Thứ ba, 24 Tháng 6 2014 00:00

Giải pháp phát triển thị trường vốn Việt Nam

1.  Định hướng phát triển thị trường vốn Việt Nam

1.1. Mục tiêu và định hướng phát triển thị trường vốn Việt Nam

Định hướng phát triển thị trường vốn được xác định trong Đề án phát triển thị trường vốn ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Ban hành theo Quyết định số  128/2007/QĐ-TTG  ngày 2/8/2007.

Theo Quyết định này, mục tiêu tổng quát của việc phát triển thị trường vốn là “Phát triển nhanh, đồng bộ, vững chắc thị trường vốn Việt Nam, trong đó thị trường chứng khoán đóng vai trò chủ đạo; từng bước đưa thị trường vốn trở thành một cấu thành quan trọng của thị trường tài chính, góp phần đắc lực trong việc huy động vốn cho đầu tư phát triển và cải cách nền kinh tế; đảm bảo tính công khai, minh bạch, duy trì trật tự, an toàn, hiệu quả, tăng cường quản lý, giám sát thị trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người đầu tư; từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh và chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, thị trường vốn Việt Nam phát triển tương đương thị trường các nước trong khu vực”.

Cũng theo Quyết định này, các mục tiêu cụ thể đặt ra là “Phát triển thị trường vốn đa dạng để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và đầu tư của mọi đối tượng trong nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2010 giá trị vốn hoá thị trường chứng khoán đạt 50% GDP và đến năm 2020 đạt 70% GDP”.

Trong khuôn khổ các giải pháp phát triển thị trường vốn, các giải pháp phát triển thị trường được nhóm thành các bộ phận chính sau đây:

1.Phát triển hàng hóa cho thị trường vốn: các loại trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, trái phiếu chuyển đổi; phát triển các loại chứng khoán phái sinh, các sản phẩm chứng khoán hoá tài sản và các khoản nợ....

 2. Hoàn chỉnh cấu trúc thị trường vốn: hình thành thị trường trái phiếu chuyên biệt; phát triển thị trường cổ phiếu theo nhiều cấp độ: thị trường giao dịch tập trung, thị trường giao dịch phi tập trung (OTC), thị trường đăng ký giao dịch; chuyển Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành Sở Giao dịch chứng khoán;

3. Phát triển, mở rộng hệ thống các nhà đầu tư; phát triển đầy đủ các định chế trung gian; đa dạng hoá các dịch vụ cung cấp; mở rộng phạm vi hoạt động Trung tâm Lưu ký chứng khoán;

4. Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát của Nhà nước; hoàn chỉnh các chính sách về thuế, phí, lệ phí đối với hoạt động chứng khoán;

5. Chủ động mở cửa, hội nhập với khu vực và quốc tế;

6. Đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho thị trường vốn; tăng cường phổ cập kiến thức về thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Theo quan điểm của tác giả luận án, mục tiêu và các giải pháp phát triển thị trường mà Quyết định 128 đưa ra là toàn diện và chi tiết. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điểm sau đây:

Thứ nhất, về mục tiêu phát triển thị trường vốn. Quyết định mới chỉ nêu lên một chỉ tiêu định lượng đơn giản là mức vốn hóa thị trường đạt 50% GDP vào năm 2010. Mục tiêu huy động vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế là một mục tiêu rất chung, vì bất kỳ thị trường vốn nào hoạt động cũng nhằm mục tiêu huy động vốn để phát triển kinh tế. Theo tác giả mục tiêu phát triển thị trường vốn là việc xây dựng được một thị trường vốn hoạt động bền vững (bao gồm các chỉ tiêu định tính và định lượng) đảm bảo công bằng cho các chủ thể trên thị  trường, đồng thời thị trường cần hoạt động hiệu quả để cung cấp nguồn vốn với chi phí hợp lý đối với tất cả các đối tượng có liên quan. Đối với nhà đầu tư, thị trường vốn cần phải đem lại cho họ một lức lợi tức phù hợp với mức rủi ro của hoạt động đầu tư. Đối với doanh nghiệp, cần huy động được vốn với chi phí vừa phải vừa đảm bảo huy động vốn hiệu quả, đồng thời gia tăng giá trị cho doanh nghiệp. Đối với Chính phủ, nguồn vốn huy động được cần phản ánh chi phí cơ hội của việc sử dụng vốn trong nền kinh tế. Tất cả các yêu cầu trên đều có thể đạt được khi việc định giá chứng khoán trên thị trường là hiệu quả như đã phân tích trong Chương 1.

Thứ hai, hệ thống các giải pháp nêu trong đề án nhằm phát triển đồng bộ và toàn diện thị trường vốn. Tuy vậy, như thế là có quá nhiều mục tiêu khác nhau. Trên góc độ thực tiễn, cần phải phân biệt các mục tiêu cấp thiết trước mắt, mục tiêu dài hạn quan trọng cần thực hiện để phát triển thị trường. Theo quan điểm của tác giả, các mục tiêu về hoàn chỉnh cấu trúc thị trường, thiết lập các thị trường giao dịch tập trung, phi tập trung, mở rộng phạm vi hoạt động của Trung tâm  Lưu ký Chứng khoán là các mục tiêu trước mắt, liên quan tới các vấn đề kỹ thuật, có thể hoàn thực hiện trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm tới. Trong khi đó, các mục tiêu về hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường, đảm bảo tính công bằng, minh bạch là những mục tiêu quan trọng và cần thực hiện liên tục trong tương lai để phát triển thị trường vốn.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 06 Tháng 11 2014 10:06

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành