Thứ năm, 21 Tháng 12 2023 08:21

Mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường

Nếu hình dung sự phát triển lực lượng sản xuất là một quá trình và hoàn thiện quan hệ sản xuất cũng mang tính chất là một quá trình thì có thể thấy, mối quan hệ giữa hai quá trình này chính là ở chỗ, việc hoàn thiện quan hệ sản xuất chịu sự quy định của quá trình phát triển lực lượng sản xuất và sự phát triển lực lượng sản xuất đòi hỏi quá trình hoàn thiện quan hệ sản xuất. Đó là mối quan hệ ràng buộc, biện chứng, dẫn dắt không phải thuần túy mối quan hệ nhân quả biển ngẫu, tức là vai trò tương đương nhau.

Quá trình phát triển lực lượng sản xuất là quá trình vận động khách quan. Nếu quan hệ sản xuất chậm được hoàn thiện, thì quá trình đó vẫn cứ diễn ra, tuy nhiên, khi quan hệ sản xuất chậm được hoàn thiện thì động lực cho sự phát triển lực lượng sản xuất, trước hết là lực lượng chủ thể người trong lực lượng sản xuất không tiếp nhận được đầy đủ. Do đó, làm chậm quá trình giải phóng sức sáng tạo của bản thân lực lượng người và giải phóng các nguồn lực thuộc tư liệu lao động và đối tượng lao động.

Xét về quá trình hoàn thiện quan hệ sản xuất, việc hoàn thiện quan hệ sản xuất không thể tự thân diễn ra, nó đòi hỏi phải dựa trên yêu cầu của quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Vì vậy, quá trình hoàn thiện quan hệ sản xuất phải được xuất phát từ yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Quá trình này là đòi hỏi và dẫn dắt bởi quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Phát triển lực lượng sản xuất là nguyên nhân sâu xa thúc đẩy hoàn thiện quan hệ sản xuất. Ngoài nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân trực tiếp của hoàn thiện quan hệ sản xuất còn bao hàm khát vọng và ý chí của chủ thể quản trị quốc gia. Cho nên, mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, nếu được phân loại, đây không đơn thuần là quan hệ nhân quả. Việc phát triển lực lượng sản xuất không phải thuần túy do nguyên nhân hoàn thiện quan hệ sản xuất. Mối quan hệ đó có mặt quan hệ nhân quả, thể hiện ở chỗ phát triển lực lượng sản xuất tất yếu sẽ thúc đẩy hoàn thiện quan hệ sản xuất, song cũng không hiển nhiên do hoàn thiện quan hệ sản xuất đã tạo ra hệ quả của sự phát triển lực lượng sản xuất mà ở chỗ tác động trở lại của quan hệ sản xuất đối với quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Hai quá trình này thể hiện ở vai trò không tương đương nhau theo thể thức đối ngẫu ngang hàng về mặt vị trí của quá trình. Do đó, việc phát triển lực lượng sản xuất là phương thức để hoàn thiện quan hệ sản xuất chứ không phải ngược lại. Hơn thế, không thể đẩy quan hệ sản xuất đi quá xa so với trình độ của lực lượng sản xuất. Đây là điểm cần được nhấn mạnh để khẳng định không thể biến quan hệ sản xuất theo ý chí chủ quan để trở thành động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển mà chỉ có thể hoàn thiện quan hệ sản xuất thích ứng với trình độ của lực lượng sản xuất để lực lượng sản xuất không bị kìm hãm quá trình phát triển.

Mặc dù không mang bản chất của quan hệ nhân quả nhưng mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất thể hiện tính biện chứng. Nếu như bản thân lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là một cặp quan hệ biện chứng thì việc phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất cũng thể hiện mối quan hệ biện chứng. Nghĩa là, mặc dù việc hoàn thiện quan hệ sản xuất mang tính thụ động hơn so với quá trình phát triển lực lượng sản xuất song không có nghĩa là việc hoàn thiện quan hệ sản xuất hoàn toàn chỉ là quá trình đi diễn ra quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Hoàn thiện quan hệ sản xuất có vai trò tác động trở lại đối với quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Việc hoàn thiện quan hệ sản xuất nếu diễn ra kịp thời, thì động lực của các chủ thể trong lực lượng sản xuất sẽ được giải phóng, do đó thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Trái lại, việc hoàn thiện quan hệ sản xuất chậm hoặc không ăn khớp với quá trình phát triển lực lượng sản xuất thì quá trình phát triển lực lượng sản xuất sẽ gặp rào cản. Cho nên, hai quá trình đó phải diễn ra đồng thời, song song với nhau. Muốn hoàn thiện quan hệ sản xuất không thể không thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển và muốn phát triển lực lượng sản xuất cũng không thể không kịp thời hoàn thiện quan hệ sản xuất. Sự không ăn khớp giữa phát triển lực lượng sản xuất và từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất sẽ dẫn tới những rào cản trong quá trình phát triển.

Do đó, càng thấy rõ hơn yêu cầu về quản trị quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Việc quản trị phát triển lực lượng sản xuất, có thể thấy, chính là quá trình làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất.

Khi quan sát trực tiếp hơn, mối hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất thể hiện ở việc quan hệ bản chất tác động cộng hưởng, cùng chiều của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất. Bản chất của mối quan hệ này thể hiện ở chỗ, lực lượng phát triển đến đâu, đòi hỏi quan hệ sản xuất phải được hoàn thiện đồng thời tới đó. Lực lượng sản xuất phát triển đến trình độ nào, đòi hỏi quan hệ sản xuất phải đảm bảo được hoàn thiện để tương thích với trình độ phát triển đó của lực lượng sản xuất. Không những thế, mối quan hệ còn yêu cầu việc hoàn thiện các quan hệ sản xuất đó không được vượt trước một cách giả tạo so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Do đó, mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường có thể hiểu là đặt mối quan hệ đó trong điều kiện sự vận hành của cơ chế thị trường và các quy luật của nền kinh tế thị trường. Nghĩa là, việc phát triển lực lượng sản xuất tới đâu kéo theo phải hoàn thiện quan hệ sản xuất tới đó, song việc phát triển và hoàn thiện đó phải được đặt trong yêu cầu của cơ chế và quy luật của nền kinh tế thị trường. Điều này khác với việc phát triển lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong điều kiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung. Việc hoàn thiện quan hệ sản xuất và phát triển lực lượng sản xuất được nhấn mạnh bởi ý chí chủ quan. Có thể có sự phát triển lực lượng sản xuất nhất định bằng ý chí chủ quan, diễn ra trong bối cảnh nguồn lực để đảm bảo cho sự phát triển lực lượng sản xuất là dồi dào. Tuy nhiên, về dài hạn, nếu chỉ sử dụng và dựa trên ý chí chủ quan, thì động lực cho sự phát triển của lực lượng sản xuất sẽ bị xói mòn và do đó về lâu dài không duy trì được nhịp độ và quy mô, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Muốn duy trì được nhịp độ dài hạn của quá trình phát triển lực lượng sản xuất cần có vai trò của cơ chế thị trường, khi đó các quy luật của cơ chế thị trường sẽ tác động điều chỉnh quy mô và nhịp độ phát triển của quá trình phát triển lực lượng sản xuất. Tương tự như vậy, việc hoàn thiện quan hệ sản xuất nếu chỉ dựa trên các nguyên tắc chủ quan sẽ làm méo mó bản thân các thành tố cấu thành nên quan hệ sản xuất. Hệ quả là mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất vì thế sẽ không có được sự ăn khớp với nhau.

1. Hình thái biểu hiện của mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất

Như trên đã nhận diện, mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường là mối quan hệ trừu tượng, phản ánh bản chất bên trong, yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển lực lượng sản xuất đòi hỏi sự hoàn thiện quan hệ sản xuất. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó sẽ khó thấy được tác dụng của mối quan hệ đó đối với quá trình tái sản xuất xã hội. Thực chất, biểu hiện tập trung mối quan hệ bên trong đó ra bên ngoài quá trình tái sản xuất xã hội thực chất chính là các thể chế kinh tế. Như mối quan hệ giữa nội dung với hình thức, quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất là bản chất bên trong thì hình thức biểu hiện hay hình thái biểu hiện ra bên ngoài ở trên bề mặt nền sản xuất xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường chính là các thể chế, trước hết là các chính sách thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất (Sơ đồ 1).

Sơ đồ 1: Biểu hiện của mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất

Như vậy, xét về hình thái biểu hiện, quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất biểu hiện ra ở các thể chế. Các loại hình thể chế cơ bản biểu hiện mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường có thể được phân nhóm gồm:

Thể chế sở hữu:

Thể chế sở hữu là một hình thức biểu hiện của thể chế kinh tế, đó là hệ thống những nguyên tắc nhằm xác định các chủ thể, điểu chỉnh hành vi, quan hệ giữa các chủ thể ấy cũng như phương thức thực hiện lợi ích và cách thức đảm bảo lợi ích liên quan trong quan hệ sở hữu.

Về cấu trúc, có thể hình dung thể chế sở hữu bao gồm các khía cạnh như:

Các bộ quy tắc, luật lệ để xác định chủ thể sở hữu; đối tượng sở hữu; phạm vi của quan hệ sở hữu, hình thức sở hữu và kiểu chế độ sở hữu; những lợi ích từ đối tượng sở hữu và phạm vi lợi ích mà các chủ thể sở hữu, sử dụng được thụ hưởng; các quy tắc điều chỉnh, chế định các hành vi chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối tượng sở hữu; hệ thống công cụ điều chỉnh các chủ thể tham gia hành vi kinh tế liên quan đến hoặc phát sinh từ sở hữu.

Những quy định về vị thế, vai trò, chức năng, năng lực, quyền năng, quyền tài sản và yêu cầu, nguyên tắc sử dụng quyền tài sản; quyền nhân thân; nguyên tắc bảo toàn sở hữu, bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu; nguyên tắc sử dụng tài sản trong sản xuất kinh doanh mà chủ thế đó làm đại diện; phương thức tổ chức vận hành của các chủ thể tham gia các hành vi thực hiện lợi ích từ đối tượng sở hữu (nhà nước, doanh nghiệp, người dân, các hiệp hội, cộng đồng).

Cơ chế, cách thức tổ chức, thiết chế và các quy tắc, thủ tục cho các tổ chức, thiết chế được xác lập đó khi giải quyết các tranh chấp về lợi ích phát sinh từ quyền sở hữu nhằm đạt mục tiêu mà các chủ thể khi tham gia hành vi kinh tế từ lĩnh vực sở hữu muốn đạt được.

Ngoài ra, thể chế sở hữu còn bao hàm những hình thức thể chế không chính thức do các cộng đồng xây dựng nên. Ở Việt Nam, thuộc thành tố này có thể là các quy tắc, nguyên tắc được cộng đồng xây dựng, thừa nhận và ban hành để điều chỉnh các quan hệ trong cộng đồng. Nổi bật là các hương ước, các quy ước của làng xã về tài sản, sử dụng tài sản chung, phát triển tài sản chung của cộng đồng, về ruộng đất sử dụng chung hoặc các công trình do đóng góp chung mà có.

Thể chế sở hữu phản ánh mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sở hữu.

Sơ đồ: Biểu hiện của mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất

Thể chế tạo lập môi trường cho các chủ thể trong nền kinh tế là hệ thống các thành tố mang tính chính sách và quy tắc quy định về các điều kiện cho các chủ thể trong nền kinh tế hoạt động phù hợp với các nguyên tắc và quy luật thị trường.

Thể chế tạo lập môi trường cho các chủ thể kinh tế được đặt trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập.

Thể chế tạo lập môi trường gồm các chính sách thúc đẩy phát triển các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh; thể chế tài chính, thể chế thuế, thể chế đầu tư, thể chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế.

Các thể chế tạo lập môi trường phản ánh mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ tổ chức, quản lý trong điều kiện kinh tế thị trường.

Thế chế tạo lập môi trường có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các chủ thể, các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh hình thành và phát triển. Khi các thể chế tạo lập môi trường thông thoáng, minh bạch sẽ giúp cho việc nhận định về lợi ích và quan hệ lợi ích giữa các chủ thể, các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh, các thành phần kinh tế được rõ hơn. Từ đó tạo động lực rõ hơn để các chủ thể trong nền kinh tế thị trường thực hiện hành vi theo đuổi lợi ích một cách phù hợp. Trái lại, thể chế tạo lập môi trường tù mù, mập mờ, thay đổi giật cục sẽ làm cho môi trường kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường gặp nhiều rào cản, từ đó làm xói mòn động lực phát triển sản xuất kinh doanh. Hệ quả của hiện tượng đó là làm cho quá trình sản xuất cũng như tái sản xuất bị gián đoạn do gặp nhiều rào cản.

Trên bề mặt của nền kinh tế thị trường, thể chế tạo lập môi trường phản ánh mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất với hoàn thiện quan hệ tổ chức quản lý.

Sơ đồ: Biểu hiện của mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ tổ chức quản lý

Thể chế phân phối thu nhập:

Thể chế phân phối thu nhập là biểu hiện của mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất với hoàn thiện quan hệ phân phối.

Sơ đồ: Biểu hiện của mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ phân phối

Thể chế về phân phối thu nhập bao hàm thể chế về phân phối lần đầu và phân phối lại.

Thể chế về phân phối lần đầu, nòng cốt là các chính sách quy định về việc dòng thu nhập sẽ được phân phối như thế nào sau mỗi chu kỳ tái sản xuất ở cấp độ vi mô của các doanh nghiệp cũng như cấp độ vĩ mô của toàn bộ nền kinh tế.

Thể chế phân phối lại bao gồm các chính sách quy định về việc phân phối hình thành thu nhập cho khu vực công; trong đó có các chính sách về tiền lương, thu nhập, thuế thu nhập của các bộ phận người lao động hoạt động trong khu vực công.

Hiệu quả tác động của thể chế phân phối lại đối với toàn bộ nến kinh tế phụ thuộc vào quy mô của bộ máy quản trị công và lực lượng phục vụ công. Trong điều kiện các quỹ tài chính tập trung còn hạn chế mà phải giải quyết cho một lực lượng khu vực công có quy mô lớn thì hiệu quả thúc đẩy sáng tạo trong khu vực công sẽ thấp do bản thân quy mô thu nhập bị phân tán.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, thể chế phân phối thu nhập dựa trên phân phối giá trị. Khác với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, phân phối thu nhập dựa chủ yếu trên cơ sở phân phối hiện vật. Việc phân phối bằng hiện vật sẽ không có tiềm năng để tạo ra động lực lâu dài cho sự phát triển lực lượng sản xuất.

Thể chế lưu thông và phân bổ nguồn lực hay rộng hơn là thể chế thị trường (các yếu tố thị trường và các hình thái thị trường):

Thể chế về lưu thông hay thực chất, trong điều kiện kinh tế thị trường là các thể chế thị trường. Đó là hệ thống thế chế về các loại thị trường. Trên thị trường quan hệ lưu thông được biểu hiện rõ hơn cả. Vì vậy, đây là điểm khác biệt căn bản xét về phương diện phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất trong điều kiện kinh tế thị trường và điều kiện kinh tế kế hoạch hóa tập trung.

Trong nền kinh tế thị trường, các thị trường được vận hành theo các quy luật khách quan của nó, mọi hoạt động liên quan đến lưu thông đầu vào cũng như trao đổi sản phẩm đầu ra của quá trình sản xuất đều được thông qua thị trường. Trong các khâu của quá trình tái sản xuất, thể chế lưu thông đóng vai trò quan trọng đặc biệt thúc đẩy hoặc kìm hãm toàn bộ quá trình tái sản xuất. Do đó, việc hoàn thiện thể chế lưu thông hay thể chế các loại thị trường thực chất là thể hiện mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất.

Thể chế phân bổ nguồn lực bao gồm hai nhóm khía cạnh: Nhóm thể chế thị trường vận động theo quy luật thị trường trong phân bổ nguồn lực; nhóm thể chế do các chủ thể nhà nước tạo ra để điều tiết quá trình phân bổ nguồn lực tự nhiên (nguồn lực tài nguyên thiên nhiên) cũng như nguồn lực kết quả của quá trình tái sản xuất (nguồn lực khoa học, nguồn lực tài chính, nguồn lực lao động, nguồn lực trí tuệ, nguồn lực số).

Xét về vai trò, thể chế phân bố nguồn lực góp phần đảm bảo nguồn lực phải được sử dụng hiệu quả nhất. Trong điều kiện như vậy, vai trò của thể chế thị trường là quyết định. Chỉ có thị trường mới có thể định đoạt được nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Còn nếu để thể chế do chủ quan xây dựng thì hệ quả là việc xin cho và thể hiện ý chí chủ quan sẽ xuất hiện. Trong điều kiện như vậy, việc nguồn lực không phát huy hiệu quả một cách tối đa có thể xảy ra. Lẽ dĩ nhiên, trong quá trình tái sản xuất, việc phân bổ nguồn lực để thị trường quyết định song không có nghĩa là duy nhất chỉ có thị trường phân bổ nguồn lực. Còn có bàn tay hữu hình của nhà nước và các thể chế do nhà nước ban hành. Liều lượng giữa thể chế nhà nước và thể chế thị trường trong thực hiện phân bổ nguồn lực phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi một giai đoạn phát triển. Về đại thể, phát huy vai trò của thị trường mạnh sẽ tạo ra động lực dài hạn.

Trong nền kinh tế thị trường, biểu hiện cô đọng của thể chế về lưu thông và phân bổ nguồn lực chính là các chính sách điều tiết các quan hệ lưu thông và quá trình phân bổ nguồn lực. Do đó, việc khảo sát mối quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất xét riêng với việc hoàn thiện quan hệ lưu thông và phân bổ nguồn lực cần được quan sát từ các thế chế liên quan đến lĩnh vực lưu thông và phân bổ nguồn lực.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành