Thứ năm, 14 Tháng 12 2023 08:54

Đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước

Về mặt lý luận, hoạt động “thi hành pháp luật" là một loại hoạt động công vụ và việc đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật là một dạng đánh giá hiệu quả hoạt động công vụ, thì chúng ta cũng có thể tìm được những cơ sở lý thuyết chung cho hoạt động này, nhất là từ góc độ kinh nghiệm quốc tế. Đánh giá hiệu quả hoạt động công vụ là một xu hướng chung trong cải cách hành chính và cải cách nền công vụ ở các quốc gia trên thế giới hiện nay (nhất là từ những năm 1980 trở lại đây). Ở góc độ nghiên cứu, chủ đề này nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực hành chính công[1], kinh tế học pháp luật, và xã hội học pháp luật[2]. Ở góc độ thực tiễn, hoạt động đánh giá hiệu quả công vụ thường gắn liền với các phong trào cải cách hành chính và thường phục vụ cho các chương trình cải cách hành chính cụ thể[3]. Các chương trình đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp đã được biết đến ở Hoa Kỳ từ những năm đầu thập niên 1970, ở Anh từ cuối thập niên 1970, ở Hà Lan, Ôxtrâylia, các quốc gia Bắc Âu từ những năm 1980[4]. Hoạt động đánh giá này có căn nguyên từ quá trình mở rộng dân chủ, nhất là trước tác động của quá trình cạnh tranh toàn cầu, cử tri ở nhiều quốc gia đòi hỏi chính quyền các cấp ở các quốc gia này phải vận hành một cách hiệu quả hơn nữa.

Các công trình nghiên cứu về kinh nghiệm cải cách hành chính ở các nước phát triển thường cho rằng, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai tới nay, có 3 làn sóng về cải cách hành chính. Làn sóng thứ nhất diễn ra vào khoảng thập niên 1950-1960 theo đó việc cải cách còn mang tính chất trong nội bộ các quốc gia và thiên về khía cạnh pháp lý và hợp lý hóa quá trình ra quyết định, tích hợp khoa học xã hội vào quá trình quản lý. Làn sóng thứ hai diễn ra sau những biến động của cuộc khủng hoảng giá dầu năm 1973 khi các cử tri ở các nước phát triển thấy rằng bộ máy nhà nước và các hoạt động của nó đã phình quá to, trở nên tốn kém và đắt đỏ, cần phải có sự cắt giảm hợp lý. Hầu hết các quốc gia phát triển trong giai đoạn thập niên 1980 đều có các chương trình cải cách chính quyền theo hướng học hỏi nhiều hơn các ý tưởng của khu vực doanh nghiệp, kinh doanh để ứng dụng vào khu vực công. Đây chính là thời điểm mà trào lưu quản lý công mới (“New Public Management”) trở nên thịnh hành ở các quốc gia phát triển theo hệ Anh - Mỹ. Trọng tâm của làn sóng này là làm cho chính quyền thon, gọn hơn, tiết kiệm ngân sách, tăng hiệu quả, và phản ứng có trách nhiệm hơn. Trong trào lưu cải cách thứ hai, các ý tưởng cải cách đã mang tính toàn cầu và được lưu truyền rộng rãi. Từ những năm 1990, trào lưu thứ 3 trong cải cách hành chính bắt đầu hình thành, theo đó, trọng tâm của trào lưu này là quản trị tốt (“good governance”), trong đó, tuy vấn đề “hiệu quả” và “chất lượng” vẫn tiếp tục quan trọng, nhưng khía cạnh “minh bạch” (“transparency”) và “sự tham gia của người dân” (“participation”), giành lại sự tín nhiệm/uy tín của chính quyền trước dân, tăng tính phản ứng nhanh của chính quyền (“responsiveness”) rất được coi trọng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin để tạo dựng chính phủ điện tử là ý tưởng được ưa chuộng rộng rãi. Thêm vào đó, việc tăng cường năng lực cho các cơ quan của chính phủ trong việc đại diện lợi ích của quốc gia trong các thiết chế toàn cầu cũng rất được coi trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra một cách mạnh mẽ[5].

Theo khoa học về hành chính công và chính sách công, đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật (hoặc hiệu quả thi hành chính sách) là một trong những công đoạn điều chỉnh pháp luật[6]. Việc đánh giá này thường là một công đoạn cuối giúp nhà quản lý ra quyết định xem có nên tiếp tục duy trì hoặc tăng cường chính sách/pháp luật đó nữa hay không. Khoa học về đánh giá chính sách/ pháp luật chia các hoạt động đánh giá thành ba loại: (1) Đánh giá trước khi ban hành chính sách/pháp luật (“ex-ante evaluation”) (đây là loại đánh giá dự báo tác động phục vụ việc chọn lựa phương án chính sách phù hợp: ví dụ: đánh giá tác động văn bản RIA, đánh giá môi trường ĐTM hoặc ĐMC); (2) Đánh giá trong quá trình triển khai chính sách/pháp luật (“ongoing evaluation”); và (3) Đánh giá sau khi thi hành chính sách/pháp luật (“ex-post evaluation”) (loại đánh giá này tập trung vào mức độ đạt được mục tiêu – “goal attainment”; tác động thực tế của chính sách/pháp luật - "effects of policies and measures")[7]. Đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật nên được xem là loại đánh giá hiệu quả sau khi chính sách/pháp luật đã được triển khai sau một thời gian nhất định. Đây là loại đánh giá được sử dụng để nhìn lại những kết quả, những tác động thực tế đã đạt được và những khó khăn, bất cập, những rào cản đối với việc không đạt được mục tiêu, tác động dự kiến.

Về nguyên tắc, đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước có thể được tiến hành bởi nhiều loại chủ thể khác nhau. Phổ biến nhất là bốn loại chủ thể sau:

Thứ nhất, chính bản thân cơ quan hành chính. Khi này, việc đánh giá trở thành hoạt động tự đánh giá. Trong trường hợp này, cơ quan hành chính tự thiết kế nội dung, kế hoạch, chương trình, mục tiêu đánh giá và tự tiến hành hoạt động đánh giá (hoặc nhờ tổ chức khác đánh giá giúp nhưng dưới sự giám sát, chỉ dẫn của chính cơ quan hành chính). Hoạt động đánh giá này giúp cho cơ quan hành chính kịp thời nhìn nhận lại thực trạng hoạt động thi hành pháp luật của mình, kịp thời có những uốn nắn, chỉnh sửa trong nội bộ cơ quan để cải thiện mục tiêu hoạt động của mình. Loại hoạt động này có ưu điểm là việc thiết kế chương trình, nội dung, mục tiêu đánh giá có thể khá sát với thực tế hoạt động của cơ quan hành chính, nhưng có thể có nhược điểm dễ thiên vị, không khách quan.

Thứ hai, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên tiến hành công việc đánh giá. Đây là việc đánh giá của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới (chẳng hạn, đánh giá của Chính phủ đối với các Ủy ban nhân dân; đánh giá của Ủy ban nhân dân cấp trên đối với các Ủy ban nhân dân cấp dưới). Đây là việc đánh giá của các cơ quan trong cùng hệ thống với nhau, chỉ khác về thứ bậc giữa các cơ quan. Việc đánh giá thường được thực hiện để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai lệch trong quá trình thực thi công vụ của cấp dưới.

Thứ ba, việc đánh giá của cơ quan dân cử cùng cấp đối với các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp. Đây là loại hoạt động đánh giá do các cơ quan dân cử, thay mặt nhân dân tiến hành. Hoạt động này được tiến hành giữa các cơ quan thuộc hai loại hệ thống cơ quan khác nhau.

Thứ tư, việc đánh giá của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, của Nhân dân và các cơ quan báo chí trong việc thực hiện vai trò giám sát xã hội của mình đối với các cơ quan hành chính.

Đánh giá hiệu quả hoạt động thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước hay đánh giá hiệu quả hoạt động hành chính trở thành một lĩnh vực quan trọng của hành chính công ở các nước phát triển trong những thập niên gần đây. Sở dĩ như vậy là vì, hoạt động đánh giá là một bộ phận thiết yếu trong hoạt động quản lý nói chung. Có đánh giá (và đo lường hiệu quả), chúng ta mới biết được công việc của một cơ quan, tổ chức tốt hay không tốt. Với chính bản thân người quản lý, có đánh giá thì họ mới biết được mình triển khai công việc hiệu quả hay không hiệu quả[8]. Theo các nhà lý luận về hành chính công, có nhiều lý do khác nhau về sự cần thiết phải tiến hành các hoạt động đánh giá hiệu quả hoạt động hành chính công. Chẳng hạn, với Đavít Oócxbon (David Osborne - tác giả của cuốn sách "Sáng tạo lại Chính phủ" - "Reinventing Government") cho rằng: "Nếu chúng ta không đánh giá hiệu quả hoạt động, chúng ta không thể phân biệt được sự thành công với sự thất bại; nếu chúng ta không biết chúng ta đang thành công, chúng ta sẽ không kịp thời tưởng thưởng và khi chúng ta không biết chúng ta thất bại, chúng ta không kịp thời sửa chữa; nếu chúng ta không chứng tỏ được những kết quả mang lại, chúng ta không thể giành được sự ủng hộ của công chúng". Hari Hatri (Harry Hatry), một giáo sư của trường hành chính công ở Đại học Harvard thì cho rằng, nhà quản trị công cần thông tin về kết quả hoạt động của tổ chức mình để: Thực hiện trách nhiệm giải trình trước chủ thể đã cử/ bổ nhiệm ra mình; Để có cơ sở xây dựng các đề xuất về ngân sách; Để có cơ sở ra các quyết định phân bổ nguồn lực nội bộ cho chính xác; Để nghiên cứu sâu hơn các trục trặc trong hoạt động và có hướng sửa chữa; Thúc đẩy những người có liên quan tiếp tục cải thiện hoạt động; Hình thành và giám sát các loại hợp đồng đã ký/đã trao; Đánh giá chương trình; Ủng hộ các kế hoạch có tính chiến lược; Truyền thông hiệu quả với công chúng để giành sự tin tưởng; Cung cấp dịch vụ tốt hơn. Nói gọn lại, mục tiêu cơ bản của việc đánh giá hiệu quả hoạt động là để cải thiện việc thực thi nhiệm vụ và đưa tới các kết quả thành công[9]. Có học giả khác thì lại cho rằng, mục đích chính của việc đánh giá hiệu quả là để: Đánh giá xem cơ quan đang hoạt động tốt hay không; Kiểm soát xem những người được giao việc có thực hiện đúng phận sự không; Giải quyết các vấn đề về ngân sách (cách chi tiêu và mức chi tiêu); Thúc đẩy/tạo động lực cho những người có liên quan; Cổ vũ; Học hỏi và cải thiện[10].

Một điểm rất cần lưu ý là dù việc đánh giá hiệu quả được tiếp cận dưới góc độ nào thì công tác đánh giá vẫn là một cách thức, một công cụ để nhận thức hiện thực. Do vậy, để hoạt động đánh giá không bị lệch chuẩn, hoạt động này cần phải tuân thủ các yêu cầu cơ bản như: bảo đảm tính khách quan, công tâm, dựa trên các bằng chứng, thông tin, dữ liệu xác thực và người thực hiện công việc đánh giá phải được bảo đảm tính độc lập trong việc triển khai công việc của mình. Ngoài ra, cần lưu ý rằng, đánh giá hiệu quả hoạt động công vụ (trong đó có đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật) của cơ quan hành chính là một hoạt động mang tính chính trị, pháp lý sâu sắc vì kết quả đánh giá có thể ảnh hưởng tới uy tín của đối tượng chịu sự đánh giá, nhất là ảnh hưởng tới uy tín của người lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức bị đánh giá đó. Chính vì đặc tính nhạy cảm này, việc đánh giá cần phải được thực hiện cẩn thận, bài bản, đúng quy trình và mang tính chuyên nghiệp cao.

Ở Việt Nam, đánh giá hiệu quả hoạt động nói chung và hiệu quả thi hành pháp luật nói riêng của các cơ quan hành chính nhà nước là hoạt động quan trọng, thiết yếu trong công tác chỉ đạo, điều hành của bộ máy nhà nước. Hoạt động ấy lại càng có ý nghĩa khi Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành hàng loạt các cuộc cải cách quan trọng, trong đó có việc cải cách hệ thống pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và cải cách nền hành chính quốc gia theo tinh thần các Văn kiện Hội nghị trung ương 8 khóa VII (năm 1995), Hội nghị trung ương 3 khóa VIII (năm 1997), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001), lần thứ X (năm 2006), lần thứ XI (năm 2011), Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và nay là Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Chính phủ năm 2001 và nay là Luật tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003[11], Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010[12], Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 (ban hành kèm theo Nghị quyết số 30c ngày 08-11-2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 70/ NQ-CP ngày 13-6-2013), Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30-6-2004 về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08-6-2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 48/2013/ NĐ-CP ngày 14-5-2013. Các hoạt động cải cách, đổi mới đó, cũng như các hoạt động chỉ đạo, điều hành thường nhật, thường niên sẽ khó hiệu quả, sát thực tiễn nếu việc đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước nói chung và các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng không khách quan, không chính xác, không đầy đủ. Điều đó cho thấy, đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước nói chung và các cơ quan hành chính nhà nước nói riêng là nhu cầu nội thân của việc vận hành bộ máy nhà nước nói chung và nền hành chính quốc gia nói riêng. Điều này lại càng ý nghĩa trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01-01-2014 đã được bổ sung quy định về trách nhiệm của một số cơ quan, chức danh hành chính nhà nước trong việc báo cáo các vấn đề trước không chỉ cơ quan dân cử mà còn trực tiếp trước Nhân dân. Cụ thể, Điều 98 Hiến pháp năm 2013 quy định Thủ tướng Chính phủ “thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”. Điều 99 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý".

Trong thời gian qua, hoạt động này đã được Đảng và Nhà nước tiến hành ở nhiều quy mô, cấp độ khác nhau[13], bao gồm cả công tác đánh giá cán bộ và đánh giá tổ chức, bộ máy. Những đánh giá như vậy có thể tìm thấy trong các văn kiện của Đảng trong các thời kỳ khác nhau, cũng như trong một số đề án, văn bản của Chính phủ[14]. Chẳng hạn, khi đánh giá thực trạng nền hành chính ở Việt Nam cho tới năm 2001, Chính phủ dựa vào 11 tiêu chí cơ bản sau[15]: Tính rõ ràng và phù hợp trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ máy hành chính trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Sự rành mạnh trong việc phân công, phân cấp giữa các ngành và các cấp trong bộ máy hành chính; Sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống thể chế hành chính; Tính đơn giản của thủ tục hành chính trên các lĩnh vực; Tính nghiêm minh của trật tự, kỷ cương hành chính; Sự tinh gọn của tổ chức bộ máy (có cồng kềnh và nhiều tầng nấc không?); Tính thông suốt của nền hành chính; Sự phù hợp của cơ chế, chính sách tài chính với loại hình hoạt động của từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức làm dịch vụ công; Mức độ mạnh và yếu về phẩm chất, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức; Mức độ hiện diện (nghiêm trọng hay không nghiêm trọng) của tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu Nhân dân trong một bộ phận cán bộ, công chức; Mức độ gắn bó với dân; khả năng nắm chắc vấn đề nổi cộm trên địa bàn; mức độ chủ động khi xử lý tình huống phức tạp của bộ máy hành chính ở các địa phương và cơ sở.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các đánh giá của Đảng và Chính phủ thường mang tính chung chung và định tính, việc xây dựng các bộ chỉ số đánh giá có tính chất định lượng và so sánh còn chưa được quan tâm đúng mức. Thêm vào đó, các đánh giá đó mới tập trung vào đánh giá tổng thể hệ thống chính trị hoặc tổng thể nền hành chính mà chưa phải là đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của mỗi cơ quan hành chính nhà nước cụ thể. Vấn đề này cũng đã được xác nhận bởi các chuyên gia tham gia nghiên cứu Đề tài cấp Nhà nước “Nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Các chuyên gia trong đề tài này đã có những thành công bước đầu trong việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước. Cụ thể, các chuyên gia đã đưa ra 10 tiêu chí như sau: (1)Thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; (2) Tính liêm chính trong khi thi hành pháp luật của các công chức nhà nước; (3) Mức độ tôn trọng và bảo đảm trên thực tế các quyền tự do cơ bản, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; (4) Mức độ bảo đảm chữ tín trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước; (5) Mức độ kịp thời trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước[16]; (6) Mức độ công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; (7) Mức độ hiệu quả trong hoạt động của hệ thống tư pháp (hình sự và phi hình sự); (8) Mức độ duy trì trật tự, an toàn xã hội; (9) Mức độ hợp lý, tối ưu hóa và công khai, minh bạch việc huy động, bố trí, sử dụng nguồn lực cho thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước; (10) Khả năng phát hiện và phản hồi những tồn tại, bất cập của pháp luật từ quá trình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước. Mặc dù vậy, liệu đây đã phải là bộ tiêu chí thích hợp nhất để xây dựng nên bộ chỉ số đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước chưa thì vẫn còn cần phải bàn thêm. Thêm vào đó, từ công đoạn xác định hệ tiêu chí đến việc thiết kế bộ chỉ số đánh giá còn là một khoảng cách không đơn giản. Sở dĩ như vậy là vì, “chỉ số” không chỉ đơn thuần là hệ các tiêu chí thể hiện “tính chất, dấu hiệu làm căn cứ để nhận biết, xếp loại một sự vật”[17] mà phải là “con số biểu hiện sự biến động của một hiện tượng”, “cái để đo lường mà dựa vào đó đánh giá một sự vật, hiện tượng”[18].

Như vậy, với thực tiễn Việt Nam và phân tích kể trên, có thể thấy, việc đẩy mạnh công tác đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay bằng việc hoàn thiện công cụ đánh giá và các trình tự, thủ tục đánh giá là rất cần thiết. Điều này xuất phát từ nhu cầu nội tại của công tác quản lý nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nền hành chính nhà nước. Điều đó cũng xuất phát từ mối quan tâm ngày càng tăng của người dân vào hiệu quả vận hành của bộ máy nhà nước cùng áp lực đổi mới, nâng cao hiệu quả cải cách bộ máy nhà nước, cải cách hành chính ở nước ta, trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, cạnh tranh toàn cầu. Điều này cũng xuất phát từ những chủ trương cải cách, đổi mới của đất nước ta trong các văn kiện của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiệu lực, hiệu quả, trong sạch và vững mạnh.

(Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu (của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF[19]) năm 2014-2015 (tr. 384-385), Việt Nam chỉ đứng thứ hạng 68/144 nền kinh tế. Trong số đó, chỉ số về chất lượng thể chế chỉ đạt điểm 3,5/7 (đứng thứ 92/144 quốc gia). Những yếu tố rào cản quan trọng nhất đối với sự phát triển của doanh nghiệp bao gồm tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, tình trạng tham nhũng, lực lượng lao động có trình độ được đào tạo phù hợp, sự không ổn định của chính sách, sự phức tạp trong các quy định về thuế, nền hành chính kém hiệu năng đều là các yếu tố liên quan tới chất lượng, hiệu quả thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính. Đây đều là những vấn đề Việt Nam rất cần có sự cải thiện nhanh chóng nếu muốn nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.)

 


[1] Stephen d. Tansey & Nigel Jackson: Politics: The Basics, Routledge, New York, 2008, tr. 224.

[2] Xem Stewart Macaulay, et.al: Law in Action: A Socio-legal Reader, Foundation Press, New York, 2007, tr. 367.

[3] Hellmut Wollmann: Policy evaluation and evaluation research, Frank Fischer, et. al (eds.), Handbook of Public Policy Analysis: Theory, Politics, and Methods, Boca Raton, FL: Taylor & Francis Group, 2007, 393 at 393-394.

[4] Nguyễn Cảnh Chất (biên dịch): Hành chính công và quản lý hiệu quả Chính phủ, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2005, tr. 397-399. 2105

[5] Xem Christopher Pollitt & Geert Bouckaert: Public Management Reform, 3rd ed, New York: Oxford University Press, 2011, at 5-8

[6] Stephen d. Tansey & Nigel Jackson, Politics: The Basics, New York: Routledge, 2008, at 224.

[7] Hellmut Wollmann: Policy evaluation and evaluation research, Frank Fischer, et, al (eds.), Handbook of Public Policy Analysis: Theory, Politics, and Methods, Boca Raton, FL: Taylor & Francis Group, 2007, 393 at 393-394.

[8] Kathe Callahan: Elements of Effective Governance: Measurement, Accountability, and Participation, New York: Taylor & Francis, 2007, at 25.

[9] Hatry, H.: Performance Measurement, Getting Results, Washington, D.C: Urban Institute, 1999, at 157-158.

[10] Kathe Callahan: Elements of Effective Governance: Measurement, Accountability, and Participation, New York: Taylor & Francis, 2007, at 27

[11] . Luật này bị thay thế bởi Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 từ ngày 01-01-2016

[12] Ban hành kèm theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17-9- 2001 của Thủ tướng Chính phủ

[13] Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 71; Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 179.

[14] Chẳng hạn, Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17-9-2001 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

[15] Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17-9-2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010,

[16] TS. Dương Thị Thanh Mai, TS. Nguyễn Văn Cương, ThS. Trần Thị Quang Hồng: Phác thảo Hệ tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bài thuyết trình tại Hội thảo “Hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước - nhìn từ yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” - Thành phố hồ Chí Minh ngày 12-11-2011

[17] Hoàng Phê (chủ biên); Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2004, tr. 990, 153

[18] A S Hornby: Oxford Advanced Learner's Dictionary of Current English, 6th ed., Oxford University Press, Oxford, 2000, p. 660

[19] http://www3. weforum.org/docs/WEF_GlobalCompetitivenessReport_2014-15.pdf

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành