Thứ sáu, 29 Tháng 3 2024 15:37

Phân tích khái quát về quá trình phát triển của các Hiệp định thương mại tự do và mối quan hệ của bảo hộ sở hữu trí tuệ trong hợp tác thương mại

1. Khái quát về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do

Trong thời đại ngày nay, đối với các hoạt động hợp tác phát triển nói chung, các quốc gia, khu vực đang dần tách khỏi các nền tảng chung đã thiết lập (nhưng không phải từ bỏ mà dựa trên đó) để tạo lập những liên kết nhỏ hơn nhưng có chiều sâu và nhằm hướng đến những “luật chơi” mới khắc phục “tính phổ quát” của các quy tắc cũ. Một trong số các biểu hiện rõ ràng cho thấy xu hướng này là việc các quốc gia cùng nhau ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương. Xu hướng này tuy mới, nhưng cũng không nằm ngoài mục tiêu liên kết tìm kiếm lợi nhuận lớn nhất, lợi ích lớn nhất từ các nền kinh tế. Trên thực tế, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã rất tích cực trong việc ký kết và tham gia các hiệp định thương mại tự do. Thậm chí, đối với một số quốc gia mà trước đây không thực sự mặn mà với các hiệp định thương mại tự do như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU thì nay cũng đã có những thay đổi nhất định. Cùng với đó, nội dung và phạm vi liên kết của các hoạt động kết nối cũng đã có những thay đổi đáng kể, liên quan đến nhiều vấn đề mới như mua sắm công, lao động, môi trường.... Thế nhưng, những thách thức đặt ra từ những nội dung truyền thống của thương mại tự do vẫn không suy giảm mà còn có những biến đổi nhất định trong điều kiện mới. Một trong số các nội dung cần quan tâm là vấn đề về bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. Bối cảnh khu vực hóa và toàn cầu hóa đã và đang tác động tới hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở cả chiều sâu và chiều rộng. Ở chiều ngược lại, các mối quan tâm về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại quốc tế cũng có tác động trực tiếp tới quá trình hình thành và phát triển của các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.

2. Xu hướng phát triển của các hiệp định thương mại tự do

Trong số các hình thức hợp tác kinh tế toàn cầu, đa phương hóa thương mại ở quy mô toàn cầu được định hình rõ nét và dần có những dấu ấn nổi bật kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai với sự ra đời của hiệp định GATT, và sau này là WTO nhằm mục đích kiến thiết và phát triển hệ thống thương mại tự do trên toàn cầu. Sau này, do những bất đồng về quan điểm và mâu thuẫn về lợi ích khiến cơ chế đa phương ngày càng trở nên bế tắc, các quốc gia đã chuyển hướng sang các hợp tác song phương và khu vực. Trong đó, các hiệp định thương mại khu vực (Regional Trade Agreements - RTA) là khái niệm chỉ những thỏa thuận tự do hóa thương mại giữa các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các hiệp định RTA cũng có nhiều cấp độ khác nhau và nếu nội dung thỏa thuận chỉ ở mức độ cắt giảm thuế quan cho nhau thì được gọi là hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA). Theo thời gian, các hiệp định thương mại tự do đã mở rộng tới cả các lĩnh vực như đầu tư, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, cơ chế giải quyết tranh chấp,... Với xu hướng “bùng nổ” các hiệp định thương mại tự do, khái niệm hiệp định thương mại tự do được sử dụng thay thế cho cả các khái niệm như hiệp định thương mại khu vực (RTA), khu vực thương mại tự do (Regional Trade Area)¹. Câu hỏi đặt ra là ngoài việc bổ sung những nội dung mới, các hiệp định thương mại tự do mới đã điều chỉnh các nội dung truyền thống, cụ thể là về bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ như thế nào. Cùng với đó, có xuất hiện những xung đột mới nào nảy sinh hay không. Lợi ích nào từ các hiệp định thương mại tự do sẽ được các chính phủ ưu tiên hơn?[1], v.v..

Trước hết, rõ ràng là việc tham gia vào các hiệp định thương mại giúp cho các quốc gia, các chính phủ đạt được những lợi ích đáng kể. Theo John Whalley: “Đối với những nền kinh tế mạnh, mục tiêu của họ là nhằm tìm kiếm các liên minh có tính chiến lược và thiết lập ở đó những quy tắc nên tảng mà ẩn chứa sau đó là các cam kết, thỏa thuận giữa các thành viên về an ninh kinh tế, thương mại lâu dài (ví dụ như Liên minh châu Âu, dù đây không đơn thuần là một liên hiệp về kinh tế, thương mại). Trong khi đó, các quốc gia nhỏ hơn coi việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn giống như việc tìm kiếm cơ hội để có được những thị trường rộng lớn của các đối tác này thông qua những nhượng bộ (qua lại lẫn nhau) về các rào cản thương mại của các bên sẽ giúp tạo những thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường cũng như đồng thuận về các tiêu chuẩn mà ở đó các bên đều có lợi, bất kể các nước tham gia lớn hay nhở. Nhờ đó, những lợi ích thúc đẩy phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng cơ sở, xuất - nhập khẩu hàng hóa, giao lưu thương mại, v.v., giúp các chính phủ bảo đảm tốt hơn những nhu cầu (trước hết là) về kinh tế của người dân.

Do các hiệp định thương mại tự do chủ yếu được xem xét dưới góc độ hợp tác kinh tế nên việc tìm đến với các liên kết hiệp định thương mại tự do có thể được nhìn nhận từ hai khía cạnh như John Whalley đã phân tích. Tuy nhiên, mục đích kinh tế nhiều khi không phải là ưu tiên của các quốc gia trong bài toán khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do[2]. Một số quốc gia coi việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do giống như một bước đệm để tiến tới các mục tiêu xa hơn trong tương lai. Trong những trường hợp như vậy, mục tiêu ẩn chứa đằng sau các giá trị kinh tế dường như là cơ hội hoàn thiện hệ thống pháp lý trong nước để từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn. Nhờ đó, quốc gia sẽ sớm thiết lập được khuôn khổ pháp lý nội bộ nhằm bảo đảm sự an toàn cho việc tham gia của chính họ vào các liên kết lớn hơn. Đồng thời, thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại tự do như vậy, cũng giúp các quốc gia nhận được sự hỗ trợ của đối tác trong tiến trình cải cách. Ví dụ đối với Việt Nam, sau khi ký kết hiệp định song phương với Hoa Kỳ, đã nhận được hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ trong thực hiện các cam kết (theo dự án STAR) như cung cấp trợ giúp kỹ thuật trong các lĩnh vực cải cách pháp lý, hải quan, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch cho chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như cung cấp cho Việt Nam những kinh nghiệm, kỹ năng chuyên sâu trong thực thi các cam kết thương mại[3].

Một mục tiêu khác của các quốc gia cần được nhắc đến là việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do giúp nâng cao khả năng đàm phán trong các cuộc thương lượng với bên thứ ba. Mục tiêu này được cho là đã thể hiện thành công bởi các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu vào thập niên 50 của thế kỷ XX. Ở thời điểm đó (chưa hình thành Liên minh châu Âu), việc các quốc gia đơn lẻ tham gia đàm phán thương mại với đối tác Hoa Kỳ bị đánh giá là gặp nhiều bất lợi. Do đó, các quốc gia này đã tìm đến một giải pháp là liên kết với nhau để cùng tạo thể cân bằng trong thương lượng với Hoa Kỳ. Gần hơn, mỗi liên kết giữa các quốc gia Đông Nam Á trong khu vực ASEAN cũng cho thấy các nước này đang liên kết nhằm mục tiêu hướng đến các đối tác bên ngoài (như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Ôxtrâylia,...) hơn là dành ưu tiên cho các thành viên nội khối. Tuy nhiên, mức độ liên kết các quốc gia trong khu vực càng được củng cố thì mục tiêu hướng ra các đối tác bên ngoài càng được đảm bảo.

Như vậy, chỉ thông qua việc tiến hành tham gia một hiệp định thương mại tự do, mỗi quốc gia có thể xác định một hoặc một số mục tiêu nhất định và trong đa số các trường hợp, việc đánh giá các mục tiêu hoặc phân định mức độ ưu tiên dành cho mục tiêu nào là rất khó khăn. Tất nhiên, dù với mục tiêu nào thì cái đích cuối cùng mà quốc gia mong muốn chính là tương lai của người dân, làm thế nào để bảo đảm tốt nhất các quyền.

Những nội dung chính thường thấy trong các hiệp định thương mại tự do bao gồm các thỏa thuận về dịch vụ - thuế quan, đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động và môi trường.... Trong đó, những nội dung truyền thống là những thỏa thuận về thuế quan, dịch vụ hàng hóa, đầu tư, sở hữu trí tuệ. Các vấn đề về lao động, môi trường và mua sắm công là những chủ đề mới được lồng ghép trong các tiến trình đàm phán hiệp định thương mại tự do gần đây. Chính vì vậy, xuất hiện khái niệm hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cụ thể là theo quan niệm hiện nay có tổng thể là ba thế hệ về hiệp định thương mại tự do.

Thứ nhất, các hiệp định thương mại tự do thế hệ đầu tập trung vào tự do hóa thương mại hàng hóa hữu hình, thông qua cắt giảm thuế quan và cùng nhau thỏa thuận loại bỏ các rào cản phí thuế quan. Các thành viên của hiệp định thương mại tự do giai đoạn này thường là các quốc gia có sự gần gũi về mặt địa lý, thuận lợi trong giao thương. Đây là sự tranh thủ vượt trước, tạo thuận lợi và tận dụng các lợi thế để phát triển. Thứ hai, các hiệp định thương mại tự do thế hệ thứ hai ra đời trong bối cảnh phát triển của hoạt động sản xuất vật chất, các hoạt động dịch vụ liên quan ngày càng phát triển và dần tách ra trở thành một ngành kinh tế có tiềm năng phát triển. Sự phát triển của khoa học - công nghệ trong những thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ hai càng thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành dịch vụ. Trong bối cảnh chuyển đổi đó, nội dung các hiệp định thương mại tự do cũng được mở rộng, không chỉ tự do hóa sản phẩm hàng hóa hữu hình mà bao gồm cả sản phẩm dịch vụ và đầu tư, xóa bỏ các điều kiện tiếp cận thị trường trong lĩnh vực dịch vụ. Trong giai đoạn này, hiệp định thương mại tự do không chỉ mở rộng nội dung thỏa thuận sản phẩm và dịch vụ, mà còn được mở rộng về không gian địa lý, bao gồm hai hoặc nhiều hơn các thành viên có thể không kề cận về địa lý. Bước sang thế kỷ XXI, cùng với sự gia tăng xu thế toàn cầu hóa, thương mại quốc tế ngày càng được tăng cường. Quá trình toàn cầu hóa tạo điều kiện và thúc đẩy các hoạt động giao dịch và đòi hỏi các quốc gia phải cải cách hoàn thiện thể chế, nâng cao các tiêu chuẩn và điều kiện, môi trường lao động. Quá trình tự do hóa thương mại gắn chặt với quá trình hợp tác, liên kết sản xuất. Nền sản xuất thế giới hình thành các mạng sản xuất và các chuỗi giá trị, mà mỗi quốc gia, mỗi nhà sản xuất tùy thuộc điều kiện và năng lực của mình tham gia các phân đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu. Chính vì vậy, các thỏa thuận thương mại trên cơ sở các hiệp định thương mại tự do không chỉ gồm các thỏa thuận trao đổi hàng hóa và dịch vụ, xúc tiến đầu tư, mà còn có cả các nội dung, yêu cầu mới mà trong khuôn khổ GATT/WTO chưa có quy định, bao gồm những lĩnh vực, như thuận lợi hóa thương mại, hoạt động đầu tư, mua sắm chínhphủ, chính sách cạnh tranh, các biện pháp phi thuế quan, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, lao động, môi trường, thậm chí còn gắn với những vấn đề dân chủ, nhân quyền hay chống khủng bố... Các hiệp định thương mại tự do với các nội dung mới như vậy chính là thế hệ thứ ba, mà hiện nay thường được gọi là “hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” với năm đặc trưng: (1) mức độ tự do hóa thương mại cao, độ mở của nền kinh tế rất cao, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ... cơ bản được tự do luân chuyển trong phạm vi không gian các quốc gia thành viên; (2) phạm vi cam kết rộng, không chỉ các nội dung liên quan đến tự do hóa thương mại mà cả các nội dung phi thương mại nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh công bằng; (3) các cam kết sâu, rộng, nhưng cũng linh hoạt, tạo điều kiện cho các nước đi sau (các nước đang phát triển) có thể điều chỉnh chính sách theo lộ trình phù hợp với trình độ phát triển của mình. Nếu như trong hiệp định thương mại tự do truyền thống, lộ trình cắt giảm thuế thường kéo dài không quá 10 năm, thì trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhìn chung lộ trình được triển khai nhanh hơn. Chẳng hạn đối với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau này là CPTPP, ngoài các mặt hàng được giảm thuế ngay, các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5 năm đến 10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan; (4) cơ chế giám sát có yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn trong quá trình thực thi. Ví dụ theo quy tắc xuất xứ, nếu các nước đối tác phát hiện ra mặt hàng nào đó xuất khẩu với số lượng ồ ạt từ một nước có năng lực sản xuất còn hạn chế, họ sẽ thành lập đoàn kiểm tra, nếu vi phạm, thì sẽ bị trừng phạt rất nặng. Ngoài ra, các hiệp định mới cũng đòi hỏi việc xử lý vi phạm chặt chẽ, nghiêm khắc hơn, như Hiệp định CPTPP yêu cầu hình sự hóa hàng loạt hành vi xâm phạm quyền theo hướng hạ thấp yếu tố cấu thành tội phạm, thậm chí yêu cầu phải xử lý hình sự ngay cả khi chủ sở hữu hoặc bên thứ ba không yêu cầu; và (5) áp dụng cơ chế pháp lý mới trong giải quyết các tranh chấp phát sinh. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nêu rất rõ quy chế giải quyết tranh chấp bằng việc nhà nước kiện nhà nước hoặc nhà đầu tư kiện nhà nước mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ cũ không có.

3. Mối quan tâm của các quốc gia đối với việc bảo hộ sở hữu trí tuệ trong thương mại tự do quốc tế

Đối với sở hữu trí tuệ, quá trình lồng ghép vấn đề này trong các hoạt động thương mại quốc tế nói chung và các hiệp định thương mại tự do nói riêng cũng cho thấy nhiều điều đáng chú ý. Đầu tiên, cần khẳng định rằng pháp luật về sở hữu trí tuệ đã xuất hiện trước và chủ yếu trong phạm vi của các quốc gia. Hiệp định Pari về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1883 được xem là văn kiện pháp lý có tính chất quốc tế đầu tiên về vấn đề này. Trong khi đó, pháp luật về thương mại quốc tế ra đời muộn hơn - chủ yếu được định hình sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng phải đến thập niên 90 của thế kỷ XX, những quy tắc bảo hộ sở hữu trí tuệ mới được đưa vào các hiệp định thương mại, thể hiện gần như đồng thời ở Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và vòng đàm phán Urugoay (Uruguay Round)[4]. Kể từ đó, mỗi liên hệ giữa bảo hộ sở hữu trí tuệ với thương mại tự do ngày càng được thúc đẩy, củng cố. Sự mở rộng của mối liên hệ này thông qua cơ chế của WTO dường như nhằm mục đích bảo vệ cho các chủ sở hữu tài sản trí tuệ. Thế nhưng, hiệu quả của việc gắn tài sản trí tuệ với khả năng tiếp cận thị trường đã không được như mong đợi. Chẳng hạn như TRIPS cũng chỉ mang đến cho các nước đang phát triển một số lợi ích mà hầu như là khó đoán định. Để làm rõ được điều này, cần điểm lại về quá trình đàm phán xây dựng TRIPS.

Kể từ cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, Hoa Kỳ tỏ rõ sự thất vọng về các cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện hữu và cố gắng đưa vấn đề này vào quá trình đàm phán GATT nhằm nâng cao cơ chế bảo vệ quyền cho các chủ sở hữu sáng chế. Do chịu sự phản đối của một số quốc gia nên nội dung này phải đợi đến 1989 mới được đưa vào chương trình nghị sự, sau khi nhận được sự đồng thuận của Braxin và Ấn Độ. Lúc này, có ba luận điểm chính được đưa ra (chủ yếu bởi Hoa Kỳ) gồm: (1) xác định những tiêu chuẩn tối thiểu; (2) xây dựng và áp dụng các cơ chế với những quốc gia thành viên; và (3) thiết lập hệ thống trọng tài thương mại quốc tế đủ mạnh nhằm giải quyết những tranh chấp phát sinh liên quan đến các vấn đề chưa được thống nhất[5].

Những đề xuất này vẫn nằm trong khuôn khổ điều chỉnh các quy tắc của WIPO và chịu sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đang phát triển vì họ sẽ phải thực hiện những thay đổi rất lớn về hệ thống pháp lý.

Mặc dù vậy, khi không thể thuyết phục các quy tắc mới trong khuôn khổ WIPO, các quốc gia phát triển đã đưa đề xuất của họ theo một hướng mới - gắn với thương mại.

Về cơ bản, khái niệm tự do hóa thương mại có thể được hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là “quá trình dỡ bỏ các rào cản thương mại đối với hàng hóa của các đối tác tùy cấp độ hội nhập”. Nhưng lại cần phải làm rõ được thế nào là các “rào cản thương mại”? Ban đầu, các rào cản thương mại chỉ được xác định chủ yếu là thuế và một số chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa và đầu tư. Do đó, các quốc gia mong muốn thúc đẩy bảo hộ sở hữu trí tuệ đã lập luận rằng việc không có sự bảo vệ mới đối với các quyền sở hữu trí tuệ chính là một loại rào cản thương mại (chẳng hạn như việc không giữ được các quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm y được hoặc DVDs sẽ gây ức chế thương mại xuất khẩu). Đây là một lập luận khó bác bỏ và đã giúp các nước phát triển thúc đẩy được mục đích ban đầu của họ. Hệ quả là TRIPS cũng như WTO được thiết lập sau đó - như những cơ chế quốc tế đầu tiên gắn kết thương mại và sở hữu trí tuệ, và “hầu như thể hiện các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ của các nước phát triển”. Như vậy, ngay từ ban đầu, các nước đang phát triển đã phản đối nhưng vẫn buộc phải chấp nhận sự lồng ghép vấn đề sở hữu trí tuệ vào các hoạt động thương mại quốc tế. Điều này phần nào cho thấy lợi ích mà các quốc gia đang phát triển có được từ sự lồng ghép này có thể không đáng kể, nhưng họ cần chấp nhận để đổi lại cơ hội tiếp cận thị trường của các nước phát triển. Điều hiển nhiên là không phải quốc gia nào cũng quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ vào thời điểm đó (dưới cơ chế của WIPO), nhưng hầu như quốc gia nào cũng cần đến thương mại quốc tế. Do đó, việc lồng ghép vấn đề sở hữu trí tuệ vào thương mại quốc tế không chỉ giúp các quốc gia phát triển thành công trong bảo vệ các tài sản trí tuệ của quốc gia họ mà còn giúp mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các quy tắc sở hữu trí tuệ này tới hầu hết các quốc gia khác.

Hiệp định TRIPS đã đặt ra các tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu, tăng cường mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên phạm vi rộng lớn hơn so với cơ chế WIPO, đồng thời, TRIPS cũng là hiệp định đầu tiên quy định một cách chi tiết về vấn để thực thi quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại của WTO để xử lý các tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Điều này giúp tạo lập một cơ chế mới bảo vệ cho các quyền sở hữu trí tuệ. Thế nhưng, sự phát triển của hoạt động thương mại kéo theo tốc độ quốc tế hóa của hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã dẫn tới tình trạng vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ ngày càng bị lan rộng và trở nên tinh vi hơn. Cùng với đó, mục đích ban đầu của các nước phát triển dường như cũng không hoàn toàn đạt được do hiệp định TRIPS cho phép các quốc gia đang phát triển áp dụng thời kỳ chuyển đổi mà không cần ngay lập tức đáp ứng các quy định của TRIPS. Khoảng trống này đã được tận dụng tối đa bởi các nước đang phát triển và khiến các nước phát triển phải suy tính những bước đi mới. Chính vì vậy, các nước phát triển đã tận dụng sức ảnh hưởng của họ về kinh tế, thương mại và cả chính trị để đẩy mạnh xây dựng các tiêu chuẩn "TRIPS PLUS” thông qua các thể chế đa phương, lúc này, những bất đồng vốn có giữa hai khối, cộng thêm những bất đồng mới liên quan đến một số quy định của TRIPS như chưa có những quy định về các vấn đề bảo hộ tri thức truyền thống hay nguồn gen gắn với lợi ích của các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển, vấn đề lixăng cưỡng bức chưa được giải thích rõ ràng... khiến cho việc đàm phán về tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thể chế thương mại đa phương rơi vào bế tắc. Do đó, để đạt được mục đích bảo hộ cao hơn đối với các quyền sở hữu trí tuệ, các nước phát triển đã buộc phải sử dụng chiến thuật "bẻ đũa", tiến hành đàm phán riêng rẽ với các đối tác tiềm năng thay vì phải đối đầu với khối liên kết đông đảo của các nước đang phát triển trong cơ chế đa phương và con đường được lựa chọn thúc đẩy chính là thông qua các hiệp định thương mại tự do cấp khu vực hoặc song phương.

 


[1] Xem Bùi Trường Giang: Hướng tới chiến lược HĐTMTD của Việt Nam: Cơ sở lý luận và thực tiễn Đông Á, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010

[2] John Whalley: Why Do Countries Seek Regional Trade Agreements? trong "The Regionalization of the World Economy", Nxb. University of Chicago Press, 1998

[3] Bộ Thương mại: Báo cáo tổng hợp một số vấn đề chủ yếu cần xử lý khi thực hiện các cam kết trong hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và tiến trình tham gia WTO của Việt Nam, Đề tài cấp bộ, 2004

[4] John M. Curtis: Intellectual property rights and international trade: An overview, CIGI papers, no. 3, The Centre for International Governance Innovation, 2012

[5] Cícero Gontijo: Changing the patent system from the Paris convention to the TRIPS agreement: The Position of Brazil, Global Issue Paper No. 26, Published by the Heinrich Böll Foundation, tr.10, https://www.boell.de/sites/default/files/assets/boell.de/images/download_de/internationalepolitik/GIP26.pdf

Đăng ký nhận email

Đăng ký email để có thể có được những cập nhật mới nhất về tải liệu được đăng tải trên website

Tập san đã phát hành