In trang này
Thứ hai, 25 Tháng 3 2024 15:12

Bài học về xây dựng chính phủ điện tử của một số nước

I. Khái quát về chính phủ điện tử

1. Khái niệm Chính phủ điện tử (CPĐT)

Trong Tiếng Anh, thuật ngữ Electronic Government được dịch là CPĐT hay Chính quyền điện tử.

Khởi đầu với quá trình cải cách hành chính (CCHC) được diễn ra vào những năm 70 của Thế kỷ XX ở các nước phát triển. Tiếp theo là quá trình Chính phủ các nước đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của các cơ quan Chính phủ. Khái niệm Chính phủ điện tử (CPĐT) đã ra đời từ những năm 90 cùng với những khái niệm khác như thương mại điện tử, doanh nghiệp điện tử...

Vào những năm 1995 - 2000, CPĐT đã được các nước tiếp thu và ứng dụng rộng rãi, ngày càng được các nước xem như là một giải pháp hữu hiệu để tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan Chính phủ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Cho đến nay, CPĐT vẫn tiếp tục được các nước thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và coi việc phát triển CPĐT là một nhiệm vụ bắt buộc trong công cuộc cải cách hành chính. Ngày nay với sự bùng nổ của các phương tiện di động, băng thông rộng, công nghệ... nên nhiều nước đã đẩy mạnh phát triển CPĐT đa dạng hơn, liên thông hơn dưới khái niệm Chính phủ di động (m-government), CPĐT thế hệ 2 (e-government 2.0).

Hiện nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về thuật ngữ CPĐT. Khái niệm CPĐT được Liên hợp quốc định nghĩa như sau:

Chính phủ điện tử là khái niệm về các cơ quan Chính phủ sử dụng công nghệ thông tin như mạng diện rộng, internet, các phương tiện di động để quan hệ với người dân, với doanh nghiệp và bản thân các cơ quan Chính phủ.

Còn theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), CPĐT được định nghĩa như sau:

Chính phủ điện tử là việc các cơ quan của Chính phủ sử dụng một cách có hệ thống CNTT truyền thống để thực hiện quan hệ với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, nhờ đó giao dịch của Chính phủ với người dân và các tổ chức sẽ được cải thiện, nâng cao chất lượng. Lợi ích thu được sẽ là giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào sự tăng trưởng và giảm chi phí[1].

Hiện nay, khái niệm CPĐT được Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới định nghĩa đã được thừa nhận rộng rãi và được nhìn nhận theo chiều thuận của quá trình chuyển đổi mạnh mẽ của các Chính phủ, nhà nước từ phương thức cai trị sang phục vụ với việc sử dụng hệ thống thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Sally Katzen, Phó Giám đốc điều hành cơ quan quản lý ngân sách thời Tổng thống Bill Clinton thì:

Chính phủ điện tử là việc người dân và doanh nghiệp có thể truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ Chính phủ 24/24 giờ, 7 ngày mỗi tuần. Chính phủ điện tử chủ yếu dựa vào các cơ quan Chính phủ sử dụng Internet và và công nghệ tiên tiến khác để nhận và cung cấp thông tin, dịch vụ dễ dàng hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và rẻ hơn[2].

Đây là một định nghĩa ngắn gọn nhưng lại chỉ ra được sự khác biệt giữa CPĐT và Chính phủ truyền thống. Nội dung về CPĐT được khái niệm nêu nhanh chóng trở thành mục tiêu trong chiến lược xây dựng CPĐT của nhiều quốc gia, khiến nó trở thành khái niệm dễ hiểu và được trích dẫn nhiều nhất.

Như vậy, CPĐT là tên gọi của một Chính phủ mà mọi hoạt động của nhà nước được thay đổi theo một khái niệm hoàn toàn mới, Chính phủ đó gần và thuận lợi với công dân hơn, bằng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mọi quan hệ giữa Chính phủ và công dân bảo đảm tính minh bạch, công khai, thuận tiện, bảo đảm sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau giữa công dân với Chính phủ; một Chính phủ của dân, vì dân và vì sự phồn thịnh của đất nước trong một môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Từ những định nghĩa nêu trên, tác giả khái quát khái niệm về CPĐT như sau: Chính phủ điện tử (e-government) là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của các cơ quan Chính phủ, thông qua việc cung cấp các dịch vụ công cộng để thực hiện các hoạt động của các cơ quan Chính phủ trên các nền tảng như website; giúp cho các cơ quan Chính phủ đổi mới phương thức giải quyết công việc theo hướng minh bạch, hiệu quả hơn, cung cấp đầy đủ, liên tục với chi phí thấp các dịch vụ công cho mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thông qua các phương tiện thông tin điện tử.

2.       Đặc điểm của Chính phủ điện tử

Thứ nhất, CPĐT là việc các cơ quan Chính phủ sử dụng CNTT và viễn thông để tự động hóa và triển khai các TTHC. Một cách ngắn gọn, CPĐT là Chính phủ hoạt động một cách hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn trên cơ sở ứng dụng CNTT - truyền thông. CPĐT được triển khai thực hiện thông qua các nền tảng website trực tuyến: Cổng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); Dữ liệu quốc gia; Cổng thông tin điện tử; Dịch vụ hành chính công...

Thứ hai, mô hình CPĐT bao gồm cách thức giải quyết mối quan hệ tương tác về thông tin giữa ba chủ thể: Chính phủ, người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở các mối quan hệ giữa ba chủ thể này, có 3 dạng giao dịch CPĐT cơ bản bao gồm:

- Giao dịch giữa Chính phủ với Chính phủ (Government to Government - G2G): là các giao dịch giữa Chính phủ và các chính quyền địa phương, sở, ban, ngành, giữa các vụ với cơ quan có liên quan. Cấp độ tương tác CPĐT này giúp cho các cơ quan hành chính chia sẻ dữ liệu, trao đổi công việc thuận tiện hơn, giảm thiểu chi phí và thời gian hội họp không cần thiết. Đồng thời, các giao dịch Chính phủ với Chính phủ còn có thể được sử dụng như một công cụ của mối quan hệ quốc tế và ngoại giao nhằm nâng cao việc chia sẻ thông tin và hợp tác quốc tế giữa các quốc gia.

- Giao dịch giữa Chính phủ với doanh nghiệp (Government to Business - G2B): là các giao dịch giữa các doanh nghiệp và Chính phủ bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau được trao đổi giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp bao gồm cả việc phổ biến các chính sách, biên bản ghi nhớ, các qui định và thể chế. Các dịch vụ được cung cấp bao gồm truy xuất các thông tin về kinh doanh, tải các mẫu đơn, gia hạn giấy phép, đăng ký kinh doanh, xin cấp phép và nộp thuế. Các dịch vụ được cung cấp thông qua các giao dịch G2B cũng hỗ trợ việc phát triển kinh doanh, đặc biệt là phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép, hỗ trợ quá trình phê duyệt đối với các yêu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thúc đẩy kinh doanh phát triển.

Ở mức cao hơn, các dịch vụ G2B bao gồm việc mua sắm điện tử và trao đổi trực tuyến giữa Chính phủ với các nhà cung cấp để mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho Chính phủ.

- Giao dịch giữa Chính phủ với người dân (Government to Citizen - G2C): là giao dịch phổ biến thông tin và cung cấp các dịch vụ công của Chính phủ trực tiếp cho người dân: cung cấp cho người dân các thông tin về các quy định, chính sách, pháp luật...; cung cấp các dịch vụ công như cấp giấy khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, kê khai các biểu mẫu nộp thuế thu nhập cũng như hỗ trợ người dân với các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, thông tin bệnh viện, thư viện... và rất nhiều các dịch vụ khác.

Thứ ba, các mục tiêu của việc xây dựng CPĐT bao gồm:

- Góp phần quan trọng vào công cuộc CCHC, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước của Chính phủ;

- Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong việc mang lại những thuận lợi, tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp;

- Tăng cường sự minh bạch của nền hành chính nhà nước, giảm tình trạng tham nhũng của cán bộ, công chức nhà nước.

- Việc xây dựng CPĐT còn có mục tiêu là giảm chi phí cho các cơ quan Chính phủ và tăng thu nhập quốc dân.

II. Kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử một số nước

1. Kinh nghiệm của Singapore về xây dựng Chính phủ điện tử

Singapore phải đối mặt với thách thức là một trong những quốc gia có môi trường phát triển nhanh chóng với kết nối kỹ thuật số ngày càng tăng để tạo cơ hội cho việc cung cấp các dịch vụ công một cách tốt hơn và kết nối với người dân với doanh nghiệp. Chính phủ Singapore từ lâu đã không còn dựa vào các giao dịch truyền thống mà thay vào đó là dựa vào các nền tảng trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội để kết nối với công dân của mình.

Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc thiết lập cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông vững chắc, Chính phủ Singapore đã triển khai một số kế hoạch tổng thể từ những năm 1980 nhằm xây dựng một xã hội kết nối toàn diện. Kết quả là, tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao băng thông rộng đã giảm xuống khoảng 104% vào tháng 12/2012, trong khi tỷ lệ thuê bao điện thoại di động giảm xuống còn khoảng 151,8%. Tỷ lệ sử dụng Internet và máy tính trên cả nước giảm từ 71% đến 72% trong năm 2011. Nghiên cứu cho thấy 96% người từ 15-34 tuổi có truy cập Internet, trong khi khoảng 15% từ 60 tuổi trở lên sử dụng Internet[3]. Dựa trên dữ liệu thu thập từ các cơ quan Chính phủ, khoảng 3% dân số thuộc nhóm người khuyết tật. Người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7,2% lên 9,3% từ năm 2000 đến năm 2011[4]. Những nhóm người này thường thiếu hiểu biết, khó sử dụng, khó nhận biết vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông trong cuộc sống hàng ngày của họ. Vì vậy, họ không tương tác thông qua môi trường mạng với Chính phủ.

Thông qua cổng giao diện Công dân điện tử của Chính phủ Singapore (www.ecitizen.gov.sg), người dân Singapore có thể truy cập tới 1.600 dịch vụ bao gồm từ kinh doanh, y tế, giáo dục, giải trí đến việc làm và gia đình. Trong đó, 1.300 dịch vụ điện tử đã được giao dịch trực tuyến giữa người dân với Chính phủ. Cổng giao diện Công dân điện tử được chia theo từng danh mục dựa trên nhu cầu thực tế cuộc sống của từng cá nhân, trong đó từng bộ và ủy ban luật pháp cung cấp dịch vụ điện tử thông qua cùng một cổng.

Trong Kế hoạch tổng thể về CPĐT từ 2011 đến 2015 (eGov2015), Chính phủ Singapore đã tìm cách đưa cả người dân và các tổ chức khu vực công lại với nhau để cùng hưởng lợi từ những tiến bộ trong công nghệ và các nguyên tắc mới về dữ liệu mở. Đến năm 2014 Thủ tướng Singapore đưa ra sáng kiến xây dựng Quốc gia thông minh. Sau 5 năm triển khai, Chính phủ Singapore đã thay đổi hoàn toàn việc cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp bằng cách tận dụng phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, hệ thống thông minh... Hiện tại, người dân và doanh nghiệp Singapore thông qua cổng giao diện Công dân điện tử của Chính phủ Singapore (www.ecitizen.gov.sg), người Singapore có thể truy cập tới 1.600 dịch vụ bao gồm từ kinh doanh, y tế, giáo dục, giải trí đến công việc và gia đình và hơn 300 dịch vụ di động từ Chính phủ[5]. Cổng giao diện e-Citizen được chia thành các loại dựa trên nhu cầu thực tế của cuộc sống cá nhân, nơi mỗi bộ và ủy ban pháp luật cung cấp các dịch vụ điện tử thông qua cùng một cổng thông tin. Qua đó, người dân Singapore có thể truy cập một cửa đến các dịch vụ của Chính phủ: Điều này giúp cho họ không phải đi qua một rừng các thủ tục hành chính. Một vài dịch vụ điện tử thông dụng nhất thường được cung cấp là: nộp đơn xin mua nhà, tìm kiếm thông tin về các trường học, tìm kiếm việc làm, phát triển nghề nghiệp và đăng ký bầu cử. Các thành tựu trên của Singapore xuất phát từ các nguyên nhân như:

- Về công nghệ đồng sáng tạo: Kết quả của việc số hóa được người dân Singapore đánh giá cao khi nó cung cấp các dịch vụ trực tuyến được thiết kế tốt. Bên cạnh đó, người dân Singapore luôn sẵn sàng sử dụng các công cụ kỹ thuật số mới ngay cả khi nó khiến họ thay đổi thói quen, điều này là do các dịch vụ của Chính phủ kỹ thuật số đã tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc cho người dân và các cơ quan Chính phủ, đồng thời đơn giản hóa các bước liên quan đến quy trình. Do đó, sự phát triển của các dịch vụ Chính phủ kỹ thuật số sẽ chuẩn bị một tương lai tươi sáng cho Singapore, đồng thời đơn giản hóa cuộc sống của người dân. Mọi người rõ ràng muốn các dịch vụ dễ sử dụng và có giá trị sử dụng để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng số hóa sẽ khiến việc tiếp cận các dịch vụ của Chính phủ trở nên khó khăn hơn, thậm chí là không thể đối với một số nhóm người nhất định (bao gồm cả người cao tuổi, nhân dân và nhân viên Chính phủ). Ngoài ra, cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng có thể ảnh hưởng đến khu vực công do một bộ phận lớn người dân tin rằng nó sẽ làm giảm số lượng việc làm trong khu vực công.

- Về tính bảo mật và khả năng dễ dàng truy cập: Chính phủ Singapore đã rất quan tâm đến việc bảo mật thông tin và khả năng truy cập một cách dễ dàng. Do đó, đa số người dân Singapore cho rằng việc thông tin cá nhân sẽ bị truy cập và sử dụng trái phép là rất ít khi xảy ra và họ tin rằng Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân của họ. Bên cạnh đó, để đảm bảo các dịch vụ công trực tuyến trở thành lựa chọn đầu tiên hấp dẫn đối với người dân thì Chính phủ Singapore đã ưu tiên việc thiết kế lại các hệ thống với giao diện đẹp và thuận tiện cho người dùng.

Phong trào số hóa của Chính phủ Singapore đang tiến triển với tốc độ không ngừng. Chính phủ Singapore đã và đang hỗ trợ mạnh mẽ sự tăng trưởng kỹ thuật số của Singapore hướng tới những công dân kỹ thuật số tích cực, những người muốn hợp tác với Chính phủ để mang lại sự thay đổi. Người dân cũng đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ và ngày ngày càng hài lòng với các dịch vụ công trực tuyến so với các phương thức tham gia truyền thống khác.

Qua sự thành công của Chính phủ Singapore chúng ta rút ra được kinh nghiệm đó là Chính phủ Việt Nam cần nhất quán khi thực hiện các bước số hóa dịch vụ, trong đó đặc biệt chú ý đến ý kiến của người dân về việc đơn giản hóa ngôn ngữ và nâng cao khả năng sử dụng của dịch vụ. Xây dựng niềm tin vào khả năng cung cấp các dịch vụ của CPĐT an toàn và bảo mật cũng được coi là yếu tố quan trọng để chuyển đổi kỹ thuật số thành công.

2.       Kinh nghiệm của Phần Lan về xây dựng chính quyền điện tử cấp địa phương

Từ những năm 1990, Phần Lan là nước đi đầu trong việc khai thác CNTT và Truyền thông (ICT) để đổi mới nền kinh tế và cải cách hành chính công. Danh tiếng của Phần Lan là quốc gia tiên phong thành công về thông tin và dịch vụ CPĐT đã cho phép các quốc gia trên thế giới học hỏi kinh nghiệm của Phần Lan. Chương trình Xã hội thông tin Phần Lan bao gồm tất cả các lĩnh vực hành chính. Các mục tiêu của chương trình bao gồm:

- Thúc đẩy bình đẳng xã hội và khu vực

- Tăng khả năng cạnh tranh và năng suất.

- Cải thiện cuộc sống và chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc sử dụng CNTT và truyền thông trong toàn xã hội[6].

Đến năm 2001 thì Hội đồng tư vấn xã hội thông tin cho Chính phủ Phần Lan đã chỉ định một Ủy ban cấp cao để làm rõ những trở ngại chính trong việc triển khai CPĐT và chuẩn bị kế hoạch hành động. Thành viên của Ủy ban bao gồm đại diện các Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Kế hoạch hành động do Hội đồng trình bày bao gồm các vấn đề và khuyến nghị sau: CPĐT nên là một bộ phận quan trọng và không thể tách rời của tất cả các chiến lược phát triển của Chính phủ; Cải tiến các quy trình nội bộ được coi là nền tảng để triển khai các dịch vụ điện tử. Bao gồm cả chương trình đào tạo cho các nhà quản lý trong chính quyền bang và địa phương, đồng thời kết hợp chặt chẽ với cộng đồng để phát triển các biểu mẫu tương tác; Tăng cường nguồn lực để phát triển các dịch vụ điện tử trong chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội; Phát triển cổng thông tin điện tử của Chính phủ với trọng tâm là các giải pháp một cửa. Hướng tới nền dân chủ điện tử đồng thời bảo đảm khả năng tiếp cận của các dịch vụ điện tử. Đảm bảo chất lượng của các dịch vụ điện tử. Nâng cao kỹ năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tận dụng các dịch vụ điện tử.

Sau quá trình triển khai, các kết quả đạt được về cơ bản như sau: 100% cán bộ chính quyền địa phương có máy vi tính; 99% chính quyền địa phương có trang web; 100% cán bộ chính quyền địa phương sử dụng thư điện tử trong công việc; 100% giao dịch giữa ngân hàng và chính quyền địa phương được thực hiện bằng phương thức điện tử (trực tuyến); 60% chính quyền địa phương tiến hành họp trực tuyến[7].

Một điển hình tiêu biểu là thành công của thành phố Tampere, thành phố lớn thứ 3 của Phần Lan với dân số khoảng 200.000 người, trong đó 11.000 người làm việc trong các cơ quan chính quyền của địa phương. Tampere đã thực hiện xây dựng thành phố điện tử (eTampere) với mục tiêu là trở thành một thành phố dẫn đầu thế giới về xã hội thông tin. Tampere đã đưa ra 3 mục tiêu chính trong chiến lược này, đó là:

- Chiến lược này gắn liền với chiến lược phát triển doanh nghiệp của địa phương và chiến lược phát triển của tỉnh.

- Các mô hình kinh doanh mới sẽ được tạo ra nhờ vào xã hội thông tin.

- Tăng cường nghiên cứu và đào tạo[8].

Chiến lược này của Tampere là một chiến lược đầy tham vọng và được triển khai trên phạm vi rộng khắp thành phố với mục tiêu đến năm 2012 thành phố này sẽ trở thành 1 thành phố xã hội thông tin cho người dân và phát triển theo hướng bền vững. Để đảm bảo quyền truy cập của người dân, chính quyền thành phố đã thiết lập khoảng 100 điểm truy cập công cộng miễn phí tại các thư viện, trường học và bưu điện. Ngoài ra, thành phố cũng triển khai mạng không dây miễn phí tại các khu vực trung tâm thành phố. Cơ sở hạ tầng CNTT và truyền thông và việc áp dụng công nghệ trong tất cả các cơ quan Chính phủ là những yếu tố then chốt trong việc đảm bảo thực hiện thành công chương trình eTampere. Chương trình này được phát triển trong vòng 5 năm với một khoản đầu tư khoảng 130 triệu Euro[9]. Do đây là một dự án lớn nên việc cấp tài chính được thực hiện một cách tập trung nhằm bảo đảm sự đơn giản trong việc xử lý kinh phí để thực hiện chương trình.

Việc thực hiện chương trình này đòi hỏi sự phối hợp của cả khu vực nhà nước, tư nhân và bên thứ ba để theo đuổi các mục tiêu chung. Vì vậy, việc có một cơ chế hiệu quả để quản lý sự phối hợp giữa các bên này là rất quan trọng. Thành phố cũng ban hành khung pháp lý quy định việc phối hợp, hợp tác giữa các bên để triển khai thực hiện.

3.       Kinh nghiệm của Đức xây dựng Chính phủ điện tử

Tại Tọa đàm giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức về xây dựng CPĐT, GS.TS Wilfried Bernhardt cho biết: “Đức là một nhà nước liên bang nên không có chính quyền điện tử thống nhất. Tuy nhiên đã có rất nhiều nỗ lực trong Chính phủ, cơ quan quản lý hành chính, giới khoa học và trong các doanh nghiệp làm cho sự không thống nhất này này không trở nên quá lớn và bảo đảm áp dụng Chính phủ điện tử hiệu quả nhất, hiệu lực nhất và thân thiện với người dân nhất, theo nguyên tắc thực hành tốt nhất”[10].

Chính phủ Đức đã thực hiện một chương trình hành động kéo dài 5 năm với chi phí thực hiện là 5,9 tỉ Euro có tên gọi “Đổi mới và việc làm trong xã hội thông tin của thế kỷ 21” để hiện đại hóa Chính phủ, thúc đẩy việc sử dụng CNTT và truyền thông trong mọi lĩnh vực của xã hội để chống thất nghiệp và đưa Đức trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về CNTT ở châu Âu[11]. Sáng kiến “BundOnline 2005” là một trong những sáng kiến chính trong chương trình hành động này nhằm thực hiện CPĐT. Tất cả các dịch vụ hành chính được đặt mục tiêu sẽ được cung cấp trực tuyến vào năm 2005.

Một số Bang tự trị của Đức tự đưa ra chương trình CPĐT của riêng mình và chịu trách nhiệm về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của chính họ. Trong trường hợp này, Chính phủ Liên bang Đức hợp tác với Chính phủ của bang tự trị để thực hiện việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở cấp liên bang, tự trị và địa phương. Điều này được thực hiện thông qua việc xây dựng môi trường pháp lý cho thương mại điện tử, CPĐT. Tại một số Bang của Đức, các dịch vụ công trực tuyến đã được các thành phố, thị xã triển khai và cung cấp dưới nhiều hình thức. Một số địa phương đã kết hợp dịch vụ công trực tuyến với các dịch vụ liên quan đến thương mại điện tử thành một hệ thống. Ngay từ giai đoạn đầu triển khai, Chính phủ đã tập trung thảo luận về cách thức đảm bảo CPĐT và các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện một cách an toàn, hợp pháp và được thảo luận về cách các dịch vụ có thể hoạt động trên các phương tiện khác nhau. Năm 1997, Đức là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa chữ ký điện tử vào văn bản pháp luật và năm 2001, luật này được đưa vào chỉ thị của Châu Âu, tạo cơ sở cho việc sử dụng chữ ký điện tử thông qua thẻ chip.

Năm 2013, Luật CPĐT của Liên bang có hiệu lực. Ngoài các quy định pháp luật của Đức về CPĐT, còn có nhiều quy định của Liên minh châu Âu áp dụng cho các cơ quan quản lý và người dân, ví dụ như Nghị định eIADS (Nghị định EU số 910/2014 về nhận dạng điện tử và “dịch vụ tin tưởng” đối với các giao dịch điện tử trong thị trường nội khối).

Hiện nay, việc truy nhập lấy thông tin của cơ quan hành chính cũng như của các bộ là việc đương nhiên đối với người dân ở Đức. Ở tất cả các bang, thông tin được cung cấp thông qua các Cổng thông tin điện tử. Ngoài việc truy cập thông tin, người dân và doanh nghiệp còn nộp đơn điện tử đến các cơ quan quản lý nhà nước và nhận được các quyết định về đơn, cũng dưới dạng điện tử…

III. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong xây dựng Chính phủ điện tử

Trên cơ sở những nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng CPĐT ở một số quốc gia trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, trong việc xây dựng chính sách, pháp luật cho CPĐT:

Việc xây dựng thể chế, môi trường pháp lý cần đi trước để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai các hoạt động xây dựng CPĐT, tiến tới cải cách nền hành chính quốc gia. Cần nghiên cứu, xây dựng một cách thống nhất, toàn diện các thể chế, chính sách đối với tất cả các hoạt động liên quan trong quá trình xây dựng CPĐT, từ đó tạo hành lang pháp lý toàn diện, đảm bảo hiệu quả trên thực tế của hoạt động xây dựng CPĐT.

Thứ hai, qua kinh nghiệm của các nước, để hoạt động xây dựng CPĐT đạt được hiệu quả như mong muốn thì trước hết cần phải tiến hành tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, trong đó chú trọng tới việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Kinh nghiệm này đã được ứng dụng trong quá trình xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống e-Cabinet và đã nhận được kết quả tích cực. Các dịch vụ công được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia phải đáp ứng yêu cầu về tái cấu trúc quy trình, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, trong việc triển khai các hoạt động xây dựng CPĐT, cần lấy người dùng làm trung tâm, từ đó đề ra phương hướng, các nhiệm vụ xây dựng và phát triển CPĐT. Đây là quan điểm xuyên suốt trong tất cả các nhiệm vụ từ xây dựng CPĐT đến cải cách hành chính. Việc lấy người dùng làm trung tâm sẽ nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai. Cổng dịch vụ công quốc gia khi được xây dựng và đưa vào triển khai cung cấp dịch vụ công cũng phải luôn đề cao tính thân thiện, tiện dụng với người dùng và lựa chọn các dịch vụ công thiết yếu, phù hợp để ưu tiên tích hợp trước.

Thứ tư, việc xây dựng CPĐT cần phải có sự vào cuộc tích cực của bộ, sở, ngành, chính quyền các địa phương và phải huy động được sự tham gia của cả xã hội, trên cơ sở vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Cải cách thủ tục hành chính, xây dựng CPĐT là nhiệm vụ lớn, cần sự vào cuộc của cả xã hội, không chỉ từ phía cơ quan nhà nước.

Theo đó, cũng cần quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động hàng ngày của cơ quan nhà nước. Việc truyền thông cho đối tượng là người dân, doanh nghiệp thực hiện sẽ tạo sự ủng hộ, khuyến khích việc tham gia thực hiện, góp ý, phản biện để cải thiện chất lượng dịch vụ; còn truyền thông, đào tạo cho cán bộ, công chức sẽ giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự ủng hộ, tham gia quản lý, vận hành đảm bảo thông suốt, hiệu quả.

Thứ năm, hoạt động xây dựng CPĐT phải được tiến hành theo phương pháp khoa học, chú trọng đến tính khả thi của việc triển khai. Các hệ thống thông tin Chính phủ do Văn phòng Chính phủ triển khai đều phải xây dựng Đề án để xác định rõ mục tiêu, phạm vi, chức năng, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, sau đó mới triển khai. Các hệ thống lớn như Cổng dịch vụ công quốc gia trước khi vận hành chính thức đều phải qua 4 quá trình (chạy thử trên môi trường thử nghiệm, chạy thật trên môi trường thử nghiệm, chạy thử trên môi trường thật và chạy thật trên môi trường thật), đồng thời gắn chặt chẽ với việc bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống.

 


[1] Quang Trường (2015), “Chính phủ điện tử”, Tạp chí Điện tử Tổ chức nhà nước, https://tcnn.vn/news/detail/8061/Chinh-phu-dien-tu.html, [Truy cập ngày 09/6/201/21].

[2] Quang Trường (2015), “Chính phủ điện tử”, Tạp chí Điện tử Tổ chức nhà nước, https://tcnn.vn/news/detail/8061/Chinh-phu-dien-tu.html, [Truy cập ngày 09/6/201/21].

[3] Cục Tin Học Hóa (28/12/2015), Kinh nghiệm của Singapore trong việc thúc đẩy sự tham gia vào chính phủ điện tử, https://aita.gov.vn/kinh- nghiem-cua-singapore-trong-viec-thuc-day-su-tham-gia-vao-chinh-

[4] Cục Tin Học Hóa (28/12/2015), Kinh nghiệm của Singapore trong việc thúc đẩy sự tham gia vào chính phủ điện tử, https://aita.gov.vn/kinh- nghiem-cua-singapore-trong-viec-thuc-day-su-tham-gia-vao-chinh-

[5] Cục Tin Học Hóa (28/12/2015), Kinh nghiệm của Singapore trong việc thúc đẩy sự tham gia vào chính phủ điện tử, https://aita.gov.vn/kinh- nghiem-cua-singapore-trong-viec-thuc-day-su-tham-gia-vao-chinh-

[6] Ministry Of Finance Finland (2007), Overview of Enterprise Architecture work in 15 countries - Finnish Enterprise Architiecture Research Project, 6b/2007. Accessed June 12, 2021

[7] Trần Kiên (2017), Tổng quan về Kiến trúc Chính phủ điện tử của Phần Lan, Cục Tin Học Hóa, https://aita.gov.vn/tong-quan-ve-kien-truc- chinh-phu-dien-tu-cua-phan-lan, [Truy cập ngày 07/02/2021]

[8] Ministry Of Finance Finland (2007), Overview of Enterprise Architecture work in 15 countries - Finnish Enterprise Architiecture Research Project, 6b/2007. Accessed June 12, 2021

[9] Ministry Of Finance Finland (2007), Overview of Enterprise Architecture work in 15 countries - Finnish Enterprise Architiecture Research Project, 6b/2007. Accessed June 12, 2021

[10] Hoàng Anh (2021), Trao đổi kinh nghiệm về xây dựng Chính phủ điện tử, Trang thông tin Chính phủ điện tử, .egov.chinhphu.vn/trao-doi- kinh-nghiem-ve-xay-dung-chinh-phu-dien-tu-a-NewsDetails-37505-14- 186.html, [Truy cập ngày 03.02.2021].

[11] Gerd Wittkemper & Ralf Kleindiek (2003), "BundOnline 2005 - The E- Government Initiative of the German Federal Administration", Journal of Political Marketing, Accessed June 13, 2021