Thứ hai, 25 Tháng 3 2024 09:38

Tổng quan về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung

1. Quan niệm về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung

Trong khoa học pháp lý, trách nhiệm pháp lý xuất hiện do có vi phạm pháp luật hay gắn trực tiếp với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật. Theo hướng tiếp cận này, trách nhiệm pháp lý bao gồm có sự trừng phạt của Nhà nước và sự gánh chịu của chủ thể vi phạm pháp luật. Vì vậy, có một số quan điểm về trách nhiệm pháp lý phổ biến được áp dụng trong việc nghiên cứu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung là:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: “trách nhiệm pháp lý là một loại quan hệ pháp luật đặc biệt giữa cơ quan nhà nước (thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và chủ thể vi phạm pháp luật, trong đó Nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế có tính trừng phạt được quy định ở các chế tài quy phạm pháp luật đối với chủ thể và chủ thể có nghĩa vụ phải gánh chịu hậu quả bất lợi do hành vi của mình gây ra", theo quan điểm này, tiêu chí để xác định nội dung của trách nhiệm pháp lý bao gồm:

- Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đổi với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật;

- Chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật phải gánh chịu hậu quả bất lợi do hành vi của mình gây ra.

Quan điểm thứ hai cho rằng: "trách nhiệm pháp lý là nghĩa vụ của một người phải gánh chịu các biện pháp cưỡng chế nhà nước do người đó thực hiện hành vi vi phạm pháp luật", theo quan điểm này thì nội dung của khái niệm trách nhiệm pháp lý cũng thống nhất với quan điểm thứ nhất và nhấn mạnh nội dung chính của trách nhiệm pháp lý là các biện pháp cưỡng chế được áp dụng đối với các chủ thể có hành vi vi phạm.

Quan điểm thứ ba cho rằng: "trách nhiệm pháp lý thể hiện thái độ lên án đối với vi phạm pháp luật trong việc xác định đối với người vi phạm pháp luật gây hậu quả bất lợi nhất định dưới dạng hạn chế về mặt nhân thân hay tài sản”;

Một quan điểm khác lại cho rằng: “trách nhiệm pháp lý là sự gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi (thể hiện ở việc tước đoạt hoặc hạn chế những quyền, lợi ích) của chủ thể vi phạm pháp luật hoặc có liên quan đến việc gây ra hậu quả xấu vì những nguyên nhân được pháp luật quy định".

Do vậy, xét về bản chất trách nhiệm pháp lý chính là: Biện pháp cần thiết để bảo vệ, khôi phục các quan hệ xã hội do vi phạm pháp luật xâm hại.

- Trách nhiệm pháp lý phát sinh do vi phạm pháp luật;

Chế độ trách nhiệm pháp lý thể hiện ở hai phương diện đó là sự quy định bằng pháp luật cùng với khả năng áp dụng trên thực tế của Nhà nước và sự gánh chịu hậu quả bất lợi của chủ thể vi phạm pháp luật.

Như vậy, khái niệm trách nhiệm pháp lý được đề cập ở nhiều góc độ khác nhau nhưng có chung nội dung cơ bản khi tiếp cận khái niệm trách nhiệm pháp lý là:

+ Thứ nhất, trách nhiệm pháp lý là biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ, khôi phục các quan hệ xã hội do hành vi vi phạm pháp luật xâm hại.

+ Thứ hai, trách nhiệm pháp lý phát sinh có thể do hành vi vi phạm pháp luật hoặc những nguyên nhân khác khi gây ra hậu quả xấu được pháp luật quy định.

+ Thứ ba, trách nhiệm pháp lý do pháp luật quy định và có khả năng áp dụng trên thực tế. Trách nhiệm pháp lý này áp dụng đối với chủ thể vi phạm trước nhà nước hoặc trước chủ thể bị xâm hại với các hình thức trách nhiệm như: trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự.

Theo khảo sát các nghiên cứu về lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán chưa có công trình nào để cập khái niệm trách nhiệm pháp lý đối với giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán. Trên cơ sở nghiên cứu và kế thừa các lý thuyết về trách nhiệm pháp lý nói chung và đặc trưng của hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán nói riêng, khái niệm trách nhiệm pháp lý đối với giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán được hiểu như sau:

Trách nhiệm pháp lý đối với giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán là một loại quan hệ pháp luật giữa Nhà nước (thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyển) với chủ thể thực hiện các hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán, trong đó, Nhà nước (thông qua cơ quan có thẩm quyền) có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định đối với chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp và chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi (thể hiện ở việc tước đoạt hoặc hạn chế những quyền, lợi ích) do hành vi của mình gây ra.

2. Đặc điểm của trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung

Với đặc thù riêng của lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, trách nhiệm pháp lý đối với giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung có những đặc điểm là:

Thứ nhất, về cơ sở của trách nhiệm pháp lý là hành vi giao dịch bất hợp pháp phát sinh trên thị trường chứng khoán:

Có hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung thì mới có trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể có hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung. Theo nghiên cứu thì hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán có những dấu hiệu cơ bản là: hành vi xâm phạm trật tự quản lý thị trường chứng khoán, nguyên tắc cơ bản của thị trường chứng khoán, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các chủ thể tham gia trên thị trường chứng khoán được pháp luật quy định, có lỗi, do chủ thể có năng lực hành vi thực hiện. Tuy nhiên, khác với các hành vi giao dịch bất hợp pháp khác, là hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán trước hết xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trên thị trường (quyền lợi của các bên trong quan hệ giao dịch) và đồng thời xâm phạm đến trật tự chung trên thị trường chứng khoản. Do vậy, dựa vào hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán làm căn cứ để áp dụng biện pháp chế tài dân sự hay hành chính, hình sự hoặc chế tài kép (hình sự và dân sự, hành chính và dân sự) đối với hành vi này. Mặt khác, việc xác định căn cứ để áp dụng trách nhiệm dân sự có thể dựa trên cơ sở điều tra, xác minh trong trách nhiệm hình sự hay hành chính, cũng như căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi để xác định ranh giới gánh chịu trách nhiệm pháp lý.

Thứ hai, về trách nhiệm pháp lý chứa đựng những yếu tố lên án của Nhà nước và xã hội đối với chủ thể có hành vi giao dịch bất hợp pháp, là sự phản ứng của Nhà nước đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp (sự gánh chịu hậu quả bất lợi của chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán).

Ở đặc điểm này thể hiện nội dung của trách nhiệm pháp lý, chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi. Chủ thể phải chịu những sự thiệt hại nhất định về vật chất hoặc phi vật chất... được quy định dự liệu trong luật như một khoản tiền, hạn chế quyền kinh doanh, quyền quản trị điều hành trong công ty, phạt tù. Trách nhiệm pháp lý được coi là phương tiện tác động có hiệu quả tới chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp. Về mặt hình thức, trách nhiệm pháp lý là việc thực hiện các chế tài pháp luật đối với chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp thông qua hoạt động tài phán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp phải thực hiện chế tài đó. Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung chính là sự thực hiện các chế tài của quy phạm pháp luật, tức là bao gồm từ các hoạt động điều tra, xét xử, ra quyết định áp dụng chế tài, cách thức, trình tự áp dụng và việc tổ chức thực hiện quyết định. Chế tài được áp dụng trong trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung là những chế tài trừng phạt và chế tài bồi thường vật chất, chế tài có tính chất khôi phục lại quyền đã bị xâm phạm đó là: chế tài hình sự, chế tài hành chính, chế tài dân sự.

Như vậy, chế tài đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung phải xác định dựa trên hai yếu tố là “hậu quả” bao gồm cả hậu quả vật chất và phi vật chất: hậu quả vật chất phải được xác định đổi với chủ thể nào? Bao nhiêu doanh nghiệp, bao nhiêu nhà đầu tư,... hay hậu quả phi vật chất đó là mức độ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, quy mô của doanh nghiệp thông qua tỷ lệ vốn hóa của công ty trên thị trường và yếu tố “nghiêm trọng của hành vi" trên cơ sở xác định mức độ tác động của hành vi này: làm biến động đến giá một nhóm hay một mã chứng khoán? Định lượng mức độ nghiêm trọng mà hành vi gây ra làm căn cứ để áp dụng trách nhiệm pháp lý là cơ sở phù hợp tuỳ theo mức độ phát triển của mỗi thị trường.

Thứ ba, về trách nhiệm pháp lý liên quan trực tiếp với cưỡng chế nhà nước

Trách nhiệm pháp lý được xem là quan hệ pháp luật đặc biệt nảy sinh giữa chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp với cơ quan nhà nước, cơ quan nhà nước xác định biện pháp cưỡng chế và áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với chủ thể có hành vi giao dịch bất hợp pháp đó. Biện pháp cưỡng chế ở đây mang tính trừng phạt nghĩa là tước đoạt hoặc hạn chế một số quyền, lợi ích của chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp đáng được hưởng như phạt tiền, phạt tù, hạn chế quyền kinh doanh... và các biện pháp khôi phục áp dụng đan xen với biện pháp trừng phạt như bồi thường thiệt hại vật chất... nhằm khôi phục lại quyền và lợi ích hợp pháp đã bị hành vi giao dịch bất hợp pháp xâm hại. Trên thị trường chứng khoán tập trung, việc áp dụng các loại trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp phổ biến là trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự (mang tính trừng phạt). Trách nhiệm dân sự mang tính chất bồi thường thiệt hại áp dụng trong trường hợp các chủ thể bị hành vi giao dịch bất hợp pháp xâm hại tới các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ sở để xác định mức độ thiệt hại trong giao dịch rất khó, do chứng khoán là một loại tài sản nhưng giá trị của chứng khoản biến động trên thị trường và chịu sự chi phối của nhiều yếu tố.

Mặt khác, đối với thiệt hại xảy ra trong giao dịch chứng khoán thì các bên phải cung cấp chứng cứ chứng minh thiệt hại, việc cung cấp chứng cứ, cơ sở chứng minh thiệt hại không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình quản lý giám sát vì các giao dịch này được thực hiện theo nguyên tắc trung gian thông qua hệ thống giao dịch điện tử.

Thứ tư, về cơ sở pháp lý của việc truy cứu trách nhiệm pháp lý là quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan quản lý nhà nước: trách nhiệm hành chính, Toà án: trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự...). Tuy nhiên, hoạt động trên thị trường chứng khoán với các nghiệp vụ mang tính chuyên sâu, do vậy, việc điều tra, xác minh để áp dụng trách nhiệm pháp lý đòi hỏi phải có sự tham gia ban đầu của Ủy ban chứng khoán nhà nước. Ủy ban chứng khoán nhà nước với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc áp dụng trách nhiệm hành chính. Đối với trách nhiệm hình sự thuộc về Tòa án, Ủy ban chứng khoán nhà nước tham gia vào giai đoạn khởi tố, điều tra ban đầu nếu có dấu hiệu tội phạm. Việc áp dụng trách nhiệm dân sự thuộc quyết định của Tòa án trên cơ sở chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền trong việc áp dụng trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự, nếu có. Với việc áp dụng trách nhiệm dân sự, kinh tế độc lập dựa trên cơ sở các chúng cứ chúng minh từ phía cơ quan chuyên môn có thẩm quyền hoặc dựa trên các kết quả của quyết định xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm pháp lý là sự ghi nhận ý chí của Nhà nước, do Nhà nước áp dụng. Nhà nước thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có quyền xác định một cách chính thức hành vi nào là hành vi giao dịch bất hợp pháp và áp dụng biện pháp trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể gây ra hành vi giao dịch bất hợp pháp đó.

Tóm lại, pháp luật về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung có vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng đó là:

Pháp luật về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung có vị thế đặc biệt quan trọng bảo đảm cho sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán. Muốn bảo đảm được sự ổn định và phát triển của thị trường chứng khoán phải tạo một môi trường đầu tư bình đẳng, công bằng, công khai. Do vậy, pháp luật về trách nhiệm pháp lý đối với giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán quy định các biện pháp mang tính trừng phạt mà các chủ thể phải gánh chịu khi thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán.

Pháp luật trách nhiệm pháp lý với tư cách là công cụ điều tiết các hành vi của các chủ thể vi phạm có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn những hành vi giao dịch bất hợp pháp này.

Pháp luật về trách nhiệm pháp lý quy định các chế tài hình sự, hành chính, dân sự mang tính trừng phạt có tác dụng răn đe các hành vi giao dịch bất hợp pháp này.

Pháp luật về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung có tác dụng rất lớn trong việc tạo ra cơ chế áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Pháp luật về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung còn thể hiện ở việc ban hành các biện pháp bổi thường thiệt hại, thông qua đó giúp cho các bên giải quyết được các tranh chấp trong giao dịch trên thị trường chứng khoán góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

3. Căn cứ áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung

Căn cứ để xác định trách nhiệm pháp lý là có hành vi giao dịch bất hợp pháp xảy ra trên thị trường chứng khoán. Để xác định trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể thực hiện hành vi giao dịch bất hợp pháp phải điều tra thu thập các cơ sở pháp lý, có đủ căn cứ xét xử, áp dụng chế tài và tổ chức thực hiện. Trong quá trình quản lý, kiểm tra, giám sát có dấu hiệu nghi ngờ hoặc trên cơ sở có thông tin tổ cáo từ phía các nhà đầu tư, các chủ thể khác tham gia trên thị trường chứng khoán, cơ quan có thẩm quyền (thường là cơ quan quản lý chuyên ngành: Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ tiến hành:

- Thẩm tra thông tin: giai đoạn này thường thông báo yêu cầu cung cấp thông tin về tính phù hợp và thích hợp, hoặc gửi một nhóm thanh tra viên tới công ty, đưa ra các câu hỏi, nghe các băng từ ghi âm các giao dịch, nếu thấy vi phạm nghiêm trọng thì chuyển sang điều tra.

- Điều tra hành vi giao dịch bất hợp pháp: chỉ định điều tra viên tiến hành thu thập thông tin, nếu có dấu hiệu vi phạm mức độ hành chính thì cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ ra quyết định xử phạt hành chính.

- Xét xử: trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thì thu thập thông tin khởi tố và xét xử. Tuy nhiên, đây là giai đoạn phức tạp vì sự đòi hỏi các kiểm sát viên, thẩm phán phải có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực chứng khoán mới có thể xác minh các chứng cứ cũng như sự phối kết hợp hay được phép thâm nhập vào tài khoản nhà đầu tư, các thông tin về nhà đầu tư để phục vụ cho hoạt động này. Trong quá trình xét xử, các thông tin này có được công khai và các chủ thể bị thiệt hại do hành vi này gây ra có thể tham gia yêu cầu bồi thường thiệt hại dựa trên kết quả điều tra vụ việc hình sự hay hành chính của cơ quan có thẩm quyền được không?

Thủ tục áp dụng chế tài và tổ chức thực hiện được thực hiện trực tiếp bởi cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, một số tổ chức tự quản trên thị trường chứng khoán cũng có thể tham gia hỗ trợ trong hoạt động này.

Việc nhận diện hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung và áp dụng trách nhiệm pháp lý phù hợp dựa trên các tiêu chí sau:

Thứ nhất, yếu tố cấu thành hành vi giao dịch bất hợp pháp đó là:

+ Dấu hiệu có hành vi giao dịch bất hợp pháp được xác định cho từng hành vi cụ thể như hành vi giao dịch nội gián, hành vi giao dịch thao túng thị trường...

+ Về mức độ vi phạm: thiệt hại trên thị trường chứng khoán tập trung không phải bao giờ cũng xác định được đối tượng bị xâm hại. Do vậy, pháp luật các quốc gia có các tiêu chí khác nhau để xác định, đó là dựa vào lợi nhuận thu được hoặc mức độ tránh được tổn thất, hoặc tình trạng tái phạm nhiều lần.

+ Về đối tượng bị thiệt hại: do đặc thù của thị trường chứng khoán nên đối tượng bị thiệt hại có thể xác định được chủ thể cụ thể là cá nhân hoặc tổ chức, có thể thiệt hại đối với thị trường chứng khoán tập trung, mức độ ổn định của thị trường.

Thứ hai, xác định rõ ranh giới giữa trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự. Đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán, do tính chất nghiêm trọng và mức độ thiệt hại của hành vi lớn nên việc xác định ranh giới giữa các loại trách nhiệm pháp lý này khác so với các lĩnh vực khác. Với trách nhiệm hành chính được ưu tiên áp dụng và dựa vào mức độ vi phạm của hành vi trên cơ sở "mức độ thiệt hại" hay "khoản thu lời bất chính" gây ra được quy định "lượng hóa" tùy theo quy mô phát triển của thị trường.

Thứ ba, xác định tiêu chí bồi thường trong trách nhiệm dân sự. Trường hợp bồi thường đối với tổn thất của thị trường (thiệt hại phi vật chất) đòi hỏi phải có một biên độ cứng để áp dụng đối với các hành vi này. Về nguyên tắc, có thiệt hại thì phải bồi thường và thiệt hại được xác định. Đối với sự tổn hại của thị trường và tính ổn định của thị trường không thể cân đong được, do vậy việc xác định mức bồi thường cần phải được quy định rõ ràng.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành