Thứ hai, 25 Tháng 3 2024 09:52

Phân tích khái quát về công nghiệp công nghệ cao

1. Khái niệm về công nghiệp công nghệ cao

Việc đưa ra khái niệm và xếp loại các ngành công nghiệp trở thành công nghiệp công nghệ cao còn tùy thuộc vào điều kiện của mỗi nước và thời điểm lịch sử khác nhau.

Các nước OECD cho rằng, ngành công nghiệp được gọi là công nghiệp công nghệ cao tùy thuộc chủ yếu vào hàm lượng chi phí cho R&D bởi đây là ngành cần những nỗ lực lớn về nghiên cứu và phát triển, và có tầm quan trọng chiến lược đối với chính phủ; có quy trình và sản phẩm nhanh chóng bị lạc hậu, đầu tư vốn lớn và độ rủi ro cao; mức độ cao về hợp tác quốc tế và tính cạnh tranh trong R&D, trong sản xuất và marketing trên phạm vi toàn cầu.

Theo Hiệp hội Điện tử Mỹ (AEA), các ngành công nghiệp được gọi là công nghiệp công nghệ cao là những ngành làm ra hoặc sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ và dịch vụ.

Theo Văn phòng Đánh giá công nghệ của Quốc hội Mỹ, các ngành công nghiệp công nghệ cao là những ngành tham gia vào thiết kế, phát triển và áp dụng các sản phẩm mới và các quy trình sản xuất sáng tạo, thông qua việc ứng dụng một cách hệ thống tri thức khoa học và kỹ thuật.

Cơ quan Thống kê lao động của Mỹ định nghĩa một ngành công nghiệp là công nghiệp công nghệ cao nếu tỷ lệ lao động công nghệ cao hơn mức trung bình của tất cả các ngành công nghiệp khác và nếu tỷ lệ chỉ cho R&D trong giá thành cao hơn tỷ lệ trung bình của tất cả các ngành công nghiệp khác.

2. Đặc điểm, đặc trưng công nghiệp công nghệ cao

Về đặc điểm công nghiệp công nghệ cao, mặc dù mỗi tổ chức có định nghĩa khác nhau nhưng các ngành công nghiệp công nghệ cao đều có những đặc điểm nổi bật sau:

Một là, sự tích hợp các thành tựu khoa học và công nghệ;

Hai là, năng suất lao động tương đối cao do sử dụng hàm lượng trí tuệ, công nghệ, kỹ năng và thông tin cao hơn hẳn các ngành công nghiệp thông thường khác;

Ba là, cấu trúc sản phẩm khá phức tạp và đòi hỏi sự hỗ trợ của nhiều ngành công nghiệp để đáp ứng tính đa dạng của công nghệ và sản phẩm đầu vào;

Bốn là, tiềm năng thị trường lớn;

Năm là, quá trình sản xuất công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm của nó thường sử dụng rất ít nguyên liệu, năng lượng với mục tiêu hạn chế chi phí các nguồn nguyên liệu và năng lượng không tái tạo được, cũng như bảo vệ môi trường;

Sáu là, kinh doanh công nghiệp công nghệ cao là kinh doanh “mạo hiểm và được bù đắp cao";

Bảy là, đầu tư cho R&D lớn và thường xuyên; 

Tám là, tỷ lệ cán bộ tham gia R&D/tổng số nhân viên cao.

Về đặc trưng công nghiệp công nghệ cao được hiểu là: Công nghiệp công nghệ cao tạo ra sản phẩm công nghệ cao hoặc cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Đây là đặc trưng quan trọng hàng đầu để phân biệt giữa công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp thông thường. Chỉ có các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng sản phẩm công nghệ cao hoặc dịch vụ công nghệ cao mới thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhưng không sản xuất sản phẩm công nghệ cao thì cũng không thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Công nghiệp công nghệ cao trước hết sản xuất sản phẩm công nghệ cao với các đặc điểm sau: sản phẩm công nghệ cao mang tính đổi mới, sáng tạo cao, có cấu trúc sản phẩm khá phức tạp, thường sử dụng rất ít nguyên liệu, năng lượng và đòi hỏi sự hỗ trợ của nhiều ngành công nghiệp để đáp ứng tính đa dạng của công nghệ, có khả năng đáp ứng nhu cầu rất đa dạng và kỳ vọng của người tiêu dùng, đặc biệt là ở các nước phát triển. Một sản phẩm chỉ được coi là sản phẩm công nghệ cao trong thời gian nhất định. Ví dụ: ở Trung Quốc vòng đời của các sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm công nghệ cao thông thường là trong vòng 5 năm hoặc có thể kéo dài thời hạn đến 7 năm nhưng phải được qua xét duyệt của Văn phòng công nghệ cao.

Nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ, công nghiệp công nghệ cao còn cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Theo đó, dịch vụ công nghệ cao cũng là một loại hàng hóa nhưng đây là hàng hóa “vô hình” tồn tại dưới dạng ký hiệu và được mã hóa thành các tệp thông tinn Dịch vụ công nghệ cao được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội với mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ở các lĩnh vực này.

Vốn đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao thường đòi hỏi kinh phí rất lớn, tính chất rủi ro, mạo hiểm cao. Đặc trưng này xuất phát bởi việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, thương mại hóa công nghệ, sản xuất, phân phối công nghệ và các sản phẩm của công nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chi phí lớn. Hàm lượng R&D trong sản phẩm trở thành tiêu chí quan trọng để xác định một sản phẩm là sản phẩm công nghệ cao.

Mặt khác, tính chất rủi ro của việc đầu tư R&D là rất lớn, bởi đầu tư trong lĩnh vực này thường nhằm vào các sản phẩm rất mới, hướng vào các ngành, lĩnh vực cũng rất mới của thị trường, do đó, khó khăn trong việc đánh giá hết các yếu tố tác động trong môi trường cạnh tranh có tính quyết liệt. Điều này được giải thích bởi các phát minh, sáng chế trong lĩnh vực công nghệ cao thường có tính đột phá cao, song phần lớn mới chỉ là các ý tưởng, chưa có thiết kế, tính toán hay thí nghiệm kỹ lưỡng. Chính vì vậy, đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao là đầu tư mạo hiểm, độ rủi ro cao, không phải đầu tư vào sản phẩm nào cũng thành công mà tỷ lệ thất bại là rất cao.

Nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao với hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất lao động cao, hạn chế mức độ ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên. Nhờ những thành tựu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao đã kết tinh vào hệ thống tư liệu sản xuất và con người, hình thành nên lực lượng sản xuất mới, hiện đại, tiên tiến nhất. Chính vì vậy, công nghiệp công nghệ cao hạn chế mức độ ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến quá trình sản xuất, cho phép phát triển công nghiệp công nghệ cao ngay cả khi quốc gia, vùng kinh tế đó có điều kiện tự nhiên không thuận lợi.

Công nghiệp công nghệ cao đạt trình độ xã hội hóa sản xuất cao. Công nghiệp công nghệ cao là các ngành có trình độ xã hội hóa cao nhất, điều này được thể hiện ở quá trình liên kết trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

Liên kết không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước, mà còn ở phạm vi giữa các nước trên thế giới và được liên kết chặt chẽ giữa các khâu, từ nghiên cứu thiết kế sản phẩm, đến khâu tiêu thụ sản phẩm và thực hiện những dịch vụ sau bán hàng, tạo thành chuỗi liên kết có sự ràng buộc chặt chẽ với nhau. Sản xuất sản phẩm công nghệ cao có sự liên kết, gắn kết cao với các ngành dịch vụ như các loại hình dịch vụ trong sản xuất, thương mại, ngân hàng, chứng khoán, đầu tư và các loại hình dịch vụ trong các hoạt động xã hội khác như giáo dục, nghiên cứu khoa học...

Đội ngũ lao động với trình độ chuyên môn hóa cao. Người lao động phải được đào tạo và huấn luyện tay nghề lao động trong sản xuất, đảm bảo yêu cầu về chất lượng do quá trình sản xuất đòi hỏi. Số lượng nhân lực công nghệ cao tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất chiếm tỷ lệ ngày càng cao, vượt trội hơn hẳn số công nhân chủ yếu sử dụng sức lực cơ bắp và thực hiện một số thao tác máy móc trong lao động. Đồng thời, số lượng cán bộ tham gia R&D so với tổng số lao động chiếm tỷ lệ cao, do đó, các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu có sự tích hợp với nhau ngày càng chặt chẽ.

Phương thức quản lý công nghiệp công nghệ cao có sự thay đổi sâu sắc. Các mô hình và phương pháp quản lý trong công nghiệp công nghệ cao luôn được coi là hình mẫu đổi mới quản lý cho các ngành công nghiệp thông thường. Bởi công nghiệp công nghệ cao dựa trên lực lượng sản xuất mới, hiện đại, trình độ xã hội hóa sản xuất cao, phân công lao động sâu sắc nên quản lý công nghiệp công nghệ cao được thực hiện chặt chẽ và khoa học. Đây là điều kiện để đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra liên tục với hiệu quả kinh tế cao. Các phương pháp quản lý công nghiệp công nghệ cao luôn gắn liền với việc ứng dụng những thành tựu mới của khoa học, công nghệ và nhằm thích ứng với trình độ khoa học, công nghệ mới và hiện đại nhất.

Mặt khác, quản lý công nghiệp công nghệ cao là quản lý kinh doanh “mạo hiểm và được bù đắp cao", đưa lại hiệu quả kinh tế lớn. Do vậy, quản lý công nghiệp công nghệ cao phải chấp nhận rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sẵn sàng đầu tư cho những ý tưởng sáng tạo cho dù không đảm bảo chắc chắn thành công.

3. Phân loại công nghiệp công nghệ cao

OECD đã phân loại ngành công nghiệp thành các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ trung bình, công nghiệp công nghệ trung bình thấp, công nghiệp công nghệ thấp; trong đó, công nghiệp công nghệ cao gồm các ngành: hàng không vũ trụ, máy tính, điện tử - viễn thông, dược phẩm.

Công nghệ cao là một khái niệm khó định lượng nên các sản phẩm công nghệ cao ở các nước có trình độ phát triển khác nhau thì “mức độ cao” và cách phân loại cũng khác nhau. Ví dụ: các nước công nghiệp phát triển (G8) đã xếp 13 nhóm sản phẩm thuộc sản phẩm công nghệ cao, các nước mới công nghiệp hóa là 19 nhóm sản phẩm; các nước đang phát triển là 14 nhóm sản phẩm.

Ở Việt Nam, theo Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế khu công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao là ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.

Khoản 6 Điều 3 Luật công nghệ cao năm 2008 định nghĩa: “Công nghiệp công nghệ cao là ngành kinh tế - kỹ thuật sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao”; trong đó, “sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm do công nghệ cao tạo ra, có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường” (khoản 3 Điều 3 Luật công nghệ cao năm 2008).

Điều 6 Luật công nghệ cao năm 2008 cũng quy định: sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển là sản phẩm được tạo ra từ công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và đáp ứng các điều kiện sau đây:

Một là, có tỷ trọng giá trị gia tăng cao trong cơ cấu giá trị sản phẩm;

Hai là, có tính cạnh tranh cao và hiệu quả kinh tế - xã hội lớn;

Ba là, có khả năng xuất khẩu hoặc thay thế sản phẩm nhập khẩu;

Bốn là, góp phần nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia.

Ngày 30/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, theo đó, ở Việt Nam có 107 danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.

Về doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ cao: Điều 17 Luật công nghệ cao năm 2008 quy định, những doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển ở Việt Nam có đủ các điều kiện theo quy định sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, được xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Tuy nhiên, không phải bất cứ doanh nghiệp nào tham gia sản xuất sản phẩm công nghệ cao sẽ trở thành doanh nghiệp công nghệ cao. Theo Luật công nghệ cao năm 2008, doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, có hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao.

Muốn được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, theo Điều 18 Luật công nghệ cao năm 2008 quy định doanh nghiệp phải đủ các điều kiện sau đây:

Một là, sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển ở Việt Nam;

Hai là, tổng chi bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hằng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt trên 1% tổng doanh thu;

Ba là, doanh thu bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 60% trong tổng doanh thu hằng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt 70% trở lên;

Bốn là, số lao động của doanh nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động;

Năm là, áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.

Ngày 16/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, có sự điều chỉnh về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Theo đó, doanh nghiệp phải đạt được các tiêu chí sau để được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao:

Một là, doanh nghiệp phải có doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuẩn hằng năm;

Hai là, tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp được thực hiện tại Việt Nam trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào hằng năm: đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỉ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%; đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 100 tỉ đồng và tổng số lao động từ 300 người trở lên tỷ lệ này phải đạt ít nhất 1%; đối với các doanh nghiệp khác phải đạt ít nhất 2%;

Ba là, tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên trên tổng số lao động của doanh nghiệp: đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỉ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%, đối với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 100 tỉ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên, tỷ lệ này phải dạt Ít nhất 2,5%; đôi với các doanh nghiệp khác phải đạt ít nhất 5%.

Nắm bắt và tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và khoảng cách phát triển kinh tế so với các nước đi trước, phấn đấu hoàn thành mục tiêu: đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Chính vì vậy, phát triển công nghiệp công nghệ cao đã được Đảng và Nhà nước đặt ra và tập trung lãnh đạo, quản lý, điều hành trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước trong những năm gần đây. Thực tiễn đã chứng minh, dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, một số quốc gia đã nhanh chóng trở thành những nước dẫn đầu xu hướng phát triển công nghiệp, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong lịch sử thế giới hiện đại. Một trong những “bí quyết” để đạt được thành công đó là nhờ phát triển và làm chủ một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành