Thứ ba, 26 Tháng 3 2024 12:19

Đánh giá mối quan hệ giữa các hình thức trách nhiệm đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung

I. Các hình thức trách nhiệm pháp lý

Theo lý thuyết chung về trách nhiệm pháp lý áp dụng trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, mà cụ thể là trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung được phân loại dựa trên cơ sở mức độ của hành vi giao dịch bất hợp pháp gây ra, từ đó sẽ xem xét đến: trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự.

Việc quy định các hình thức trách nhiệm này có hai xu hướng pháp điển hóa, đó là: xu hướng thứ nhất quy định trách nhiệm pháp lý với sự can thiệp của công quyển được ghi nhận trong luật chuyên ngành (Luật Chứng khoán): Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ; xu hướng thứ hai quy định trách nhiệm pháp lý trong luật liên quan như Bộ luật Hình sự: Trung Quốc, Việt Nam.

Trên cơ sở mức độ xâm hại của hành vi giao dịch bất hợp pháp đối với quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có thể có một số hình thức trách nhiệm pháp cơ bản như sau:

1. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung

Trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung là loại trách nhiệm thể hiện thái độ trừng phạt nghiêm khắc nhất của nhà nước đối với người phạm tội. Đây là hậu quả pháp lý bất lợi của việc thực hiện tội phạm mà chủ thể phải gánh chịu trước Nhà nước. Việc áp dụng trách nhiệm pháp lý này có thể áp dụng đồng thời với trách nhiệm dân sự khi hành vi này gây thiệt hại đến các chủ thể khác trên thị trường chứng khoán nhưng không áp dụng đồng thời với trách nhiệm hành chính.

Việc xây dựng và áp dụng trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào tính chất và mức độ xâm hại của hành vi giao dịch bất hợp pháp đến hoạt động của thị trường chứng khoán. Đối với những hành vi xâm phạm đến nguyên tắc cơ bản của thị trường chứng khoán, xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự quản lý thị trường, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, pháp luật của các quốc gia đều quy định áp dụng trách nhiệm hình sự đối với giao dịch thao túng thị trường, giao dịch nội gián, giao dịch giả tạo, thông tin sai sự thật.

Chủ thể gánh chịu hậu quả bất lợi dưới hình thức chế tài hình sự chỉ là cá nhân ở các quốc gia, trường hợp nếu tổ chức vi phạm thì người đại diện của tổ chức đó hoặc người quản lý sẽ bị xử lý hình sự như trong quy định của Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997 quy định trách nhiệm pháp lý hình sự của tổ chức, pháp nhân khi vi phạm sẽ bị xử lý bằng hình thức phạt tiền, trong đạo luật Sarbanes-Oxley năm 2002[1] của Hoa Kỳ theo hệ thống thông luật cũng quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

Tuy nhiên, tùy theo loại hành vi giao dịch bất hợp pháp mà trách nhiệm pháp lý hình sự cũng có những điều chỉnh khác nhau:

Thứ nhất, trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với chủ thể có hành vi giao dịch thao túng thị trường:

Chủ thể thực hiện hành vi thao túng thị trường có thể là cá nhân, tổ chức tham gia vào thị trường chứng khoán (nhà đầu tư, nhân viên công ty chứng khoán, cổ đông lớn của công ty niêm yết, các nhà quản lý quỹ, công ty đầu tư...), việc thực hiện hành vi giao dịch thao túng thị trường xuất phát từ mục đích của doanh nghiệp, mục tiêu lợi nhuận của các nhà đầu tư hoặc của nhóm các nhà đầu tư với công ty chứng khoán cùng thông đồng để hưởng lợi.

Trách nhiệm hình sự đối với hành vi thao túng thị trường được ghi nhận trong pháp luật của các quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển lâu đời như Điều 10(b)-5 của Đạo luật Giao dịch chứng khoán năm 1934 của Hoa Kỳ, trong Điều 397(3) Luật Thị trường và dịch vụ tài chính năm 2000 của Anh, Điều 1041A Luật Công ty năm 2001 của Ôxtrâylia; Điều 197 Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1997 bị xử lý hình sự với mức phạt lên đến 10 năm tù. Đổi với tội phạm này được xem là tội cấu thành vật chất nên việc đánh giá mức độ nghiêm trọng để áp dụng trách nhiệm hình sự phải căn cứ vào hậu quả gây ra, dựa trên mức độ nghiêm trọng của hành vi tương ứng với hậu quả gây ra. Nhiều quốc gia có thể tính đến mức độ nghiêm trọng khi ảnh hưởng đến sự biến động về giá dựa trên tỷ lệ % biến động nhất định để xác định ngưỡng trách nhiệm pháp lý.

Với tính chất mức độ quan trọng của hành vi này cũng như sự tác động của nó đối với thị trường chứng khoán tập trung nên việc quy định và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với hành vi này được quy định trong pháp luật các quốc gia có thị trường chứng khoán ở mức độ nặng hơn so với các hành vi giao dịch bất hợp pháp khác trên thị trường chứng khoán.

Thứ hai, trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với hành vi giao dịch nội gián:

Đối với giao dịch nội gián - giao dịch bị cấm theo quy định của pháp luật thì hầu hết các quốc gia có thị trường chứng khoán đều xem xét về chủ thể thực hiện hành vi này bao gồm các nhóm:

- Nhóm người có chức vụ và cổ đông lớn, gồm: thành viên Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc của công ty đại chúng; thành viên ban đại diện quỹ đại chúng; và cổ đông lớn của công ty đại chúng, quỹ đại chúng;

- Nhóm người tiếp cận được thông tin nhờ vị trí công tác: người kiểm toán báo cáo tài chính của công ty đại chúng, quỹ đại chúng; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và người hành nghề chứng khoán của công ty; và tổ chức, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh, cung cấp dịch vụ với công ty đại chúng, quỹ đại chúng và cá nhân làm việc trong tổ chức đó;

- Nhóm người khác tiếp cận được thông tin nội bộ trong công ty đại chúng, quỹ đại chúng; và tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp có được thông tin nội bộ từ những đối tượng trên. Và đối với các hành vi khác mà chủ thể thực hiện hành vi là pháp nhân thì ta cũng áp dụng tương tự. Đó là những người đại diện theo pháp luật, người trực tiếp ký hoặc những người có nghĩa vụ liên quan. Đây hầu hết là chủ thể đặc biệt[2].

Trách nhiệm hình sự đối với hành vi giao dịch nội gián là trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất do Tòa án áp dụng. Hình phạt được áp dụng thường là hình phạt tù hoặc phạt tiền hoặc tổng hợp cả hai hình phạt. Đối tượng áp dụng là các chủ thể trực tiếp thực hiện hành vi giao dịch nội gián trên thị trường chứng khoán. Luật chứng khoán Hàn Quốc quy định trách nhiệm đối với hành vi giao dịch nội gián có thể phạt tù không quá 3 năm hoặc phạt tiền không quá 20 triệu Won. Ngoài ra, còn quy định bất kỳ người nào vi phạm sẽ phải chịu tổn thất mà người mua chứng khoán và/hoặc tham gia các giao dịch khác phải gánh chịu. Nếu kết quả vi phạm là lợi nhuận thu được hoặc tổn thất tránh được đem nhân lên 3 lần, vượt quá 20 triệu Won người đó sẽ nộp phạt một lượng lớn gấp 3 lần lợi nhuận hoặc tổn thất đó[3].

Pháp luật của các quốc gia thường chỉ đưa ra khung hình phạt tối đa đối với các dạng tội phạm về chứng khoán, chưa đưa ra được các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong luật để làm cơ sở cho việc xác định hình phạt được chính xác, hợp lý nhằm mục đích bảo đảm và ngăn chặn các hành vi vi phạm. Pháp luật các quốc gia trên thế giới thường quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi giao dịch nội gián trên thị trường chứng khoán: Luật Chứng khoán Thái Lan, Ba Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ (quy định mức phạt tù có thể lên đến 10 năm)...

Thứ ba, trách nhiệm hình sự đối với hành vi công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật, lừa dối, giả mạo:

Chủ thể là người có trách nhiệm công bố thông tin cố tình công bố thông tin sai lệch, giả mạo, lừa dối gây thiệt hại đến quyền lợi nhà đầu tư hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ thông tin sai sự thật hoặc lũng đoạn thị trường. Do tính chất mức độ của hành vi vi phạm này nên pháp luật các quốc gia cũng pháp điển hóa trong quy định của pháp luật về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp này.

Chủ thể thực hiện hành vi này thường là người có nghĩa vụ công bố thông tin (người đại diện theo pháp luật, tổ chức tư vấn, kiểm toán, kế toán trưởng của tổ chức niêm yết). Pháp luật các quốc gia quy định có thể áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với cá nhân hoặc tổ chức có hành vi này. Những thông tin công bố là thông tin định kỳ, thông tin bất kỳ, thông tin theo yêu cầu. Tùy theo pháp luật các quốc gia thể chế hóa các quy định này khác nhau và có thể xác định trách nhiệm đối với cá nhân vi phạm hay trách nhiệm của công ty trong trường hợp các quyết định thực thi trong doanh nghiệp theo nguyên tắc tập thể thì tất cả các thành viên cùng gánh chịu trách nhiệm.

Thứ tư, trách nhiệm hình sự đôi với hành vi bán khống chứng khoán:

Việc thực hiện hành vi bán khống chứng khoán được thực hiện trực tiếp từ nhà đầu tư nhưng có sự tiếp tay của công ty chứng khoán, do vậy, việc xác định trách nhiệm pháp lý tùy theo mức độ của các chủ thể tham gia để xác định trách nhiệm pháp lý phù hợp. Riêng đối với công ty chứng khoán, nhân viên môi giới thực hiện các hành vi này hoặc tiếp tay cho việc thực hiện các hành vi này thì quy định ràng buộc bởi điều lệ công ty, đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh chứng khoán và biện pháp bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh, thu hồi chứng chỉ hành nghề.

Thứ năm, trách nhiệm hình sự đối với hành vi rửa tiền:

Hành vi rửa tiền có thể thông qua thị trường chứng khoán để thực hiện được mục đích rửa tiền, thường hành vi này được thực hiện thông qua các chủ thể tiếp tay với hành vi lừa đảo, giả mạo, thao túng thị trường, do vậy, việc áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với hành vi này với quy định trong trách nhiệm pháp lý hình sự là cơ sở phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi giao dịch này.

Ngoài ra, với sự biến động, thay đổi cũng như đặc thù riêng của thị trường chứng khoán của từng quốc gia mà quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi giao dịch bất hợp pháp khác xảy ra trên thị trường chứng khoán, hoặc có thể dự liệu trước các hành vi giao dịch bất hợp pháp xảy ra.

Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất do Tòa án áp dụng. Theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ, Tòa án quận (United Stated district court) là tòa án xét xử thuộc hệ thống tòa án liên bang. Theo thẩm quyền được quy định bởi Quốc hội và Hiến pháp, Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ điều tra các hành vi vi phạm và cân nhắc tùy theo trường hợp chuyển đến Tòa án để phạt tiền hoặc áp dụng biện pháp hình sự[4]. Theo quy định của Luật Công ty Ôxtrâylia, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm[5]. Theo quy định tại Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự của Trung Quốc, Viện kiểm sát thực hiện quyền công tố - truy tố tội phạm. Tòa án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền đưa ra phán quyết một người là có tội và phải chịu trách nhiệm hình sự. Việc truy tố và xét xử các hành vi vi phạm hình sự trong lĩnh vực chứng khoán cũng tuân theo các thủ tục về điều tra, truy tố và xét xử các hành vi phạm pháp hình sự khác[6].

2. Trách nhiệm hành chính đối với chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung

Trách nhiệm hành chính đối với chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung là hậu quả pháp lý bất lợi mà các chủ thể có hành vi giao dịch bất hợp pháp phải gánh chịu khi xâm phạm các nguyên tắc cơ bản của thị trường chứng khoán, xâm phạm trật tự trong quản lý thị trường chứng khoán. Loại trách nhiệm pháp lý này có thể áp dụng đồng thời với trách nhiệm dân sự khi hành vi này gây ra thiệt hại, hoặc trách nhiệm kỷ luật nhưng không áp dụng đồng thời với trách nhiệm hình sự.

Trách nhiệm hành chính có thể thấy là loại trách nhiệm phổ biến được quy định và áp dụng trên thị trường chứng khoán. Trách nhiệm hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Hình thức trách nhiệm hành chính phổ biến là phạt cảnh cáo và phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân có hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung. Nhiều quốc gia cho rằng việc áp dụng trách nhiệm hành chính là cách thức hữu hiệu nhằm ngăn chặn những hành vi sai trái trên thị trường. Mặc dù, việc xử phạt hành chính không nghiêm khắc như xử phạt hình sự nhưng nó được áp dụng một cách nhanh chóng hơn và việc phải tìm kiếm chứng cứ cụ thể không quá nặng nề tạo điều kiện cho việc khởi kiện đối với các hành vi sai trái trên thị trường dễ dàng hơn.

3. Trách nhiệm dân sự đối với chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung

Trách nhiệm dân sự đối với chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung là hậu quả pháp lý bất lợi (tước quyền dân sự phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại) mà chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán phải gánh chịu khi có vi phạm dân sự hoặc có thiệt hại xảy ra.

Bồi thường thiệt hại là một chế định quan trọng trong hệ thống chế tài áp dụng đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung. Chúc năng chủ yếu của bồi thường thiệt hại là khôi phục, đền bù, nhằm bù đắp những tổn thất về vật chất và tinh thần mà bên mang quyền phải gánh chịu do hành vi vi phạm các quy tắc trong đầu tư kinh doanh của bên kia gây ra. Vấn đề khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung sẽ được áp dụng theo các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại là một quyền mặc định được pháp luật thừa nhận, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các chủ thể kinh doanh. Vì vậy, chế tài bồi thường thiệt hại có thể áp dụng đồng thời với các chế tài khác. Các bên trong quan hệ giao dịch mua, bán chứng khoán có địa vị pháp lý bình đẳng nên bên có quyền có thể yêu cầu bên có hành vi vi phạm bù đắp hoặc khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp bị mất trên cơ sở tự nguyện, nếu không tự nguyện thì có thể bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước.

Trách nhiệm dân sự áp dụng được xây dựng dựa trên sự phù hợp và tương xứng với mức độ của hậu quả hành vi vi phạm gây ra, nghĩa là phù hợp với mức độ tổn thất về vật chất hoặc phi vật chất mà người bị hại phải gánh chịu. Bên có lỗi gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường toàn bộ nhưng không lớn hơn tổn thất vật chất thực tế và/hoặc tổn thất phi vật chất do hành vi vi phạm của mình gây ra, còn bên bị thiệt hại cũng không được đòi hỏi bù đắp nhiều hơn so với mức độ tổn thất vật chất thực tế và/hoặc tổn thất phi vật chất mà mình đã gánh chịu[7].

Tuy nhiên, một số lĩnh vực việc xác định mức độ thiệt hại xảy ra làm cơ sở để xác định mức tương xứng với mức tổn thất bồi thường khó hoặc không thực hiện được thì có thể áp dụng biện pháp là bồi thường theo thỏa thuận nhưng không vượt quá một tỷ lệ giới hạn nhất định được tính toán đến. Ví dụ như tại Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam quy định “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này". Đây là cơ sở có thể được xem xét tính đến trong quy định về áp dụng trách nhiệm bồi thường trong giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, việc gây ra thiệt hại cho các chủ thể trong trường hợp này được thực hiện bởi chủ thể có hành vi giao dịch bất hợp pháp gây ra cho nên trong việc xác định trách nhiệm dân sự trong trường hợp này dựa trên cơ sở quyết định xử phạt hành chính hay bản án hình sự của cơ quan có thẩm quyền, các chủ thể bị hại có thể tham gia trong quá trình giải quyết vụ án hình sự hoặc hành chính để đòi bồi thường thiệt hại gây ra cho mình mà không cần chứng minh hành vi đó là trái pháp luật và có lỗi hay không.

Mặt khác, do đặc trưng của giao dịch trên thị trường chứng khoán bên bán và bên mua không xác định được danh tính của nhau do phương thức giao dịch đấu giá và khớp lệnh, do vậy, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư bị xâm hại, bị tổn thất trong giao dịch chứng khoán khi hành vi này được xác định là hành vi giao dịch bất hợp pháp nên việc áp dụng trách nhiệm dân sự có cơ sở và khả thi trên cơ sở kết quả của cơ quan có thẩm quyền trong xử lý vụ án hình sự hay hành chính mà thôi; hay nói cách khác, nhà đầu tư chỉ khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại trên cơ sở cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ án về mặt hành chính hoặc hình sự hay trách nhiệm pháp lý song song.

Ở một bình diện khác, khi áp dụng trách nhiệm dân sự mang tính bồi thường này còn tính đến điều kiện, phạm vi bồi thường, khái niệm thiệt hại, nghĩa vụ chứng minh... Một vấn đề cần bàn đến trong phạm vi xác định bổi thường là có xác định mức bồi thường đối với “những khoản lợi nhuận trực tiếp bị bỏ lỡ" không? Trên cơ sở lý thuyết về bồi thường thiệt hại thì đây không thuộc phạm trù "những tổn thất vật chất thực tế” nên không cần tính đến khi xác định phạm vi thiệt hại phải bồi thường mà cần xác định là “giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm". Việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với hành vi này khó xác định và áp dụng trên thực tế vì hành vi vi phạm này không xác định được nạn nhân, không gây thiệt hại cho xã hội và cho các nhà đầu tư khác. Với hành vi này tác động đến tính công bằng của các chủ thể trong quan hệ đầu tư.

Trách nhiệm dân sự cũng được tính đến khi thực hiện hành vi giao dịch này. Tuy nhiên, việc xác định mức độ thiệt hại trong hành vi thao túng thị trường đang gặp khó khăn để định lượng cho thiệt hại của hành vi này gây ra. Trách nhiệm dân sự được áp dụng đối với giao dịch này được quy định trong Điều 118(2)b Luật Thị trường và dịch vụ tài chính năm 2000 của Anh mà một số quốc gia có thị trường phát triển. Điều 10(b) và 14(e) của Đạo luật Giao dịch Chứng khoán năm 1934 của Hoa Kỳ yêu cầu người vi phạm phải trả lại lợi nhuận kinh doanh của họ. Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ cũng có thể yêu cầu Tòa án áp đặt một hình phạt lên đến ba lần so với lợi nhuận của người vi phạm thực hiện từ giao dịch nội gián của họ.

Về trách nhiệm bồi thường cho các nhà đầu tư cho những tổn thất, thất thoát kinh tế của công ty chứng khoản, công ty kiểm toán... trong trường hợp do thực hiện hành vi giao dịch nội gián gây ra cũng cần có cơ sở xác định để bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư cũng như trách nhiệm của công ty này với các sản phẩm của mình (báo cáo tài chính, bảo lãnh phát hành...). Pháp luật các quốc gia thường quy định trách nhiệm pháp lý phối hợp và liên đới. Trong trường hợp công ty phải chịu tổn thất do hành vi vi phạm của hai hay nhiều bên (chẳng hạn ban giám đốc công ty, công ty chứng khoán, công ty kiểm toán), các cổ đông có quyền kiện các đối tượng có hành vi vi phạm đó cho toàn bộ số tiền tổn thất theo nguyên tắc trách nhiệm phối hợp và liên đới. Như vậy, quy định về trách nhiệm phối hợp và liên đới trên sẽ tối đa hóa khả năng khôi phục tổn thất của các cổ đông. Có ý kiến cho rằng mô hình này có thể tạo ra những gánh nặng vô lý lên vai một số bên, mặc dù chỉ gây ra tỷ lệ tổn thất thấp, nhưng lại phải bồi thường một số tiền lớn để gánh vác “đỡ" cho những bên còn lại.

II. Mối quan hệ giữa các hình thức trách nhiệm pháp lý

Việc quy định và áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán ở các quốc gia có thị trường chứng khoán nhằm mục đích ngăn ngừa và hạn chế tối đa các hành vi này có thể xảy ra, bảo đảm sự công bằng cũng như niềm tin và sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.

Trong Luật Chứng khoán, Luật về giao dịch chứng khoản đều quy định hình thức trách nhiệm pháp lý hành chính là hình thức chiếm tỷ trọng chi phối khi xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán. Ở Việt Nam, trong một thời gian dài, pháp luật Việt Nam không quy định trách nhiệm hình sự đối với tội phạm về chứng khoán riêng biệt và việc xử lý dàn trải trên các hành vi vi phạm là trách nhiệm hành chính.

Trên cơ sở các loại trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung có thể thấy:

Mục đích của việc xây dựng trách nhiệm hình sự đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán vừa nhằm mục tiêu trừng phạt, ngăn ngừa khả năng phạm tội hoặc tái phạm nhưng một mặt tạo lòng tin cho nhà đầu tư, những người có quyền lợi rất đông trong số họ đã bị tổn hại do hành vi của một hoặc vài cá nhân gây nên. Do đó, hình phạt thường có xu hướng là cảnh cáo, răn đe với mức độ cao hơn những tội phạm cùng loại trong các lĩnh vực khác. Hình phạt tiền được coi là hình phạt hiệu quả và thiết thực nhất đối với tội phạm này, nên được pháp luật hầu hết các nước coi là hình phạt chính với mức phạt rất cao. Luật Cưỡng chế lừa đảo chứng khoán và giao dịch nội gián năm 1988 của Hoa Kỳ quy định mức phạt tiền có thể phải gánh chịu lên đến 1 triệu Đôla hoặc gấp ba lần số lợi nhuận kiếm được hay khoản lỗ tránh được tính trên giá thị trường của chứng khoán.

Trách nhiệm dân sự cũng là hình thức trách nhiệm được tính đến trong xử lý hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm dân sự thường mang tính bồi thường và phải xác định được nạn nhân (người bị hại) cụ thể cũng như các bên tham gia trong giao dịch cụ thể thì mới có thể áp dụng trách nhiệm dân sự. Và một trong những hạn chế của hình thức trách nhiệm này trong lĩnh vực chứng khoán, lĩnh vực mang tính đại chúng, với chủ thể tham gia bị ảnh hưởng đến quyền lợi của mình là nhà đầu tư, do vậy có sự bất cập về khả năng bồi thường của đương sự với tổng số tiền phải bồi thường cho các nhà đầu tư bị thiệt hại. Vì vậy, để việc áp dụng trách nhiệm dân sự mang tính hiệu quả và khả thi có thể trao quyền cho cơ quan quản lý đại diện cho nhà đầu tư khởi kiện dân sự các hành vi vi phạm đối với giao dịch bất hợp pháp.

Nhằm mục tiêu bảo đảm trật tự thị trường, ngăn ngừa những giao dịch bất hợp pháp xảy ra trên thị trường chứng khoán và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, việc xây dựng và áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung nên xem xét áp dụng phối kết hợp giữa các hình thức trách nhiệm pháp lý đó là: trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự; trách nhiệm hình sự với trách nhiệm dân sự. Việc áp dụng trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự dựa trên cơ sở tính chất nguy hiểm của hành vi giao dịch bất hợp pháp và hậu quả thiệt hại xảy ra và tầm quan trọng của quan hệ mà hành vi giao dịch bất hợp pháp xâm hại tới. Việc áp dụng trách nhiệm dân sự, kinh tế được xác định trên cơ sở thiệt hại xảy ra nhằm thiết lập niềm tin và bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, chủ thể kinh doanh.

Việc áp dụng các loại trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp có sự đan xen và bổ trợ cho nhau. Trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hành chính đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp đều có chung biện pháp áp dụng đó là: buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại (nếu có). Tuy nhiên, trách nhiệm dân sự trong lĩnh vực này còn thiếu các quy định cụ thể nên thực tế khi có các hành vi giao dịch bất hợp pháp này xảy ra chưa được áp dụng trên thực tiễn, các chủ thể không thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp của mình. Do vậy, trách nhiệm hành chính là biện pháp hữu hiệu để xử lý khi có hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung.

Trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung có những điểm chung là vấn đề xác định thiệt hại do hành vi giao dịch bất hợp pháp gây ra. Thiệt hại gây ra có thể là thiệt hại về vật chất (thu nhập bị tổn thất) và thiệt hại phi vật chất (thiệt hại về vị thế, uy tín của doanh nghiệp...). Do vậy, khi áp dụng xác định mức độ thiệt hại của hành vi giao dịch bất hợp pháp xâm hại tới trong trách nhiệm hình sự là cơ sở để xác định và áp dụng nghĩa vụ bồi thường trong trách nhiệm dân sự. Do hành vi giao dịch bất hợp pháp xâm hại đến trật tự thị trường còn áp dụng trách nhiệm dân sự là nhằm thiết lập niềm tin, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng trách nhiệm dân sự đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp khó thực thi. Các chủ thể bị hành vi giao dịch bất hợp pháp theo quan điểm truyền thống trong việc áp dụng trách nhiệm dân sự xâm hại phải chứng minh được thiệt hại do hành vi giao dịch bất hợp pháp đó gây ra.

Với mục tiêu thiết lập và duy trì trật tự thị trường, việc áp dụng trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự cần được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với quy mô, mức độ phát triển của thị trường và mức độ của hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, để thiết lập niềm tin và bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư đòi hỏi phải có hệ thống trách nhiệm dân sự, kinh tế phù hợp và có tính khả thi trong việc áp dụng, đòi hỏi phải đồng thời kết hợp hai nhóm trách nhiệm pháp lý này. Việc áp dụng trách nhiệm dân sự, kinh tế dựa trên kết quả điều tra, xác minh trong quyết định hành chính, hình sự là cơ chế hiệu quả nhất đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán bởi vì việc thu thập và chứng minh chứng cứ đối với giao dịch trên thị trường chứng khoán đối với các nhà đầu tư là một việc không thể nếu không có sự hỗ trợ của hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành.

Để xác định giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán đòi hỏi phải xác định được mức độ tác động của hành vi đối với thị trường chứng khoán, quá trình điều tra để xác định giao dịch bất hợp pháp đòi hỏi phải có sự chuyên sâu. Pháp luật các quốc gia quy định dành quyền rất lớn cho hệ thống cơ quan quản lý trong việc xử lý vi phạm: quyền chất vấn tất cả những người bị nghi ngờ lạm dụng thị trường lẫn những người có thông tin liên quan đến lạm dụng thị trường như Ủy ban chứng khoán Hàn Quốc được tiến hành các cuộc điều tra không chính thức hoặc chính thức khi có nghi ngờ hoặc thông báo về hành vi vi phạm pháp luật, các giao dịch không công bằng, Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ có nhiệm vụ điều tra các yêu cầu, khiếu nại của công chúng đầu tư và các dấu hiệu cho thấy khả năng vi phạm pháp luật trong các giao dịch chứng khoán; triệu tập xét hỏi cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm; yêu cầu các cá nhân, tổ chức xuất trình tài liệu liên quan; khám xét tài sản của các tổ chức cá nhân liên quan: Luật Chứng khoán và giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, Luật Chứng khoán Hoa Kỳ, Luật Cưỡng chế lừa đảo chứng khoán và giao dịch nội gián năm 1988 Nhật Bản, Luật Chứng khoán Nhật Bản, Luật Chứng khoán Trung Quốc, Luật Chứng khoán Xingapo, Luật Chứng khoán Ôxtrâylia đều ghi nhận thẩm quyền tham vấn, điều tra, lấy chứng cứ và phong tỏa tài khoản liên quan đến vi phạm các giao dịch bị cấm trên thị trường chứng khoán.

Cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán vừa thực hiện hoạt động quản lý vừa có quyền tham gia trong hoạt động điều tra, thu thập dữ liệu về các hành vi vi phạm, xét hỏi sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc xác định chính xác các dấu hiệu vi phạm và mức độ vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, một lĩnh vực mà đòi hỏi các nghiệp vụ chuyên môn chuyên sâu nên việc giới hạn sự tham gia của cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ gặp khó khăn trong hoạt động áp dụng pháp luật.

Các hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán ảnh hưởng mang tính dây chuyền cao, tác động đến sự an toàn và ổn định chung của thị trường. Vì vậy, pháp luật các quốc gia đều quy định giải quyết các hành vi này theo hướng nhanh, gọn và mở rộng tôi đa thẩm quyền xử lý vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán. Cơ quan quản lý nhà nước (Ủy ban chứng khoán nhà nước) với vai trò là cơ quan quản lý hành chính nhưng do đặc thù của hoạt động trên thị trường chứng khoán, do vậy không chỉ dừng lại ở thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà tham gia vào thủ tục tố tụng hình sự với thẩm quyền điều tra ban đầu được ghi nhận trong pháp luật các quốc gia như Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ, Ủy ban chứng khoán Hàn Quốc... tiến hành các cuộc điều tra thẩm vấn đương sự, đề nghị truy tố bị can và đưa ra bằng chứng hay đưa ra kết luận hoặc tham gia vào quá trình tranh luận trước tòa. Tùy thuộc vào hệ thống tư pháp của các quốc gia, quyền khởi tố đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp là tội phạm thuộc về hệ thống cơ quan công tố (Viện công tố, Viện kiểm sát...), cơ quan quản lý hành chính chỉ là chủ thể có thẩm quyền điều tra ban đầu trong các vụ án hình sự.

 


[1] Đạo luật này còn được biết đến với tên gọi Đạo luật Sarbox, là một trong những luật căn bản của nghề kế toán, kiểm toán của Hoa Kỳ (BT).

[2] Xem Hà Hoàng Hợp, Phạm Bá Khiêm: Tội phạm tài chính trong hội nhập, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2005, tr.1.

[3] Xem Trần Sơn Vũ: Hoàn thiện quản lý giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, 2002, tr.33.

[4] Xem Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội: Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.19.

[5] Xem Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội: Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.23.

[6] Xem Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội: Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.15.

[7] Xem Nguyễn Ngọc Khánh: Chế định hợp đồng trong Bộ luật dân sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr.349.

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 24 Tháng 4 2024 12:26

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành