Thứ ba, 12 Tháng 12 2023 08:36

Một số vấn đề về bảo mật thông tin, chứng cứ trong giải quyết tranh chấp theo cơ chế tố tụng tòa án của một số nước thành viên CPTPP

1. Về bảo mật thông tin, chứng cứ

1.1. Vấn đề bảo mật ở Nhật Bản

Các thủ tục tố tụng của Tòa án được tiến hành công khai, trừ khi Tòa án cho rằng điều này sẽ gây bất lợi cho chính sách công (Điều 82 Hiến pháp Nhật Bản năm 1946). Tuy nhiên, các thủ tục chuẩn bị cho phiên tòa thường không được công khai. Để bảo vệ thông tin bí mật, Tòa án có thể ngăn không cho bên thứ ba đọc hoặc sao chép các phần của hồ sơ kiện tụng có chứa bí mật kinh doanh, thông tin hoặc bí mật cá nhân, nếu một bên đưa ra bằng chứng sơ bộ rằng mình được hưởng sự bảo vệ này (Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự Nhật Bản năm 1996, sửa đổi, bổ sung năm 2011). Để bảo vệ bí mật thương mại, Tòa án cũng có thể:

- Đặt ra nghĩa vụ bảo mật đối với các bên, luật sư và nhân viên của họ.

Ra lệnh cho họ không sử dụng bí mật kinh doanh cho các mục đích khác ngoài kiện tụng hoặc tiết lộ bí mật kinh doanh cho bên thứ ba.

Một bên phải trình bày bằng chứng rõ ràng rằng bản tóm tắt hoặc bằng chứng có chứa bí mật thương mại, cũng như bằng chứng về lý do tại sao lệnh đó là cần thiết[1]. Pháp luật về giải pháp hữu ích (utility model), quyền thiết kế, nhãn hiệu thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, quyền tác giả cũng có những quy định tương tự.

Các biện pháp trừng phạt hình sự được áp dụng nếu vi phạm nghĩa vụ bảo mật. Khi một bên, luật sư hoặc nhân viên của bên đó bị kiểm tra liên quan đến bí mật kinh doanh của bên đó, Tòa án có thể đóng phiên điều trần công khai nếu họ quyết định rằng cả hai: Bên hoặc nhân chứng không thể đưa ra tuyên bố đầy đủ trong một phiên điều trần công khai do ảnh hưởng bất lợi nghiêm trọng mà điều đó sẽ gây ra đối với các hoạt động kinh doanh của bên dựa trên bí mật kinh doanh.

Không thể đưa ra phán quyết thích hợp về tranh chấp nếu không có sự kiểm tra thích hợp của nhân chứng[2].

1.2. Vấn đề bảo mật ở Mêhicô

Theo nguyên tắc chung, các phiên điều trần phải được tổ chức công khai (Điều 1080 Bộ luật Thương mại). Tuy nhiên, trong những trường hợp ngoại lệ, Tòa án có thể xem xét việc tổ chức các phiên điều trần sau kín (Điều 274 Bộ luật Tố tụng dân sự Mêhicô). Tuy nhiên, các tài liệu của Tòa án là riêng tư và chỉ các bên mới có thể truy cập vào hồ sơ tòa án và phán quyết cuối cùng. Trong quá trình xét xử, Tòa án sẽ hỏi các bên có đồng ý với việc biên tập lại thông tin của họ trước khi phán quyết được công bố (không có tên của họ và tất cả các tham chiếu rõ ràng về các bên đều được biên tập lại)[3].

Ngoài ra, Tòa tối cao cũng tuyên bố rằng tất cả thông tin liên quan đến các thủ tục liên bang trước năm 2003 đều được công khai. Điều này xảy ra sau khi luật liên bang có hiệu lực và yêu cầu tất cả các nghị quyết liên bang và tài liệu kiện tụng mà không thể kháng cáo phải được công khai. Tuy nhiên, các bên có thể phản đối việc công bố dữ liệu cá nhân của họ (Điều 8 Luật Liên bang về minh bạch và quyền truy cập công khai vào thông tin của Chính phủ năm 2015).

Do đó, một quyết định không thể kháng nghị sẽ được công khai và phải chịu sự kiểm tra của bất kỳ người nào.

1.3. Vấn đề bảo mật ở Pêru

Chỉ có thủ tục tố tụng bằng lời nói duy nhất được công khai trong quá trình dân sự là các cuộc điều trần báo cáo bằng lời nói của luật sư các bên, trong trường hợp đó, các tuyên bố được đưa ra không được sao chép.

Mặt khác, các hành động bằng lời khác (báo cáo của chuyên gia...) không được công khai. Đặc biệt, các bên có thể yêu cầu Thẩm phán tổ chức cuộc điều trần báo cáo bằng lời của luật sư mà không có sự hiện diện của công chúng - điều này sẽ xảy ra trong những trường hợp mà sự tham gia của họ có thể ảnh hưởng đến quyền của bên thứ ba (ví dụ: điều trần trong trường hợp trẻ vị thành niên). sai Các bên thứ ba có thể có quyền truy cập vào hồ sơ tư pháp sau khi hoàn tất quá trình tố tụng và việc lưu trữ.

1.4. Vấn đề bảo mật ở Chilê

Ở Chilê, hồ sơ tòa án trong các vấn đề dân sự và thương mại, đầu tư được công khai, trong khi các thủ tục tố tụng gia đình được giữ kín (ngoại trừ các bên). Đối với các thủ tục giai quyết thương mại và đầu tư, hồ sơ tòa án công khai không chỉ được cung cấp tại tòa án nơi thủ tục tố tụng được chứng minh, mà còn trên trang web chính thức của Bộ Tư pháp, và không có thủ tục bảo vệ hồ sơ tòa án và các thủ tục tố tụng nói chung khỏi việc tiết lộ đối với công chúng.

Tuy nhiên, ngoại lệ, các bên có thể yêu cầu tòa án hạn chế quyền truy cập công khai vào hồ sơ tòa án và cả các bên tranh chấp cũng như bên thứ ba có thể từ chối cung cấp các tài liệu có chứa thông tin hoặc bí mật cá nhân. Trong một số thủ tục tố tụng đặc biệt, chẳng hạn như trước Tòa án chống độc quyền, các bên có thể yêu cầu không tiết lộ một phần tài liệu có chứa thông tin bí mật[4].

Như vậy, ở Nhật Bản, Mêhicô, Pêru và Chilê, thủ tục tố tụng được Tòa án được tiến hành công khai, các hồ sơ cũng sẽ được đăng tải công khai trừ một số trường hợp đặc biệt như trái với chính sách công, hay để bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, sở hữu trí tuệ... Việt Nam cũng có quy định về bảo mật trong tố tụng tòa án tương tự các quốc gia nói trên. Theo đó, xét xử công khai là nguyên tắc hoạt động của tòa án nhằm bảo đảm sự giám sát của nhân dân, của công luận đối với hoạt động xét xử của tòa án, bảo đảm chức năng giáo dục của xét xử và tăng cường trách nhiệm của cơ quan xét xử trước pháp luật.

Trong hoạt động tố tụng nói chung, việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại nói riêng, việc xét xử của tòa án được tiến hành công khai với sự tham dự của công dân, tổ chức, trừ trường hợp đặc biệt do luật định; mọi chứng cứ quan trọng đều được xem xét công khai tại phiên tòa; tất cả các quyết định của tòa án được thông qua trong quá trình xét xử được công bố công khai và có thể được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nguyên tắc này được hình thành với tinh thần bao trùm là “tòa án không những có nhiệm vụ thi hành công lý mà còn phải cho thấy công lý đã được thi hành”. Vì vậy, nội dung chủ đạo của nguyên tắc là công việc xét xử của Tòa án phải được tổ chức sao cho công chúng có thể tham dự được và thông tin về việc xét xử đến với công chúng một cách tối đa.

Trong xét xử công khai vụ án kinh doanh, thương mại được thực hiện theo nguyên tắc chung về xét xử công khai trong tố tụng dân sự, cụ thể: Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bímật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín (khoản 2 Điều 15 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), theo đó, nội dung này thể hiện ở một số khía cạnh cụ thể sau:

Thứ nhất, trước khi xét xử mỗi vụ án kinh doanh, thương mại, Tòa án phải công khai địa điểm, thời gian xét xử để công chúng được biết nếu quan tâm.

Thứ hai, phiên xử phải được tổ chức công khai để người dân tham dự nếu có nhu cầu. Tòa án không được từ chối người dân thực hiện quyền này, trừ các trường hợp được phép xét xử kín theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà Tòa án không đáp ứng được (ví dụ, phòng xử án đã chật...), thì Tòa án phải áp dụng các biện pháp để người dân theo dõi được diễn biến của phiên tòa.

Thứ ba, trong quá trình xét xử, có một số công đoạn có thể được thực hiện không công khai (ví dụ, khi nghị án, khi hòa giải giữa các bên), song bản án phải được tuyên công khai và công bố để mọi người biết và nghiên cứu nếu muốn.

Thứ tư, Tòa án phải đưa ra phân tích, lập luận, lý do cho mỗi phán quyết của mình và viết rõ lập luận, lý do đó trong bản án được công bố, làm sao phải cho người dân thấy mỗi quyết định của Tòa án đều phải có lý lẽ được phân tích và lập luận một cách rõ ràng.

Thứ năm, nguyên tắc xét xử công khai không mang tính tuyệt đối. Trong một số trường hợp đặc biệt, có lý do chính đáng, Tòa án có thể tiến hành xét xử kín. Các trường hợp đó bao gồm: (i) Để bảo đảm không lộ bí mật nhà nước; (ii) Để bảo đảm thuần phong, mỹ tục của dân tộc; (iii) Để bảo vệ người chưa thành niên; (iv) Giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự (khoản 2 Điều 11 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014). Bên cạnh đó, ngày 16/3/2017, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP về việc công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Như vậy, hiện nay, các bản án của Tòa án Việt Nam cũng được công khai trên trang web nói trên, qua đó, góp phần nâng cao quyền tiếp cận công lý của người dân và phù hợp với xu hướng của thế giới.

2. Về chứng cứ

2.1. Quy định về chứng cứ ở Nhật Bản

Về cơ bản, việc xem xét chứng cứ và chứng minh được thực hiện theo kiến nghị của các bên. Tòa án có toàn quyền quyết định việc chấp thuận hay không chấp nhận các kiến nghị đó. Điều 181 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 1996 quy định Tòa án có thể bác việc đưa ra chứng cứ, trong trường hợp Tòa thấy không cần thiết. Với những chứng cứ quá hạn và việc đưa ra chứng cứ không hợp lệ, theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 1996, Tòa án cũng có thể bác bỏ.

Trong quá trình thẩm tra các chứng cứ, các Thẩm phán không bị hạn chế bởi bất cứ đạo luật cụ thể nào về đánh giá chứng cứ. Vấn đề này thuộc quyền tự quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, mặc dù Thẩm phán duy nhất hay Hội đồng thẩm phán có quyền quyết định việc chấp nhận hay bác bỏ chứng cứ, về nguyên tắc, Tòa án không được phép đương nhiên thu thập chứng cứ nếu chứng cứ không phải là do các bên đương sự đưa ra.

Việc thẩm tra nhân chứng được quy định tại các điều từ Điều 194 đến Điều 205 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 1996. Nhân chứng có nghĩa vụ cung cấp các tình tiết đã xảy mà họ chứng kiến. Lời khai báo của nhân chứng được xem xét đánh giá theo quy định về đánh giá chứng cứ. Mặc dù về nguyên tắc, nhân chứng có nghĩa vụ phải có mặt tại phiên toà, nhưng tùy từng trường hợp cụ thể, nếu không có sự phản đối của các bên, thay vì thẩm tra nhân chứng, Tòa án có thể yêu cầu nhân chứng gửi văn bản trình bày lời khai làm chứng của người đó. Đây là một trong các ngoại lệ trong quy trình xét xử tại Tòa giản lược, không áp dụng trong các tranh chấp phức tạp tại Nhật Bản.

Cũng theo luật pháp Nhật Bản, các bên đương sự không có nghĩa vụ tiết lộ hoặc xác minh vụ việc rộng rãi (full discovery process), ngược lại với các nước theo hệ thống thông luật. Các tài liệu do các bên gửi làm bằng chứng thường được các bên thu thập thông qua nỗ lực của chính họ. Ví dụ, trong trường hợp trách nhiệm sản phẩm, nếu nhà sản xuất không hợp tác, bằng chứng quan trọng có thể được che giấu với nguyên đơn. Đó là trường hợp có liên quan và được chấp nhận trong một số trường hợp trách nhiệm sản phẩm, như việc thông báo cho nhà sản xuất về sự tồn tại của một khiếm khuyết trong một hoặc nhiều sản phẩm của nó, nguyên nhân, sự tồn tại của một khiếm khuyết và tính khả thi của các thiết kế thay thế an toàn hơn. Tuy nhiên, một bên có thể nộp đơn yêu cầu bên kia hoặc bên thứ ba xuất trình (các) tài liệu nhất định (Điều 221 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 1996). Khi nộp đơn khởi kiện, đương sự phải ghi rõ:

- Tiêu đề của tài liệu; Bản tóm tắt của tài liệu;

- Người giữ tài liệu; Thực tế được chứng minh;

- Căn cứ cho nghĩa vụ của người giữ tài liệu để nộp tài liệu.

Nếu bên đó không thể chỉ rõ tiêu đề và tóm tắt tài liệu thì phải cung cấp các thông tin khác đủ để người giữ tài liệu xác định tài liệu được yêu cầu. Nếu một yêu cầu đối với các tài liệu cụ thể được thực hiện và được cấp, mỗi bên phải xuất trình tất cả các tài liệu được yêu cầu thuộc quyền sở hữu của mình trừ khi tài liệu đó thuộc một trong các trường hợp ngoại lệ không tiết lộ (Điều 220 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 1996). Không có một chế tài hay hình phạt nào cho bên không tuân thủ mà Tòa án có thể đưa ra suy luận bất lợi và phán quyết có lợi cho bên yêu cầu liên quan đến nội dung và ý nghĩa của tài liệu được yêu cầu (Điều 224 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 1996). Điều này giải thích cho việc tại sao nhận định rằng quá trình xác minh vụ việc ở Nhật Bản là không đầy đủ (limited discovery process).

Tòa án thường ra lệnh xác minh vụ việc khi là phương án cuối cùng và trước đó, tòa án vẫn tạo cơ hội cho bên được yêu cầu để tự nguyện thực hiện nghĩa vụ xuất trình chứng cứ của mình.

2.2. Quy định về chứng cứ ở Mêhicô

Ở Mêhicô, không có quá trình xác minh vụ việc như ở các quốc gia Common Law. Tuy nhiên, trong giai đoạn trước khi xét xử, các bên yêu cầu bên còn lại tiết lộ sổ sách kế toán hoặc tài liệu. Yêu cầu này phải xác định chính xác tài liệu hoặc sổ kế toán được yêu cầu. Một bên cũng có thể yêu cầu chứng cứ nhằm:

- Để lấy lời khai của một số nhân chứng;

- Tiết lộ tài sản là động sản.

Sau khi vụ kiện bắt đầu, một bên có thể yêu cầu Tòa án yêu cầu bên kia xuất trình tài liệu nói trên, nếu tài liệu đó được xác định là chính xác và có bằng chứng về sự tồn tại của nó.

2.3. Quy định về chứng cứ ở Pêru

Việc công khai, tiết lộ tài liệu, chứng cứ do Tòa án ra lệnh, theo yêu cầu của một bên hoặc theo quyết định của chính Thẩm phán. Đối với điều này, bên khởi kiện phải giải thích được bằng chứng đó là gì và chứng minh được sự tồn tại của bằng chứng ấy. Yêu cầu này cũng được giới hạn nghiêm ngặt đối với những tài liệu liên quan trực tiếp đến quy trình[5].

2.4. Quy định về chứng cứ ở Chilê

Nói chung, việc xác minh vụ việc (discovery process) không được quy định trong hệ thống pháp luật Chilê. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự Chilê cho phép một bên có thể yêu cầu một số bằng chứng nhất định cho việc phản đối trong tương lai để chuẩn bị cho phiên tòa, chẳng hạn như bản khai liên quan đến năng lực của bên phản đối trong tương lai hoặc xuất trình các tài liệu liên quan đến vụ kiện. Ngoài ra, các bên có thể yêu cầu cung cấp một số bằng chứng có nguy cơ biến mất - ví dụ, lời khai của nhân chứng và báo cáo của chuyên gia.

Trong cả hai trường hợp, bên yêu cầu phải chỉ ra các tuyên bố trong tương lai và giải thích ngắn gọn các căn cứ của nó, cũng như sự cần thiết của bằng chứng được yêu cầu để bắt đầu tố tụng. Tòa án chỉ có thể đưa ra các yêu cầu liên quan đến bằng chứng được thiết lập cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự Chilê[6].

Như vậy, về cơ bản, quy trình xác minh vụ việc ở tất cả các quốc gia thành viên thuộc hệ thống Civil Law (bao gồm cả Việt Nam) đều không có một quy trình xác minh vụ việc như các quốc gia Common Law. Tuy nhiên, pháp luật các quốc gia này đều cho phép một bên có thể nộp đơn yêu cầu bên kia hoặc bên thứ ba xuất trình (các) tài liệu nhất định, với điều kiện phải chứng minh được sự tồn tại và việc cần thiết phải cung cấp chứng cứ đó, chứ không có quyền yêu cầu xác minh mọi chứng cứ, tài liệu như các quốc gia Common Law. Ở Việt Nam, các bên cũng có thể yêu cầu cung cấp chứng cứ tương tự các quốc gia thuộc hệ thống Civil Law khác (theo Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2015 cũng quy định: "Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết vụ việc dân sự".

Như vậy, cũng giống các quốc gia Civil Law, Việt Nam không quy định một cơ chế phạt cụ thể (sanctions) trong trường hợp bên được yêu cầu không cung cấp chứng cứ mà Tòa án yêu cầu - đây là một điểm khác đối với quy trình xác minh vụ việc ở các nước Common Law.

 


[1] Điều 105-4 Luật Sáng chế Nhật Bản năm 1959, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

[2] Điều 105-7 Luật Sáng chế Nhật Bản năm 1959, sửa đổi, bổ sung năm 2019; Pháp luật về quyền đối với giải pháp hữu ích và cạnh tranh không lành mạnh cũng có quy định tương tự.

[3] https://uk.practicallaw.thomsonreuters.com/0-502-1511?transition Type =Default&contextData=(sc. Default) & firstPage=true#co_anchor_a909464.

[4] https://www.carey.cl/download/filebase/noticias/Chambers-Litigation-Guide-Chile-2019.pdf.

[5] https://www.legal500.com/guides/chapter/peru-litigation.

[6] https://www.carey.cl/download/filebase/noticias/Chambers-Litigation-Guide-Chile-2019.pdf.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành