Thứ hai, 25 Tháng 3 2024 09:27

Đánh giá thực trạng về xử lý hành chính đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán

Cùng với sự phát triển và xu thế hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam, hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán tập trung gia tăng một cách nhanh chóng, các hành vi này ngày càng xuất hiện với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, gây hậu quả nghiêm trọng. Qua các số liệu của Thanh tra Ủy ban chứng khoán nhà nước cho thấy năm 2008, năm 2009 là năm “bội thu” về xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Năm 2008, giới đầu tư chứng kiến nhiều vi phạm nghiêm trọng được phát hiện như doanh nghiệp niêm yết không minh bạch trong báo cáo tài chính, nhà đầu tư giao dịch thao túng, làm giá chứng khoán và đặc biệt là tình trạng ồ ạt phát hành cổ phiếu ra công chúng không đúng quy định. Năm 2008, Chánh Thanh tra Ủy ban chứng khoán nhà nước đã ký 137 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, tổng số tiến phạt nộp vào Ngân sách nhà nước trong năm 2008 là 4,235 tỷ đồng[1]. Trong đó, xử phạt do vi phạm các quy định về công ty đại chúng, chào bán chứng khoán ra công chúng; vi phạm quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin của công ty đại chúng, công ty niêm yết là 107 trường hợp - chiếm tỷ lệ tới 78,1%, xử phạt 19 trường hợp có hành vi vi phạm như giao dịch giả tạo, thao túng thị trường, thực hiện giao dịch chứng khoán mà không báo cáo của các cổ đông nội bộ công ty niêm yết (chiếm tỷ lệ 13,87%), xử phạt 11 trường hợp vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh chứng khoán của các công ty chứng khoán (chiếm 8,03%)[2].

Ngày 12-12-2008, Chánh thanh tra Ủy ban chứng khoán nhà nước đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết (mã BBT, sàn HOSE) tổng mức phạt 90 triệu đồng vì một loạt các vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể, BBT đã công bố thông tin kết quả kinh doanh trong nhiều năm có sự chênh lệch trước và sau khi thực hiện kiểm toán; chậm công bố báo cáo tài chính (báo cáo tài chính) kiểm toán năm và các quý trong năm 2008; chưa thực hiện đầy đủ việc báo cáo và công bố thông tin bất thường[3]... Một vụ vi phạm nghiêm trọng trên thị trường chứng khoán khác, đó là hành vi thao túng giá chứng khoán của nhà đầu tư Trương Đình K (bị xử phạt 100 triệu đồng) liên quan đến giao dịch cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (mã STB, sàn HOSE)[4].

Theo kết quả điều tra của Thanh tra Ủy ban chứng khoán nhà nước, trong khoảng thời gian từ ngày 28-01 đến 28-02-2008, nhà đầu tư này liên tiếp đặt lệnh mua, bán cổ phiếu STB với mức giá thấp hơn nhiều so với giá mua và chặt nhỏ lệnh bán thành nhiều lệnh nhằm gây tâm lý cổ phiếu của Sacombank đang bị sụt giá, ảnh hưởng đến chỉ số VN - Index. Năm 2009, tình hình vi phạm tăng lên về cả hành vi lẫn tính chất nghiêm trọng. Chỉ tính riêng hành vi giao dịch nội bộ, hành vi thao túng giá chứng khoán, Ủy ban chứng khoán nhà nước đã xử phạt 7 vụ giao dịch nội bộ, thao túng. Năm 2010, vi phạm về giao dịch chứng khoán có 58 trường hợp bị phát hiện và xử lý (chiếm 25% tổng số các trường hợp vi phạm trên thị trường chứng khoán)[5]. Các vi phạm chủ yếu là vi phạm của các cổ đông nội bộ của tổ chức niêm yết (thành viên Hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát, kế toán trưởng) và các tổ chức cá nhân có liên quan không thực hiện báo cáo Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán khi thực hiện giao dịch và công bố thông tin khi giao dịch cổ phiếu của chính công ty niêm yết, vi phạm của cổ đông lớn của công ty đại chúng không tuân thủ chế độ báo cáo theo quy định.

Ngoài ra, còn có một số vi phạm mang tính chất nghiêm trọng như sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch chứng khoán; cấu kết thông đồng mua, bán chứng khoán tạo cung cầu giả nhằm thao túng thị trường, thao túng giá chứng khoán.

Năm 2011, ra quyết định xử phạt vi phạm trong hoạt động giao dịch chứng khoán là 70 trường hợp (chiếm 42,42% tổng số các trường hợp vi phạm trên thị trường chứng khoán). Các hành vi vi phạm chủ yếu là giao dịch giả tạo, thao túng thị trường (chiếm 8,48%), giao dịch của các cổ đông nội bộ, cổ đông lớn không báo cáo thông tin (chiếm 33,94%)[6].

Năm 2014, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra của Ủy ban chứng khoán nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường tổ chức 13 đoàn thanh tra và 45 đoàn kiểm tra, 110 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền phạt là 9,35 tỷ đồng. Các vi phạm bị xử phạt chính trong năm 2014 chủ yếu là các vi phạm về báo cáo và công bố thông tin, vượt hạn mức đầu tư, chưa tách bạch hoàn toàn tiền của nhà đầu tư và của công ty chứng khoán, hỗ trợ vốn ngoài nghiệp vụ giao dịch ký quỹ, cho khách hàng vay chứng khoán để bán...

Năm 2016, theo thống kê, Ủy ban chứng khoán nhà nước đã tổ chức 14 đoàn thanh tra (gồm 05 đoàn thanh tra công ty chứng khoán, 03 đoàn thanh tra công ty quản lý quỹ, 06 đoàn thanh tra công ty đại chúng) và 73 đoàn kiểm tra, đã ra 133 quyết định xử phạt vi phạm hành chính[7] với tổng số tiền xử phạt đối với 70 tổ chức và 51 cá nhân là 11,4 tỷ đồng[8]. Đáng chú ý nhất phải kể đến trường hợp của ông Trần Thanh H - thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần CMISTONE, cá nhân này đã bị phạt tới 705 triệu đồng do sử dụng 03 tài khoản để giao dịch với mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần CMISTONE (Mã chứng khoán: CMI). Bên cạnh đó, ông H còn che giấu quyền sở hữu thực sự để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định[9]...

Hành vi tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu diễn ra khá nhiều trong năm 2015. Bên cạnh trường hợp của ông H nêu trên còn có trường hợp của ông Nguyễn Công C và cá nhân này cũng bị Ủy ban chứng khoán nhà nước phạt tới 600 triệu đồng với hành vi sử dụng 03 tài khoản chứng khoán để thực hiện các giao dịch với mục đích tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của Công ty cổ phần dịch vụ phân phối tổng hợp Dầu khí (mã PSD)[10]. Điểm đáng lưu ý, quyết định xử phạt của Ủy ban chứng khoán nhà nước được đưa ra khá lâu so với thời điểm vi phạm của các cá nhân, tổ chức. Cụ thể, hành vi thao túng giá cổ phiếu của ông H được thực hiện trong năm 2013 và năm 2014, nhưng tới cuối năm 2015 mới có quyết định xử phạt.

Việc phát hiện và ra quyết định xử lý vi phạm cũng như thu hồi với khoản thu lợi bất chính với thời gian trên làm giảm hiệu lực và tác dụng của biện pháp xử phạt trên thị trường chứng khoán. Giao dịch trên thị trường chứng khoán diễn ra liên tục và biến động, việc phát hiện xử lý vi phạm kịp thời là nhân tố tạo niềm tin cho nhà đầu tư và nhanh chóng đảm bảo tính ổn định của thị trường cũng như chứng khoán của công ty bị xâm phạm. Mặt khác, các giao dịch thao túng này thu lợi bất chính với một khoản lớn.

Theo thống kê và số liệu của Ủy ban chứng khoán nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam số nhà đầu tư cá nhân chiếm trên 80%, hoạt động của nhóm các nhà đầu tư này chủ yếu là đầu tư ngắn hạn. Đa số nhà đầu tư ngắn hạn chỉ thực hiện hành vi khi có sự chênh lệch giá, động cơ mua bán thường đi theo xu hướng của thị trường hay nói cách khác tâm lý bầy đàn chi phối lớn đến nhóm nhà đầu tư này. Những nhà đầu tư ngắn hạn này rất nhạy cảm với thông tin, các thông tin ảnh hưởng lớn đến quyết định của nhà đầu tư, theo khảo sát về lý thuyết hành vi tác động của thông tin đối với quyết định đầu tư của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì có trên 57% bị ảnh hưởng bởi thông tin[11].

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, các giao dịch nội gián và thao túng thị trường xảy ra rất nhiều. Tuy nhiên, trước khi có Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 20-9-2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, mặc dù các hình thức xử lý đã được quy định đầy đủ nhưng không có cơ chế thực hiện do đó hầu như toàn bộ các biện pháp này chỉ có tác dụng "trưng bày". Bên cạnh đó, các chế tài khác được áp dụng quá nhẹ, không theo kịp với thực tế diễn ra trên thị trường, cũng không đạt hiệu quả răn đe đối với hành vi vi phạm. Do vậy, trên thực tế từ khi thị trường chứng khoán hoạt động, đến hết tháng 10-2010, Ủy ban chứng khoán nhà nước đã phát hiện và xử lý đối với 10 trường hợp thực hiện hành vi thao túng thị trường, giao dịch nội gián nhưng với mức phạt không tương xứng với việc hưởng lợi rất lớn từ các hành vi giao dịch này lên đến hàng tỷ đồng nhưng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000.000 đến 70.000.000 đồng, hầu hết các hình thức xử lý chưa mang lại hiệu quả răn đe, phòng ngừa đối với những hành vi vi phạm tương tự có thể tiếp tục diễn ra trên thị trường chứng khoán[12].

Vụ việc thứ nhất: Trong khoảng thời gian từ ngày 01-10- 2009 đến ngày 21-01-2010, ông Nguyễn Quang H đã có hành vi thông đồng với bà Nguyễn Kim P, ông Ngô Quốc Đ và ông Ngô Quang T để thực hiện mua, bán cổ phiếu của Công ty cổ phần vật tư và vận tải V nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá đối với cổ phiếu của công ty này. Cụ thể theo tin từ Ủy ban chứng khoán nhà nước, bà Nguyễn Kim P đã có một số hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán là ngày 14-01-2010, Ủy ban chứng khoán nhà nước nhận được bản đăng ký chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần vật tư và vận tải V của bà Nguyễn Kim P. Ngày 22-01-2010, Ủy ban chứng khoán nhà nước đã có Công văn số 257/UBCK-QLPH yêu cầu bà P giải trình, bổ sung và làm rõ một số nội dung liên quan đến bản đăng ký chào mua công khai[13]. Tuy nhiên, bà P không thực hiện bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của Ủy ban chứng khoán nhà nước. Theo quy định tại tiết b điểm 9.1 khoản 9 Mục II Thông tư số 194/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 02-10-2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ của quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng dạng đóng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 194/2009/TT- BTC), kể từ thời điểm gửi đăng ký chào mua công khai đến khi hoàn thành đợt chào mua, bà P không được bán cổ phiếu mà mình đang chào mua. Trong thời điểm này, ngày 24-3-2010, bà P bán ra 557.800 cổ phiếu Công ty cổ phần vật tư và vận tải V - Bà P là cổ đông lớn (nắm giữ 8,58% số cổ phiếu có quyền biểu quyết) của Công ty cổ phần vật tư và vận tải V. Do vậy, việc bà P bán 557.800 cổ phiếu Công ty cổ phần vật tư và vận tải V nhưng không báo cáo Ủy ban chứng khoán nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội trước khi thực hiện giao dịch là vi phạm điểm 4.2 khoản 4 Mục IV Thông tư số 09/2010/TT-BTC ngày 15-01-2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (sau đây gọi tắt là Thông tư số 09/2010/TT-BTC). Xét tính chất và mức độ vi phạm, ngày 02-7-2010, Ủy ban chứng khoán nhà nước ra quyệt định xử phạt ông Nguyễn Quang H 100 triệu đồng; bà Nguyễn Kim P 170 triệu đồng, ông Ngô Quang T và ông Ngô Quốc Đ cùng bị phạt 50 triệu đồng.

Vụ việc thứ hai: trong thời gian từ ngày 09-10-2012 đến ngày 28-12-2012, ông Nguyễn Quang H, đã liên tục đặt lệnh mua, bán cổ phiếu của Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến Khoáng sản BG, sau đó hủy lệnh nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo đối với cổ phiếu của công ty này. Hành vi của ông Nguyễn Quang H đã vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2010; khoản 1 Điều 27 Nghị định số 85/2010 / NĐ - CP và khoản 1 Điều 13 Thông tư số 37/2011/TT-BTC. Phạt tiền 250.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 85/2010/NĐ-CP. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm là 81.000.144 đồng. Tổng mức phạt: 331.000.144 đồng[14]. Việc thực hiện hành vi mua bán nhằm tạo cung cầu giả tạo này đã làm biến động đến giá chứng khoán từ 3.000 đồng/cổ phiếu lên 6.200 đồng/cổ phiếu tăng 107% giá trị.

Vụ việc thứ ba: Từ ngày 17-01-2013 đến ngày 06-9-2013, bà Phạm Thị H đã sử dụng 17 tài khoản của người khác mở tại 7 công ty chứng khoán để liên tục mua, bán cổ phiếu của Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản AD nhằm tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu của công ty này, vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đồi, bổ sung năm 2010. Tuy nhiên, Ủy ban chứng khoán nhà nước cho thấy không có khoản thu trái pháp luật từ hành vi vi phạm của bà Phạm Thị H. Do vậy, chỉ xử phạt tiền 300 triệu đồng[15] theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 85/2010/NĐ-CP. Về biến động của giá cổ phiếu do hành vi thao túng gây ra giá cổ phiếu công ty này có lúc lên tới 38.100 đồng trong thời gian thao túng sau thời điểm thao túng chỉ còn dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, nhà đầu tư có thể hưởng lợi bất chính 28.000 đồng/cổ phiếu. Hay vụ ông Vũ Xuân D, trong thời gian từ ngày 25-4-2011 đến ngày 31-10-2011, ông Vũ Xuân D đã có hành vi tạo cung, cầu giả tạo để thao túng giá cổ phiếu công ty Cổ phần CVN, vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010, khoản 1 Điều 27 Nghị định số 85/2010/NĐ-CP và khoản 1 Điều 13 Thông tư số 37/2011/TT-BTC. Căn cứ kết quả kiểm tra, Ủy ban chứng khoán nhà nước cho thấy không có khoản thu trái pháp luật từ hành vi vi phạm của ông Vũ Xuân D. Do vậy, chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Vũ Xuân D phạt tiền 250 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 85/2010/NĐ-CP[16].

Có thể thấy, các trường hợp trên đều áp dụng mức cao nhất trong các quy định hiện hành nhưng số tiền mà nhà đầu tư phải nộp phạt khó có thể so sánh với lợi nhuận có được từ hành vi vi phạm. Chỉ riêng trường hợp của bà Nguyễn Kim P, với chênh lệch giá khoảng 15.000 đồng một cổ phiếu (giữa thời điểm bắt đầu chào mua công khai và thời điểm bán: tại thời điểm bà P chào mua công khai thì cổ phiếu Công ty cổ phần vật tư và vận tải V có giá ở mức khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu và đến ngày 24-3, khi bà P công bố bán hết thì cổ phiếu Công ty cổ phần vật tư và vận tải V khớp giá ở mức 55.000 đồng/cổ phiếu), lợi nhuận mà bà P có được từ việc bán 557.800 cổ phiếu đã lên tới hơn 8 tỷ đồng.

Qua thực trạng về hành vi giao dịch bất hợp pháp diễn ra trên thị trường chứng khoán tập trung ở Việt Nam thời gian qua và thực tiễn xử lý trách nhiệm pháp lý cho thấy các hành vi vi phạm phần lớn áp dụng trách nhiệm hành chính đối với hành vi vi phạm xảy ra trong các giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung. Ưu điểm của việc áp dụng trách nhiệm hành chính như sau:

Một là, xử lý nhanh chóng, kịp thời và nghiêm khắc với các hành vi giao dịch bất hợp pháp này, phù hợp với tỉnh chất và hoạt động của thị trường chứng khoán, kịp thời răn đe và bình ổn thị trường. Việc xác định các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán hiện nay trên cơ sở mục tiêu thiết lập một thị trường minh bạch, đảm bảo cho lợi ích của các bên liên quan. Các hành vi được xác định là vi phạm tương đối phù hợp với quan niệm chung về các hành vi vi phạm tại các thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới;

Hai là, quy định về hành vi vi phạm về cơ bản bảo đảm sự thống nhất với các quy định về điều tiết ngành trong Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành; những thay đổi về mức xử phạt hành chính, khung hình phạt, hình thức xử phạt và hành vi vi phạm hành chính trong giao dịch chứng khoán đã phần nào xử phạt minh bạch, công bằng, hợp lý phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm cũng như hậu quả của hành vi vi phạm. Các biện pháp xử lý nhìn chung phù hợp với mức độ tác động xấu đến mục tiêu điều tiết thị trường của loại hành vi giao dịch bất hợp pháp. Các biện pháp xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả cũng phù hợp với đặc thù của hành vi.

Ba là, các quy định về hành vi giao dịch bất hợp pháp khá rõ ràng, cho phép xử lý các hành vi vi phạm khi được phát hiện; quy định rõ ràng, minh bạch cơ quan có thẩm quyền xử phạt đúng người, đúng tội, đúng hành vi vi phạm, các tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện. Ủy ban chứng khoán nhà nước là cơ quan chuyên ngành và có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán nói chung và trong giao dịch chứng khoán nói riêng. Với quy định về trách nhiệm hành chính góp phần đáng kể trong việc xử lý nghiêm minh và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch chứng khoán, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, còn có một số hạn chế trong quy định của pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán đó là:

Thứ nhất, về tỉnh kịp thời và hiệu quả của thời gian xử lý vi phạm. Việc thực hiện hành vi thao túng giá chứng khoán chấm dứt từ năm 2013 nhưng mãi đến năm 2015 Ủy ban chứng khoán nhà nước mới có quyết định xử lý vi phạm.

Thứ hai, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể và biện pháp chế tài đối với các chủ thể liên quan trong việc thực hiện các hành vi giao dịch nói trên. Ở đây, việc xác định trách nhiệm không chỉ dừng lại ở nhà đầu tư mà còn có trách nhiệm của công ty chứng khoán nơi thực hiện giao dịch bất hợp pháp của nhà đầu tư này. Giao dịch của bà P sẽ không thành công nếu không có sự bỏ qua của công ty chứng khoán nơi bà P mở tài khoản. Vì khi nhà đầu tư P công bố mua vào cổ phiếu thì thông tin này đã được công khai và đương nhiên công ty chứng khoán trên cũng được biết. Vì thế, công ty chứng khoán có thể ngăn chặn lệnh bán của bà P do vi phạm quy định chào mua công khai. Như vậy, nếu nhà đầu tư chào mua công khai chứng khoán tại công ty chứng khoán thực hiện chào mua, thì công ty chứng khoán đó phải biết được giao dịch này là vi phạm.

Do vậy, ở phương diện này cần xác định trách nhiệm pháp lý liên đới cho cả phía công ty chứng khoán nơi người vi phạm thực hiện giao dịch. Pháp luật Việt Nam hiện hành chưa quy định trách nhiệm liên đới ràng buộc này, đó cũng chính là việc thực thi chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp hiệu quả ở các công ty chứng khoán. Đối chiếu các quy định của pháp luật, chưa có quy định về trách nhiệm của công ty chứng khoán trong việc kiểm tra xem những khách hàng là các nhà đầu tư định bán chứng khoán có nằm trong diện chào bán công khai không?

Xét ở một bình diện khác, nhà đầu tư mở tài khoản ở một công ty chứng khoán thực hiện việc chào mua công khai nhưng lại thực hiện việc bán chứng khoán tại một công ty chứng khoán khác thì rõ ràng đây là hành vì trục lợi, gian lận của nhà đầu tư thì cần xử lý đối với nhà đầu tư nhưng công ty chứng khoán nơi thực hiện hoạt động bán chứng khoán theo yêu cầu của nhà đầu tư cũng phải biết được thông tin về việc chào mua công khai của nhà đầu tư này nên cũng ràng buộc trách nhiệm của công ty chứng khoán trong việc thực hiện giao dịch bán chứng khoán cho nhà đầu tư này.

Theo quy định của văn bản xử phạt vi phạm hành chính hiện hành, Nghị định số 145/2016/NĐ - CP chưa có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về trách nhiệm của công ty chứng khoán về hành vi không kiếm tra đối với khách hàng chào mua công khai. Cho nên, việc các công ty chứng khoán vì lợi nhuận mà không ngần ngại trong việc nhập lệnh bán của các chủ thể chào mua công khai.

Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm của người thực hiện chào mua công khai với công ty và các nhà đầu tư nhỏ. Việc nhà đầu tư vừa công bố mua đã thực hiện bán ngay cổ phiếu không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư nhỏ lẻ mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp đó. Sau những vụ việc vi phạm của các chủ thể thực hiện hành vi chào mua công khai nhưng sau đó lại bán chui cổ phiếu và chịu phạt tạo nên làn sóng tâm lý của nhà đầu tư không tin vào tính xác thực của bản công bố thông tin mua, bán của các cổ đông lớn, của các lãnh đạo doanh nghiệp.

Thực tế thị trường cho thấy, tác động của bản công bố bán ra, mua vào cổ phiếu của nhà đầu tư lớn hay của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đối với thị trường và quyết định của nhà đầu tư là rất lớn. Bản công bố thông tin đó được xem như một chỉ báo cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp đó. Vì thế, việc gây mất lòng tin vào những thông tin này trên thị trường chứng khoán sẽ tác động đến chính công ty có cổ phiếu được chào mua, bán đó cũng như sự tin tưởng của nhà đầu tư vào tính xác thực của thông tin trên thị trường. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ trong công ty cũng như trách nhiệm của các cổ đông thực hiện hành vi này với công ty cần quy định những hạn chế, trách nhiệm của các chủ thể này với công ty, các cổ đông nhỏ và việc xác định trách nhiệm bồi thường tổn thất cho công ty do hành vi của chủ thể này gây nên. Chưa có sự phân hoá rõ ràng giữa các hành vi vi phạm của tổ chức với hành vi vi phạm của nhân viên, người quản lý trong các tổ chức dịch vụ kinh doanh chứng khoán hoặc tổ chức phát hành.

Thứ ba, trách nhiệm trong việc giám sát các giao dịch chào mua công khai. Khi nhận được đăng ký chào mua công khai, Sở giao dịch chứng khoán phải công bố thông tin cần có, những thông tin chào mua công khai là thông tin của nhà đầu tư chưa có sự chấp thuận của Ủy ban chứng khoán nhà nước. Trong thời gian Ủy ban chứng khoán nhà nước chưa có ý kiến về việc này, phải theo dõi, giám sát chặt chẽ các giao dịch liên quan đến chứng khoán được chào mua, tài khoản của tổ chức, cá nhân đăng ký chào mua công khai kể từ thời điểm nhà đầu tư gửi bản đăng ký chào mua dưới sự phối hợp giữa Sở giao dịch chứng khoán với các công ty chứng khoán, thông qua hình thức thông báo thông tin nội bộ cho các công ty chứng khoán biết về các nhà đầu tư, các tài khoản chào mua công khai. Ngoài ra, khi phát hiện những giao dịch bất thường của tổ chức, cá nhân trước và sau khi công bố thông tin chào mua công khai hoặc những thông tin sai lệch về chào mua công khai phải lập tức báo cáo Ủy ban chứng khoán nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán trong vòng 24 giờ. Chỉ được tổ chức thực hiện chào mua công khai cho các tổ chức và cá nhân sau khi được Ủy ban chứng khoán nhà nước chấp thuận chính thức.

Thứ tư, xác định về thiệt hại trong giao dịch nội bộ, giao dịch thao túng. Về thiệt hại trong giao dịch nội bộ, thao túng thị trường cần phải có căn cứ để xác định khoản thu trái pháp luật và căn cứ xác định thiệt hại do hành vi này gây ra để thu hồi số lợi bất hợp pháp và áp dụng biện pháp bồi thường khi có yêu cầu khởi kiện và có thiệt hại xảy ra.

 


[1] Xem: Ủy ban chứng khoán nhà nước (2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013), Báo cáo thường niên, tr.33.

[2] Xem: Ủy ban chứng khoán nhà nước (2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013), Báo cáo thường niên, tr.34

[3] Tinnhanhchungkhoan.vn, truy cập ngày 22-12-2008.

[4] ssc.gov.vn, truy cập ngày 21-5-2008

[5] Xem: Ủy ban chứng khoán nhà nước (2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013), Báo cáo thường niên, tr.32.

[6] Xem: Ủy ban chứng khoán nhà nước (2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013), Báo cáo thường niên, tr.38.

[7] Xem: Ủy ban chứng khoán nhà nước, Báo cáo thường niên năm 2016, tr.53.

[8] thoibaotaichinhvietnam.vn, truy cập ngày 08-01-2017.

[9] vneconomy.vn, truy cập ngày 04-01-2016.

[10] www.nhandan.com.vn, truy cập ngày 16-4-2015.

[11] Xem Đại học luật Hà Nội: Giáo trình Luật chứng khoán, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2012, tr.52.

[12] Dương Thị Phượng: Nâng cao hiệu quả giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2010-2015, Để tài khoa học, 2010, tr.121.

[13] www.ssc.gov.vn, truy cập ngày 07-4-2010.

[14] s.cafef.vn, truy cập ngày 30-6-2013

[15] cafef.vn, truy cập ngày 25-9-2014.

[16] kinhdoanh.vnexpress.net, truy cập ngày 05-9-2013

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành