Thứ hai, 23 Tháng 6 2014 00:00

Một số đặc điểm áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của tòa án nhân dân

Áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân là một hình thức cụ thể của áp dụng pháp luật nên khi thực hiện, người áp dụng pháp luật phải tuân theo những nguyên tắc chung và quy trình chung. Bên cạnh đó, áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân có những đặc điểm riêng biệt. Có thể có nhiều cách tiếp cận để nghiên cứu về vấn đề này. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu một số đặc điểm cơ bản như sau:

1. Áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử do Tòa án nhâ n danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện bằng quyền lực nhà nước

Hiến pháp năm 2013 khẳng định, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Trong việc thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với việc thực hiện chức năng xét xử các vụ án, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ cùng với các cơ quan tư pháp khác, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ pháp chế và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân. Là cơ quan duy nhất có chức năng xét xử, Tòa án nhân dân có quyền phán quyết cuối cùng để xác định tội phạm, hình phạt và để phân xử, giải quyết các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể quan hệ pháp luật trong đời sống xã hội thường ngày. Trong hoạt động của mình, Tòa án nhân dân phải tuân thủ các nguyên tắc chung của tổ chức và hoạt động bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các nguyên tắc của tổ chức và hoạt động tư pháp và các nguyên tắc đặc trưng cho hoạt động xét xử. Việc thực hiện các nguyên tắc riêng có trong hoạt động xét xử như nguyên tắc xét xử công khai; nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; nguyên tắc hai cấp xét xử; nguyên tắc khi xét xử có Hội thẩm nhân dân tham gia và Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán; nguyên tắc khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật v.v... đã tạo nên vị trí trung tâm và quan trọng của cơ quan Tòa án trong hoạt động tư pháp. Áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án phải tuân thủ triệt để các nguyên tắc nêu trên và điều quan trọng là phải luôn luôn xuất phát từ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc để bảo đảm tính công bằng và nghiêm minh trong việc ban hành các bản án. X.X. A-lếch-xây-ép đã từng nói:

Không phải ngẫu nhiên từ thời xa xưa Nữ thần công lý (Phemida) được mô tả dưới dạng một phụ nữ nghiêm khắc, lạnh lùng (để thể hiện tính vô tư, mắt nữ thần được bịt kín). Trong tay Nữ thần cầm một chiếc cân để cân đo sự thật. Nhưng Nữ thần công lý không chỉ có nét mặt nghiêm khắc mà là một phụ nữ rất xinh đẹp và tốt bụng.

Do hoạt động áp dụng pháp luật của cơ quan Tòa án nhân dân khi xét xử và các bản án được ban hành liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, tài sản của công dân, uy tín và lợi ích của các cơ quan nhà nước và các tổ chức trong xã hội nên Tòa án nhân dân ban hành bản án không nhân danh cá nhân người tiến hành tố tụng, không nhân danh cơ quan Tòa án mà nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để phán quyết và phân xử. Tòa án nhân dân được quyền nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhân danh quốc gia, nhân danh cả chế độ chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam để xét xử và ban hành bản án. Do đó, bản án của Tòa án nhân dân được ban hành qua xét xử không chỉ đơn thuần là một văn bản áp dụng quy phạm pháp luật như các cơ quan nhà nước khác mà còn có ý nghĩa thể hiện và minh chứng tính ưu việt của chế độ chính trị, của sự tôn trọng quyền dân chủ và sự giữ gìn, bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa của quốc gia. Tòa án được nhân danh quốc gia khi ra bản án là quy định của pháp luật nước ta nhằm tạo điều kiện để cơ quan Tòa án nhân dân thực thi công lý, công bằng xã hội; là cơ sở để Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân hoàn toàn độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử. Tòa án nhân dân nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhân danh quyền lợi chung của cả đất nước và của cả dân tộc đã và đang quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đường lối, chính sách lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính việc ban hành văn bản được phép nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tầm quan trọng của tư cách của chủ thể tiến hành áp dụng pháp luật như vậy nên vị thế của Tòa án nhân dân cũng khác hơn, đặc biệt hơn so với các cơ quan nhà nước khác trong toàn bộ bộ máy nhà nước. Mỗi một bản án, quyết định đúng đắn, chính xác, nghiêm minh và công bằng của Tòa án nhân dân là mỗi viên gạch xây dựng nên nền công lý xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển niềm tin yêu của nhân dân đối với cơ quan Tòa án, đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Nó có sức mạnh và tác dụng giáo dục to lớn ý thức tôn trọng pháp luật trong quần chúng nhân dân; sống và làm việc, xử sự theo đúng pháp luật và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình. Mỗi một bản án, quyết định oan sai trong quá trình áp dụng pháp luật khi xét xử của Tòa án nhân dân đều là những sai lầm nghiêm trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đến sự tín nhiệm của nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, đến quyền và lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Qua phân tích đã nêu trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng, áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân thể hiện trực tiếp quyền lực của Nhà nước, bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng như vậy, việc áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân càng chính xác, khách quan, công bằng, nghiêm minh thì càng thể hiện bản chất ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Ngược lại, những sai lầm khi áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, đặc biệt là việc xét xử oan, sai đều là những sai lầm nghiêm trọng và phải trả giá rất đắt.

Do đó, tính nghiêm minh và sự công bằng của áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân luôn là một trong những biểu hiện cụ thể nhất, sinh động nhất của nền công lý đất nước và là một trong những thước đo sự tiến bộ trong việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của công dân và các quyền của con người dưới chế độ xã hội chủ nghĩa...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 06 Tháng 11 2014 08:42

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành