Thứ tư, 08 Tháng 11 2023 09:45

Phân tích các chế định liên quan đến công nhận và cho thi hành đối với kết quả hòa giải thành của các quốc gia thành viên CPTPP

Các quốc gia có luật về hòa giải, mặc dù cách thể hiện của các quốc gia không hoàn toàn giống nhau, nhưng về cơ bản đều cho rằng, thỏa thuận hòa giải thành có hiệu lực thì hành đối với các bên và có thể được thi hành như phán quyết của Tòa án thông qua thủ tục công nhận hòa giải thành bởi Tòa án. Luật và các quy tắc trọng tài của các quốc gia này đều thể hiện nội dung tương tự. Tuy nhiên, Nhật Bản và Canada là quốc gia có một số khác biệt. Cụ thể:

Ở Malaixia, khi việc hòa giải kết thúc và các bên đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp thì các bên sẽ lập thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận giải quyết tranh chấp phải được lập thành văn bản có chữ ký của các bên tranh chấp. Hòa giải viên chứng thực thỏa thuận giải quyết tranh chấp và gửi cho mỗi bên tranh chấp một bản[1]. Thỏa thuận giải quyết tranh chấp có hiệu lực ràng buộc đối với tất cả các bên tranh chấp. Nếu vụ tranh chấp đã được đưa ra khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu công nhận và cho thi hành, thỏa thuận giải quyết tranh chấp có thể được thi hành như phán quyết về sự ưng thuận của các bên trong tranh chấp (consent judgment) hoặc phán quyết của Tòa án[2].

Tương tự, ở Peru, thỏa thuận đạt được qua quá trình hòa giải sẽ có hiệu lực ràng buộc với các bên, theo đó các bên có quyền yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận hòa giải thành như một phán quyết của Tòa án. Ngoài ra, thỏa thuận phải đáp ứng một số điều kiện về mặt hình thức như được lập bằng văn bản, có ngày và địa điểm hòa giải, có chữ ký của các bên, có tên hòa giải viên, và thỏa thuận hòa giải thành (dù toàn bộ hay một phần) cần thiết lập một cách chính xác các quyền và nghĩa vụ có thể thực hiện. Bên cạnh đó, thỏa thuận hòa giải phải thể hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến việc thiếu thỏa thuận hoặc vắng mặt bởi một bên nếu các bên và hòa giải viên thấy phù hợp (theo Điều 18 Luật Hòa giải năm 1997 của Pêru).

Ở Singapo, tranh chấp được coi là giải quyết thành công nếu các bên đạt được Thỏa thuận hòa giải thành (mediated settlement agreement). Trước đây, việc thi hành Thỏa thuận hòa giải thành vẫn phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên tranh chấp. Tuy nhiên, từ sau khi Luật Hòa giải Singapo năm 2017 có hiệu lực, thỏa thuận này sẽ có cơ chế hỗ trợ bắt buộc thi hành từ phía Tòa án. Cụ thể, khi một thỏa thuận hòa giải được đưa ra với sự đồng ý của tất cả các bên khác mà không có thêm bất kỳ thủ tục tố tụng nào được tiến hành tại Tòa án, thì một bên tranh chấp có thể nộp đơn đến Tòa án để yêu cầu công nhận thỏa thuận hòa giải thành như một lệnh hay phán quyết của Tòa. Ngoài ra, để được Tòa án công nhận, thỏa thuận hòa giải thành phải đáp ứng các điều kiện như: được lập thành văn bản, và có chữ ký của tất cả các bên tranh chấp; đơn yêu cầu công nhận phải được gửi đến Tòa án trong vòng 8 tuần kể từ ngày hòa giải thành; việc hòa giải đã được thực hiện bởi một Trung tâm hòa giải hoặc một hòa giải viên đã được chứng nhận theo quy định của cơ quan, có thẩm quyền tổ chức.

Không giống với các nước nói trên, pháp luật của Mêhicô quy định thỏa thuận đạt được qua quá trình hòa giải sẽ có hiệu lực ràng buộc với các bên và có thể được thi hành như một phán quyết của Tòa (Điều 38, Điều 51 Luật Tư pháp thay thế) nếu như tuân thủ đầy đủ về mặt hình thức như được lập bằng văn bản, có ngày và địa điểm hòa giải, có chữ ký của các bên, có nội dung tranh chấp giữa các bên mà dẫn tới việc phải hòa giải và có tài liệu chứng minh hòa giải viên có đầy đủ năng lực để tiến hành hòa giải theo luật định... (Theo Điều 50 có quy định 11 điều kiện liên quan). Tuy nhiên, không có cơ chế cụ thể nào để thực thi các thỏa thuận hòa giải thành trước Tòa án, không đề cập thủ tục để thực thi các thỏa thuận này trước Tòa án sẽ dựa trên yêu cầu của các bên (qua việc nộp đơn đến Tòa) hay theo thủ tục nào khác. Do vậy, cho đến nay, rất hiếm thỏa thuận hòa giải thành nào có hiệu lực pháp lý như vậy[3].

Trong khi đó, ở Nhật Bản, luật không quy định nhưng về nguyên tắc, một thỏa thuận hòa giải thành đạt được giữa các bên được coi như một thỏa thuận đơn thuần giữa các bên. Nếu như một bên vi phạm thỏa thuận đó, bên còn lại cần khởi kiện tại Tòa án để thi hành[4]. Bên cạnh đó, Hiệp định Trọng tài thương mại Nhật Bản (The Japan Commercial Arbitration (JCAA)) không quy định việc gửi đơn yêu cầu Tòa ấn công nhận và thi hành kết quả hòa giải thành. JCAA đưa ra quy tắc: i) Trong trường hợp các bên đạt được thỏa thuận hòa giải trong quá trình hòa giải, các bên sẽ thông báo cho hòa giải viên về việc đó và gửi bản sao của thỏa thuận dàn xếp cho JCAA. Thỏa thuận hòa giải phải có chữ ký của hòa giải viên với tư cách là nhân chứng theo yêu cầu của tất cả các bên; ii) Một trong hai bên có thể yêu cầu JCAA chứng thực rằng thỏa thuận hòa giải là kết quả của quá trình hòa giai do JCAA thực hiện.

Còn tại Canada, nếu việc hòa giải đi đến kết quả thống nhất về một phương án giải quyết tranh chấp thì kết quả này thường được ghi nhận giá trị như một thỏa thuận mới (thỏa thuận hòa giải thành) giữa các bên tranh chấp, có giá trị ràng buộc họ. Một số bang có luật, ví dụ như bang Ontario, cho phép một bên được yêu cầu Tòa tối cao bang ra phán quyết (mới) dựa trên kết quả này hoặc ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành này. Pháp luật về hòa giải thương mại ở Canada cũng quy định chi tiết các thủ tục cần thiết để thực hiện các yêu cầu này. Việt Nam quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại tương tự với đa số các quốc gia nói trên. Theo pháp luật Việt Nam, kết quả hòa giải thành có giá trị như thỏa thuận mới và có hiệu lực ràng buộc các bên. Nếu kết quả hòa giải thành không được tự nguyện thi hành, một bên có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Quyết định công nhận của Tòa án sẽ là căn cứ để thực hiện thủ tục thi hành án dân sự. Chú ý là quyết định công nhận của Tòa án chỉ có giá trị từ góc độ cưỡng chế thi hành án dân sự, còn từ góc độ hiệu lực của kết quả hòa giải thành, quyết định không công nhận của Tòa án không ảnh hưởng tới nội dung và giá trị pháp lý của kết quả này.

Để thỏa thuận hòa giải thành được cơ quan thi hành án dân sự thi hành thì thỏa thuận này phải được Tòa án công nhân. Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa đổi, bổ năm 2019, 2020 (Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) quy định về Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án bao gồm nhiều trường hợp:

“1. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

2. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hỏi giải. Trường hợp nối dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.

3. Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.

4. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba”.

Đối với nhóm quốc gia không có luật về hòa giải, các quy tắc của Trung tâm hòa giải đề cập nội dung này. Ví dụ, Trung tâm hòa giải ở Ôxtrâylia và Niu Dilân đều đưa ra quy tắc mà theo đó thỏa thuận hòa giải thành phải được lập thành văn bản và có chữ ký của các bên. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực ràng buộc đối với các bên và các bên có thể nộp đơn ra Tòa án đề nghị thi hành các nội dung trong thỏa thuận đó. Thỏa thuận hòa giải thành giữa các bên có thể được đưa ra theo yêu cầu của Tòa án hoặc trong bất cứ thủ tục tố tụng nào phát sinh sau quá trình hòa giải. Nói cách khác, thỏa thuận hòa giải thành có thể coi là một chứng cứ được các bên đưa ra để minh chứng cho việc không tích cực thực hiện nghĩa vụ nếu như các bên tiếp tục khởi kiện ra tòa, hoặc tố tụng trọng tài mặc dù đã có thỏa thuận hòa giải thành. Brunây cũng có cách tiếp cận tương tự, nhưng quy tắc của trung tâm có đưa ra mẫu thỏa thuận hòa giai thành để các bên tuân theo nhằm bảo đảm thống nhất về mặt hình thức. Ở Chilê, theo quy tắc của Trung tâm trọng tài và hòa giải Santiago, nếu buổi hòa giải kết thúc với thỏa thuận toàn bộ hoặc một phần, một biên bản sẽ được ban hành và được ký bởi các bên liên quan. Tài liệu này sẽ được coi như một hợp đồng giao dịch mới (với tất cả các hiệu lực và mục đích pháp lý) để sau đó được ban hành như một chứng thư công khai. Nếu có thể, hòa giải viên sẽ bảo đảm rằng thỏa thuận được các luật sư của tất cả các bên liên quan xem xét. Cả Trung tâm trọng tài và hòa giải cũng như các hòa giải viên sẽ không chịu trách nhiệm về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được quy định trong thỏa thuận. Như vậy, nếu các bên không tự nguyện thi hành thỏa thuận hòa giải thì có thể xem là vị phạm hợp đồng và có thể tiếp tục bị khởi kiện đối với việc vì phạm hợp đồng mới” đó.

Một số quốc gia có quy định về các trường hợp không công nhận kết quả hòa giải thành bao gồm Singapo và Canada.

Cụ thể, ở Singapo, song song với các quy định về công nhân kết quả hòa giải thành bởi Tòa án thì Luật Hòa giải Singapo năm 2017 cũng có các quy định về việc không công nhận kết quả hòa giải. Điều 12.(4) Luật này quy định Tòa án có thể từ chối công nhận thỏa thuận hòa giải thành dưới dạng một lệnh của Tòa nếu:

- Thỏa thuận vô hiệu do có một bên không đủ năng lực, do gian lận, thông tin sai, ép buộc, nhầm lẫn hoặc bất kỳ lý do nào khác dẫn đến hợp đồng vô hiệu - Vấn đề của thỏa thuận không có khả năng giải quyết;

- Bất kỳ điều khoản nào của thỏa thuận không có khả năng thực thi như lệnh của Tòa án;

- Khi vấn đề tranh chấp liên quan đến quyền lợi của trẻ em hoặc quyền nuôi con, một hoặc nhiều điều khoản của thỏa thuận không vì lợi ích tốt nhất của đứa trẻ;

- Việc công nhận thỏa thuận hòa giải thành dưới dạng lệnh của Tòa án là trái với chính sách công.

Như vậy, Singapo không liệt kê cụ thể các điều kiện để được công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, mà chỉ nêu các điều kiện chung như thỏa thuận hòa giải thành phải được lập bằng văn bản, phải có chữ ký của các bên và người tiến hành hòa giải phải đủ tiêu chuẩn theo quy định... Sau đó, luật lại cụ thể hóa các căn cứ - là các trường hợp loại trừ mà kết quả hòa giải thành có thể không được công nhận.

Cách tiếp cận tương tự cũng được thể hiện trong các đạo luật về hòa giải ở một số bang của Canada, theo đó, một số trường hợp không công nhận kết quả hòa giải thành bao gồm:

(a) một bên tham gia hòa giải đã không ký vào thỏa thuận hòa giải thành hoặc thể hiện sự không đồng ý với các điều khoản thỏa thuận;

(b) thỏa thuận hòa giải thành có được do gian lận, hoặc

(c) thỏa thuận hòa giải thành không phản ánh chính xác các điều khoản mà các bên đã đồng ý để giải quyết tranh chấp liên quan.

Ngoài ra, Trung tâm hòa giải ở Niu Dilân cũng đưa ra bộ quy tắc hòa giải và trong đó có những căn cứ để kết quả hòa giải thành không được công nhận bởi chính trung tâm này, chứ không phải là căn cứ để Tòa án không công nhận. Điều này là hợp lý, bởi lẽ các căn cứ để Tòa án từ chối thì chỉ luật được quy định, còn các quy tắc trung tâm không thể điều chinh vấn đề này.

Như vậy, đối với các nước có luật nhưng không có quy định riêng về việc Tòa án từ chối công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, thì về cơ bản (về lý thuyết) chỉ cần thỏa thuận hòa giải thành đáp ứng đủ các điều kiện mà luật định (chủ yếu về hình thức) là được công nhân. Tuy nhiên, thực tế thì việc bổ sung căn cứ từ chối công nhận không làm gia tăng khả năng Tòa án không công nhận thỏa thuận hòa giải thành. Nếu như theo luật của Mêhicô hay Peru, thì cần chứng minh đầy đủ những yêu cầu trong luật, nếu không chứng minh được đầy đủ thì cũng không được công nhận. Trong khi đó, ở Singapo hay Canada, nếu Tòa án không công nhận thỏa thuận hòa giải thành thì phải chứng minh rõ ràng được việc tồn tại của một trong số các căn cứ để từ chối. Nếu Tòa án không chứng minh được một trong các căn cứ để từ chối công nhận thì kết quả hòa giải thành vẫn được công nhận.

Theo Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 của Việt Nam, để thỏa thuận hòa giải thành ngoài Tòa án được công nhận và cho thi hành thì thỏa thuận hòa giải thành phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định về mặt hình thức, phải có đơn yêu cầu công nhận... và đặc biệt, nội dung thỏa thuận phải “không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba” (khoản 4 Điều 417). Thực chất, khoản 4 nói trên cũng là một quy định mang tính chất “loại trừ”, giống như cách mà Canada và Singapo quy định. Tuy nhiên, việc “loại trừ như Canada quy định là do có biểu hiện tham nhũng, gian lận, còn Singapo quy định là do “trái với chính sách công” - khái niệm trái với chính sách công được giải thích cũng bao gồm cả việc có biểu hiện tham nhũng, gian lận. Như vậy, căn cứ để không công nhận thỏa thuận hòa giải thành ngoài Tòa án ở Singapo, Canada không hẳn đồng nhất với việc “không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba” theo pháp luật Việt Nam.

Công nhận và cho thi hành đối với kết quả hòa giải thành được tiến hành theo trình tự thủ tục nhất định ở đa số các quốc gia (Malaixia, Peru, Singapo, Ôxtrâylia, Niu Dilân, Brunây và Việt Nam), mặc dù cách thực hiện của các quốc gia không hoàn toàn giống nhau, nhưng về cơ bản đều cho rằng, thỏa thuận hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên và có thể được thi hành như phần quyết của Tòa án thông qua thủ tục công nhận hòa giải thành bởi Tòa án. Luật và các quy tắc trọng tài của các quốc gia này đều thể hiện nội dung tương tự.

- Trong khi đó, Quy tắc của Trung tâm hòa giải ở Chile lại coi thỏa thuận hòa giải thành như một hợp đồng giao dịch mới (với tất cả các hiệu lực và mục đích pháp lý) để sau đó được ban hành như một chứng thư công khai. Nếu các bên không tự nguyện thi hành thỏa thuận hòa giải thì có thể xem là vi phạm hợp đồng và có thể tiếp tục bị khởi kiện đối với việc “vi phạm hợp đồng mới” đó.

- Ngoài ra, một số quốc gia còn có quy định về các trường hợp không công nhận kết quả hòa giải thành, bao gồm Singapo và Canada, theo đó, không công nhận kết quả hòa giải thành trong các trường hợp “trái với chính sách công” khái niệm trái với chính sách công được giải thích cũng bao gồm cả việc có biểu hiện tham nhũng, gian lận. Tương tự, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 của Việt Nam cũng yêu cầu nội dung thỏa thuận phải “không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba” (khoản 4 Điều 417). Tuy nhiên, căn cứ để không công nhận thỏa thuận hòa giải thành ngoài Tòa án ở Singapo, Canada không đồng nhất với việc “không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba" theo pháp luật Việt Nam. Qua nghiên cứu cho thấy, các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP đã dành nguồn lực thỏa dáng trong việc xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư, bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài và tố tụng tòa án. Đối với cơ chế thương lượng, về cơ bản, đây là cơ chế tự giải quyết giữa các bên và cơ chế này ở các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP khá tương đồng. Bên cạnh đó, cơ chế trọng tài và tổ tụng tòa án nhìn chung đã phát triển, hoàn thiện về mặt thể chế hơn so với cơ chế hòa giải và thương lượng. Các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP đều có một khung pháp lý khá hoàn chỉnh để điều chỉnh cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư bằng trọng tài và tố tụng tòa án.

Đối với cơ chế hòa giải, trong những năm gần đây, đa số các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP đã quan tâm đến việc hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh sự vận hành của cơ chế này. Ở nhiều quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP (7/11 quốc gia thành viên), hoạt động hòa giải được điều chỉnh bởi một đạo luật riêng. Ngoài ra, tất cả các quốc gia đều có thiết chế/trung tâm hòa giải với các bộ quy tắc để các bên có thể áp dụng khi lựa chọn giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư tại trung tâm/thiết chế này. Thỏa thuận hòa giải thành, về cơ bản, có thể được bảo đảm thực thi bởi thủ tục công nhận và cho thi hành, mặc dù thủ tục này còn có một số khác biệt giữa các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP.

Đối với cơ chế tố tụng tòa án, quy định liên quan đến cơ chế này ở các quốc gia không hoàn toàn giống nhau bởi sự da dạng trong hệ thống tư pháp của từng quốc gia. Tuy nhiên, về cơ bản, nhóm các quốc gia cùng thuộc hệ thống dân luật (Nhật Bản, Mêhicô, Peru, Chilê và Việt Nam) có nhiều điểm tương đồng trong cơ chế tố tụng tòa án, trong khi đó, cơ chế tố tụng tòa án ở nhóm các quốc gia cùng thuộc hệ thống thông luật (Ôxtrâylia, Xingapo, Niu Dilân, Canada, Malaixia và Brunây) lại cùng thể hiện những đặc trưng riêng của hệ thống này.

Hiệp định CPTPP với tính chất “tiến bộ", CPTPP cũng đặt ra yêu cầu cho các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam, phải thúc đẩy giải quyết tranh chấp từ nhân thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative Dispute Resolutions) trong lĩnh vực thương mại. Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP - Hiệp định thương mại tự do, tiến bộ với 11 quốc gia thành viên đến từ các châu lục khác nhau, với những nền văn hóa đa dạng và mức độ phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư ở các quốc gia thành viên của Hiệp định, nhằm hài hòa hóa pháp luật nói chung và hoàn thiện pháp luật về thương mại, đầu tư ở Việt Nam nói riêng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư.

 


[1] Điều 13, Điều 14 Luật Hòa giải Malaixia năm 2012.

[2] Điều 13, Điều 14 Luật Hòa giải Malaixia năm 2012.

[3] http://arbitrationblog.kluwerarbitration.com/2017/08/13/rise-new-law-promote-adr-mechanisms-mexico-challenges-opportunities/#_ftn9.

[4] https://www.linklaters.com/en/insights/publications/commercial-mediation-a-global-review/commercial-mediation-a-global-review/japan.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành