các kênh mua bán này ngày càng trở nên dễ sử dụng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian.

Công nghệ đang làm thay đổi thói quen sinh hoạt của người tiêu dùng và trong đó có cả hành vi mua sắm. Theo báo cáo của McKinsey & Company, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất có 78% điện thoại thông minh truy cập internet, đưa quốc gia này vươn lên vị trí hàng đầu trên toàn cầu. Tại Arập Xêút, nền kinh tế lớn nhất của Trung Đông, khoảng 22 triệu dân trong số 31 triệu dân sử dụng thiết bị di động thông minh, tương đương với tỷ lệ là 72,8%[1]. Trong khi ở quốc gia còn lại của Trung Đông, điện thoại thông minh vẫn chưa phổ biến, năm 2025 tổng số điện thoại thông minh trong khu vực này là 90%. Các tiểu vương quốc Arập thống nhất dẫn đầu sự phát triển của thương mại điện tử ở Trung Đông và Bắc Phi trong nhiều năm. Arập Xêut được đánh giá là thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai trong khu vực và hứa hẹn đầy tiềm năng trong tương lai với dân số đông và mạng lưới điện thoại thông minh phát triển. Tuy nhiên, sự dè dặt trong việc tự do hóa nguồn thông tin cũng có thể cản bước tiến của quốc gia này. Côoét với dân số khiêm tốn nhưng lại là quốc gia chiếm tỷ lệ người tiêu dùng trực tuyến khá cao trong khu vực và Baren cũng có tốc độ phát triển thị trường thương mại trực tuyến nhanh chóng. Trong khi đó, tại Cata, Oman, số lượng người truy cập internet đã tăng nhanh chóng nhưng chỉ có một phần nhỏ người sử dụng internet nắm bắt được lợi ích của việc mua sắm trực tuyến, nên thị trường thương mại điện tử lại chưa thật sự phát triển.

Các phương thức thanh toán trực tuyến ra đời đem lại sự tiết kiệm về thời gian, sự tiện lợi khi có thể mua sắm ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, đa dạng về sự lựa chọn trên những trang thương mại điện tử. Các mặt hàng thời trang như quần áo, túi xách,... là những sản phẩm mua trực tuyến phổ biến nhất tại Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (24%), Côoét (63%), Arập Xêút (14%)[2],....

Đối tượng người tiêu dùng trẻ tuổi tham gia kênh thương mại điện tử trên máy tính, điện thoại với số lượng ngày càng tăng, bởi họ có khả năng tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng thích ứng và sử dụng các công nghệ cao. Cũng từ nhu cầu này mà website công ty với nhiều hình thức tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng; giúp người tiêu dùng chủ động tìm đến những thông tin về thương hiệu và sản phẩm. Trên môi trường số hóa, người tiêu dùng không chỉ tìm được thông tin về sản phẩm mà còn có thể tìm thấy những đánh giá của người đã sử dụng sản phẩm đó để đưa ra quyết định mua. Bên cạnh thương mại điện tử thì trong thời gian gần đây đã ghi nhận sự soán ngôi của quảng cáo kỹ thuật cao trên tivi với báo in. Đối với khách hàng là người cao tuổi không thường xuyên sử dụng internet thì những tờ rơi, tạp chí giới thiệu sản phẩm vẫn là kênh truyền thông thích hợp với đối tượng này.

2. Tổng quan thị trường thương mại điện tử ở các quốc gia Ảrập vùng Vịnh

Trong cuộc chiến giành thị phần, các trang thương mại điện tử nội địa chiếm ưu thế so với những đại gia đến từ nước ngoài. Mặc dù mới ra đời nhưng những trang thương mại điện tử nội địa đã tiếp thu được những ưu điểm của những trang ra đời trước đó, đồng thời tận dụng được lợi thế trong nước mà những trang nước ngoài không thể có được.

Nếu như eBay, Amazon, Alibaba, Carrefouruae.com,... là thương hiệu mua sắm trực tuyến trên thế giới thì ở thị trường các nước vùng vịnh, Souq.com, Cobone.com, Mumzworld.com, Aido.com, Letsango.com, Jadopado.com, Zagifts.com, hitthedeals.com, alshop.com, Wysada.com,... lại là những thương hiệu của các quốc gia Arập vùng Vịnh in đậm trong tâm trí người tiêu dùng.

Trong năm 2018, chỉ tính riêng trang thương mại điện tử Souq.com, có tới 25% người tiêu dùng Các tiểu vương quốc Arập thống nhất và 18% người tiêu dùng Arập Xêút mua sắm trực tiếp trên trang Souq.com. Souq.com là thương hiệu đến từ Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, đồng thời cũng là trang thương mại điện tử nổi bật nhất trên thị trường khu vực Arập. Sở dĩ đạt được vị thế vững chắc như vậy là bởi Souq.com đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm nội địa như: quần áo, công nghệ, sản phẩm giải trí,... và quan trọng hơn cả là các sản phẩm của Souq.com phù hợp với tiêu chuẩn về đạo đức người theo đạo Hồi, phù hợp với văn hóa Arập[3]. Trang thương mại điện tử này thậm chí còn phát triển từng loại mặt hàng mục tiêu cho thị trường từng quốc gia như Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Arập Xêút, Côoét,... Mục tiêu kinh doanh của họ không phải hướng tới việc bán lẻ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nói chung mà đã cụ thể hóa các tiêu chuẩn tiêu dùng đối với từng đối tượng người tiêu dùng đến từ các quốc gia khác nhau. Còn các trang thương mại điện tử nước ngoài như: Amazon, eBay... cung cấp những sản phẩm từ nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu nhưng không phải sản phẩm nào cũng phù hợp với người tiêu dùng Arập, mặc dù những thương hiệu nổi tiếng có phát triển một số sản phẩm dành riêng cho những thị trường này nhưng còn hạn chế về mẫu mã, số lượng cũng như chỉ phục vụ một số đối tượng khách hàng. Ngoài ra, các trang thương mại điện tử khác khá phổ biến như Mumzworld.com cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho mẹ và bé; Basharacare cung cấp giải pháp chăm sóc da trực tuyến dành cho cả nam và nữ; Jadopado là một sàn đấu giá nơi người ta có thể mua và bán các mặt hàng mới hoặc đã được sử dụng....

So với những đại gia ngoại quốc, các trang thương mại điện tử nội địa còn có lợi thế về mặt thanh toán cùng chế độ hậu mãi. Các phương thức thanh toán trực tiếp bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thanh toán thông qua bên thứ ba là Paypal, hoặc thanh toán trực tiếp trên CashU - một ứng dụng thanh toán trả trước trên di động ở khu vực Arập. Ngoài ra, khách hàng có thể nhận hàng rồi thanh toán trả sau bằng tiền mặt cho đơn vị chuyển phát thông qua dịch vụ thu hộ (COD - Collect on delivery). Như vậy, khách hàng có thể được bảo đảm rằng họ sẽ nhận đúng mặt hàng mà mình đã đặt mua trước khi thực hiện giao dịch thanh toán, đồng thời khi phát hiện mặt hàng đó không đáp ứng được yêu cầu hoặc bị lỗi, hỏng thì họ cũng có thể dễ dàng trả lại cho công ty vì kho hàng công ty được đặt ngay tại nội địa. Còn với những trang thương mại điện tử nước ngoài, khách hàng phải có thể tín dụng quốc tế mang thương hiệu Visa, Master, JCB,... mới có thể thanh toán được. Các trang thương mại điện tử nước ngoài cũng không có hình thức thanh toán khi nhận hàng nên khách hàng thường lựa chọn thanh toán qua PayPal, là bên thứ ba đứng ra phong tỏa số tiền mà bên mua chuyển vào tài khoản bên bán cho đến khi bên mua nhận được món hàng hoặc dịch vụ. Người mua có thể được hoàn tiền khi xảy ra tranh chấp nhưng việc hoàn tiền cũng đòi hỏi thời gian lâu hơn vì khoảng cách địa lý cũng như thủ tục thông qua bên thứ ba là PayPal.

Mặc dù không đạt được vị trí bán lẻ hàng đầu nhưng những trang thương mại điện tử nước ngoài vẫn đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng, chứng tỏ sự hấp dẫn của thương hiệu uy tín và cam kết chất lượng của họ đã được khẳng định trên toàn cầu; khiến cuộc chạy đua giành thị phần ngày càng khốc liệt.

3. Thực trạng sử dụng thương mại điện tử ở Việt Nam

Tính đến tháng 01-2020, Việt Nam có 69 triệu người dùng internet, chiếm gần 68% dân số, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2019. Số người dùng internet được xem là ở mức cao trên thế giới, tuy nhiên tỷ lệ người dùng vẫn ở mức trung bình. Việt Nam có đến 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 48% dân số[4].

Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin có 10% số người tham gia khảo sát cho biết, thời ượng sử dụng internet mỗi ngày là dưới 3 giờ; 36% số người tham gia khảo sát sử dụng internet từ 3-5 giờ mỗi ngày. Đa số người tham gia khảo sát sử dụng internet hằng ngày để tham gia các diễn đàn, mạng xã hội (81,2%), truy cập e-mail (73,8%), xem phim ảnh, nghe nhạc (64,8%) và nghiên cứu học tập (63,9%). Đối với các hoạt động như mua bán cá nhân, phần lớn người khảo sát có tần suất hoạt động hằng tháng (36,2%).

Kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin với người dân có mua sắm trực tuyến năm 2019 cho thấy, 58% số người truy cập internet đã từng mua hàng trực tuyến. Loại hàng hóa được mua trực tuyến phổ biến là đồ công nghệ và điện tử chiếm 60. Các mặt hàng được người tiêu dùng trực tuyến ưa chuộng khác là quần áo, giày dép, mỹ phẩm (60%), sau đó đến đồ gia dụng (34%), sách và văn phòng phẩm (31%[5])....

Năm 2020, giao dịch thông qua mạng xã hội sẽ tạo nên bước ngoặt mới trong hành vi mua sắm trực tuyến. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội đã tăng tương tác giữa người bán và người mua. Điều này dẫn đến việc các chủ đơn vị kinh doanh, các cửa hàng bán hàng có thể nhận được nhiều đơn hàng từ các kênh mạng xã hội Theo kết quả điều tra khảo sát năm 20120, có 10% người mua hàng trực tuyến trả lời rất hài lòng với phương thức mua hàng này 41% người mua trả lời hài lòng, tăng đáng kể với tỷ lệ 29% của năm 2019; 48% người mua cho biết cảm thấy bình thường và chỉ 5% số người được hỏi trả lời không hài lòng.

Rõ ràng thị trường thương mại điện tử của Việt Nam hứa hẹn tăng trưởng tốt trong thời gian sắp tới. Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử khi nhiều doanh nghiệp lớn về thương mại điện tử trên thế giới như Alibaba, eBay... đều có sự đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt xu hướng các “chợ ảo” xuất hiện, dưới nhiều hình thức khác nhau và có xu hướng tăng nhanh. Hiện có khoảng 180 doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó không ít trang web đã tạo được uy tín trên thị trường như EnBac, Muare... Và thực tế chứng minh ở Việt Nam đã xuất hiện đa dạng các loại hình thương mại điện tử như: loại hình C2C (Consumer to Consumer), B2C (Business to Consumer) hoặc B2B (Business to Business) và gần đây có B2T (Business to Team) với các trang như FPT, Vingroup, VTC, VNG cho tới những doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp.

Dù tiềm năng phát triển rất lớn, song thương mại điện tử tại Việt Nam cũng gặp không ít trở ngại như sự phát triển thiếu bền vững, người tiêu dùng còn nghi ngại về sản phẩm, thiếu sức hấp dẫn cũng như một số công cụ hỗ trợ khách hàng... Bên cạnh những trang mua sắm đang thể hiện rõ tính chuyên nghiệp như Lazada, Thegioididong, Sendo, Shopee, Tiki... được đầu tư bài bản, đâu đó vẫn còn tồn tại các loại hình mua săm qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo, Titok... với quy mô dù nhỏ lẻ nhưng số lượng lại vô cùng lớn. Trong khi đó, chi phí cho hoạt động của những kiểu bán hàng qua “mạng xã hội” này không đáng kể. Điều này khiến cho sự cạnh tranh trở nên khập khiễng do các trang bản hàng tên tuổi phải đầu tư bài bản từ con người đến hệ thống vận hành..., nên phải chịu các gánh nặng về chi phí liên quan. Trên thực tế, đã không ít thương hiệu rời bỏ cuộc chơi trong thời gian qua như Beyeu, Deca, Foodpanda... không ít doanh nghiệp cũng đã rút lui lặng lẽ. Do vậy, dù được đánh giá là màu mỡ nhưng mảnh đất thương mại điện tử không dễ đãi ngộ bất cứ ai và đâu đó, nhiều thương hiệu trong lĩnh vực này vẫn trong giai đoạn khó khăn để tìm chỗ đứng cho mình. Nhiều thương hiệu có tên tuổi không hề có chính sách bán hàng qua trang thương mại điện tử, dẫn đến thực tế là hàng hóa thiếu tính đa dạng về chủng loại. Trong khi đó, các thương hiệu có chính sách bán hàng qua mạng lại chủ yếu là những sản phẩm nội địa. Thông thường, lợi nhuận của nhãn hiệu nội địa chỉ khoảng 40-45%, trong khi đó chỉ phí phải trả cho đơn vị thương mại điện tử khá cao, trung bình là 30%. Để hạn chế rủi ro từ việc trả hàng, tồn hàng, hàng qua mùa, hay các chương trình khuyến mãi của trang thương mại điện tử..., các nhà bán lẻ phải đưa giá thành cao hơn. Vô hình trung, trang thương mại điện tử mang tính quảng cáo nhiều hơn, thậm chí còn trở thành một kênh tốt để các nhà bán lẻ thực hiện việc tiếp thị hay làm thương hiệu.

4. Tiếp cận khách hàng các quốc gia Arập vùng Vịnh thông qua thương mại điện tử

Thị trường các quốc gia Arập vùng Vịnh là một thị trường giàu tiềm năng xuất khẩu đối với các sản phẩm đến từ Việt Nam. Theo Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á - Bộ Công Thương thì trong giai đoạn 2003-2012 tổng kim ngạch hai chiều Việt Nam - Các quốc gia Arập vùng Vịnh tăng 12,4 lần (392,4 triệu USD năm 2003 lên 4,87 tỷ USD năm 2012). Trong đó xuất khẩu tăng 28,1 lần (từ 95,6 triệu USD năm 2003 lên 2,69 tỷ USD năm 2012) và nhập khẩu tăng 7,3 lần (từ 269,8 triệu USD năm 2003 lên 2,18 tỷ USD năm 2012)[6].

Tốc độ tăng trưởng nhanh của xuất khẩu Việt Nam sang thị trường các quốc gia Arập vùng Vịnh chứng tỏ chất lượng của hàng hóa Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng tại đây về chủng loại cũng như chất lượng. Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất là: điện thoại và các loại linh kiện chiếm 63,5% thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Những mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam như: hàng tiêu dùng (giày, dệt may,...); hàng nông sản (hạt điều, hạt tiêu, cà phê, gạo, chè), hàng thủ công mỹ nghệ (mây tre, gốm, sứ)... được xuất khẩu với số lượng khiêm tốn.

Các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khách hàng chủ yếu qua các kênh như: hội chợ, triển lãm, siêu thị chuỗi cửa hàng (ví dụ: Trung Nguyên Coffee) ... nhưng lại chưa khai thác tốt mảng thương mại điện tử. Một số sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam như: Trung Nguyên Coffee, Kẹo dừa Anh Quí, Ba cô gái (gạo, bún, bánh tráng...)... đã có mặt trên website bán hàng trực tuyến Amazon.com nhưng như đã trình bày ở trên, mức độ phổ biến của các website nước ngoài không thể bằng các website bản địa. Chính vì thế, doanh nghiệp có thể sử dụng hệ thống website phổ biến tại đây để hỗ trợ việc tiếp cận người tiêu dùng các quốc gia Arập vùng Vịnh. Việc quảng cáo trên các trang thương mại điện tử cũng có mức giá rẻ hơn so với quảng cáo trên truyền hình hoặc trên các tạp chí, báo in...

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần nắm bắt được thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi, họ tiếp nhận thông tin sản phẩm của người tiêu dùng các quốc gia Arập vùng Vịnh thông qua các phương tiện kỹ thuật số, truyền hình, cũng như các nguồn mua sắm trong năm, theo Dany Azzi từ FPT, Rivadh thì số liệu thống kê cho thấy trong mùa Ramadan, thời điểm sức mua tăng cao nhất trong năm khi nhu cầu hàng hóa và dịch vụ trong tháng Ramadan tại khu vực Arập đã tăng 20-30% so với các tháng còn lại trong năm, các mặt hàng tiêu dùng như lương thực hải sản,… được tiêu thụ nhiều để phục vụ cho những buổi gặp mặt bạn bè, gia đình hoặc để bố thí. Tôn giáo và văn hóa là yếu tố không thể tách rời khi nhắc đến đặc trưng của người tiêu dùng tại các quốc gia Arập vùng Vịnh. Doanh nghiệp Việt Nam nếu không nghiên cứu kỹ các thông tin liên quan thì không thể đưa ra được chiến lược quảng cáo phù hợp. Hầu hết các hàng tập trung sản xuất quảng cáo trong dịp Ramadan, có thể kể đến Công ty phát thanh truyền hình tư nhân lớn nhất của khu vực MENA. MBC Group, cho hay Ramadan đã thu được 18% doanh thu từ quảng cáo. Đó là do người dân dành nhiều thời gian bên gia đình, bạn bè nên tỷ lệ người xem truyền hình cũng tăng cao trong thời điểm này. Tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam chưa mặn mà với việc triển khai những chương trình quảng các trọng điểm dành riêng cho mùa mua sắm như Ramadan, Những quảng cáo tôn vinh giá trị mà tháng Ramadan đem lại cho cộng đồng Hồi giáo như: lòng vị tha, bác ái, bao dung... thường chiếm được tình cảm và sự quan tâm của khán thính giả.

Đầu tư của Nhà nước trong việc phát triển hạ tầng truyền thông là một bước chuẩn bị để tiếp nhận thương mại điện tử. Thực tế trong năm gần đây, Việt Nam được chứng kiến môi trường bán lẻ trực tuyến bùng nổ ở khu vực Arập vùng Vịnh và hứa hẹn đầy triển vọng trong những thập niên tiếp theo. Mặc dù có sự chênh lệch về tốc độ phát triển nhưng xu hướng chung của khu vực là phát triển internet và mua sắm trực tuyến. Nắm được xu hướng này, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng gia nhập vào thị trường thương mại trực tuyến để có thể đưa sản phẩm của mình tới gần hơn với người tiêu dùng.

 


[1] Luke Richards (2019), Ecommerce stats: online shopping in the Middle East, Ipsos Research, Econsultance, https://econsultancy.com /blog/62744-ecommerce-stats-online-shopping-in-the-middle-east

[2] Rachel McArthur and Aya Nader, 2019

[3] Luke Richards (2019), Ecommerce stats: online shopping in the Middle East, Ipsos Research, Econsultance, https://econsultancy.com/ ecommerce-stats-online-shopping-in-the-middle-east

[4] http://ebi.vecom.vn/danh-sach-doi-tac/72/Cue-Thuong-mai-dien tu-va-Cong-nghe-thong-tin.aspx

[5] http://ebi.vecom.vn/danh-sach-doi-tac/72/Cue-Thuong-mai-dien tu-va-Cong-nghe-thong-tin.aspx

[6] Lê Linh (2016), Xuất khẩu của Việt Nam sang các nước GCC tăng 28 lần trong 10 năm (giai đoạn 2003-2012), Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành