Thứ hai, 11 Tháng 12 2023 04:32

Một số vấn đề về khái niệm “thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước”

Về lý luận và thực tế pháp luật ở Việt Nam cho rằng, "thi hành pháp luật” được giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau. Các tài liệu về pháp luật ở Việt Nam thường cho rằng “thi hành pháp luật” (hoặc “chấp hành pháp luật”) chỉ là một trong bốn hình thức “thực hiện pháp luật”. Có thể nói việc thực hiện pháp luật được hiểu là hành vi trên thực tế, mang tính hợp pháp có mục đích của các chủ thể pháp luật nhằm hiện thực hóa các quy định của pháp luật, và mang chúng đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật[1]. Ở đây, có thể thấy rằng thi hành pháp luật được hiểu chỉ là một hình thức thực hiện pháp luật, theo đó, nghĩa vụ pháp lý của chủ thể pháp luật được thể hiện hóa thông qua hành động của chủ thể (ví dụ: doanh nghiệp nộp tiền thuế, người lao động đóng bảo hiểm xã hội, v.v.). Bên cạnh đó, thi hành pháp luật, còn có các hình thức thực hiện pháp luật khác gồm: “tuân thủ pháp luật” (như vậy, chủ thể pháp luật sẽ ứng xử theo hướng không thực hiện các điều cấm của pháp luật), “sử dụng pháp luật” (theo đó, chủ thể pháp luật thực hiện quyền năng pháp lý của mình), và “áp dụng pháp luật” (theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức cho các chủ thể pháp luật thực hiện quy định của pháp luật hoặc tự mình ban hành các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật cụ thể).

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng thi hành pháp luật là mọi hoạt động nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, biến quy định pháp luật trở thành hành vi của các chủ thể[2]. Thi hành pháp luật được xem là công đoạn tiếp tục việc xây dựng pháp luật. Như vậy, xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật được coi là hai hoạt động cơ bản của một nhà nước. Lý thuyết như vậy khá phù hợp với thực tiễn quy định pháp luật ở nước ta. Hiến pháp năm 1946, khi quy định về thẩm quyền của Chính phủ và cơ quan hành chính ở địa phương, Hiến pháp đã quy định rõ thẩm quyền “thi hành” pháp luật của các cơ quan này. Điều 52 Hiến pháp năm 1946 quy định Chính phủ có quyền “thi hành các đạo luật và quyết nghị của Nghị viện”. Điều 59 Hiến pháp năm 1946 quy định Ủy ban hành chính có trách nhiệm “thi hành các mệnh lệnh của cấp trên". Điều 112 (khoản 2) Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định rõ Chính phủ có trách nhiệm “bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật”. Mặt khác, điều 115 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền “Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, Chính phủ ra nghị quyết, nghị định, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành các văn bản đó”. Điều 96 Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ “tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước”. Điều 98 Hiến pháp năm 2013 quy định Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ “tổ chức thì hành pháp luật”. Điều 99 Hiến pháp năm 2013 quy định Bộ trưởng “chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc". Điều 100 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật". Điều 112 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương". Điều 114 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Ủy ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương”.

Cách tiếp cận như vậy về thi hành pháp luật cũng tương đồng với những lý luận chung về đời sống của một văn bản pháp luật từ góc nhìn của khoa học về chính sách công. Theo lý luận về chính sách công được thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam và các nước trên thế giới, đời sống của một chính sách công thể hiện trong các văn bản pháp luật được cấu trúc gồm 4 phần chính là khởi sự chính sách, hoạch định/ban hành chính sách, thực thi chính sách (hay còn gọi là thi hành chính sách công) và đánh giá chính sách. Thực thi chính sách công chính là quá trình đưa chính sách công vào thực tiễn đời sống xã hội nhằm hiện thực hóa mục tiêu chính sách[3]. Thông qua hoạt động thi hành chính sách này mà mục tiêu của chính sách (thể hiện trong các văn bản pháp luật) được hiện thực hóa trong đời sống. Bản thân việc thi hành chính sách cũng là công đoạn kiểm chứng lại tính đúng đắn của chính sách, qua đó góp phần hoàn thiện chính sách đã ban hành.

Xuất phát từ thực tế đó, phù hợp với thực tiễn pháp luật ở nước ta, “thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước” được hiểu là mọi hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước để hiện thực hóa các yêu cầu của pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Trong thực tiễn hoạt động, các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước đưa pháp luật vào cuộc sống khá đa dạng và thường hiểu gần trùng với nội hàm của khái niệm quản lý hành chính nhà nước (hay đôi khi còn được gọi là quản lý nhà nước theo nghĩa hẹp). Nội dung của các hoạt động này thường được quy định trong Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; hoặc Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định quy định chung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ (hiện tại là Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18-4-2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ) (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ).

Theo tinh thần quy định tại Nghị định số 36/2012/NĐ-CP nêu trên, các hoạt động được xếp vào hoạt động thì hành pháp luật của bộ bao gồm: (1) Xây dựng bản hướng dẫn thi hành văn bản pháp luật của cấp trên (chẳng hạn, chủ trì xây dựng nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành thông tư theo thẩm quyền), văn bản đôn đốc, chỉ đạo việc tổ chức thi hành pháp luật (chẳng hạn quyết định, chỉ thị, công văn hướng dẫn, v.v.); (2) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; (3) Kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành có liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; (4) Xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức chỉ đạo thực hiện; (5) Thực hiện các thẩm quyền về tổ chức bộ máy, biên chế, công tác cán bộ, ngân sách và tài sản công thuộc thẩm quyền theo tinh thần cải cách hành chính; (6) Quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực, đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hội, tổ chức phi chính phủ thuộc ngành, lĩnh vực (trong đó có việc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ có điều kiện và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền); (7) Thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra (gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành), giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Đối với Ủy ban nhân dân các cấp, chẳng hạn với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003[4] đã quy định tương đối đủ các loại hoạt động mà Ủy ban nhân dân phải tiến hành trong hoạt động quản lý. Tuy số lượng đầu công việc mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thực hiện lên tới 70 với Ủy ban nhân dân các tỉnh và 79 với Ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, nhưng nhìn từ góc độ thi hành pháp luật, có thể gói gọn lại cũng chỉ bao gồm các hoạt động chủ yếu như: (1) Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành văn bản của cấp trên; (2) Tổ chức công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương; (3) Xây dựng và thực hiện một số loại quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; (4) Quản lý nhà nước đối với dịch vụ công³, đối với các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hoạt động ở địa phương; (5) Tiến hành công tác cấp phép, cấp giấy chứng nhận mang tính ưu đãi cho tổ chức, cá nhân; (6) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền; (7) Thực hiện các thẩm quyền liên quan tới tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý ngân sách và tài sản công.

Như vậy, khái quát lại, nói tới thi hành pháp luật là nói tới 6 loại hoạt động cơ bản sau đây: (1) Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản của cấp trên để cụ thể hóa, chi tiết hóa hoặc cho phù hợp với đặc điểm cụ thể của ngành, địa phương mà cơ quan hành chính nhà nước thực hiện công việc quản lý; (2) Xây dựng, ban hành hoặc thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy hoạch triển khai văn bản pháp luật của cấp trên hoặc do mình đã ban hành; (3) Tổ chức bộ máy, nhân sự, trang thiết bị, ngân sách và các điều kiện bảo đảm khác để tổ chức thi hành pháp luật; (4) Tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; (5) Tiến hành công tác cấp phép, đăng ký, cấp chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận (bao gồm cả cấp giấy chứng nhận mang tính ưu đãi cho tổ chức, cá nhân (nếu có)); (6) Tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đối với việc chấp hành văn bản pháp luật của các đối tượng có trách nhiệm phải tuân thủ văn bản pháp luật (các cơ quan trực thuộc, các tổ chức dịch vụ công, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, công dân). Các hình thức thi hành pháp luật vừa nêu về cơ bản đã được thể hiện trong các quy định trong Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23-7-2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Điều đáng lưu ý là, cả 6 loại hoạt động thi hành pháp luật kể trên đều phải tiến hành theo những yêu cầu, tiêu chuẩn, quy chuẩn nhất định được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nhất định. Chẳng hạn, đối với hoạt động ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các văn bản của cấp trên để cụ thể hóa, chi tiết hóa hoặc cho phù hợp với đặc điểm của ngành, địa phương mà cơ quan hành chính thực hiện công việc quản lý, nếu văn bản hướng dẫn là văn bản quy phạm pháp luật thì việc ban hành loại văn bản hướng dẫn này phải tuân theo các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (trước đây là Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 hoặc Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với việc xây dựng, ban hành hoặc thực hiện các chương trình, kế hoạch, quy hoạch triển khai văn bản pháp luật của cấp trên hoặc do mình đã ban hành, công việc này có thể phải tuân thủ theo các yêu cầu của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch. Đối với việc xây dựng tổ chức bộ máy, nhân sự, trang thiết bị, ngân sách và các điều kiện bảo đảm khác để tổ chức thi hành pháp luật, hoạt động này phải tuân thủ theo các quy định trong các đạo luật hoặc văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, pháp luật về ngân sách, pháp luật về mua sắm công, v.v.. Đối với hoạt động tổ chức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, các cơ quan tiến hành hoạt động này cần phải tuân thủ theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với công tác cấp phép, đăng ký, cấp chứng chỉ hành nghề, các loại giấy chứng nhận, văn bằng cho tổ chức, cá nhân, cơ quan tiến hành hoạt động này thường phải tuân theo các quy định của các đạo luật chuyên ngành trong từng lĩnh vực cụ thể và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chẳng hạn, việc tổ chức công tác đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tuân theo các quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải được thực hiện theo các quy định của Luật đất đai năm 2013 và Luật nhà ở năm 2014. Việc cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm phải tuân thủ các quy định của Luật an toàn thực phẩm năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành, v.v.. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đối với việc chấp hành văn bản pháp luật của các đối tượng có trách nhiệm phải tuân thủ văn bản pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện công việc này phải tuân theo các yêu cầu quy định trong các đạo luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, xử lý vi phạm hành chính, v.v..

Cơ quan hành chính nhà nước ở đây được hiểu phù hợp với quy định của Hiến pháp[5] và các quy định của pháp luật hiện hành gồm hai loại là cơ quan hành chính có thẩm quyền chung (như Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp) và cơ quan hành chính có thẩm quyền chuyên môn (như các bộ, sở, v.v.). Cơ quan hành chính có thẩm quyền chung là cơ quan mà các quyền hạn của nó có hiệu lực đối với mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi đối tượng tương ứng trong phạm vi cả nước hoặc địa phương. Cơ quan hành chính có thẩm quyền chuyên môn (hoặc thẩm quyền riêng) là cơ quan mà các quyền hạn của nó có hiệu lực chỉ trong phạm vi ngành hoặc liên ngành[6]. Cơ quan hành chính được đề cập: Các bộ, cơ quan ngang bộ (gọi chung là bộ) và Ủy ban nhân dân các cấp.

Dù là cơ quan có thẩm quyền chung hay thẩm quyền chuyên môn, đã là cơ quan hành chính thì chức năng cơ bản của nó phải là thực hiện các biện pháp để đưa pháp luật vào đời sống mà khoa học pháp lý thường gọi đó là hoạt động “chấp hành - điều hành” và “thi hành pháp luật". Pháp luật, nhất là các đạo luật với tư cách là ý chí của các cơ quan dân cử, thường phải thông qua hành vi của các cơ quan hành chính mới có thể tác động trực tiếp tới các đối tượng điều chỉnh của mình. Là một bộ phận cấu thành của bộ máy nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước có đặc điểm chung của cơ quan nhà nước. Đặc điểm chung ấy là cơ sở để phân biệt cơ quan nhà nước với tổ chức xã hội. Đồng thời, cơ quan hành chính nhà nước có những đặc thù so với cơ quan khác của Nhà nước như Quốc hội, Chủ tịch nước, Hội đồng nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân. Do vậy, hoạt động thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước cũng có nhiều khác biệt với các chủ thể khác. Cụ thể:

Các cơ quan hành chính nhà nước được thành lập để thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, nghĩa là thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành. Hoạt động chấp hành và điều hành là hoạt động được tiến hành trên cơ sở Hiến pháp, luật, pháp lệnh và để thực hiện pháp luật. Chính vì vậy, ở góc độ này có thể thấy rằng hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước cũng chính là hiệu quả thực hiện pháp luật.

Khác với hoạt động thi hành pháp luật của cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân (hoạt động chính thông qua các kỳ họp, giữa các kỳ họp chỉ có bộ phận nhất định thực hiện một số nhiệm vụ được giao); hay khác với hoạt động của cơ quan Tòa án (chức năng chính thực hiện thông qua hoạt động xét xử tại các phiên tòa), hoạt động thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước mang tính thường xuyên, liên tục và là cầu nối trực tiếp nhất đưa đường lối, chính sách, pháp luật vào đời sống xã hội một cách trực tiếp.

Hệ thống cơ quan hành chính nhà nước có số lượng đầu mỗi cơ quan và công chức đông đảo nhất; hệ thống cơ quan hành chính có mối liên hệ chặt chẽ, tạo thành một hệ thống thống nhất từ trung ương tới cơ sở, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của một trung tâm thống nhất là Chính phủ - cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.

Các cơ quan hành chính nhà nước đều trực tiếp, hoặc gián tiếp trực thuộc cơ quan quyền lực nhà nước, chịu sự lãnh đạo, giám sát, kiểm tra của các cơ quan quyền lực nhà nước ở cấp tương ứng và chịu trách nhiệm, báo cáo công tác trước cơ quan quyền lực đó.

Hoạt động thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước khác với hoạt động thi hành pháp luật của cơ quan quyền lực, hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát và hoạt động xét xử của Toà án. Hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước là đối tượng giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước, của Toà án thông qua hoạt động xét xử những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, kinh tế và hành chính. Các cơ quan hành chính nhà nước có nghĩa vụ, trách nhiệm xem xét và trả lời các yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Toà án trong những trường hợp nhất định và trong thời hạn do luật định. Ngược lại, các văn bản pháp luật của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thể là căn cứ pháp lý để Viện kiểm sát và Toà án thực hiện hoạt động kiểm sát và xét xử. Một số văn bản pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước trực tiếp điều chỉnh một số vấn đề về tổ chức nội bộ của Viện kiểm sát và Toà án.

Khi nhận thức về hoạt động thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước, cần lưu ý tới vai trò “kép” của các cơ quan hành chính nhà nước trong thi hành pháp luật. Theo đó, cơ quan hành chính nhà nước vừa trực tiếp chấp hành (tuân thủ, triển khai) các nội dung pháp luật yêu cầu lại vừa phải tổ chức cho các chủ thể khác tuân thủ, chấp hành pháp luật. Với tư cách là một chủ thể trực tiếp thi hành pháp luật, cơ quan hành chính nhà nước thực hiện các hành vi hợp pháp (theo đúng yêu cầu của pháp luật) thông qua các hình thức khác nhau, trong đó, có việc áp dụng pháp luật, tức là ra các văn bản, quyết định cá biệt để các chủ thể khác thực hiện. Với tư cách là chủ thể tổ chức thi hành pháp luật, cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện nhiều công việc nhằm tạo ra các cơ sở, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật của các chủ thể khác trong phạm vi toàn xã hội, bao gồm: Tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra, theo dõi việc thi hành pháp luật; ban hành văn bản hướng dẫn thi hành; ban hành kế hoạch và triển khai các biện pháp thực hiện, trong đó, có phổ biến văn bản; bảo đảm các điều kiện thi hành như nguồn lực, tài chính, tổ chức bộ máy, cán bộ; kiểm tra, xử lý vi phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân; đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đánh giá tính hợp lý, khả thi của văn bản, tác động của văn bản đối với đời sống xã hội để có kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật nói chung. Như vậy, thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước có thể được hiểu là tất cả các hoạt động mà cơ quan hành chính nhà nước thực hiện đưa các quy định pháp luật thuộc phạm vi, thẩm quyền trách nhiệm thi hành của mình đi vào cuộc sống, nhằm đạt được những mục tiêu, yêu cầu của pháp luật.

 


[1] PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan: Giáo trình Lý luận về Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 396

[2] TS. Lê Thành Long (chủ biên): Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn về theo dõi thi hành pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2011, tr. 40.

[3] PGS.TS. Nguyễn Hữu Hải và ThS. Lê Văn Hòa (đồng chủ biên): Đại cương về chính sách công, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 298-335.

[4] Luật này bị thay thế bởi Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 từ ngày 01-01-2016.

[5] Điều 94 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ "Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Điều 98 Hiến pháp năm 2013 quy định Thủ tướng Chính phủ “lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia”. Điều 114 Hiến pháp năm 2013 quy định "Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là... cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương”.

[6] PGS.TS. Nguyễn Cửu Việt: Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 131.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành