Thứ năm, 07 Tháng 12 2023 03:31

Khả năng áp dụng các quy định về cạnh tranh đối với các pháp nhân công pháp theo pháp luật của Liên minh châu Âu

Về các điều kiện và phạm vi áp dụng các quy định pháp luật cạnh tranh của Liên minh châu Âu đối với doanh nghiệp nhà nước và các pháp nhân công pháp khác. Vai trò và sự hiện diện của Nhà nước Pháp về vấn đề cạnh tranh được thể hiện ở mọi lĩnh vực. Các cấp chính quyền địa phương được phép tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế. Cùng với sự phát triển của phương thức ủy thác quản lý dịch vụ và cơ sở hạ tầng công, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân được trao những quyền hạn gắn với chức năng công quyền và vì thế có nhiều điểm tương đồng với các pháp nhân công pháp. Do sự hạn hẹp về nguồn ngân sách, nhiều đơn vị của Nhà nước phải cố gắng phát huy giá trị các nguồn lực, sản phẩm hoặc dịch vụ của họ: ví dụ như cơ quan dự báo thời tiết hoặc đo đạc bản đồ tìm cách bán những thông tin mà họ thu thập được, một số bảo tàng bán những bản sao của hiện vật hoặc bản sao tác phẩm hội họa mà họ trưng bày, v.v..

Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ, những khác biệt có lợi mà một số tác nhân được hưởng vì lý do họ thuộc sở hữu của Nhà nước hoặc của các cấp chính quyền nhà nước đã ngày càng khó có thể chấp nhận được.

Cuối cùng, một điều cần ghi nhận là mức độ áp dụng pháp luật cạnh tranh đối với các pháp nhân công pháp đã từng là tâm điểm của một cuộc đấu tranh quyền lực thực sự giữa các thiết chế khác nhau cùng có thẩm quyền thi hành pháp luật cạnh tranh. Những xung đột về thẩm quyền giữa các thiết chế đó đã làm cho vấn đề này trở thành một trong những vấn đề phức tạp và gây nhiều tranh cãi nhất.

Tại Điều 81 và 82 Hiệp ước Rome về mặt thuật ngữ có thể hiện những quy định tại hai điều này không áp dụng đối với những pháp nhân công pháp không phải là "doanh nghiệp". Quả là trong quá khứ, Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu khi xét xử một vụ việc có liên quan đến các cơ sở của tập đoàn Leclerc[1] đã nhận định rằng Điều 85 cũ của Hiệp ước Rome không thể điều chỉnh việc ký kết hợp đồng uỷ thác dịch vụ công của một pháp nhân công pháp bởi vì điều luật này chỉ điều chỉnh những thỏa thuận ký giữa các "doanh nghiệp" với nhau.

Như vậy, pháp nhân công pháp - bên ủy thác - không thể đồng nhất với một doanh nghiệp. Ngày nay quan điểm này đã hoàn toàn lỗi thời. Vào cùng thời kỳ đó, chính Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu cũng đã kết luận rằng một pháp nhân công pháp có thực hiện một "hoạt động kinh doanh" thì phải chịu sự điều chỉnh của các quy định về cạnh tranh của Hiệp ước Rome[2]. Kể từ đó, Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu đã khẳng định một cách rõ ràng rằng trong luật cạnh tranh, "khái niệm doanh nghiệp bao hàm mọi thực thể thực hiện một hoạt động kinh tế, bất kể quy chế pháp lý và phương thức đầu tư của thực thể đó như thế nào”[3].

Các cơ quan của Liên minh châu Âu đều hiểu khái niệm "doanh nghiệp nhà nước"[4] và "hoạt động kinh tế" theo nghĩa rộng.

Ủy ban châu Âu đã từng áp dụng các quy định về cạnh tranh đối với các đài truyền hình nhà nước là thành viên của Liên hiệp phát thanh truyền hình châu Âu (UER), với lý do: việc áp dụng đó không làm ảnh hưởng đến chức năng thực hiện dịch vụ vì lợi ích kinh tế chung của họ, đồng thời cần phải coi các đài truyền hình đó là doanh nghiệp vì đã thực hiện các hoạt động kinh tế khi họ mua quyền phát sóng các hoạt động thể thao hoặc chuyển nhượng lại quyền đó[5].

Hoạt động quản lý các dịch vụ hỗ trợ máy bay quá cảnh của Aéroports de Paris (Cơ quan quản lý các sân bay khu vực Paris) cũng đã được coi là một hoạt động kinh tế[6].

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 86 (Điều 90 cũ) thì các quy định tại Điều 81 và các điều tiếp theo không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước – dù được trao độc quyền hay không - mà còn áp dụng đối với những doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân được Nhà nước dành cho một số đặc quyền hoặc độc quyền. Ví dụ như trường hợp một doanh nghiệp tư nhân được Nhà nước trao độc quyền trong một lĩnh vực hoặc uỷ thác quản lý một dịch vụ công. Thậm chí, một Nhà nước hoặc một cơ quan Nhà nước cũng có thể chịu sự điều chỉnh của các quy định về cạnh tranh giống như các doanh nghiệp nhà nước. Từ lâu đã có sự thừa nhận rằng việc Nhà nước bảo hộ một số hành vi phản cạnh tranh cũng không thể làm cho những hành vi đó thoát ly khỏi quy định cấm. Trong bản án Bureau National Interprofessionnel du Cognac[7] (Văn phòng quốc gia liên ngành rượu Cognac - viết tắt là BNIC), Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu đã gián tiếp quy kết trách nhiệm của Nhà nước khi nhận định rằng khuôn khổ pháp lý điều chỉnh việc ký kết một thỏa thuận ngành nghề theo luật công - khuôn khổ pháp lý đó quy định khả năng mở rộng hiệu lực bắt buộc bằng quyết định của Bộ trưởng - không làm ảnh hưởng đến khả năng áp dụng Điều 85 (nay là Điều 81). Theo Tòa, việc Nhà nước ban hành một văn bản về sau để mang lại hiệu lực bắt buộc cho thỏa thuận của BNIC không nhằm mục đích làm cho thỏa thuận đó thoát ly khỏi việc áp dụng các quy định pháp luật về cạnh tranh của Liên minh châu Âu. Kể từ đó, Ủy ban châu Âu và Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu còn đi xa hơn nữa: hai thiết chế này thường xuyên phát hiện ra những trường hợp trong đó một cơ quan nhà nước có liên quan đến một hành vi phản cạnh tranh, và thường áp dụng trực tiếp các quy định về cạnh tranh đối với những cơ quan đó.

Trong trường hợp một quốc gia thành viên "dành một số đặc quyền hoặc độc quyền" cho một hoặc nhiều doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 86 (Điều 90 cũ) của Hiệp ước Rome, quốc gia đó không được ban hành hoặc duy trì bất kỳ biện pháp nào trái với quy định tại các Điều 81 hoặc 82[8].

Nói cách khác, nghiêm cấm quốc gia thành viên áp dụng hoặc duy trì mọi biện pháp, kể cả biện pháp do cơ quan lập pháp ban hành, nhằm tạo ra hoàn cảnh mà trong hoàn cảnh đó doanh nghiệp độc quyền chắc chắn sẽ vi phạm Điều 81 hoặc 82 và trở nên không phù hợp với Hiệp ước. Kết hợp Khoản 1 Điều 86 với Điều 81 hoặc Điều 82 sẽ cho phép cấm áp dụng biện pháp đó[9].

Nếu biện pháp đó đang có hiệu lực thì quốc gia liên quan phải báo cáo. Nếu biện pháp đó mới chỉ dừng ở mức dự thảo thi quốc gia liên quan không được thông qua dự thảo đó.

Khi trả lời một số yêu cầu giải thích pháp luật của Liên minh châu Âu, Tòa ăn Công lý đã khẳng định khả năng kết hợp quy định tại các Điều 86 và 82 để ngăn cấm mọi biện pháp hành chính do quốc gia thành viên áp dụng trong trường hợp biện pháp đó tạo ra cho doanh nghiệp một vị trí thống lĩnh trên thị trường, kéo theo việc doanh nghiệp lạm dụng vị tríthống lĩnh đó[10].

Với việc trao cho một công ty cung cấp dịch vụ dẫn tàu ra vào cảng độc quyền kinh doanh dịch vụ đó tại một số cảng nhất định, luật của Italia không bị coi là vi phạm Điều 82 bởi vì bản thân việc thực hiện độc quyền này không kéo theo việc áp dụng những mức giá mang tính lạm dụng vị thế độc quyền[11].

Ngược lại, bản án của Tòa án Công lý giải thích pháp luật Italia về hoạt động môi giới trên thị trường lao động lại chính là một ví dụ minh họa cho lý thuyết lạm dụng đương nhiên. Pháp luật của Italia quy định hoạt động giới thiệu và môi giới việc làm là hoạt động thuộc độc quyền của các văn phòng xúc tiến việc làm nhà nước; và quy định này đã "tạo ra tình huống trong đó các văn phòng xúc tiến việc làm nhà nước chắc chắn sẽ vi phạm quy định tại Điều 86 của Hiệp ước Rome” (nay là Điều 82). Đây là một đoạn trích từ bản án Job mà Tòa án Công lý quy chiếu đến[12].

Nhưng để áp dụng các quy định về cạnh tranh đối với một cơ quan quản lý nhà nước hoặc một cơ quan công quyền khác, thì cần phải đáp ứng một số điều kiện.

Điều kiện thứ nhất là cơ quan đó phải đang hành động trong khuôn khổ các hoạt động kinh tế mang tính sản xuất hoặc kinh doanh, chứ không phải trong khuôn khổ thực hiện những quyền hạn và nhiệm vụ vì lợi ích công thuộc về những chức năng chính thức và chủ yếu của cơ quan đó. Nếu cơ quan nhà nước đang thực hiện những quyền hạn và nhiệm vụ vì lợi ích công thì không thể áp dụng các quy định về cạnh tranh đối với cơ quan đó.

Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu đã từng kết luận: Hiệp ước Rome "không điều chỉnh các hợp đồng ủy thác được giao kết giữa một bên là các xã với tư cách là cơ quan nhà nước với bên kia là các doanh nghiệp được trao nhiệm vụ thực hiện dịch vụ công"[13].

Như vậy là về mặt nguyên tắc, pháp luật của Liên minh châu Âu cũng có sự phân biệt tương tự như cách phân biệt của Tòa án Xung đột thẩm quyền của Pháp về việc áp dụng các quy định trong pháp luật nước này. Nhận định này được thể hiện rất rõ trong vụ án Eurocontrol năm 1994. Trong bản án về vụ việc này[14], Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu đã kết luận: "Xét về bản chất, nội dung và về các quy định pháp luật được áp dụng đối với chúng thì về tổng thể các hoạt động của Eurocontrol gắn liền với việc thực hiện những quyền hạn về kiểm soát và quản lý không lưu, vốn là những quyền hạn gắn với chức năng công quyền. Những hoạt động đó không mang tính kinh tế, do vậy không thể áp dụng các quy định về cạnh tranh của Hiệp ước".

Tòa án Công lý cũng đã có quan điểm tương tự khi giải đáp một số yêu cầu giải thích pháp luật của Liên minh châu Âu: việc thu phí chống ô nhiễm tại một cảng dầu khí không thể bị coi là cấu thành hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh bởi vì việc làm đó gắn với nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công về bảo vệ môi trường[15].

Thành phố Copenhagen đã từng trao cho ba doanh nghiệp độc quyền thu gom rác thải, đồng thời từ chối cho phép một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực này, nhưng vẫn không bị coi là vi phạm các quy định về cạnh tranh. Sở dĩ như vậy vì việc trao độc quyền cho một số lượng hạn chế doanh nghiệp nhận uỷ thác được coi là việc làm cần thiết nhằm bảo đảm thực hiện một nhiệm vụ vì lợi ích kinh tế chung[16].

Ngược lại, theo quy định tại Khoản 2 Điều 86 thì Khoản 1 của điều luật này chỉ có thể được áp dụng với điều kiện không gây cản trở đến việc hoàn thành theo pháp luật hoặc trên thực tế nhiệm vụ đặc biệt của doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ vì lợi ích kinh tế chung hoặc một độc quyền về thuế[17].

Như vậy, giải pháp trong án lệ của Liên minh châu Âu rất giống với giải pháp được quy định trong nội luật của Pháp. Thật vậy, Khoản 1 Điều L.420-4.1 Bộ luật Thương mại đã loại trừ những hành vi được thực hiện trên cơ sở một văn bản quy phạm pháp luật ra khỏi các quy định cấm nêu tại các Điều L.420-1 và L.420-2, và cơ quan quản lý cạnh tranh phải có trách nhiệm kiểm tra xem liệu những hành vi đó có phải là kết quả đương nhiên của những ràng buộc nảy sinh từ những văn bản đó hay không[18].

Về giải pháp án lệ trên đây trong pháp luật Liên minh châu Âu, có hai vấn đề cần làm rõ:

Vấn đề thứ nhất là: trong trường hợp quốc gia thành viên đưa ra những biện pháp mà thực chất nhằm bỏ qua cho một hành vi phân cạnh tranh bằng cách dùng những biện pháp đó để thế chỗ cho hành vi phản cạnh tranh và giúp cho hành vì phản cạnh tranh thoát ly khỏi sự điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh Liên minh châu Âu thì cách xử lý của pháp luật Liên minh châu Âu có giống với trường hợp quốc gia thành viên ban hành văn bản luật hoặc dưới luật nhằm củng cố một hành vi phản cạnh tranh đang được thực hiện hoặc tạo điều kiện cho việc thực hiện hành vi phản cạnh tranh hay không? Câu trả lời cho vấn đề này đã được Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu đưa ra khi xem xét đạo luật "Lang" về giá sách[19], việc kết hợp các Điều 10, 86 và 81 hoặc 82 đòi hỏi là thực chất phải tồn tại một hành vi như quy định tại Điều 81 hoặc 82.

Xét dưới góc độ pháp lý thì câu trả lời như trên là rất lôgíc và thỏa đáng. Tuy nhiên, nếu cách tiếp cận là như vậy thì một quốc gia thành viên hoàn toàn có thể làm cho các quy định về cạnh tranh của Hiệp ước Rome trở nên vô nghĩa. Đạo luật "Lang" không bị tuyên là không phù hợp với thị trường chung, trong khi đó các thỏa thuận nghề nghiệp giữa các nhà xuất bản Anh lại bị các cơ quan có thẩm quyền của Liên minh châu Âu quy kết là trái pháp luật, mặc dù nội dung và hệ quả của những thỏa thuận đó hoàn toàn giống với cơ chế do nhà lập pháp của Pháp thiết lập nên[20]. Năm 2001, Ủy ban châu Âu lại một lần nữa phản đối một thỏa thuận giữa các nhà xuất bản Đức có cùng nội dung như đạo luật "Lang", đến mức các nhà xuất bản này đã yêu cầu nhà lập pháp Đức phải học tập "mô hình" của Pháp.

Trong trường hợp luật quốc gia áp đặt một hành vi trong khi Hiệp ước Rome cho phép trấn áp hành vi đó khi nó là kết quả của sự phối hợp hành động, thì có hai khả năng để áp dụng pháp luật của Liên minh châu Âu: Khả năng thứ nhất là Ủy ban châu Âu khởi kiện quốc gia thành viên đó trên cơ sở các Điều 226 và 10 của Hiệp ước. Nhưng đây là một việc làm rất nhiều rủi ro và nhiều bất trắc. Khả năng thứ hai đã được Tòa án Hành chính tối cao của Pháp thừa nhận[21]: Tòa án Hành chính có thể bãi bỏ việc áp dụng một đạo luật không phù hợp với Hiệp ước, ngay cả khi đạo luật được ban hành sau Hiệp ước. Ủy ban châu Âu cũng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng biện pháp này khi họ không muốn tuân thủ theo một đạo luật rõ ràng làm mất hiệu lực của các quy định về cạnh tranh của Hiệp ước.

Vấn đề thứ hai là: cách xử lý đối với một cơ quan nhà nước ở cấp quốc gia có giống với cách xử lý đối với các cơ quan nhà nước cấp địa phương hay không? Nói cách khác, một vùng, một tỉnh hay một xã liệu có thể loại bỏ khả năng áp dụng các quy định cạnh tranh của thị trường chung hay không? Câu trả lời dường như là phủ định, bởi vì Điều 86 (Điều 90 cũ) chỉ cho phép với tới "các quốc gia thành viên". Thêm vào đó, ít nhất là ở Pháp, luật về phân quyền không cho phép Nhà nước áp đặt ý chí đối với các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, câu hỏi trên đây vẫn là một câu hỏi mở, bởi vì Ủy ban châu Âu đã từng phản đối những khoản trợ cấp từ phía các pháp nhân công pháp khác ngoài Nhà nước, mà cụ thể là các chính quyền địa phương, trong khi Điều 87 của Hiệp ước Rome chỉ điều chỉnh "những khoản trợ cấp của Nhà nước và bằng nguồn ngân sách nhà nước".

Pháp luật của Liên minh châu Âu có những nền tảng vững chắc hơn nội luật của Pháp để có thể đưa các biện pháp hành chính vào trong phạm vi áp dụng của các quy định về cạnh tranh.

Khoản 1 Điều 86 của Hiệp ước Rome đưa ra nguyên tắc theo đó các biện pháp hành chính, và thậm chí là cả các biện pháp do cơ quan lập pháp ban hành, đều chịu sự điều chỉnh của các định về cạnh tranh của Hiệp ước, nếu như những biện pháp đó đặt doanh nghiệp vào một vị trí mà bản thân doanh nghiệp không được phép tự đặt mình vào.

Các quy định tại Điều 82 không những nhằm vào các hành vì lạm dụng vị trí thống lĩnh xuất phát từ những hoạt động mà doanh nghiệp thực hiện được nhờ được trao độc quyền, mà còn bao quát cả các hành vi "lạm dụng đương nhiên" khi mà sự độc quyền đó đặt doanh nghiệp vào một vị trí chắc chắn sẽ dẫn tới những vi phạm từ phía doanh nghiệp.

Các căn cứ xác định hành vi lạm dụng đương nhiên không được quy định trong các văn bản pháp luật của Pháp, và khái niệm lạm dụng đương nhiên chủ yếu cũng chỉ được Tòa án Hành chính áp dụng.

Ngoài ra, các quy định về cạnh tranh trong pháp luật Liên minh châu Âu chỉ được áp dụng đối với hành vi công quyền, chẳng hạn như hành vi giao kết hợp đồng uỷ thác dịch vụ công, nếu như việc áp dụng đó không làm phương hại đến việc hoàn thành nhiệm vụ dịch vụ công. Các hành vi xâm hại đến cạnh tranh và thậm chí là các hành vi loại bỏ cạnh tranh, có thể được chấp nhận với điều kiện không ảnh hưởng quá đáng đến sự phát triển thương mại nội khối và phải thực sự cần thiết cho việc thực hiện một nhiệm vụ vì lợi ích kinh tế chung.

Một điểm khác biệt nữa cũng mang tính bề ngoài hơn là thực chất: dường như các quy định về cạnh tranh của pháp luật Liên minh châu Âu không áp dụng đối với những pháp nhân công pháp không phải là cơ quan nhà nước; trong khi đó, Điều L.420-4 Bộ luật Thương mại Pháp lại nhằm vào tất cả các pháp nhân công pháp.

Điểm khác biệt thứ ba là một khác biệt thực chất: chúng ta có thể khẳng định rằng Hiệp ước Rome đã buộc các quốc gia phải chịu sự điều chỉnh của những quy định khắt khe hơn so với quy định trong nội luật Pháp: Điều 86 (Điều 90 cũ) cho phép buộc một quốc gia thành viên phải báo cáo về các biện pháp trái với các quy định về cạnh tranh nếu các biện pháp đó đã được ban hành, hoặc phải từ bỏ việc ban hành, nếu các biện pháp đó mới đang được dự thảo. Trong khi đó, Khoản 1.1 Điều L.420-4 Bộ luật Thương mại (trước đây là Khoản 1 Điều 10, Pháp lệnh 1986) không cho phép Hội đồng Cạnh tranh buộc một quốc gia phải chấm dứt áp đặt một biện pháp phản cạnh tranh, và cũng không cho phép Hội đồng xử lý hành vi phản cạnh tranh mà doanh nghiệp nhất thiết phải thực hiện vì sự áp đặt của quốc gia đó.

Như vậy, Ủy ban châu Âu có nhiều khả năng hành động hơn so với Hội đồng Cạnh tranh: Ủy ban có quyền mở thủ tục xử lý hành vi vi phạm chống lại quốc gia thành viên đhiệt dung những biện pháp trái với quy định của Hiệp ước, đặc biệt là các quy định về cạnh tranh.

Ủy ban đã làm như vậy đối với Hà Lan. Ủy ban đã kết luận Chính phủ Hà Lan phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những vụ tập trung kinh tế trong lĩnh vực xây dựng nhà ở và công trình dân dụng đã bị Ủy ban xử lý vào năm 1992. Ủy ban cũng đã từng căn cứ vào các Điều 86 (Điều 90 cũ) và 82 (Điều 86 cũ) của Hiệp ước Rome để quy kết trách nhiệm của Chính phủ Tây Ban Nha vì đã đòi hỏi các doanh nghiệp dự thầu khai thác mạng điện thoại di động - đối thủ cạnh tranh tiềm năng của công ty độc quyền Telefonia trước đây - phải đóng góp một khoản tiền cho Nhà nước, trong khi Telefonia lại được miễn khoản tiền này[22].

Ủy ban châu Âu còn đe dọa sẽ truy cứu trách nhiệm của Chính phủ Anh khi họ tỏ thái độ ủng hộ, với một số điều kiện đơn giản, dự án liên kết kinh doanh giữa hai công ty hàng không British Airways và American Airlines.

Như vậy là sau một quá trình phát triển với nhiều biến động, vấn đề áp dụng các quy định về cạnh tranh đối với các pháp nhân công pháp vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng: trong các hoạt động mang tính chất kinh tế[23] của các pháp nhân công pháp[24], vẫn không dễ vạch rõ ranh giới giữa các hành vi quản lý tư và các hành vi dịch vụ công. Thậm chí có thể nói tiêu chí cơ bản không phải là tiêu chí đó, mà là tiêu chí về tính thương mại hay không thương mại của dịch vụ.

 


[1] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, số 30/87 ngày 4-5-1988.

[2] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 20-3-1985, Công hòa Italia c/ dot Uy ban các cộng đồng châu âu Rec. tr.873.

[3] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 23-4-1991, Hofner, Aff.C- 41/90

[4] 38. Xem Chỉ thị số 80/723 ngày 27-6-1980 (Công báo của Liên minh châu Âu, số 1.195 ngày 29 và chỉ thị số 93/84 ngày 30-9-1993 (Công báo của Liên minh châu Âu sống 254) về minh bạch quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

[5] Ủy ban châu Âu, số 93/403, ngày 11-6-1993, UER, Công báo của Liên mình châu Âu, số L.179, ngày 22-7-1993.

[6] Quyết định của Ủy ban châu Âu, Alpha Flight Services/Aeroports de Paris, ngày 11-6-1998.

[7] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 30-1-1985.

[8] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, Meng, Aff C-291, Ree 1993, 1-5791.

[9] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 23-4-1991, Hofner and Elser, Aff.C-41/90; Rec . 1991, 1-1979, tr. 27.

[10] Xem thêm một số ví dụ khác về lý thuyết lạm dụng đương nhiên tại các mục II.C.1.2 và III.A.1.c).

[11] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 18-6-1998, Corsica Ferries, Aff.C-266/96.

[12] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 8-6-2000, Giovanni Carra e.a, Aff.C-258/98.

[13] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 4-5-1988, Boison, Aff.30/87, Rec.trang.2479.

[14] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 19-1-1994, SAT Fluggesellschaft c/Eurocontrol.

[15] Xem tập 1, các mục từ 10 đến 20.

[16] Để thấy rõ những điểm giống và khác nhau giữa cách tiếp cận của pháp luật Pháp với cách tiếp cận của pháp luật Liên minh châu Âu, xem các mục sau, từ 652 đến 668.

[17] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 18-3-1997, Diego Cali & Figli Srl c/Servizi Ecologici Porto di Genova (SEPG), Aff.C-343/95. Tránh nhầm lẫn vụ việc này với vụ việc Porto di Genova ngày 10-11-1991.

[18] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 23-5-2000. Entreprenor foreningens Affolds/Miljosection (FFAD) và Xã Copenhague, Aff.C-209/98.

[19] Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu, ngày 29-1-1985, Hiệp hội các trung tâm phân phối E.Leclerc.

[20] Quyết định của Ủy ban châu Âu, số 89/44/CEE, ngày 12-12-1988, Công báo của Liên minh châu Âu 1989 1.22, tr. 12. Quyết định này đã được Tòa án Sơ thấm giữ nguyên thu 1989 Lay 9-7-1992, Légipresse số 96, 111/1992.

[21] Xem các mục từ 1135 đến 1151.

[22] Ủy ban châu Âu, ngày 18-11-1996, Công báo của Liên minh châu Âu, số L.76/19, ngày 18-3-1997

[23] Các hoạt động trong khuôn khổ thực hiện chức năng quyền lực nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh.

[24] . "Pháp luật cạnh tranh và các pháp nhân công pháp", Jean-Louis Lesquins, Tạp chí cạnh tranh và tiêu dùng, tháng 9 và tháng 10-1995; "Ap dụng pháp luật cạnh tranh đối với các pháp nhân công pháp", Gilles Mathieu, giáo sư Đại học Aix-Marseille III, Rec. Dalloz Sirey số 5, ngày 2-2-1985.

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 21 Tháng 12 2023 10:09

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành