Thứ ba, 24 Tháng 6 2014 00:00

Kiến nghị giải pháp nhằm đổi mới quản lý chi NSNN

Hiện nay, quản lý chi ngân sách ở nước ta còn tồn tại rất nhiều hạn chế được thống kê bằng các số liệu thực tế bội chi ngân sách tăng dần hàng năm, để đạt được những mục tiêu và định hướng do Quốc hội đề ra theo kế hoạch hàng năm, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý chi NSNN.

Chúng ta hội nhập, phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh tuy có nhiều cơ hội song cũng đặt ra những thách thức lớn. Mặc dù mục tiêu đặt ra cao so với thực tế hiện nay, phải huy động nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả mới đạt được, theo số liệu thống kê số liệu thu, chi ngân sách từ năm 2010 – 2014  có thể thấy so với thế giới và khu vực thì xuất phát điểm của chúng ta thấp. Năm 2010 tổng thu NSNN là: 405.171 tỷ đồng; tương tự tổng chi NSNN là : 491.543 tỷ đồng; Năm 2011 tổng thu ngân sách nhà nước là: 674.500 tỷ đồng và tổng số chi NSNN là 796.000 tỷ đồng; Năm 2012 tổng số thu NSNN là 765.590 tỷ đồng và tổng chi NSNN là 905.790 tỷ đồng; Năm 2013 tổng số thu NSNN là 816.000 tỷ đồng và tổng số chi NSNN là 978.000 tỷ đồng và Năm 2014 dự toán tổng chi NSNN là 782.700 tỷ đồng và dự toán tổng chi NSNN là 1.006 tỷ đồng. Nguồn lực thì nhỏ bé như vậy đòi hỏi chúng ta phải đổi mới cách quản lý để NSNN thực sự trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế và được sử dụng hiệu quả tiết kiệm nhất, tạo ra và cung cấp hàng hoá dịch vụ công một cách tốt nhất.

Những quan điểm trên được cụ thể hoả bằng hệ thống các giải pháp nhằm quản lý tốt nhất hoạt động chi NSNN. Các giải pháp đó là:

1. Hoàn thiện phương thức quản lý chi theo yếu tố đầu vào đối với những nội dung chi buộc phải quản lý theo phương thức này

Trong hàng loạt nội dung có một số nội dung không lượng hoá được theo đầu ra nhưng vẫn cần thiết phải chi. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện phương thức quản lý để nâng cao hơn nữa hiệu quả chi phù hợp với cơ chế thị trường với các nội dung cụ thể sau:

1.1. Những nội dung chi tiếp tục thực hiện theo phương thức quản lý đầu vào bao gồm:

- Chi thường xuyên Quốc phòng, an ninh.

- Chi thường xuyên hành chính và quản lý Nhà nước.

- Chi cho hoạt động của Đảng và các tổ chức chính trị xã hội.

- Một số khoản chi khác.

1.2. Xây dựng hệ thống chính sách tiêu chuẩn định mức chi theo yếu tố đầu vào trong đó chú trọng đến hiệu quả cuối cùng

Sẽ không có một cách xác định hiệu quả nào nếu tách rời đầu ra với đầu vào, bởi chúng có mối quan hệ hữu cơ. Với một tập hợp các đầu vào để cho ra một hoặc thiếu kết quả đầu ra vì vậy muốn đo lường kết quả đầu ra phải xác định chi phí đầu vào. Chi phí đầu vào ở đây bao gồm chi phí cho nhân sự, chi phí khấu hao tài sản, chi phí gián tiếp như tiền thuê nhà, chi phí hành chính v.v.. Và các chi phí khác để đảm bảo cho hoạt động tạo ra các kết quả cuối cùng. Cách xác định chi phí đầu vào gồm hai yếu tố chính:

- Hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật: được xác định cho từng ngành, lĩnh vực như thời gian cho một người làm ra một loại văn bản hành chính, giảng một bài học, cung cấp một dịch vụ đảm bảo an ninh trật tự, bảo dưỡng một km đường, cung ứng một dịch vụ khuyến nông, tiêu hao cho vận hành máy móc thiết bị... Hệ thống định mức này phải được xác định từ thực tiễn ở nhiều đơn vị có sản phẩm tương tự sau đó tính một định mức đại diện chung theo phương pháp bình quân gia quyền hoặc lấy mức trung bình tiên tiến.

- Xác định tiêu chuẩn chi tiêu: từ hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và nhu cầu tiền lương bình quân của từng khu vực để tính toán tiêu chuẩn chi tiêu cho một đối tượng chi trong một đơn vị thời gian: tiêu chuẩn chi tiêu có thể thay đổi theo thời gian tuỳ theo khả năng đáp ứng của ngân sách song thông thường ổn định trong một khoảng thời gian 2 - 3 năm.

Hai yếu tố trên được kết hợp với nhau và cùng với một số yếu tố khác như số nhân sự có mặt, một số chi phí cá biệt không xác định định mức và tiêu chuẩn. Trên cơ sở xác định chi phí đầu vào được tập hợp từ tất cả các yếu tố đầu vào, liên hệ với đầu ra bằng cách phân bổ chi phí cho một đơn vị đầu ra để so sánh một đơn vị đầu ra như vậy cần bao nhiêu đơn vị đầu vào với chi phí hết bao nhiêu. Làm căn cứ xác định tổng mức chi phí và chi phí bình quân cho một đơn vị đầu ra.

Với cách làm như vậy có thể so sánh với cùng một văn bản hành chính, với cùng một km đường cấp độ như nhau: giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công khác nhau cần bao nhiêu đầu vào với chi phí bao nhiêu là tạo ra chi phí cho một đầu ra như nhau hết bao nhiêu tiền.

Có thể nhận thấy việc xác định quản lý chi theo phương pháp này đòi hỏi nhiều tiêu chí tính toán, song cho phép cung cấp thông tin đủ để xác định và chú trọng đến hiệu quả cuối cùng.

1.3. Xác định những khâu có thể lượng hoá được để vận dụng phương thức quản lý chi theo kết quả đầu ra

Ngay trong từng khoản chi áp dụng phương thức quản lý đầu vào cũng có thể chọn ra một số khâu để xác định mức khoán hay mức trần chi tiêu cho một khối lượng công việc nhất định như: khoán biên chế, quỹ- lương, dịch vụ công cộng như điện, điện thoại...

2. Đẩy mạnh triển khai phương thức quản lý chi NSNN theo kết quả đầu ra

Trên thế giới hiện nay, nhất là ở các nước tiên tiến đã áp dụng phương thức chi ngân sách theo kết quả đầu ra ở một số nội dung. Trong số 28 quốc gia OECD tham gia vào cuộc điều tra về quản lý ngân sách năm 1999, có 21 quốc gia có đưa thông tin hoạt động vào ngân sách, 5 quốc gia chỉ đưa vào một số chương trình, 16/21 quốc gia thể hiện các mục tiêu hoạt động và 14/28 quốc gia sử dụng thông tin hoạt động cho quá trình phân bổ ngân sách hay là phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra. Có ba nước điển hình phân bổ ngân sách theo kết quả cuối cùng là Newzealand, úc, Hà Lan. Tuy nhiên cũng không phải toàn bộ nội dung chỉ ngân sách đều được phân bổ theo kết quả đầu ra bởi muốn phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra phải lượng hoá chi phí, mà không phải nội dung nào cũng đo lường được và có đo lường cũng hết sức tốn kém. Bên cạnh đó còn phải có tiêu thức phương tiện và trình độ quản lý tiên tiến.

Đây là phương thức quản lý mới với yêu cầu cao và kỹ thuật tính toán phức tạp, có nhiều nước áp dụng và đã thành công như Newzealand, Oxtrâylia... Tuy nhiên, một số nước cũng đang thí điểm áp dụng như Pháp, Cộng hoà Liên bang Đức. Phương thức này tỏ rõ tính ưu việt so với phương thức truyền thống hiện nay, cho phép người sử dụng nguồn lực có hạn một cách hiệu quả nhất, vì vậy cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể áp dụng ở Việt Nam.

2.1.  Những nội dung có lượng hoá chi phí, kết quả

Chi đầu tư bao gồm chi xây đựng cơ bản, chi hỗ trợ doanh nghiệp, chi chương trình, mục tiêu.

Chi mua sắm.

Chi một số nghiệp vụ, chuyên môn.

2.2. Các yếu tố gắn với xác định kết quả đầu ra

Xác định đâu là kết quả đầu ra được thực hiện:

Đây là yếu tố đầu tiên trong quá trình xác định kết quả đầu ra, vì vậy cần phải tập trung vào một số yếu tố như tập hợp tất cả các hoạt động của cơ quan đơn vị sử dụng các tiêu đề hoặc nội dung miêu tả ngắn ngọn; xác định xem mọi hoạt động có phải là kết quả đầu ra cuối cùng hay không. Tập hợp các hoạt động của từng kết quả đầu ra trên cơ sở có bản chất giống nhau, không phụ thuộc vào việc hoạt động đó do bộ phận nào trong cơ quan chịu trách nhiệm. Sau đó đặt tên cho mọi kết quả đầu ra một cách ngắn ngọn, tên này phản ánh thuộc tính của hàng hoá dịch vụ sẽ cung ứng và nhất quán tên gọi kết quả đầu ra tương tự giữa các bộ ngành.

Sau khi xác định xong một số yếu tố trên cần dựa trên các nguyên tắc để đánh giá lại xem những kết quả đầu ra này có phản ánh toàn diện hoạt động của cơ quan đơn vị và có chứa duy nhất một công đoạn của quá trình sản xuất đối với hoạt động có cùng bản chất, có thuộc phạm vi kiểm soát của cơ quan đơn vị, đảm bảo cho các hoạt động có cùng bản chất đều được đưa vào cùng một kết quả đầu ra.

Mô tả kết quả dầu lửa:

Giúp cho định nghĩa rõ, xác định phạm vi và giới hạn rõ ràng của hàng hoá dịch vụ cung cấp. Thông qua miêu tả nêu bật bản chất của kết quả đầu ra và có thể đề cập đến một số khía cạnh quan trọng của quá trình sản xuất.

Sau khi mô tả kết quả đầu ra cần đánh giá lại nội dung thông qua việc áp dụng các nguyên tắc xác định kết quả đầu ra để kiểm chứng xem nội dung miêu tả là đầy đủ và tất cả những người sử dụng thông tin sẽ hiểu một cách thống nhất về bản chất của mỗi kết quả đầu ra, phạm vi hoạt động đối với một kết quả đầu ra cần có bản chất giống nhau và có tính chất hướng ngoại và có thể kiểm soát được ở cơ quan đơn vị và những quyết định được đưa ra trong quy trình ngân sách của phủ được phản ánh đầy đủ.

Xác định việc nhóm các kết quả đầu ra.

Các kết quả đầu ra có thể được xác định ở mức độ khái quát hay tổng hợp khác nhau. Những mức độ tổng hợp này sẽ hình thành các thứ bậc đầu ra. Nội dung chủ yếu là nhóm các kết quả đầu ra trên cơ sở tổng hợp các kết quả đầu ra có quan hệ với nhau, hình thành cách thức miêu tả chung cho mỗi nhóm kết quả đầu ra.

Sau khi xác định nhóm kết quả đầu ra thì áp dụng nguyên tắc để qua đó khẳng định rằng mỗi nhóm kết quả đầu ra chỉ bao gồm những kết quả đầu ra có cùng bản chất, việc miêu tả toàn diện và những người sử dụng thông tin hiểu về bản chất và các mục tiêu gắn với kết quả đầu ra nằm trong tầm kiểm soát phản ánh được tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực.

Xây dựng các thước đo danh giá kết quả đầu ra

Chọn thước đo các khía cạnh kết quả có vai trò quan trọng đối với Chính phủ. Cụ thể là hình thành danh mục thước đo mỗi kết quả đầu ra về nội dung của quá trình hoạt động: mỗi nội dung đưa ra một thước đo hoạt động, xác định thước đo có tầm quan trọng với Chính phủ với tư cách là người cung cấp tài chính. Vì vậy các thước đo phải phản ánh thông tin toàn điện và những quy định đưa ra trong quy trình xây dựng ngân sách của Chính phủ phải được phản ánh toàn diện.

Xác định chỉ tiêu phấn đấu cho kết quả đầu ra.

Chỉ tiêu thực hiện của kết quả đầu ra ngân sách thường được phân tích dựa trên những hoạt động và kết quả đầu ra trong quá khứ và xu hướng cho tương lai, chính sách của Chính phủ, định hướng phát triển, năng lực của cơ quan đơn vị và nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là một phần quy trình ngân sách đồng thời là căn cứ đánh giá hoạt động hàng năm. Xác định các chỉ tiêu gồm nội dung giá trị cụ thể hoặc tỷ lệ phần trăm, tỷ trọng.

Xác định chỉ tiêu: thời gian, tần xuất, các cơ sở thông tin cho việc xây dựng chỉ tiêu và đánh giá tần suất, bao gồm những dữ liệu về hoạt động, tiêu chuẩn về kỹ thuật và những vấn đề liên quan đến chi phí đối với kết quả đầu ra nếu như có sự khác biệt giữa thực hiện và dự kiến.

Sau khi xác định chỉ tiêu phấn đấu xong thì đánh giá lại danh mục các chỉ tiêu kết quả thông qua việc áp dụng các nguyên tắc để khẳng định chỉ tiêu đó có kiểm soát được và nó thực sự phản ánh sử dụng nguồn lực. Những chỉ tiêu này phản ánh được sự kết hợp tối ưu giữa ưu tiên của Chính phủ và năng lực của cơ quan đơn vị và không có sự trùng lắp về chỉ tiêu kết quả.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ năm, 06 Tháng 11 2014 10:13

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành